Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/2014/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 04 tháng 9 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CẤP QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 12 tháng 7 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 165/TTr-SVHTTDL ngày 22 tháng 8 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Điều 2. Điều khoản thi hành

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Tam

 

QUY ĐỊNH

PHÂN CẤP QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2014/QĐ-UBND ngày 04 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Quy định này quy định về phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa (sau đây gọi chung là di tích) đã được cơ quan nhà nước xếp hạng theo quy định của Luật Di sản văn hóa; di tích đang nghiên cứu xếp hạng theo danh mục kiểm kê đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; trách nhiệm của các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, sử dụng, nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Chương II

PHÂN CẤP QUẢN LÝ DI TÍCH

Điều 2. Phân cấp quản lý di tích

1. Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý nhà nước các di tích trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chuyên môn tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước các di tích trên địa bàn tỉnh Bến Tre;

Trực tiếp quản lý các di tích cấp quốc gia đặc biệt; di tích cấp quốc gia bao gồm các di tích lịch sử cách mạng, đền thờ danh nhân. Thành lập Ban Quản lý Khu di tích đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm quản lý nhà nước các di tích trên địa bàn;

Trực tiếp quản lý các di tích cấp quốc gia thuộc loại hình đình, chùa, miếu, nhà cổ; các di tích cấp tỉnh; các di tích chưa xếp hạng nằm trong danh mục đã được kiểm kê, bia, nhà bia, tượng, tượng đài, đền thờ danh nhân.

4. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn.

Chương III

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ DI TÍCH

Điều 3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

1. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước các di tích trên địa bàn tỉnh Bến Tre; thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, thực hiện phân cấp quản lý di tích trên địa bàn.

2. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về nếp sống văn hóa, bảo vệ, bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích.

Điều 4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

1. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm chỉ đạo, tăng cường công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện việc khai thác và sử dụng di tích gắn với phát triển văn hóa và du lịch trên địa bàn.

2. Xây dựng kế hoạch và lập dự án xây dựng, sửa chữa, trùng tu, tôn tạo, phục hồi di tích do địa phương quản lý.

3. Chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin phân công cán bộ chuyên trách quản lý di tích trên địa bàn, tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc quản lý nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh; thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa; thường xuyên kiểm tra và báo cáo lên cấp trên về tình hình hoạt động và hiện trạng các di tích; thực hiện nhiệm vụ quản lý di tích do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp giao và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

4. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc xếp hạng di tích.

5. Tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy, khai thác và sử dụng các di tích trên địa bàn; tổ chức ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến di tích.

Điều 5. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn

1. Thành lập Ban bảo vệ di tích cấp cơ sở kiêm nhiệm có từ 05 đến 07 nhân sự do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn làm Trưởng ban.

2. Ban bảo vệ di tích cấp cơ sở có trách nhiệm tham mưu giúp Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn; báo cáo và kiến nghị những vấn đề liên quan đến tình trạng di tích; kịp thời đề xuất khen thưởng, xử phạt các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại đến các di tích trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 6. Các sở, ban, ngành tỉnh liên quan

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các quy định của Luật Di sản văn hóa đối với các vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các sở, ban, ngành liên quan.

Điều 7. Trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của chủ sở hữu di tích hoặc tổ chức, cá nhân được giao trực tiếp quản lý di tích

1. Di tích do cấp nào trực tiếp quản lý thì cấp đó bố trí biên chế hoặc số lượng người làm việc theo đề án vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và kinh phí đảm bảo phục vụ tốt cho việc quản lý, sử dụng, bảo vệ, tu bổ, sửa chữa thường xuyên, thuyết minh phục vụ tốt khách đến tham quan, chiêm ngưỡng, nghiên cứu.

2. Các di tích thuộc loại hình đình, chùa, miếu và đền thờ danh nhân được phép đặt thùng công đức;

Nguồn thu từ thùng công đức, thu từ các tổ chức, cá nhân đóng góp và các nguồn thu khác khai thác từ di tích phải được quản lý, sử dụng theo quy định pháp luật. Các khoản thu nêu trên trước hết phải được ưu tiên tái đầu tư cho việc bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Công khai minh bạch các nguồn thu và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan cấp trên có thẩm quyền;

Tổ chức, cá nhân quản lý di tích có trách nhiệm hướng dẫn khách tham quan và người hành lễ không đặt tiền lễ, tiền công đức lên các bàn thờ hoặc gài tiền lẻ vào đồ lễ, tượng cũng như các hiện vật khác làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích.

3. Phối hợp với các ngành chức năng cắm mốc giới các di tích theo quy hoạch đã được phê duyệt.

4. Bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di tích, xây dựng và gắn biển hướng dẫn, nội quy bảo vệ di tích ở vị trí thích hợp. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm hại di tích. Giữ gìn, bảo quản không để hiện vật, di vật bị xâm hại, mất cắp.

5. Thực hiện nếp sống văn hóa tại nơi tổ chức lễ hội, di tích; giữ gìn vệ sinh môi trường; đảm bảo an toàn và phòng, chống cháy nổ tại di tích.

6. Không được lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích để trục lợi cá nhân, hoạt động mê tín dị đoan hoặc thực hiện những hành vi khác trái pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục, nếp sống văn hóa của dân tộc.

7. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham quan, du lịch, nghiên cứu về di tích.

8. Thực hiện trách nhiệm, các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ và phát huy giá trị di tích được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về di sản văn hóa, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Trách nhiệm thực hiện

1. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định trách nhiệm quản lý các di tích trên địa bàn tỉnh Bến Tre và hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện việc phân cấp quản lý di tích trên địa bàn.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề vướng mắc, phát sinh cần điều chỉnh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 25/2014/QĐ-UBND về phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Bến Tre

  • Số hiệu: 25/2014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/09/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Trần Ngọc Tam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/09/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản