Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 40/2007/QĐ-UBND

Đà Lạt, ngày 16 tháng 10 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH BẢO VỆ, TÔN TẠO, KHAI THÁC VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Xét đề nghị của Sở Văn hóa Thông tin tại Tờ trình số 228/VHTT ngày 28/8/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định bảo vệ, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hòa

 

QUY ĐỊNH

BẢO VỆ, TÔN TẠO, KHAI THÁC VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA,  PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 40 /2007/QĐ-UBND, Ngày 16 tháng 10 năm 2007 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Giá trị di sản văn hóa được nêu tại Quy định này bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể.

1. Di sản văn hóa vật thể bao gồm:

a) Di tích lịch sử văn hóa: Là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học;

b) Danh lam thắng cảnh: Là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học;

c) Di vật: Là hiện vật được lưu truyền lại có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học;

d) Cổ vật: Là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học có thời gian từ một trăm năm tuổi trở lên;

đ) Bảo vật quốc gia: Là hiện vật được lưu truyền lại có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa và khoa học.

2. Di sản văn hóa phi vật thể bao gồm:

a) Tiếng nói, chữ viết;

b) Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được quy định tại điều 747 của Bộ luật Dân sự về các loại hình tác phẩm được bảo hộ có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học;

c) Ngữ văn truyền miệng bao gồm thần thoại, tục ngữ, ngạn ngữ, thành ngữ, câu đố, ngụ ngôn, ca dao, truyện thơ dân gian, sử thi, trường ca, văn tế, lời khấn và các hình thức ngữ văn truyền miệng khác;

d) Diễn xướng dân gian bao gồm âm nhạc, múa, sân khấu, trò nhại, giả trang, diễn thời trang, diễn người đẹp, hát đối, trò chơi và các hình thức diễn xướng dân gian khác;

đ) Lối sống, nếp sống thể hiện qua khuôn phép ứng xử – đối nhân – xử thế; luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ trong ứng xử với tổ tiên, với ông bà, với cha mẹ, với thiên nhiên; ma chay, cưới xin, lễ đặt tên, hành động và lời chào – mời và các phong tục, tập quán khác;

e) Lễ hội truyền thống bao gồm lễ hội có nội dung đề cao tinh thần yêu nước, yêu thiên nhiên, lòng tự hào dân tộc, truyền thống chống ngoại xâm, tôn vinh các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, ca ngợi tinh thần cần cù lao động sáng tạo của nhân dân, đề cao lòng nhân ái, khát vọng tự do, hạnh phúc, tinh thần đoàn kết cộng đồng;

g) Nghề thủ công truyền thống;

h) Tri thức văn hóa dân gian bao gồm tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hóa ẩm thực, về thiên nhiên và kinh nghiệm sản xuất, về binh pháp, về kinh nghiệm sáng tác văn nghệ (học thuật), về trang phục truyền thống, về đất, nước, thời tiết, khí hậu, tài nguyên, về sông, biển, núi, rừng và các tri thức dân gian khác.

Điều 2. Những căn cứ pháp lý và phạm vi điều chỉnh

1. Quy định bảo vệ, tôn tạo, khai thác và phát huy gia trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng được xây dựng trên cơ sở quy định của Luật Di sản văn hóa, các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) và UBND tỉnh Lâm Đồng về quản lý bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

2. Quy định này được áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, các tổ chức, cá nhân được UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép khai thác, bảo vệ, đầu tư, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa vào các hoạt động phát triển du lịch tại Lâm Đồng.

3. Những nội dung không quy định cụ thể tại Quy định này thì thực hiện theo Luật Di sản văn hóa ngày 29/6/2001.

Điều 3. Mục đích bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

1. Di sản văn hóa là tài sản chung của cộng đồng các dân tộc tỉnh Lâm Đồng, là bộ phận của di sản văn hóa quốc gia, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Bảo vệ, tôn tạo, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm mục đích phục vụ lợi ích toàn dân, phát huy truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc tỉnh Lâm Đồng; tạo điều kiện, khuyến khích động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia sáng tạo những giá trị văn hóa mới, góp phần làm giàu kho tàng di sản văn hóa của tỉnh và của quốc gia, đồng thời mở rộng giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế.

2. Căn cứ vào giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của di sản văn hóa, Sở Văn hóa Thông tin phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh tiến hành tổ chức đánh giá lập hồ sơ đề nghị xếp hạng và phân cấp trách nhiệm quản lý di sản văn hóa theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 4. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Chiếm đoạt, làm sai lệch di sản văn hóa, hủy hoại và gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa;

2. Đào bới trái phép địa điểm khảo cổ;

3. Xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh;

4. Đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra khỏi địa phương;

5. Lợi dụng việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa để thực hiện những hành vi trái pháp luật.

Chương II

BẢO VỆ, TÔN TẠO, KHAI THÁC, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

Mục 1. BẢO VỆ, TÔN TẠO, KHAI THÁC, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA VÀ DANH LAM THẮNG CẢNH

Điều 5. Mục đích bảo vệ, tôn tạo, khai thác phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh.

Việc bảo vệ, tôn tạo, khai thác phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh (gọi tắt là di tích) được gắn với phát triển du lịch của địa phương là nhằm ngăn ngừa những tác động xấu từ môi trường tự nhiên và xã hội tới di tích, đảm bảo giữ gìn tối đa yếu tố gốc và các giá trị xác thực của di tích về vị trí, cấu trúc, chất liệu, vật liệu, kỹ thuật truyền thống, chức năng, nội thất, cảnh quan thiên nhiên có liên quan; đồng thời đảm bảo sự hài hòa, hợp lý giữa di tích với môi trường cảnh quan xung quanh, cũng như môi trường xã hội của cư dân đang sinh sống trên địa bàn có di tích.

Điều 6. Phân khu chức năng bảo vệ di tích

1. Khu vực bảo vệ I (khu vực gốc) gồm bản thân di tích (Bản thân công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh, địa điểm diễn ra sự kiện lịch sử) và vùng phụ cận có liên quan mật thiết với di tích, được xác định là yếu tố cấu thành di tích (Tùy theo đặc điểm của từng lọai di tích để xác định vùng phụ cận rộng hay hẹp); đây là khu vực quản lý đặc biệt, nhằm bảo tồn tính nguyên vẹn của di tích.

2. Khu vực bảo vệ II là khu vực bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I, để bảo vệ cảnh quan và môi trường sinh thái của di tích; đây là khu vực được cho phép xây dựng các công trình phục vụ, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị của di tích, nhưng phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

3. Khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II của di tích phải được xác dịnh trên bản đồ, kèm theo biên bản khoanh vùng bảo vệ, có sự xác nhận trong hồ sơ di tích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Đối với di tích lịch sử lưu niệm sự kiện, do các điểm diễn ra sự kiện thường trải rộng, cho nên khu vực bảo vệ phải được xác định theo điểm và theo cụm di tích tiêu biểu, thông qua đó để khoanh vùng bảo vệ nguyên trạng di tích, di vật gốc gắn với môi trường cảnh quan và khung cảnh lịch sử khu vực di tích. Chỉ phục hồi khi có đủ các cơ sở khoa học như: ảnh, bản vẽ, tư liệu thành văn hoặc lời kể của nhân chứng lịch sử. Quan tâm bảo quản các yếu tố gốc như: Những công trình xây dựng còn lại, các đồ dùng sinh hoạt, hầm hào, địa đạo, vũ khí, phương tiện chiến tranh; cần được quản lý tốt hiện trạng để tăng sức thuyết phục của di tích gốc. Về lịch sử quân sự: Trong trường hợp cần thiết, có thể thực hiện việc trưng bày bổ sung hiện vật, xây dựng sa bàn mô tả sự kiện, dựng bia, biểu trưng, nhưng phải đảm bảo quy mô hợp lý và các quy định hiện hành.

Điều 7. Nguyên tắc bảo quản, tu bổ, phục hồi để phát huy giá trị di tích.

1. Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi để phát huy giá trị di tích phải đảm bảo tính trung thực của lịch sử hình thành di tích; phải gắn việc phát huy giá trị di tích với sự nghiệp phát triển du lịch của địa phương, đi đôi với sự phát triển của các ngành có liên quan (nhất là ngành văn hóa, du lịch, giao thông, xây dựng…), nhằm tạo nên sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với sự bảo vệ môi trường sinh thái và tính nguyên vẹn của di tích.

2. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước và thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục toàn dân nâng cao nhận thức về du lịch gắn với lịch sử văn hóa (nhất là nhân dân trong vùng quy hoạch) nhằm bảo vệ, phát huy tốt giá trị di tích trong đời sống cộng đồng dân cư.

Điều 8. Quy định về lập dự án và phê duyệt dự án tu bổ, phục hồi di tích.

1. Việc lập dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải thực hiện theo quyết định số 05/2003/QĐ-BVHTT ngày 6/2/2003, của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) về việc ban hành quy chế bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh; quy định về điều kiện, nội dung báo cáo tiền khả thi và báo cáo khả thi dự án, quy định về hồ sơ và điều kiện lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích.

2. Thẩm quyền phê duyệt dự án quy định như sau:

a) Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích xếp hạng cấp tỉnh phải do Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt theo đề nghị của Sở Văn hóa Thông tin. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phê duyệt dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích xếp hạng di tích cấp quốc gia theo đề nghị của UBND tỉnh;

b) Dự án cải tạo, xây dựng công trình phục vụ cho việc tôn tạo, khai thác, phát huy giá trị của di tích (nằm trong khu vực bảo vệ của di tích được ghi tại khoản 1, 2 Điều 6 quy định này) phải được Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin thống nhất đối với di tích cấp tỉnh; đối với di tích xếp hạng cấp quốc gia phải được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phê duyệt.

Mục 2. BẢO VỆ, TÔN TẠO, KHAI THÁC, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI CHỈ KHẢO CỔ, DI VẬT, CỔ VẬT, BẢO VẬT QUỐC GIA

Điều 9. Quy định đầu tư trên đất khi phát hiện dấu hiệu di tích khảo cổ.

1. Mọi tổ chức, cá nhân khi tiến hành xây dựng dự án đầu tư trên đất, nếu phát hiện thấy dấu hiệu của di tích khảo cổ, phải phối hợp cùng Sở Văn hóa Thông tin tiến hành lập dự toán thăm dò, khai quật khảo cổ. Kinh phí thăm dò, khai quật di tích khảo cổ được thực hiện theo Thông tư số 20/2007/TT-BTC ngày 14/03/2007 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn lập dự toán, cấp phát, quản lý, sử dụng chi phí thăm dò, khai quật khảo cổ khi cải tạo, xây dựng công trình. Việc nghiên cứu, thám sát và khai quật phải có kế hoạch và theo hệ thống ổn định lâu dài. Khi tiến hành khai quật phải thực hiện các biện pháp kỹ thuật bảo vệ theo các quy định hiện hành.

2. Đối với di tích khảo cổ có giá trị lớn phải thực hiện các điều kiện bảo quản bằng phương pháp kỹ thuật đặc biệt và xây dựng công trình che phủ bằng chất liệu phù hợp để giữ nguyên hiện trạng; không được thực hiện các dự án xây dựng trong khu vực di tích khảo cổ có giá trị lớn; không tác động làm phá vỡ cảnh quan môi trường xung quanh di tích. Trường hợp thật cần thiết, phải tiến hành khai quật toàn bộ di tích khảo cổ sau đó mới được thi công xây dựng.

Điều 10. Nguyên tắc quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

1. Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học; mọi di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ở trong lòng đất hoặc dưới nước khi phát hiện hoặc tìm thấy đều thuộc sở hữu Nhà nước. Sở Văn hóa Thông tin có trách nhiệm tổ chức thu nhận các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia để tiến hành các thủ tục hồ sơ nhập vào kho bảo quản của bảo tàng tỉnh. Tổ chức, cá nhân có công phát hiện, sưu tầm, giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được khen thưởng theo quy định của pháp luật và được ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi để bảo quản hiện vật tại bảo tàng, Ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước tỉnh, bằng trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật và đảm bảo an toàn.

2. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu, hoặc đang quản lý hợp pháp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia không thuộc bảo tàng Nhà nước, không nằm trong di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, phải thực hiện việc đăng ký với Sở Văn hóa Thông tin theo quy định tại Thông tư số 07/2004/TT-BVHTT ngày 23/11/2004 của Bộ Văn hóa Thông tin về việc hướng dẫn trình tự thủ tục đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và được hưởng những quyền lợi quy định tại khoản 3 Điều 23, Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa, cụ thể như sau:

a) Được cấp giấy chứng nhận đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;

b) Được các cơ quan chuyên môn của Nhà nước thẩm định miễn phí;

c) Được hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn về bảo quản di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc quyền sở hữu của mình;

d) Được tạo điều kiện thuận lợi để phát huy giá trị di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc quyền sở hữu của mình.

Chương III

BẢO VỆ, KHAI THÁC, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

Điều 11. Mục tiêu bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

1. Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần của các dân tộc cùng chung sống trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cần phải được tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, thống kê, phân loại và tiến hành lập hồ sơ khoa học để bảo vệ và phát huy.

2. Những di sản văn hóa phi vật thể có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện hoạt động, nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, truyền dạy và tổ chức giới thiệu, quảng bá nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, để làm giàu cho kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh, quốc gia và góp phần phát triển kinh tế văn hóa – xã hội tại địa phương.

Điều 12. Quy định quản lý di sản văn hóa phi vật thể.

1. Mọi tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, ngăn chặn nguy cơ làm sai lệch, mai một, thất truyền di sản văn hóa phi vật thể. Phát huy thuần phong mỹ tục trong lối sống, nếp sống các dân tộc; bài trừ những hủ tục, bại tục, những tệ nạn xã hội làm hại đến đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

2. Việc khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả, đúng quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội từng địa phương và toàn tỉnh. Phải gắn kết chặt chẽ giữa việc khai thác, phát huy với việc phục hồi, tôn tạo, đồng thời phải đi đôi với tổ chức quản lý chặt chẽ giá trị di sản văn hóa phi vật thể; cần bảo tồn không gian, cảnh quan đã nảy sinh, nuôi dưỡng, phát huy, phát triển giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong việc bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa.

1. Sở Văn hóa Thông tin:

a) Thực hiện chức năng giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch trước mắt và lâu dài cho việc bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa; chủ trì phối hợp với các ngành, đoàn thể và các địa phương thực hiện công tác hướng dẫn, tuyên truyền giáo dục và khuyến khích nhân dân thực hiện tốt pháp luật và các quy chế, quy định của nhà nước về bảo quản, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa;

b) Tổ chức thẩm định, điều tra phân loại giá trị di sản văn hóa; thực hiện việc lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di sản văn hóa, xếp hạng bảo tàng theo thẩm quyền; chủ trì phối hợp với các ngành, các địa phương thực hiện các đề tài khoa học nghiên cứu về di sản văn hóa và tổ chức quản lý hoạt động nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa;

c) Chủ trì, phối hợp cùng với các ngành, địa phương tổ chức kiểm tra, thanh tra kịp thời phát hiện các vi phạm trong việc chấp hành luật Di sản văn hóa và các quy định khác của nhà nước có liên quan để xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định;

d) Là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh tổ chức thực hiện Luật Di sản văn hóa và quy định này; định kỳ hàng tháng, quý, năm báo cáo kết quả về UBND tỉnh; kịp thời đề xuất kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung những bất hợp lý trong quá trình triển khai thực hiện quy định này;

đ) Chủ trì phối hợp với các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa tại các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Du lịch Thương mại:

Chủ trì phối hợp với các ngành, các địa phương trong tỉnh tổ chức khai thác những giá trị di sản văn hóa, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững nền kinh tế du lịch của tỉnh; phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin và UBND các địa phương thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, bảo tồn, tôn tạo các di tích, các làng nghề thủ công, lễ hội truyền thống, tập quán văn hóa các dân tộc trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

3. Sở Kế hoạch Đầu tư:

Tổng hợp và cân đối vốn đầu tư cho các dự án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; cùng Sở Văn hóa Thông tin thực hiện thẩm định các dự án quy hoạch, tôn tạo, tu bổ, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Tài chính:

Đảm bảo nguồn kinh phí và tổ chức kiểm tra việc cấp phát, quản lý sử dụng kinh phí chi thường xuyên cho các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin quản lý việc in, phát hành vé tham quan; việc thu nộp và sử dụng các khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa tại các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh.

5. Sở Tư pháp:

Chủ trì phối hợp với các ngành, đoàn thể chức năng của tỉnh và UBND các địa phương trong tỉnh, tổ chức tốt các hoạt động của Hội đồng Phối hợp phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật, nhằm tuyên truyền sâu rộng tới các đối tượng quần chúng nhân dân hiểu và thực thi Luật Di sản văn hóa và các quy định của nhà nước có liên quan về việc bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa.

6. Sở Xây dựng:

Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin và các ngành liên quan xây dựng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa thuộc công trình xây dựng có giá trị lịch sử, kiến trúc và thẩm mỹ; cùng Sở Văn hóa Thông tin tổ chức thẩm định các quy hoạch, thiết kế cơ sở về xây dựng, cải tạo các công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ của di tích, mà có khả năng ảnh hưởng xấu tới di tích.

7. Sở Giáo dục Đào tạo:

Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin, UBND các địa phương tổ chức các hình thức tuyên truyền giáo dục cho học sinh, sinh viên ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; thực hiện tốt việc đưa học sinh, sinh viên tham quan, học tập, nghiên cứu vốn di sản văn hóa theo chương trình giáo dục của các cấp học, trường học tại các bảo tàng, các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh.

8. Sở Khoa học Công nghệ:

Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin, Sở Du lịch Thương mại và UBND các địa phương lập chương trình dự án khoa học về bảo vệ môi trường cảnh quan tại các di tích; xây dựng và chỉ đạo thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, các dự án đầu tư khoa học công nghệ tiên tiến để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa tại các địa phương.

9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin và các ngành, các địa phương liên quan xây dựng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ phát triển rừng đặc dụng, rừng cảnh quan gắn với di tích; sử dụng hệ thống thủy lợi phù hợp với nhu cầu bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh phục vụ cho mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh.

10. Sở Tài nguyên Môi trường:

Phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin tiến hành khoanh vùng bảo vệ trên bản đồ địa chính các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; chủ trì trong việc tổ chức, quản lý khu vực cấm thăm dò, khai thác khóang sản tại các di tích trên địa bàn toàn tỉnh.

11. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Công an tỉnh:

Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin, Sở Du lịch Thương mại và UBND các địa phương thực hiện việc giữ gìn trật tự trị an trong các hoạt động bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa; kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa theo thẩm quyền.

12. UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt và UBND xã, phường, thị trấn trong tỉnh: Phối hợp chặt chẽ với ngành, đoàn thể các cấp để tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa. Tổ chức ngăn ngừa, bảo vệ và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền; đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét lập hồ sơ xếp hạng di tích, xếp hạng bảo tàng của tổ chức và cá nhân tại địa phương; tiếp nhận khai báo những phát hiện về di sản văn hóa lên cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 14. Khen thưởng và xử lý vi phạm.

1. Những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa và quy định này thì được khen thưởng theo quy định tại Luật Thi đua Khen thưởng và Điều 52, 53 Chương 8 Nghị định 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ về thi hành chi tiết một số điều của Luật Di sản văn hóa.

2. Những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm thì sẽ xử lý theo quy định tại Điều 56, 57, 58 mục 9 Nghị định 56/2006/NĐ-CP ngày 6/6/2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa./-

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 40/2007/QĐ-UBND ban hành quy định bảo vệ, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

  • Số hiệu: 40/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/10/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Huỳnh Đức Hòa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản