Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 636/QĐ-UBND

Bình Phước, ngày 03 tháng 4 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ CHỐNG THAM NHŨNG TRONG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TỪ NĂM 2012 ĐẾN NĂM 2016

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 4061/QĐ-BTP ngày 14/10/2011 của Bộ Tư pháp về việc phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 34/TTr-STP ngày 19/3/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016.

Điều 2. Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã triển khai thực hiện Kế hoạch này.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 

 

CHỦ TỊCH




Trương Tấn Thiệu

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG; CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ CHỐNG THAM NHŨNG TRONG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TỪ NĂM 2012 ĐẾN NĂM 2016
(Ban hành kèm theo Quyết định số 636/QĐ-UBND ngày 03/4/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh )

Thực hiện Quyết định số 4061/QĐ-BTP ngày 14/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN); Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về PCTN của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, loại bỏ dần các điều kiện phát sinh tham nhũng trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, tạo sự đồng thuận trong xã hội về đấu tranh PCTN.

- Xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh hoạt động có hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trung thực, công tâm, liêm khiết, chuyên nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trên cơ sở xây dựng nền công vụ hiệu quả, minh bạch phục vụ nhân dân.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng nhằm củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền.

- Nâng cao nhận thức, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, đoàn thể xã hội, các phương tiện truyền thông và mọi công dân tích cực PCTN; tạo thói quen PCTN trong đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

2. Yêu cầu:

- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tế về công tác này ở cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN phải thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tập trung triển khai các hình thức, biện pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp với các đối tượng.

II. ĐỐI TƯỢNG:

Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

III. NỘI DUNG:

1. Nội dung tuyên truyền, phổ biến:

- Văn bản quy phạm pháp luật về PCTN: Luật PCTN năm 2005; Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật PCTN năm 2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành; chú trọng tuyên truyền, phổ biến các quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong PCTN.

- Nội dung cơ bản của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

- Nội dung cơ bản của Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020.

- Các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến công tác PCTN.

- Tình hình thực hiện pháp luật về PCTN và Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

2. Hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến:

a) Biên soạn, phát hành các tài liệu tuyên truyền:

- Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng BCĐ PCTN tỉnh tổ chức biên soạn, in ấn và cấp phát các tài liệu nhằm phục vụ cho công tác tuyên truyền pháp luật về PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong tỉnh, cụ thể như sau:

+ Biên soạn đề cương tuyên truyền về Luật PCTN, Công ước của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng và các văn bản có liên quan cho các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, đội ngũ Báo cáo viên pháp luật.

+ Biên soạn và phát hành tài liệu tuyên truyền pháp luật, tờ rơi, Bản tin Tư pháp... về PCTN.

- Các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã chủ động việc hỗ trợ trang bị tài liệu giới thiệu về pháp luật PCTN và các văn bản có liên quan cho tủ sách pháp luật tại cơ quan, đơn vị và tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2012 đến năm 2016.

b) Xây dựng và nhân rộng mô hình điểm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân:

- Văn phòng BCĐ PCTN tỉnh chủ trì, phối hợp với Thanh tra tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ban, ngành có liên quan hướng dẫn chỉ đạo các địa phương xây dựng và nhân rộng mô hình điểm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN tại cơ quan, đơn vị trực tiếp giải quyết công việc của cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp:

+ Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nói chuyện chuyên đề về thực hiện pháp luật về PCTN trong cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan; tổ chức ký cam kết không vi phạm pháp luật về PCTN.

+ Hỗ trợ tài liệu pháp luật về PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức.

+ Duy trì thực hiện tốt việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính, mức thu phí, lệ phí tại trụ sở làm việc, bố trí đường dây nóng (bằng điện thoại hoặc email), bố trí cán bộ thường trực để tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của người dân.

+ Xây dựng panô, áp phích, tranh ảnh cổ động, phát tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền pháp luật về PCTN cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đến giải quyết công việc tại trụ sở cơ quan, đơn vị.

- Đề nghị UBMTTQVN tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các tổ chức thành viên, cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương xây dựng và nhân rộng mô hình điểm tại các xã, phường, thị trấn:

+ Khảo sát nhu cầu tìm hiểu pháp luật về PCTN trong nhân dân.

+ Bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến pháp luật PCTN cho “Nhóm nòng cốt” tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành pháp luật ở khu dân cư tại mô hình điểm.

+ Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật tại mô hình điểm: Tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến, nói chuyện chuyên đề, đối thoại về công tác đấu tranh PCTN, xây dựng và phát hành tờ rơi, tờ gấp, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức sân khấu hóa, lồng ghép trong sinh hoạt ở các câu lạc bộ tại địa bàn cơ sở, tổ chức các buổi thông tin lưu động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ có nội dung tuyên truyền pháp luật về PCTN.

- Đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm, hướng dẫn nhân trên diện rộng.

- Thời gian thực hiện:

+ Chỉ đạo điểm: Năm 2012 đến năm 2013.

+ Tổng kết, hướng dẫn nhân rộng: Từ năm 2014 đến năm 2016.

c) Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật cho đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, cán bộ, công chức, viên chức:

- Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật về PCTN; Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng cho đội ngũ Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.

- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của các ngành, cơ quan, đơn vị mình.

- UBND các huyện, thị xã chỉ đạo, tổ chức bồi dưỡng cho Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện; Chủ tịch, Phó Chủ tịch các xã, phường, thị trấn tại địa phương về pháp luật PCTN; lồng ghép việc bồi dưỡng pháp luật về PCTN trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức địa phương.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2012 đến năm 2016.

d) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN trong triển khai thực hiện “Ngày pháp luật” tại các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương:

- Sở Tư pháp hướng dẫn chung việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN trong triển khai thực hiện “Ngày pháp luật”.

- Các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã chỉ đạo, tổ chức triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN vào “Ngày pháp luật” tại đơn vị, địa phương mình.

- Thời gian thực hiện: Định kỳ hàng năm, từ năm 2012 đến năn 2016).

đ) Tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp về chuyên đề pháp luật PCTN:

Văn phòng BCĐ PCTN tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Thanh tra tỉnh, Sở Công Thương, Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bình Phước, Công an tỉnh, Tòa án Nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức thảo luận, trao đổi giữa cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp về chuyên đề pháp luật PCTN trong các lĩnh vực.

Thời gian thực hiện: Định kỳ hàng năm từ năm 2012 đến năm 2016.

e) Tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng:

- Tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN trên báo chí, trang thông tin điện tử, cụ thể như sau:

+ Tuyên truyền thông qua báo in, báo điện tử: Mở chuyên trang, chuyên mục trên Báo Bình Phước, Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Phước ….

+ Tuyên truyền trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh: Đưa tin sự kiện, tổ chức tọa đàm; xây dựng tiểu phẩm phát thanh - truyền hình; phim tư liệu, phóng sự truyền hình, biểu dương những việc làm tích cực trong công tác PCTN.

- UBND các huyện, thị xã chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến trên báo chí, trang thông tin điện tử của địa phương và hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn quản lý.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2012 đến năm 2016.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Tư pháp là cơ quan chủ trì Đề án có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch tại địa phương.

2. Sở Ngoại vụ chịu trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã trong việc tuyên truyền, phổ biến Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng và các điều ước quốc tế có nội dung liên quan cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

3. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí dành thời lượng thích hợp, xây dựng chuyên trang, chuyên mục thông tin, phổ biến pháp luật về PCTN trên các báo, đài; chỉ đạo việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật về PCTN cho phóng viên, biên tập viên chuyên viết về pháp luật của các cơ quan báo chí; phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN trên báo chí; phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện các nội dung của Kế hoạch.

4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN thông qua các thiết chế văn hóa cơ sở như: Hoạt động biểu diễn nghệ thuật, văn nghệ quần chúng, xây dựng panô, áp phích tuyên truyền…; phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện các nội dung của Kế hoạch.

5. Thanh tra tỉnh chỉ đạo Thanh tra các cấp ở địa phương phối hợp với cơ quan tư pháp cùng cấp tổ chức bồi dưỡng pháp luật về PCTN, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện các nội dung của Kế hoạch.

6. Văn phòng BCĐ PCTN tỉnh:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Thanh tra tỉnh, Sở Công Thương, Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bình Phước, Công an tỉnh, Tòa án Nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức thảo luận, trao đổi giữa cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp về chuyên đề pháp luật PCTN trong các lĩnh vực.

b) Chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tổng kết, báo cáo việc thực hiện; đề xuất cơ quan có thẩm quyền khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016 trên địa bàn tỉnh.

7. Sở Nội vụ tổ chức lồng ghép và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện việc lồng ghép bồi dưỡng, tập huấn pháp luật về PCTN trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức hàng năm.

8. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN theo Đề án đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng (được phê duyệt tại Quyết định số 137/2009/QĐ-TTg ngày 02/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ).

9. Sở Tài chính đảm bảo ngân sách Nhà nước cấp hàng năm để thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính trong việc thực hiện; kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí để thực hiện Kế hoạch này.

10. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, lồng ghép nội dung về PCTN; chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

11. Đề nghị UBMTTQVN tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn UBMTTQVN các cấp, nhất là ở cấp xã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN; phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện các nội dung của Kế hoạch này.

12. Đề nghị Tòa án Nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN theo Kế hoạch này.

13. Các sở, ban, ngành, đoàn thể trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN và các nội dung của Kế hoạch này.

14. UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm kinh phí cho việc thực hiện Kế hoạch này tại địa phương.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN:

Hàng năm, căn cứ nhiệm vụ được phân công, các sở, ban, ngành, đoàn thể lập dự toán kinh phí chi tiết gửi Sở Tư pháp, Sở Tư pháp tổng hợp, gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

UBND các huyện, thị xã căn cứ tình hình thực tế của địa phương cân đối ngân sách bảo đảm kinh phí cho việc thực hiện Kế hoạch trên địa bàn.

Định kỳ 6 tháng, một năm các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) để theo dõi, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tư pháp theo quy định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 636/QĐ-UBND năm 2012 về Kế hoạch thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành

  • Số hiệu: 636/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/04/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Người ký: Trương Tấn Thiệu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/04/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản