Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2685/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 16 tháng 8 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN THỂ LỰC, TẦM VÓC NGƯỜI VIỆT NAM, GIAI ĐOẠN 2011 - 2030 TẠI THANH HÓA

CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 3130/QĐ-UBND ngày 07/10/2008 của Chủ tịch UBND tỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về Văn hóa, Thể thao và Du lịch thuộc UBND tỉnh và UBND huyện;

Xét đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tại Tờ trình số 1142/TTr-SVHTTDL-NVTDTT ngày 21/7/2011 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 tại Thanh Hóa,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 tại Thanh Hóa.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cơ quan thường trực triển khai thực hiện Đề án), căn cứ nội dung Kế hoạch được duyệt, chịu trách nhiệm phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể có liên quan để tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án.

- Sở Tài chính, căn cứ nội dung, nhiệm vụ và các chương trình của Đề án, có trách nhiệm hướng dẫn các ngành, các đơn vị có liên quan lập dự toán kinh phí thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 tại Thanh Hóa; thẩm định, đề xuất ý kiến, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nội vụ; Thông tin và Truyền thông; Lao động-TB&XH; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; UBND các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các ngành, các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3 QĐ;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Các ngành có liên quan;
- Lưu: VT,VX(2).Ninh70b.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Văn Việt

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN THỂ LỰC, TẦM VÓC NGƯỜI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2011 – 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2685/QĐ-UBND ngày 16/8/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

Triển khai kịp thời, có hiệu qủa Đề án nhằm phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trong 20 năm tới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; từng bước nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam.

2. Yêu cầu:

Bám sát nội dung Kế hoạch, huy động các cấp, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân và mọi nguồn lực để thực hiện thành công các chương trình của Đề án.

II. NỘI DUNG CỦA KẾ HOẠCH:

1. Mục tiêu:

Tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, giảm mạnh tỷ lệ suy dinh dưỡng để cải thiện các chỉ số cơ bản của trẻ em dưới 5 tuổi và đảm bảo các tiêu chí đánh giá thể lực, tầm vóc thân thể của thanh niên Việt Nam.

a) Cải thiện tầm vóc thân thể của thanh niên Việt Nam đạt nhịp độ tăng trưởng ổn định theo các tiêu chí sau:

- Đối với nam 18 tuổi: Năm 2020 chiều cao trung bình 167cm, năm 2030 chiều cao trung bình 168,5cm.

- Đối với nữ 18 tuổi: Năm 2020 chiều cao trung bình 156cm, năm 2030 chiều cao trung bình 157,5cm.

b) Cải thiện thể lực, đặc biệt là sức bền và sức mạnh của đa số thanh niên có bước phát triển rõ rệt, thu hẹp khoảng cách so với các nước phát triển ở châu Á theo các tiêu chí sau:

- Đối với nam 18 tuổi:

+ Chạy tùy sức 5 phút tính quãng đường trung bình đạt 1.050m vào năm 2020; 1.150m vào năm 2030.

+ Lực bóp tay thuận đạt trung bình 45kg năm 2020; 48kg năm 2030.

- Đối với nữ 18 tuổi:

+ Chạy tùy sức 5 phút tính quãng đường trung bình đạt 850m vào năm 2020; 1.000m vào năm 2030.

+ Lực bóp tay thuận đạt trung bình 30kg năm 2020; 34kg năm 2030.

c) Hình thành phong trào của toàn xã hội chăm lo phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam; mở rộng các hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể thao, giải trí lành mạnh, giúp con người phát triển hài hòa về thể lực, trí lực, tâm lực.

d) Tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ em, người chưa thành niên và thanh niên nhằm giảm thiểu các bệnh về tim mạch, bệnh béo phì, bệnh gây mất bình thường về chiều cao thân thể, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

2. Phạm vi, đối tượng:

a) Phạm vi: Đề án được thực hiện trong phạm vi toàn tỉnh và chỉ đạo trọng điểm ở 06 huyện, thị xã, thành phố: Thành phố Thanh Hóa, các huyện: Hoằng Hóa, Yên Định, Thạch Thành, Ngọc Lặc, Như Xuân.

b) Đối tượng: Bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh, nhi đồng, thiếu niên, thanh niên đến 18 tuổi.

3. Thời gian thực hiện Đề án:

Thời gian thực hiện Đề án là 20 năm, được chia làm 2 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Từ năm 2011 – 2020: Giai đoạn thực hiện thí điểm giải pháp đồng bộ về dinh dưỡng và thể dục thể thao.

- Giai đoạn 2: Từ năm 2021 – 2030: Thụ hưởng thành quả của giai đoạn 1 để thực hiện mở rộng trong phạm vi toàn tỉnh và hoàn thiện Kế hoạch.

4. Các chương trình của Đề án:

a) Chương trình 1: Nghiên cứu triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực, tầm vóc người Việt Nam.

- Phân công thực hiện:

+ Cơ quan chủ trì: Sở Y tế.

+ Cơ quan phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Thống kê (Sở Kế hoạch và Đầu tư).

- Nhiệm vụ: Xây dựng các chỉ số sinh học và các tiêu chí, tiêu chuẩn để phát triển thể lực, tầm vóc; đề xuất khả năng can thiệp cải thiện thể lực, tầm vóc người Việt Nam.

- Nội dung chủ yếu:

+ Khảo sát, thống kê các chỉ số sinh học và tổng hợp các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá thể lực, tầm vóc người Việt Nam.

+ Khảo sát thống kê số liệu về yếu tố di truyền và môi trường chi phối chiều cao đứng.

+ Điều tra tổng hợp và xác định tần số bệnh tật gây bất thường về tầm vóc thân thể, thể lực; đề xuất một số biện pháp can thiệp.

- Tiêu chí đánh giá: Có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá thể lực, tầm vóc người Việt Nam; thí điểm triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực, tầm vóc người Thanh Hóa từ 03 tuổi đến 18 tuổi ở 25% số trường mẫu giáo và phổ thông.

b) Chương trình 2: Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan.

- Phân công thực hiện:

+ Cơ quan chủ trì: Sở Y tế.

+ Cơ quan phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Tỉnh Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa.

- Nhiệm vụ: Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh, nhi đồng, thiếu niên, thanh niên đến 18 tuổi.

- Nội dung chủ yếu:

+ Tiếp tục chương trình chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi.

+ Nghiên cứu đề xuất chuẩn thực đơn dinh dưỡng hàng ngày phù hợp với các đối tượng của Đề án.

+ Thí điểm hướng dẫn và thực hiện chế độ chăm sóc dinh dưỡng đối với học sinh mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

+ Xây dựng và triển khai chương trình sữa học đường đối với học sinh mẫu giáo, tiểu học.

+ Đánh giá hiệu quả về dinh dưỡng đối với trẻ em và học sinh từ 03 tuổi đến 18 tuổi.

+ Đánh giá tổng hợp sự lồng ghép Đề án này với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan.

- Tiêu chí đánh giá:

+ Đến năm 2015 thí điểm hướng dẫn, chăm sóc chế độ dinh dưỡng cho 55% số trường mẫu giáo và phổ thông; thí điểm triển khai chương trình sữa học đường cho 45 - 50% số trường mẫu giáo và tiểu học.

+ Đến năm 2020 mở rộng diện hướng dẫn, chăm sóc chế độ dinh dưỡng cho 100% số trường mẫu giáo và phổ thông; triển khai chương trình sữa học đường đối với toàn bộ các trường mẫu giáo và tiểu học.

c) Chương trình 3: Phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ 03 tuổi đến 18 tuổi.

- Phân công thực hiện:

+ Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

+ Cơ quan phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Tỉnh Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa.

- Nhiệm vụ: Nâng cao chất lượng giờ học thể dục ngoại khóa; tổ chức các hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa, hướng dẫn học sinh tự luyện tập thể dục thể thao để tăng cường thể lực, cải thiện chiều cao thân thể.

- Nội dung chủ yếu:

+ Khảo sát thực trạng thể dục thể thao trường học, thể chất và sức khỏe học sinh là đối tượng của Đề án.

+ Cải thiện và tăng cường điều kiện phục vụ hoạt động thể dục thể thao trong trường học bao gồm: Cơ chế chính sách, tổ chức quản lý, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ tập luyện.

+ Chuẩn hóa, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục thể chất đối với các trường thí điểm.

+ Tận dụng các công trình thể dục thể thao trên địa bàn để phục vụ cho hoạt động giáo dục thể chất trong trương học (chính khóa và ngoại khóa).

+ Đảm bảo chất lượng dậy và học thể dục chính khóa, các hoạt động thể thao ngoại khóa cho học sinh; xây dựng chương trình giáo dục thể chất hợp lý có kết hợp với giáo dục quốc phòng, triển khai đồng bộ với công tác Y tế học đường và dinh dưỡng học đường.

+ Xây dựng thích hợp một hệ thống các lớp năng khiếu thể thao ban đầu ở trường học, đặt biệt ở các trường trung học sơ sở.

- Tiêu chí đánh giá:

+ Đến năm 2020 số trường phổ thông các cấp có CLB thể dục thể thao, có hệ thống cơ sở vật chất đủ phục vụ cho hoạt động thể dục thể thao, có đủ giáo viên và hướng dẫn viên thể dục thể thao, thực hiện dạy thể dục nội khóa kết hợp với hoạt động thể thao ngoại khóa chiếm 55% tổng số trường.

+ Đến năm 2030 đạt định mức tiêu chí đánh giá nêu trên ở khoảng 90% tổng số trường.

d) Chương trình 4: Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xã hội về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam.

- Phân công thực hiện:

+ Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

+ Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa và các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Tỉnh Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa.

- Nhiệm vụ: Thông tin, giáo dục, truyền thông, tiếp thị xã hội nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi xã hội và huy động sự tham gia của toàn xã hội trong các hoạt động của Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam.

- Nội dung chủ yếu:

+ Xác định đối tượng, nội dung và biện pháp tuyên truyền, giáo dục.

+ Phổ cập thông tin, kiến thức về chăm sóc dinh dưỡng đối với trẻ sơ sinh, nhi đồng, thiếu niên và thanh niên; các biện pháp tập luyện thể dục thể thao, xây dựng lối sống lành mạnh, phòng chống nguy cơ lây nhiễm bệnh tật.

+ Kết hợp các biện pháp truyền thông trực tiếp thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, hệ thống của ngành văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử và các biện pháp tiếp thị xã hội.

- Tiêu chí đánh giá:

Đến năm 2020 tuyên truyền giáo dục để hình thành phong trào xã hội chăm lo phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam đối với 55% các trường mẫu giáo, phổ thông; đến năm 2030 đối với 90% các trường mẫu giáo, phổ thông.

5. Các giải pháp triển khai Đề án:

a) Cơ chế chính sách: Đề án được thực hiện theo các cơ chế chính sách hiện hành của Nhà nước.

b) Huy động nguồn lực: Nhà nước tăng cường đầu tư kết hợp với huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa, các nguồn vốn viện trợ chính thức, các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phục vụ Đề án. Trong đó, ngân sách nhà nước ưu tiên cho các đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa.

c) Giáo dục truyền thông: Tăng cường công tác tuyên truyền tạo sự hiểu biết của xã hội về Đề án để hình thành phong trào của toàn xã hội cùng chăm lo phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt Nam.

6. Nguồn kinh phí và cơ chế quản lý, điều hành:

a) Nguồn kinh phí:

- Nguồn hỗ trợ của Trung ương.

- Nguồn kinh phí của Tỉnh cấp.

- Nguồn kinh phí huy động từ xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác.

b) Cơ chế quản lý, điều hành:

- Kinh phí thực hiện Đề án được phân bổ 5 năm một lần và phân bổ trực tiếp cho từng chương trình cụ thể.

- Giao Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành có liên quan lập dự toán kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2011 - 2015, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính thẩm định, đề xuất, bố trí kinh phí thực hiện, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định để thực hiện.

- Thực hiện sơ kết Đề án mỗi năm một lần; tổng kết Đề án giai đoạn 5 năm một lần.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thành lập Ban chỉ đạo:

- Đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối văn xã là Trưởng ban.

- Thành viên BCĐ: Lãnh đạo các ngành có liên quan, gồm: Văn phòng UBND tỉnh, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Nội vụ; Thông tin và Truyền thông; Lao động - Thương binh và Xã hội; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Tỉnh Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Thanh Hóa, Báo Văn hoá và Đời sống.

2. Phân công trách nhiệm:

2.1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan xây dựng và trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt các chương trình thành phần của Đề án; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện các chương trình của Đề án. Chủ trì thực hiện chương trình 3 và chương trình 4 của Đề án. Tổng hợp tình hình thực hiện Đề án báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo định kỳ hàng năm và kết thúc giai đoạn 5 năm.

Trong trường hợp phát sinh các vấn đề mới cần điều chỉnh so với mục tiêu, nội dung của Đề án đã được phê duyệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan liên quan điều chỉnh, bổ sung hoặc báo cáo với cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh theo quy định của pháp luật.

2.2. Sở Y tế: Chủ trì thực hiện chương trình 1 và chương trình 2 của Đề án. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp tình hình thực hiện Đề án báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo định kỳ hàng năm và kết thúc giai đoạn 5 năm.

2.3. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp thực hiện các chương trình thành phần của Đề án; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai Đề án theo phân cấp quản lý của UBND tỉnh.

2.4. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan cân đối, bố trí kinh phí thực hiện Đề án; hướng dẫn quản lý kinh phí thực hiện Đề án; xây dựng cơ chế, chính sách huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước để thực hiện Đề án.

2.5. Các Sở: Nội vụ, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Bộ CHQS tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Phối hợp với các cơ quan chủ trì các Chương trình để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.

2.6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện Đề án trên phạm vi địa bàn quản lý; bố trí kinh phí để thực hiện các nội dung liên quan đến Chương trình thuộc Đề án.

2.7. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Tỉnh đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân Thanh Hóa, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi…: Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, các ngành, đơn vị có liên quan triển khai, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.

Căn cứ các nội dung Kế hoạch được duyệt; các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các ngành và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án; thường xuyên và định kỳ, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện theo quy định ./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2685/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 do tỉnh Thanh Hóa ban hành

  • Số hiệu: 2685/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/08/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Vương Văn Việt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản