Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5168/QĐ-UBND | Mỹ Tho, ngày 31 tháng 12 năm 2009 |
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN TỈNH TIỀN GIANG ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 131/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 485/QĐ-TTg ngày 02 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Bảo vệ các loài thủy sản quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng”;
Căn cứ Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020;
Căn cứ Chương trình hành động số 28-CTr/TU ngày 09 tháng 10 năm 2008 của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Phục hồi nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ, các sông và các vùng đất ngập nước như điều chỉnh cường lực khai thác và cải thiện môi trường sống của các loài thủy sản bằng các quy định pháp quy với kế hoạch thả bổ sung con giống nhân tạo hàng năm, nhằm tăng cường khả năng tái tạo, phục hồi mật độ các giống loài thủy sản đã bị khai thác quá mức.
2. Nâng cao nhận thức cho cộng đồng ngư dân ven biển về tầm quan trọng, khả năng tái tạo có điều kiện các nguồn tài nguyên thiên nhiên, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của ngư dân trong việc tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
3. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của đơn vị chức năng và chính quyền cơ sở. Hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các đoàn thể quần chúng trong vận động nhân dân có ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
1. Phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản:
- Tập huấn tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
- Tập huấn quy trình sản xuất giống, kỹ thuật nuôi thương phẩm một số giống loài cá bản địa như cá rô đồng, cá sặc rằn, cá thát lát, cá trê, cá lóc… và một số giống loài thủy sản nước lợ, mặn như: cua, tôm sú, nghêu... thả giống phục hồi nguồn lợi thủy sản một số giống loài cá bản địa.
- Đề ra giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản
2. Bảo vệ, bảo tồn đa dạng thủy sinh vật: Thiết lập khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng thủy sinh vật vùng ven biển, cửa sông nhằm khôi phục sinh cảnh, tạo môi trường tập trung thủy sản còn non, nơi cư trú an toàn để sinh trưởng và sinh sản của các loài thủy sinh vật có giá trị khoa học, kinh tế cao như nghêu, cua,… góp phần cung cấp nguồn giống tự nhiên cho khu vực.
3. Tổ chức quản lý, khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ:
Xây dựng và thực hiện kế hoạch khảo sát hàng năm nguồn lợi nhuyễn thể ở cửa sông và ven biển, theo dõi đa dạng thủy sinh vật, các loài chỉ thị môi trường, hệ sinh thái, để chỉ định các vùng cấm khai thác có thời hạn nhằm bảo vệ tốt và tổ chức khai thác hợp lý.
Cơ cấu lại nghề nghiệp khai thác thủy sản bằng các quy định pháp luật và chính sách.
4. Thu thập dữ liệu và tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá:
Tham gia hệ thống thu thập, cung cấp dữ liệu về đa dạng thủy sinh vật và hệ thống dự báo ngư trường, mạng thông tin kết nối giữa Trung tâm dữ liệu quốc gia và các cơ quan nghiên cứu, quản lý do Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản chủ trì.
5. Nâng cao kiến thức cho ngư dân khai thác xa bờ, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản cấp xã, tăng cường phối hợp tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về thủy sản:
- Tập huấn kiến thức cho ngư dân khai thác hải sản xa bờ.
- Tổ chức mạng lưới cộng tác viên bảo vệ nguồn lợi thủy sản được tập huấn và hỗ trợ sinh hoạt phí.
- Tham mưu xây dựng văn bản pháp quy áp dụng cho các lĩnh vực đặc thù về thủy sản ở địa phương.
- Xây dựng kế hoạch phối hợp với đoàn thể quần chúng thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân ở các địa phương nhận thức và tự giác chấp hành tốt các quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
6. Xây dựng mô hình đồng quản lý nghề cá:
Nâng cao ý thức quản lý cộng đồng đối với ngư dân cùng một loại nghề khai thác thủy sản đồng thời thực hiện tốt các hoạt động cơ bản như hỗ trợ nhau về kỹ thuật, tương trợ khi gặp sự cố hoặc thiên tai, giám sát thực thi pháp luật, thiết lập cầu nối giữa đại diện ngư dân với ngành chủ quản, quản lý tốt về phát triển và vận động sự đóng góp và tham gia công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
III. CÁC ĐỀ TÀI, DỰ ÁN CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Đề tài “Khảo sát, đánh giá môi trường, đề xuất, triển khai giải pháp phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản”
a) Hiện trạng:
- Ven biển và khu vực cửa sông có độ mặn thấp: là vùng rất giàu dinh dưỡng tạo điều kiện tốt cho thủy sinh vật phát triển, tuy nhiên hệ rừng ngập mặn còn khá mỏng, phần lớn các bãi triều được sử dụng để nuôi nghêu, bên cạnh đó hoạt động đánh bắt ngày càng gia tăng nên sự phát triển tự nhiên của nguồn lợi thủy sản bị hạn chế.
- Sông rạch: mực nước tương đối cao quanh năm, chất lượng nước thay đổi ít theo 2 mùa nên rất thích hợp cho các loài thủy sản phát triển, tuy nhiên hoạt động đánh bắt thủy sản rất đa dạng, các thị trấn phát triển mạnh ở ven sông và gần đây hoạt động khai thác cát cũng gia tăng trên nhiều đoạn sông nên thủy sinh vật bị xâm hại cả về môi trường sống lẫn an toàn sinh khối.
- Đồng Tháp Mười: là vùng trũng ngập nước vào mùa lũ, chất lượng nước thay đổi lớn trên hai mùa, vùng nầy độ pH thấp chỉ thích hợp cho một số loài thủy sản, hiện đã có khu bảo tồn thiên nhiên tại khu vực này.
b) Mục tiêu:
- Khảo sát, đánh giá tác động môi trường nước trên các thủy vực sông, rạch, vùng nội đồng và vùng cửa Tiểu tỉnh Tiền Giang.
- Tập huấn tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
- Tập huấn quy trình sản xuất giống, kỹ thuật nuôi thương phẩm một số giống loài cá bản địa và một số giống loài thủy sản nước lợ, mặn. Thả giống phục hồi nguồn lợi thủy sản một số giống loài cá bản địa.
- Đề ra giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
c) Các hoạt động đề tài:
- Nghiên cứu chọn giống loài thích hợp từ các giống loài bản địa trong khu vực sông Mê Kông và Đồng Tháp Mười.
- Thả giống loài thủy sản mới cho địa phương thuộc khu vực Đồng Tháp Mười kết hợp ruộng lúa với mô hình cánh đồng thân thiện và bổ sung hàng năm cho các thủy vực khác.
- Xây dựng mô hình nuôi trồng thử nghiệm để nhân rộng và phát triển cho khu vực thuộc vùng Đồng Tháp Mười.
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch khảo sát đánh giá sự phát triển sinh vật lượng các loài thả bổ sung, những chỉ tiêu thể hiện sự biến động về hệ sinh thái, chất lượng môi trường nước các khu vực. Thu thập dữ liệu từ đánh bắt của ngư dân.
d) Kinh phí và nguồn lực thực hiện:
* Kinh phí: 1.360.000.000 đồng/03 năm, từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học cấp tỉnh.
* Tổ chức thực hiện: Chi cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn thực hiện đề tài.
đ) Kế hoạch thực hiện:
- Lập dự án, dự trù kinh phí: năm 2008.
- Thực hiện trong 3 năm từ 01/2009 đến 12/2011.
e) Giám sát, đánh giá: Hội đồng khoa học tỉnh.
2. Đề tài “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”
a) Hiện trạng:
- Nhìn chung, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh ổn định; cấp huyện thiếu cán bộ chuyên trách nên sự phối hợp quản lý, giám sát các hoạt động ngành nghề thủy sản và tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện trong phát triển kinh tế thủy sản chưa phát huy hết tiềm năng.
- Các văn bản pháp luật về thủy sản của nhà nước chưa cụ thể để áp dụng cho những đặc thù ở địa phương.
- Hoạt động các hội nghề cá địa phương chất lượng chưa cao, nội dung kém phong phú, chưa phát huy vai trò tuyên truyền nhận thức về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
- Các tổ chức đoàn thể quần chúng chưa có điều kiện quan tâm về hoạt động đánh bắt thủy sản có sử dụng ngư cụ cấm.
b) Mục tiêu:
- Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở kết hợp với sự hưởng ứng của đoàn thể quần chúng.
- Đề xuất hệ thống văn bản pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhằm cụ thể hóa mọi lĩnh vực để công tác quản lý nhà nước của các cấp chính quyền và cơ quan chuyên ngành được thuận lợi.
- Đào tạo, bồi dưỡng cộng tác viên bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
c) Các hoạt động:
- Xây dựng mạng lưới cộng tác viên bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các xã trọng tâm nghề cá được tập huấn và đào tạo kiến thức, kỹ năng hoạt động trong một khoảng thời gian để tăng cường sự quản lý giai đoạn đầu.
- Bồi dưỡng, trang bị kiến thức pháp luật cho cán bộ nhà nước cấp xã.
- Thực hiện công tác nghiên cứu lập dự thảo trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản pháp quy của địa phương nhằm cụ thể hóa văn bản pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
d) Kinh phí và nguồn lực thực hiện:
* Kinh phí: 400.000.000 đồng/02 năm, từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học cấp tỉnh.
* Tổ chức thực hiện: Chi cục Thủy sản và cộng tác viên
đ) Kế hoạch thực hiện:
Thời gian thực hiện 02 năm, từ năm 2011 đến năm 2012.
e) Giám sát, đánh giá: Hội đồng khoa học tỉnh.
3. Đề tài “Xây dựng mô hình đồng quản lý nghề cá quy mô nhỏ”
a) Hiện trạng:
- Hơn 20km vùng biển ven bờ Tiền Giang là vùng hoạt động khai thác, sản lượng chịu một phần ảnh hưởng của các hoạt động đánh bắt của các nghề cào, te, ngư cụ kết hợp xung điện, sử dụng chất nổ và hóa chất độc hại.
- Thủy sản Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn như khai thác bất hợp pháp, khai thác quá mức tại các khu vực ven bờ, các vùng nước nội địa; tình trạng sử dụng ngư cụ hủy diệt… dẫn đến sự gia tăng xung đột quyền lợi của cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản.
- Chi phí nhiêu liệu ngày càng tăng, sản lượng thủy sản khai thác ngày một giảm, ngư dân khai thác riêng lẻ không có tổ chức, hợp tác trong khai thác thủy sản dẫn đến hiệu quả không cao.
b) Mục tiêu:
Xây dựng mô hình đồng quản lý nghề cá của ngư dân khai thác ven biển và nội địa, nhằm nâng cao ý thức về tầm quan trọng, giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân và cộng đồng; xác định vai trò, trách nhiệm của ngư dân trong việc tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
c) Các hoạt động và đầu ra đề tài:
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến phát triển đồng quản lý nghề cá quy mô nhỏ.
- Khuyến khích chính quyền địa phương các cấp áp dụng đồng quản lý như một cách tiếp cận cho công tác quản lý nghề cá quy mô nhỏ.
- Xây dựng các văn bản pháp quy và thể chế để hỗ trợ xây dựng và triển khai đồng quản lý cộng đồng nghề cá quy mô nhỏ.
- Thành lập các nhóm hoặc đơn vị quản lý nghề cá tại cộng đồng tham gia vào quản lý nghề cá và đồng quản lý với chính quyền địa phương như mô hình đồng quản lý nghề Đáy song cầu, Đáy chạy, Cào ven bờ.
- Thiết lập quyền khai thác cho từng khu vực hoặc trao quyền quản lý khai thác nguồn lợi cho các cộng đồng địa phương để cho phép họ khai thác hoặc sử dụng nguồn lợi một cách có hiệu quả và bền vững.
d) Kinh phí và nguồn lực thực hiện:
* Kinh phí: 400.000.000 đồng, từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học cấp tỉnh.
* Tổ chức thực hiện: Chi cục Phát triển nông thôn chủ trì và Chi cục Thủy sản, chính quyền địa phương phối hợp thực hiện.
đ) Kế hoạch thực hiện: thực hiện trong 02 năm từ 2013 đến năm 2014.
e) Giám sát, đánh giá: Hội đồng khoa học tỉnh.
4. Dự án truyền thông bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
a) Hiện trạng, thông tin nghề cá:
Pháp lệnh Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được ban hành từ năm 1989 và Luật thủy sản đã được công bố từ năm 2003. Tiếp theo Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp quy về Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản. Công tác giáo dục, hướng dẫn ngư dân các kỹ thuật khai thác kết hợp Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được thực hiện. Việc kiểm tra xử lý các vi phạm về Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng đã được tiến hành. Tuy nhiên ý thức của ngư dân về Bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn kém, nhiều người còn có quan niệm nguồn lợi thủy sản là vô tận. Các hình thức khai thác có tính chất hủy diệt nguồn lợi thủy sản như: sử dụng nghề cấm, công cụ cấm, sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản…. dẫn đến nhiều loài thủy sản bị hủy diệt, không có khả năng phục hồi, mặc dù đã có quy định cấm nhưng nhân dân vẫn lén lút sử dụng.
b) Mục tiêu:
Nâng cao nhận thức cho cộng đồng nông ngư dân về tầm quan trọng, khả năng tái tạo có điều kiện các nguồn tài nguyên thiên nhiên, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của ngư dân trong việc tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản,
c) Các hoạt động của chương trình:
- Tham gia chương trình truyền thông Bảo vệ nguồn lợi thủy sản do Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản chủ trì,
Tăng cường phối hợp địa phương, các cơ quan liên quan tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về Bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Xây dựng phóng sự; hội thảo, tập huấn; in và cấp phát tài liệu bướm; viết bài đăng báo của địa phương và Trung ương.
- Xây dựng kế hoạch phối hợp với đoàn thể quần chúng thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân ở các địa phương nhận thức và tự giác chấp hành tốt các quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
- Tổ chức tổng kết hàng năm, khen thưởng cá nhân và địa phương có thành tích trong công tác truyền thông về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
d) Kinh phí và nguồn lực thực hiện:
* Kinh phí: 60.000.000 đồng/năm, từ nguồn kinh phí sự nghiệp giao hàng năm cho Chi cục Thủy sản.
* Tổ chức thực hiện: Chi cục Thủy sản.
đ) Kế hoạch thực hiện: Thực hiện hàng năm
e) Giám sát đánh giá: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang đánh giá thực hiện hàng năm.
5. Dự án thu mẫu và xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá
a) Hiện trạng, thông tin nghề cá:
Những số liệu về hoạt động đánh bắt thủy sản và những thông tin cơ bản liên quan hiện nay chủ yếu dựa trên một số cách tính thủ công, do đó có sự sai số so với thực tế là rất lớn, không có số liệu điều tra chính xác về sản lượng khai thác của các đội tàu đi khai thác. Mặt khác, nghề đánh bắt thủy sản phụ thuộc nhiều vào thời tiết và các yếu tố khách quan. Do đó, khi muốn quy hoạch, bảo tồn hay hạn chế một số ngành nghề nào đó hoặc cấm khai thác có thời hạn trong một thời gian nhất định nhà quản lý không có thông tin.
b) Mục tiêu:
Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, để có một hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia mang tính trung thực cao làm cơ sở cho việc xây dựng cơ chế quản lý, phương án đầu tư đúng đắn của nhà nước đồng thời phục vụ địa phương trong xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong tương lai.
c) Các hoạt động của chương trình:
- Tham gia chương trình xây dựng hệ thống dữ liệu nghề cá do Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản chủ trì:
- Xác định mục tiêu điều tra.
- Lập kế hoạch, phân chia các đội tàu để tiến hành thu mẫu điều tra:
+ Tổ chức nguồn nhân lực.
+ Phương pháp kỹ thuật:
. Xác định tổng thể điều tra.
. Thiết lập dàn chọn mẫu.
. Xây dựng mẫu biểu phỏng vấn.
. Xác định phương pháp chọn mẫu.
. Xác định thời gian thu mẫu.
. Xác định quy mô mẫu.
- Nhập các dữ liệu mẫu phiếu phỏng vấn vào hệ thống WEB-VNFISHBASE do Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cung cấp.
- Báo cáo sản lượng khai thác của toàn tỉnh theo định kỳ.
d) Kinh phí và nguồn lực thực hiện:
* Kinh phí: 60.000.000 đồng/năm, từ nguồn kinh phí sự nghiệp giao hàng năm cho Chi cục Thủy sản.
* Tổ chức thực hiện: Chi cục Thủy sản và cộng tác viên.
đ) Kế hoạch thực hiện: Thực hiện hàng năm.
e) Giám sát đánh giá: Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang đánh giá thực hiện của đơn vị theo định kỳ.
6. Dự án “Tập huấn, nâng cao kiến thức cho ngư dân khai thác xa bờ”
a) Hiện trạng:
- An toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển, đây là một trong những thách thức lớn đối với khai thác hải sản Việt Nam. Tổng hợp chung cho thấy có 05 mối đe dọa, nguy cơ mất an toàn đối với người và tàu cá hoạt động trên các vùng biển:
+ Thời tiết khí tượng hải văn trên các vùng biển diễn biến phức tạp.
+ Chất lượng đội tàu cá thấp;
+ Chất lượng lao động làm việc trên các tàu cá thấp;
+ Vấn đề an ninh, trật tự trên biển do sự thu hẹp ngư trường;
+ Tai nạn đâm va trên biển.
- Chất lượng lao động làm việc trên các tàu cá là vấn đề cần quan tâm. Số thuyền, máy trưởng được bồi dưỡng khoảng trên dưới 5%, số lao động có chứng chỉ hành nghề từ các trường dạy nghề chiếm khoảng 0,68% tổng số lao động làm việc trên tàu cá của cả nước, số còn lại chủ yếu được đào tạo theo phương thức cha truyền con nối, người lâu năm hướng dẫn lại cho người mới. Mặt bằng học vấn của lao động trên các tàu cá nhìn chung thấp, có tới 68% chưa tốt nghiệp tiểu học, 20% tốt nghiệp tiểu học, 10% có trình độ trung học cơ sở. Sự bất cập về chất lượng lao động ảnh hưởng trước hết đến hiệu quả hoạt động chung của các tàu cá và thường là nguyên nhân dẫn đến các tai nạn trên biển như rơi xuống nước, tai nạn lao động...
b) Mục tiêu:
Tăng cường đảm bảo an toàn cho các hoạt động của tàu cá trên biển. Mở các lớp tập huấn cho ngư dân về các tiêu chuẩn an toàn đối với các tàu cá; các kỹ năng và kiến thức cần thiết để phòng tránh rủi ro trên biển.
c) Các hoạt động của chương trình:
Tập huấn đào tạo và cấp thẻ thuyền viên tàu cá:
- Năm 2011: Tập huấn và đào tạo 500 người.
- Năm 2012: Tập huấn và đào tạo 500 người.
d) Kinh phí và nguồn lực thực hiện:
* Kinh phí: 200.000.000 đồng/02 năm từ nguồn kinh phí sự nghiệp Khuyến nông - Khuyến ngư giao hàng năm cho Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư.
* Tổ chức thực hiện: Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Tiền Giang phối hợp với Chi cục Thủy sản, các Trường nghiệp vụ Thủy sản hoặc Trung tâm Đăng kiểm và tư vấn nghề cá đào tạo.
đ) Kế hoạch thực hiện:
Thực hiện năm 2011 và năm 2012.
e) Giám sát đánh giá: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang đánh giá thực hiện.
7. Dự án “Khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng thủy sinh vật ven biển, cửa sông Cồn Ngang”
a) Đặc điểm, vị trí:
Khu vực ven biển thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre là vùng có nhiều cửa sông lớn, có mật độ phương tiện khai thác khá cao, song chưa có vùng tạo nên khu an toàn cho thủy sinh vật tập trung, tồn tại và phát triển. Trong khu vực có Cồn Ngang đang trong quá trình hình thành nằm ở giữa cửa Đại và cửa Tiểu của hệ thống sông Cửu Long diện tích phần nổi trên 1.722 ha và cồn đang phát triển mạnh là Cồn Vượt, với diện tích 200 ha và bên thềm mặt đất ngập nước hơn 600 ha, hiện nay có mặt đa dạng nhiều giống loài thủy sản, đặc biệt là nhuyễn thể và giáp xác, riêng hệ thực vật còn kém phong phú và chưa phủ kín bề mặt. Vị trí trung tâm rất thích hợp cho một khu bảo tồn đa dạng thủy sinh.
b) Mục tiêu:
- Đánh giá toàn diện các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của khu vực Cồn Ngang thuộc cửa sông Tiền, xem xét khả năng thành lập khu bảo tồn và định hướng cơ sở hạ tầng và nội dung hoạt động của dự án.
- Hình thành khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học khu vực cửa sông - ven biển.
- Tạo ra cái nôi phát triển và phát tán bổ sung nguồn lợi thủy sản cho khu vực ven biển.
- Tăng giống loài động thực vật trên khu vực để làm phong phú và đa dạng sinh vật, trong đó có nguồn lợi thủy sản.
c) Các hoạt động: Thực hiện làm hai giai đoạn
* Giai đoạn khảo sát, nghiên cứu lập dự án:
- Khảo sát đánh giá hệ sinh vật và sự biến động môi trường.
- Điều tra thống kê phương tiện, nghề, sản lượng và sản phẩm khai thác.
- Khảo sát lập hình đồ cồn và khu vực xung quanh.
- Xác định cơ sở hạ tầng và nội dung hoạt động của khu bảo tồn.
* Giai đoạn xây dựng và hoạt động:
- Khảo sát và thiết kế.
- Xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng tạo ra sinh cảnh nhân tạo nơi các loài thủy sản có thể tồn tại an toàn tránh được các phương pháp đánh bắt. Nghiên cứu, thử nghiệm du nhập một số giống loài động, thực vật có khả năng thích nghi và phát triển.
- Thả thủy sản bổ sung, thả thủy sản mới, trồng cây bổ sung, trồng cây mới du nhập từ địa phương khác, nhân giống.
- Hình thành khu vực an toàn cho thủy sản sinh trưởng, cung cấp điều kiện làm tăng lượng giống nghêu, sò huyết, cua, ghẹ, các loài nhuyễn thể bản địa và các loài du nhập từ các miền khác.
- Phát triển hệ động thực vật dưới nước và trên bờ.
- Mời gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái.
- Thành lập ban quản lý khu bảo tồn tiến hành thường xuyên các hoạt động vận hành kỹ thuật và bảo vệ.
d) Kinh phí và nguồn lực thực hiện:
* Kinh phí: ngân sách Trung ương.
- Giai đoạn hoạt động thường xuyên sau dự án là 1.200 triệu đồng/ năm.
- Quỹ đất: toàn bộ diện tích 02 cồn và phần đất ngập nước chung quanh, trong đó ở Cồn Vượt có phần đất ngập nước thuộc tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.
* Tổ chức thực hiện:
- Chi cục Thủy sản chủ trì phối hợp và thuê kỹ thuật thực hiện các giai đoạn đầu dự án và thành lập Ban quản lý dự án phụ trách giai đoạn thi công các hạng mục công trình.
- Ban quản lý khu bảo tồn chịu trách nhiệm về hoạt động thường xuyên sau dự án.
đ) Kế hoạch thực hiện:
- Điều tra, khảo sát, nghiên cứu lập dự án từ năm 2014 đến năm 2015.
- Khảo sát, lập thiết kế, mở thầu năm 2015 đến năm 2016.
- Thi công các công trình xây dựng, mua sắm phương tiện, trang thiết bị 03 năm từ năm 2017 đến năm 2020.
- Hoạt động vận hành dự án từ 2020 trở đi.
e) Giám sát, đánh giá:
- Tổ chức phê duyệt, giám sát, nghiệm thu dự án gồm cơ quan chức năng địa phương và Trung ương.
- Quản lý, giám sát hoạt động vận hành, chỉ đạo chuyên môn hàng năm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban quản lý khu bảo tồn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
8. Tổng kinh phí dự trù.
ĐVT: triệu đồng
Dự án, đề tài | Thời gian thực hiện | Kinh phí | Giai đoạn thực hiện | ||
2009-2015 | 2015-2020 | Ghi chú | |||
1. Đề tài: ”Khảo sát, đánh giá môi trường, đề xuất và triển khai giải pháp phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản” | 2009-2011 | 1.360 | 1.360 |
|
|
2. Đề tài: “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” | 2011-2012 | 400 | 400 |
|
|
3. Đề tài: “Xây dựng mô hình đồng quản lý nghề cá quy mô nhỏ” | 2013-2014 | 400 | 400 |
|
|
4. Dự án “Truyền thông Bảo vệ nguồn lợi thủy sản” | 2010-2020 | 600 | 300 | 300 | Thực hiện hàng năm |
5. Dự án “Thu mẫu và xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá” | 2010-2020 | 600 | 300 | 300 | Thực hiện hàng năm |
6. Dự án: “Tập huấn và nâng cao kiến thức cho ngư dân khai thác xa bờ” | 2011-2012 | 200 | 200 |
|
|
7. Dự án: “Khu Bảo tồn thiên nhiên đa dạng thủy sinh vật ven biển, cửa sông cồn Ngang” | 2015-2020 | 16.000 | 300 | 15.700 |
|
TỔNG CỘNG |
| 19.560 | 3.260 | 16.300 |
|
Tổng nhu cầu vốn đầu tư (vốn ngân sách): 19.560 triệu đồng, trong đó có 01 dự án đầu tư xây dựng cơ bản (Dự án “Khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng thủy sinh vật ven biển - cửa sông Cồn Ngang”). Đề nghị ngân sách Trung ương đầu tư 16.000 triệu đồng, các dự án còn lại là ngân sách tỉnh đầu tư 3.560 triệu đồng. Cụ thể từng giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 2009 - 2015: 3.260 triệu đồng.
- Giai đoạn 2015 - 2020: 16.300 triệu đồng.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm xây dựng chương trình tổng thể trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự án khu bảo tồn quốc gia.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm triển khai thực hiện theo kế hoạch các đề tài, dự án được duyệt và tổ chức sơ, tổng kết đánh giá, nghiệm thu các dự án theo từng giai đoạn.
Điều 2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng sở các ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Bải bỏ Quyết định số 10/2006/QĐ-UBND ngày 16/3/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1Quyết định 10/2006/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020
- 2Quyết định 2448/2010/QĐ-UBND công bố danh mục văn bản hết hiệu lực thi hành và bãi bỏ văn bản không còn phù hợp do tỉnh Tiền Giang ban hành
- 3Quyết định 542/2014/QĐ-UBND về Quy chế quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ở vùng biển ven bờ tỉnh Thanh Hóa
- 4Quyết định 337/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Quyết định 188/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
- 5Quyết định 13/2014/QĐ-UBND bổ sung Quy chế quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 1Pháp lệnh Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản năm 1989 do Hội đồng Nhà nước ban hành
- 2Luật Thủy sản 2003
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Quyết định 131/2004/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 6Quyết định 485/QĐ-TTg năm 2008 phê duyệt Đề án “Bảo vệ các loải thủy sinh quý hiến có nguy cơ tuyệt chủng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 1479/QĐ-TTg năm 2008 về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 542/2014/QĐ-UBND về Quy chế quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ở vùng biển ven bờ tỉnh Thanh Hóa
- 9Quyết định 337/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Quyết định 188/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
- 10Quyết định 13/2014/QĐ-UBND bổ sung Quy chế quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Định
Quyết định 5168/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt Chương trình Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Tiền Giang đến năm 2020
- Số hiệu: 5168/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 31/12/2009
- Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
- Người ký: Nguyễn Văn Phòng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 31/12/2009
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra