Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 871/2006/QĐ-UBND

Huế, ngày 29 tháng 3 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA HUẾ.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước và Nghị định số 35/2002/NĐ- CP ngày 29/3/2002 của Chính Phủ về việc sửa đổi, bổ sung danh mục A, B và C ban hành tại phụ lục kèm theo Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ ;

Căn cứ Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt nam và Nghị định số 27/2003/NĐ- CP ngày 19/3/2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 39/NQ-TW ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2010;

Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg ngày 13/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020;

Quyết định số 105/TTg ngày 12/02/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế 1996-2010;

Quyết định số 209/2005/QĐ-TTg ngày 24/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận thành phố Huế là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế;

Xét Công văn số 64/BTDT ngày 20/02/2006 của Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế về việc đề nghị ban hành quy chế khuyến khích đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định “Một số chính sách khuyến khích đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn hóa - Thông tin, Du lịch, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế; Cục trưởng Cục Thuế Tỉnh; Giám đốc Kho bạc Tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Lý

 

QUI ĐỊNH

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 871/2006/QĐ-UBND ngày 29/3/2006 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương I

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Các từ ngữ dưới đây tại Quy định này được hiểu như sau:

1. Di sản văn hóa Huế: Bao gồm những di sản vật thể và phi vật thể đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

2. Hỗ trợ: Là khoản kinh phí của Ngân sách Nhà nước cấp phát (không thu hồi).

3. Hỗ trợ lãi suất: Là khoản kinh phí của ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ phần lãi suất cho các nhà đầu tư vay vốn tín dụng đầu tư cho di sản văn hóa Huế.

Điều 2. Đối tượng được hưởng chính sách khuyến khích đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế:

1. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực về tài chính, có kinh nghiệm tổ chức, quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị, khai thác có hiệu quả di sản văn hóa Huế.

2. Các cá nhân, tổ chức trong nước và cộng đồng người Việt nam định cư ở nước ngoài có khả năng giới thiệu các đối tác đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế (ngoại trừ các cơ quan quản lý nhà nước, xúc tiến đầu tư các dự án đầu tư cho di sản văn hóa Huế).

Chương II

CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ VÀ ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ

Điều 3. Chính sách hỗ trợ đầu tư.

3.1. Về xúc tiến đầu tư.

1. Ngân sách Tỉnh hỗ trợ kinh phí để xúc tiến đầu tư di sản văn hóa Huế, bao gồm các hoạt động:

- Tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về di sản văn hóa Huế và môi trường đầu tư.

- Tổ chức hội thảo, tham gia hội chợ, học tập kinh nghiệm,... theo tinh thần chỉ thị số 13/2005/CT-TTg ngày 08/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Ngân sách Tỉnh trích một khoản tiền thưởng cho các tổ chức, cá nhân trong nước (không áp dụng cho các tổ chức, cán bộ, công chức trực tiếp được phân công làm nhiệm vụ xúc tiến đầu tư, quản lý nhà nước) tham gia tìm cơ hội đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế và chỉ được thanh toán khi dự án đầu tư đi vào hoạt động với các mức thưởng quy định như sau:

a, Các dự án đầu tư nước ngoài: Thưởng 0,05% tổng vốn đầu tư, nhưng tối đa không vượt quá 200 triệu đồng cho một dự án.

b, Các dự án đầu tư trong nước: Thưởng 0,02% tổng vốn đầu tư, nhưng tối đa không vượt quá 200 triệu đồng cho một dự án.

Các quy định về mức thưởng nằm ngoài khoản chi phí dịch vụ tư vấn đầu tư theo quy định hiện hành của nhà nước.

3.2. Về đầu tư dự án.

3. Ngân sách Tỉnh trích một khoản tiền thưởng cho các tổ chức trong và ngoài nước tham gia đầu tư cho các dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế và chỉ được thanh toán khi dự án tiếp nhận đủ nguồn vốn đầu tư với các mức thưởng quy định như sau:

a, Các dự án đầu tư nước ngoài: Thưởng 0,1% tổng vốn đầu tư, nhưng tối đa không vượt quá 200 triệu đồng cho một dự án.

b, Các dự án đầu tư trong nước: Thưởng 0,2% tổng vốn đầu tư, nhưng tối đa không vượt quá 200 triệu đồng cho một dự án.

Điều 4. Chính sách ưu đãi đầu tư.

1. Các doanh nghiệp, tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia làm chủ đầu tư các dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế, kinh doanh dịch vụ văn hóa tại các cụm, điểm di tích; phát triển các làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ được hưởng chính sách ưu đãi về giá thuê đất, thời gian thuê đất theo chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của tỉnh. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, các chủ đầu tư phải chấp hành nghiêm túc các quy định chung của pháp luật nhà nước hiện hành và luật di sản.

2. Ngân sách Tỉnh hỗ trợ lãi suất vốn vay tín dụng để bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư cho các chủ đầu tư tham gia dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế hoặc tổ chức các dịch vụ văn hóa du lịch trong các khu di tích.

Điều 5. Chính sách đất đai.

1. Đơn giá thuê đất: Được áp dụng đơn giá thuê đất theo chính sách ưu đãi của Nhà nước và của Tỉnh đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế.

2. Thời hạn thuê đất: Được áp dụng thời hạn thuê đất tối đa là 50 năm; tuỳ theo đặc điểm và tính chất của một số dự án, UBND Tỉnh sẽ xin phép Chính phủ thoả

thuận cho thuê đất với thời hạn 70 năm, thực hiện theo quy định của pháp luật Nhà nước hiện hành.

Điều 6. Các căn cứ xét duyệt và hỗ trợ đầu tư.

1. Các dự án đầu tư do chủ đầu tư lập hoặc hợp đồng với các đơn vị có đủ tư cách pháp nhân lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định nhà nước hiện hành; Nếu thuộc đối tượng áp dụng của Quyết định này thì được hỗ trợ đầu tư, ưu đãi đầu tư theo chính sách đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế.

2. Các văn bản cam kết có hiệu lực của nhà tài trợ cho các dự án đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Nguồn vốn tổ chức thực hiện.

1. Nguồn vốn trích thưởng cho các tổ chức, cá nhân đã tìm được đối tác đầu tư các dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế được trích trong ngân sách của tỉnh thông qua 2 quỹ:

- Quỹ đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế.

- Quỹ hỗ trợ tôn vinh giá trị di sản văn hóa Huế.

2. Nguồn vốn hỗ trợ đầu tư, ưu đãi đầu tư cho các dự án đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế, tham gia dịch vụ văn hóa - du lịch tại các cụm, điểm di tích được trích từ ngân sách tỉnh.

Điều 8. Quản lý nhà nước.

1. UBND Tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về chính sách khuyến khích đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế tham mưu giúp UBND Tỉnh thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế theo quy định này.

Điều 9. Tổ chức thực hiện.

1. Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế: Chịu trách nhiệm quảng bá, giới thiệu, hướng dẫn triển khai chính sách khuyến khích đầu tư theo quy định này.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chịu trách nhiệm thẩm định các dự án đầu tư, các đối tượng được hưởng chính sách khuyến khích đầu tư theo quy định này trình UBND Tỉnh xem xét, quyết định theo quy định hiện hành.

3. Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cân đối nguồn ngân sách hàng năm sử dụng cho chính sách khuyến khích đầu tư dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế.

4. Trong quá trình thực hiện quy định này nếu có vướng mắc, yêu cầu các cơ quan chức năng, các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân có liên quan có văn bản gửi UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 871/2006/QĐ-UBND về Quy định chính sách khuyến khích đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 871/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/03/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Xuân Lý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/03/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 18/12/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản