Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/QĐ-UBND | Bắc Giang, ngày 30 tháng 01 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH BẮC GIANG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 05/2009/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm
2020;
Xét đề nghị của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 40/TTr- VHTTDL ngày 18/01/2010 về việc đề nghị phê duyệt quy hoạch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với các nội dung chủ yếu như sau:
I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Quan điểm phát triển
- Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về vai trò của văn hóa, thể thao và du lịch. Coi trọng phát triển văn hoá để trở thành nền tảng tinh thần của xã hội gắn phát triển văn hoá, thể thao và du lịch với xây dựng con người mới phát triển toàn diện về tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo; tuân thủ pháp luật; có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, lối sống văn hoá...
- Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách quản lý lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần phong phú và lành mạnh cho nhân dân trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
- Huy động mọi nguồn lực cho phát triển văn hoá, thể thao và du lịch, đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động văn hóa, thể thao, coi trọng đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững... Nhà nước đảm bảo chi sự nghiệp và đầu tư cơ bản từ ngân sách cho các hoạt động sự nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá và xúc tiến du lịch, tổ chức các sự kiện và hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch lớn của tỉnh. Hỗ trợ phát triển sự nghiệp văn hoá, thể thao và du lịch ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Nâng cao chất lượng phong trào thể thao cho mọi người, phát triển một số môn thể thao thành tích cao, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân.
- Đầu tư xây dựng một số tuyến, điểm du lịch trọng điểm làm điểm nhấn thu hút đầu tư và phát triển du lịch của tỉnh, trong sự liên kết vùng và cả nước.
- Kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy ngành văn hoá, thể thao và du lịch theo hướng tinh giản, gọn nhẹ. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch. Phát hiện và bồi dưỡng tài năng văn hóa nghệ thuật, thể thao.
- Tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố lân cận để phát huy lợi thế và quảng bá hình ảnh Bắc Giang với cả nước và quốc tế.
2. Mục tiêu chung
Phát triển văn hóa, thể thao và du lịch nhằm mục đích không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, ngày càng góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Khuyến khích các hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật, thể thao của nhân dân trong tỉnh. Bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, bắt kịp sự phát triển của thời đại.
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa ở các cấp, sân, bãi tập thể thao, các điểm, khu du lịch trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và kết cấu hạ tầng xã hội ở các vùng trên địa bàn tỉnh, tạo điểm nhấn quan trọng và tiền đề cho việc tổ chức các sự kiện cấp vùng và quốc gia. Nâng cao chất lượng hoạt động của các loại hình văn hóa nghệ thuật, thể thao và từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng vào lĩnh vực dịch vụ của tỉnh.
Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội cho phát triển văn hóa, thể thao và du lịch. Tăng cường xã hội hóa và đầu tư từ ngân sách cho sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch, bảo đảm các điều kiện phát triển với mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động. Huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước vào việc xây dựng các khu, điểm, tuyến du lịch, các dịch vụ văn hóa, thể thao. Liên kết văn hóa Bắc Giang với văn hóa các tỉnh bạn, với vùng Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, với cả nước và quốc tế, qua đó, nâng cao vị thế của Bắc Giang với cả nước và quốc tế.
3. Mục tiêu cụ thể
3.1. Lĩnh vực văn hóa:
Giai đoạn 2010-2015: Có 30-40% số di tích lịch sử văn hóa được tu bổ, tôn tạo, có 130-135 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 450-500 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Giai đoạn 2016-2020: Có 60-70% số di tích lịch sử văn hóa được tu bổ, tôn tạo, có 150-155 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 600-700 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.
Duy trì 1 Bảo tàng tổng hợp tỉnh từ nay đến năm 2020; giai đoạn 2010- 2015 có 3-5 Bảo tàng, nhà truyền thống huyện, thành phố và phấn đấu đến năm 2020 có 6-10 Bảo tàng, nhà truyền thống cấp huyện, thành phố. Khuyến khích phát triển Bảo tàng tư nhân, trong giai đoạn từ 2010-2015 có từ 1-2 Bảo tàng tư nhân và có 3-4 Bảo tàng tư nhân vào năm 2020.
Duy trì hệ thống thư viện cấp tỉnh, cấp huyện, thành phố từ nay đến năm 2020, cấp tỉnh có 1 thư viện cấp tỉnh và 100% huyện, thị xã, thành phố có thư viện, 70% số xã, phường, thị trấn có phòng đọc, tủ sách, đến năm 2020 đạt tỷ lệ 100%.
Đến năm 2015 có 80% gia đình, cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn gia đình, cơ quan văn hóa và phấn đấu đạt tỷ lệ 85% ở năm 2020. Có 60- 65% Làng, bản, khu phố đạt danh hiệu làng, bản, khu phố văn hóa ở năm 2015 và đạt 65-70% ở năm 2020. Có 15% xã/phường văn hóa trong giai đoạn 2010-2015 và đạt 30% giai đoạn 2016-2020. Duy trì 100% xã có Bưu điện văn hóa.
Đối với hệ thống thiết chế văn hóa, trong giai đoạn 2010-2015 có 80% thiết chế văn hóa cấp tỉnh đạt chuẩn và đạt tỷ lệ 100% giai đoạn 2016-2020; duy trì 100% huyện, thành phố có Trung tâm Văn hóa –Thông tin; từ 2010-2015 có 50% số xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa –Thông tin và đạt tỷ lệ 100% ở năm 2020; số thôn, bản, khu phố, cụm dân cư có Nhà sinh hoạt văn hóa, Nhà sinh hoạt cộng đồng.
3.2. Lĩnh vực thể dục thể thao:
Giai đoạn 2010-2015 có 32-33% Số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, đến năm 2020 có 35-37%; Số gia đình thể thao đạt 15-20% ở giai đoạn 2010-2015 và có 20-25% gia đình thể thao ở năm 2020; Số CLB, tụ điểm, nhóm tập luyện TDTT cơ sở có 1800-2000 trong giai đoạn 2010-2015 và đến năm 2020 sẽ tăng lên là 2500 CLB, tụ điểm, nhóm tập luyện TDTT. 100% số xã, phường thị trấn có cán bộ HDV, CTV được bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ về thể dục thể thao.
Giai đoạn 2010-2020 có 100% Số trường phổ thông thực hiện chương trình giáo dục thể chất nội khoá, 100% Số trường phổ thông tổ chức hoạt động thể dục thể thao ngoại khoá 2 lần/tuần; 100% số học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể và 100% số trường có đủ dụng cụ, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy nội, ngoại khóa; giai đoạn 2010-2015 có 70-85% Số trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có câu lạc bộ thể dục thể thao và đạt tỷ lệ 100% ở giai đoạn 2016-2020.
Trong các kỳ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc giai đoạn 2010-2015 giữ thứ hạng 1-3 các tỉnh miền núi, đứng trong tốp 10-20 toàn quốc và ở tốp 10-13 các tỉnh, thành toàn quốc năm 2020. Phấn đấu đạt từ 8-10 Huy chương quốc tế trong giai đoạn 2010- 2015 và đạt 15- 20 Huy chuơng quốc tế giai đoạn 2016- 2020.
3.3. Lĩnh vực du lịch:
Giai đoạn 2010-2015 phấn đấu thu hút 982.800 khách du lịch trong đó du lịch nội địa 964.910 lượt người, khách quốc tế 17.890 lượt nguời, đến giai đoạn 2016-2020 số khách du lịch đến Bắc Giang sẽ tăng lên 1.180.200 lượt người, trong đó khách nội địa 1.158.800 lượt, khách quốc tế 21.400 lượt; duy trì mức tăng trưởng đạt 12%/năm trong cả hai giai đoạn.
Tổng doanh thu đạt 23,8 triệu USD trong giai đoạn 2010-2015, phấn đấu đạt 36,2 triệu USD ở giai đoạn 2016-2020, trong đó doanh thu từ khách nội địa 19,4 USD giai đoạn 2010-2015 và đạt 30,1 triệu USD giai đoạn 2016-2020; doanh thu từ khách quốc tế 4,4 triệu USD giai đoạn 2010-2015 và 6,1 triệu USD giai đoạn 2016-2020.
Giai đoạn 2010-2015, có 2.700 phòng phục vụ nhu cầu cho khách nghỉ lại Bắc Giang, đến năm 2020 số lượng phòng tăng lên 3.300 phòng, trong đó có 350-800 phòng cao cấp và 2.350-2.500 phòng đạt tiêu chuẩn.
II. NỘI DUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
1. Lĩnh vực Văn hóa
1.1- Đối với các thiết chế văn hóa
Hoàn thành nâng cấp các thiết chế văn hóa như: Trung tâm Văn hóa tỉnh, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh; nâng cấp thư viện tỉnh thành thư viện khoa học tổng hợp và đẩy mạnh tin học hóa thư viện; xây dựng Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp; nâng cấp Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao, Du lịch thành trường Cao đẳng.
Nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa (Trung tâm VHTT) cấp huyện, thành phố, xã phường thị trấn; nhà văn hóa thôn bản, tổ dân phố. Phấn đấu đến năm 2015, mỗi khu công nghiệp đều có khu Văn hóa - Thể thao, tích hợp với quy hoạch của khối thể thao.
Xây dựng nếp sống, lối sống văn minh, môi trường văn hóa; đẩy mạnh, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống. Phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó tập trung xây dựng các mô hình “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư tiên tiến”, “thôn, bản văn hóa”. Phát triển các hoạt động văn nghệ quần chúng, nghệ thuật không chuyên, đến 2015, nâng mức hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của người dân gấp 2 lần hiện nay.
1.2- Nâng cấp Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao, Du lịch thành trường Cao đẳng: Đến năm 2015, nâng quy mô đào tạo của trường đạt 200-300 học viên/năm, trong đó đặc biệt quan tâm tới các học viên thuộc đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, học viên ở vùng sâu, vùng xa.
1.3- Quy hoạch hệ thống Trung tâm Văn hóa - Thông tin: Trung tâm Văn hóa tỉnh là đơn vị sự nghiệp có thu (hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ văn hóa, thông tin), đơn vị tổ chức các hoạt động mẫu, hoạt động có thu tại chỗ, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, hỗ trợ các hoạt động giải trí, huấn luyện,... đảm bảo tự cân đối kinh phí hoạt động, giảm dần tỷ lệ cấp ngân sách của nhà nước, theo mô hình 3 cấp.
1.4- Quy hoạch hệ thống Bảo tàng và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa:
Giai đoạn 2010-2015: Bảo tàng tỉnh, với số hiện vật, tài liệu 40.000, thực hiện triển lãm chuyên đề 1-2 lần/năm và triển lãm lưu động 2-3 lần/năm, thu hút 20.000 lượt người khách tham quan bảo tàng. Có 5-7 Nhà bảo tàng, nhà truyền thống huyện,
1- 2 Bảo tàng tư nhân.
Giai đoạn 2016-2020: duy trì Bảo tàng tỉnh với số hiện vật, tài liệu 50.000, thực hiện triển lãm chuyên đề 1-2 lần/năm và triển lãm lưu động 4-5 lần/năm; thu hút 30.000 lượt người khách tham quan bảo tàng. Có 8-10 Nhà bảo tàng, nhà truyền thống huyện, 3-4 Bảo tàng tư nhân.
1.5- Đối với các di sản văn hóa:
Giai đoạn 2010-2011, hoàn thành tổng kiểm kê di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chưa được xếp hạng, phân loại và dự kiến thời gian xếp hạng di tích. Đến năm 2012, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Giai đoạn 2010-2015, tiếp tục tập trung cho công tác sưu tầm, tư liệu hóa (tài liệu, phim, ảnh) về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trên địa bản tỉnh; Xây dựng và triển khai kế hoạch phát huy giá trị các loại hình di sản văn hoá phi vật thể đặc trưng của tỉnh, như: hát Quan họ, Ca trù, hát Chèo, dân ca các dân tộc thiểu số,... và các làng nghề truyền thống như làng gốm Thổ Hà,...
Năm 2010, nâng cấp lễ hội Yên Thế thành lễ hội cấp tỉnh; giai đoạn 2011-2012, nâng cấp lễ hội Yên Thế trở thành lễ hội quốc gia. Hoàn thành hồ sơ đưa khu di tích Yên Thế và lễ hội Yên Thế là di tích quốc gia đặc biệt.
Phấn đấu đến năm 2015, có 50% số di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh được tu bổ, tôn tạo; đến năm 2020, có 70-80% số di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh được tôn tạo, tu bổ.
1.6- Quy hoạch phát triển hệ thống Thư viện:
Đến năm 2015: xây dựng thư viện tỉnh thành thư viện điện tử; nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện tỉnh, mở rộng và phát triển dịch vụ có thu. Xây dựng thư viện thiếu nhi tỉnh và đưa vào hoạt động. Nâng cấp hệ thống thư viện cấp huyện, thành phố (trụ sở hoạt động và trang thiết bị) và triển khai chương trình tin học hóa hệ thống thư viện cấp huyện; Đối với thư viện cấp xã, phường, thị trấn: Ưu tiên xây dựng phòng đọc, tủ sách gắn với hệ thống Trung tâm VHTT xã/phường/thị trấn, khu VHTT. 100% xã, phường, thị trấn có phòng đọc sách, tủ sách; 70% số thư viện huyện, thành phố đạt chuẩn phân loại cấp I-II của Bộ VHTT&DL.
Giai đoạn 2016- 2020: nguồn dữ liệu thư viện tỉnh được kết nối với hệ thống thư viện cấp huyện, thành phố. Có 100% số thư viện huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phân loại cấp I-II của Bộ VHTT&DL. Triển khai chương trình tin học hóa hệ thống thư viện cấp huyện, thành phố. Đến năm 2020, hệ thống dữ liệu của hệ thống thư viện huyện, thành phố được kết nối với nhau, kết nối với thư viện tỉnh.
1.7- Quy hoạch phát triển Điện ảnh và Chiếu bóng:
Giai đoạn 2010-2015: duy trì 3 đơn vị chiếu bóng lưu động, tổ chức chiếu 600 buổi/năm, với số lượt người xem 250.000 người/năm; giai đoạn 2016-2020 duy trì 3 đội chiếu bóng lưu động với số buổi chiếu 600 buổi/năm phục vụ cho 300.000 lượt người xem
1.8- Quy hoạch phát triển Mỹ thuật, Nhiếp ảnh: Xây dựng chương trình tổ chức các buổi triển lãm mỹ thuật định kỳ; giai đoạn 2010-2015, xây dựng đề cương và lập quy hoạch chi tiết dự án xây dựng Trung triển lãm mỹ thuật tỉnh Bắc Giang. Hoàn chỉnh hệ thống tượng đài, tranh hoành tráng tại các quảng trường, khu công cộng theo quy hoạch về tượng đài và tranh hoành tráng đã được phê duyệt.
1.9- Quy hoạch phát triển Nghệ thuật biểu diễn: Bảo tồn và phát huy di sản các làng quan họ cổ, đầu tư cho một số làng quan họ cổ tiêu biểu, xây dựng các điểm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật biểu diễn dân gian, gắn với phát triển du lịch.
1.10- Quy hoạch xây dựng đời sống văn hóa cơ sở: Nâng cao chất lượng các phong trào: “Người tốt, việc tốt”, “Gia đình văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; xây dựng thôn, bản, khối phố văn hóa, xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa.
1.12- Quy hoạch phát triển thông tin tuyên truyền: Khai thác hệ thống Trung tâm VHTT, khu Văn hóa - Thể thao các cấp phục vụ hoạt động thông tin tuyên truyền, cổ động, tăng cường và nâng cao chất lượng thông tin lưu động, đặc biệt quan tâm cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khai thác các hình thức nghệ thuật truyền thống của các dân tộc góp phần đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền cổ động.
2. Lĩnh vực Thể thao
Phát triển TDTT quần chúng với mọi tầng lớp và các nhóm đối tượng thanh, thiếu niên, nhi đồng; công chức, viên chức, người lao động; người dân nông thôn và thành thị; người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, với doanh nghiệp. Phát triển giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường và TDTT trong lực lượng vũ trang.
Các môn thể thao thành tích cao trọng điểm: Các môn thể thao truyền thống, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của đa số người dân Bắc Giang cần được chọn là môn thể thao trọng điểm. Nhóm các môn thể thao trọng điểm loại 1 và một số các môn thể thao loại 2 và 3, trong đó chú trọng các môn thể thao truyền thống và các môn có thế mạnh của tỉnh.
Các nguyên tắc chung về thể chế quản lý, đầu tư: Về cơ bản, thể chế quản lý hệ thống thể thao thành tích cao của Bắc Giang theo 3 tuyến: tuyến nghiệp dư; tuyến tập trung và tuyến đội tuyển.
Quy hoạch đối với hệ thống đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao:
Các môn trọng điểm loại 1 (môn thể thao mũi nhọn): Vật, Đá cầu, Cầu lông, võ cổ truyền, Cầu mây nữ, Cờ vua, Wushu, Đẩy gậy, Điền kinh.
Các môn thể thao loại 2 và các môn thể thao loại 3: Các môn thể thao có thể kết hợp tuyến nghiệp dư với phát triển, tuyển chọn năng khiếu để chuyển lên tuyến tập trung, đội tuyển: Cử tạ, Quần vợt, Bóng đá, Boxing (nữ), Bi sắt, Bóng bàn, Pencasilat, Bơi trong bể.
Từ 2010 đến 2020, phát triển hệ thống thi đấu bóng đá trong trường phổ thông, sân tập luyện thể dục, thể thao tại các xã, trường có điều kiện, làm cơ sở để tuyển chọn đội ngũ vận động viên, hình thành đội bóng đá chuyên nghiệp tham gia giải thi đấu bóng đá hạng hai toàn quốc vào chu kỳ 2015-2020.
Quy hoạch hệ thống tổ chức thi đấu TDTT cấp tỉnh:
Duy trì Đại hội TDTT toàn tỉnh 4 năm/lần. Hội khoẻ Phù Đổng: cấp trường 1 năm/lần; cấp huyện, thành phố 2 năm/lần; cấp tỉnh 4 năm/lần. Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số miền núi 2 năm/lần. Giải thể thao quần chúng toàn huyện từ 8-15 giải/năm. Đại hội TDTT hoặc ngày Hội văn hóa - thể thao cấp xã tổ chức 1 năm/lần. Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các môn thể thao dân tộc 2 năm/lần. Đăng cai 3-4 giải thể thao khu vực, toàn quốc.
Tham gia các giải thể thao trong nước, quốc tế: Đại hội TDTT toàn quốc 4 năm/lần. Hội thi thể thao gia đình 2 năm/lần (năm chẵn). Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số 2 năm/lần (năm lẻ). Hội thi thể thao người khuyết tật 2 năm/lần (năm lẻ). Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 4 năm/lần.
3. Lĩnh vực du lịch
Phát triển thị trường và sản phẩm du lịch:
Thị trường khách du lịch quốc tế: Khách du lịch quốc tế từ nay đến năm 2020 hướng thị trường cần tập trung vào quảng bá và mở rộng khai thác thị trường khách du lịch các nước trong khối ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Âu và Bắc Mỹ.
Thị trường khách du lịch nội địa: Các thị trường khách du lịch nội địa chủ yếu từ Hà Nội và khách từ các tỉnh thuộc Bắc Bộ.
Định hướng phát triển sản phẩm du lịch (theo thứ tự ưu tiên thị trường sản phẩm), gồm: Sản phẩm du lịch gắn liền với di tích lịch sử - văn hoá, lễ hội tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng tại các khu du lịch sinh thái; Du lịch sinh thái gắn với cộng đồng; Du lịch tham quan làng nghề, du lịch làng quê.
Xây dựng và phát triển một số loại hình sản phẩm du lịch đặc thù như: Du lịch thể thao mạo hiểm; Du lịch thương mại, công vụ.
Định hướng tổ chức không gian du lịch: gắn phát triển mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và đô thị của tỉnh, đồng thời tạo tính liên hoàn giữa các tour, tuyến, điểm du lịch đảm bảo hợp lý về hành trình của khách du lịch, phù hợp cho từng nhóm đối tượng.
Phấn đấu tới 2020 thành phố Bắc Giang trở thành một hạt nhân du lịch với vai trò là đầu mối quan trọng trong hoạt động du lịch của tỉnh. Hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở lưu trú phát triển. Năm 2020, Bắc Giang có 2 - 3 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 - 5 sao.
Định hướng phát triển không gian:
Hướng thứ nhất: Dọc theo quốc lộ 1A, Từ Hà Nội đi Lạng Sơn, chạy qua địa bàn tỉnh. Đây là hướng du lịch chính của tỉnh với tiềm năng to lớn trong việc thu hút khách du lịch từ thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Hướng thứ hai: Chạy từ Tây sang Đông, từ TP.Thái Nguyên và Tây Bắc đi qua Tp.Bắc Giang theo tuyến QL 37
Hướng thứ ba: Khai thác khách du lịch quá cảnh từ Lạng Sơn và Bắc - Đông Bắc xuống theo đường 1A qua đường 279 xuống Quảng Ninh. Tuyến du lịch này sẽ đi qua các điểm du lịch như Hồ Cấm Sơn, Đền thờ Thân Cảnh Phúc - Lục Ngạn.
Phân bố các vùng du lịch: Quy hoạch phân bổ không gian du lịch được chia thành 4 vùng chính bao gồm: Vùng Trung tâm du lịch; Vùng du lịch Đông Bắc; Vùng du lịch Tây Bắc và Vùng du lịch Tây Nam.
Xác định các trung tâm du lịch trọng điểm: Nhằm tạo sự gắn kết chặt chẽ cho hệ thống các khu, tuyến, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Quy hoạch xác định 2 trung tâm du lịch chính là thành phố Bắc Giang, Thị trấn An Châu và 3 trung tâm du lịch phụ trợ là Thị trấn Chũ, Đức Thắng và Cầu Gồ.
Điểm du lịch chính:
1. Điểm du lịch di tích lịch sử Yên Thế (Huyện Yên Thế)
2. Điểm du lịch sinh thái hồ Cấm Sơn (huyện Lục Ngạn)
3. Điểm du lịch sinh thái khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (huyện Sơn Động)
4. Điểm du lịch sinh thái khu bảo tồn rừng nguyên sinh Khe Rỗ (huyện Sơn Động)
5. Điểm du lịch sinh thái Suối Mỡ (huyện Lục Nam)
Đầu tư phát triển cơ sở lưu trú và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch.
Về cơ sở lưu trú: Tập trung đầu tư nâng cấp và xây mới từ 2 đến 3 khách sạn có quy mô trung bình tại thành phố Bắc Giang đạt tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu 3 sao. Đối với các điểm trung tâm du lịch của vùng như: Cầu Gồ (Yên Thế); Đức Thắng; An Châu (Sơn Động); Chũ, trước mắt tập trung phát triển hệ thống các khách sạn có quy mô trung bình đạt tiêu chuẩn tối thiểu 2 sao.
Về dịch vụ phụ trợ du lịch: Đầu tư nâng cấp các công trình phúc lợi xã hội như: Công viên vui chơi giải trí, nhà thi đấu thể thao; câu lạc bộ, nhà văn hóa đa năng; rạp chiếu bóng trong thành phố Bắc Giang cũng như tại các trung tâm du lịch của mỗi vùng.
Xúc tiến quảng bá du lịch: Xúc tiến quảng bá du lịch nhằm tiếp thị hình ảnh, quảng bá sản phẩm du lịch và giới thiệu môi trường du lịch giàu tiềm năng và hấp dẫn hướng tới mục tiêu thu hút khách du lịch và sự quan tâm từ phía các nhà đầu tư.
III. CÁC NHÓM GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Giải pháp về quản lý Nhà nước
Triển khai các luật, chính sách về văn hóa, thể thao và du lịch tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động VHTTDL, nhất là các cơ chế, chính sách về xã hội hóa đối với các thành phần kinh tế ngoài công lập tham gia các hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch.
Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đơn vị trong lĩnh vực VHTTDL nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp và trách nhiệm cộng đồng đối với sự nghiệp phát triển VHTTDL, đặc biệt trong xây dựng đời sống văn hoá, thể thao cơ sở, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và công tác thông tin tuyên truyền.
Tăng cường hoạt động chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ đối với các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư vào các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch. Chú trọng, giữ gìn, bảo tồn các tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn vật thể và phi vật thể. Đảm bảo việc phát triển các dự án song không phá vỡ cảnh quan tự nhiên, không gây ô nhiễm môi trường.
Cụ thể hóa các thiết chế VHTTDL cấp huyện, TP và cấp xã; đảm bảo quỹ đất cho sự nghiệp VHTTDL; chú trọng quy hoạch phát triển các khu, điểm du lịch tại các vùng có tiềm năng tài nguyên tự nhiên và nhân văn; Ưu tiên đầu tư cho phát triển du lịch, làm nền tảng cho phát triển lĩnh vực văn hóa và thể thao.
2. Giải pháp về cơ chế, chính sách
Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp VHTTDL ở vùng sâu, vùng xa. Đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng các hình thức tổ chức hoạt động và sở hữu lợi ích từ hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch.
Xây dựng cơ chế, chính sách cho việc bảo tồn phát triển các di sản văn hóa phi vật thể, chế độ thỏa đáng cho các môn TDTT truyền thống và thể thao thành tích cao trong đó chú trọng bồi dưỡng đào tạo tài năng văn hóa, thể thao của tỉnh.
Xây dựng cơ chế, chính sách và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho cán bộ văn hóa, thể thao xã, phường; hướng dẫn viên du lịch trong tỉnh.
Cơ chế, chính sách về khen thưởng động viên các hoạt động của ngành như phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; phong trào “Khoẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Chú trọng phát hiện và bồi dưỡng tài năng văn hóa nghệ thuật, thể thao; xét đề nghị phong tặng nghệ sỹ ưu tú; công nhận nghệ nhân; quy chế tặng giải thưởng đối với tác phẩm văn học nghệ thuật; các chế độ đãi ngộ đối với văn nghệ sĩ, vận động viên thành tích cao; người có công phát triển văn hóa, thể thao và du lịch.
Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút tài năng văn hóa - thể thao đối với nghệ nhân, nghệ sỹ ưu tú, vận động viên thể thao thành tích cao, cán bộ VHTTDL có nhiều cống hiến cho tỉnh. Với vận động viên thể thao thành tích cao có nhiều cống hiến cho tỉnh sau khi nghỉ thi đấu, vận động viên không phát triển tiếp được, vận động viên sau khi hết độ tuổi thi đấu, hướng nghiệp cho đi đào tạo ở các trường chuyên ngành TDTT để trở thành huấn luyện viên, cán bộ, hướng dẫn viên thể thao các cấp...
Cơ chế chính sách thuế: Ưu tiên, miễn giảm thuế, không thu thuế có giới hạn đối với các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án mới trong khuôn khổ các quy định của trung ương. Ưu tiên giảm thuế, cho chậm trả tiền thuế đất, cho vay ưu đãi đối với các dự án phát triển du lịch tại các khu du lịch của tỉnh, quốc gia.
Đảm bảo quỹ đất và phân bố quỹ đất hợp lý cho các công trình VHTTDL giai đoạn 2010-2020 theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
3. Giải pháp về vốn đầu tư
Huy động nguồn vốn cho phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2010-2020: Chú ý đến nguồn ngân sách cấp huyện và xã. Trong quản lý và phân bổ ngân sách, đảm bảo cân đối tỷ lệ chi ngân sách hợp lý cho phát triển các lĩnh vực của lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch, cũng như giữa cấp huyện và cấp xã.
Huy động vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn tích lũy doanh thu du lịch thông qua Tổng cục Du lịch.
Bên cạnh sự đầu tư của ngân sách nhà nước, tăng cường thu hút nguồn vốn từ xã hội hóa vào đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tu bổ tôn tạo các di tích, tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên, các giải thi đấu thể thao, triển lãm, mỹ thuật, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch....
Mục tiêu huy động tối đa các nguồn vốn để giải quyết nhu cầu đầu tư cho kết cấu hạ tầng, các dịch vụ VHTTDL và bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch. Ngoài ra cần có sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng thông qua các nguồn vốn ODA, FDI ưu đãi để phục vụ đầu tư cơ sở hạ tầng hoặc một số hạng mục quan trọng cần số lượng vốn lớn.
Từ nay đến 2014, bố trí ngân sách theo nguyên tắc tăng dần đều theo các năm, vượt mức năm 2009, phấn đấu đến 2015, nâng nguồn vốn đầu tư cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch lên 1,5% tổng chi ngân sách thường xuyên. Từ 2016 đến 2020, ngân sách cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch tăng lên đến 1,7 – 1,8% tổng chi ngân sách thường xuyên.
Ngân sách sự nghiệp văn hóa cấp huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh: Giai đoạn 2010-2015, đảm bảo chi ngân sách cho phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch cấp huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh đạt 0,78% - 0,9%; và giai đoạn 2016-2020, đạt 1,3% - 1,5% tổng chi ngân sách.
Ngân sách sự nghiệp văn hóa cấp xã/phường/thị trấn: Giai đoạn 2010-2015, đảm bảo chi ngân sách cho phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch cấp xã, phường, thị trấn đạt 0,40% - 0,50%; và giai đoạn 2016-2020, đạt 0,6% - 0,8% tổng chi ngân sách. Cấp xã, phường, thị trấn: thực hiện cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm. Thôn, làng, bản, khu dân cư: Do nhân dân và các tổ chức đóng góp, đối với vùng “có hoàn cảnh đặc biệt”, vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn, ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ bản và đầu tư trang thiết bị chuyên dùng các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
Tăng ngân sách Nhà nước cấp cho phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch ở các cấp quản lý giai đoạn 2011 đến 2020, cụ thể:
Nguồn vốn xây dựng cơ bản: Ngân sách của tỉnh chủ yếu đầu tư vào các công trình văn hóa, thể thao và du lịch trọng điểm cấp tỉnh; cấp huyện, thành phố. Hỗ trợ của Trung ương đầu tư các công trình trọng điểm theo chương trình mục tiêu giai đoạn 2009 - 2010 và những năm tiếp theo.
Khai thác mọi nguồn vốn khác như: cho thuê, đấu thầu quyền sử dụng đất, phát hành xổ số, các nguồn tài trợ... các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch.
Nguồn kinh phí xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch cấp xã, phường, thị trấn: Được hỗ trợ một lần kinh phí xây dựng cơ bản bằng kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương theo nội dung dự án được phê duyệt.
Các thôn, bản nguồn vốn chủ yếu huy động từ xã hội hóa và các nguồn khác.
4. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực
Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý, cán bộ sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch. Xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng nhu cầu nguồn cán bộ phục vụ phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2015 và năm 2020 với các định hướng sau:
Hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý văn hóa, thể thao và du lịch từ tỉnh đến huyện, chú trọng xây dựng đội ngũ quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch các cấp, đồng thời tiếp tục cải cách hành chính đối với quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư và cấp phép các ngành nghề dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch để tạo ra môi trường thuận lợi cho phát triển chung của ngành đặc biệt phát triển nguồn nhân lực cho du lịch.
Tuyển dụng và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng đào tạo cho trường Năng khiếu thể thao, Trường trung cấp Văn hóa, Thể thao, Du lịch. Mở rộng liên kết các trường đại học, cao đẳng nhằm đa dạng hóa các hình thức đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Ưu tiên phát triển đào tạo, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ đội ngũ cán bộ ngành văn hóa, thể thao và du lịch là người dân tộc thiểu số; phát hiện và có kế hoạch sử dụng đội ngũ nghệ nhân, nghệ sĩ người dân tộc thiểu số.
5. Giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa:
Từ năm 2010-2020 từng bước chuyển cơ sở văn hóa, thể thao và du lịch công lập sang đơn vị sự nghiệp có thu theo cơ chế dịch vụ công trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Tăng nguồn thu từ việc tổ chức biểu diễn văn hóa, tổ chức thi đấu thể thao và khu vui chơi giải trí.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, đóng góp các nguồn lực cho hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; khuyến khích xây dựng các công trình văn hóa, thể thao và du lịch; các đơn vị sản xuất và kinh doanh thiết bị, dụng cụ văn hóa thể thao và xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch.
Xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp để phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch.
Thực hiện công tác xã hội hóa đầu tư vào một số lĩnh vực thể thao, du lịch để huy động nguồn vốn cho phát triển thể thao, du lịch từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Có các chính sách khuyến khích để thu hút được các nhà đầu tư, tạo ra sự bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, giữa đầu tư tư nhân và Nhà nước.
Nguồn kinh phí huy động từ xã hội đến năm 2010 là 20% tổng kinh phí VHTTDL hàng năm, năm 2015 là 30%, đến năm 2020 là 40-50%.
6. Giải pháp về Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế:
Chú trọng công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển VHTTDL, xây dựng kế hoạch thực hiện gắn với chiến lược phát triển khoa học công nghệ của tỉnh đến năm 2020.
Phối hợp với Tổng cục TDTT, Viện Khoa học TDTT mở các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho huấn luyện viên, sớm cập nhật các quan điểm huấn luyện thể thao hiện đại.
Tăng cường công tác hội nhập, giao lưu quốc tế, giới thiệu văn hóa và con người Bắc Giang thông qua các hoạt động chuyên môn về văn hóa, thể thao và du lịch.
Tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên...), các trường đại học, các Cục, Vụ, Viện, các đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước để phát triển các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến và quảng bá du lịch thông qua việc khuyến khích các doanh nghiệp và cơ quan quản lý tham gia các hội chợ, hội thảo để quảng bá sản phẩm du lịch.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và các địa phương công bố quy hoạch và triển khai thực hiện quản lý quy hoạch; quản lý, chỉ đạo và điều hành các thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh. Định kỳ kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì phối hợp với ngành Văn hóa, thể thao và du lịch và các ngành liên quan bố trí phân bổ nguồn lực bảo đảm thực hiện quy hoạch; ưu tiên nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn xây dựng cơ bản để thực hiện quy hoạch.
3. Sở Tài chính: Tham mưu cho UBND tỉnh cân đối ngân sách hàng năm bảo đảm yêu cầu tiến độ thực hiện Quy hoạch; Phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách đối với các dự án trong quy hoạch.
4. Sở Tài nguyên - Môi trường: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố quy hoạch đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp đất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch.
5. Sở Xây dựng: Phối hợp nghiên cứu các thiết chế mẫu về văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh, thẩm định dự án xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc.
6. Sở Nội vụ: Chủ trì, phối hợp ngành liên quan và các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo đội ngũ cán bộ ngành và tổ chức bộ máy để thực hiện phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch.
7. Các sở, ngành và cơ quan liên quan khác: Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp với cơ quan chủ trì để thực hiện quy hoạch.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể trên địa bàn huyện tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch. Hàng năm lập kế hoạch và cân đối ngân sách bảo đảm cho hoạt động của các thiết văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn. Phối hợp với các ngành của tỉnh quy hoạch đất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch; xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao và du lịch.
Điều 3. Giám đốc các Sở, thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UBND TỈNH |
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 11/QĐ-UBND ngày 30 tháng 01 năm 2010 của UBND tỉnh)
A. CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN:
1. Khu du lịch sinh thái Hồ Cấm Sơn
2. Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ
3. Khu du lịch sinh thái Khuôn Thần
4. Khu du lịch sinh thái Tây Yên Tử
5. Hệ thống di tích khởi nghĩa Yên Thế
6. Di tích thành Xương Giang
7. Khu liên hợp thể thao tỉnh
8. Sân Golf (Tiền Phong, Đồng Sơn, Yên Dũng)
9. Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch
10. Nhà hát Ca - Múa - Nhạc Bắc Giang
11. Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT
12. Trường năng khiếu thể thao
13. Trung tâm Văn hóa tỉnh
14. Ban Quản lý di tích tỉnh
15. Trung tâm xúc tiến du lịch
B. TỔNG VỐN ĐẦU TƯ XDCB GIAI ĐOẠN 2010-2020 ƯỚC TÍNH: 10.165 tỷ đồng
Trong đó: - Vốn ngân sách: 1.718 tỷ đồng
- Vốn các nhà đầu tư và xã hội hóa: 8.447 tỷ đồng
Ghi chú: về vị trí, quy mô diện tích chiếm đất và tổng mức đầu tư của các dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ./.
- 1Quyết định 1592/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025
- 2Quyết định 2507/QĐ-UBND năm 2012 về Đề án xây dựng và phát triển Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
- 3Quyết định 22/2013/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
- 4Nghị quyết 179/2009/NQ-HĐND về quy hoạch phát triển văn hóa tỉnh Phú Thọ đến năm 2020
- 5Nghị quyết 12/NQ-HĐND năm 2017 về thông qua Chương trình phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020
- 6Quyết định 939/QĐ-UBND năm 2017 về điều chỉnh Quy hoạch phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 4Quyết định 05/2009/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 1592/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025
- 6Quyết định 2507/QĐ-UBND năm 2012 về Đề án xây dựng và phát triển Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
- 7Quyết định 22/2013/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
- 8Nghị quyết 179/2009/NQ-HĐND về quy hoạch phát triển văn hóa tỉnh Phú Thọ đến năm 2020
- 9Nghị quyết 12/NQ-HĐND năm 2017 về thông qua Chương trình phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020
Quyết định 11/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Quy hoạch phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- Số hiệu: 11/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 30/01/2010
- Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang
- Người ký: Bùi Văn Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra