Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2891/QĐ-UBND

Kiên Giang, ngày 15 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VÀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG ĐÁNH GIÁ VÀ XẾP HẠNG SẢN PHẨM THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 01/QĐ-BCĐTW ngày 22/8/2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 về ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm;

Căn cứ Quyết định số 781/QĐ-TTg ngậy 08/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số phụ lục Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm;

Căn cứ Quyết định số 1303/QĐ-UBND ngày 03/6/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025”;

Căn cứ Kế hoạch số 118/KH-UBND ngày 13/8/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm” năm 2020 và giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh;

Căn cứ Quyết định số 2872/QĐ-UBND ngày 11/12/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang về việc thành lập Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kiên Giang và Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 553/TTr-SNNPTNT ngày 10 tháng 11 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc (Thủ trưởng) các sở, ban ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- LĐVP, P.KT, P. TH;
- Lưu: VT, cvquoc.

CHỦ TỊCH




Lâm Minh Thành

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG ĐÁNH GIÁ VÀ XẾP HẠNG SẢN PHẨM THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2891/QĐ-UBND ngày 15/12/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi hoạt động

Quy chế này quy định chức năng, nguyên tắc hoạt động, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Điều 2. Chức năng của Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm

Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tỉnh có chức năng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức đánh giá và xếp hạng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Điều 3. Nguyên tắc và nội dung hoạt động của Hội đồng đánh giá

1. Hội đồng đánh giá hoạt động theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, công khai.

2. Hội đồng đánh giá tổ chức đánh giá, xếp hạng các sản phẩm theo hồ sơ đề nghị của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kiên Giang để làm căn cứ trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận và xếp hạng sản phẩm. Nội dung đánh giá và xếp hạng sản phẩm thực hiện theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 08/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số phụ lục Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.

3. Các thành viên Hội đồng đánh giá sản phẩm theo phiếu đánh giá. Chủ thể sản phẩm OCOP tham gia trình bày, diễn giải trước Hội đồng. Hội đồng thảo luận, thống nhất quan điểm đánh giá một số chỉ tiêu chưa cụ thể, định tính (nếu cần).

4. Hội đồng tổng hợp kết quả đánh giá, tính trung bình điểm của các thành viên. Điểm của các thành viên không được chênh lệch quá 10 điểm. Trong trường hợp chênh lệch lớn hơn 10 điểm, Hội đồng đánh giá sẽ thảo luận để thống nhất chấm điểm lại. Hội đồng thống nhất, thông qua kết quả đánh giá lần thứ nhất, đề xuất các sản phẩm được tham gia đánh giá lần thứ hai (có tiềm năng đạt 03 sao trở lên, cần bổ sung các kết quả kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng...).

5. Cuộc họp Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm phải có ít nhất 3/4 số thành viên tham dự, trong đó phải có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền điều hành. Từng thành viên Hội đồng đánh giá chấm điểm, sau đó lấy điểm cộng trung bình của các thành viên Hội đồng cho từng sản phẩm.

6. Tùy theo tình hình thực tế và yêu cầu của việc đánh giá, Chủ tịch Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp tỉnh quyết định việc kiểm tra, đánh giá thực tế tại các tổ chức, cá nhân có sản phẩm đăng ký tham gia; xem xét việc gửi mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm độc lập tại cơ quan chức năng được thừa nhận, trước khi quyết định việc chấm điểm cuối cùng (nếu cần).

7. Loại bỏ hồ sơ các sản phẩm OCOP khi phát hiện giả mạo hồ sơ, có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sử dụng mã số, mã vạch của cơ sở sản xuất khác, không có tên cơ sở sản xuất,...sau khi Hội đồng đánh giá phát hiện có sai phạm.

8. Các Thành viên Hội đồng vắng mặt tại buổi đánh giá phải báo cáo trước cho Chủ tịch Hội đồng để xem xét bổ sung thay thế, trường hợp Thành viên Hội đồng cử đại diện phải có kinh nghiệm, chuyên môn, am hiểu về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP để dự thay và chịu trách nhiệm về kết quả chấm điểm.

Chương II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG ĐÁNH GIÁ XẾP HẠNG SẢN PHẨM

Điều 4. Trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm tỉnh

1. Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm, quyền hạn sau:

Chịu trách nhiệm đối với kết quả đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP:

a) Tổ chức thực hiện đánh giá và xếp hạng sản phẩm; sắp xếp, bố trí, phân công nhiệm vụ cho Phó Chủ tịch, Ủy viên, Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng theo quy định tại Quy chế này;

b) Theo dõi chỉ đạo, đôn đốc, quyết định giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP;

c) Quyết định loại bỏ hồ sơ các sản phẩm OCOP không hợp lệ theo Quy chế đánh giá và xếp hạng mà Hội đồng phát hiện được trong quá trình đánh giá;

d) Quyết định về kết quả đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP;

đ) Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP;

e) Thực hiện trách nhiệm của thành viên Hội đồng khi tham gia đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP;

g) Trường hợp Chủ tịch Hội đồng vắng mặt phải có ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng thay mặt, điều hành.

2. Phó Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm, quyền hạn sau:

a) Thực hiện các công việc khi Chủ tịch Hội đồng giao hoặc ủy quyền.

b) Thực hiện trách nhiệm của thành viên Hội đồng khi tham gia đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP.

c) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng giao.

3. Các thành viên Hội đồng có trách nhiệm:

a) Phụ trách theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc việc tiếp nhận hồ sơ tham gia đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP. Rà soát, phân loại, phát hiện và đề xuất Chủ tịch Hội đồng xem xét, quyết định loại bỏ các hồ sơ: sản phẩm không hợp lệ theo Quy chế. Thông báo cho tổ chức, cá nhân có sản phẩm tham gia đánh giá cung cấp các tài liệu minh chứng khi cần theo yêu cầu của Hội đồng trong quá trình đánh giá.

b) Phụ trách chỉ đạo, đôn đốc việc kiểm nghiệm độc lập sản phẩm OCOP (nếu có); tổng hợp và gửi sản phẩm mẫu để cơ quan có chức năng kiểm nghiệm, báo cáo kết quả để Hội đồng quyết định xếp hạng sao.

c) Tiếp nhận hồ sơ minh chứng và sản phẩm để đánh giá theo phân công của Chủ tịch Hội đồng; thực hiện việc đánh giá, cho điểm đối với sản phẩm theo Quy chế.

d) Tuân thủ các quy định về đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP theo quy định tại Quy chế này; bảo đảm tiến độ theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng.

đ) Đánh giá kết quả sản phẩm OCOP chính xác, khách quan, công bằng, đúng quy định; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng về việc đánh giá đối với sản phẩm OCOP; kịp thời báo cáo Chủ tịch Hội đồng về những vấn đề phát sinh trong quá trình đánh giá sản phẩm OCOP.

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Chủ tịch Hội đồng.

4. Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng:

a) Tư vấn, hướng dẫn hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất trong việc hoàn thiện sản phẩm theo Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm tham gia Chương trình OCOP theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao.

b) Thực hiện công tác tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP; tham mưu, giúp việc cho Hội đồng trong quá trình tổ chức đánh giá, xếp hạng và thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng giao.

c) Thu phiếu đánh giá sản phẩm, lập danh sách, tổng hợp kết quả chấm điểm đánh giá sản phẩm báo cáo Hội đồng.

d) Ghi biên bản chấm điểm đánh giá sản phẩm; chuẩn bị tài liệu, báo cáo để Chủ tịch Hội đồng xem xét, quyết định kết quả đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP.

Điều 5. Chế độ thông tin, tổng hợp, báo cáo hoạt động của Hội đồng đánh giá

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Hội đồng đánh giá thực hiện:

1. Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đánh giá, xếp hạng sản phẩm. Hướng dẫn trình tự thủ tục, thành phần hồ sơ, tổng hợp kết quả tiếp nhận sản phẩm, hỗ trợ tham mưu việc tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm thuộc Chương trình OCOP.

2. Tổng hợp kết quả chấm điểm đánh giá sản phẩm và tham mưu cho Chủ tịch Hội đồng thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận theo quy định.

3. Chủ trì xây dựng kế hoạch, kinh phí hàng năm để phục vụ cho các hoạt động của Hội đồng đánh giá, cấp Giấy công nhận.

Chương III

QUY TRÌNH TỔ CHỨC ĐÁNH GIÁ, PHÂN HẠNG SẢN PHẨM

Điều 6. Thời gian làm việc của Hội đồng OCOP cấp tỉnh

1. Thời gian tiếp nhận hồ sơ sản phẩm OCOP đề nghị đánh giá cấp tỉnh thực hiện từ ngày 01 đến ngày 30 tháng 9 hàng năm;

2. Hội đồng đánh giá sản phẩm theo chuyên ngành được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 10 đến ngày 15 tháng 11 hàng năm;

3. Hội đồng OCOP cấp tỉnh tổ chức đánh giá sản phẩm trong tháng 11 hàng năm.

Điều 7. Quy trình tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, kiểm tra, họp Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm

1. Hồ sơ đăng ký gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì và phối hợp với Tổ Tư vấn giúp việc Hội đồng đề xuất kế hoạch đánh giá, báo cáo Chủ tịch Hội đồng OCOP cấp tỉnh;

3. Chủ tịch Hội đồng OCOP cấp tỉnh xem xét, quyết định giao Tổ Tư vấn giúp việc Hội đồng tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra, kiểm nghiệm, khảo sát thực tế (nếu cần) và báo cáo kết quả gửi Chủ tịch Hội đồng OCOP cấp tỉnh;

4. Chủ tịch Hội đồng OCOP cấp tỉnh xem xét tổ chức đánh giá lần 2; giao Tổ tư vấn hoàn thiện các thủ tục đánh giá, chuẩn bị hồ sơ phục vụ phiên hợp Hội đồng OCOP cấp tỉnh;

5. Hội đồng OCOP cấp tỉnh họp đánh giá, phân hạng sản phẩm, lập báo cáo kết quả phiên họp;

6. Hội đồng OCOP cấp tỉnh báo cáo kết quả đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm;

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu văn bản, trình Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thông báo, công bố kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm.

Điều 8. Trình tự các bước thực hiện phiên hợp của Hội đồng OCOP cấp tỉnh

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Hội đồng số lượng sản phẩm, công tác đánh giá của địa phương, Tổ tư vấn và kết quả đánh giá theo chuyên ngành;

2. Tổ tư vấn báo cáo kết quả thẩm định hồ sơ, kết quả kiểm tra thực tế cơ sở, kết quả kiểm nghiệm, lấy ý kiến cộng đồng (nếu có) đối với từng hồ sơ sản phẩm OCOP;

3. Thành viên Hội đồng thực hiện đánh giá sản phẩm OCOP theo quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 08/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số Phụ lục Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm, thảo luận về các vấn đề liên quan mức độ đạt tiêu chí của sản phẩm, thực hiện chấm điểm;

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp kết ,quả đánh giá;

5. Chủ trì phiên họp kết luận cuộc họp và công bố kết quả đánh giá, phân hạng sản phạm tại phiên họp;

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện hồ sơ đánh giá của Hội đồng, gồm: báo cáo kết quả đánh giá, biên bản họp Hội đồng (do Chủ tịch Hội đồng ký), hồ sơ sản phẩm;

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu văn bản thông báo kết quả cho địa phương theo quy định.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Các Thành viên Hội đồng đánh giá và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các nhiệm vụ theo Quy chế về công tác thông tin, hướng dẫn trình tự thủ tục xét đánh giá và xếp hạng sản phẩm. Tham mưu Hội đồng đánh giá xây dựng kế hoạch và triệu tập các cuộc họp, các đợt đánh giá thực tế, tổng hợp hồ sơ kết quả công tác đánh giá và xếp hạng sản phẩm, trình Chủ tịch Hội đồng xem xét trình Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định cấp Giấy công nhận sản phẩm OCOP.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

Quy chế này có hiệu lực từ ngày ký và hết hiệu lực khi kết thúc nhiệm vụ đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, Hội đồng đánh giá cấp tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để xem xét, sửa đổi bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2891/QĐ-UBND năm 2020 về Quy chế hoạt động của Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

  • Số hiệu: 2891/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/12/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
  • Người ký: Lâm Minh Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/12/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản