Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2024/QĐ-UBND

Kiên Giang, ngày 07 tháng 02 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN Y TẾ NGUY HẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang tại Tờ trình số 91/TTr-STNMT ngày 01 tháng 02 năm 2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

a) Quyết định này quy định chi tiết công tác thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại đối với các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

b) Việc quản lý chất thải phóng xạ phát sinh từ hoạt động y tế được thực hiện theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.

c) Chất thải y tế khác thực hiện theo quy định tại Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.

2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với cơ sở y tế bao gồm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế dự phòng, cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, cơ sở nghiên cứu, xét nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, thử nghiệm y, dược và có phát sinh chất thải y tế; các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến quản lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Điều 2. Nguyên tắc quản lý chất thải rắn y tế nguy hại

1. Việc phân định, phân loại, thu gom, lưu giữ chất thải rắn y tế nguy hại được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 20/2021/TT-BYT.

2. Chất thải rắn y tế nguy hại phải được phân loại, thu gom riêng biệt với chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn sinh hoạt trước khi đưa vào khu vực lưu giữ tại cơ sở phát sinh theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế; không được tái chế chất thải rắn y tế nguy hại để sản xuất các đồ dùng, bao bì sử dụng trong lĩnh vực thực phẩm. Trường hợp chất thải rắn y tế nguy hại được tự xử lý, thu hồi năng lượng tại cơ sở thì căn cứ vào công nghệ, kỹ thuật hiện có, chủ nguồn thải chất thải y tế nguy hại được lựa chọn phân loại hoặc không phân loại chất thải y tế nguy hại.

3. Việc vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại theo lộ trình tối ưu về tuyến đường, thời gian, bảo đảm an toàn giao thông và phòng ngừa, ứng phó sự cố.

4. Chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý theo thứ tự ưu tiên theo quy định tại khoản 4 Điều 42 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, cụ thể:

a) Xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung tại lò đốt chất thải y tế Plasma đặt tại xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành.

b) Xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình cụm cơ sở y tế.

c) Tự xử lý tại công trình, thiết bị xử lý chất thải rắn y tế nguy hại trong khuôn viên cơ sở y tế.

Điều 3. Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại

1. Phương thức thu gom và vận chuyển

Đơn vị thực hiện vận chuyển là các cơ sở y tế được bố trí hệ thống, thiết bị xử lý chất thải rắn y tế nguy hại. Các cơ sở xử lý được trang bị xe thùng kín hoặc xe bảo ôn chuyên dụng hoặc các loại phương tiện vận chuyển khác và thiết bị, dụng cụ lưu chứa trên phương tiện vận chuyển phải đáp các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định khoản 3 Điều 42 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.

Đối với các cơ sở y tế không được bố trí hệ thống, thiết bị xử lý chất thải rắn y tế nguy hại được sử dụng các loại phương tiện vận chuyển là xe mô tô, xe gắn máy có thùng chứa và được gắn chặt trên giá để hàng (phía sau vị trí ngồi lái); kích thước của thùng chứa gắn trên xe mô tô, xe gắn máy thực hiện theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ để thu gom, vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại từ các cơ sở y tế trên địa bàn huyện, thành phố về trung tâm y tế lưu giữ và chuyển giao cho cơ sở xử lý chất thải rắn y tế theo mô hình cụm hoặc tập trung.

Đơn vị xử lý chất thải rắn y tế nguy hại sử dụng xe chuyên dụng thu gom chất thải rắn y tế nguy hại từ các cơ sở y tế trong phạm vi cụm về cơ sở xử lý theo quy định.

2. Xử lý chất thải rắn y tế nguy hại

a) Xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung: chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang được ưu tiên xử lý tập trung tại lò đốt chất thải y tế Plasma đặt tại xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành.

b) Xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình cụm cơ sở y tế

Chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế đang hoạt động được thu gom, vận chuyển và xử lý theo mô hình cụm (trừ các cơ sở xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo phương thức quy định tại điểm c khoản 2 Điều này), cụ thể như sau:

Cụm 1. Bệnh viện Lao và Bệnh phổi - xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành: thu gom và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại cho cụm Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần, Trung tâm Y học hạt nhân và Xạ trị.

Cụm 2. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang: thu gom và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại cho tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Rạch Giá, huyện Châu Thành, An Biên và giáp ranh (không bao gồm cơ sở thuộc Cụm 1).

Cụm 3. Trung tâm Y tế huyện Hòn Đất: thu gom và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại cho tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn huyện Hòn Đất.

Cụm 4. Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng: thu gom và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại cho tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn huyện Giồng Riềng.

Cụm 5. Trung tâm Y tế huyện Gò Quao: thu gom và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại cho tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn huyện Gò Quao.

Cụm 6. Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thuận: thu gom và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại cho tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận, huyện U Minh Thượng.

Cụm 7. Trung tâm Y tế huyện Kiên Lương: thu gom và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại cho tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn huyện Kiên Lương, thành phố Hà Tiên.

Cụm 8. Trung tâm Y tế thành phố Phú Quốc: thu gom và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại cho tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Phú Quốc (không bao gồm cơ sở thuộc Cụm 12).

Cụm 9. Trung tâm Y tế huyện Tân Hiệp: thu gom và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại cho tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn huyện Tân Hiệp.

Cụm 10. Trung tâm Y tế huyện An Minh: thu gom và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại cho tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn huyện An Minh.

Cụm 11. Trung tâm Y tế huyện Giang Thành: thu gom và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại cho tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn huyện Giang Thành.

Cụm 12. Vườn thú Vinpearl Safari Phú Quốc - xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc: xử lý chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh tại Vườn thú Vinpearl Safari Phú Quốc; thu gom và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại cho Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc, địa chỉ: ấp Bãi Dài, xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc.

Trường hợp công trình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại của các cơ sở không đảm bảo hoặc có sự cố phát sinh chất thải tạm thời gây quá tải, chất thải y tế được vận chuyển về cơ sở xử lý tập trung theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này để xử lý.

c) Tự xử lý tại công trình, thiết bị xử lý chất thải rắn y tế nguy hại trong khuôn viên cơ sở y tế.

Thực hiện xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tại chỗ cho 09 cơ sở y tế thuộc các xã đảo gồm xã Hòn Tre, Lại Sơn, Nam Du và An Sơn thuộc huyện Kiên Hải; xã Sơn Hải và Hòn Nghệ thuộc huyện Kiên Lương; xã Tiên Hải thuộc thành phố Hà Tiên; xã Thổ Châu và phường An Thới thuộc thành phố Phú Quốc.

Cơ sở tự xử lý chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh trong khuôn viên cơ sở phải đáp ứng yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 70 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Trường hợp công trình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại của các cơ sở không đảm bảo hoặc có sự cố phát sinh chất thải tạm thời gây quá tải, chất thải y tế được vận chuyển về cơ sở xử lý tập trung theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này để xử lý.

Điều 4. Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan

1. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã triển khai thực hiện Quyết định này.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tiến hành kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường và việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải y tế, đặc biệt là chất thải y tế nguy hại theo quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT và Thông tư số 20/2021/TT-BYT.

c) Phối hợp với Sở Y tế tổ chức đào tạo, tập huấn, truyền thông và phổ biến pháp luật về quản lý chất thải y tế nguy hại cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

2. Trách nhiệm của Sở Y tế

a) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện Quyết định này.

b) Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải y tế theo quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT và Thông tư số 20/2021/TT-BYT.

c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường, việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải y tế.

d) Kịp thời thông tin cho Sở Tài nguyên và Môi trường về các thay đổi trong thực tế công tác quản lý chất thải rắn y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung nội dung Quyết định theo quy định.

đ) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh.

e) Phối hợp với Sở Tài chính đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bố trí kinh phí đầu tư, nâng cấp, vận hành công trình, thiết bị, hệ thống xử lý chất thải y tế đối với các cơ sở y tế theo quy định.

3. Trách nhiệm của Sở Tài chính

Trên cơ sở đề xuất nhu cầu kinh phí hỗ trợ các cơ sở y tế trong công tác quản lý chất thải y tế nguy hại do Sở Y tế lập, Sở Tài chính tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ đối với các nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước trong khả năng cân đối ngân sách đại phương.

4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố

a) Phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức thực hiện Quyết định này.

b) Tổ chức truyền thông, phổ biến pháp luật về quản lý chất thải y tế nguy hại cho các cơ sở y tế và các đối tượng liên quan trên địa bàn quản lý.

c) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác kiểm tra, thanh tra các cơ sở y tế trên địa bàn quản lý về việc quản lý chất thải y tế, đặc biệt công tác quản lý chất thải y tế nguy hại theo Quyết định này.

d) Hàng năm, xem xét bố trí một phần kinh phí sự nghiệp môi trường cho công tác quản lý chất thải y tế trên địa bàn.

5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn

a) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý chất thải y tế cho các cơ sở y tế, phòng khám tư nhân trên địa bàn quản lý.

b) Phối hợp với các đơn vị có liên quan trong hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác quản lý chất thải y tế của các cơ sở y tế trên địa bàn quản lý.

6. Trách nhiệm của các cơ sở y tế và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có phát sinh chất thải y tế nguy hại

a) Thực hiện việc phân định, phân loại, thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải y tế theo quy định tại Thông tư số 20/2021/TT-BYT và Quyết định này.

b) Thực hiện chuyển giao chất thải rắn y tế nguy hại cho đơn vị xử lý theo mô hình cụm, mô hình xử lý tập trung hoặc các trung tâm y tế huyện, thành phố; số lượng chất thải sau mỗi lần chuyển giao phải được ghi đầy đủ trong sổ giao nhận chất thải theo mẫu được quy định tại Phụ lục số 06 ban hành kèm theo Thông tư số 20/2021/TT-BYT và sử dụng chứng từ chất thải nguy hại theo quy định.

c) Phân công lãnh đạo cơ sở y tế phụ trách về công tác quản lý chất thải y tế; bố trí cán bộ chuyên trách về công tác quản lý chất thải y tế; giao nhiệm vụ cho khoa kiểm soát nhiễm khuẩn hoặc khoa, phòng, bộ phận phụ trách về công tác quản lý chất thải y tế.

d) Tổ chức đào tạo, tập huấn, truyền thông, phổ biến cho viên chức, người lao động và các đối tượng có liên quan các quy định về quản lý chất thải y tế.

7. Trách nhiệm của cơ sở tự xử lý chất thải rắn y tế và cơ sở xử lý theo mô hình cụm, xử lý tập trung

a) Thực hiện trách nhiệm về quản lý, vận hành công trình, thiết bị, hệ thống xử lý chất thải y tế theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 20/2021/TT-BYT.

b) Việc thu gom, vận chuyển và bàn giao chất thải rắn y tế nguy hại để xử lý thực hiện theo quy định tại Điều 3 Quyết định này và phải được ghi vào sổ giao nhận chất thải rắn y tế nguy hại theo mẫu quy định tại Phụ lục số 06 ban hành kèm theo Thông tư số 20/2021/TT-BYT.

8. Các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức quán triệt, tuyên truyền nội dung Quyết định này đến các tổ chức, cá nhân và chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc thực hiện.

Điều 5. Chế độ báo cáo

a) Chế độ báo cáo về quản lý chất thải y tế của các cơ quan, cơ sở y tế theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 20/2021/TT-BYT;

b) Các cơ sở xử lý chất thải rắn y tế theo mô hình cụm, xử lý tập trung gửi báo cáo quản lý chất thải y tế về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi;

c) Thời gian gửi báo cáo trước ngày 16 tháng 12 hàng năm.

Điều 6. Điều khoản thi hành

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc (Thủ trưởng) các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; Thủ trưởng các cơ sở y tế và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2024./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lâm Minh Thành

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 06/2024/QĐ-UBND quy định về quản lý chất thải rắn y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

  • Số hiệu: 06/2024/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/02/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
  • Người ký: Lâm Minh Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/02/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản