Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 581/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 04 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH KON TUM ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum đến năm 2020 phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực.

2. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương và huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và bảo vệ môi trường; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, sớm đưa Kon Tum thoát khỏi tỉnh nghèo.

3. Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng và đô thị hóa; đẩy mạnh phát triển một số vùng kinh tế động lực để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các khu vực khó khăn trên địa bàn Tỉnh phát triển.

4. Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát triển. Quan tâm hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển toàn diện; bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc.

5. Gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia; giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác trong Tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Cămpuchia.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Huy động tối đa mọi nguồn lực để tập trung phát triển, thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người so với các tỉnh vùng Tây Nguyên và cả nước; từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu thời kỳ phát triển tiếp theo; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về phát triển kinh tế:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm thời kỳ 2011 - 2020 đạt 14,7%, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 đạt 15,0% và đạt 14,5% giai đoạn 2016 - 2020. GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 27,9 triệu đồng/người, (gấp 2 lần so với năm 2010) và năm 2020 đạt 53,2 triệu đồng/người (gấp 1,9 lần so với năm 2015);

- Tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế vào năm 2015 là 31,5%, 35,5% và 33,0% và đến năm 2020 là 38,5%, 36,4% và 25,1%;

- Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2015 đạt khoảng 125 - 130 triệu USD và năm 2020 khoảng 300 - 320 triệu USD;

- Tỷ lệ thu ngân sách chiếm khoảng 13,5 - 14,0% từ GDP vào năm 2015 và khoảng 14,0 - 15,0% vào năm 2020.

b) Về phát triển xã hội:

- Đến năm 2015 quy mô dân số đạt 510 nghìn người và năm 2020 khoảng 600 nghìn người; tỷ lệ dân số thành thị khoảng 46,1% đến năm 2015 và 53,3% vào năm 2020;

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn hiện nay) mỗi năm từ 3 - 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2015 đạt 45%, trong đó đào tạo nghề đạt 33%; đến năm 2020 đạt 55 - 60%, đào tạo nghề đạt trên 40%;

- Phấn đấu đến năm 2015 có từ 10 - 11 bác sỹ, 41,5 giường bệnh/1 vạn dân và từ 11 - 12 bác sỹ, 46,3 giường bệnh/1 vạn dân vào năm 2020. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống dưới 22% vào năm 2015 và dưới 17% vào năm 2020;

- Đến năm 2020, số huyện, thành phố được công nhận phổ cập bậc trung học đạt 40%;

- Phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh khoảng 90% và đến năm 2020 cơ bản giải quyết đủ nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho dân cư nông thôn.

c) Về bảo vệ môi trường

- Nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 68% vào năm 2015 và trên 70% vào năm 2020; tăng diện tích cây xanh ở khu vực các đô thị;

- Đến năm 2020 thu gom và xử lý khoảng 80% rác thải sinh hoạt; quản lý và xử lý 100% chất thải công nghiệp nguy hại, chất thải y tế đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường;

- Sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học; tăng cường giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức, năng lực quản lý bảo vệ môi trường.

III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC

1. Về nông lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn

Trên cơ sở phát huy tốt tiềm năng về tài nguyên đất đai, khí hậu để phát triển toàn diện nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm thời kỳ 2011 - 2020 khoảng 8,4%, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 8,7% và 7,9% giai đoạn 2016 - 2020.

- Nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu diện tích một số cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, mía và cây ăn quả; phát triển một số loại cây thực phẩm, dược liệu, rau, hoa xứ lạnh phù hợp với điều kiện tự nhiên (đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu) của từng vùng và nhu cầu thị trường gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung;

- Đẩy nhanh xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung với quy mô phù hợp; nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm theo hướng tăng trọng, không qua mô hình chăn nuôi trang trại tập trung và hộ gia đình; tăng nhanh số lượng đàn trâu, bò, dê; phát triển đàn ong mật;

- Phát huy lợi thế về rừng để phát triển mạnh kinh tế rừng; đẩy mạnh trồng rừng, tăng diện tích, nâng cao chất lượng và độ che phủ rừng; chú trọng làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn; phòng, chống cháy rừng và ngăn chặn phá rừng trên địa bàn;

- Hình thành nghề nuôi trồng thủy sản theo mô hình cá lồng, cá bè ở các hồ chứa có mặt nước lớn của các công trình thủy lợi, hồ chứa công trình thủy điện YaLy, Plei Krông, Sê San 3A, Sê San 4A, Thượng Kon Tum và các ao hồ, sông suối nhỏ quy mô hộ gia đình;

- Từng bước xây dựng nông thôn mới phù hợp với bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, tạo điều kiện cho người dân nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng tốt nhất với các phúc lợi xã hội.

2. Về công nghiệp - xây dựng

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng bình quân thời kỳ 2011 - 2020 đạt 18,7%, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 đạt 20%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 17,5/năm. Mục tiêu đến năm 2020 ngành công nghiệp - xây dựng đóng góp 38,5% GDP, giải quyết việc làm cho 25% lao động xã hội.

- Từng bước hình thành và phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như chế biến nông lâm sản, vật liệu xây dựng, khoáng sản, thủy điện; liên doanh, liên kết trồng, khai thác, bào chế, nhất là dược liệu quý hiếm. Phấn đấu đến năm 2015, phát triển mạnh thương hiệu một số sản phẩm như sâm Ngọc Linh, Hồng đẳng sâm, cà phê Đăk Hà; rau, hoa Măng Đen;

- Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình thủy điện đã có chủ trương đầu tư;

- Phát triển hạ tầng đô thị và bố trí dân cư theo quy hoạch các khu, cụm, điểm công nghiệp và làng nghề để bảo đảm các nhu cầu về nhà ở xã hội và sinh hoạt cho lực lượng lao động làm việc tại địa phương.

3. Thương mại, dịch vụ

Phát triển mạnh các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như sắn lát và tinh bột sắn, mủ cao su, cà phê; đồ gỗ; sản phẩm may mặc. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu bình quân 16 - 17% giai đoạn 2011 - 2015 và 18 - 19% giai đoạn 2016 - 2020.

- Đẩy mạnh hoạt động thương mại, củng cố hệ thống chợ, siêu thị và các trung tâm thương mại tại thành phố Kon Tum, các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi; phát triển các chợ biên giới các huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy; chợ cửa khẩu Khu Kinh tế Cửa khẩu Bờ Y; tổ chức mạng lưới thương nghiệp vùng nông thôn, miền núi;

- Mở rộng giao lưu hàng hóa qua các cửa khẩu; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển thương mại khu vực cửa khẩu biên giới;

- Đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ du lịch và phát triển kinh doanh du lịch gắn với bảo vệ môi trường; hình thành và đưa vào khai thác khu du lịch sinh thái Măng Đen, rừng đặc dụng Đăk Uy, lòng hồ thủy điện Ya Ly, Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, đường Hồ Chí Minh và các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia;

- Phát triển mạnh các dịch vụ vận tải, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, các dịch vụ cung ứng vật tư kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.

4. Phát triển các lĩnh vực xã hội

a) Dân số, lao động và giải quyết việc làm

- Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 1,47% vào năm 2015 và 1,18% vào năm 2020;

- Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm, thủy sản; tăng dần tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp, dịch vụ;

- Nghiên cứu mở rộng hình thức đào tạo nghề, tạo thêm việc làm mới cho người lao động. Phấn đấu mỗi năm đào tạo khoảng 3.500 - 4.000 lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2015 đạt 45%, trong đó đào tạo nghề đạt 33%; đến năm 2020 đạt 55 - 60%, trong đó đào tạo nghề đạt trên 40%.

b) Giáo dục và đào tạo

- Phát triển giáo dục toàn diện từ giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; tiếp tục thực hiện chủ trương kiên cố hóa trường học và đầu tư thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa. Phấn đấu đến năm 2020 có 25% số trường mầm non, 50% trường tiểu học, 24% trường trung học cơ sở, 33% trường trung học phổ thông và 05 trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia;

- Mở rộng quy mô, hình thức đào tạo phù hợp với loại hình các trường phổ thông dân tộc nội trú; hình thành một số trường trung học phổ thông liên xã vùng dân tộc thiểu số ở những nơi có đủ điều kiện theo quy định;

- Nâng cao chất lượng đào tạo các trường Cao đẳng sư phạm, Cao đẳng kinh tế kỹ thuật, Trung học Y tế; tăng cường chất lượng đối với Trung tâm hướng nghiệp kỹ thuật tổng hợp; phát triển Trung tâm giáo dục thường xuyên ở một số huyện, Trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn và phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum;

- Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục, đào tạo chất lượng cao trên địa bàn.

c) Y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân

- Từng bước hiện đại, hoàn chỉnh hệ thống y tế hướng tới công bằng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Đến năm 2015 có 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã;

- Phấn đấu đến năm 2020 mỗi huyện hoặc liên huyện có một bệnh viện đa khoa huyện hoặc bệnh viện đa khoa khu vực đạt tiêu chuẩn; từng bước củng cố Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng; xây dựng các bệnh viện Y dược học cổ truyền, Lao và Bệnh phổi và nâng cấp trường Trung học Y tế phù hợp với nguồn lực trong từng giai đoạn;

- Xã hội hóa công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân; khuyến khích đầu tư các cơ sở y tế, bệnh viện chất lượng cao.

d) Văn hóa, thể dục thể thao

- Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Phấn đấu đến năm 2020 có 80% đạt gia đình văn hóa; 70% làng văn hóa; 90% xã, phường và 70% thôn làng có nhà văn hóa;

- Phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật cho văn hóa, thể dục thể thao. Phấn đấu hoàn thành xây dựng khu liên hợp thể thao Tỉnh vào năm 2015. Nghiên cứu xây dựng Trung tâm đào tạo vận động viên thể thao tại Măng Đen, Ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể và thư viện điện tử phù hợp với quy hoạch và nguồn lực trong từng thời kỳ;

- Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.

đ) Khoa học và công nghệ

- Áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ sinh học tập trung trước hết vào các ngành, lĩnh vực có thế mạnh như chế biến nông lâm sản, dược liệu quý hiếm, khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế;

- Lựa chọn ứng dụng một số công nghệ cao, kỹ thuật mới trong khám, điều trị bệnh nhất là ở bệnh viện tuyến tỉnh, huyện.

e) Xóa đói, giảm nghèo và các chính sách xã hội

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo; cải thiện đời sống của hộ nghèo nhằm thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bào các dân tộc;

- Sắp xếp ổn định dân cư, tái định cư cho nhân dân ở vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất do lũ quét, ngập úng; các điểm dân di cư tự do gắn với Quy hoạch nông thôn mới;

- Giải quyết tốt đất ở, đất sản xuất, nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với cơ chế chính sách, phong tục tập quán từng dân tộc;

- Thực hiện tốt chính sách an ninh xã hội, chính sách đối với gia đình người có công, thực hiện tốt việc hỗ trợ xây dựng quỹ tình nghĩa, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn.

g) Bảo vệ môi trường

- Tập trung xử lý ô nhiễm môi trường nguồn nước, các làng nghề, khu dân cư, các khu, cụm công nghiệp; quản lý và xử lý chất thải rắn các đô thị, khu dân cư; chấm dứt tình trạng đào, đãi vàng trái phép;

- Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn về bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư, các điểm nóng về môi trường; bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.

h) Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc tại các địa bàn trọng yếu, nhất là khu vực vùng biên giới; xây dựng lực lượng và đảm bảo trang bị, cơ sở vật chất cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; phòng cháy, chữa cháy và phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn.

5. Hệ thống kết cấu hạ tầng

a) Mạng lưới giao thông

Phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại. Cụ thể:

- Đối với các công trình giao thông thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn Tỉnh: Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để từng bước đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh (đoạn còn lại), đường tuần tra biên giới (đoạn qua địa bàn tỉnh Kon Tum), các quốc lộ 40, 24, 14C; đường Đông Trường Sơn qua huyện Kon Plông;

- Đối với các công trình giao thông thuộc địa phương quản lý: Chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư các đường vào trung tâm các xã chưa có đường ô tô; nghiên cứu xây dựng các tuyến đường tránh lũ, đường gom dọc quốc lộ theo quy hoạch; cải tạo, nâng cấp đường nội thành phố, thị trấn phù hợp với khả năng và nguồn lực của địa phương; nghiên cứu xây dựng các tuyến đường có tính chiến lược để khai thác tốt các vùng có tiềm năng phát triển; các tuyến đường kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

b) Mạng lưới cấp điện

Tiếp tục phát triển mạng lưới cung cấp điện, nhất là đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng, nâng cấp đường dây và các trạm biến áp, các lưới điện cao thế, trung thế, hạ thế trên địa bàn, phấn đấu 100% số hộ dân được sử dụng điện.

c) Hệ thống thủy lợi

Phấn đấu đến năm 2020 đảm bảo nguồn nước tưới tiêu ổn định cho các loại cây trồng chính của địa phương; chủ động tưới cho trên 75% diện tích đất trồng lúa các vụ chính.

d) Hệ thống cấp thoát nước và xử lý thu gom chất thải rắn

- Phấn đấu đến năm 2015 cung cấp đủ nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho khu vực đô trị, đến năm 2020 cơ bản giải quyết nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho dân cư vùng nông thôn;

- Nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước thải, nước mưa ở các đô thị và các khu tập trung đông dân cư; xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng tại các khu cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường;

- Trên cơ sở quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nghiên cứu xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn có quy mô phù hợp đối với khu kinh tế cửa khẩu, các thị trấn, điểm dân cư.

đ) Thông tin, truyền thông và phát thanh, truyền hình

- Phổ cập đa dịch vụ đến các bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã, phát triển bưu chính theo hướng hoàn thiện chất lượng dịch vụ. Hiện đại hóa thiết bị, nghiên cứu xây dựng Trung tâm công nghệ thông tin và truyền thông đáp ứng tốt nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân;

- Tăng thời lượng, chương trình phát sóng; mở thêm chương trình phát thanh, truyền hình bằng các thứ tiếng dân tộc. Phấn đấu phủ sóng truyền hình đến tất cả các địa bàn.

IV. PHƯƠNG HƯỚNG TỔ CHỨC KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN

Phát triển hài hòa, bền vững giữa các vùng, xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp và nông thôn mới toàn diện; thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng trong Tỉnh.

1. Phát triển đô thị và dân cư nông thôn

- Phát triển mạng lưới đô thị:

Phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ đô thị hóa khoảng 46,1% và khoảng 53,3% vào năm 2020. Phấn đấu xây dựng thành phố Kon Tum trở thành đô thị loại 2 trước năm 2020; nâng cấp mạng lưới đô thị chính như cửa khẩu Bờ Y, các thị xã (Plei Kần, Đắk Tô); các thị trấn (Đắk Hà, Đắk Glei, Sa Thầy, Kon Plông, Tu Mơ Rông; Đăk Tân, Mô Rai) và một số thị trấn thuộc huyện khi có đầy đủ các điều kiện theo quy định.

- Phát triển ổn định dân cư nông thôn:

Từng bước phân bố lại dân cư trên các địa bàn; nghiên cứu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các trung tâm cụm xã, các điểm dân cư tập trung, các xã mới chia tách gắn với Quy hoạch nông thôn mới.

2. Phát triển các vùng kinh tế động lực

- Vùng trung tâm: Tập trung đầu tư, phát triển thành phố Kon Tum gắn với các khu công nghiệp (Hòa Bình, Sao Mai) và các khu đô thị mới thành trung tâm công nghiệp - dịch vụ của Tỉnh;

- Vùng Tây Bắc: Phát triển Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y gắn với nâng cấp xây dựng thị trấn Plei Kần thành trung tâm liên kết kinh tế của Tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Cămpuchia;

- Vùng phía Đông: Xây dựng và phát triển trung tâm huyện Kon Plông với Khu du lịch sinh thái Măng Đen thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng hiện đại mang đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

3. Phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực khó khăn

- Tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; nâng cao dân trí và thu nhập của dân cư; từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống ở vùng khó khăn với các khu vực phát triển của Tỉnh;

- Tổ chức, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đã được ban hành đối với vùng khó khăn, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế quan tâm đầu tư phát triển kinh tế khu vực này.

V. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ

(Phụ lục kèm theo)

VI. MỘT SỐ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Huy động các nguồn vốn đầu tư

Nhu cầu vốn đầu tư cho thời kỳ 2011 - 2020 khoảng 103 - 105 nghìn tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 32 - 33 nghìn tỷ đồng và 70 - 71 nghìn tỷ đồng giai đoạn 2016 - 2020.

Ngoài nguồn đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, Tỉnh cần có các giải pháp cụ thể để huy động có hiệu quả cao nhất các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển như:

- Trên cơ sở danh mục các chương trình, dự án cần kêu gọi đầu tư đến năm 2020; đẩy mạnh công tác quảng bá giới thiệu, xúc tiến đầu tư nhằm thu hút tốt các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Tỉnh, chú trọng khai thác nguồn vốn ODA và nguồn vốn của các nhà tài trợ khác;

- Tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch, làng nghề truyền thống để sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư;

- Ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư hấp dẫn, minh bạch phù hợp với quy định của pháp luật để thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế; thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính;

- Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, phát thanh, truyền hình, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường.

2. Phát triển nguồn nhân lực

- Thực hiện tốt công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ; có chính sách khuyến khích nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đến làm việc tại địa phương. Chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ công chức và lực lượng lao động hiện đang làm việc để thích ứng những yêu cầu mới về nhân lực;

- Ưu tiên đào tạo lao động là đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức tốt việc dạy nghề cho thanh niên nông thôn để đẩy nhanh chuyển đổi kinh tế nông nghiệp, nông thôn; giải quyết tốt việc làm cho người lao động sau đào tạo;

- Kết hợp hài hòa giữa đào tạo, nâng cao chất lượng với thể trạng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực trên địa bàn.

3. Giải pháp về khoa học công nghệ và môi trường

- Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, các chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống;

- Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ; thu hút các chuyên gia giỏi đầu ngành chuyển giao các chương trình, dự án khoa học, kỹ thuật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vào các ngành, lĩnh vực có nhiều lợi thế;

- Tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật về môi trường, không ngừng nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường; tổ chức thực hiện tốt và giám sát chặt chẽ việc thực thi các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

4. Liên kết, hợp tác phát triển

- Tiếp tục thực hiện tốt chương trình liên kết, hợp tác với các địa phương vùng Tây Nguyên và cả nước, trong đó chú trọng đẩy mạnh hợp tác phát triển toàn diện với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh duyên hải miền Trung;

- Tập trung hợp tác với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Cămpuchia để phát triển kinh tế trên tuyến cửa khẩu nối liền Cămpuchia với cửa khẩu quốc tế Bờ Y; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, nông nghiệp, thủy điện tại vùng liên kết Tam giác phát triển ba nước; phối hợp với các tỉnh Attapư, Sekong (Lào) và tỉnh Ratanakiri (Cămpuchia) để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh ở khu vực biên giới; tăng cường hợp tác trao đổi các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch;

- Nghiên cứu xây dựng tuyến du lịch Kon Tum với các tỉnh Ubon Ratchathaii, Mukdahan (Thái Lan); kêu gọi các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư chế biến nông lâm sản, khai thác chế biến vật liệu xây dựng và một số lĩnh vực khác có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển.

VII. TỔ CHỨC VÀ GIÁM SÁT THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Tổ chức công bố, phổ biến Quy hoạch

Tổ chức công bố, phổ biến Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh đến năm 2020 cho cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân trong Tỉnh trên cơ sở các nội dung, mục tiêu của Quy hoạch, tiến hành xây dựng chương trình hoạt động cụ thể để từng bước thực hiện đạt mục tiêu Quy hoạch.

2. Xây dựng chương trình hành động

- Sau khi Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên cơ sở các nội dung, mục tiêu của quy hoạch, Tỉnh cần xây dựng chương trình hành động để thực hiện Quy hoạch;

- Cụ thể hóa các mục tiêu Quy hoạch bằng các kế hoạch 5 năm, hàng năm để thực hiện Quy hoạch có hiệu quả. Hàng năm có đánh giá việc thực hiện Quy hoạch, trên cơ sở đó tiến hành rà soát, kiến nghị theo thẩm quyền việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong từng thời kỳ;

- Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân có trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện Quy hoạch.

Điều 2. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum đến năm 2020 là cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch ngành (quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan), các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong Quy hoạch được phê duyệt; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện theo quy định các nội dung sau:

1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện; quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực để bảo đảm phát triển tổng thể, đồng bộ giữa kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh.

2. Lập các kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm, các dự án cụ thể để tập trung đầu tư, ưu tiên bố trí nguồn vốn một cách hợp lý.

3. Nghiên cứu xây dựng, ban hành, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành (nếu vấn đề vượt quá thẩm quyền) một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của Tỉnh trong từng giai đoạn, nhằm thu hút, huy động các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch.

Điều 4. Các Bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

1. Hướng dẫn và giúp Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum trong quá trình thực hiện Quy hoạch; nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum trong từng giai đoạn nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; khuyến khích, thu hút đầu tư theo mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nêu trong Quy hoạch.

2. Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum trong việc điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch ngành, lĩnh vực đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của Quy hoạch; xem xét, hỗ trợ Tỉnh trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài để thực hiện Quy hoạch.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, ĐP (5b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ THỜI KỲ 2010 - 2020 TỈNH KON TUM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 20 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên dự án

I

CÁC DỰ ÁN DO TRUNG ƯƠNG ĐẦU TƯ

1

Đường Hồ Chí Minh (đoạn còn lại từ huyện Đăk Tô đến Gia Lai; đoạn tránh TP Kon Tum và thị trấn Đăk Glei);

2

Quốc lộ 40; quốc lộ 24 từ tỉnh Quảng Ngãi đến TP Kon Tum;

3

Quốc lộ 14 C đoạn qua tỉnh Kon Tum (giai đoạn 2);

4

Dự án đường Đông Trường Sơn qua huyện Kon Plông;

5

Dự án cơ sở điều dưỡng người có công khu vực Tây Nguyên.

II

CÁC DỰ ÁN DO ĐỊA PHƯƠNG QUẢN LÝ

1

Nông nghiệp

a

Các cụm công trình thủy lợi Đắk Lon - Đắk Trui (ĐắkGlei), Ya Mô-Ya Tri (Kon Rẫy), Đắk Rơ Ngát (Đắk Tô);

b

Các kè chống sạt lở sông Đắk La (TP Kon Tum), sông Pô Kô (Đăk Glei), sông ĐăkPNe (Kon Rẫy), Đăk Sịa (Sa Thầy).

2

Giao thông

a

Nâng cấp tỉnh lộ 672 (qua trung tâm huyện Tu Mơ Rông); đường Nam Quảng Nam (giai đoạn 2 và đoạn tránh đèo Văn Rơi);

b

Đường Sa Thầy-Ya Ly (tỉnh lộ 674); đường Ngọc Hoàng-Măng Bút-Tu Mơ Rông-Ngọc Linh; đường Ya Tăng đi Sê San 3A;

c

Đường từ Sê San 3 đi quốc lộ 14 C;

d

Đường giao thông khu vực biên giới; đường cứu hộ, cứu nạn vùng lũ;

đ

Các dự án nâng cấp tỉnh lộ và nâng cấp huyện lộ; đường đến trung tâm các xã chưa có đường ô tô.

3

Hạ tầng đô thị và môi trường

a

Xây dựng trung tâm hành chính Tỉnh và TP Kon Tum;

b

Nâng cấp kết cấu hạ tầng TP Kon Tum; các thị trấn (Plei Kần, Đăk Tô, Đăk Hà);

c

Kết cấu hạ tầng thị trấn các huyện Tu Mơ Rông, Kon Rẫy, Nam Sa Thầy;

d

Dự án dâng nước sông Đăk Bla (đoạn qua TP Kon Tum); mở rộng, nâng cấp hệ thống cấp nước TP Kon Tum;

đ

Đầu tư hệ thống cấp nước Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y;

e

Các dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Kon Tum; hệ thống cấp nước và trạm xử lý nước thải tại một số thị trấn, khu công nghiệp;

g

Xử lý, chôn lấp chất thải rắn đô thị và điểm dân cư nông thôn tập trung.

4

Giáo dục, Y tế

a

Dự án phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum;

b

Dự án xây dựng Trung tâm đào tạo vận động viên quốc gia tại Măng Đen;

c

Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Tất Thành; Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú Tu Mơ Rông;

d

Trường dạy nghề tỉnh Kon Tum (giai đoạn 2); dự án nâng cấp Trường Trung học y tế thành Trường Cao đẳng y tế;

đ

Đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ.

e

Các dự án nâng cấp bệnh viện Đa khoa Tỉnh; đa khoa khu vực Ngọc Hồi; bệnh viện Sa Thầy; đầu tư xây dựng Bệnh viện huyện Tu Mơ Rông;

g

Bệnh viện y học cổ truyền.

5

Văn hóa - Thể thao

a

Dự án Trung tâm đào tạo vận động viên thể thao tại Măng Đen;

b

Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng làng nghề truyền thống gắn với du lịch văn hóa KonKlor (TP Kon Tum);

c

Nhà làm việc và trung tâm sản xuất chương trình phát thanh - truyền hình tỉnh Kon Tum;

d

Dự án nhà thi đấu đa năng và sân vận động Tỉnh;

đ

Trung tâm văn hóa, thông tin và triển lãm Tỉnh;

e

Dự án xây dựng thư viện điện tử Tỉnh;

g

Dự án đầu tư di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh; tôn tạo ngục Đăk Glei; Khu di tích căn cứ tỉnh ủy Kon Tum.

III

CÁC DỰ ÁN SẢN XUẤT KINH DOANH KÊU GỌI ĐẦU TƯ

1

Xây dựng kết cấu hạ tầng và công nghiệp

a

Các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp Hòa Bình, Sao Mai, Đắk Tô và khu công nghiệp thuộc Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (giai đoạn 1) và cụm công nghiệp Đắk La;

b

Khu đô thị Nam cầu Đăk Bla; Khu dân cư phía Tây Bắc phường Duy Tân;

c

Đường trục chính phía Tây TP Kon Tum;

d

Dự án xây dựng sân bay tại TP Kon Tum;

đ

Dự án các nhà máy sản xuất bột giấy Tân Mai; chế biến súc sản Kon Tum; sản xuất phân bón NPK; chế biến mủ cao su; gỗ xuất khẩu; sản xuất săm lốp xe và các sản phẩm cao su;

e

Dự án sản xuất xi măng lò quay huyện Sa Thầy; chế biến đá Granit; khai thác, chế biến Dolomit;

g

Các dự án thủy điện Thượng Kon Tum; Đăk Re, Đăk Ring (KonPlông); Đăk Mi 1 (Đăk Glei); Đăk Psi 3 (Tu Mơ Rông).

2

Thương mại - dịch vụ - du lịch

a

Các dự án kinh doanh du lịch tại Khu du lịch sinh thái Măng Đen;

b

Xây dựng sân bay taxi tại Măng Đen;

c

Trung tâm du lịch nghỉ dưỡng Đăk Bla, TP Kon Tum;

d

Các dự án đầu tư kinh doanh du lịch và dịch vụ tại Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y và khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng suối nước nóng Đắk Lung - Đắk Tô.

3

Nông lâm nghiệp

a

Các dự án trồng rừng nguyên liệu giấy; trồng và chăm sóc cao su; phát triển cây sâm Ngọc Linh.

4

Lĩnh vực văn hóa - xã hội

a

Các trường phổ thông chất lượng cao tại TP Kon Tum, huyện Đăk Hà, huyện Ngọc Hồi;

b

Bệnh viện chuyên khoa; đa khoa chất lượng cao tại TP Kon Tum.

Ghi chú: về vị trí, quy mô, diện tích chiếm đất, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các dự án nêu trên, sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động các nguồn lực của từng giai đoạn./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 581/QĐ-TTg năm 2011 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 581/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/04/2011
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 233 đến số 234
  • Ngày hiệu lực: 20/04/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản