Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 22/2013/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 10 tháng 04 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH KON TUM ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ;

Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 20 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Kon Tum đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020";

Căn cứ Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020";

Căn cứ Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030;

Căn cứ Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030;

Căn cứ Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 42/2012/NQ-HĐND ngày 13 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum về Quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025;

Xét đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư (thường trực Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, với một số nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu tổng quát: Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần và thể chất của nhân dân. Phát triển đồng bộ văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình tạo thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát huy và khai thác tính đa dạng, phong phú về văn hóa của các dân tộc trong tỉnh. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch nhằm tạo điều kiện toàn dân được tham gia sáng tạo và hưởng thụ thành quả văn hóa, thể thao, du lịch ở mức độ ngày càng cao.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

2.1. Lĩnh vực văn hóa

- Đến năm 2015: Có 40% huyện, thành phố có trung tâm văn hóa và 90% huyện, thành phố có thư viện; 40% số xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao; 40% số thôn, làng có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng; 60% số thôn, làng, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa.

- Đến năm 2020: 100% huyện, thành phố có trung tâm văn hóa và thư viện; 80% số xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao; 60% số thôn, làng có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng; 70% số thôn, làng, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa; 100% cán bộ văn hóa xã được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ; trùng tu, tôn tạo và khôi phục 5 di tích xếp hạng cấp quốc gia, cải tạo cảnh quan và tu bổ chống xuống cấp 13 di tích xếp hạng cấp tỉnh.

- Đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đạt các chỉ tiêu sau đây:

+ Cơ bản đưa các dân tộc thiểu số có số dân dưới 1.000 người ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp về văn hóa và bước đầu phát huy các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc.

+ Mỗi huyện, thành phố được hỗ trợ khôi phục, bảo tồn và phát triển ít nhất 02 nghề truyền thống, dân ca, dân vũ hoặc hoạt động du lịch.

+ 100% các dân tộc bản địa trên địa bàn tỉnh được kiểm kê các di sản văn hóa của từng dân tộc.

+ Trang bị cồng chiêng cho các làng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh chưa có cồng chiêng và có nhu cầu được trang bị để sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

+ 40 - 50% cán bộ làm công tác văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số là người của dân tộc tại chỗ hoặc của các dân tộc thiểu số khác có thời gian sinh sống lâu trên địa bàn, hiểu biết sâu về phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa đã được bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn của ngành.

2.2. Lĩnh vực thể thao

- Thể dục thể thao quần chúng:

+ Đến năm 2015: Có 25% số người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên; 18% số gia đình tập luyện thể dục thể thao/số hộ gia đình toàn tỉnh; 100% trường trung học phổ thông thực hiện chương trình giáo dục thể chất; 90% trường học có giáo viên, hướng dẫn viên thể dục thể thao; 95% học sinh từ trung học cơ sở trở lên và sinh viên được đánh giá, xếp loại thể lực hàng năm; 100% cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực.

+ Đến năm 2020: Có 30% số người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên; 23% số gia đình tập luyện thể dục thể thao/số hộ gia đình toàn tỉnh; 100% trường trung học phổ thông thực hiện chương trình giáo dục thể chất; 95% trường học có giáo viên, hướng dẫn viên thể dục thể thao; 100% học sinh từ trung học cơ sở trở lên và sinh viên được đánh giá, xếp loại thể lực hàng năm; 100% cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực.

- Thể dục thể thao thành tích cao:

+ Đến năm 2015: Có 15 vận động viên đạt huy chương tại các giải vô địch toàn quốc/năm; 25 vận động viên đạt huy chương tại các kỳ Đại hội thể dục thể thao toàn quốc; tuyển chọn, duy trì đào tạo hàng năm 150-200 vận động viên năng khiếu của tỉnh, đào tạo 15 huấn luyện viên.

+ Đến năm 2020: Có 30 vận động viên đạt huy chương tại các giải vô địch toàn quốc/năm; 45 vận động viên đạt huy chương tại các kỳ Đại hội thể dục thể thao toàn quốc; tuyển chọn, duy trì đào tạo hàng năm 200-250 vận động viên năng khiếu của tỉnh; đào tạo 20 huấn luyện viên, cải thiện xếp hạng của tỉnh về thể dục thể thao so với các tỉnh trên toàn quốc.

2.3. Lĩnh vực gia đình

- Phấn đấu đến năm 2015 có 70% và đến năm 2020 có 80% trở lên hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

- Đến năm 2015 có 80% và đến năm 2020 có 90% trở lên hộ gia đình được phổ biến, tuyên truyền và cam kết thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình.

- Đến năm 2015 có 80% và đến năm 2020 có 85% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình.

- Hàng năm trung bình giảm từ 10 - 15% hộ gia đình có bạo lực gia đình, giảm từ 10 - 15% hộ gia đình có người mắc tệ nạn xã hội và giảm 10% (khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn) hộ gia đình có người kết hôn dưới tuổi pháp Iuật quy định.

2.4. Lĩnh vực du lịch

- Phát triển nhanh và bền vững ngành du lịch, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội phát triển, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa; cải tạo cảnh quan môi trường; nâng cao trình độ dân trí; tạo thêm nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo ở các vùng còn nhiều khó khăn. Phấn đấu xây dựng, phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2020.

- Khách du lịch: Tốc độ tăng trưởng về khách du lịch (tính cho khách du lịch nội địa và quốc tế), giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 25%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 15,6%/năm. Đến năm 2015 đón 352.000 lượt khách du lịch (trong đó 160.000 lượt khách quốc tế); năm 2020 đón 707.000 lượt khách du lịch (trong đó 322.000 lượt khách du lịch quốc tế).

- Số ngày lưu trú bình quân: Đến năm 2015 là 2,0 ngày (khách nội địa) và 2,1 ngày (khách quốc tế); đến năm 2020 là 2,1 ngày (khách nội địa) và 2,3 ngày (khách quốc tế).

- Doanh thu: Đến năm 2015 doanh thu du lịch đạt 216.000 triệu đồng, đến năm 2020 đạt mức 636.440 triệu đồng.

3. Định hướng phát triển văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020

- Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế quản lý các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần phong phú và lành mạnh cho nhân dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

- Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch đáp ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy ngành văn hóa, thể thao và du lịch đáp theo hướng tinh giản, gọn nhẹ và chú trọng vào hiệu quả hoạt động.

- Tăng ngân sách đầu tư cho sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch phù hợp theo mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh, bảo đảm các điều kiện phát triển với mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động.

- Đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng các hình thức tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, phát triển các hoạt động dịch vụ ngoài nhà nước.

- Xây dựng một số thiết chế văn hóa, thể thao mang tính tổng hợp, đáp ứng các tiêu chuẩn nghề nghiệp.

- Chú trọng công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý, cán bộ sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch. Phát hiện và bồi dưỡng tài năng văn hóa nghệ thuật, thể thao.

- Các cấp, các ngành khi triển khai quy hoạch cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, trong đó chú ý đảm bảo quỹ đất và phân bố hợp lý cho các công trình văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2012 - 2020, bố trí ngân sách, xây dựng các chương trình, dự án phát triển, đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, thể thao và du lịch.

4. Nhu cầu kinh phí thực hiện quy hoạch

Nhu cầu vốn đầu tư cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2012 - 2020 là 2.397.500 triệu đồng, vốn ngân sách Trung ương và địa phương là 599.450 triệu đồng (chiếm 25%), nguồn vốn của các nhà đầu tư và vốn xã hội hóa là 1.798.050 triệu đồng (chiếm 75%), trong đó:

- Giai đoạn 2012 - 2015: 489.000 triệu đồng (Lĩnh vực văn hóa, thể thao và gia đình: 229.000 triệu đồng, chiếm 46,83%; lĩnh vực du lịch: 260.000 triệu đồng, chiếm 53,17%).

- Giai đoạn 2016 - 2020: 1.908.500 triệu đồng (Lĩnh vực văn hóa, thể thao và gia đình: 498.500 triệu đồng, chiếm 26,12%; lĩnh vực du lịch: 1.410.000 triệu đồng, chiếm 73,88%).

5. Các dự án ưu tiên đầu tư (có danh mục kèm theo)

6. Các nhóm giải pháp chủ yếu

6.1. Các giải pháp đột phá

(1) Hoàn thiện cơ chế, chính sách.

(2) Nâng cao trình độ nhân lực ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

(3) Nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

6.2. Giải pháp hỗ trợ

(1) Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá.

(2) Tổ chức hoạt động văn hóa, thể dục thể thao cơ sở.

(3) Xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

(4) Thu hút chuyên gia có kinh nghiệm, chuyên môn, quản lý.

(5) Ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác Quốc tế.

(6) Liên kết, phối hợp trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch

1. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch:

- Tổ chức công bố, phổ biến Quy hoạch đến các cấp ủy Đảng, chính quyền; các sở, ban, ngành, đoàn thể; các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh.

- Cụ thể hóa Quy hoạch thành kế hoạch 5 năm, hàng năm; các chương trình, đề án, dự án cụ thể và đề xuất các giải pháp tổ chức triển khai thực hiện.

- Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các ngành chức năng trong việc thực hiện Quy hoạch.

- Chủ trì tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách để thực hiện đạt mục tiêu của Quy hoạch.

- Chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, tổng hợp và báo cáo tình hình thực hiện Quy hoạch; đề xuất điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phù hợp với nhiệm vụ phát triển từng thời kỳ.

2. Các sở, ban, ngành, đoàn thể; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, có trách nhiệm tổ chức triển khai và phối hợp thực hiện Quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ (báo cáo);
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (báo cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh (báo cáo);
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Báo Kon Tum;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Công báo UBND tỉnh;
- Lưu VT, VX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Hải

 

PHỤ LỤC 1

MỘT SỐ CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, THỂ THAO ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

TT

Chỉ tiêu

ĐVT

Đến năm 2015

Đến năm 2020

Đến năm 2025

I

Lĩnh vực văn hóa

 

 

 

 

1

Tỷ lệ thôn, làng, tổ dân phố đạt danh hiêu văn hóa

%

60

70

80

2

Tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa

%

70

80

90

3

Tỷ lệ cơ quan đạt tiêu chuẩn văn hóa

%

80

85

95

4

Tỷ lệ huyện, thành phố có Trung tâm văn hóa

%

40

100

Nâng cao chất lượng

5

Tỷ lệ huyện, thành phố có Thư viện

%

90

100

Nâng cao chất lượng

6

Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có Trung tâm văn hóa - thể thao

%

40

80

100

7

Tỷ lệ thôn, làng có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng

%

40

60

80

8

Tỷ lệ thôn, làng có đội văn nghệ hoạt động 01 buổi / tháng trở lên

%

30

50

70

II

Lĩnh vực thể thao

 

 

 

 

A

Thể dục thể thao quần chúng

 

 

 

 

1

Số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên

%

25

30

40

2

Số gia đình thể thao/số hộ gia đình toàn tỉnh

%

18

23

30

3

Số trường trung học phổ thông thực hiện chương trình giáo dục thể chất

%

100

100

100

4

Số trường học có giáo viên, hướng dẫn viên TDTT

%

90

95

100

5

Số học sinh từ trung học cơ sở trở lên và sinh viên được đánh giá, xếp loại thể lực hàng năm

%

95

100

100

6

Số cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực

%

100

100

100

B

Thể dục thể thao thành tích cao

 

 

 

 

1

Số vận động viên đạt huy chương tại các giải vô địch toàn quốc/ năm

VĐV

15

30

50

2

Số vận động viên đạt huy chương tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc

VĐV

25

45

60

3

Xếp hạng của tỉnh về TDTT so với các tỉnh trên toàn quốc và ngành

Hạng

60 - 59

59 - 55

55 - 53

4

Tuyển chọn, duy trì đào tạo hàng năm các vận động viên năng khiếu của tỉnh

VĐV

150 - 200

200 - 250

Trên 250

5

Đào tạo đội ngũ huấn luyện viên

HLV

15

20

25

 

PHỤ LỤC 2

NHU CẦU KINH PHÍ THỰC HIỆN QUY HOẠCH

ĐVT: Triệu đồng

TT

Lĩnh vực

Kinh phí

Vốn ngân sách Trung ương và địa phương

Nguồn vốn các nhà đầu tư và xã hội hóa

2012-2015

2016-2020

Tổng

1

Về lĩnh vực văn hóa, di sản văn hóa

(Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa; xây dựng các thiết chế văn hóa tỉnh, huyện, thành phố, Trung tâm VH-TT xã...)

80.000

185.500

265.500

238.950

26.550

2

Về thể dục - thể thao

(Đầu tư xây dựng khu liên hợp TDTT cấp tỉnh; xây dựng khu liên hợp thể thao quốc gia tại Măng Đen - Kon Plong (Nguồn vốn đầu tư của Bộ VHTT&DL); các thiết chể thể dục thể thao cấp huyện, thành phố...)

145.500

305.000

450.500

150.500

300.000

3

Về du lịch

(Đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, danh thắng quảng bá xúc tiến du lịch, các dự án đầu tư tư nhân (nhà hàng khách sạn...)

260.000

1.410.000

1.670.000

205.000

1.465.000

5

Về gia đình

(Đảm bảo các mục tiêu theo chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020)

3.500

8.000

11.500

5.000

6.500

 

Tổng

489.000

1.908.500

2.397.500

599.450

1.798.050

 

PHỤ LỤC 3

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ

TT

Các lĩnh vực và dự án ưu tiên đầu tư

I

Về lĩnh vực văn hóa và di sản văn hóa

1

- Các dự án “Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum”

- Các dự án “Khôi phục, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, di tích văn hóa đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Kon Tum”

2

Trung tâm văn hóa thông tin triển lãm tỉnh

3

Thư viện điện tử của tỉnh và thư viện các huyện, thành phố, thư viện các xã xây dựng nông thôn mới (theo Dự án Melinda Gates tài trợ, triển khai giai đoạn II từ tháng 7/2013)

4

Trung tâm văn hóa - thể thao xã theo lộ trình xã đạt chuẩn nông thôn mới

5

Xây mới và nâng cấp thư viện các huyện và Tp. Kon Tum

6

Phục hồi làng văn hóa các dân tộc tỉnh Kon Tum

II

Lĩnh vực thể dục - thể thao

1

Xây dựng sân vận động trung tâm của tỉnh

2

Nhà thi đấu đa năng tỉnh Kon Tum

3

Trung tâm đào tạo vận động viên Quốc gia tại Măng Đen

4

Các thiết chế thể dục thể thao các huyện, thành phố

III

Lĩnh vực du lịch

1

Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và kinh doanh du lịch tại Khu Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Quốc gia Măng Đen (1.500 - 2.000 ha)

9

Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và kinh doanh du lịch tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y

3

Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và kinh doanh du lịch tại Khu Du lịch sinh thái, làng nghề truyền thống các huyện, thành phố

IV

Lĩnh vực gia đình: Đảm bảo các mục tiêu theo Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020 từ tỉnh đến cơ sở

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 22/2013/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025

  • Số hiệu: 22/2013/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/04/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Nguyễn Hữu Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/04/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản