Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2559/QĐ-UBND

Bình Dương, ngày 25 tháng 9 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP SINH HỌC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2017 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 21/04/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp sinh học đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 44/TTr-SKHCN ngày 05 tháng 09 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình Phát triển công nghiệp sinh học trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến 2030 (kèm theo Chương trình).

Điều 2. Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ KHCN;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, PCT.UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- VP Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành(20);
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Đài PTTH; Báo BD; Cổng TTĐT tỉnh;
- LĐVP (Lượng, Huy), Dg, TH;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Minh Hưng

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP SINH HỌC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2017 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2559/QĐ-UBND ngày 25/9/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Thực hiện Kết luận số 06-KL/TW ngày 01/9/2016 của Ban Bí thư khóa XII về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Căn cứ Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 21/04/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp sinh học đến năm 2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Chương trình Phát triển công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017 - 2020 với các nội dung cụ thể như sau:

I. TỔNG KẾT TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CNSH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong nhiều năm qua, vấn đề phát triển công nghệ sinh học đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Năm 2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04/3/2005 về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 188/2005/QĐ-TTg ngày 22/7/2005 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Đối với Bình Dương, Tỉnh ủy đã quan tâm chỉ đạo về việc đẩy mạnh phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Công văn số 815-CV/TU ngày 29/3/2005 và Công văn số 39-CV/TU ngày 02/3/2006). Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chương trình hành động về phát triển công nghệ sinh học giai đoạn 2006 - 2010 của tỉnh Bình Dương (theo Quyết định số 133/2006/QĐ-UBND ngày 19/5/2006), năm 2008, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 (kèm theo Quyết định số 2544/QĐ-UBND ngày 19/8/2008); Đề án ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học trong nông nghiệp giai đoạn 2008 - 2010 (Kèm theo Quyết định số 3381/QĐ-UBND ngày 29/10/2008); Đề án ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2009 - 2010 (kèm theo Quyết định số 2484/QĐ-UBND ngày 23/6/2009).

Thực hiện chương trình hành động và các đề án do UBND tỉnh phê duyệt, việc nghiên cứu và ứng dụng CNSH trên địa bàn tỉnh đã được triển khai và mang lại một số kết quả như sau:

1. Kết quả nghiên cứu ứng dụng CNSH tại các trường đại học, cơ sở nghiên cứu trên địa bàn tỉnh

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 02/08 Trường đại học (Bình Dương và Thủ Dầu Một) và 04/05 cơ sở nghiên cứu trực thuộc cơ quan trung ương (Trung tâm CNSH Chăn nuôi, Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi gia súc lớn - Viện Chăn nuôi; Viện nghiên cứu Mía Đường - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Nam Bộ - Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ) có hoạt động nghiên cứu, ứng dụng CNSH và đạt được một số kết quả như sau:

- Trường Đại học Thủ Dầu Một đã thực hiện một số nghiên cứu có liên quan ứng dụng vi sinh vật trong xử lý môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng trừ bệnh thực vật; tuyển chọn và bảo tồn một số giống động thực vật; phát triển vật liệu nano ứng dụng trong y học; sản xuất thực phẩm chức năng,... Trong đó có nhiều sản phẩm, quy trình đủ điều kiện chuyển giao triển khai ứng dụng như: Quy trình nuôi trồng nấm trùng thảo Cordyceps militaris; Sản phẩm cao và rượu từ Đông trùng hạ thảo; Chế phẩm bào tử nấm Trichoderma trị bệnh nấm hồng trên cây cao su; Chế phẩm men tiêu hóa hỗ trợ tiêu hóa cho vật nuôi,... Trong thời gian qua, trường đã chuyển giao kết quả nghiên cứu về sản phẩm đông trùng hạ thảo cho doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

- Trường Đại học Bình Dương thực hiện một số nghiên cứu trong lĩnh vực vi sinh như phân lập và tuyển chọn vi sinh vật có khả năng sinh enzyme; nghiên cứu chiết xuất beta-chitosan từ mai mực,...

- Trung tâm CNSH Chăn nuôi đã thực hiện nghiên cứu ứng dụng vi sinh vật trong lên men chế biến thức ăn cho gia súc và chuyển giao cho một số địa phương ngoài tỉnh.

- Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi gia súc lớn với chức năng nghiên cứu thực nghiệm và chuyển giao công nghệ về gia súc lớn (động vật nhai lại), cây thức ăn và đồng cỏ, trong thời gian qua đã thực hiện bảo tồn và nhân giống bò thịt, dê lai hướng thịt, dê cao sản phục vụ công tác chăn nuôi ở nhiều địa phương.

- Viện nghiên cứu Mía Đường: ứng dụng nuôi cấy mô thực vật trong nhân giống, chọn tạo và phục tráng giống mía; ứng dụng sinh học phân tử trong đánh giá đa dạng di truyền và nghiên cứu chọn tạo giống mía tốt, ...

- Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Nam Bộ: ứng dụng nuôi cấy mô trong nhân giống một số loại cây lâm nghiệp có giá trị.

2. Kết quả ứng dụng CNSH trong một số lĩnh vực, ngành

2.1. Trong lĩnh vực nông nghiệp

Chủ yếu triển khai ứng dụng những thành tựu có liên quan công nghệ sinh học như thông qua các dự án chuyển giao tiến bộ kỹ thuật như: chuyển giao mô hình trồng nấm ăn thương phẩm và phát triển được một số cơ sở trồng nấm trên địa bàn tỉnh (Phú Giáo, Bến Cát và Thuận An) 1; giới thiệu đến người dân quy trình sản xuất cá rô phi đỏ đơn tính đực; ứng dụng vi sinh vật trong sản xuất phân hữu cơ, thực phẩm dùng cho chăn nuôi; ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo; ứng dụng các chế phẩm vi sinh, chế phẩm dẫn dụ côn trùng, ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống cây trồng, ...Ngoài ra, CNSH còn được ứng dụng trong công tác chẩn đoán, kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Theo báo cáo thống kê của ngành nông nghiệp2, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 32 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có ứng dụng sinh học trong hoạt động sản xuất, chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm phục vụ nông nghiệp.

2.2. Trong lĩnh vực công nghiệp chế biến

Theo thống kê do Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cung cấp3, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 130 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, nông sản, thức ăn chăn nuôi, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu theo thông tin đăng ký kinh doanh.

Thông tin rà soát của Sở Tài nguyên và Môi trường4 cho biết hiện nay trên địa bàn tỉnh không có doanh nghiệp ứng dụng sinh học, công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp y dược và môi trường, các doanh nghiệp có ứng dụng sinh học trong sản xuất chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm, sản xuất thực phẩm chức năng.

2.3. Trong lĩnh vực y tế

Đến thời điểm hiện tại, theo thông tin phản hồi của ngành y tế5 trên địa bàn tỉnh chưa tiến hành đề án nghiên cứu hay ứng dụng sinh học, công nghệ sinh học trong lĩnh vực y dược. Theo danh sách các doanh nghiệp do Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp, trên địa bàn tỉnh không có doanh nghiệp trong lĩnh vực y dược có ứng dụng sinh học, công nghệ sinh học. Hiện nay, tại các cơ sở y tế, việc ứng dụng sinh học, công nghệ sinh học được triển khai ở các khâu xét nghiệm, chẩn đoán bệnh (nuôi cấy vi sinh vật, sử dụng các bộ KIT sẵn có).

2.4. Trong lĩnh vực môi trường

CNSH được ứng dụng trong việc xử lý nước thải ở các nhà máy, trạm xử lý nước thải ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ rác thải. Theo báo cáo của ngành môi trường, trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp hoạt động ứng dụng CNSH trong lĩnh vực môi trường.

3. Một số nhận xét, đánh giá

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 02 trường đại học và 04 cơ sở nghiên cứu có triển khai những hoạt động nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực sinh học, công nghệ sinh học, trong đó có cơ sở nghiên cứu của cơ quan cấp trên đã được đặt tại Bình Dương trong một thời gian dài. Việc tạo sự kết nối, phối hợp giữa các đơn vị ở địa phương và các cơ sở nghiên cứu này đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực CNSH, góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác này chưa được quan tâm đúng mức.

Việc đầu tư tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ và hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các trường đại học, tạo cầu nối giữa đơn vị nghiên cứu - doanh nghiệp chưa được triển khai đồng bộ và hiệu quả, chưa thể hiện được hết vai trò cầu nối mang tính chiến lược của nhà nước.

Tại Trường Đại học Thủ Dầu Một, mặc dù khoa Công nghệ sinh học mới được thành lập nhưng đã thể hiện được năng lực thực hiện những nghiên cứu mang tính ứng dụng, trong năm vừa qua, nhà trường đã chuyển giao kết quả nghiên cứu về sản phẩm đông trùng hạ thảo cho doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Ngoài ra, nhà trường còn có tiềm năng trong việc thực hiện những nghiên cứu ứng dụng được đặt hàng từ nhu cầu thực tế sản xuất và cuộc sống.

Công nghệ sinh học được xem là một trong những ngành khoa học và công nghiệp sáng tạo nhất, và do đó, dễ biến động và khó đoán trước. Công nghiệp sinh học được hình thành và phát triển trên nền tảng ứng dụng thành tựu công nghệ sinh học, sinh học vào sản xuất sản phẩm ở quy mô công nghiệp. Có thể nói, công nghiệp sinh học là một ngành công nghiệp công nghệ cao với những sản phẩm điển hình như vaccine, chế phẩm sinh học, liệu pháp gene trong điều trị bệnh,...

Bình Dương là một tỉnh thu hút đầu tư khá hiệu quả, trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp nhưng số lượng doanh nghiệp có hoạt động sản xuất ứng dụng công nghệ sinh học theo thống kê của các sở ngành là rất thấp, đặc biệt không có doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường, y dược có ứng dụng công nghệ sinh học; ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế cả ở quy mô và sản phẩm mặc dù đây là những lĩnh vực tiềm năng đối với ngành công nghiệp sinh học.

Để phục vụ mục tiêu phát triển ngành công nghiệp sinh học trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình phát triển công nghiệp sinh học trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030, trong đó chú trọng những vấn đề sau:

- Xác định công nghiệp sinh học là ngành công nghiệp ưu tiên phát triển và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh;

- Tăng cường đầu tư tiềm lực cho nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực CNSH; thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ sinh học;

- Tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường thu hút đầu tư đối với doanh nghiệp đầu tư và sản xuất sản phẩm từ công nghệ sinh học trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược, bảo vệ môi trường.

II. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu tổng quát

Xác định các nhiệm vụ chủ yếu cần tổ chức thực hiện để thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực CNSH, nâng cao mức đóng góp của ngành khoa học này vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Sản xuất được một số sản phẩm chủ lực, thiết yếu và đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế tại địa phương.

- Phát triển được một số doanh nghiệp công nghệ sinh học và tạo lập thị trường thuận lợi, thông thoáng để các doanh nghiệp này sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ công nghệ sinh học.

- Đào tạo đủ nguồn nhân lực khoa học và công nghệ về công nghệ sinh học có chất lượng cao, giàu năng lực sáng tạo và có khả năng làm chủ công nghệ.

- Xây dựng được 01 (một) trung tâm ươm tạo công nghệ sinh học phục vụ hoạt động khởi nghiệp và tăng cường tiềm lực phòng thí nghiệm về công nghệ sinh học phục vụ cho hệ thống cơ quan nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về công nghệ sinh học.

3. Mục tiêu đến năm 2025, tăng 20% số lượng doanh nghiệp công nghiệp sinh học, góp phần đóng góp tối thiểu 5% GDP từ công nghiệp sinh học; xây dựng được các trung tâm công nghệ sinh học, các phòng thí nghiệm trọng điểm có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp sinh học và kiểm định an toàn sinh học.

4. Mục tiêu đến năm 2030, phát triển tăng tối thiểu 50% các doanh nghiệp công nghiệp sinh học trong các ngành, lĩnh vực đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế; góp phần đạt tối thiểu 7% GDP từ công nghiệp sinh học; tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho các doanh nghiệp công nghiệp sinh học; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành công nghệ sinh học, chú trọng đào tạo chuyên gia đầu ngành chủ động phát triển công nghệ phục vụ công nghiệp sinh học.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Phổ biến, giới thiệu những thành tựu ứng dụng CNSH trong sản xuất và đời sống

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách quan điểm của Đảng và nhà nước về phát triển công nghệ sinh học; phổ biến thành tựu, kiến thức mới về công nghệ sinh học, các mô hình ứng dụng, tổ chức nhân rộng các mô hình này một cách có hiệu quả vào thực tế sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh.

- Phổ biến các kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, giới thiệu mô hình doanh nghiệp công nghiệp sinh học trong các lĩnh vực.

- Tuyên truyền khuyến khích sử dụng các sản phẩm công nghiệp sinh học sản xuất trong nước và xây dựng thương hiệu Việt Nam.

2. Nâng cao năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của các cơ sở nghiên cứu trên địa bàn tỉnh

- Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, thu hút đội ngũ cán bộ chuyên ngành công nghệ sinh học để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ sinh học.

- Tổ chức đào tạo lại cho các cán bộ khoa học kỹ thuật đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ sinh học nhưng trước đây không được đào tạo chuyên sâu về công nghệ sinh học; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn về chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ sinh học cho các cơ sở sản xuất và địa phương.

- Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Bình Dương về cơ bản sẽ tự đào tạo đủ số cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, có chuyên môn để có thể quản lý, ứng dụng và phát triển các hoạt động liên quan đến công nghệ sinh học.

3. Xây dựng chính sách hỗ trợ, tài trợ sản xuất thử nghiệm, phát triển sản phẩm CNSH, chuyển giao công nghệ, kết quả nghiên cứu của các cơ sở nghiên cứu trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống cũng như đầu tư phát triển ngành công nghiệp sinh học ở trên địa bàn tỉnh.

- Hỗ trợ ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, ứng dụng công nghệ sinh học. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ sản xuất các sản phẩm công nghiệp sinh học thuộc các ngành, lĩnh vực.

- Nâng cao năng lực các tổ chức khoa học và công nghệ, các trung tâm kiểm định an toàn sinh học, các phòng kỹ thuật công nghệ của các công ty để có đủ khả năng tiếp cận, nghiên cứu, triển khai các công nghệ mới phục vụ phát triển công nghiệp sinh học.

4. Đầu tư tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học

Nghiên cứu, đề xuất thành lập Trung tâm ươm tạo CNSH làm tiền đề phát triển hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực CNSH, thúc đẩy chuyển giao thành tựu CNSH ứng dụng trong sản xuất, đời sống.

5. Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh

- Nghiên cứu bảo tồn hệ động thực vật có giá trị, nguồn tài nguyên cây thuốc trên địa bàn tỉnh6 trước nguy cơ mất nguồn gen do phát triển công nghiệp, đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển nguồn gen đặc hữu này để nâng cao giá trị kinh tế.

- Xây dựng và triển khai áp dụng các mô hình bảo tồn và phát triển các loài cây trồng, cây ăn trái, cây dược liệu, vật nuôi bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế.

6. Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp sinh học

- Hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghiệp sinh học sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy, hải sản; sản xuất rượu, bia, nước giải khát, nước chấm; sản xuất các axit amin, axit hữu cơ, enzym công nghiệp, phụ gia thực phẩm; sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản, phân bón, thuốc trừ sâu sinh học các loại vắc-xin phòng bệnh cho người và gia súc, thuốc chữa bệnh, kháng sinh và các loại dược phẩm khác; sản xuất các chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải, nước thải, khí thải, làm sạch nước sinh hoạt và các sự cố môi trường.

- Tạo lập thị trường thông thoáng, thuận lợi, phát triển thêm các ngành công nghiệp phụ trợ; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh các sản phẩm.

7. Chú trọng đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, công nghiệp sinh học theo cơ chế thị trường

- Xác định ngành sản xuất các sản phẩm sinh học là ngành ưu tiên thu hút đầu tư trong chiến lược phát triển công nghiệp của tỉnh. Chú trọng xúc tiến, thu hút đầu tư và đảm bảo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, thông thoáng để khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh và cung ứng dịch vụ các sản phẩm sinh học.

- Có chính sách thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư các công nghệ sinh học hiện đại, thân thiện với môi trường. Ưu tiên cho các dự án đầu tư xây dựng các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao trong tỉnh.

- Thúc đẩy các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng có hiệu quả công nghệ sinh học tiên tiến ở trong nước và ngoài nước đồng thời tiếp nhận chuyển giao công nghệ sinh học. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất.

8. Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về công nghệ sinh học

- Tạo điều kiện, có chính sách hỗ trợ cho các Sở, ngành, các trường trên địa bàn tỉnh trong việc học tập, trao đổi, tiếp thu, ứng dụng những thành tựu về công nghệ sinh học.

- Tham gia, tổ chức các hội thảo nhằm giới thiệu các thành tựu trong lĩnh vực công nghệ sinh học, tạo cơ hội giao lưu, hợp tác, thúc đẩy phát triển công nghiệp sinh học trên địa bàn tỉnh.

- Chủ động xây dựng các chương trình, đề tài, dự án hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước và các nước để chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật.

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo chuyên gia công nghệ, chuyển giao công nghệ, chú trọng hợp tác với các nước có nên công nghiệp sinh học phát triển.

- Tạo điều kiện để các doanh nghiệp chủ động hợp tác và tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài những công nghệ sản xuất công nghiệp sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức và cá nhân có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Chương trình theo quy định hiện hành, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan thực hiện xây dựng chính sách khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động chuyển giao và áp dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; tham mưu các biện pháp nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

- Tăng cường các đề tài nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, công nghệ thực phẩm và bảo vệ môi trường.

- Hỗ trợ, tài trợ nghiên cứu, xuất bản công trình nghiên cứu trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước.

- Thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực sinh học, công nghệ sinh học vào sản xuất, đời sống.

- Chủ trì, phối hợp xây dựng kế hoạch thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

- Xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai mô hình ba nhà (nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) nhằm đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ sinh học phục vụ sản xuất và đời sống.

- Hàng năm dự toán kinh phí theo các chế độ, tiêu chuẩn, quy định hiện hành để triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các Sở, Ban, ngành có liên quan xây dựng, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt nội dung, lộ trình, nhiệm vụ phát triển công nghiệp sinh học lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030.

3. Sở Y tế

Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các Sở, Ban, ngành có liên quan xây dựng, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt nội dung, lộ trình, nhiệm vụ phát triển công nghiệp sinh học lĩnh vực y dược đến năm 2030.

4. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các Sở, Ban, ngành có liên quan xây dựng, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt nội dung, lộ trình, nhiệm vụ phát triển công nghiệp sinh học lĩnh vực công thương đến năm 2030.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các Sở, Ban, ngành có liên quan xây dựng, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt nội dung, lộ trình, nhiệm vụ phát triển công nghiệp sinh học lĩnh vực môi trường đến năm 2030.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì việc huy động các nguồn vốn đầu tư, trong đó có vốn đầu tư nước ngoài để đầu tư tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất kỹ thuật cho các phòng thí nghiệm về công nghệ sinh học trong tỉnh và đầu tư phục vụ phát triển công nghiệp sinh học.

- Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp sinh học.

7. Sở Tài chính

- Hàng năm, căn cứ vào dự toán kinh phí do Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp và khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, tham mưu theo thẩm quyền quy định.

- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Chương trình.

8. Sở Thông tin và Truyền thông

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các ngành, các cấp và toàn xã hội về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của CNSH trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ sinh học; nêu gương các điển hình tiên tiến trong phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học tại địa phương.

9. Các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh

- Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp sinh học đến năm 2030.

- Tăng cường năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chuyển giao trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Chỉ đạo việc thực hiện tuyên truyền sâu rộng chính sách, pháp luật về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất công nghiệp sinh học phù hợp với kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

11. Định kỳ hàng năm, các Sở, Ban, ngành báo cáo kết quả thực hiện Chương trình về Sở Khoa học và Công nghệ.

12. Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, nếu có khó khăn, vướng mắc, các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố kịp thời phản ánh về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

13. Giao Sở Khoa học và Công nghệ làm đầu mối theo dõi, đôn đốc, tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Chương trình, thường xuyên cập nhật và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp cần thiết để đảm bảo thực hiện đồng bộ và có hiệu quả Chương trình đã đề ra./.

 



1 Báo cáo số 282/BC-SNN ngày 24/2/2016 của Sở Nông nghiệp và PTNT về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về phát triển KHCN thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2006-2015.

2 Công văn số 1127/SNN-NN ngày 29/6/2017 cung cấp danh sách các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh liên quan đến sinh học, công nghệ sinh học.

3 Danh sách do Ban Quản lý các KCN cung cấp trả lời Công văn số 352/SKHCN-QLCN&TTCN ngày 12 tháng 6 năm 2017 của Sở Khoa học và Công nghệ.

4 Công văn số 2819/STNMT-CCBVMT ngày 12/7/2017 cung cấp danh sách doanh nghiệp ứng dụng CNSH.

5 Công văn số 268/SYT-NV ngày 15/02/2017 của Sở Y tế báo cáo kết quả nghiên cứu, triển khai ứng dụng CNSH trong lĩnh vực y tế.

6 Đề tài Điều tra, đánh giá đa dạng sinh học tỉnh Bình Dương và xây dựng giải pháp quản lý, sử dụng hợp lý (2007); Điều tra, khảo sát tình hình tài nguyên cây thuốc tỉnh Bình Dương (2006)