Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/2013/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 26 tháng 11 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG THÔNG THƯỜNG VÀ THAN BÙN TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2013-2015, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12, ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, ngày 09 tháng 3 năm 2012;

Căn cứ Quyết định số 152/2008/QĐ-TTg, ngày 28 tháng 11 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 09 tháng 01 năm 2012 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản;

Căn cứ Nghị quyết số 27/2013/NQ-HĐND, ngày 29 tháng 8 năm 2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh khóa VIII, kỳ họp thứ 9 về quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2013-2015, tầm nhìn đến năm 2020;

Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 2799/TTr-STNMT, ngày 05/11/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2013-2015, tầm nhìn đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2013-2015, tầm nhìn đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Phương hướng quy hoạch

a) Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020;

b) Bảo đảm khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản phục vụ nhu cầu hiện tại, đồng thời có tính đến sự phát triển của khoa học, công nghệ và nhu cầu khoáng sản trong tương lai; những mỏ bao gồm 2 hoặc nhiều loại khoáng sản cần có phương án khai thác tổng hợp nhằm tận dụng tài nguyên;

c) Bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác;

d) Là quy hoạch định hướng, quy hoạch mở, trong quá trình thực hiện luôn cần có sự bổ sung, điều chỉnh kịp thời qua từng giai đoạn.

2. Mục tiêu quy hoạch

a) Quy hoạch này là cơ sở pháp lý cho Nhà nước quản lý cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác các mỏ khoáng sản, nhằm sử dụng một cách có hiệu quả, đúng mục đích và phát triển bền vững ngành công nghiệp vật liệu xây dựng; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong việc xin cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác và chế biến các mỏ khoáng sản trong từng giai đoạn từ nay đến năm 2020 và làm cơ sở để định hướng phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng sau năm 2020;

b) Đánh giá tiềm năng, tình hình khai thác và sử dụng khoáng sản làm cơ sở dữ liệu cho định hướng kế hoạch phát triển công tác thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường và than bùn giai đoạn 2013-2020. Khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường và than bùn của tỉnh là các loại khoáng sản đá xây dựng, cát, sét gạch ngói, cuội sỏi xây dựng, vật liệu san lấp và than bùn. Đây là những khoáng sản có tiềm năng lớn của tỉnh, nhưng không phải là vô hạn;

c) Tài nguyên khoáng sản rắn là không thể tái tạo do đó cần xác định rõ chiến lược phát triển ngành khai khoáng phải phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh, phù hợp với đặc điểm địa chất-khoáng sản đã được điều tra cơ bản trên địa bàn của tỉnh;

d) Xác định nhu cầu trữ lượng đến năm 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng trong tỉnh; xây dựng biện pháp quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch, khai thác khoáng sản của tỉnh đảm bảo tính hợp lý và bảo vệ tài nguyên môi trường;

đ) Xây dựng và ban hành một số quy định, quy chuẩn cụ thể xác định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản;

e) Áp dụng tiến bộ khoa học trong nước và thế giới, thay thế dần các sản phẩm từ tự nhiên, bảo đảm bền vững môi trường.

3. Nội dung quy hoạch

a) Dự báo nhu cầu sử dụng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường và than bùn đến năm 2020: Việc tính toán nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh chủ yếu được tính theo dự báo nhu cầu thực tế của tỉnh trong kỳ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 và định hướng quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 (kèm theo phụ lục I);

b) Cân đối nhu cầu sử dụng khoáng sản và nguồn cung cấp khoáng sản đến năm 2020 được thể hiện ở các phụ lục (kèm theo phụ lục II, III);

c) Quy hoạch tài nguyên khoáng sản tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2013-2015 và tầm nhìn đến năm 2020 trên cơ sở nhu cầu thực tế sử dụng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường và than bùn đến năm 2020. Trong đó, có khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản (phụ lục IV kèm theo), cụ thể như sau:

- Đá xây dựng: Giai đoạn 2013-2015 diện tích quy hoạch là 10 ha, trữ lượng 4.000.000m³. Giai đoạn 2016-2020 diện tích quy hoạch là 72,69 ha, trữ lượng 17.076.000m3;

- Cát xây dựng: Tiếp tục đưa các mỏ đã cấp giấy phép trước đây vào quy hoạch khai thác. Giai đoạn 2013-2015 diện tích quy hoạch là 30 ha, trữ lượng 7.406.239m³. Giai đoạn 2016-2020 diện tích quy hoạch là 45ha, trữ lượng 12.873.844m3;

- Sét gạch ngói: Tiếp tục đưa các mỏ đã cấp phép vào quy hoạch khai thác. Giai đoạn 2013-2015 diện tích quy hoạch là 65,12ha, trữ lượng 5.916.583m³. Giai đoạn 2016-2020 diện tích quy hoạch là 97,51ha, trữ lượng 6.508.228m3;

- Vật liệu san lấp: Tiếp tục đưa các mỏ đã cấp giấy phép trước đây vào quy hoạch khai thác. Giai đoạn 2013-2015 diện tích quy hoạch là 550,22ha, trữ lượng 36.908.479m³. Giai đoạn 2016-2020 diện tích quy hoạch là 565,24ha, trữ lượng 50.188.523m3;

- Than bùn: Tiếp tục đưa các mỏ đã cấp giấy phép trước đây vào quy hoạch khai thác. Giai đoạn 2013-2015 diện tích quy hoạch là 72,63ha, trữ lượng 1.446.580m³. Giai đoạn 2016-2020 diện tích quy hoạch là 130ha, trữ lượng 2.466.000m3;

- Cuội sỏi xây dựng: Giai đoạn 2013-2015 diện tích quy hoạch là 20ha. Giai đoạn 2016-2020 diện tích quy hoạch là 40ha, trữ lượng 1.050.000m3.

4. Giải pháp thực hiện quy hoạch

a) Giải pháp về quản lý nhà nước

Công khai quy hoạch cho các địa phương, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp;

Tăng cường kiểm tra và hướng dẫn các doanh nghiệp đang hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh, phải tuân thủ Luật Khoáng sản và các nghị định, quy định hướng dẫn có liên quan. Ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động khai thác, sản xuất, kinh doanh khoáng sản trái phép.

b) Các biện pháp bảo vệ môi trường

Phải có biện pháp bảo vệ môi trường cho khu vực đã và đang khai thác và có phương án cải tạo sau khai thác để sử dụng vào các mục đích khác. Đặc biệt đối với khai thác sét gạch ngói và đất san lấp.

c) Giải pháp đối với các điểm dự kiến khai thác trong khu vực quy hoạch

Đối với các điểm dự kiến khai thác phải nằm trong khu vực đã được quy hoạch. Trước khi khai thác phải có đề án thiết kế khai thác, đánh giá tác động môi trường; phải tuân thủ theo các cam kết cả trong và sau khi khai thác.

d) Đối với khai thác cát sông, hồ

Đối với khai thác cát sông, hồ phải tuân thủ theo thiết kế và có giám sát thường xuyên và nghiêm ngặt.

đ) Giải pháp về công nghệ

Xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư các dự án, khai thác chế biến khoáng sản có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường;

Ưu tiên xem xét, cấp giấy phép thăm dò, khai thác, chế biến những loại khoáng sản quan trọng, có tính chiến lược cho những tổ chức có vốn đầu tư lớn, có năng lực quản lý tốt và công nghệ hiện đại.

e) Giải pháp vốn:

Có chính sách đầu tư về tài chính thích hợp cho các dự án sản xuất, kinh doanh khoáng sản của các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân, đặc biệt đối với các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh các loại khoáng sản có nhu cầu thiết yếu trong tỉnh, nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho sự phát triển kinh tế của tỉnh;

Đầu tư thỏa đáng cho công tác thăm dò trước khi khai thác và thăm dò mở rộng các khu vực ngoại vi, lân cận nhằm tăng trữ lượng và kéo dài tuổi thọ của mỏ;

Mở rộng mối quan hệ đối với các tỉnh lân cận về mặt quản lý nhà nước, vốn, khoa học công nghệ, kêu gọi đầu tư để khai thác, sử dụng hiệu quả các loại khoáng sản trong tỉnh.

Điều 2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức công bố Quy hoạch này đến các tổ chức, cá nhân có liên quan. Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã triển khai thực hiện Quy hoạch, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện Quy hoạch, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Quy hoạch cho Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Văn Quang

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 52/2013/QĐ-UBND Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2013-2015, tầm nhìn đến năm 2020

  • Số hiệu: 52/2013/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/11/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh
  • Người ký: Huỳnh Văn Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/12/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 19/08/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản