Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 210/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 21 tháng 01 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 18-CTR/TU NGÀY 08/11/2012 CỦA TỈNH ỦY QUẢNG NAM VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02-NQ/TW NGÀY 25/4/2011 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC KHOÁNG SẢN VÀ CÔNG NGHIỆP KHAI KHOÁNG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 22/12/2011 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định huớng chiến luợc khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 08/11/2012 của Tỉnh ủy Quảng Nam về thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 12/TTr-STNMT ngày 09 tháng 01 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này " Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 08/11/2012 của Tỉnh ủy Quảng Nam về thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT TU, TTHĐND tỉnh (B/c );
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Tổng Cục ĐCvà KS;
- Chi cục KSHĐKS miền Trung;
- CPVP;
- Lưu: VT, TH, KTTH, NC, KTN.
D:\Dropbox\nam 2013\Quyet dinh\01 17
QD ban hanh ke hoach 18.doc

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Quang

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 18-CTR/TU NGÀY 08/11/2012 CỦA TỈNH ỦY QUẢNG NAM VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02-NQ/TW NGÀY 25/4/2011 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC KHOÁNG SẢN VÀ CÔNG NGHIỆP KHAI KHOÁNG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 210 /QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam)

I. MỤC ĐÍCH

Tổ chức thực hiện tốt Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 08/11/2012 của Tỉnh ủy Quảng Nam về thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng của tỉnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, bảo vệ môi trường.

II. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

1. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật khoáng sản và văn bản khác có liên quan

- Hằng năm, các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Lao động- Thương binh và Xã hội, và Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Công an tỉnh (phối hợp với Sở Tư pháp) và UBND các huyện, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ tổ chức phổ biến, tập huấn, giáo dục pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực khoáng sản, các doanh nghiệp tham gia hoạt động khoáng sản trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình của tỉnh, huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến rộng rãi pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan đến nhân dân trên địa bàn để nâng cao hiểu biết;

- Quý I và II/2013, các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Lao động- Thương binh và Xã hội, và Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 08/11/2012 của Tỉnh ủy Quảng Nam và Kế hoạch này đến cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực khoáng sản trong cơ quan, đơn vị; các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình của tỉnh, huyện, thành phố tuyên truyền sâu rộng các văn bản nêu trên đến nhân dân; UBND huyện, thành phố có trách nhiệm tổ chức quán triệt Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 08/11/2012 của Tỉnh ủy Quảng Nam đến các doanh nghiệp tham gia hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

2. Hoàn thiện văn bản pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện các văn bản pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản; tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

3. Lập quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản thuộc thẩm quyền của tỉnh; khoanh định khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; khoanh định khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh

- Sở Xây dựng, Sở Công Thương căn cứ vào lĩnh vực quản lý (Sở Xây dựng quản lý khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, nguyên liệu sản xuất xi măng và than bùn; Sở Công Thương quản lý các khoáng sản còn lại) chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố rà soát các quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đã được UBND tỉnh phê duyệt và tiến hành xây dựng quy hoạch mới, trình phê duyệt vào cuối năm 2013. Quy hoạch phải khoanh định chi tiết khu vực mỏ, loại khoáng sản cần đầu tư thăm dò, khai thác, tiến độ thăm dò, khai thác và phải đảm bảo nguồn tài nguyên khoáng sản của tỉnh được khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả nhằm phát triển bền vững kinh tế - xã hội trước mắt, lâu dài và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.

Riêng đối với các mỏ đá tại khu vực xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành: Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND huyện Núi Thành xem xét nhu cầu vật liệu đá trên địa bàn và mức độ ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, công trình, giao thông của hoạt động khai thác đá tại khu vực này, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, sắp xếp cho phù hợp, chậm nhất trong năm 2014.

- Sở Tài nguyên và Môi trường:

+ Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố khoanh định các khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2013;

+ Hằng năm, chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, khoanh định các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ, tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố.

4. Bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác

- UBND các huyện, thành phố:

+ Tiếp tục thông báo các chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến UBND cấp xã, các thôn, bản, khối phố và nhân dân biết và thực hiện. Kiểm tra, thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không đúng mục đích, tự tổ chức hoặc liên doanh với các tổ chức, cá nhân khác khai thác khoáng sản, kinh doanh khoáng sản không đúng quy định pháp luật hoặc không có biện pháp ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên diện tích đất sản xuất do mình quản lý, sử dụng;

+ Tiếp tục kiểm tra, thu hồi hoặc chỉ đạo UBND cấp xã kiểm tra, thu hồi ngay các văn bản cho phép các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, thuê đất để tập kết, kinh doanh khoáng sản không đúng quy định pháp luật và chủ trương của UBND tỉnh. Chỉ đạo UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; huy động và chỉ đạo phối hợp các lực lượng trên địa bàn để giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Làm rõ trách nhiệm để xử lý các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, cho phép khai thác khoáng sản, thuê đất để tập kết, kinh doanh khoáng sản không đúng quy định pháp luật hoặc bao che, làm ngơ để thu tiền cho ngân sách địa phương. Quá trình quản lý nếu vượt quá khả năng thì đề nghị UBND cấp trên hỗ trợ xử lý. Nếu không phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoặc báo cáo cấp trên hỗ trợ xử lý kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn thì Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh;

+ Xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn và Quy chế phối hợp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác khu vực giáp ranh giữa 02 huyện, thành phố; hoàn thành trong năm 2013 để tổ chức thực hiện;

+ Điều tra, thống kê, xem xét cụ thể các hộ gia đình, cá nhân là người địa phương có kinh tế gia đình khó khăn và trong nhiều năm qua sinh sống chủ yếu bằng hoạt động khai thác khoáng sản trái phép để có hướng hỗ trợ hoặc đề xuất UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp.

- Các cơ quan, đơn vị thuộc các ngành: Bộ đội Biên phòng, Kiểm lâm, Thuế ở địa phương, Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên bên cạnh việc thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực được giao còn phải có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoặc báo cáo chính quyền địa phương phối hợp xử lý kịp thời hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý. Nếu không phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoặc báo cáo chính quyền địa phương phối hợp xử lý kịp thời hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan nêu trên (ngoại trừ cơ quan Thuế) chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ trưởng cấp trên.

- Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh chuẩn bị lực lượng để hỗ trợ các địa phương truy quét các điểm khai thác khoáng sản trái phép phức tạp khi có yêu cầu. Sau khi đã truy quét, làm sạch địa bàn, các đơn vị: Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên, Bộ đội Biên phòng (nếu có) tham gia phối hợp với lực lượng của huyện, xã để chốt giữ.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh có cơ chế tăng cường trách nhiệm và quyền hạn của các chủ rừng, bảo đảm địa bàn được giao không xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép.

- Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục theo dõi tình hình bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo, xử lý.

- Hằng năm, Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương,… xem xét, tham mưu UBND tỉnh khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản; xem xét, không đề xuất khen thưởng những tập thể, cá nhân ở những địa phương còn để xảy ra nhiều tụ điểm khai thác khoáng sản trái phép, gây bức xúc dư luận.

5. Về cấp giấy phép hoạt động khoáng sản

- Kể từ thời điểm Thông tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực thi hành: Cấp phép thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản (trừ các trường hợp đã có chủ trương cho phép của UBND tỉnh và các trường hợp theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012 của Chính phủ) để tránh thất thoát nguồn thu và lựa chọn được doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Các trường hợp xin thăm dò, khai thác khoáng sản cần thiết, cấp bách để cung cấp kịp thời vật liệu thi công các công trình hạ tầng trên địa bàn, nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đã đầu tư nhưng chưa thể tổ chức đấu giá thì báo cáo UBND tỉnh xem xét từng trường hợp cụ thể để cho phép cấp phép không thông qua đấu giá.

- Các khu vực đầu tư xây dựng công trình có khoáng sản chưa khai thác phải khẩn trương lập thủ tục và tổ chức thu hồi khoáng sản nhằm tránh lãng phí tài nguyên (trừ vàng sa khoáng). Không đề xuất, tham mưu cấp phép thăm dò, khai thác thiếc gốc ở các huyện Bắc Trà My, Đông Giang và vàng sa khoáng trên địa bàn tỉnh.

6. Đấu giá quyền khai thác khoáng sản

- Trong vòng 06 tháng, kể từ thời điểm Thông tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực thi hành, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản và tham mưu Chủ tịch Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ban hành Quy chế đấu giá và nội quy phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản để tổ chức đấu giá quyền khai thác các khu vực khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của UBND tỉnh (với tư cách là Thường trực Hội đồng đấu giá);

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố khoanh định, trình UBND tỉnh quyết định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép, chậm nhất trong quý IV năm 2013;

- Trong khi chờ liên Bộ: Tài nguyên và Môi trường- Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định tạm thời về phương pháp tính, phương thức thu, chế độ quản lý và sử dụng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, chậm nhất trong quý III năm 2013.

7. Quản lý hoạt động khoáng sản sau cấp phép

- Trong năm 2013, UBND các huyện, thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường phải hoàn thành việc rà soát các nội dung trong Bản cam kết bảo vệ môi trường, Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Dự án cải tạo, phục hồi môi trường đã được xác nhận, phê duyệt theo thẩm quyền; yêu cầu doanh nghiệp bổ sung nội dung, kể cả tăng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường để tăng cường quản lý các doanh nghiệp đang còn phép hoạt động và đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác.

- UBND các huyện, thành phố:

+ Chủ động tăng cường tổ chức kiểm tra việc thực hiện các nghĩa vụ trong hoạt động khoáng sản của các doanh nghiệp được cấp giấy phép. Chỉ cho phép doanh nghiệp tiến hành khai thác khoáng sản khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định tại quyết định cấp phép và quy định pháp luật liên quan. Xử lý nghiêm theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp. Trường hợp vượt khả năng chuyên môn thì báo cáo về các Sở, ngành liên quan để phối hợp xử lý;

+ Trong vòng 30 ngày, kể từ ngày cấp có thẩm quyền cấp giấy phép (Quyết định) thăm dò, khai thác khoáng sản cho doanh nghiệp phải công khai vị trí, diện tích, chiều sâu, tiến độ và phương pháp được phép thăm dò, khai thác của doanh nghiệp cho nhân dân địa phương biết và giám sát;

+ Báo cáo tình hình quản lý, hoạt động khoáng sản (kể cả trái phép) về UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) theo định kỳ hàng quý, 01 năm và đột xuất nếu cần thiết để Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và tham mưu biện pháp giải quyết các tồn tại, kiến nghị của cấp huyện.

- Sở Tài nguyên và Môi trường:

+ Thông báo ngay cho các doanh nghiệp đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhưng khu vực khai thác chưa được thăm dò, phê duyệt trữ lượng phải tổ chức thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản ở khu vực đã được cấp phép, nộp Báo cáo kết quả thăm dò cho cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, làm cơ sở để doanh nghiệp đầu tư khai thác hiệu quả hơn, giảm rủi ro và làm cơ sở để cấp lại, gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Công tác thăm dò, phê duyệt trữ lượng phải hoàn thành trước năm 2015;

+ Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra định kỳ việc thực hiện các nghĩa vụ trong hoạt động khoáng sản của các doanh nghiệp được cấp phép và xử lý nghiêm theo thẩm quyền các hành vi vi phạm của doanh nghiệp. Trường hợp các Sở, ban, ngành có kế hoạch kiểm tra đột xuất thì phải gửi kết quả kiểm tra về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, theo dõi, báo cáo UBND tỉnh.

- Cục Thuế tỉnh và Chi cục Thuế các huyện, thành phố: Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thực hiện đăng ký, kê khai và nộp các khoản: Tiền thuê đất, thuế, phí theo quy định.

8. Về xuất khẩu khoáng sản

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hoặc đang đầu tư xây dựng nhiều nhà máy chế biến sâu khoáng sản cát trắng, đá vôi và 01 nhà máy chế biến sâu khoáng sản titan (khoáng sản titan trên địa bàn tỉnh có quy mô không lớn). Do đó, để đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động ổn định, lâu dài chủ trương không xuất bán nguyên liệu thô hoặc chỉ qua sơ chế đối với các loại khoáng sản cát trắng, đá vôi, titan.

9. Về tài chính

- Hằng năm, các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố lập dự toán kinh phí phục vụ công tác quản lý hoạt động khoáng sản, báo cáo cơ quan Tài chính để xem xét, phân bổ kinh phí vào dự toán chi ngân sách hằng năm.

- Sở Tài chính:

+ Hằng năm, chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố rà soát lại giá tính thuế tài nguyên khoáng sản, mức thu phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh để tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, làm cơ sở xác định giá sàn trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường; tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ ngân sách phù hợp cho các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, nhất là công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, lập quy hoạch, kế hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản, khoanh định các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ, khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản;

+ Tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách cụ thể để điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác đầu tư phát triển kinh tế- xã hội, chậm nhất trong quý IV năm 2013.

- UBND các huyện, thành phố: Trong vòng 30 ngày, kể từ ngày cấp có thẩm quyền cấp giấy phép (Quyết định) khai thác khoáng sản cho doanh nghiệp và định kỳ hằng năm phải công khai các khoản đã thu và dự kiến sẽ thu ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản của doanh nghiệp; mục đích, tiến độ sử dụng các khoản thu trên cho nhân dân địa phương biết, giám sát.

10. Phòng ngừa tác động của khoáng sản độc hại đến môi trường khu vực và người dân địa phương

Căn cứ kết quả điều tra, đánh giá, xác định mức độ ảnh hưởng của khoáng sản độc hại và các giải pháp phòng ngừa tác động của khoáng sản độc hại đến môi trường khu vực và người dân địa phương nơi có khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và địa phương có liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các biện pháp để phòng ngừa tác động của khoáng sản độc hại đến môi trường khu vực và người dân địa phương nơi có khoáng sản.

11. Công tác cán bộ quản lý nhà nước về khoáng sản và cán bộ, công nhân khai thác mỏ

- Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố rà soát lại biên chế cán bộ, công chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoáng sản ở các cấp, các ngành để tham mưu UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung, chậm nhất trong quý II năm 2014; phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương tham mưu UBND tỉnh đề nghị các Bộ liên quan đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản để đảm bảo nhân lực thực hiện tốt nhiệm vụ;

- Căn cứ vào tình hình thực tế, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về quản lý, sử dụng, bảo quản và vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp cho cán bộ, công nhân ngành mỏ; đào tạo, bồi dưỡng năng lực giám đốc điều hành mỏ; Sở Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho cán bộ, công nhân ngành mỏ.

12. Theo dõi, báo cáo

Định kỳ hằng năm, các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch nêu trên về UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) trước ngày 15/12 để tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch cho phù hợp với thực tế và tham mưu UBND tỉnh báo cáo kết quả và đề xuất biện pháp thực hiện cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 210/QĐ-UBND năm 2013 về Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động 18-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do tỉnh Quảng Nam ban hành

  • Số hiệu: 210/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/01/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/01/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản