Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 35/2011/QĐ-UBND

Lào Cai, ngày 20 tháng 10 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA UBND TỈNH LÀO CAI VỚI LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH LÀO CAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Công đoàn ngày 30/6/1990;

Căn cứ Nghị định số 133/HĐBT ngày 20/4/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) hướng dẫn thi hành Luật Công đoàn;

Căn cứ Quyết định số 04/2007/QĐ-TTg ngày 10/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

Sau khi thống nhất với Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai tại Biên bản ký kết ngày 07 tháng 10 năm 2011; xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lào Cai tại Tờ trình số 393/TTr-SNV ngày 17 tháng 10 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp hoạt động và mối quan hệ công tác giữa UBND tỉnh Lào Cai với Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 69/2007/QĐ-UBND ngày 19/9/2007 của UBND tỉnh Lào Cai Ban hành Quy chế về mối quan hệ công tác giữa UBND tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- TT. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- TT. Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Tổng LĐLĐ Việt Nam;
- Cục KTVB QPPL-Bộ Tư pháp;
- Như Điều 2 QĐ;
- Sở Tư pháp;
- Báo Lào Cai; Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, NC, VX.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Vịnh

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA UBND TỈNH LÀO CAI VỚI LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH LÀO CAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 35/2011/QĐ-UBND ngày 20/10/2011 của UBND tỉnh Lào Cai)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng:

Quy chế này quy định về việc phối hợp hoạt động và mối quan hệ công tác trong quá trình xử lý các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh có liên quan đến chức năng của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, nhằm phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn và đội ngũ công nhân, viên chức - người lao động (CNVCLĐ).

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp:

UBND tỉnh và LĐLĐ tỉnh phối hợp chặt chẽ đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để mỗi bên hoàn thành chức năng, nhiệm vụ và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Điều 3. Nội dung phối hợp:

1. Phối hợp trong việc tham gia xây dựng các cơ chế chính sách liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (văn bản quy phạm pháp luật; chương trình, kế hoạch, đề án, dự án...).

2. Phối hợp trong việc tổ chức thực hiện chính sách liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật; tổ chức thực hiện chính sách, giám sát thực hiện...).

3. Đảm bảo các quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. UBND tỉnh có trách nhiệm:

1. Chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh lấy ý kiến tham gia của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh về chính sách, chế độ lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động và các chính sách xã hội khác liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của CNVCLĐ.

2. Tạo điều kiện thuận lợi để LĐLĐ tỉnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong cán bộ, công chức và người lao động; động viên, tổ chức cho đoàn viên, cán bộ, công chức và người lao động tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân; tổ chức thực hiện các chủ trương của Nhà nước, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước theo quy định của pháp luật.

3. Chỉ đạo các cấp chính quyền phối hợp với tổ chức Công đoàn tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, có sơ tổng kết, biểu dương khen thưởng kịp thời. Hỗ trợ kinh phí và tạo điều kiện để Công đoàn tổ chức phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" trong CNVCLĐ, vận động khuyến khích việc nghiên cứu, phát huy sáng kiên, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống.

4. Chỉ đạo các ngành, các cấp giải quyết, trả lời cụ thể các kiến nghị, đề nghị của CNVCLĐ, của tổ chức Công đoàn theo quy định của pháp luật hoặc phối hợp với LĐLĐ tỉnh giải quyết các vấn đề bức xúc thuộc về quan hệ lao động phát sinh.

5. Chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện quy định của pháp luật về thành lập công đoàn, trích nộp kinh phí công đoàn; thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan và doanh nghiệp; các chính sách bảo hộ lao động, BHXH, BHYT, cứu trợ xã hội, xóa đói giảm nghèo, phòng chống các tệ nạn xã hội... nhằm cải thiện đời sống CNVCLĐ.

Điều 5. Liên đoàn lao động tỉnh có trách nhiệm:

1. Tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh về chính sách, chế độ lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiêm y tế, bảo hộ lao động và các chính sách xã hội khác liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của CNVCLĐ.

2. Vận động CNVCLĐ tích cực tham gia thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra.

3. Tuyên truyền giáo dục CNVCLĐ nghiêm túc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động CNVCLĐ tích cực thực hành tiết kiệm; đấu tranh chống quan liêu, lãng phí, tham nhũng và các tệ nạn xã hội; đẩy mạnh cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

4. Phát động phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ, đặc biệt là phong trào thi đua "lao động giỏi, lao động sáng tạo" trong sản xuất, công tác, học tập, phát huy sáng tạo, tự lực tự cường, khắc phục khó khăn nhằm hoàn thành kết quả được giao ở mức cao nhất. Tổ chức sơ kết, tổng kết; biểu dương, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong CNVCLĐ.

5. Chỉ đạo các cấp Công đoàn chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; xây dựng và thực hiện các dự án vay vốn giải quyết việc làm cho CNVCLĐ. Thực hiện công tác tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho CNVCLĐ; thường xuyên phản ánh tình hình và kiến nghị các trường hợp vi phạm pháp luật lao động để UBND tỉnh có biện pháp xử lý.

6. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, người lao động. Cử đại diện tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát do UBND tỉnh hoặc các sở, ban, ngành tổ chức về việc thực hiện chế độ, chính sách, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức và người lao động.

7. Phối hợp với chính quyền, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước tổ chức thực hiện tốt quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp nhà nước và trong các công ty theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Mối quan hệ và chế độ làm việc:

1. UBND tỉnh và LĐLĐ tỉnh làm việc trên cơ sở trao đổi, phối hợp; Thường trực LĐLĐ tỉnh được mời tham dự các phiên họp hoặc các hội nghị chuyên đề của UBND tỉnh có nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức và người lao động hoặc liên quan đến hoạt động Công đoàn.

Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các thành viên của UBND tỉnh được mời đến dự các kỳ họp của Ban Thường vụ, Ban chấp hành LĐLĐ tỉnh khi bàn về các nội dung có liên quan đến việc làm, đời sống của cán bộ, công chức và người lao động.

2. Định kỳ hàng năm (hoặc khi cần thiết) UBND tỉnh và Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh tổ chức họp để kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện Quy chế phối hợp và trao đổi những vấn đề cần thiết trong mối quan hệ công tác giữa UBND tỉnh với LĐLĐ tỉnh.

Thời gian, địa điểm, chương trình, nội dung làm việc do UBND tỉnh thông nhất với LĐLĐ tỉnh chỉ đạo thực hiện.

3. UBND tỉnh và LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, hàng năm tổ chức sơ kết đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện Quy chế phối hợp hoạt động của cấp mình về UBND tỉnh và LĐLĐ tỉnh.

Điều 7. Chế độ thông tin báo cáo:

1. UBND tỉnh có trách nhiệm thông tin cho LĐLĐ tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội và các chủ trương, chính sách mới ban hành có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức và người lao động trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

2. Khi cần thiết UBND tỉnh cử đại diện dự các kỳ Hội nghị Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh để nghe các kiến nghị với UBND tỉnh hoặc thông báo những vấn đề chính sách liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức và người lao động.

3. LĐLĐ tỉnh có trách nhiệm báo cáo về tình hình việc làm, đời sống, tâm tư, nguyện vọng của CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn với UBND tỉnh theo định kỳ 6 tháng, 01 năm.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 8. Tổ chức thực hiện:

Hai bên có trách nhiệm phổ biến Quy chế này cho các đơn vị thực hiện theo hệ thống quản lý; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND huyện, thành phố; Thủ trưởng các doanh nghiệp trong tỉnh căn cứ Quy chế này phối hợp với tổ chức Công đoàn của cơ quan, đơn vị xây dựng Quy chế phối hợp làm việc nhằm tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đề ra.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh hoặc có những yêu cầu mới đặt ra, các ý kiến kịp thời phản ánh về Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trao đổi, thống nhất với Liên đoàn Lao động tỉnh để xem xét sửa đổi, bố sung Quy chế này cho phù hợp./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 35/2011/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp hoạt động và mối quan hệ công tác giữa Ủy ban nhân dân với Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai

  • Số hiệu: 35/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/10/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Nguyễn Văn Vịnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/10/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 15/04/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản