Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 424/QĐ-UB

Đồng Hới, ngày 31 tháng 5 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ban hành ngày 30/6/1989;

Căn cứ Nghị định số 35/HĐBT ngày 28/01/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về công tác quản lý khoa học và công nghệ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Quảng Bình,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về hoạt động khoa học và phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Điều 2: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; thủ trưởng các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TV Tỉnh uỷ ;
- TT HĐND, UBND tỉnh;
- Như điều 2;
- Lưu VT -VX.

TM/ UBND TỈNH QUẢNG BÌNH
CHỦ TỊCH




Trần Sự

 

QUY ĐỊNH

VỀ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
(Ban hành theo Quyết định số 424/QĐ-UB ngày 31/5/1994 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)

Thực hiện đường lối đổi mới, thời gian qua Đảng và Nhà nước ta đã ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ.

Để thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, khuyến khích việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ (sau đây viết tắt là KHCN) vào sản xuất và đời sống xã hội, phục vụ có hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội thời kỳ 1991-1995 và đến năm 2000 của tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành “Quy định về hoạt động khoa học và phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình” như sau:

Phần I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Nội dung hoạt động KHCN bao gồm:

- Nghiên cứu khoa học, thực nghiệm triển khai áp dụng các công nghệ mới, các kỹ thuật mới, các sản phẩm mới các phương pháp mới và biện pháp tổ chức mới; các công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hoá, xã hội...

- Sản xuất đơn chiếc hoặc sản xuất với số lượng nhỏ các sản phẩm mới với trình độ công nghệ cao mà các cơ sở sản xuất chưa có điều kiện thực hiện.

- Thông tin, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao nghiệp vụ về KHCN, tổ chức, quản lý.

Việc mở các trường lớp đào tạo phải tuân thủ các quy định và hướng dẫn của ngành giáo dục và đào tạo.

Điều 2: Các cơ quan Nhà nước, các đơn vị vũ trang, các tổ chức kinh tế - xã hội và mọi công dân đều được quyền tổ chức và thực hiện các hoạt động KHCN vào sản xuất và đời sống, được quyền bình đẳng trong việc dự tuyển để chủ trì hoặc tham gia thực hiện các chương trình đề tài, đề án về KHCN của tỉnh.

Điều 3: Hoạt động KHCN được thực hiện bằng các phương thức sau:

- Tự nghiên cứu (các tổ chức và cá nhân tự làm)

- Thực hiện các đề tài do Trung ương hoặc tỉnh giao.

- Liên doanh liên kết trong và ngoài nước (các tổ chức cá nhân ký kết hợp đồng kinh tế, hợp đồng dân sự hoặc liên doanh liên kết với các tổ chức cá nhân ở trong hoặc ở nước ngoài không trái với các quy định của Pháp luật hiện hành).

Điều 4: Các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực KHCN được quyền tự chủ trong nghiên cứu, sáng tạo, được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, tiến hành các dịch vụ KHKT, được khai thác và trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động nghiên cứu của mình nhưng phải tuân thủ những quy định trong “Pháp lệnh bảo vệ bí mật quốc gia” hiện hành.

Điều 5: Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức các Hội đồng khoa học để thẩm định về mặt KHCN đối với các dự án đề án quan trọng của tỉnh dự kiến áp dụng vào sản xuất và đời sống, tham mưu cho UBND tỉnh xét duyệt, công nhận các sáng kiến, sáng tạo có giá trị của các cá nhân và tập thể trong công tác, sản xuất kinh doanh.

Phần II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 6: Hàng năm ngân sách dành một tỷ lệ thích đáng cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Kinh phí này căn cứ vào kế hoạch hoạt động KHCN của tỉnh trong năm được UBND tỉnh duyệt và tập trung vào các hoạt động:

- Nghiên cứu và triển khai theo các nhiệm vụ và chương trình, đề tài trọng điểm được ghi trong năm kế hoạch KHCN;

- Xây dựng tiềm lực KHCN;

- Hỗ trợ một phần nhằm đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm ở các cơ sở sản xuất và công trình nghiên cứu trọng điểm của tỉnh.

Điều 7: Thành lập quỹ phát triển KHCN của tỉnh, quỹ này do Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường quản lý, nguồn trích lập quỹ này bao gồm:

- Kinh phí hỗ trợ của Ngân sách Trung ương và các tổ chức quốc tế; các tổ chức kinh tế và xã hội.

- Kinh phí hỗ trợ của Ngân sách tỉnh dành cho sự nghiệp KHCN (không bao gồm kinh phí cho các chương trình, đề tài trọng điểm của Nhà nước mà tỉnh chủ trì hoặc tham gia thực hiện được cấp riêng)

- Kinh phí thu hồi từ các chương trình đề tài, đề án cấp tỉnh.

- Kinh phí trích từ lợi nhuận (do có đầu tư kinh phí khoa học kỹ thuật mà có) của các doanh nghiệp do tỉnh quản lý.

- Kinh phí trích từ quỹ phát triển KHCN của các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

- Kinh phí trích từ quỹ khuyến khích phát triển sản xuất của các cơ sở sản xuất trực thuộc.

Điều 8: Nguồn vốn của các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ bảo gồm:

- Vốn do ngân sách Nhà nước cấp

- Kinh phí do thực hiện các hợp đồng

- Vốn có liên doanh, liên kết với các tổ chức khác.

- Vốn vay Ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Viện trợ của các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ, cá nhân trong và ngoài nước.

Điều 9: Đối với các công trình có vốn đầu tư cơ bản lớn, được phép có một hạng mục chi trong tổng dự toán vốn xây dựng cơ bản để tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ cho việc xây dựng và vận hành của chính công trình đó.

Điều 10: Lợi nhuận của các tổ chức KHCN được trích đưa vào các quỹ:

- Quỹ phát triển KHCN;

- Quỹ phúc lợi;

- Quỹ khen thưởng;

Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Sở Tài chính - Vật giá và Cục Thuế hướng dẫn việc trích lập và sử dụng các quỹ nói trên.

Điều 11:

a) Các hợp đồng nghiên cứu khoa học, sản xuất thử không phải chịu thuế. Các hợp đồng dịch vụ KHCN không phải nộp thuế lợi tức nhưng phải nộp thuế doanh thu. Các loại đất (đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp...) sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có thể xét được giảm hoặc miễn thuế.

b) Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Cục Thuế hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chế độ thuế nói trên.

Điều 12: Ban chủ nhiệm các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được hưởng phụ cấp. Mức phụ cấp thực hiện theo chế độ hiện hành, nguồn phụ cấp lấy trong kinh phí các chương trình, đề tài, dự án.

Điều 13: Các đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ thuộc mọi thành phần kinh tế và các đơn vị giáo dục: Y tế... được hưởng các chính sách ưu tiên như: Vay tín dụng dài hạn, khuyến nông v.v...để khuyến khích tiếp thu ứng dụng KHCN vào sản xuất và đời sống.

Điều 14: Các nhà giáo và thầy thuốc ưu tú, các lương y, nghệ nhân được Nhà nước công nhận các danh hiệu, các cán bộ KHCN được điều về cơ sở sản xuất, nhất là cán bộ làm nhiệm vụ chuyển giao công nghệ đến hộ nông dân được tỉnh khuyến khích về vật chất và tạo điều kiện để phát huy tài năng.

Điều 15: Các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã và các cơ sở có trách nhiệm:

- Cũng cố tổ chức KHCN, bố trí cán bộ đảm bảo chất lượng để theo dõi công tác khoa học, công nghệ và giúp thủ trưởng đơn vị, cơ quan chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.

- Hàng năm tổ chức đánh giá, xét duyệt và đề nghị khen thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động KHCN với cơ quan cấp trên.

- Xây dựng và thực hiện tốt các đề tài KHCN đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.

Phần III

KHEN THƯỞNG - KỶ LUẬT

Điều 16: Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức xét duyệt và đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh khen thưởng các cập thể là cá nhân có thành tích sau:

- Triển khai các chương trình, đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá và xếp loại xuất sắc.

- Có giải pháp giải quyết các vấn đề khoa học kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế.

- Đóng góp xuất sắc trong công tác hoạt động KHCN và công tác đo lường chất lượng.

Điều 17: Các bên tham gia ký kết hợp đồng kinh tế trong lĩnh vực KHCN đều phải chấp hành nghiêm chỉnh Pháp lệnh hợp đồng kinh tế.

Nếu tập thể, cá nhân nào vi phạm hợp đồng hoặc lợi dụng hợp đồng để kinh doanh trái phép, vi phạm chế độ quản lý tài chính, vi phạm các quy định của Nhà nước về Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng...gây thiệt hại đến tài sản XHCN, tài sản và tính mạng của công dân thì tuỳ theo mức độ năng nhẹ mà xử lý hành chính hay truy tố theo pháp luật hiện hành.

Phần IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm hướng dẫn, động viên CBCNV và nhân dân thực hiện tốt bản quy định này, đôn đốc tạo điều kiện cho các đơn vị, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ KHCN được giao.

Điều 19: Các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh tuyên truyền rộng rãi, kịp thời biểu dương các đơn vị và cá nhân thực hiện tốt quy định này.

Điều 20: Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 424/QĐ-UB năm 1994 quy định về hoạt động khoa học và phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

  • Số hiệu: 424/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/05/1994
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Trần Sự
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/05/1994
  • Ngày hết hiệu lực: 19/03/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản