Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/2023/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 07 tháng 11 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP THỰC HIỆN GIÁM SÁT TÀI CHÍNH VÀ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC VÀ DOANH NGHIỆP CÓ VỐN NHÀ NƯỚC DO ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẠI DIỆN QUYỀN CHỦ SỞ HỮU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 147/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương;

Căn cứ Thông tư số 200/2015/TT-BTC ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 77/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 200/2015/TT-BTC ngày 15/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 86/2021/TT-BTC ngày 06 tháng 10 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 147/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 242/TTr-STC ngày 29 tháng 9 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp thực hiện giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước do Ủy ban nhân dân tỉnh đại diện quyền chủ sở hữu.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2023.

2. Quyết định số 1640/QĐ-UBND ngày 23/9/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước do Ủy ban nhân dân tỉnh đại diện quyền chủ sở hữu hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các sở, ban, ngành và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này (kèm theo Quy chế)./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài chính (b/c);
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: Tư pháp; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư;
Lao động-Thương binh và Xã hội; Nội vụ;
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thuế tỉnh;
- Các Doanh nghiệp nhà nước tỉnh;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Phòng Kinh tế (HD);
- Lưu: VT, Ktr860/11.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lâm Văn Bi

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP THỰC HIỆN GIÁM SÁT TÀI CHÍNH VÀ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC VÀ DOANH NGHIỆP CÓ VỐN NHÀ NƯỚC DO ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẠI DIỆN QUYỀN CHỦ SỞ HỮU
(Kèm theo Quyết định số: 30/2023/QĐ-UBND ngày 07/11/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy chế này quy định việc thực hiện giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước do Ủy ban nhân dân tỉnh đại diện quyền chủ sở hữu.

2. Những nội dung về giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp không nêu trong Quy chế này, thực hiện theo Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước (sau đây gọi là Nghị định số 87/2015/NĐ-CP); Thông tư số 200/2015/TT-BTC ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước (sau đây gọi là Thông tư số 200/2015/TT-BTC) và các văn bản có liên quan theo quy định.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan đại diện chủ sở hữu: Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Các sở, ngành gồm: Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Lao động-Thương binh và Xã hội; Nội vụ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thuế tỉnh.

3. Doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp có vốn nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (sau đây gọi chung là doanh nghiệp nhà nước).

4. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu.

Điều 3. Mục đích của việc giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

1. Đánh giá đầy đủ, kịp thời tình hình tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp để có biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch kinh doanh, nhiệm vụ công ích, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

2. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời phát hiện các yếu kém trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cảnh báo và đề ra biện pháp chấn chỉnh.

3. Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

4. Thực hiện công khai, minh bạch tình hình tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Chương II

GIÁM SÁT TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Điều 4. Chủ thể giám sát

1. Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập.

2. Sở Tài chính làm đầu mối, phối hợp với các sở, ngành có liên quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh, tổng hợp báo cáo kết quả giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập.

Điều 5. Nội dung giám sát

1. Thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP và Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10 Thông tư số 200/2015/TT-BTC.

2. Đối với Quỹ Đầu tư phát triển thực hiện theo quy định tại Điều 42 Nghị định số 147/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương (sau đây gọi là Nghị định số 147/2020/NĐ-CP) và Điều 15 Thông tư số 86/2021/TT-BTC ngày 06 tháng 10 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 147/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ (sau đây gọi là Thông tư số 86/2021/TT-BTC).

Điều 6. Phương thức giám sát

1. Giám sát tài chính thực hiện bằng phương thức giám sát trực tiếp, giám sát gián tiếp, giám sát trước, giám sát trong, giám sát sau, trong đó tập trung việc giám sát trước và giám sát trong nhằm phát hiện kịp thời các rủi ro về tài chính, hạn chế trong quản lý tài chính của doanh nghiệp và có cảnh báo, giải pháp xử lý.

2. Thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra.

Điều 7. Tổ chức giám sát

1. Trách nhiệm của Sở Tài chính:

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh lập kế hoạch giám sát tài chính (bao gồm kế hoạch thanh tra, kiểm tra về tài chính) đối với các doanh nghiệp. Kế hoạch giám sát tài chính phải xác định rõ mục tiêu, nội dung, đối tượng, phạm vi giám sát đối với mỗi doanh nghiệp và kế hoạch phải lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan theo quy định (nếu có);

b) Là cơ quan đầu mối thực hiện kế hoạch giám sát các doanh nghiệp; giám sát theo chuyên đề hoặc theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh;

c) Phối hợp thực hiện công khai tài chính doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh, doanh nghiệp theo quy định;

d) Căn cứ báo cáo kết quả giám sát tài chính của các doanh nghiệp, tổng hợp báo cáo giám sát tài chính sáu (06) tháng và hàng năm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh để báo cáo Bộ Tài chính. Báo cáo giám sát tài chính sáu (06) tháng trình Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 15 tháng 8 của năm báo cáo và Báo cáo giám sát tài chính năm trình trước ngày 15 tháng 5 của năm tiếp theo;

đ) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giám sát các doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn tài chính; có trách nhiệm trả lời các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp.

2. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư: Xem xét, kiểm tra tính khả thi của các kế hoạch, dự án đầu tư, phương án huy động vốn, các dự án và phương án khác của doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh.

3. Trách nhiệm của Sở Nội vụ:

Căn cứ kết quả giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp:

a) Xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật đối với người quản lý doanh nghiệp trong các trường hợp không thực hiện chế độ báo cáo đúng quy định và không chấp hành các khuyến nghị;

b) Đánh giá đối với người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ tại các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật để làm cơ sở khen thưởng, kỷ luật (nếu có) hàng năm; xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại khi hết nhiệm kỳ.

4. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Theo dõi, quản lý việc chấp hành thực hiện chính sách, chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng, phụ cấp trách nhiệm và quyền lợi khác đối với người lao động, người quản lý doanh nghiệp tại các doanh nghiệp nhà nước.

5. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp trong việc giám sát, kiểm tra (nếu có) đối với các doanh nghiệp nhà nước có liên quan đến lĩnh vực ngành.

6. Trách nhiệm của Cục Thuế tỉnh: Theo dõi, quản lý việc chấp hành chính sách, pháp luật về thuế, các khoản thu nộp ngân sách của các doanh nghiệp nhà nước.

7. Trách nhiệm của doanh nghiệp:

a) Lập và gửi kịp thời, đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn các báo cáo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và Ủy ban nhân dân tỉnh để phục vụ cho việc giám sát tài chính. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thực hiện giám sát trực tiếp tại doanh nghiệp;

b) Khi có cảnh báo của Ủy ban nhân dân tỉnh, cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp về những nguy cơ trong tài chính. Doanh nghiệp phải xây dựng và thực hiện ngay các biện pháp để ngăn chặn, khắc phục các nguy cơ mất an toàn tài chính, rủi ro trong quản lý tài chính của doanh nghiệp;

c) Thực hiện đầy đủ, kịp thời các ý kiến chỉ đạo, khuyến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, cơ quan tài chính trong các báo cáo giám sát. Trường hợp không thống nhất với các ý kiến chỉ đạo, khuyến nghị đó, doanh nghiệp có quyền có ý kiến với cơ quan đưa ra chỉ đạo, khuyến nghị. Khi Ủy ban nhân dân tỉnh, cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp đưa ra ý kiến cuối cùng thì doanh nghiệp có trách nhiệm phải thực hiện các ý kiến đó;

d) Tổ chức giám sát tài chính trong nội bộ doanh nghiệp. Hội đồng thành viên sử dụng bộ máy trong tổ chức của doanh nghiệp để thực hiện việc giám sát này;

đ) Các doanh nghiệp nộp báo cáo giám sát tài chính sáu (06) tháng trước ngày 10 tháng 8 trong năm và báo cáo giám sát tài chính năm trước ngày 30 tháng 4 năm tiếp theo về Sở Tài chính.

Điều 8. Trường hợp giám sát tại công ty con, công ty liên kết; giám sát vốn của doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài; giám sát tài chính đặc biệt

1. Sở Tài chính là cơ quan chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức giám sát tại công ty con, công ty liên kết; giám sát vốn của doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài; giám sát tài chính đặc biệt.

2. Trong quá trình giám sát tài chính, giám sát các doanh nghiệp, công ty con, công ty liên kết; giám sát vốn của doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài; giám sát tài chính đặc biệt, Sở Tài chính chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có kế hoạch giám sát cụ thể.

3. Đối tượng, nội dung, phương thức, tổ chức giám sát thực hiện theo Mục 2, Mục 3, Mục 4 Chương III Nghị định số 87/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Chương III

ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG VÀ XẾP LOẠI DOANH NGHIỆP DO NHÀ NƯỚC NẮM GIỮ 100% VỐN ĐIỀU LỆ

Điều 9. Tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

1. Việc đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP; Điều 12 Thông tư số 200/2015/TT-BTC và Điều 1, Điều 2 Thông tư số 77/2021/TT-BTC ngày 17 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 200/2015/TT-BTC ngày 15/12/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước (sau đây gọi là Thông tư số 77/2021/TT-BTC). Các tiêu chí được xem xét, loại trừ các yếu tố tác động:

a) Do nguyên nhân khách quan như: Thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh và các nguyên nhân bất khả kháng khác;

b) Do đầu tư mở rộng phát triển sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt làm ảnh hưởng đến lợi nhuận trong hai năm đầu kể từ năm đưa công trình đầu tư vào sử dụng;

c) Do Nhà nước điều chỉnh giá (đối với sản phẩm do Nhà nước định giá) làm ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp hoặc phải thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Riêng đối với Quỹ Đầu tư phát triển, tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động theo quy định khoản 2 Điều 42 Nghị định số 147/2020/NĐ-CP và được xem xét, loại trừ các yếu tố tác động tại khoản 3 Điều 42 Nghị định số 147/2020/NĐ-CP và Điều 16 Thông tư số 86/2021/TT-BTC.

Điều 10. Căn cứ đánh giá hiệu quả và xếp loại doanh nghiệp

1. Kế hoạch đầu tư phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch tài chính hàng năm của doanh nghiệp.

2. Kết quả thực hiện kế hoạch định kỳ sáu (06) tháng, hàng năm.

3. Báo cáo tài chính sáu (06) tháng, hàng năm.

4. Kết quả giám sát tài chính doanh nghiệp.

5. Các vấn đề phát sinh có thể tác động đến kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, kế hoạch tài chính của doanh nghiệp.

6. Ý kiến nhận xét của các cơ quan liên quan về việc thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra hằng năm đối với các doanh nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý.

Điều 11. Phương thức đánh giá hiệu quả và kết quả xếp loại doanh nghiệp

1. Phương pháp đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP; Điều 14 Thông tư số 200/2015/TT-BTC và Điều 1, Điều 2, Điều 3 Thông tư số 77/2021/TT-BTC.

2. Riêng đối với Quỹ Đầu tư phát triển được thực hiện theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 86/2021/TT-BTC.

Điều 12. Tổ chức và báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp

1. Đối với doanh nghiệp

Doanh nghiệp căn cứ các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động quy định tại Điều 28 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP, các chỉ tiêu do Ủy ban nhân dân tỉnh giao, tự đánh giá và xếp loại doanh nghiệp, lập Báo cáo đánh giá và xếp loại doanh nghiệp hằng năm theo biểu mẫu quy định kèm theo Thông tư số 200/2015/TT-BTC; Thông tư số 77/2021/TT-BTC, gửi Sở Tài chính trước ngày 30 tháng 4 năm tiếp theo.

2. Đối với Quỹ Đầu tư phát triển

Quỹ Đầu tư phát triển căn cứ các tiêu chí đánh giá và báo cáo đánh giá xếp loại hiệu quả hoạt động được áp dụng tại khoản 2 Điều 42 Nghị định số 147/2020/NĐ-CP và khoản 1 Điều 16 Thông tư số 86/2021/TT-BTC, lập Báo cáo xếp loại hiệu quả hoạt động, thông qua Hội đồng quản lý Quỹ và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

3. Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh

Sở Tài chính là cơ quan chủ trì, phối hợp các sở, ngành thẩm định và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh:

a) Công bố kết quả xếp loại doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập.

b) Lập Báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động và kết quả xếp loại doanh nghiệp, gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính trước ngày 31 tháng 5 của năm tiếp theo.

c) Công bố kết quả xếp loại doanh nghiệp trước ngày 30 tháng 6 hàng năm.

Chương IV

GIÁM SÁT TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP CÓ VỐN NHÀ NƯỚC

Điều 13. Chủ thể giám sát

1. Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng giám sát người đại diện đối với công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước.

2. Sở Tài chính làm đầu mối tổng hợp báo cáo giám sát đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 14. Nội dung giám sát

Thực hiện giám sát theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP và Điều 8 Thông tư số 200/2015/TT-BTC.

Điều 15. Phương thức giám sát

Thực hiện giám sát theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP.

Điều 16. Chế độ báo cáo giám sát tài chính

Các doanh nghiệp gửi báo cáo giám sát tài chính sáu (06) tháng trước ngày 15 tháng 7 trong năm và báo cáo giám sát tài chính năm trước ngày 31 tháng 5 của năm tiếp theo đối với báo cáo năm về Sở Tài chính.

Điều 17. Đánh giá kết quả hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước

Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ kết quả đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và kết quả hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước để xem xét việc tiếp tục đầu tư, mở rộng đầu tư hay thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này. Đồng thời, làm căn cứ đánh giá, khen thưởng đối với Người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp và làm cơ sở để xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cho Người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong năm tiếp theo.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Tổ chức thực hiện

1. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan hướng dẫn, tổ chức thực hiện và theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.

2. Các sở, ngành có liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chuyên ngành phối hợp cung cấp thông tin cho Sở Tài chính đối với các nội dung có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Điều khoản thi hành

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phản ánh đến Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 30/2023/QĐ-UBND về quy chế phối hợp thực hiện giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước do Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đại diện quyền chủ sở hữu

  • Số hiệu: 30/2023/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/11/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
  • Người ký: Lâm Văn Bi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/12/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản