Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2788/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 12 tháng 10 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG THAN BÙN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7 tháng 9 năm 2006;

Căn cứ Nghị quyết số 174/NQ-HĐND, ngày 28 tháng 7 năm 2015 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về việc thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng than bùn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ ý kiến thống nhất của Lãnh đạo UBND tỉnh tại Hội nghị giao ban ngày 15 tháng 9 năm 2015;

Xét đề nghị của Sở Công Thương Vĩnh Phúc tại Tờ trình số: 436/TTr-SCT ngày 24 tháng 8 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng than bùn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung chính như sau (Kèm theo Quy hoạch chi tiết):

I. TÊN DỰ ÁN QUY HOẠCH: Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản than bùn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

II. BỐ CỤC QUY HOẠCH.

Chương I: Đặc điểm địa lý tự nhiên, kinh tế, nhân văn của tỉnh Vĩnh Phúc.

Chương II: Khái quát đặc điểm địa chất, khoáng sản tỉnh Vĩnh Phúc.

Chương III: Tổng quan tiềm năng khoáng sản than bùn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Chương IV. Vị trí, vai trò của khai thác và sử dụng khoáng sản than bùn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong cơ cấu phát triển kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc.

Chương V. Thực trạng khai thác và sử dụng than bùn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Chương VI. Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản than bùn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Chương VII. Vấn đề bảo vệ môi trường trong khai thác và chế biến khoáng sản than bùn trên địa bàn tỉnh Vĩnh phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Chương VIII. Tổ chức thực hiện

III. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA QUY HOẠCH

1. Quan điểm.

- Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản than bùn tỉnh Vĩnh Phúc phải phù hợp với quy hoạch phát triển khoáng sản chung của cả nước và của ngành công nghiệp Việt Nam; đồng thời phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch khác của tỉnh.

- Đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả kinh tế cao; đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội và môi trường sinh thái, góp phần tạo việc làm và nâng cao đời sống nhân dân.

2. Mục tiêu của quy hoạch.

- Phản ánh tổng thể về nguồn lực khoáng sản than bùn hiện có của tỉnh; tầm nhìn công tác quản lý nhà nước về khoáng sản của chính quyền địa phương các cấp, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn cụ thể.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản của các cấp theo quy hoạch, kế hoạch; chủ động kiểm soát, phát triển hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản một cách hợp lý, tiết kiệm; bảo vệ môi trường sinh thái.

- Ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để khai thác, chế biến khoáng sản; đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với mục tiêu chung của cả nước.

3. Nội dung chủ yếu của Quy hoạch.

3.1. Quy hoạch khu vực, mỏ than bùn cần đầu tư thăm dò, khai thác.

Trong khuôn khổ Quy hoạch sử dụng than bùn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Vĩnh Phúc, với tổng diện tích là 195,22 ha; tổng trữ lượng tài nguyên dự báo là 2.764.800 tấn; quy hoạch điểm mỏ than bùn cần đầu tư thăm dò, khai thác theo từng giai đoạn cụ thể như sau:

* Giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020: Tổng diện tích là 61,01 ha, tổng trữ lượng tài nguyên dự báo là 864.000 tấn.

a) Điểm mỏ Hoàng Đan (Tb02) thuộc xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương.

Diện tích quy hoạch thăm dò, khai thác với diện tích là 43,5 ha, trữ lượng tài nguyên dự báo 576.000 tấn.

b) Điểm mỏ Văn Quán (Tb03) thuộc xã Văn Quán, xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch.

Diện tích quy hoạch thăm dò, khai thác với tổng diện tích 17,51 ha, trữ lượng tài nguyên dự báo 288.000 tấn.

Chi tiết vị trí khu vực thăm dò, khai thác được đánh dấu bằng vùng màu xanh da trời, được giới hạn bởi các điểm tọa độ xem trên bản đồ Quy hoạch kèm theo, cụ thể như sau:

Bảng 1: Tọa độ giới hạn khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác giai đoạn 2015-2020

Điểm mỏ

Ký hiệu

Điểm góc

Tọa độ VN2000, KTT 105 độ, múi chiếu 6 độ

Diện tích, (ha)

X (m)

Y (m)

Giai đoạn 2015-2020

 

 

 

Hoàng Đan

Tb02

18

2 361 417,99

554 278,61

43,50

(Với trữ lượng 576.000 tấn)

19

2 361 538,47

555 258,18

20

2 360 824,07

555 330,20

21

2 360 742,84

554 741,32

22

2 360 830,32

554 559,16

Văn Quán

Tb03

42

2 363 637,43

549 157,09

17,51

(Với trữ lượng 288.000 tấn)

43

2 363 978,15

549 246,99

44

2 364 121,54

549 056,90

45

2 364 039,40

548 753,66

46

2 363 624,87

548 769,82

* Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030: Tổng diện tích là 134,21 ha, tổng trữ lượng tài nguyên dự báo 1.900.800 tấn

Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, tiếp tục thăm dò, khai thác điểm mỏ Hoàng Đan thuộc xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương và điểm mỏ Văn Quán thuộc xã Văn Quán và xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch. Chi tiết các vùng quy hoạch thăm dò, khai thác giai đoạn 2021 đến năm 2030 được đánh dấu bằng vùng màu xanh lá cây trên bản đồ Quy hoạch kèm theo, cụ thể:

a) Điểm mỏ Hoàng Đan (Tb02) thuộc xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương

Diện tích quy hoạch thăm dò, khai thác với diện tích là 95,69 ha, trữ lượng tài nguyên dự báo 1.267.200 tấn

b) Điểm mỏ Văn Quán (Tb03) thuộc xã Văn Quán, xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch.

Diện tích quy hoạch thăm dò, khai thác với tổng diện tích 38,52 ha, trữ lượng tài nguyên dự báo 633.600 tấn

Tọa độ khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác được tổng hợp cụ thể:

Bảng 2: Tọa độ giới hạn khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác giai đoạn 2021-2030

Điểm mỏ

Ký hiệu

Điểm góc

Tọa độ VN2000, KTT 105 độ, múi chiếu 6 độ

Diện tích, (ha)

X (m)

Y (m)

Giai đoạn 2021-2030

 

 

 

Văn Quán

Tb03

42

2 363 637,43

549 157,09

38,52

(Với trữ lượng là 633.600 tấn)

46

2 363 624,87

548 769,82

45

2 364 039,40

548 753,66

47

2 363 996,68

548 484,29

48

2 363 671,80

548 255,38

49

2 363 340,48

548 247,46

54

2 363 340,21

549 184,23

Hoàng Đan

Tb02

17

2 361 808,13

554 092,36

95,69

(Với trữ lượng 1.267.200 tấn)

18

2 361 417,99

554 278,61

19

2 361 538,47

555 258,18

20

2 360 824,07

555 330,20

40

2 362 001,09

555 315,60

37

2 361 809,85

555 519,54

38

2 361 709,57

555 776,86

39

2 360 898,85

555 874,01

3.2. Quy hoạch diện tích cấm và tạm cấm khai thác: Tổng diện tích 286,2 ha, tổng trữ lượng tài nguyên dự báo 4.229.957 tấn

3.2.1. Quy hoạch các diện tích cấm

Khu vực cấm hoạt động khoáng sản than bùn là một phần hoặc nguyên cả diện tích khu mỏ hoặc biểu hiện khoáng sản bị các đối tượng khác (thuộc các danh mục cấm hoạt động khoáng sản) phân bố chồng lấn lên, các đối tượng chồng lấn đó là: di tích lịch sử, văn hoá, các khu vực an ninh quốc phòng, diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, khu dân cư tập trung, khu công nghiệp, hành lang giao thông, tuyến năng lượng quốc gia, các tuyến kênh thuỷ lợi.

Các mỏ nằm trong vùng quy hoạch đô thị, vùng dân cư và hành lang bảo vệ đường Cao tốc Nội Bài – Lào Cai cấm hoạt động thăm dò khai thác khoáng sản với tổng diện tích 266,33 ha, tổng trữ lượng tài nguyên dự báo 3.908.945 tấn được thể hiện bằng vùng màu đỏ trên bản đồ Quy hoạch (06 điểm mỏ), cụ thể như sau:

1- Phần lớn điểm mỏ Đạo Tú (Tb01), xã Đạo Tú, huyện Tam Dương: Diện tích để lại hành lang bảo vệ đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai là 8,17 ha; diện tích nằm trong khu vực dân cư và giao thông trong vùng 41,76 ha; tổng tài nguyên dự báo khoáng sản 806.775 tấn.

2- Một phần điểm mỏ Hoàng Đan (Tb02) thuộc xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương. Diện tích để lại hành lang bảo vệ đường cao tốc 44,35 ha; diện tích nằm trong khu vực dân cư và giao thông trong vùng là 83,02 ha; tổng tài nguyên dự báo 1.686.683 tấn.

3- Một phần điểm mỏ Văn Quán (Tb03), xã Văn Quán và xã Đình Chu, huyện Lập Thạch: Diện tích để lại hành lang bảo vệ đường cao tốc 40,58 ha; diện tích nằm trong khu vực dân cư và giao thông trong vùng 21,48 ha; tổng tài nguyên dự báo 1.020.818 tấn.

4- Một phần điểm mỏ than bùn Thùng Than (Tb04) thuộc xã Đồng Ích và Tiên Lữ: Diện tích nằm trong khu vực dân cư và giao thông 1,47 ha; tài nguyên dự báo 20.261 tấn.

5- Một phần điểm mỏ than bùn Bằng Phú (Tb05), xã Đồng Thịnh: Diện tích để lại hành lang bảo vệ đường cao tốc 19,41 ha; diện tích nằm trong khu vực dân cư và giao thông trong vùng 5,12 ha; tổng tài nguyên dự báo 358.894 tấn.

6- Một phần điểm mỏ than bùn Yên Thái (Tb06), xã Đồng Thịnh: Diện tích nằm trong khu vực dân cư và giao thông trong vùng 0,97 ha; tài nguyên dự báo 15.514 tấn.

Chi tiết tọa độ các vùng quy hoạch diện tích cấm khai thác được tổng hợp và trình bày trên bản đồ Quy hoạch kèm theo.

3.2.2. Quy hoạch các khu vực tạm thời cấm

Các khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác khoáng sản là những vùng do điều kiện khai thác hiện nay có thể gây ảnh hưởng đến môi trường, chủ yếu là các khu vực gần kề khu quân sự, du lịch hoặc các khu đô thị. Những vùng tạm cấm hoạt động khoáng sản chủ yếu do nằm gần các quy hoạch khác (giao thông, thủy lợi, khu vực có bảo tồn di tích lịch sử,…) mà chưa xác định rõ ảnh hưởng khi hoạt động khoáng sản tại các khu vực này (Khu vực tạm thời cấm khai thác khoáng sản thể hiện bằng vùng màu da cam trên bản đồ Quy hoạch kèm theo).

Khu vực tạm cấm khai thác: Một phần điểm mỏ Đạo Tú (Tb01), xã Đạo Tú, huyện Tam Dương: Diện tích 19,87 ha, tài nguyên dự báo: 321.012 tấn (Chi tiết tọa độ vùng tạm cấm khai thác khoáng sản xem bản đồ Quy hoạch kèm theo).

3.3. Quy hoạch dự trữ khoáng sản than bùn

Quy hoạch dự trữ khoáng sản là các điểm mỏ đã được khảo sát địa chất song chưa có nhu cầu và điều kiện thăm dò, khai thác không thuận lợi. Hiện nay, trong toàn tỉnh những khu vực chưa có nhu cầu và khu vực sau quy hoạch từ năm 2030 trở đi mà chưa được thăm dò khai thác sẽ đưa vào vùng Quy hoạch dự trữ khoáng sản. Do đó, những khu vực còn lại chưa được quy hoạch thăm dò - khai thác trong giai đoạn 2015- 2030 sẽ được đưa vào khu vực dự trữ khoáng sản của tỉnh. Khu vực dự trữ khoáng sản (05 điểm mỏ) thể hiện bằng vùng màu hồng trên bản đồ Quy hoạch kèm theo:

1- Một phần điểm mỏ Hoàng Đan (Tb02), xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương: Diện tích 302,73 ha, tài nguyên dự báo: 4.008.795 tấn.

2- Một phần điểm mỏ Văn Quán (Tb03), xã Văn Quán và Tiên Lữ, huyện Lập Thạch: Diện tích 5,55 ha, tài nguyên dự báo: 91.363 tấn.

3- Một phần điểm mỏ Thùng Than (Tb04), xã Đồng Ích và Tiên Lữ, huyện Lập Thạch: Diện tích 13,20 ha, tài nguyên dự báo: 182.353 tấn.

4- Một phần điểm mỏ Bằng Phú (Tb05), xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô: Diện tích 46,10 ha, tài nguyên dự báo: 674.414 tấn.

5- Một phần điểm mỏ Yên Thái (Tb06), xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô: Diện tích 8,75 ha, tài nguyên dự báo: 139.625 tấn.

Tổng diện tích quy hoạch dự trữ khoáng sản: 376,32 ha. Tài nguyên dự báo 5,096 triệu tấn.

4. Các giải pháp chủ yếu

4.1. Giải pháp về quản lý

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các địa phương các ngành và liên ngành việc thi hành Luật khoáng sản. Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị, thành phố phải thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch. Kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và kiên quyết xử lý những vi phạm về khai thác khoáng sản của các đối tượng hoạt động trái phép trong khai thác khoáng sản than bùn.

- Không ngừng nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên môn giúp các cấp trong lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản cấp cơ sở. UBND cấp huyện và UBND cấp xã cần quan tâm kiện toàn đội ngũ cán bộ tham mưu về quản lý các hoạt động khoáng sản, chú trọng nâng cao hiệu quả của công tác bố trí, đào tạo cán bộ giúp UBND cùng cấp thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

4.2. Giải pháp về truyền thông

Tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản cho các cấp, các ngành, nhân dân, các đối tượng khai thác khoáng sản để nâng cao nhận thức và có biện pháp thực hiện bảo đảm đúng quy định, có hiệu quả.

4.3. Giải pháp về chính sách

- Khi cấp giấy phép khai thác, các cơ quan chuyên môn sẽ phải tính toán rất chi tiết từng yếu tố đảm bảo an toàn trên các lĩnh vực theo quy định của pháp luật, không thất thu ngân sách, khai thác theo quy hoạch.

Từ tỉnh đến huyện, xã tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý và thực hiện quy hoạch được phê duyệt nhất là nâng cao tính chủ động trong quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.

- Khuyến khích doanh nghiệp có nhu cầu khai thác khoáng sản than bùn tự nguyện ứng nguồn kinh phí đầu tư cho công tác thăm dò khoáng sản than bùn trên địa bàn tỉnh và cho việc cấp phép khai thác cho doanh nghiệp có nhu cầu nhằm từng bước hạn chế, đi đến chấm dứt hiện tượng khai thác bừa bãi, trái phép khoáng sản than bùn.

4.4. Giải pháp bảo vệ môi trường

1- Việc thẩm định phê duyệt các dự án đầu tư hoạt động khoáng sản phải gắn liền với phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

2- Chấn chỉnh hoặc thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản đối với các doanh nghiệp không chấp hành đúng pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như không thực hiện đúng nội dung cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.

- Nâng cao trách nhiệm của ngành chức năng về quản lý: Tài nguyên, môi trường, công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản, an toàn lao động trong khai thác, chế biến khoáng sản.

- Các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc việc đóng phí bảo vệ môi trường, ký quỹ phục hồi môi trường trước khai thác và thực hiện việc phục hồi môi trường, hoàn thổ sau khi hoạt động khai thác khoáng sản kết thúc.

3- Khuyến khích các nhà đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến về khai thác, chế biến sâu khoáng sản. Không cấp giấy phép hoạt động khoáng sản cho các nhà đầu tư không có năng lực, kinh nghiệm.

Áp dụng các công nghệ, thiết bị, kỹ thuật trong khai thác, chế biến khoáng sản, nhằm tận thu tài nguyên, chống ô nhiễm môi trường.

Áp dụng các tiêu chuẩn cho phép của nhà nước về chất lượng phế thải đưa vào bãi thải, chất lượng nước thải đổ ra sông, suối, nồng độ các chất khí độc, nồng độ bụi được phép thải vào không khí, các tiêu chuẩn về nổ mìn, về tiếng ồn về độ rung,...

4- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng nhằm sử dụng các công nghệ khai thác khoáng sản hợp lý nhất, các công nghệ sạch trong sàng tuyển và chế biến khoáng sản.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

1. Sở Công Thương: Có trách nhiệm công bố quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng than bùn đến các ngành, địa phương và đơn vị liên quan, theo dõi và giám sát việc thực hiện quy hoạch sau khi được phê duyệt. Định kỳ hàng năm theo dõi, cập nhật, đề xuất điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của tỉnh. Đề xuất cơ chế, chính sách nhằm phát triển ổn định và bền vững trong hoạt động khoáng sản của tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính bố trí nguồn vốn cho công tác chuẩn bị và thực hiện đầu tư các hạng mục hạ tầng cơ sở.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện việc quy hoạch công tác điều tra cơ bản, quản lý và lưu trữ số liệu địa chất nguồn khoáng sản than bùn, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương có khoáng sản này để khảo sát, xác định vị trí ngoài thực địa phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản và quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng của tỉnh. Củng cố hoạt động của hệ thống thanh tra mỏ, nâng cao năng lực quản lý và điều hành, tính pháp lý của hệ thống thanh tra tài nguyên và môi trường địa phương; trình UBND tỉnh cấp giấy phép, khoanh định vùng cấm hoạt động khoáng sản than bùn, đấu thầu thí điểm thăm dò, khai thác một vài mỏ than bùn…

4. Sở Xây dựng theo chức năng nhiệm vụ của mình chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các ngành liên triển khai cụ thể các nội dung, giải pháp của quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản than bùn.

5. Sở Giao thông vận tải: chủ trì việc lập quy hoạch đầu tư các tuyến đường phục vụ yêu cầu giao thông vận tải cho phát công nghiệp khai thác, sử dụng than bùn của tỉnh, kết hợp phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

6. Các Sở, Ngành liên quan: Chủ động phối hợp với Sở Công Thương, trong việc triển khai thực hiện các nội dung quy hoạch, xây dựng, tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể tổ chức thực hiện theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ.

7. UBND các huyện, thành phố, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn:

7.1. Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản kể cả tài nguyên khoáng sản đang khai thác và chưa khai thác; đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội trên địa bàn quản lý. Hướng dẫn các đơn vị có nhu cầu xin hoạt động khoáng sản theo đúng quy hoạch này.

7.2. Phối hợp với các Sở, ngành chức năng trong công tác kiểm tra, hậu kiểm; tăng cường công tác giám sát các cơ sở khai thác, sử dụng khoáng sản than bùn về việc chấp hành quy trình công nghệ khai thác, chế biến, về bảo vệ môi trường đã được thẩm định và nghĩa vụ đối với nhà nước, địa phương. Hàng năm đăng ký, bổ sung các điểm khoáng sản mới phát hiện với Sở Công Thương để tổng hợp bổ sung vào quy hoạch chung của tỉnh để thực hiện.

7.3. UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện quy hoạch và quản lý về tài nguyên khoáng sản tại địa phương. Khi phát hiện những trường hợp vi phạm quy hoạch đã được công bố thì xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị với cơ quan chức năng để xử lý. Đồng thời chịu trách nhiệm chính về việc không ngăn chặn, không xử lý kịp thời, để xảy ra trường hợp khai thác không phép, khai thác trái phép và vi phạm quy hoạch khoáng sản tại địa phương.

8. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu và đủ điều kiện nghiên cứu, quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản: Chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường khu vực khai thác khoáng sản; thực hiện khai thác khoáng sản theo nội dung giấy phép và dự án khai thác đã được phê duyệt, các quy định của Luật Khoáng sản và các quy định của pháp luật liên quan

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các đơn vị, cá nhân liên quan căn cứ quyết định thi hành ./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Chúc

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2788/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng than bùn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

  • Số hiệu: 2788/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/10/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Nguyễn Văn Chúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản