Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/2023/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 04 tháng 10 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ Y tế Quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 760/TTr-STNMT ngày 22 tháng 9 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 10 năm 2023.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở; Thủ Trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Vụ Môi trường;
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các cơ quan Báo, Đài tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Trung tâm CNTT - VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTN, Thành (10b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Triệu Thế Hùng

 

QUY ĐỊNH

VỀ THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
(Ban hành kèm theo quyết định số 32/2023/QĐ-UBND ngày 04 tháng 10 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này áp dụng cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

2. Hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn là chất thải phóng xạ phát sinh từ hoạt động y tế được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 22/2014/TT-BKHCN ngày 25 tháng 8 năm 2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Quy định này áp dụng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở y tế dự phòng; cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe; cơ sở nghiên cứu, xét nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, thử nghiệm y, dược; cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan, đơn vị có phát sinh chất thải rắn y tế; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động vận chuyển, xử lý, tiêu hủy chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

2. Đối với cơ sở y tế bao gồm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế dự phòng, cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, cơ sở nghiên cứu, xét nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, thử nghiệm y, dược có phát sinh chất thải rắn y tế được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.

3. Đối với các cơ sở ngoài khuôn viên cơ sở y tế có phát sinh chất thải rắn y tế được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Chương II

THU GOM, VẬN CHUYỂN, XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN Y TẾ

Điều 3. Phân loại, thu gom, quản lý và lưu giữ chất thải rắn y tế

1. Phân loại chất thải rắn y tế

Chất thải rắn y tế là chất thải ở thể rắn, bao gồm chất thải rắn y tế nguy hại và chất thải rắn y tế thông thường.

2. Thu gom, quản lý, lưu giữ chất thải rắn y tế

a) Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở y tế dự phòng; cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe; cơ sở nghiên cứu, xét nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, thử nghiệm y, dược thì phân loại, thu gom, quản lý, lưu giữ chất thải rắn y tế theo hướng dẫn tại Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.

b) Đối với các cơ sở ngoài khuôn viên cơ sở y tế có phát sinh chất thải y tế nguy hại thì phân loại, thu gom, quản lý, lưu giữ chất thải rắn y tế theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Điều 4. Phương thức vận chuyển chất thải rắn y tế

Phương tiện, thiết bị vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại của các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý phải bảo đảm đáp ứng các quy định tại Điều 36, Điều 37 và các yêu cầu đặc thù về bảo vệ môi trường tại khoản 3 Điều 42 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường:

1. Chất thải rắn y tế nguy hại trước khi vận chuyển phải đóng gói trong các bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế, bảo đảm không bị bục, vỡ hoặc phát tán chất thải trong quá trình vận chuyển;

2. Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải rắn y tế nguy hại lắp đặt trên phương tiện vận chuyển phải có thành, đáy, nắp kín, kết cấu cứng, chịu va chạm, không bị rách, vỡ, rò rỉ chất thải, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển; được lắp cố định hoặc có thể tháo rời trên phương tiện vận chuyển và bảo đảm không bị rơi, đổ trong quá trình vận chuyển chất thải;

3. Phương tiện vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại phải có thùng hoặc khoang kín được bảo ôn; kích thước của thùng chứa gắn trên phương tiện vận chuyển thực hiện theo quy định của pháp luật về giao thông vận tải; bên ngoài thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI RẮN Y TẾ NGUY HẠI”;

4. Đối với các khu vực không sử dụng được phương tiện vận chuyển chuyên dụng để vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại, được sử dụng các loại phương tiện vận chuyển phù hợp nhưng phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của khoản 3, Điều này;

5. Đối với phòng y tế của các cơ sở giáo dục đào tạo có thể quyết định tự vận chuyển chất thải y tế nguy hại bằng phương tiện vận chuyển phù hợp nhưng phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của khoản 3, Điều này đến các cơ sở y tế gần nhất để lưu giữ, bảo quản tạm thời chất thải theo hợp đồng hoặc trực tiếp ký hợp đồng với đơn vị có chức năng định kỳ đến thu gom, vận chuyển, xử lý theo đúng quy định. Việc tự vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ các cơ sở này phải đảm bảo tuân thủ các điều kiện về vận chuyển chất thải y tế nguy hại (chất thải rắn y tế nguy hại phải được đóng gói theo quy định tại Điều 5, Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021) và phải chịu trách nhiệm nếu có các sự cố xảy ra;

6. Trong thời gian chờ đơn vị xử lý đến thu gom chất thải rắn y tế, chủ nguồn thải có trách nhiệm trang bị hoặc yêu cầu đơn vị xử lý cung cấp các dụng cụ để lưu trữ, bảo quản tạm thời chất thải rắn y tế lây nhiễm theo đúng quy định, không để mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường;

7. Phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại (bao gồm chất thải rắn y tế nguy hại) phải lắp đặt thiết bị định vị và hoạt động theo đăng ký trong Giấy phép được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.

Điều 5. Xử lý chất thải rắn y tế

1. Đối với chất thải rắn y tế thông thường được chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để vận chuyển, xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp cơ sở thuộc Danh mục chất thải rắn thông thường được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế quy định tại Phụ lục số I ban hành kèm theo Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021, chủ nguồn thải được phép chuyển giao cho đơn vị có nhu cầu tái chế phù hợp.

2. Chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý theo các hình thức sau:

a) Xử lý tại cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại có hạng mục xử lý chất thải y tế;

b) Xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm cơ sở y tế (chất thải y tế của một cụm cơ sở y tế được thu gom và xử lý tại hệ thống, thiết bị xử lý của một cơ sở trong cụm);

c) Tự xử lý tại công trình, thiết bị xử lý chất thải y tế nguy hại trong khuôn viên cơ sở y tế.

3. Xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình cụm

a) Hiện tại Trung tâm y tế huyện Tứ Kỳ và Trung tâm y tế thị xã Kinh Môn được thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại bằng hệ thống xử lý chất thải theo công nghệ khử trùng bằng hơi nước bão hòa ở nhiệt độ cao, kết hợp với nghiền cắt được hỗ trợ từ Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện vay vốn Ngân hàng Thế giới, chất thải phát sinh sau xử lý phải được ký hợp đồng chuyển giao xử lý với đơn vị có đủ chức năng:

- Trung tâm y tế (TTYT) huyện Tứ Kỳ: Thực hiện vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại TTYT huyện Tứ Kỳ và 23 trạm y tế (TYT) xã, thị trấn trực thuộc.

- Trung tâm y tế (TTYT) thị xã Kinh Môn: Thực hiện vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh tại TTYT thị xã Kinh Môn (cơ sở 1), Nhị Chiểu (cơ sở 2), Phòng khám đa khoa Phúc Thành và 23 trạm y tế (TYT) xã, phường trực thuộc.

b) Các cơ sở có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại trong cụm được phép hợp đồng với 01 đơn vị chức năng khác để xử lý những thành phần chất thải y tế khác mà cơ sở không có khả năng xử lý theo quy định.

4. Xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tại chỗ

Bệnh viện Nhi Hải Dương tự xử lý chất thải y tế phát sinh từ hoạt động của bệnh viện bằng hệ thống xử lý chất thải theo công nghệ khử trùng bằng hơi nước bão hòa ở nhiệt độ cao, kết hợp với nghiền cắt được hỗ trợ từ Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện vay vốn Ngân hàng Thế giới.

Trường hợp chất thải y tế phát sinh tại Bệnh viện Nhi Hải Dương vượt quá khả năng xử lý của đơn vị hoặc khi thiết bị xử lý chất thải y tế nguy hại không đáp ứng được yêu cầu xử lý và các loại chất thải y tế nguy hại không xử lý được trong hệ thống xử lý chất thải theo công nghệ khử trùng bằng hơi nước bão hòa ở nhiệt độ cao thì Bệnh viện Nhi Hải Dương phải có phương án ký hợp đồng với đơn vị có đủ chức năng, năng lực xử lý chất thải nguy hại (trong đó có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại) được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại đảm bảo không để tồn đọng chất thải y tế tại cơ sở.

5. Đối với các cơ sở y tế không thuộc danh mục các cơ sở y tế xử lý theo mô hình cụm và đã đầu tư công trình xử lý chất thải y tế nguy hại đảm bảo theo quy định thì tự xử lý chất thải y tế nguy hại; trường hợp chưa có công trình xử lý chất thải y tế nguy hại hoặc công trình xử lý chất thải y tế nguy hại của các cơ sở không đảm bảo theo quy định hoặc có sự cố phát sinh chất thải vượt quá khả năng xử lý của cơ sở thì hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại (được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép) để xử lý theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 42 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022.

6. Đối với chất thải rắn y tế nguy hại phải được chuyển giao cho đơn vị có đủ chức năng, năng lực xử lý chất thải nguy hại (trong đó có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại) được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Trách nhiệm thực hiện

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở y tế dự phòng; cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe; cơ sở nghiên cứu, xét nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, thử nghiệm y, dược; cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan, đơn vị có phát sinh chất thải rắn y tế; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động vận chuyển, xử lý, tiêu hủy chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh Hải Dương triển khai thực hiện Quy định này;

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tiến hành kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường và việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải nguy hại theo quy định;

c) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý chất thải rắn y tế cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan, đơn vị có phát sinh chất thải rắn y tế; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động vận chuyển, xử lý, tiêu hủy chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh Hải Dương thực hiện việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải y tế theo Thông tư 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022.

2. Sở Y tế

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở y tế dự phòng; cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe; cơ sở nghiên cứu, xét nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, thử nghiệm y, dược; cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan, đơn vị có phát sinh chất thải rắn y tế thực hiện việc phân loại, thu gom, lưu giữ, chuyển giao chất thải y tế theo Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021.

b) Thông báo, hướng dẫn các cơ sở y tế tư nhân triển khai việc xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh;

c) Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đánh giá hoạt động quản lý và xử lý chất rắn thải y tế đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế;

d) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường và việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải nguy hại theo quy định;

đ) Thường xuyên rà soát năng lực của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh để xem xét báo cáo UBND tỉnh cho phép xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm hoặc xử lý chất thải y tế tại chỗ đảm bảo theo đúng quy định;

e) Kịp thời thông tin cho Sở Tài nguyên và Môi trường về các thay đổi trong thực tế công tác quản lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung nội dung Quyết định này phù hợp theo quy định;

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến quản lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tổ chức thực hiện quyết định này và các quy định tại Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022;

b) Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn liên quan trực thuộc tổ chức kiểm tra công tác thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải rắn y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở y tế dự phòng; cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe; cơ sở nghiên cứu, xét nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, thử nghiệm y, dược; cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan, đơn vị có phát sinh chất thải rắn y tế; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động vận chuyển, xử lý, tiêu hủy chất thải rắn y tế trên địa bàn theo phân cấp quản lý có liên quan đến hoạt động phát sinh chất thải rắn y tế;

c) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý chất thải rắn y tế cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có phát sinh chất thải rắn y tế và các đối tượng liên quan trên địa bàn quản lý.

4. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn

a) Phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải rắn y tế nói riêng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có phát sinh chất thải rắn y tế trên địa bàn quản lý;

b) Phối hợp với các đơn vị có liên quan trong hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác quản lý chất thải rắn y tế trên địa bàn quản lý.

5. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn y tế

a) Thực hiện việc phân định, phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế theo quy định của quy định này và các quy định pháp luật hiện hành;

b) Thực hiện chuyển giao chất thải rắn y tế nguy hại cho đơn vị xử lý có giấy phép phù hợp theo quy định của pháp luật, số lượng chất thải sau mỗi lần chuyển giao phải được ghi đầy đủ trong sổ giao nhận chất thải y tế nguy hại theo mẫu tại Phụ lục số 06 quy định tại Điều 12 của Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021;

c) Tổ chức truyền thông, phổ biến cho các đối tượng có liên quan các quy định về quản lý chất thải rắn y tế.

6. Trách nhiệm của đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế

a) Thực hiện việc phân định, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định của quy định này;

b) Bố trí phương tiện, thiết bị vận chuyển chất thải rắn y tế theo đúng quy định tại Điều 4 quy định này;

c) Thực hiện quản lý, vận hành công trình, thiết bị, hệ thống xử lý chất thải rắn y tế theo hướng dẫn của nhà sản xuất, bảo đảm xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường và tuân thủ các quy định của pháp luật về giám sát, quan trắc môi trường. Công trình, thiết bị, hệ thống xử lý chất thải y tế phải được bảo trì, bảo dưỡng định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất và ghi đầy đủ thông tin vào sổ nhật ký vận hành công trình, thiết bị, hệ thống xử lý chất thải y tế theo quy định tại Phụ lục số 05 quy định tại Điều 11 của Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 10 tháng 01 năm 2022 và các quy định tại Thông tư 02/2022/TT-BTNMT ngày 26 tháng 11 năm 2021.

d) Thực hiện việc giao nhận chất thải rắn y tế nguy hại được ghi chép theo mẫu quy định tại Phụ lục số 06, Điều 12 của Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021.

Điều 7. Chế độ báo cáo

a) Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo kết quả quản lý chất thải nguy hại (bao gồm cả chất thải y tế) theo quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022;

b) Sở Y tế tổng hợp, báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế theo quy định tại Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021;

c) Cơ quan, tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn y tế báo cáo tình hình phát sinh, biện pháp thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải rắn y tế 01 năm 01 lần từ ngày 01/01 đến 31/12 của năm thực hiện báo cáo bằng văn bản theo quy định tại Thông tư số 20/2021/TT-BYT 26 tháng 11 năm 2021 và Thông tư 02/2022/TT- BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế trước ngày 15/01 của năm tiếp theo.

d) Các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế lập Báo cáo công tác bảo vệ môi trường (bao gồm cả chất thải rắn y tế) 01 năm 01 lần từ ngày 01/01 đến 31/12 của năm thực hiện báo cáo theo các mẫu tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 trước ngày 15/01 của năm tiếp theo và gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 32/2023/QĐ-UBND quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh Hải Dương

  • Số hiệu: 32/2023/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/10/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
  • Người ký: Triệu Thế Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/10/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản