Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI

--------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 65/2013/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 17 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN - VĂN HÓA ĐỒNG NAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước số 08/1998/QH10 ngày 20 tháng 5 năm 1998;

Căn cứ Luật Thủy sản số 17/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng số 29/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20/10/2008 của Chính phủ về việc quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi;

Căn cứ Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;

Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;

Căn cứ Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 13/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai tại Tờ trình số 161/TTr-KBTTNVHĐN ngày 10/5/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định về tổ chức và hoạt động của Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 10/2006/QĐ-UBND ngày 20/02/2006 của UBND tỉnh Đồng Nai ban hành bản Quy định về tổ chức và hoạt động của Khu Bảo tồn Thiên nhiên và Di tích Vĩnh Cửu.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai; Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đinh Quốc Thái

 

QUY ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN - VĂN HÓA ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 65/2013/QĐ-UBND ngày 17 tháng 10 năm 2013 của UBND tỉnh Đồng Nai)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai (sau đây gọi tắt là Khu Bảo tồn) là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, có chức năng giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn nằm trong phạm vi quản lý của Khu Bảo tồn.

Khu Bảo tồn chịu sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, là Khu Bảo tồn duy nhất trong cả nước vừa quản lý diện tích rừng, đất lâm nghiệp, vừa quản lý diện tích đất ngập nước nội địa rộng lớn và đặc biệt quản lý ba di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Do vậy, Khu Bảo tồn hoạt động theo quy chế quản lý rừng đặc dụng và hoạt động theo quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, đồng thời tuân thủ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học, Luật Di sản văn hóa, Luật Thủy sản, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Đất đai, Luật Du lịch, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai thực hiện quản lý Nhà nước đối với Khu Bảo tồn trong một số lĩnh vực thuộc hoạt động chuyên ngành.

Điều 2. Khu Bảo tồn có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại ngân hàng, kho bạc Nhà nước.

Trụ sở chính của Khu Bảo tồn đặt tại ấp 1, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai;

- Số điện thoại: (0613) 861 290, số fax: (0613) 960 157;

- Địa chỉ Website: http://www.dongnaireserve.org.vn;

- Email: dongnaireserve@gmail.com; kbtdn@dongnai.gov.vn.

Chương II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 3. Nhiệm vụ của Khu Bảo tồn

1. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 05 năm và hàng năm về công tác của Khu Bảo tồn. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt.

2. Tổ chức quản lý, bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái rừng, cảnh quan tự nhiên và các loài động vật, thực vật rừng, góp phần mở rộng nơi cư trú và cho các loài động vật hoang dã. Thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng; phòng trừ sâu bệnh hại rừng. Tổ chức ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên thiên nhiên thuộc phạm vi Khu Bảo tồn quản lý.

3. Quy hoạch, tổ chức bảo tồn và tái tạo các loài thủy sinh bản địa; thực hiện quản lý, khai thác, thu mua, tiêu thụ thủy sản một cách hợp lý và bền vững trên hồ Trị An; tổ chức các dịch vụ cung ứng vật tư, thiết bị, thức ăn nuôi trồng thủy sản.

4. Quy hoạch, tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát việc nuôi trồng thủy sản trong hồ, các lồng bè, đăng chắn lưới trên vùng eo ngách, bán ngập trên nguyên tắc không gây ô nhiễm vùng nuôi, không ảnh hưởng đến lượng nước hồ Trị An.

5. Tổ chức quản lý, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị cấp có thẩm quyền xét công nhận các giá trị văn hóa, tự nhiên của Khu Bảo tồn.

6. Tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái rừng; sinh thái hồ Trị An; du lịch sinh thái nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch về nguồn nhằm phát huy các giá trị cảnh quan, môi trường và di tích lịch sử văn hóa.

7. Hợp tác, liên kết với các tổ chức, các nhà khoa học trong nước, ngoài nước để thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các lĩnh vực có liên quan. Tổ chức các dịch vụ liên quan đến nghiên cứu và đào tạo.

8. Phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng và triển khai thực hiện các dự án phát triển vùng đệm, tổ chức ổn định dân cư trong vùng gắn với công tác quản lý, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và di tích lịch sử văn hóa.

9. Tổ chức gieo ươm các loài cây lâm nghiệp, nông nghiệp, các loài thủy sản có giá trị, các loài cây cảnh phục vụ nhu cầu của Khu Bảo tồn và nhân dân trong khu vực; tổ chức các hoạt động sản xuất phụ trợ từ các nguồn lâm sản ngoài gỗ và các dịch vụ phục vụ sản xuất khác.

10. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái và di tích lịch sử văn hóa. Tổ chức xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển Khu Bảo tồn.

11. Quản lý công chức, viên chức, người lao động và tài chính, tài sản của đơn vị theo quy định của pháp luật.

12. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định hiện hành về tình hình thực hiện nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực công tác được giao.

Điều 4. Quyền hạn của Khu Bảo tồn

1. Được kiến nghị, đề xuất và tham mưu với cấp có thẩm quyền về các vấn đề có liên quan đến các hoạt động của Khu Bảo tồn.

2. Thực hiện việc quản lý rừng, đất lâm nghiệp, mặt nước hồ Trị An từ cao trình 62 mét trở xuống, kể cả các đảo trên hồ và các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn theo quy định hiện hành.

3. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế; thực hiện chế độ tiền lương, các chính sách, chế độ, đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật; quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, chính trị đối với công chức, viên chức, người lao động của đơn vị theo quy định. Quản lý tài chính, tài sản của Khu Bảo tồn theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.

4. Được cho thuê môi trường rừng, sử dụng quyền sử dụng đất và giá trị kinh tế của tài nguyên đa dạng sinh học, cảnh quan rừng, mặt nước và các đảo trên hồ Trị An để tổ chức sản xuất kinh doanh, liên doanh liên kết với các chủ đầu tư khác, các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh du lịch sinh thái nhằm phát huy tối đa tiềm năng của Khu Bảo tồn.

5. Phối hợp với địa phương và các cơ quan đóng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Chương III

TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC

Điều 5. Tổ chức bộ máy của Khu Bảo tồn

1. Lãnh đạo Khu Bảo tồn

a) Khu Bảo tồn gồm 01 Giám đốc và không quá 04 Phó Giám đốc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật.

b) Việc khen thưởng, miễn nhiệm, kỷ luật Giám đốc, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Cơ cấu tổ chức

a) Khu Bảo tồn có 05 phòng chuyên môn và 04 đơn vị trực thuộc thực hiện nhiệm vụ trên lĩnh vực công tác cụ thể, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Khu Bảo tồn và pháp luật về những phần việc được phân công.

b) Giám đốc Khu Bảo tồn quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Trưởng, Phó Trưởng các phòng chuyên môn và các đơn vị trực thuộc theo quy định của Nhà nước.

c) Các phòng chuyên môn gồm:

- Phòng Tổ chức - Hành chính;

- Phòng Kế hoạch - Tài chính;

- Phòng Bảo tồn thiên nhiên và Hợp tác;

- Phòng Kỹ thuật Lâm sinh và Đất đai.

* Các đơn vị trực thuộc gồm:

- Trung tâm Sinh thái - Văn hóa - Lịch sử Chiến khu Đ;

- Trung tâm Bảo tồn đất ngập nước;

- Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật;

- Hạt Kiểm lâm.

Việc thành lập các phòng chuyên môn và đơn vị trực thuộc do Giám đốc Khu Bảo tồn quyết định trên cơ sở thỏa thuận với Sở Nội vụ và theo Quy định này.

Các đơn vị trực thuộc được sử dụng con dấu riêng và được mở tài khoản tại ngân hàng, kho bạc Nhà nước.

Điều 6. Trách nhiệm của Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng các phòng, đơn vị trực thuộc Khu Bảo tồn

1. Giám đốc

a) Giám đốc Khu Bảo tồn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về các nhiệm vụ được giao.

b) Giám đốc Khu Bảo tồn chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện chế độ báo cáo theo quy định phục vụ cho việc chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh.

c) Giám đốc Khu Bảo tồn có trách nhiệm ban hành quy chế làm việc của Khu Bảo tồn và các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc.

2. Phó Giám đốc

Phó Giám đốc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định, giúp việc cho Giám đốc, được Giám đốc phân công phụ trách một số lĩnh vực công tác cụ thể, chịu trách nhiệm trước Giám đốc và pháp luật về những phần việc được phân công.

3. Trưởng các phòng chuyên môn và Trưởng các đơn vị trực thuộc

a) Chịu trách nhiệm trước Giám đốc và pháp luật về toàn bộ hoạt động của đơn vị mình phụ trách, đồng thời có trách nhiệm tham mưu và tổ chức thực hiện các công việc được giao.

b) Trưởng các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc làm việc theo chế độ Thủ trưởng.

Điều 7. Số lượng biên chế

Biên chế của Khu Bảo tồn do cấp có thẩm quyền quyết định trong tổng số biên chế hàng năm của tỉnh.

Điều 8. Chế độ làm việc

1. Khu Bảo tồn thực hiện chế độ làm việc theo chế độ Thủ trưởng, theo quy chế làm việc và nội quy cơ quan.

2. Khu Bảo tồn bảo đảm thực hiện công tác quản lý, điều hành hoạt động thông qua chế độ giao ban giữa BGĐ với Trưởng, Phó các phòng, đơn vị trực thuộc, với lãnh đạo kiểm lâm từ hạt đến các trạm theo định kỳ để kiểm điểm công tác đã thực hiện trong thời gian qua và xây dựng chương trình công tác cho thời gian kế tiếp; đồng thời, Giám đốc Khu Bảo tồn chỉ đạo giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động thực tế.

Ngoài ra, Khu Bảo tồn tổ chức hội nghị tổng kết các hoạt động của Khu Bảo tồn theo quy chế hoạt động của cơ quan và theo quy định của pháp luật; tổ chức các cuộc họp bất thường để phổ biến, triển khai các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách có liên quan đến nhiệm vụ của Khu Bảo tồn.

Chương IV

MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 9. Với Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai

Khu Bảo tồn chịu sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Khu Bảo tồn chấp hành các quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh, thường xuyên tham mưu, báo cáo công tác với Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

Điều 10. Với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Khu Bảo tồn chịu sự hướng dẫn, kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực sinh thái, tài nguyên rừng và phát triển nông thôn.

2. Khu Bảo tồn có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện công tác chuyên môn và cung cấp thông tin tài liệu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo định kỳ và yêu cầu đột xuất.

Điều 11. Với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

1. Khu Bảo tồn chịu sự hướng dẫn, kiểm tra của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc quản lý, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa và hoạt động du lịch.

2. Khu Bảo tồn có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện công tác chuyên môn và cung cấp thông tin tài liệu cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo định kỳ và yêu cầu đột xuất.

Điều 12. Với cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh

Khu Bảo tồn phối hợp các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh theo chức năng có liên quan để thực hiện nhiệm vụ do Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

Điều 13. Với Ủy ban nhân dân các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán và Tân Phú của tỉnh Đồng Nai và các huyện liên quan thuộc các tỉnh giáp ranh

Khu Bảo tồn có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện trên để triển khai các hoạt động liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển du lịch và các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Giám đốc Khu Bảo tồn có trách nhiệm triển khai và tổ chức thực hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện nếu có sửa đổi, bổ sung Quy định này, Khu Bảo tồn báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 65/2013/QĐ-UBND về Quy định tổ chức và hoạt động của Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai

  • Số hiệu: 65/2013/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/10/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Đinh Quốc Thái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/10/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản