Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18-LCT/HĐNN8

Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 1989

 

PHÁP LỆNH

CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC SỐ 18-LCT/HĐNN8 NGÀY 05/05/1989 VỀ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THUỶ SẢN

Nguồn lợi thuỷ sản là tài nguyên sinh vật vô cùng quý giá, có khả năng tái tạo, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân.
Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản là yêu cầu cấp thiết trước mắt và lâu dài; là trách nhiệm của toàn dân, của các ngành, các cấp và các lực lượng vũ trang nhân dân;
Căn cứ vào Điều 19, Điều 36 và Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Pháp lệnh này quy định việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Nguồn lợi thuỷ sản nói trong Pháp lệnh này bao gồm mọi sinh vật có giá trị kinh tế, khoa học, sống ở các vùng nước nội địa, nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Điều 2

Môi trường sống của các loài thuỷ sản bao gồm vùng nước, mặt đất ngập nước và phần đất mà các loài thuỷ sản sinh sống, sau đây gọi chung là vùng nước.

Sinh vật thuỷ sản sống tự nhiên ở các vùng nước thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam thuộc sở hữu toàn dân. Sinh vật thuỷ sản do nuôi trồng thuộc sở hữu toàn dân hoặc các hình thức sở hữu khác.

Nhà nước thống nhất quản lý nguồn lợi thuỷ sản và môi trường sống của các loài thuỷ sản.

Điều 3

Việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản phải gắn liền với bảo vệ môi trường sống, trên cơ sở bảo đảm nhịp độ phát triển thuỷ sản, bảo đảm đời sống trước mắt và lâu dài của ngư dân và hiệu quả kinh tế của toàn xã hội.

Điều 4

Nhà nước thống nhất quản lý việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản bằng các chính sách, theo quy hoạch và kế hoạch, sử dụng tổng hợp các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, kỹ thuật, kinh tế, pháp luật để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, đặc biệt là bảo vệ các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, quý hiếm.

Tổ chức Nhà nước, xã hội, tập thể, tư nhân (sau đây gọi chung là tổ chức) và cá nhân có quyền khai thác nguồn lợi thuỷ sản thiên nhiên theo quy định của Pháp lệnh này ở các vùng nước do Nhà nước quản lý.

Tuỳ theo vùng nước, Nhà nước giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng từng vùng nước ổn định lâu dài, hoặc có thời hạn để nuôi trồng, khai thác thuỷ sản với các hình thức phù hợp, nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

Vùng nước được giao chỉ bị thu hồi trong các trường hợp do pháp luật quy định. Hội đồng bộ trưởng quy định thẩm quyền, căn cứ và trình tự giao, thu hồi vùng nước.

Điều 5

Nghiêm cấm mọi hành vi gây tác hại đến nguồn lợi, môi trường sống của các loài thuỷ sản, đến việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

Điều 6

Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư lao động, tiền vốn, vật tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết và liên doanh trong các khâu bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, nuôi trồng, khai thác, chế biến thuỷ sản; đặc biệt đối với các nghề tiến bộ, các nghề khai thác ở các vùng biển xa bờ.

Điều 7

Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản là nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân.

Tổ chức, cá nhân sử dụng vùng nước được giao để nuôi trồng, khai thác thuỷ sản có trách nhiệm xây dựng quy hoạch, kế hoạch thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản để chủ động đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản.

Nhà nước bảo đảm quyền hợp pháp của tổ chức, cá nhân sử dụng vùng nước để nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

Chương 2:

BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THUỶ SẢN

Điều 8

Nghiêm cấm các hành vi sau đây làm huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản, gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thuỷ sản:

1- Dùng chất độc hại, chất nổ, súng đạn, dòng điện làm tê liệt hoặc làm chết hàng loạt, để khai thác nguồn lợi thuỷ sản.

2- Xả, thải, để rò rỉ các chất độc hại có nồng độ vượt quá giới hạn quy định.

3- Phá rừng ngập mặn, rừng đầu nguồn, các rạn đá và san hô, các bãi thực vật ngầm và các sinh cảnh đặc biệt khác.

4- Xây dựng mới, phá bỏ, thay đổi các công trình liên quan đến vùng nước và môi trường sống làm thiệt hại lớn đến nguồn lợi thuỷ sản.

Trong trường hợp đặc biệt phải tiến hành một hoặc những công việc quy định tại điểm 3, điểm 4 của Điều này thì phải được phép của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng.

Điều 9

Cấm khai thác và cấm khai thác có thời hạn ở khu vực bãi đẻ, nơi sinh sống tập trung của các loài thuỷ sản thời kỳ còn bé, có sức bổ sung lớn nguồn lợi cho khu vực.

Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng quy định cụ thể khu vực cấm khai thác, cấm khai thác có thời hạn và việc cho phép điều tra, khai thác thăm dò ở khu vực cấm.

Điều 10

Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản quy định mức sản lượng, các đối tượng và các loại nghề khai thác ở các vùng nước, để bảo đảm tái sinh tự nhiên nguồn lợi thuỷ sản.

Điều 11

Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản quy định các nghề và phương tiện khai thác phải đăng ký; nghề cấm hoặc hạn chế; phân vùng, phân tuyến sản xuất trên biển và việc di chuyển lực lượng khai thác theo mùa vụ hàng năm.

Đối với các nghề và phương tiện khai thác mà Bộ thuỷ sản quy định phải đăng ký thì tổ chức, cá nhân khi hành nghề phải có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 12

Cấm đánh bắt, tổ chức tiêu thụ các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, quý hiếm hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng trong danh mục các đối tượng được bảo vệ.

Việc lấy giống các loài thuỷ sản quy định tại đoạn 1 của Điều này để tái tạo nguồn lợi hoặc phục vụ yêu cầu điều tra, nghiên cứu khoa học phải theo sự hướng dẫn của Bộ Thuỷ sản .

Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản quy định danh mục các đối tượng thuỷ sản cần được bảo vệ, các biện pháp đặc biệt để bảo tồn các loài thuỷ sản đó.

Điều 13

Việc nhập các giống thuỷ sản mới vào Việt Nam và việc di giống, thuần hoá giống do Bộ Thuỷ sản quy định.

Bộ Thuỷ sản và các ngành có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch bệnh đối với các loài thuỷ sản.

Điều 14

Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân nhận khoán, thuê, đấu thầu các vùng nước để nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản bằng các hợp đồng.

Điều 15

Tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh thuỷ sản được hưởng lợi ích vật chất do công sức của mình làm ra, được quyền chuyển, nhượng, bán thành quả lao động, giá trị công sức đầu tư của mình và có trách nhiệm bảo vệ, phát triển nguồn lợi thuỷ sản, nộp thuế và làm tròn nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Chương 3:

QUẢN LÝ VIỆC BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THUỶ SẢN

Điều 16

Hội đồng bộ trưởng thống nhất quản lý việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

Bộ Thuỷ sản tổ chức việc nghiên cứu, điều tra, thăm dò nguồn lợi thuỷ sản trong phạm vi cả nước, trên cơ sở phối hợp sử dụng hợp lý lực lượng của các ngành, các cấp.

Điều 17

Hội đồng bộ trưởng quy định nội dung và xét duyệt quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trên quy mô cả nước.

Bộ Thuỷ sản hướng dẫn xây dựng và tổng hợp trình Hội đồng bộ trưởng về quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản của các ngành, các cấp; tổ chức, chỉ đạo hướng dẫn, xét duyệt quy hoạch, kế hoạch của các đơn vị trực thuộc Bộ.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương tổ chức hướng dẫn, tổng hợp và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xét duyệt quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trong phạm vi địa phương mình.

Uỷ ban nhân dân quận, huyện và cấp tương đương tổ chức hướng dẫn, tổng hợp và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xét duyệt quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản của Uỷ ban nhân dân phường, xã, của các tổ chức sản xuất - kinh doanh thuỷ sản trực thuộc quận, huyện mình.

Điều 18

Bộ Thuỷ sản tổ chức thực hiện việc thanh tra Nhà nước về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trong phạm vi cả nước; cùng với các ngành, các cấp có liên quan thực hiện việc thanh tra bảo vệ các vùng nước trọng điểm, các khu vực cấm khai thác và cấm khai thác có thời hạn, các khu vực bảo vệ đặc biệt đối với các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, quý hiếm hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra Nhà nước về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản; về trách nhiệm của một số ngành có liên quan.

Điều 19

Các khiếu nại và tranh chấp về điều tra, nghiên cứu, thăm dò nguồn lợi thuỷ sản; xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản; về ngư trường nguồn lợi và lệ phí thuỷ sản được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây:

1- Uỷ ban nhân dân quận, huyện, và cấp tương đương giải quyết khiếu nại và tranh chấp giữa các tổ chức, cá nhân với nhau trong quận, huyện mình. Nếu không đồng ý với quyết định của Uỷ ban nhân dân quận, huyện thì có quyền khiếu nại lên Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp. Quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp là quyết định cuối cùng.

2- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương giải quyết khiếu nại và tranh chấp giữa các quận, huyện thuộc địa phương mình. Nếu không đồng ý với quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thì có quyền khiếu nại lên Bộ Thuỷ sản . Quyết định của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản là quyết định cuối cùng.

3- Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản giải quyết khiếu nại và tranh chấp giữa các ngành trung ương hoặc giữa các địa phương cấp tỉnh. Nếu không đồng ý với quyết định của Bộ trưởng Bộ thuỷ sản thì có quyền khiếu nại lên Hội đồng bộ trưởng. Quyết định của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng là quyết định cuối cùng.

Điều 20

Khiếu nại và tranh chấp giữa các tổ chức hoặc giữa tổ chức với cá nhân về chế độ đăng ký, cấp giấy phép hoặc thu hồi giấy phép đăng ký hành nghề sản xuất - kinh doanh thuỷ sản, sử dụng ngư cụ, phương tiện khai thác thuỷ sản do Uỷ ban nhân dân cùng cấp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy phép giải quyết. Nếu không đồng ý với quyết định đó thì có quyền khiếu nại lên Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp. Quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp là quyết định cuối cùng.

Tranh chấp giữa các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng giao khoán, thuê, nhận thầu bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, tuỳ theo tính chất và nội dung hợp đồng, được giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự hoặc trọng tài kinh tế.

Tranh chấp về bồi thường thiệt hại cho tổ chức, cá nhân do hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản gây ra mà không liên quan đến hợp đồng, thì do Toà án nhân dân giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự.

Điều 21

Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại và tố cáo về những hành vi của cá nhân, tổ chức vi phạm quy định của pháp luật bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản với cơ quan chính quyền các cấp hoặc ngành thuỷ sản.

Các cơ quan này phải xem xét, giải quyết theo Pháp lệnh quy định việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân.

Chương 4:

QUAN HỆ VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THUỶ SẢN

Điều 22

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các nước và tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ môi trường sống, di cư của các đàn cá và nguồn lợi thuỷ sản khác có liên quan giữa các bên.

Điều 23

Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào việc nghiên cứu, điều tra, thăm dò nguồn lợi thuỷ sản, nuôi trồng, khai thác, chế biến, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Căn cứ vào những nguyên tắc quy định trong Pháp lệnh này, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ban hành những quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư về nước, góp phần bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

Các quan hệ quốc tế, các hợp đồng, các văn bản thoả thuận về hợp tác quốc tế có liên quan đến nguồn lợi thuỷ sản phải phù hợp với các quy định của Pháp lệnh này, trừ trường hợp điều ước quốc tế ký kết giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế có quy định khác.

Điều 24

Tàu thuyền nước ngoài qua lại, hoạt động ở các vùng nước của Việt Nam phải tuân theo những quy định của Pháp lệnh về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản và các luật lệ khác của Việt Nam.

Tàu thuyền nước ngoài hoạt động ở các vùng nước của Việt Nam để khai thác, nghiên cứu, thăm dò nguồn lợi thuỷ sản phải có giấy phép và theo hướng dẫn của Bộ thuỷ sản nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 25

Tranh chấp liên quan đến việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản mà một hoặc cả hai bên là tổ chức, cá nhân nước ngoài được giải quyết tại cơ quan trọng tài Việt Nam hoặc tại cơ quan xét xử khác do hai bên thoả thuận.

Chương 5:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ PHẠT

Điều 26

Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp góp công sức vào việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, ngăn chặn các hành vi gây thiệt hại đến môi trường sống và nguồn lợi thuỷ sản, tuỳ theo mức độ thành tích, được Nhà nước khen thưởng về tinh thần và vật chất theo quy định chung.

Điều 27

Người nào vi phạm các quy định về đăng ký, cấp giấy phép hành nghề, sử dụng ngư cụ, phương tiện khai thác thuỷ sản trái phép, gây ô nhiễm môi trường, đánh bắt trộm thuỷ sản và các quy định khác của Pháp lệnh này, thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng và tính chất của hành vi mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc xử phạt hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 28

Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.

Điều 29

Hội đồng bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh này.

Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 1989

 

 

Võ Chí Công

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Pháp lệnh Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản năm 1989 do Hội đồng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 18-LCT/HĐNN8
  • Loại văn bản: Pháp lệnh
  • Ngày ban hành: 25/04/1989
  • Nơi ban hành: Hội đồng Nhà nước
  • Người ký: Võ Chí Công
  • Ngày công báo: 15/09/1989
  • Số công báo: Số 17
  • Ngày hiệu lực: 05/05/1989
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản