Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3087/QĐ-UBND | Thái Bình, ngày 04 tháng 11 năm 2019 |
BAN HÀNH ĐỀ ÁN SẢN XUẤT VỤ XUÂN, VỤ HÈ NĂM 2020.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng;
Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 05/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Thái Bình đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 16/2014/QĐ-UBND ngày 24/9/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào một số lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 2376/QĐ-UBND ngày 21/9/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ xã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới, huyện đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới và cơ chế, chính sách hỗ trợ sản phẩm đặc thù của huyện, thành phố giai đoạn 2018-2019;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 324/TTr-SNNPTNT ngày 29/10/2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án sản xuất vụ Xuân, vụ Hè năm 2020.
Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai, thực hiện Đề án.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo và triển khai Đề án đối với các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn quản lý.
Điều 3. Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Sở, Thủ trưởng ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trong tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
SẢN XUẤT VỤ XUÂN, VỤ HÈ NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3087/QĐ-UBND ngày 04/11/2019 của UBND tỉnh).
I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ SẢN XUẤT VỤ XUÂN, VỤ HÈ NĂM 2019
1. Kết quả sản xuất vụ Xuân, vụ Hè năm 2019:
1.1. Tổng diện tích gieo trồng lúa xuân và cây màu xuân năm 2019 toàn tỉnh 92.011ha, giảm 677ha so với vụ Xuân năm 2018, trong đó:
1.1.1 Lúa xuân:
- Diện tích gieo cấy đạt 77.589ha, giảm 631ha so với vụ Xuân năm 2018, năng suất 71,30 tạ/ha, sản lượng 553.210 tấn; sản lượng được tiêu thụ qua hợp đồng liên kết sản xuất đạt trên 10%.
- Cơ cấu giống: Giống lúa chất lượng cao 26.225ha, chiếm 33,8%, chủ yếu là các giống Bắc thơm số 7, T10, lúa nếp, lúa Nhật; giống lúa năng suất cao 51.365ha (chiếm 66,2%), chủ yếu là các giống lúa thuần BC15, TBR225, Thiên ưu 8, TBR1 và các giống lúa lai.
- Thời vụ gieo cấy: Chủ yếu mạ được gieo xung quanh tiết lập Xuân từ 01- 08/02/2019, cấy tập trung từ 10-20/02/2019; một số diện tích giống lúa dài ngày gieo tuần 1 tháng 12/2018, cấy từ 15-30/01/2019.
- Phương thức gieo cấy: Chủ yếu gieo mạ non trên nền cứng, cấy bằng tay, diện tích cấy bằng máy 3.134ha, tăng 1.901ha so với vụ Xuân 2018; diện tích lúa gieo thẳng chiếm 22,49%, giảm 7.489ha so với vụ Xuân 2018.
1.1.2. Cây màu xuân: Tổng diện tích 14.422ha, giảm 46ha so với năm 2018.
1.2. Diện tích cây màu vụ Hè năm 2019: Đạt 11.370ha, tăng 482ha so với năm 2018.
1.3. Kết quả thực hiện chuyển đổi đất lúa sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày khác: Vụ Xuân 2019, toàn tỉnh chuyển đổi được 249,18ha từ diện tích lúa sang cây trồng khác gồm ngô ngọt, ớt, dưa, bí, cây dược liệu, cây ăn quả; trong đó, 12ha chuyển đổi sang trồng cây ăn quả.
1.4. Kết quả thực hiện sản xuất theo “cánh đồng lớn”, cánh đồng có liên kết: Toàn tỉnh có 234 cánh đồng với diện tích 6.804ha; trong đó, có 218 cánh đồng lúa (diện tích 6.281 ha); 16 cánh đồng màu (diện tích 523ha) chủ yếu gồm ngô ngọt, kê, dưa bí, ớt,... Hầu hết các cánh đồng đều có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các công ty như Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinhSeed, Công ty Giống cây trồng Trung ương, Công ty TNHH An Đình, Công ty TNHH Hưng Cúc, Công ty Cổ phần Chế biến nông sản Thương mại Dịch vụ Thanh Nhàn,...
1.5. Kết quả tập trung, tích tụ ruộng đất: Tính đến vụ Xuân năm 2019, tổng diện tích đất được tập trung, tích tụ để sản xuất trồng trọt có quy mô từ 02ha trở lên là 2.428,3ha, trong đó diện tích tập trung, tích tụ có quy mô từ 10ha trở lên có 844,1 ha, chiếm 28,34%; hình thức tập trung, tích tụ ruộng đất để sản xuất chủ yếu là thuê và mượn đất. Hầu hết các mô hình tập trung, tích tụ bước đầu được đánh giá có hiệu quả hơn từ 1,2 đến 1,5 lần so với sản xuất thông thường khi chưa được tập trung tích tụ.
2. Thuận lợi, khó khăn và tồn tại từ sản xuất vụ Xuân, vụ Hè năm 2019
2.1. Thuận lợi:
- Công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp luôn nhận được sự quan tâm sâu sát, kịp thời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương;
- Công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, các cơ quan truyền thông vào cuộc một cách mạnh mẽ để tuyên truyền chủ trương, các giải pháp đến với nông dân kịp thời;
- Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) đã có sự thay đổi trong điều hành và tổ chức các khâu dịch vụ có hiệu quả cao, đặc biệt dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được điều hành tập trung thu hút được nhiều nông dân tham gia; một số nơi xuất hiện dịch vụ gieo cấy bằng máy; liên kết sản xuất với doanh nghiệp được chú trọng; việc trao đổi mượn ruộng sản xuất quy mô lớn được nhiều nông dân quan tâm và sản xuất có hiệu quả;
- Thời tiết vụ Đông Xuân năm 2019 tương đối thuận lợi, chất lượng nguồn nước và công tác điều tiết nước đáp ứng kịp thời cho kế hoạch sản xuất; các đối tượng sâu bệnh hại cây trồng đều được phát hiện sớm, tham mưu chỉ đạo kịp thời; công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp được chú trọng;
- Chủng loại và số lượng giống lúa sử dụng đã giảm hơn so với năm trước, giống lúa chất lượng được mở rộng ở 02 huyện: Kiến Xương và Tiền Hải; nông dân sản xuất liên kết bằng giống theo yêu càu của thị trường và nhu cầu của đơn vị liên kết;
- Hình thành 7 sản phẩm gạo trên 3 chuỗi được xác nhận sản phẩm an toàn của 02 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
2.2. Khó khăn và tồn tại
- Chấp hành thời vụ và lịch gieo cấy: Một số địa phương nông dân chưa chấp hành lịch gieo mạ (gieo mạ ở cuối tháng 11/2018) dẫn đến tình trạng lúa trổ bông ngay trong tiết Thanh minh, sâu bệnh và chuột gây hại nặng làm giảm năng suất; tỷ lệ diện tích gieo thẳng ở nhiều địa phương còn cao, tình trạng sử dụng nhiều loại thuốc cỏ trong vụ sản xuất có nguy cơ dẫn đến thoái hóa đất, ô nhiễm môi trường và sức khỏe cộng đồng.
- Diễn biến về thời tiết hết sức phức tạp và bất lợi cho sản xuất, đặc biệt diện tích lúa trỗ bông đầu tháng 5 gặp mưa kéo dài, nhiệt độ xuống thấp, bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh, gây hại trên diện rộng; giai đoạn lúa vào chắc nhiệt độ ở mức 37- 38°C làm cho lúa bị chín ép, năng suất không cao.
- Tình trạng thiếu lao động trong nông thôn ngày càng phổ biến, hiệu quả sản xuất lúa ở mức thấp so với ngành nghề khác dẫn đến tình trạng nông dân không canh tác đất lúa, hoặc sản xuất cầm chừng, giữ đất...
- Vai trò của một số HTXDVNN chưa được phát huy trong tổ chức sản xuất và thực hiện các khâu dịch vụ; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo giữa doanh nghiệp và nông dân còn chưa thực sự bền vững
II. CHỦ TRƯƠNG, GIẢI PHÁP SẢN XUẤT VỤ XUÂN, VỤ HÈ 2020.
1. Nhận định một số yếu tố tác động đến sản xuất vụ Xuân, vụ Hè năm 2020.
1.1. Khó khăn:
- Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, vụ Xuân năm 2020 được dự báo là vụ Xuân ấm, nhiệt độ từ tháng 12/2019 đến tháng 02/2020 phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN); tổng lượng mưa tháng 01 và tháng 02/2020 phổ biến ở mức thấp hơn từ 15-30%.
- Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, hoạt động của HTXDVNN đã có sự chuyển biến song còn yếu và thiếu vốn để hoạt động, rất khó để tạo thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm; phần lớn các HTXDVNN chưa làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón và thuốc BVTV; tổn thất sau thu hoạch còn ở mức cao, dịch vụ phơi sấy chưa được hình thành dẫn đến doanh nghiệp khó thu mua sản phẩm sau thu hoạch.
- Thiếu hụt lao động trong nông thôn, hiệu quả sản xuất lúa còn ở mức thấp, tình trạng nông dân bỏ ruộng không canh tác có xu hướng gia tăng gây ảnh hưởng lớn đến các diện tích canh tác khác trong vùng (cỏ dại, chuột hại, điều tiết nước...); các đối tượng dịch hại mới phát sinh gây hại như sâu keo mùa Thu diễn biến phức tạp.
1.2. Thuận lợi:
- Công tác cảnh báo về thiên tai, dịch hại luôn được chủ động và dự báo sớm để các địa phương triển khai, thực hiện.
- Các văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực như Luật Trồng trọt; các Nghị định của Chính phủ: số 62/2019NĐ-CP ngày 11/7/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 về chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 về Khuyến nông; số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn,... giúp ngành nông nghiệp quản lý, định hướng phát triển tạo ra những bước đột phá nâng cao giá trị sản xuất trồng trọt.
- Nhu cầu về sản phẩm nông sản của người tiêu dùng ngày càng đa dạng, đồng thời yêu cầu cả chất lượng; đó là cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng đa dạng hơn kết hợp với sản xuất an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân.
2. Chủ trương sản xuất vụ Xuân, vụ Hè 2020
2.1. Chủ trương:
- Gieo cấy hết diện tích đất lúa trong khung thời vụ cho phép; bố trí hợp lý giữa nhóm lúa chất lượng và lúa năng suất cao, ưu tiên nhóm giống lúa chất lượng cao có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, mở rộng diện tích gieo mạ khay, cấy bằng máy, hạn chế tối đa việc gieo thẳng.
- Tổ chức sản xuất lúa theo các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, áp dụng quy trình thâm canh cải tiến SRI, hiệu ứng hàng biên để giảm chi phí đầu vào tăng năng suất, chất lượng cho sản phẩm lúa của Thái Bình.
- Phát huy và nâng cao vai trò hoạt động của HTXDVNN trong các khâu dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; tập trung xây dựng, phát triển vùng sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao; khuyến khích phát triển các hoạt động hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm.
- Thực hiện tốt việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng các loại cây trồng có hiệu quả cao hơn, nâng cao giá trị canh tác trên một đơn vị diện tích trồng trọt.
- Đẩy mạnh chủ trương tập trung, tích tụ đất đai phục vụ phát triển sản xuất trồng trọt quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao; khuyến khích, nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt.
2.2. Mục tiêu
a. Lúa Xuân:
- Diện tích: 76.500ha, trong đó lúa chất lượng cao 35-40%.
- Năng suất: 71,50 tạ/ha trở lên.
- Sản lượng: 546 nghìn tấn trở lên.
- Diện tích áp dụng mạ khay, cấy máy 10.000ha; diện tích sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh khoảng 5.000ha.
- Diện tích liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm đạt từ 15% trở lên.
b. Cây màu Xuân: Tổng diện tích gieo trồng 15.000ha trở lên, trong đó:
- Cây ngô: | 3.000ha | - Cây khoai tây: | 300ha |
- Cây lạc: | 2.000ha | - Cây dưa, bí các loại | 1.500ha |
- Cây khoai lang: | 500ha | - Cây rau đậu các loại: | 5.000ha |
- Cây đậu tương: | 300ha | - Cây khác: | 2.400ha |
c. Cây màu hè: Tận dụng mọi quỹ đất để trồng cây màu hè; khuyến khích mở rộng diện tích cây màu hè trên đất chuyên trồng lúa (đất 2 vụ lúa), phấn đấu tổng diện tích 11.000ha trở lên, trong đó diện tích cây màu hè trên đất chuyên trồng lúa đạt từ 2.500ha trở lên gồm:
- Cây dưa, bí các loại: | 2.500ha | - Cây ngô: | 1.800ha |
- Đậu đỗ lấy hạt các loại: | 2.000ha | - Rau các loại: | 4.000ha |
- Cây đậu tương: | 700ha |
|
|
Phấn đấu 50-60% diện tích sản xuất rau, củ, quả theo hướng an toàn và theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng và nguyên liệu cho các nhà máy của Tập đoàn Lavifood tại Thái Bình.
3. Các giải pháp chính trong sản xuất vụ Xuân, vụ Hè 2020
3.1. Giải pháp về tuyên truyền:
- Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sản xuất trong việc chấp hành lịch thời vụ, tạo sự quyết tâm cao trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để triển khai, thực hiện Đề án sản xuất vụ Xuân, vụ Hè năm 2020; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang phát triển cây trồng khác với mục tiêu nâng cao hiệu quả trên diện tích canh tác.
- Tuyên truyền, mở rộng hình thức gieo mạ khay, cấy máy, giải phóng sức lao động; vận động tổ chức, cá nhân tập trung, tích tụ ruộng đất, sản xuất cây trồng an toàn theo chuỗi, thu gom vỏ bao thuốc BVTV để thực hiện Đề án đạt hiệu quả.
- Tổ chức hội thảo, tập huấn phổ biến, hướng dẫn các quy định về chuyển đổi đất trồng lúa để cán bộ, nông dân hiểu rõ và triển khai, thực hiện. Triển khai đào tạo, tập huấn cho người sản xuất bằng nhiều hình thức khác nhau về các biện pháp kỹ thuật, thông tin thị trường, giới thiệu các mô hình, cách tổ chức liên kết sản xuất hiệu quả để ứng dụng rộng rãi vào sản xuất.
3.2. Các giải pháp về quản lý, chỉ đạo:
- Chủ động kế hoạch ứng phó điều kiện thời tiết bất thuận trong sản xuất ngay từ đầu vụ, huy động sự tham gia chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện đến cơ sở trong chỉ đạo sản xuất; tăng cường cán bộ kỹ thuật về cơ sở chỉ đạo và hướng dẫn về cơ cấu giống, lịch thời vụ, quy trình canh tác, chăm sóc, bảo vệ cây trồng.
- Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý đất đai và các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương; dựa trên nhu cầu thị trường, khai thác lợi thế về thổ nhưỡng, cây trồng đặc sản gắn với sản xuất hàng hóa, tập trung, hiệu quả và bền vững, đồng thời phải dựa trên cơ sở khoa học, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng; sản xuất theo chuỗi giá trị; đi sâu vào chế biến nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
- Tăng cường cán bộ kỹ thuật về cơ sở tập huấn và chỉ đạo về cơ cấu giống, lịch thời vụ, quy trình canh tác, vùng sản xuất hàng hóa, công tác thủy nông, bảo vệ thực vật,... giúp nông dân hiểu rõ, đồng thuận và thực hiện các nội dung của Đề án sản xuất nông nghiệp của tỉnh, huyện, thành phố.
- Tăng cường công tác chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện trong thực hiện tập trung tích tụ ruộng đất; đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới về giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV; cơ giới hóa đồng bộ các khâu trong quá trình sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng.
- Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc hội thảo, quảng cáo, kinh doanh vật tư nông nghiệp; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán giống, phân bón, thuốc BVTV chất lượng kém, quảng cáo sai với chất lượng.
3.3. Các giải pháp kỹ thuật:
3.3.1. Lúa xuân: Thực hiện tốt cơ cấu giống, thời vụ gieo cấy
a. Cơ cấu giống: Tùy điều kiện cụ thể mỗi địa phương nên lựa chọn 2 - 3 giống lúa chủ lực, 1 - 2 giống bổ sung trên cơ sở các giống được phép sản xuất, kinh doanh theo quy định của Nhà nước; ưu tiên chọn nhóm giống ngắn ngày, chất lượng phù hợp với thị trường tiêu thụ; sử dụng các giống có tính chống chịu khá với bệnh đạo ôn, bạc lá.
- Nhóm lúa thuần chất lượng cao từ 35-40%, gồm các giống: Bắc thơm số 7, TBR279, Đông A1, Đài thơm 8, các giống lúa nếp, giống lúa Nhật có thị trường tiêu thụ tốt,...
- Nhóm lúa thuần năng suất cao từ 45-50%, gồm các giống TBR225, BC15, Thiến ưu 8, TBR-1,...
- Nhóm lúa lai khoảng 10-15%, với các giống: Thái Xuyên 111, CNR36,...
b. Thời vụ và phương thức cấy:
* Đối với lúa cấy:
- Thời vụ: Gieo mạ non trên nền đất cứng xung quanh tiết Lập Xuân (từ 30 tháng 1 đến 06/02/2020).
+ Các giống có thời gian sinh trưởng trên 130 ngày gieo đầu lịch, các giống có thời gian sinh trưởng dưới 130 ngày gieo cuối lịch.
+ Tuổi mạ: Khi cấy đạt 2,5 - 3,0 lá, kết thúc gieo cấy trước ngày 20/02/2020.
* Vùng trồng lúa Nhật và gieo trồng cây màu hè: Quy hoạch gọn vùng, gieo cấy bằng các giống lúa có thời gian sinh trưởng dưới 120 ngày, thời vụ gieo từ 10 đến 15/01/2020.
c. Những vấn đề kỹ thuật cần lưu ý:
- Áp dụng biện pháp gieo mạ non trên nền đất cứng và che phủ nilon trang; không gieo cấy lúa, sử dụng thuốc trừ cỏ khi nhiệt độ xuống dưới 15°C; gieo tăng 5-10% mạ dự phòng; chủ động chuẩn bị thóc giống ngắn ngày để dự phòng khi thời tiết bất thuận xảy ra;
- Không cấy giống BC15, TBR225 trên các vùng hay bị nhiễm đạo ôn ở các vụ trước, phải tuân thủ đúng lịch thời vụ gieo cấy; trên những chân đất trũng, hẩu, tầng canh tác dày ở vùng nội đồng và vùng ven biển khuyến cáo nông dân sử dụng lúa lai.
- Áp dụng triệt để biện pháp 3 giảm, 3 tăng; 1 phải 5 giảm; kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI, trong đó, cần tập trung vào việc thực hiện giải pháp canh tác lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính.
3.3.2. Cây màu vụ Xuân
a. Cây ngô: Sử dụng các giống ngô lai năng suất cao như: LVN10, NK4300, VS36, LVN4, LVN61, SSC886, các giống ngô sinh khối phục vụ cho chăn nuôi...; giống ngô nếp: HN88, HN68, MX10,... ngô đường: Suger75, GS93, SW1011... Thời vụ gieo từ 15 đến 31/01/2020; cải tiến kỹ thuật trồng ngô theo hướng gia tăng mật độ đảm bảo đạt từ 2.200 - 2.600 cây/sào, sử dụng phân bón hợp lý, áp dụng quy trình kỹ thuật phù hợp cho từng giống.
b. Cây lạc: Sử dụng giống năng suất cao, chất lượng tốt như: L14, TB25... để mở rộng diện tích. Thời vụ gieo trồng từ 20/01 đến 10/02/2020. Áp dụng phương pháp trồng lạc che phủ nilon để chống rét đầu vụ, hạn chế cỏ dại, tiết kiệm phân bón và nước tưới.
c. Cây đậu tương: Sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng 80-95 ngày, năng suất cao và chống chịu tốt với sâu bệnh như: ĐT26; ĐT84; ĐT51 ...
d. Cây khoai tây: Mở rộng diện tích khoai tây trên chân đất cao, sử dụng các giống có năng suất cao, chống chịu bệnh, như: Solara, Marabel (Đức), Diamant và Sinora (Hà Lan) nhân giống ở vụ Xuân, bảo quản trong kho lạnh để làm giống cho sản xuất vụ Đông, trồng mật độ dầy để tăng lượng củ giống; thời vụ trồng đầu tháng 12/2019, kết thúc trồng xong trong tháng 12/2019.
đ. Các loại rau củ quả: Xây dựng các mô hình trồng rau an toàn theo chuỗi, có hướng dẫn kỹ thuật và kiểm soát an toàn từ khâu sản xuất đến thu hoạch, có liên kết đầu ra ổn định cho sản phẩm; xây dựng được các mô hình sản xuất rau củ quả công nghệ cao, phấn đấu 50-60% diện tích sản xuất rau, củ, quả theo hướng an toàn và theo tiêu chuẩn VietGAP ở các địa phương trong tỉnh đáp ứng yêu cầu tiêu dùng và nguyên liệu cho các nhà máy của Tập đoàn Lavifood tại Thái Bình.
3.3.3. Cây màu Hè
- Thời vụ: Gieo trồng kết thúc trong tháng 5/2020; áp dụng kỹ thuật làm bầu, trồng xen, trồng gối để tận dụng thời vụ.
- Giống cây: Dưa lê, dưa hồng, dưa hấu, dưa gang, các giống đậu xanh, đậu đen, vừng, ngô nếp, ngô đường, ngô làm thức ăn xanh cho chăn nuôi...
- Chân đất sau thu hoạch màu xuân gieo trồng trực tiếp cây màu hè. Chân đất sau lúa xuân, nhất thiết phải làm bầu để tranh thủ thời vụ, rút ngắn thời gian chiếm đất trên đồng ruộng. Rẽ lúa đặt bầu ra ruộng trước khi thu hoạch lúa xuân.
3.3.4. Cây ăn quả: Việc phát triển cây ăn quả trên đất lúa cần phải được xác định, đánh giá kỹ cả về mặt kỹ thuật, thị trường và tính thích ứng. Các địa phương cần đánh giá, phân tích điều kiện, tính chất đất đai để lựa chọn giống cây ăn quả và biện pháp canh tác phù hợp; đánh giá khả năng đầu tư, khả năng tiêu thụ sản phẩm (cả sản phẩm tươi và sản phẩm chế biến) để lựa chọn quy mô sản xuất.
3.3.5. Phân bón: Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón hữu cơ vi sinh để từng bước giảm lượng phân bón vô cơ, nâng cao độ phì cho đất; chỉ sử dụng các loại phân bón được công nhận lưu hành, đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm theo nguyên tắc: Đúng chân đất, đúng loại giống, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách bón; bón phân cân đối đạm, lân, ka li theo nhu cầu sinh trưởng của cây trồng.
Đối với cây lúa: Tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ sau thu hoạch lúa mùa, sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ vi sinh để tránh ngộ độc hữu cơ, ngộ độc phèn. Bón lót sâu, thúc sớm; không bón đạm đơn; nhân rộng các mô hình sử dụng phân bón nhả chậm, bón 1 lần,... Khuyến cáo nông dân sử dụng các loại phân bón của các công ty có uy tín, chất lượng như: Việt Nhật, Lâm Thao, Văn Điển, Bình Điền,...
Đối với cây trồng cạn: Sử dụng phân bón chuyên dùng cho các loại cây trồng, tăng cường sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ vi sinh. Chăm sóc, thâm canh cây con từ trong vưòn ươm, trong bầu và ngay sau khi đặt bầu, bón thúc kịp thời để cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển; lên luống, định nhánh, bấm ngọn, định quả phù hợp với từng loại cây trồng; ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh.
3.3.6. Công tác bảo vệ thực vật
Vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch, cày lật đất sớm, phơi ải để diệt mầm mong sâu bệnh và cải tạo đất hạn chế sự phát sinh sâu bệnh ở vụ Xuân 2020.
Áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM); khuyến cáo nông dân áp dụng triệt để các biện pháp sinh học; chỉ sử dụng thuốc BVTV khi tới ngưỡng phòng trừ theo chỉ đạo của cơ quan chuyên môn. Hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng nồng độ, liều lượng và đúng kỹ thuật để đảm bảo hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng.
Chú trọng và khuyến cáo nông dân hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc cỏ trên đồng ruộng, trong vụ chỉ sử dụng 1 lần ở giai đoạn tiền nẩy mầm, không sử dụng thuốc cỏ tràn lan trong vụ.
Tăng cường công tác điều tra, chỉ đạo phòng chống sâu keo mùa Thu trên cây ngô theo Chỉ thị số 4962/CT-BNN-BVTV ngày 15/7/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và thực hiện việc hướng dẫn một số biện pháp cơ bản phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại ngô theo Công văn số 1857/BVTV-TV ngày 15/8/2017 của Cục Bảo vệ thực vật.
Thực hiện tốt công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất; tổ chức lực lượng, đồng loạt ra quân diệt chuột, đặc biệt giai đoạn đổ ải. Sử dụng các biện pháp thủ công kết hợp với dùng thuốc sinh học diệt chuột; hạn chế tối đa việc dùng các loại thuốc hóa học độc hại cho người, vật nuôi và môi trường.
3.3.7. Công tác thủy nông: Đối với sản xuất lúa, giữ nước để chủ động tưới là chính, hạn chế tiêu; tăng cường công tác thủy lợi nội đồng, điều tiết nước đảm bảo không để khô hạn, đặc biệt ở giai đoạn mới cấy.
Đối với cây trồng cạn, giữ đủ ẩm, đảm bảo tiêu thoát nước tốt khi gặp mưa.
3.4. Giải pháp thị trường, tiêu thụ
Tăng cường, nâng cao liên kết chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ nông sản;
Tiếp tục đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để phát huy ưu thế về diện tích lớn trong sản xuất nông sản và đảm bảo lượng nông sản lớn tham gia cạnh tranh trên thị trường;
Hình thành các hiệp hội trong sản xuất, tiêu thụ nông sản; trước hết là Hiệp hội nông sản thực phẩm an toàn để tăng cường các mối liên kết thông qua Hội chợ, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu mô hình, cách làm hay và sự hợp tác giữa các Hội, Hiệp hội ở các địa phương nhằm nâng cao chất lượng nông sản và tăng giá trị sản xuất;
Hoàn thành các nội dung của các dự án đầu tư nhà máy chế biến nông sản, khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp, sớm đưa các dự án vào hoạt động, như các dự án của Thaco Trường Hải, LaviFood, TH;
Tiếp tục thu hút các dự án đầu tư cho nông nghiệp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
3.5. Chính sách hỗ trợ sản xuất vụ Xuân, vụ Hè năm 2020
Hỗ trợ một phần kinh phí diệt chuột bảo vệ sản xuất cho vụ Xuân, vụ Hè năm 2020; hỗ trợ máy cấy để mở rộng diện tích cơ giới hóa khâu gieo cấy phù hợp với thực tiễn sản xuất lúa hiện nay; hỗ trợ các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh; hỗ trợ nông dân mượn ruộng sản xuất với quy mô từ 5ha trở lên.
Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn căn cứ vào yêu cầu và điều kiện cụ thể của địa phương có chính sách hỗ trợ riêng để khuyến khích hộ nông dân phát triển sản xuất.
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Căn cứ Đề án của tỉnh, các huyện, thành phố xây dựng Đề án sản xuất vụ Xuân, vụ Hè năm 2020 của địa phương, đảm bảo tuân thủ và chấp hành đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống của tỉnh; xây dựng kế hoạch chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng các loại cây trồng cho hiệu quả cao hơn có lợi thế của địa phương; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch sản xuất chi tiết. Làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh, huyện, thành phố. Chỉ đạo HTXDVNN thực hiện tốt công tác thủy lợi nội đồng, cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn địa điểm xây dựng các mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đảm bảo phát huy lợi thế của địa phương và có hiệu quả bền vững.
Hướng dẫn, chỉ đạo các hợp tác xã và nông dân ký hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị; bố trí đủ kinh phí sự nghiệp nông nghiệp của địa phương và nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật để tổ chức triển khai, thực hiện tốt Đề án sản xuất vụ Xuân, vụ Hè năm 2020.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Định hướng lựa chọn cây trồng phù hợp vào sản xuất; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả sản xuất của các địa phương, tham mưu và đề xuất kịp thời với Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức, thực hiện Đề án; chỉ đạo các đơn vị trong ngành xây dựng kế hoạch, phối hợp với các địa phương chuẩn bị tốt mọi điều kiện phục vụ sản xuất vụ Xuân, vụ Hè năm 2020.
Phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, các sở, ban, ngành liên quan rà soát quy hoạch các loại cây trồng, quy hoạch hệ thống thủy lợi và tham mưu các cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo quy định của Nghị định 62/2019NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất trồng trọt cho hiệu quả kinh tế cao 400 - 500 triệu/ha.
Tăng cường lãnh đạo và phân công cán bộ kỹ thuật về cơ sở, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố để chỉ đạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện nghiêm túc chủ trương của tỉnh, huyện, thành phố đã đề ra trong Đề án đảm bảo có hiệu quả.
Tổ chức tốt việc thanh tra, kiểm tra các tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, trái với các quy định của Nhà nước.
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xây dựng cơ chế, chính sách về đối tượng, định mức, phương thức, điều kiện áp dụng cho từng nội dung; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trong phạm vi nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp, nguồn vốn ngân sách địa phương đối ứng, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Các sở, ban, ngành liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp cụ thể để thực hiện Đề án bảo đảm hiệu quả:
- Sở Kế hoạch và tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, các sở, ngành liên quan sớm trình cơ chế, chính sách hỗ trợ máy cấy, thực hiện các giải pháp tạo môi trường kinh doanh để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phối hợp với Sở Tài chính cân đối nguồn vốn, xây dựng kế hoạch cấp kinh phí đế thực hiện Đề án, đặc biệt việc thực hiện cơ chế hỗ trợ của tỉnh.
- Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí trong phạm vi nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp và nguồn vốn địa phương đối ứng, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện Đề án sản xuất vụ Xuân, vụ Hè năm 2020.
- Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan triển khai, thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng; Văn bản số 3786/UBND-NNTNMT ngày 04/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý thuốc diệt cỏ trên địa bàn tỉnh.
- Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động và triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng cây trồng; sử dụng rơm rạ trong sản xuất nấm, phân hữu cơ, phân vi sinh phục vụ sản xuất, đời sống và bảo vệ môi trường.
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu Chiến binh tỉnh, Đoàn Thanh niên tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình: Thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền được giao; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện Đề án sản xuất nông nghiệp vụ Xuân, vụ Hè năm 2020; các cơ quan thông tin đại chúng tăng thời lượng và chọn thời điểm phù hợp tuyên truyền, phổ biến Đề án; kịp thời biểu dương các tổ chức, cá nhân làm tốt, phê bình các địa phương, cá nhân làm chưa tốt, để việc thực hiện Đề án đạt hiệu quả cao./.
- 1Quyết định 2756/QĐ-UBND năm 2016 về Đề án sản xuất vụ Xuân, vụ Hè năm 2017 do tỉnh Thái Bình ban hành
- 2Quyết định 2654/QĐ-UBND năm 2017 về Đề án sản xuất vụ Xuân, vụ Hè năm 2018 do tỉnh Thái Bình ban hành
- 3Kế hoạch 211/KH-UBND năm 2019 về sản xuất vụ Đông Xuân năm 2019-2020 trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 4Chỉ thị 07/CT-UBND về tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất vụ hè thu - mùa năm 2020 do tỉnh Nghệ An ban hành
- 5Chỉ thị 16/CT-UBND về tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất vụ hè thu, mùa năm 2021 do tỉnh Nghệ An ban hành
- 1Quyết định 16/2014/QĐ-UBND về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào một số lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn đến năm 2020
- 2Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 3Thông tư liên tịch 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 4Quyết định 2756/QĐ-UBND năm 2016 về Đề án sản xuất vụ Xuân, vụ Hè năm 2017 do tỉnh Thái Bình ban hành
- 5Luật Trồng trọt 2018
- 6Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
- 7Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ
- 8Quyết định 2654/QĐ-UBND năm 2017 về Đề án sản xuất vụ Xuân, vụ Hè năm 2018 do tỉnh Thái Bình ban hành
- 9Nghị định 83/2018/NĐ-CP về khuyến nông
- 10Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
- 11Quyết định 2376/QĐ-UBND năm 2018 quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ xã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới, huyện đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới và cơ chế, chính sách hỗ trợ sản phẩm đặc thù của huyện, thành phố giai đoạn 2018-2019 do tỉnh Thái Bình ban hành
- 12Nghị định 62/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa
- 13Chỉ thị 4962/CT-BNN-BVTV năm 2019 về tăng cường công tác phòng, chống sâu keo mùa thu hại ngô do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 14Kế hoạch 211/KH-UBND năm 2019 về sản xuất vụ Đông Xuân năm 2019-2020 trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 15Công văn 1857/BVTV-TV về bệnh lùn sọc đen hại lúa vụ Hè Thu, Mùa 2017 do Cục Bảo vệ thực vật ban hành
- 16Chỉ thị 07/CT-UBND về tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất vụ hè thu - mùa năm 2020 do tỉnh Nghệ An ban hành
- 17Chỉ thị 16/CT-UBND về tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất vụ hè thu, mùa năm 2021 do tỉnh Nghệ An ban hành
Quyết định 3087/QĐ-UBND năm 2019 về Đề án sản xuất vụ Xuân, vụ Hè năm 2020 do tỉnh Thái Bình ban hành
- Số hiệu: 3087/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 04/11/2019
- Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
- Người ký: Đặng Trọng Thăng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 04/11/2019
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra