Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 219/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 02 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỈNH BẮC GIANG THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị quyết 119/NQ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 139/QĐ-TTg ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang tại Tờ trình số 590/TTr-UBND ngày 17 tháng 11 năm 2021 và văn bản số 97/UBND-TH ngày 10 tháng 02 năm 2022 về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chủ yếu sau:

I. PHẠM VI, RANH GIỚI QUY HOẠCH

Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch tỉnh Bắc Giang bao gồm toàn tỉnh Bắc Giang với diện tích tự nhiên 389.589 ha, tại tọa độ địa lý từ 21°07’ đến 21°37’ vĩ độ bắc; từ 105°53’ đến 107°02’ kinh độ đông, thuộc vùng Trung du và Miền núi phía Bắc. Phía Bắc giáp với tỉnh Lạng Sơn và một phần tỉnh Thái Nguyên, phía Nam giáp với tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và tỉnh Quảng Ninh, phía Tây giáp với tỉnh Thái Nguyên và thủ đô Hà Nội, phía Đông giáp với tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Quảng Ninh.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ CÁC ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm

- Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của cả nước; các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

- Phát triển nhanh và bền vững là yêu cầu xuyên suốt, dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đưa khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức và chuyển đổi số toàn diện trở thành nhân tố đóng góp chủ yếu cho nâng cao chất lượng tăng trưởng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Tổ chức, bố trí không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội hợp lý để khai thác có hiệu quả lợi thế vị trí chuyển tiếp giữa vùng Trung du và miền núi phía Bắc với vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, gắn kết chặt chẽ với vùng Thủ đô.

- Phát huy tiềm năng, lợi thế; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển đặt ra. Thực hiện đầu tư có trọng điểm gắn với cơ cấu nền kinh tế, tập trung tăng trưởng theo chiều sâu, tạo ra động lực mới cho phát triển. Kết hợp hài hòa giữa phát triển vùng động lực với các vùng có điều kiện khó khăn, các vùng đảm bảo môi trường. Tăng cường liên kết trong phát triển với các địa phương trong vùng và khu vực lân cận, chủ động hội nhập quốc tế.

- Phát huy tối đa nhân tố con người để đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Xây dựng chính sách để khuyến khích, phát huy tinh thần cống hiến, hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Lấy đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo là nền tảng cho phát triển bền vững, lâu dài; tạo sự chuyển biến trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao năng suất lao động.

- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên cơ sở củng cố cơ sở vật chất và lực lượng, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, đảm bảo cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

2. Mục tiêu phát triển đến năm 2030

a) Mục tiêu tổng quát

Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa Bắc Giang phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Bắc Giang trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng; dịch vụ phát triển đa dạng, có bước đột phá; nông nghiệp phát triển ổn định, theo hướng an toàn, chất lượng và hiệu quả. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức được phát huy, trở thành nhân tố chủ yếu đóng góp cho nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội được phát triển toàn diện và thuộc nhóm tiên tiến của cả nước; đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của nhân dân được nâng lên; mở rộng hợp tác, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc.

Đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Về kinh tế:

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 15 - 16%, trong đó: Công nghiệp - xây dựng tăng 17 - 18%/năm (công nghiệp tăng 18 - 19%/năm, xây dựng tăng 12 - 13%/năm); dịch vụ tăng 10 - 11%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2 - 3%/năm.

Cơ cấu kinh tế năm 2030: Ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 66 - 67% (công nghiệp chiếm 60%); ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 6 - 7%; ngành dịch vụ chiếm 24 - 25% và thuế sản phẩm 2 - 3%.

+ GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 9.800 USD (giá hiện hành).

+ Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế năm 2030 khoảng 50%.

+ Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 13%/năm, năm 2030 năng suất lao động bình quân đạt 475 triệu đồng/lao động (giá hiện hành).

+ Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân trên 18%/năm.

+ Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng.

+ Khách du lịch năm 2030 đạt trên 7,5 triệu lượt người.

- Về văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế:

+ Chỉ số phát triển con người HDI đạt 0,85.

+ Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 đạt trên 33%.

+ Số giường bệnh/vạn dân đạt trên 40 giường.

+ Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1 - 1,5%/năm.

+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2030 đạt trên 90%, trong đó đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt khoảng 35 - 40%.

- Về bảo vệ môi trường:

+ Tỷ lệ dân số được cấp nước sạch đạt 92% (trong đó thành thị đạt 100%; nông thôn đạt 90%).

+ Tỷ lệ chất thải rắn thu gom được xử lý đạt trên 95% (trong đó, khu vực thành thị đạt 100%; khu vực nông thôn đạt trên 90%).

+ 100% các khu, cụm công nghiệp và đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường.

+ Tỷ lệ độ che phủ rừng 37%.

- Về không gian và kết cấu hạ tầng:

+ Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 55 - 60%. Xây dựng, mở rộng thành phố Bắc Giang theo hướng thông minh, đạt đô thị loại I, là trung tâm kinh tế, chính trị, dịch vụ của tỉnh. Huyện Việt Yên, Hiệp Hòa trở thành thị xã; thị trấn Chũ mở rộng trở thành thị xã, thị trấn Vôi đạt đô thị loại IV.

+ Có 8/9 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới;

+ Hạ tầng đầu tư phát triển cơ bản theo hướng đồng bộ, hiện đại. Hạ tầng giao vận tải thông suốt, an toàn; điện đảm bảo tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt; nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt được đảm bảo; hệ thống đê điều, hồ đập an toàn; hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển.

- Về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội:

Tăng cường quản lý về quốc phòng, an ninh; chủ động nắm chắc tình hình, không bị động, bất ngờ; thực hiện tốt phòng chống các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, đảm bảo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

3. Các đột phá phát triển

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải cách hành chính; trong đó, tập trung vào việc nghiên cứu, ban hành hoặc đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách về phát triển vùng động lực, sản phẩm chủ lực; kết cấu hạ tầng, thu hút nhà đầu tư lớn, sản xuất công nghiệp phụ trợ, cung cấp nguyên liệu đầu vào; chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu lao động...

- Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển, trong đó, tập trung vào hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị, chuyển đổi số...

- Phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng cống hiến, vươn lên. Phát huy giá trị văn hóa, đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, trọng tâm là hỗ trợ, đầu tư tăng tỷ lệ lao động chất lượng cao trong cơ cấu lao động.

4. Tầm nhìn phát triển đến năm 2050

Đến năm 2050, Bắc Giang là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững. Phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sinh thái, tổ chức sản xuất với các khu, cụm công nghiệp tập trung, chuyên nghiệp; dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại, tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế; nông nghiệp sạch, chất lượng, hiệu quả. Tổ chức không gian phát triển khoa học; hệ thống đô thị hiện đại, thông minh; khu vực nông thôn phát triển hài hòa; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, con người Bắc Giang. Giáo dục và đào tạo phát triển; chăm sóc sức khỏe nhân dân và an sinh xã hội không ngừng được cải thiện; tạo dựng cho người dân có cuộc sống tốt, mức sống cao. An ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

III. PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC

1. Phương hướng phát triển các ngành quan trọng

a) Ngành công nghiệp

Phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, đưa Bắc Giang trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng; duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.

b) Ngành dịch vụ

Phát triển ngành dịch vụ đa dạng, hiện đại, bền vững; phát triển đột phá một số dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ngành dịch vụ có sức cạnh tranh cao, đưa Bắc Giang trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, vận tải, kho bãi, logistic, thương mại của vùng. Hình thành và phát triển các khu du lịch quốc gia, đưa dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Phát triển đồng bộ cả dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội và dịch vụ công.

2. Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực khác

a) Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản

Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên cơ sở phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch. Phát triển lâm nghiệp, thủy sản theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

b) Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ; có đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, phát triển và chuyển giao các công nghệ tiên tiến, hiện đại; có nhiều công trình nghiên cứu giá trị trên các lĩnh vực. Phát triển tiềm lực khoa học và công nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số, công nghệ vật liệu mới, công nghệ y dược...

c) Văn hóa, thể thao

Phát triển văn hóa, gia đình đảm bảo giữ gìn bản sắc của vùng đất và người Bắc Giang; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững. Ưu tiên tu bổ, tôn tạo các di tích đã xếp hạng bị xuống cấp, các di tích có giá trị phát triển du lịch. Tập trung xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Phát triển sâu rộng và bền vững hoạt động thể dục thể thao, phát triển thể thao thành tích cao, tập trung vào các môn thế mạnh, môn thể thao Olympic.

d) Giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp

Tạo chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo; xây dựng nền giáo dục mở, cơ cấu, phương thức giáo dục phù hợp điều kiện thực tiễn địa phương, đưa Bắc Giang nằm trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu của cả nước về trình độ, chất lượng phát triển giáo dục và đào tạo. Rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đảm bảo phù hợp, chuẩn hóa về cơ sở vật chất tiên tiến, hiện đại. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đảm bảo tương đối đồng đều giữa các khu vực.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, lao động. Củng cố, phát triển quy mô các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; xây dựng lực lượng lao động có chất lượng cao theo tiêu chuẩn thế giới và khu vực ASEAN.

đ) Y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân

Xây dựng phát triển y tế từng bước hiện đại, đồng bộ, đảm bảo phát triển cân đối, hài hòa giữa lĩnh vực khám chữa bệnh với lĩnh vực y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Củng cố, phát triển hệ thống các bệnh viện, cơ sở y tế chất lượng cao; nâng cao hiệu quả hoạt động của các trạm y tế cấp xã. Xây dựng hệ thống y tế dự phòng và kiểm soát bệnh tật đồng bộ, đủ năng lực dự báo, kiểm soát các bệnh tật. Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; nâng cao chất lượng dân số.

e) An sinh xã hội

Huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn, đặc biệt là những thôn, xã nghèo nhất. Làm tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống của người có công phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo không thấp hơn mức bình quân chung. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền lồng ghép công tác phòng tệ nạn xã hội.

g) Quốc phòng, an ninh

Xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện; tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, không để bị động, bất ngờ và xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống; bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

3. Phương án phát triển mạng lưới giao thông

a) Phương án phát triển hạ tầng giao thông quốc gia

- Các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường sắt, đường thủy: Thực hiện theo quy hoạch quốc gia.

- Cảng thủy nội địa: Chuyển chức năng cảng Á Lữ thành cảng hành khách; giữ nguyên 02 cảng hiện có, quy hoạch mới 16 cảng tổng hợp.

- Cảng cạn (ICD): Quy hoạch 04 vị trí phát triển cảng cạn gồm: Khu dịch vụ tổng hợp, logistics, cảng cạn ICD Hương Sơn; khu logistics kết hợp cảng cạn Đông Lỗ - Tiên Sơn; cảng thủy nội địa kết hợp cảng cạn Long Xá; cảng thủy nội địa kết hợp cảng cạn Yên Sơn.

b) Phương án phát triển hạ tầng giao thông cấp tỉnh

Quy hoạch 38 tuyến đường tỉnh, với tổng chiều dài khoảng 1.128 km, gồm: Giữ nguyên chiều dài 09 tuyến đường tỉnh hiện có; điều chỉnh chiều dài 07 tuyến hiện có; quy hoạch 10 tuyến đường huyện hiện có lên đường tỉnh với tổng chiều dài khoảng 291 km, quy hoạch mở mới 12 tuyến với tổng chiều dài khoảng 351 km (Chi tiết tại Phụ lục I, II).

4. Phương án phát triển năng lượng và mạng lưới cấp điện

a) Nguồn phát điện

Duy trì nguồn phát hiện có; phát triển nguồn phát điện thời kỳ 2021 - 2030, gồm: Nhà máy nhiệt điện An Khánh, công suất 650 MW; Nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang công suất 12 MW.

Phát triển nguồn năng lượng tái tạo, gồm các Nhà máy điện năng lượng mặt trời công suất khoảng 400 MW; nguồn cấp từ điện năng lượng mặt trời tại mái nhà xưởng các khu, cụm công nghiệp với tổng công suất khoảng 2.320 MW; nguồn cấp điện từ năng lượng gió đấu nối lưới điện với tổng công suất khoảng 700 MW.

b) Nguồn cấp điện cho tỉnh từ hệ thống truyền tải điện quốc gia

Lưới 500 kV: Xây dựng mới 02 trạm biến áp (TBA) 500 kV với tổng công suất 1.800 MVA, tại huyện Lục Nam và huyện Yên Thế; xây dựng mới khoảng 50 km đường dây 500 kV.

Lưới 220 kV: Nâng công suất TBA Quang Châu lên 500 MVA; xây dựng mới 07 TBA với tổng công suất 2.000 MVA; cải tạo, xây dựng mới các tuyến đường dây với tổng chiều dài khoảng 365km.

c) Lưới 110 kV

Đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có 68 TBA với tổng công suất 7.226 MVA, trong đó: Giữ nguyên 06 TBA với công suất 681 MVA; cải tạo 10 TBA với công suất sau cải tạo là 1.210 MVA; xây mới 52 TBA với công suất 5.375 MVA.

Xây dựng mới 69 tuyến đường dây 110 kV với chiều dài khoảng 350 km.

d) Lưới phân phối và hạ áp

Xây dựng mới các tuyến đường dây trung áp với chiều dài khoảng 1.832 km; xây dựng 2.608 TBA phân phối, khoảng 1.858 km đường dây hạ áp.

(Chi tiết tại Phụ lục III)

5. Phương án phát triển thông tin và truyền thông

Lĩnh vực bưu chính chuyển dịch từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số, bưu chính chuyển phát trở thành hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số, thúc đẩy chính quyền số, xã hội số.

Chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, xây dựng hạ tầng mạng thông tin di động 5G phủ sóng tại 100% khu dân cư; đến năm 2030, bảo đảm bán kính phục vụ tối thiểu đạt 0,22 km có một trạm truy nhập thông tin di động.

Xây dựng và nâng cấp các tuyến truyền dẫn cáp quang liên tỉnh, nội tỉnh bảo đảm nhu cầu phát triển các dịch vụ băng rộng và đô thị thông minh. Hạ tầng mạng cáp viễn thông được ngầm hóa 100% tại các khu công nghiệp (KCN), khu dân cư, khu đô thị, tuyến đường mới và 40 - 50% đối với các KCN, khu dân cư, khu đô thị, tuyến đường cũ.

Phát triển các nền tảng số, ứng dụng công nghệ số mới vào cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đô thị thông minh và từng bước chuyển đổi sang chính quyền số. Hoàn chỉnh hạ tầng chính quyền số phục vụ cơ quan nhà nước. Phát triển trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu. Hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm. Xây dựng và hoàn thiện Trung tâm giám sát, điều hành an toàn thông tin (SOC) kết nối với hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn thông tin phục vụ chính phủ số.

Định hướng thu hút đầu tư các khu phát triển công nghiệp công nghệ thông tin tập trung; duy trì Bắc Giang trong nhóm 10 tỉnh có quy mô về doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số lớn nhất cả nước.

Chuyển đổi số hạ tầng các cơ quan báo chí nòng cốt theo mô hình tòa soạn hội tụ, truyền thông đa phương tiện.

6. Phương án phát triển mạng lưới cấp, thoát nước

a) Phương án phân vùng cấp nước

- Vùng phía Đông: Bao gồm các huyện Lạng Giang, Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động. Nguồn nước dự kiến là hồ Cấm Sơn và sông Lục Nam.

- Vùng phía Tây: Bao gồm thành phố Bắc Giang và các huyện Việt Yên, Hiệp Hòa, Tân Yên, Yên Thế. Nguồn nước dự kiến là sông Thương, sông Cầu và hồ Cấm Sơn (qua nhà máy nước DNP Bắc Giang).

b) Phương án cấp nước cho các khu vực

Tổng nhu cầu cấp nước đến năm 2030 khoảng 711 nghìn m3/ngày đêm; trong đó:

- Cấp nước đô thị: Cấp nước từ các công trình cấp nước liên vùng khoảng 115 nghìn m3/ngày đêm, cấp nước từ 34 công trình cấp nước đô thị với công suất khoảng 173 nghìn m3/ngày đêm.

- Cấp nước nông thôn: Cấp nước từ 114 công trình, với tổng công suất khoảng 160 nghìn m3/ngày đêm, gồm: Cải tạo 32 công trình nhỏ lẻ ngừng hoạt động; cải tạo duy trì hoạt động của 47 công trình cấp nước tập trung hoạt động đảm bảo hoạt động bền vững; cải tạo, nâng công suất 11 công trình, xây dựng mới 24 nhà máy cấp nước tập trung liên xã.

- Cấp nước các KCN, cụm công nghiệp (CCN): Các KCN nằm dọc tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn chủ yếu lấy nguồn nước từ nhà máy nước DNP đặt tại huyện Lạng Giang (nâng công suất từ 29,5 nghìn m3/ngày đêm lên 100 nghìn m3/ngày đêm). Nâng công suất nhà máy nước các KCN Vân Trung, Quang Châu; xây dựng mới các nhà máy nước tập trung cho các KCN quy hoạch mới. Các CCN gần các đô thị được cung cấp nước sạch từ các trạm cấp nước tập trung của các đô thị và đầu tư mới.

(Chi tiết tại Phụ lục IV)

c) Phương án thoát nước

Toàn tỉnh Bắc Giang được phân thành 5 vùng tiêu theo phân vùng thủy lợi gồm: (1) Vùng tiêu hệ thống thủy lợi sông Cầu; (2) Vùng tiêu hệ thống thủy lợi sông Sỏi; (3) Vùng tiêu hệ thống thủy lợi Cầu Sơn - Cấm Sơn; (4) Vùng tiêu hệ thống thủy lợi sông Lục Nam; (5) Vùng tiêu hệ thống thủy lợi Nam Yên Dũng.

Tiêu nước bao gồm cả 3 loại hình là tiêu tự chảy tự nhiên đối với vùng núi, tiêu tự chảy bằng các cống đối với các khu vực trung du và tiêu động lực bằng các trạm bơm điện đối với khu vực đồng bằng.

Khu vực nông thôn: Hướng thoát nước theo địa hình thực tế của khu dân cư thoát ra hệ thống kênh mương, ao hồ của địa phương.

Khu vực đô thị: Hệ thống thoát nước các đô thị được chia thành các lưu vực thoát nước bảo đảm thoát nước mưa nhanh và triệt để. Các đô thị phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải.

7. Phương án phát triển mạng lưới thủy lợi

a) Phân vùng cấp, tiêu thoát nước

- Về cấp nước: Phân thành 5 khu thủy lợi cấp nước, gồm vùng sông Cầu; sông Sỏi; Nam Yên Dũng; Cầu Sơn - Cấm Sơn; sông Lục Nam.

- Về tiêu thoát nước: Phân thành 5 vùng tiêu, gồm vùng tiêu hệ thống thủy lợi sông Cầu; Sông Sỏi; Nam Yên Dũng; Cầu Sơn - Cấm Sơn; sông Lục Nam. Trong đó hệ thống tiêu Sông Sỏi và tiêu sông Lục Nam tự chảy là chính; 3 hệ thống tiêu còn lại vừa tiêu tự chảy, vừa tiêu động lực.

b) Quy hoạch công trình thủy lợi

Đến năm 2030, cải tạo 17 hồ, xây mới 08 hồ từ cấp huyện quản lý lên cấp tỉnh quản lý; cải tạo 29 trạm bơm, xây dựng 02 trạm bơm (gộp từ 05 trạm bơm hiện trạng), quy hoạch xây dựng mới 7 trạm bơm (Chi tiết tại Phụ lục V).

c) Quy hoạch phân vùng cấp nước

- Vùng hệ thống thủy lợi sông Cầu: Bao gồm diện tích đất đai của huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, Việt Yên và 3 xã thuộc thành phố Bắc Giang với diện tích khoảng 25 nghìn ha. Quy hoạch 3 hồ, đập và 11 trạm bơm tưới, tiêu.

- Vùng hệ thống thủy lợi Nam Yên Dũng: Tổng diện tích canh tác trên 6 nghìn ha. Quy hoạch 9 trạm bơm tưới tiêu kết hợp.

- Vùng hệ thống thủy lợi sông Sỏi: Tổng diện tích canh tác trên 5 nghìn ha. Quy hoạch 10 hồ đập và 01 trạm bơm tưới.

- Vùng hệ thống thủy lợi Cầu Sơn - Cấm Sơn: Tổng diện tích canh tác trên 22 nghìn ha. Quy hoạch 20 trạm bơm tưới tiêu kết hợp và 18 hồ đập.

- Vùng hệ thống thủy lợi sông Lục Nam: Tổng diện tích canh tác trên 9 nghìn ha. Quy hoạch 18 hồ đập.

d) Quy hoạch công trình tiêu thoát nước

- Khu vực tiêu hệ thống thủy lợi sông Cầu: Nạo vét, mở rộng ngòi Đa Mai, Phú Khê, xây mới cống Đa Mai. Cải tạo, nâng công suất các trạm bơm Cống Trạng, Thuyền Phà, Núi Cao, Giá Sơn, Hữu Nghi, Nội Ninh, Ngọ Khổng 2, Núi Trúc, Việt Hòa, Cẩm Bảo, Me, Vườn Ngâu; xây mới trạm bơm cống Rụt, cống Phú Khê.

Duy trì hệ thống tiêu tự chảy trên lưu vực tiêu của các cống Đại La, Thanh Vân, Hoàng Vân, Cầu Đông, Cà Cuống; xây dựng mới trạm bơm tiêu Yên Ninh.

- Khu vực tiêu hệ thống thủy lợi Nam Yên Dũng: Giữ nguyên 3 trạm bơm (Yên Tập, Tư Mại, Ghềnh Nghệ); cải tạo nâng cấp 5 trạm bơm; xây dựng mới trạm bơm Cống Đầm.

- Khu vực tiêu hệ thống thủy lợi Cầu Sơn - Cấm Sơn: Giữ nguyên 2 trạm bơm (Nhà Dầu, Đồng Cửa); cải tạo nâng công suất, xây dựng, sửa chữa nhà 9 trạm bơm (Dương Đức, Tân Tiến, Thanh Cảm, Thái Sơn, Lạc Giản, Xuân Đám, Lãng Sơn, Châu Xuyên, Chi Ly); cải tạo nâng công suất, xây dựng mới nhà trạm bơm, nhà quản lý và hệ thống kênh tiêu trạm bơm Khám Lạng; đắp đê bao 2 bên ngòi Mân và ngòi Chản, khoanh vùng tiêu xây dựng mới các trạm bơm ngòi Mân, ngòi Chản, Tiên Hưng.

- Khu vực tiêu sông Sỏi: Tiêu thoát nước hoàn toàn tự chảy.

- Khu vực tiêu hệ thống thủy lợi Lục Nam: Tiêu thoát nước hoàn toàn tự chảy; cải tạo trạm bơm Chợ Xa.

8. Phương án phát triển các khu xử lý chất thải

Quy hoạch 11 khu xử lý chất thải với tổng diện tích khoảng 122 ha tại 10 huyện, thành phố (Chi tiết tại Phụ lục XIII, mục II).

9. Phương án phát triển hạ tầng xã hội

a) Phương án phát triển hạ tầng văn hóa, thể thao

Đến năm 2030, toàn tỉnh có 778 di tích được xếp hạng, trong đó: 10 di tích quốc gia đặc biệt, 104 di tích cấp quốc gia, 664 di tích cấp tỉnh. Nghiên cứu khảo cổ 19 địa điểm di tích; xây dựng mới 12 tượng đài và tranh hoành tráng; nâng cấp 08 tượng đài.

Duy trì các thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh hiện có, xây dựng Trung tâm Văn hóa - Triển lãm; quy hoạch mới các thiết chế văn hóa, thể thao, gồm: Sân vận động tỉnh; Khu tập luyện, thi đấu thể thao dưới nước, các trung tâm văn hóa, thể thao phục vụ công nhân tại các KCN.

(Chi tiết tại Phụ lục VI)

b) Phương án phát triển hạ tầng giáo dục và đào tạo

Đến năm 2030, toàn tỉnh có 58 trường trung học phổ thông (THPT), 09 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX). Trong đó, duy trì quy mô đất hiện có của 33 trường THPT, 03 trung tâm GDNN-GDTX; mở rộng đất, tăng cường cơ sở vật chất 20 trường THPT và 06 trung tâm GDNN-GDTX; quy hoạch mới 10 trường THPT tại các huyện Lục Ngạn, Lạng Giang, Hiệp Hòa, Việt Yên và thành phố Bắc Giang; 262 trường mầm non, 215 trường tiểu học, 209 trường trung học cơ sở, 24 trường tiểu học và trung học cơ sở (Chi tiết tại Phụ lục VII, mục I).

c) Phương án phát triển hạ tầng lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN)

Đến năm 2030, toàn tỉnh có 53 cơ sở GDNN do tỉnh quản lý, trong đó có 17 cơ sở công lập và 36 cơ sở ngoài công lập.

Mở rộng Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Việt - Hàn, Trường Trung cấp nghề Giao thông - Vận tải; nâng Trường Trung cấp nghề miền núi Yên Thế lên thành trường cao đẳng; quy hoạch mới 01 cơ sở GDNN công lập tại huyện Lục Ngạn; phát triển Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự theo hướng đào tạo đa ngành. Quy hoạch 08 vị trí để thu hút đầu tư các cơ sở GDNN ngoài công lập tại thành phố Bắc Giang và các huyện Việt Yên, Hiệp Hòa, Lục Nam, Yên Dũng (Chi tiết tại Phụ lục VII, mục I).

d) Phương án phát triển hạ tầng y tế

Đến năm 2030, hệ thống cơ sở y tế công lập tỉnh Bắc Giang có 09 bệnh viện công lập, 10 trung tâm y tế cấp huyện, 209 trạm y tế cấp xã và các đơn vị y tế dự phòng, kiểm soát bệnh tật, an toàn vệ sinh thực phẩm, dân số, kiểm nghiệm. Duy trì Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Trung tâm kiểm nghiệm; Phòng khám đa khoa khu vực Mỏ Trạng, huyện Yên Thế.

Duy trì, mở rộng quy mô giường bệnh của 08 bệnh viện tuyến tỉnh; xây dựng mới Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Lão khoa, Trung tâm Cấp cứu 115; quy hoạch mở rộng quy mô giường bệnh của 09 trung tâm y tế các huyện; quy hoạch chuyển vị trí mới Trung tâm Y tế thành phố Bắc Giang; thành lập trung tâm y tế các KCN.

Duy trì các cơ sở y tế ngoài công lập hiện có, quy hoạch 33 vị trí để thu hút đầu tư các cơ sở y tế ngoài công lập (Chi tiết tại Phụ lục VII, mục II).

đ) Phương án phát triển hạ tầng an sinh xã hội

Không thành lập mới cơ sở bảo trợ xã hội công lập; quy hoạch 09 vị trí để thu hút đầu tư cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập tại thành phố Bắc Giang, các huyện Việt Yên, Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng, Yên Thế, Hiệp Hòa (Chi tiết tại Phụ lục VII, mục III).

IV. PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN LÃNH THỔ

1. Phương án phát triển vùng liên huyện

Quy hoạch phân vùng không gian của tỉnh thành 3 vùng, gồm:

- Vùng trọng điểm (vùng Tây Nam tỉnh): Gồm các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Dũng, thành phố Bắc Giang và một phần phía Nam huyện Lạng Giang, Tây - Tây Nam huyện Lục Nam; lấy thành phố Bắc Giang là trung tâm vùng.

- Vùng phía Đông: Gồm các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam; lấy thị trấn Chũ là trung tâm vùng.

- Vùng phía Bắc: Gồm các huyện Yên Thế, Tân Yên, Lạng Giang; lấy thị trấn Vôi là trung tâm vùng.

2. Phương án phát triển vùng trọng điểm kinh tế và các trục hành lang động lực phát triển

a) Vùng trọng điểm kinh tế

Phát triển vùng trọng điểm kinh tế với động lực phát triển chính là công nghiệp, dịch vụ, đô thị, có sức lan tỏa mạnh, lôi kéo phát triển các vùng khác. Hướng đến thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, đô thị có quy mô vùng, liên kết không gian công nghiệp, dịch vụ, đô thị hóa với các tỉnh, thành phố, khu vực xung quanh và để khai thác hiệu quả các nguồn lực bên ngoài.

Trung tâm lan tỏa phát triển của vùng trọng điểm kinh tế là thành phố Bắc Giang và khu vực tập trung công nghiệp, đô thị hóa thuộc các huyện Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lạng Giang và Lục Nam.

Các trục phát triển chính của vùng trọng điểm kinh tế gồm:

- Trục thị trấn Vôi - thành phố Bắc Giang - Việt Yên dọc theo tuyến QL1A, cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn;

- Trục thành phố Bắc Giang - Bích Động - Thắng theo hành lang ĐT295B - QL37;

- Trục thị xã Hiệp Hòa - Nham Biền theo hành lang ĐT398 (quy hoạch mới);

- Trục thành phố Bắc Giang - thị trấn Đồi Ngô theo tuyến hành lang QL31 và ĐT293.

b) Các trục hành lang động lực giao lưu phát triển, liên kết vùng và không gian kinh tế - xã hội tỉnh

Bố trí 03 trục hành lang động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh và liên kết vùng, kết nối đi quốc tế, gồm:

- Trục hành lang động lực giao lưu liên kết phát triển theo QL1A, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn (Việt Yên - thành phố Bắc Giang - Lạng Giang);

- Trục hành lang động lực giao lưu liên kết phát triển theo ĐT398, ĐT296 - ĐT295 - QL37- QL17 - ĐT299 (Hiệp Hòa - Việt Yên - Yên Dũng);

- Trục hành lang giao lưu liên kết phát triển theo vành đai V và QL37 - ĐT292 - ĐT294 (Lục Nam - Lạng Giang - Yên Thế - Tân Yên).

3. Phương án phát triển vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn

a) Về phát triển kinh tế

Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, hiệu quả; hình thành và phát triển vùng chuyên canh với quy mô hợp lý. Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với chế biến và khoanh nuôi, bảo vệ và giữ rừng.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; ưu tiên các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển du lịch cộng đồng và du lịch tâm linh gắn với vùng.

b) Về phát triển văn hóa - xã hội

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế. Gắn công tác bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững. Rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo, mở rộng dạy và học ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Hỗ trợ đào tạo nghề và chuyển đổi nghề đối với người lao động thiếu đất sản xuất. Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, dân số có chất lượng; giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

c) Về xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu

Ưu tiên tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng với khu vực phát triển kinh tế năng động, vùng động lực phát triển kinh tế và vùng đồng bằng. Đầu tư hệ thống giao thông nội vùng; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, trường lớp học, y tế, hạ tầng viễn thông phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn, các thôn, bản đặc biệt khó khăn; đầu tư, hỗ trợ các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư.

4. Phương án phát triển hệ thống đô thị, tổ chức lãnh thổ nông thôn và nhà ở

a) Phương án phát triển hệ thống đô thị

- Các khu vực phát triển đô thị

+ Khu vực đô thị trung tâm tỉnh (khu vực thành phố Bắc Giang và vùng lân cận);

+ Khu vực đô thị hóa tập trung phía Nam tỉnh (khu vực Bích Động - Nếnh và Nam Việt Yên);

+ Khu vực đô thị hóa tập trung phía Tây tỉnh (khu vực Thắng và Nam Hiệp Hòa);

+ Khu vực đô thị hóa tập trung phía Đông Nam tỉnh (khu vực Nham Biền và Tây Bắc Yên Dũng);

+ Vành đai tập trung các khu đô thị sinh thái dọc sông Cầu (Việt Yên - Hiệp Hòa).

- Phương án phát triển mạng lưới đô thị

Đến năm 2030, toàn tỉnh có 29 đô thị, gồm: 01 đô thị loại I (thành phố Bắc Giang); 01 đô thị loại III (thị xã Việt Yên); 04 đô thị loại IV (thị xã Hiệp Hòa, thị trấn Chũ mở rộng, thị trấn Vôi và thị trấn Đồi Ngô); 26 thị trấn là đô thị loại V gồm 09 đô thị hiện có và 14 đô thị thành lập mới. Theo mức độ đô thị hóa đạt được trong kỳ quy hoạch để xây dựng đề án sắp xếp, điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp huyện, phân loại và phân cấp quản lý đô thị cho phù hợp.

Quy hoạch 23 khu đô thị - dịch vụ gắn với quy hoạch các KCN, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, thể thao.

b) Phương án tổ chức lãnh thổ nông thôn

- Phân bố phát triển không gian dân cư nông thôn

Cơ bản duy trì ổn định các khu, điểm dân cư nông nghiệp tập trung, giảm dần các điểm dân cư nhỏ lẻ đặc biệt là điểm dân cư nằm trong khu vực có mức độ rủi ro tai biến do thiên tai cao, nằm trong khu vực bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt môi trường sinh thái và hành lang bảo vệ an toàn nguồn nước trên địa bàn.

Mở rộng phát triển các khu ở dân cư nông thôn tập trung có kết cấu hạ tầng nông thôn mới đồng bộ, phát triển các khu dân cư nông thôn phi nông nghiệp, khu dân cư - dịch vụ thương mại nông thôn phục vụ chuyển đổi cơ cấu ngành nghề nông thôn, khu nhà ở nông thôn mới tạo quỹ nhà ở và phục vụ giãn dân, tái định cư tập trung.

- Định hướng phát triển khu vực nông thôn

Các làng xã phát triển theo mô hình nông thôn mới gắn với các đặc thù của từng khu vực trên cơ sở bổ sung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và cơ sở sản xuất theo mô hình nông thôn mới. Phát triển các hạ tầng kỹ thuật kết nối thuận lợi đến các khu vực đô thị và trung tâm dịch vụ. Bảo vệ các không gian, cảnh quan, di tích tôn giáo tín ngưỡng và các không gian có giá trị trong vùng nông thôn. Khắc phục các vấn đề gây ô nhiễm môi trường.

c) Định hướng phát triển nhà ở

Phát triển nhà ở gắn kết chặt chẽ với phát triển các đô thị, phát triển đa dạng các loại hình nhà ở; đẩy mạnh phát triển loại hình nhà ở chung cư; khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đặc biệt là nhà ở công nhân cho thuê.

Khu vực đô thị khuyến khích đầu tư phát triển nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp; nhà ở thương mại, cải tạo khu chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp.

Phát triển nhà ở nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; khuyến khích người dân xây dựng nhà ở theo mẫu nhà nông thôn truyền thống; hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; nhà ở cho các hộ nghèo.

Phát triển nhà ở dành cho công nhân xung quanh các KCN.

5. Phân bố phát triển không gian công nghiệp và hệ thống KCN, CCN

Các khu vực bố trí phát triển công nghiệp tập trung đảm bảo đáp ứng được các yếu tố, điều kiện về kết nối giao thông thuận lợi, đầy đủ các điều kiện hạ tầng điện, nước, thu gom, xử lý rác thải, nước thải, bố trí các dịch vụ phục vụ người lao động...; đồng thời, đảm bảo khai thác, sử dụng có hiệu quả về đất đai; các KCN được quy hoạch gắn với quy hoạch phát triển các khu đô thị - dịch vụ.

Các khu vực bố trí tập trung các khu, cụm công nghiệp gồm:

- Khu vực công nghiệp theo trục hành lang QL1A, cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn;

- Khu vực công nghiệp theo trục hành lang ĐT398, ĐT296 - ĐT295 - QL37 - QL17 - ĐT299;

- Khu vực công nghiệp phía Đông theo tuyến hành lang ĐT293 - QL37, vành đai V.

Đến năm 2030, quy hoạch 29 KCN với diện tích khoảng 7.000 ha (trong đó có 12 KCN - đô thị - dịch vụ); quy hoạch 63 CCN với diện tích khoảng 3.006 ha (Chi tiết tại Phụ lục VIII, IX).

6. Phân bố không gian phát triển dịch vụ

a) Không gian các hoạt động thương mại, logistics

- Không gian các hoạt động thương mại tập trung

+ Khu trung tâm thành phố Bắc Giang và phụ cận;

+ Khu phía Nam - Tây Nam, là khu vực tập trung công nghiệp và dân cư;

+ Khu phía Bắc - Đông Bắc, tập trung dịch vụ sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản;

+ Khu phía Bắc, tập trung dịch vụ phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp và chăn nuôi tập trung.

- Các khu vực phát triển dịch vụ tổng hợp, logistics

Bố trí 09 khu phát triển dịch vụ tổng hợp, logistics, cảng cạn ICD, gồm:

+ Khu trung tâm: Bố trí 01 khu dịch vụ tổng hợp, logistics tại thành phố Bắc Giang.

+ Khu phía Bắc: Bố trí 01 khu dịch vụ tổng hợp, logistics, cảng cạn ICD Hương Sơn, huyện Lạng Giang.

+ Khu Tây, Tây Nam: Bố trí 06 khu dịch vụ tổng hợp, logistics, cảng cạn ICD gồm: Khu dịch vụ tổng hợp, logistics Xuân Cẩm - Hương Lâm; khu dịch vụ tổng hợp, logistics, cảng ICD Đông Lỗ - Tiên Sơn; khu dịch vụ tổng hợp, logistics Tiên Sơn - Ninh Sơn; khu dịch vụ tổng hợp, logistics Yên Hà; khu dịch vụ tổng hợp, logistics, cảng cạn ICD Long Xá; khu dịch vụ tổng hợp, logistics Nham Biền.

+ Khu phía Đông Nam: Bố trí khu dịch vụ tổng hợp, logistics, cảng cạn ICD Yên Sơn.

Bố trí 01 chợ đầu mối cấp vùng tại thành phố Bắc Giang; 01 chợ đầu mối hoa quả Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn.

b) Không gian phát triển du lịch

Xác định 05 không gian phát triển du lịch gồm:

- Không gian du lịch Tây Yên Tử (tả ngạn sông Lục Nam), bao gồm một phần huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động - khu vực phía Đông tỉnh;

- Không gian du lịch sinh thái nông nghiệp, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi, giải trí (hữu ngạn sông Lục Nam, tả ngạn sông Thương), gồm huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang - khu vực phía Đông Bắc tỉnh.

- Không gian du lịch gắn với Khởi nghĩa Yên Thế (hữu ngạn sông Thương- tả ngạn sông Cầu), gồm huyện Yên Thế, huyện Tân Yên - khu vực phía Tây Bắc tỉnh;

- Không gian văn hóa Quan họ, lịch sử ATK (Nam hữu ngạn sông Thương - tả ngạn sông Cầu), gồm huyện Việt Yên, Hiệp Hòa - khu vực Tây Nam tỉnh;

- Không gian dịch vụ du lịch, thể thao, vui chơi giải trí, lịch sử, tâm linh, nghỉ dưỡng (tả ngạn sông Cầu, tả - hữu sông Thương), bao gồm thành phố Bắc Giang, huyện Yên Dũng - khu vực trung tâm và phía Nam tỉnh.

Quy hoạch 03 khu du lịch trọng điểm, hướng tới mục tiêu phát triển trở thành khu du lịch quốc gia gồm: (1) Khu du lịch Tây Yên Tử - theo dấu chân Phật tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; (2) Khu du lịch sinh thái, miệt vườn, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi, giải trí Lục Ngạn với trung tâm hồ Khuôn Thần; (3) Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi, giải trí núi Nham Biền.

Quy hoạch 04 khu phát triển trở thành khu du lịch cấp tỉnh gồm: (1) Khu du lịch văn hóa, vui chơi giải trí Đồng Cao, huyện Sơn Động; (2) Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa Bản Ven - Xuân Lung - Thác Ngà, huyện Yên Thế; (3) Khu du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng Tiên Sơn - Vân Hà, huyện Việt Yên; (4) Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Hương Sơn, huyện Lạng Giang.

c) Khu chức năng dịch vụ tổng hợp nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao

Quy hoạch 12 khu chức năng tổng hợp sân golf và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, trong đó có 03 khu đang thực hiện, 09 khu quy hoạch mới. Trong 12 khu chức năng có 13 sân golf, gồm: 03 sân golf đang triển khai thực hiện và 10 sân golf quy hoạch mới (Chi tiết tại Phụ lục X).

7. Phân bố không gian phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản

- Phân bố phát triển các khu sản xuất lúa tập trung: Vùng đồng bằng tập trung phát triển các khu cánh đồng lớn canh tác lúa 2 vụ. Vùng đồi núi, phát triển các khu lúa nước tập trung tại các khu vực thung lũng lòng chảo giữa núi, xen kẽ đồi có tưới, tiêu chủ động và bán chủ động. Đến năm 2030, tổng diện tích đất trồng lúa khoảng 48.748 ha, trong đó, đất chuyên trồng lúa 45.022 ha.

- Phát triển khu vực trồng cây ăn quả: Tập trung tại các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động, Yên Thế, Tân Yên. Một số sản phẩm chính là vải thiều, bưởi, cam; riêng vải thiều diện tích khoảng 26 nghìn ha.

- Khu chăn nuôi tập trung: Quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung tại khu vực nông thôn thuộc các huyện, các khu vực quy hoạch phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Phân bố phát triển sản xuất rau củ quả tập trung: Bố trí tại các khu vực đất chuyên mầu và đất trồng lúa có quy mô từ 20 ha trở lên.

- Phân bố không gian phát triển rừng: Đến năm 2030, diện tích quy hoạch 3 loại rừng toàn tỉnh khoảng 139.554 ha, trong đó: Rừng đặc dụng khoảng 13.510 ha, rừng phòng hộ khoảng 20.628 ha, rừng sản xuất khoảng 105.416 ha.

- Phân bố không gian phát triển nuôi thủy sản: Vùng nuôi thủy sản chuyên canh tại các địa phương; giảm dần diện tích nuôi thủy sản kết hợp ruộng trũng, đến năm 2030 không còn diện tích nuôi thủy sản kết hợp.

8. Bố trí không giam đảm bảo quốc phòng, an ninh

Trong thời kỳ quy hoạch, thực hiện chuyển khoảng 125 ha đất quốc phòng ra khỏi khu vực đất quốc phòng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Quy hoạch bổ sung khoảng 820 ha cho các khu vực quốc phòng; quy hoạch 50 ha đất cho thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh.

V. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC; KHAI THÁC, SỬ DỤNG, BẢO VỆ TÀI NGUYÊN; PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

1. Phương án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học

a) Phương án phân vùng bảo vệ môi trường

Phân vùng môi trường tỉnh Bắc Giang theo vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và vùng khác đã được định hướng trong quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia như sau:

- Vùng bảo vệ nghiêm ngặt gồm: Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử; khu bảo vệ cảnh quan Suối Mỡ; hồ Cấm Sơn và vùng rừng phòng hộ đầu nguồn.

- Vùng hạn chế phát thải, gồm: Vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử; khu rừng bảo vệ cảnh quan Suối Mỡ; hồ Cấm Sơn; vườn Cò thuộc xã Đào Mỹ và vườn Cò tại Trường Đại học Nông lâm; hệ thống khu di tích; vùng đất ngập nước quan trọng (gồm 3 sông chính chảy qua địa bàn tỉnh, các hồ chứa vừa và lớn); vùng rừng sản xuất; khu vực khai thác khoáng sản; KCN, CCN; các khu đô thị loại V trở lên.

- Vùng khác: Các vùng còn lại trên địa bàn tỉnh.

(Chi tiết tại Phụ lục XI)

b) Quan trắc môi trường đất, nước, không khí

Duy trì 50 điểm quan trắc nước mặt, 29 điểm quan trắc nước dưới đất, 53 điểm quan trắc không khí xung quanh, 21 điểm quan trắc đất hiện có. Bổ sung thêm 67 điểm quan trắc tại khu vực tiếp nhận nước thải tại các KCN, CCN sắp đi vào hoạt động, các điểm nóng giao thông, khu dân cư tập trung, khu khai thác, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, một số điểm trên các sông, hồ lớn,... Bổ sung 15 điểm quan trắc nước mặt và 15 điểm quan trắc không khí tự động liên tục (Chi tiết tại Phụ lục XII).

c) Bảo tồn đa dạng sinh học, khu vực cảnh quan sinh thái quan trọng, khu bảo tồn thiên nhiên

Quy hoạch khu dự trữ thiên nhiên Tây Yên Tử cấp tỉnh (bao gồm cả khu bảo tồn đa dạng sinh học Rừng nguyên sinh Khe Rỗ). Quy hoạch 02 khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh gồm: Khu cảnh quan suối Mỡ, hồ Cấm Sơn.

Quy hoạch phát triển các hệ sinh thái tự nhiên gồm hệ sinh thái trên cạn có đặc tính đa dạng sinh học cao; hệ sinh thái đất ngập nước. Quy hoạch cơ sở bảo tồn nguồn gen thực vật quý hiếm tại khu dự trữ thiên nhiên Tây Yên Tử. Quy hoạch trung tâm cứu hộ động vật hoang dã; 02 cơ sở bảo tồn động vật hoang dã.

d) Bảo vệ và phát triển rừng

Triển khai có hiệu quả Quy hoạch 3 loại rừng; thực hiện sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp. Tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế chính sách của Trung ương về bảo vệ và phát triển rừng. Triển khai các giải pháp về khoa học công nghệ trong lĩnh vực giống cây trồng lâm nghiệp. Thu hút các nguồn vốn đầu tư bảo vệ và phát triển rừng bằng phương thức xã hội hóa đầu tư cho lâm nghiệp.

đ) Sắp xếp, phân bố không gian các khu nghĩa trang, cơ sở hỏa táng và nhà tang lễ

Quy hoạch mới 01 nghĩa trang cấp I, 02 nghĩa nghĩa trang cấp II và 01 nghĩa trang cấp III. Định hướng xây dựng nghĩa trang tập trung xã, thị trấn theo quy hoạch đô thị, nông thôn mới được duyệt. Di dời đối với các nghĩa trang trong khu vực phát triển đô thị hiện hữu khi gây ô nhiễm môi trường, không có khả năng khắc phục. Quy hoạch 02 cơ sở hỏa táng, xây dựng mới 09 nhà tang lễ tại các huyện, thành phố (Chi tiết tại Phụ lục XIII).

2. Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên

a) Về thăm dò khoáng sản

Khoanh định quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến 422 khu, điểm mỏ khoáng sản, gồm: 22 khu quặng đồng; 01 điểm quặng vàng; 01 điểm quặng chì, kẽm; 01 điểm quặng sắt; 10 khu khoáng sản than; 01 khu quặng barit; 99 điểm mỏ khoáng sản sét gạch; 189 điểm mỏ khoáng sản đất san lấp; 98 điểm mỏ khoáng sản cát, sỏi (Chi tiết tại Phụ lục XIV).

b) Xác định các mỏ, khu vực địa điểm có khoáng sản chưa khai thác, cấm khai thác cần bảo vệ với từng loại khoáng sản

Khu vực cấm hoạt động khoáng sản, gồm: Khu vực đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được khoanh vùng bảo vệ theo quy định của Luật di sản văn hóa; khu vực đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ hoặc đất quy hoạch trồng rừng phòng hộ, khu bảo tồn địa chất; khu vực đất quy hoạch dành cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; đất do cơ sở tôn giáo sử dụng; đất thuộc hành lang hoặc phạm vi bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi, đê điều; hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải, dẫn điện, xăng dầu, khí, thông tin liên lạc.

Khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, gồm: Khu vực yêu cầu về quốc phòng, an ninh; bảo tồn thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đang được Nhà nước xem xét, công nhận hoặc phát hiện trong quá trình thăm dò, khai thác khoáng sản; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

3. Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra

a) Phân bố tài nguyên nước

Ưu tiên phân bổ nguồn nước cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước theo thứ tự: (1) Nhu cầu nước cho sinh hoạt; (2) Nhu cầu nước cho công nghiệp; (3) Nhu cầu sử dụng nước cho nông nghiệp; (4) Nhu cầu sử dụng nước cho các lĩnh vực khác. Phương án phân bổ:

- Về nguồn nước nước mặt: Phân bổ không vượt quá lượng nước khoảng 6,2 tỷ m3/năm, duy trì và gia tăng công trình để đảm bảo tỷ lệ khai thác trung bình so với lượng nước đến trên toàn vùng từ 15% trở lên.

- Về nguồn nước dưới đất: Phân bổ không vượt quá trữ lượng nước dưới đất khoảng 0,13 tỷ m3/năm, duy trì và gia tăng công trình để đảm bảo tỷ lệ khai thác trung bình so với trữ lượng nước đến trên toàn vùng từ 26% trở lên.

b) Bảo vệ tài nguyên nước

Cải thiện chất lượng nước, khắc phục tình trạng ô nhiễm tại các đoạn sông, nguồn nước đang bị ô nhiễm hoặc chưa đáp ứng được mục đích sử dụng.

Kiểm soát các nguồn thải hiện có và các nguồn thải mới phát sinh. Phục hồi nguồn nước dưới đất bị suy thoái cạn kiệt.

Xây dựng mạng quan trắc tài nguyên nước, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước, đặc biệt các khu vực có nguy cơ cạn kiệt nguồn nước; xây dựng hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định.

Thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm từ các nguồn thải. Các nguồn nước thải trước khi xả vào nguồn nước phải được xử lý đạt quy chuẩn cho phép.

Giám sát chặt chẽ để duy trì được dòng chảy tối thiểu cho các sông, suối. Phát triển diện tích rừng đầu nguồn, nghiêm cấm khai thác rừng thuộc lưu vực các hồ chứa nước quan trọng như hồ Cấm Sơn... để tăng cường bảo vệ nguồn sinh thủy.

c) Phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra

Tăng cường trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn. Hoàn thiện, nâng cấp mạng lưới các trạm cảnh báo thiên tai hiện có. Rà soát các công trình đập dâng, hồ chứa nước đã xuống cấp để có kế hoạch gia cố, nâng cấp. Xóa bỏ những khu vực có nguy cơ lũ quét cao bằng các công trình ổn định mái dốc, chống sạt lở.

Đẩy nhanh tiến độ dự án thủy lợi, các công trình phòng chống hạn. Rà soát những diện tích có khả năng thiếu nước để xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại do nước gây ra.

Triển khai hệ thống theo dõi, giám sát tình hình hạn hán. Thực hiện thay đổi các nguyên tắc quản lý vận hành các hồ chứa nước và nước ngầm phù hợp với việc chống hạn. Sử dụng nước tiết kiệm, tăng cường các biện pháp trữ nước. Thay đổi các cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình hạn hán.

4. Phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu

a) Phân vùng rủi ro đối với từng loại thiên tai trên địa bàn tỉnh và xác định các khu vực ưu tiên phòng, chống đối với từng loại thiên tai

- Vùng có nguy cơ cao: Gồm các xã Biển Động, Tân Hoa (huyện Lục Ngạn); các xã Lệ Viễn, Vĩnh An, An Lập, Vân Sơn, Hữu Sản, Thạch Sơn (huyện Sơn Động); các xã Đông Sơn, Đồng Hưu, Hương Vĩ (huyện Yên Thế); các xã Đan Hội, Cẩm Lý, Bắc Lũng, Huyền Sơn, Tiên Hưng, Tiên Nha (huyện Lục Nam).

- Vùng có nguy cơ trung bình: Các xã có địa hình dốc thuộc 4 huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động và Yên Thế.

- Vùng có nguy cơ thấp: Các xã thuộc các huyện nằm trong vùng đồng bằng, địa hình bằng phẳng.

b) Phương án quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu

Củng cố, tu sửa, tu bổ và xây dựng các công trình phòng chống thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu. Phòng ngừa là chính kết hợp với phương châm “4 tại chỗ”. Sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có sức chống chịu cao với thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh. Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến để hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

c) Phương án phòng chống lũ của các tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều và kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai

Phân vùng phòng chống lũ gồm: Vùng bảo vệ tả Cầu - hữu Thương, vùng bảo vệ tả Thương - hữu Lục Nam, vùng bảo vệ tả Lục Nam.

Quy hoạch nâng cấp, nắn thẳng tuyến đê nối đê hữu Thương cắt qua ngòi Phú Khê; xây mới cống ngòi Phú Khê, cống Quế Nham, huyện Tân Yên; cải tạo, nâng cấp đê hữu Thương Ba Tổng và tả Cầu Ba Tổng trên địa bàn huyện Yên Dũng.

Cải tạo, gia cố hệ thống đê cấp II, cấp III sông Thương thuộc địa bàn thành phố Bắc Giang và huyện Tân Yên, Lạng Giang, Yên Dũng; hệ thống đê sông Cầu thuộc địa bàn huyện Hiệp Hòa, Việt Yên. Cải tạo, nâng cấp các hồ chứa, kênh dẫn nước, đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho khu vực cuối nguồn.

Bố trí di dân tái định cư khoảng 3.200 hộ; xây dựng kết cấu hạ tầng và phúc lợi công cộng như: đường giao thông nông thôn, thủy lợi nhỏ, hệ thống điện, trạm biến áp, trường lớp học, nhà văn hóa, giếng, bể chứa nước.

VI. PHƯƠNG ÁN SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2030

1. Phương án phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất

Đến năm 2030, tổng diện tích tự nhiên là 389.589 ha, trong đó: Đất nông nghiệp khoảng 268.972 ha, giảm 32.091 ha; đất phi nông nghiệp khoảng 119.920 ha, tăng 34.786 ha; đất chưa sử dụng khoảng 697 ha, giảm 2.695 ha.

2. Phương án thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng thời kỳ 2021 - 2030

Thực hiện thu hồi 34.598 ha đất nông nghiệp, 1.947 ha đất phi nông nghiệp để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Chuyển mục đích sử dụng 34.598 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp 5.344 ha.

Đưa khoảng 2.695 ha đất chưa sử dụng vào sử dụng cho mục đích nông nghiệp 2.456 ha (quy hoạch phát triển rừng, trồng cây lâu năm,..), cho mục đích đất phi nông nghiệp 239 ha.

(Chi tiết tại Phụ lục XV)

VII. CÁC NHÓM GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Về huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút đầu tư

Tổng nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2030 khoảng trên 1,5 triệu tỷ đồng. Để huy động đủ nguồn vốn đáp ứng yêu cầu thực hiện quy hoạch, cần có giải pháp cụ thể đối với từng nguồn vốn cũng như định hướng sử dụng nguồn vốn, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư các công trình không huy động được nguồn lực xã hội hóa. Huy động nguồn lực đầu tư các dự án lớn về kết cấu hạ tầng kỹ thuật như giao thông, thủy lợi, điện, khu, cụm công nghiệp, đô thị và các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội. Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; tập trung thu hút phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, chế biến nông, lâm sản tỉnh có lợi thế cạnh tranh; các ngành mũi nhọn như: công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ...

2. Giải pháp về chuyển đổi số và phát triển sản phẩm chủ lực

a) Về chuyển đổi số

- Thực hiện các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về chuyển đổi số, trước mắt là trong hệ thống chính trị, tập trung xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, xây dựng thành phố thông minh, quản lý xã hội; thanh toán không dùng tiền mặt...

- Nâng cao nhận thức về phát triển nền kinh tế số, qua đó có sự chuẩn bị tốt nhất cho thích ứng với xu hướng phát triển mới này. Xây dựng chiến lược về chuyển đổi số, kinh tế số của tỉnh, khuyến khích cái mới. Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng số, phát triển sản phẩm nội dung số,...

b) Về phát triển ngành, sản phẩm chủ lực, sản phẩm quan trọng

- Ngành công nghiệp:

+ Đối với sản phẩm cơ khí: Nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực đối với ngành cơ khí; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất và khuyến khích tiêu thụ sản phẩm cơ khí nội địa cũng như có chính sách hỗ trợ phát triển cơ khí theo hướng áp dụng công nghệ cao, ngành công nghiệp phụ trợ.

+ Đối với sản phẩm điện tử: Tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động ổn định và mở rộng quy mô sản xuất. Tiếp cận các tập đoàn sản xuất sản phẩm điện tử lớn để tìm hiểu định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, giới thiệu định hướng phát triển, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, mời gọi các tập đoàn về đầu tư tại tỉnh. Thu hút cả các doanh nghiệp trong nước để tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu của các Tập đoàn đa quốc gia. Hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối và liên kết doanh nghiệp thông qua các chương trình kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp lớn trên thế giới trong chuỗi giá trị để tiếp nhận công nghệ và tiêu chuẩn hóa sản phẩm.

+ Đối với sản phẩm may mặc: Tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động ổn định. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận, mở rộng thị trường; xây dựng thương hiệu, mẫu mã, hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu sản phẩm may mặc của doanh nghiệp Bắc Giang. Thu hút đầu tư các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt và may mặc.

- Ngành dịch vụ

+ Dịch vụ du lịch: Tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ về kết nối hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước, giải phóng mặt bằng, huy động các nguồn lực đầu tư... Phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng văn hóa - tâm linh, sinh thái - nghỉ dưỡng, thể thao golf, du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp nông thôn và các di sản văn hóa. Xây dựng kế hoạch bảo tồn, khai thác các tài nguyên du lịch. Phát triển nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, tổ chức đào tạo chuyên sâu kết hợp huy động nhân dân làm du lịch. Quan tâm xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh với các dự án trọng điểm tại hồ Khuôn Thần, Tây Yên Tử, suối Mỡ, Đồng Cao, Nham Biền. Phối hợp với các tỉnh trong khu vực xây dựng các tour, tuyến du lịch để khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch của tỉnh.

+ Dịch vụ logistic: Xây dựng quy hoạch các điểm phát triển logistic, gắn với đầu tư các tuyến đường giao thông thuận lợi, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng hỗ trợ giải phóng mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư; đẩy mạnh hoạt động liên kết tạo nguồn hàng, áp dụng các phương thức quản trị logistic tiên tiến; đơn giản hóa thủ tục hành chính; thành lập Cục Hải quan của tỉnh.

3. Phát triển và cung ứng nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với các ngành, lĩnh vực chủ yếu, mũi nhọn. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài, đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức.

Nghiên cứu cơ chế, chính sách thu hút đầu tư các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập theo phương án quy hoạch, tạo đột phá quy mô đào tạo. Tăng cường liên kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp sử dụng lao động, triển khai đào tạo theo hình thức đặt hàng.

4. Nhóm giải pháp về môi trường; khoa học và công nghệ

Tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường, nhất là đầu tư xử lý chất thải; xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh.

Nâng tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động khoa học và công nghệ. Phát triển mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ. Nghiên cứu ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp vào phát triển kinh tế - xã hội,... Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu - ứng dụng khoa học và công nghệ gắn liền với sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực hướng tới mục tiêu xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

5. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển

Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực để thu hút các nguồn lực cho phát triển như: cơ chế, chính sách phát triển vùng động lực, chính sách thu hút các nhà đầu tư lớn, chính sách phát triển các ngành sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính, xây dựng phát triển chính quyền điện tử; nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Nâng cao trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo trong thực thi công vụ.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác với các địa phương đã ký kết, đồng thời mở rộng hợp tác với các địa phương khác.

6. Nhóm giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển các khu vực chức năng, phát triển đô thị, nông thôn

Đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, hồ sơ địa chính theo mô hình hiện đại, tập trung thống nhất, mang tính tích hợp. Xác định đẩy mạnh tinh giản bộ máy hành chính và cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng mô hình quản trị Nhà nước hiện đại. Tập trung ưu tiên việc nâng cao chất lượng bộ máy hành chính; đẩy mạnh việc thực hiện phân cấp và trao quyền trong thời gian tới.

Tiếp tục thực hiện lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài trung tâm các đô thị. Kiểm soát chặt quỹ đất rừng, tài nguyên - môi trường rừng và tỷ lệ bao phủ rừng, cân bằng và chuyển hóa một phần quỹ đất nông nghiệp hiện có trong đô thị sang đất phi nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu phát triển.

7. Thực hiện tốt công tác đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển

Tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, các Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch, Chương trình hành động của tỉnh về công tác nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự. Triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, hạn chế chồng chéo gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

8. Tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch

Tổ chức công bố công khai quy hoạch bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo sự đồng thuận, nhất trí trong triển khai thực hiện.

Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch theo hướng đồng bộ.

Triển khai xây dựng kế hoạch hành động, thường xuyên cập nhật, cụ thể hóa các nội dung quy hoạch thành các kế hoạch 5 năm, hằng năm. Các cấp, các ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chương trình, kế hoạch phát triển bảo đảm phù hợp với quy hoạch được duyệt. Trong quá trình triển khai thực hiện, định kỳ đánh giá, giám sát việc thực hiện quy hoạch theo quy định.

VIII. BẢN ĐỒ QUY HOẠCH

Chi tiết danh mục bản đồ Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Phụ lục XVI.

Điều 2. Sau khi các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang có trách nhiệm rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định.

Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở cho việc lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành theo quy định trên địa bàn tỉnh.

Trong quá trình nghiên cứu triển khai các dự án cụ thể, ranh giới các vị trí quy hoạch, diện tích, quy mô, công suất các công trình, dự án được điều chỉnh phù hợp với tiến độ, tình hình thực tế và quy định của pháp luật.

Điều 3. Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và có trách nhiệm:

1. Tổ chức công bố Quy hoạch; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch theo quy định.

2. Lập các kế hoạch 5 năm, hằng năm, các chương trình phát triển trọng điểm, các dự án cụ thể để triển khai thực hiện Quy hoạch.

3. Nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển và theo quy định của pháp luật để huy động các nguồn lực thực hiện Quy hoạch.

4. Tiếp tục thực hiện các yêu cầu, nội dung bảo vệ môi trường khi triển khai các dự án thực hiện Quy hoạch, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững; tổ chức quan trắc, giám sát, quản lý môi trường; lưu giữ cơ sở dữ liệu, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường phục vụ quá trình chuyển đổi số trong quá trình thực hiện Quy hoạch.

Điều 4. Các Bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang trong quá trình thực hiện Quy hoạch; trường hợp cần thiết, phối hợp với tỉnh nghiên cứu, xây dựng hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 6. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN,  các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, QHĐP (3).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Văn Thành

 

PHỤ LỤC I

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI ĐƯỜNG BỘ TỈNH BẮC GIANG THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên đường

Điểm đầu

Điểm cuối

Chiều dài dự kiến khoảng (km)

A

CAO TỐC, QUỐC LỘ

 

 

391

I

Cao tốc

 

 

99

1

Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang

cầu Như Nguyệt

QL31

19

2

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

QL31

Cầu sông Thương 2 - Đồng Ú

22

3

Cao tốc Nội Bài (Hà Nội) - Bắc Ninh - Hạ Long (đoạn qua Bắc Giang)

Đồng Phúc - Đồng Việt

7

4

Vành đai 5 thủ đô Hà Nội

Đan Hội

Đồng Tân

51

II

Quốc lộ

 

 

292

1

Quốc lộ 1

Cầu Lường

Tân Dĩnh

20

2

Quốc lộ 17

Yên Dũng

Tam Kha

57

3

Quốc lộ 31

Dĩnh Trì

Hữu Sản

97

4

Quốc lộ 37

Hòn Suy

Cầu Ca

61

5

Quốc lộ 279

Hạ My

Bờ Ải

57

B

ĐƯỜNG TỈNH

 

 

1.128

I

Đường tỉnh giữ nguyên chiều dài tuyến

 

 

193

1

Đường tỉnh 295

TT. Đồi Ngô

Đông Xuyên

71

2

Đường tỉnh 295B

Tân Xuyên

Đáp Cầu

24

3

Đường tỉnh 292

Kép

Cầu Gồ

19

4

Đường tỉnh 294

Tân Sỏi

Cầu Ka

15

5

Đường tỉnh 297

Lữ Vân

Dĩnh

8

6

Đường tỉnh 296

Thắng

Vát

10

7

Đường tỉnh 290

Hồng Giang

Phong Vân

15

8

Đường tỉnh 248

Phong Vân

Xa Lý

26

9

Đường tỉnh 242

Bố Hạ

Đèo Cà

6

II

Đường tỉnh điều chỉnh chiều dài tuyến

 

 

293

1

Đường tỉnh 298

Tân Trung - Tân Yên

Phúc Lâm

26

2

Đường tỉnh 293 và các tuyến nhánh 1,2,3

TP. Bắc Giang

Dương Hưu, Đan Hội, Trường Sơn, Tây Yên Tử

128

3

Đường tỉnh 291

Yên Đinh

Đồng Rì

27

4

Đường tỉnh 288

Đông Lỗ

Hoàng Vân

18

5

Đường tỉnh 299

Thái Đào

Đồng Việt

21

6

Đường tỉnh 299B

Quang Thịnh

Trí Yên

37

7

Đường tỉnh 289

Đèo Cóc - Khuôn Thần

Bình Sơn - ĐT 293

36

III

Quy hoạch đường huyện lên đường tỉnh (10 tuyến)

 

 

291

1

Đường tỉnh 398 C

Việt Yên

Lạng Giang

39

2

Đường tỉnh 398 D

Việt Yên

Lạng Giang

39

3

Đường tỉnh 297 B

Hương Mai

Phúc Sơn

16

4

Đường tỉnh 294 C

Cao Thượng

Đồng Hưu

22

5

Đường tỉnh 292 D

Bến Lường

huyện Yên Thế

37

6

Đường tỉnh 295 C

Tràng

Bách Nhẫn

16

7

Đường tỉnh 291 B

Nam Dương

Yên Định

30

8

Đường tỉnh 289 C

Kiên Thành

Tân Sơn

48

9

Đường tỉnh 293 D

Mục

Đèo Kiếm

11

10

Đường tỉnh 291 C

Cẩm Đàn

Vân Sơn

33

IV

Quy hoạch mở mới (12 tuyến)

 

 

351

1

Đường tỉnh 298B

Hồng Thái, Việt Yên

Cầu Hà Bắc 1, Việt Yên

18

2

Đường tỉnh 292 B

Song Vân

Vôi

22

3

Đường tỉnh 294 B

QL 37 (Việt Yên)

Canh Nậu,

52

4

Đường tỉnh 294 D

Tam Tiến

huyện Phú Bình, Thái Nguyên

12

5

Đường tỉnh 293 B

Lão Hộ

ĐT292 - Yên Thế

30

6

Đường tỉnh 398 B

Hương Sơn

Vành đai IV, huyện Hiệp Hòa.

45

7

Đường tỉnh 293 C

Vô Tranh

Đông Hưng

22

8

Đường tỉnh 290B

Tam Dị

Hồng Giang

26

9

Đường tỉnh 398

Xuân Cẩm

đường vành đai V, Lục Nam

56

10

Đường tỉnh 289 B

Cương Sơn

ĐT 289, Lục Ngạn

38

11

Đường tỉnh 296 B

TT Thắng

Mai Đình

12

12

Đường tỉnh 296 C

Hoàng An

Hòa Sơn

18

 

PHỤ LỤC II

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CẢNG THỦY NỘI ĐỊA TỈNH BẮC GIANG THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Tên cảng

Loại cảng

Tên sông

Địa điểm

A

Quy hoạch quốc gia

 

 

I

Cảng tổng hợp

 

 

 

1

Cảng Đồng Sơn

Loại III

Sông Thương

TP Bắc Giang

2

Cảng Tân Tiến

Loại III

Sông Thương

TP Bắc Giang

3

Cảng Quang Châu

Loại III

Sông Cầu

Việt Yên

4

Cảng Tiên Sơn

Loại III

Sông Cầu

Việt Yên

5

Cảng Đồng Phúc

Loại III

Sông Cầu

Yên Dũng

6

Cảng Yên Hà

Loại III

Sông Cầu

Yên Dũng

7

Cảng Thạch Bàn

Loại III

Sông Cầu

Yên Dũng

8

Cảng Long Xá

Loại III

Sông Cầu

Yên Dũng

9

Cảng Xuân Hương

Loại III

Sông Thương

Lạng Giang

10

Cảng Hòa Phú - Mai Đình

Loại III

Sông Cầu

Hiệp Hòa

11

Cảng Hợp Thịnh

Loại III

Sông Cầu

Hiệp Hòa

12

Cảng Xuân Cẩm

Loại III

Sông Cầu

Hiệp Hòa

13

Cảng Hòa Sơn

Loại III

Sông Cầu

Hiệp Hòa

14

Cảng Vũ Xá

Loại III

Sông Lục Nam

Lục Nam

15

Cảng Yên Sơn

Loại III

Sông Lục Nam

Lục Nam

16

Cảng Huyền Sơn

Loại III

Sông Lục Nam

Lục Nam

B

Quy hoạch tỉnh

 

 

 

I

Cảng chuyên dùng

 

 

 

1

Cảng xăng dầu Quang Châu

Loại III

Sông Cầu

Việt Yên

2

Cảng nhà máy gạch Trí Yên

Loại III

Sông Cầu

Yên Dũng

3

Cảng nhà máy nhiệt điện An Khánh

Loại III

Sông Lục Nam

Lục Nam

II

Cảng hành khách

 

 

 

1

Cảng Vĩnh Nghiêm

Loại III

Sông Lục Nam

Yên Dũng

2

Cảng Á Lữ

Loại III

Sông Thương

TP Bắc Giang

3

Cảng Bến Đám - Xuân Phú

Loại III

Sông Thương

Yên Dũng

4

Cảng Chũ

Loại III

Sông Lục Nam

Lục Ngạn

5

Cảng Vân Hà

Loại III

Sông Cầu

Yên Dũng

 

PHỤ LỤC III

QUY HOẠCH LƯỚI ĐIỆN TỈNH BẮC GIANG THỜI KỲ 2021-2030
(Kèm theo Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Nội dung

Đơn vị tính

Quy mô, công suất dự kiến giai đoạn 2021-2030

I

Lưới điện 500kV

 

 

1

TBA 500kV

 

 

 

500kV Bắc Giang

tram/máy/MVA

1/1/900

 

500kV Yên Thế

trạm/máy/MVA

1/1/900

2

Đường dây 500kV

km

50

II

Lưới điện 220kV

 

 

1

TBA 220kV

 

 

 

220kV Quang Châu

trạm/máy/MVA

1/2/500

 

220kV Lạng Giang

trạm/máy/MVA

1/2/500

 

220kV Sơn Động

trạm/máy/MVA

1/1/250

 

220kV Yên Dũng

trạm/máy/MVA

1/1/250

 

220kV Hiệp Hòa 2

trạm/máy/MVA

1/1/250

 

220kV Bắc Giang NC

trạm/máy/MVA

1/1/250

 

220kV Tân Yên

tram/máy/MVA

1/1/250

 

220kV Việt Yên

trạm/máy/MVA

1/1/250

2

Đường dây 220kV cải tạo, xây dựng mới

km

365

III

Lưới điện 100kV

 

 

1

TBA 100kV

 

 

 

Số TBA

TBA

68

 

Công suất

MVA

7.266

2

Đường dây 110kV cải tạo, xây dựng mới

km

350

 

PHỤ LỤC IV

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SẠCH TỈNH BẮC GIANG THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Các nhà máy nước

Số nhà máy, công trình/phạm vi phục vụ

A

CẤP NƯỚC LIÊN VÙNG

3 nhà máy

1

Nhà máy nước Bắc Giang

Thành phố Bắc Giang và thị trấn Tân An

2

Nhà máy nước DNP Bắc Giang

Thành phố Bắc Giang, huyện Lạng Giang, Yên Dũng, Việt Yên, Các khu cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Việt Yên, Yên Dũng

3

Nhà máy nước Cấm Sơn

huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Dũng,

B

CẤP NƯỚC ĐÔ THỊ

34 công trình

I

Cải tạo, nâng cấp

31 công trình

II

Xây dựng mới

3 công trình

C

CẤP NƯỚC NÔNG THÔN

114 công trình

I

Xây mới cấp nước nông thôn

24 công trình

II

Cải tạo, khôi phục công trình không hoạt động

32 công trình

1

Huyện Lục Nam

07 công trình

2

Huyện Lục Ngạn

18 công trình

3

Huyện Sơn Động

03 công trình

4

Huyện Yên Thế

04 công trình

III

Công trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng

11 công trình

1

Huyện Yên Dũng

02 công trình

2

Huyện Lục Nam

03 công trình

3

Huyện Yên Thế

05 công trình

4

Huyện Lục Ngạn

01 công trình

IV

Cải tạo duy trì hoạt động

47 công trình

1

Huyện Yên Dũng

04 công trình

2

Huyện Lục Nam

07 công trình

3

Huyện Lạng Giang

02 công trình

4

Huyện Sơn Động

30 công trình

5

Huyện Lục Ngạn

04 công trình

 

PHỤ LỤC V

QUY HOẠCH THỦY LỢI TỈNH BẮC GIANG THỜI KỲ 2021-2030
(Kèm theo Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên công trình

Địa điểm xây dựng

I

Trạm bơm cải tạo (29 trạm bơm)

Các huyện, thành phố

II

Trạm bơm xây mới

 

1

Trạm bơm gộp lại thành trạm bơm mới

 

1.1

Trạm bơm Lãng Sơn, Xuân Đám

Huyện Yên Dũng

1.2

Trạm bơm Thái Sơn I, Thái Sơn II, Thái Sơn III

Huyện Yên Dũng

2

Xây mới

 

2.1

Trạm bơm Cống Rụt

TP Bắc Giang

2.2

Trạm bơm Ngòi Mân

Huyện Lục Nam

2.3

Trạm bơm cống Chản

Huyện Lục Nam

2.4

Trạm bơm Cống Đầm

TP Bắc Giang

2.5

Trạm bơm Yên Ninh

Huyện Việt Yên

2.6

Trạm bơm Tiên Hưng

Huyện Lục Nam

2.7

Trạm bơm Trí Yên

Huyện Yên Dũng

III

Hồ, đập giữ nguyên hiện trạng (27 hồ, đập)

 

IV

Hồ cải tạo (17 hồ)

Các huyện: Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn

V

Hồ xây mới

 

1

Hồ Cái Cặn

Huyện Lục Ngạn

2

Đập Làng Chả

Huyện Lục Ngạn

3

Hồ Đồng Công

Huyện Lục Ngạn

4

Hồ Bàn Thờ

Huyện Sơn Động

5

Hồ Chùm Dâu

Huyện Sơn Động

6

Hồ Ba Vành

Huyện Sơn Động

7

Hồ Đá Húc

Huyện Lục Nam

8

Hồ Duồng

Huyện Lục Ngạn

 

PHỤ LỤC VI

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, THỂ THAO TỈNH BẮC GIANG THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Danh mục

Số lượng

Địa điểm

I

DI TÍCH

778

 

1

Di tích quốc gia đặc biệt

10

 

1.1

Di tích Quốc gia đặc biệt đã được công nhận

5

 

1.2

Di tích đề nghị công nhận Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt

5

 

 

Cụm di tích Tiên Lục

 

Xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang

 

Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân

 

Thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên

 

Đình, chùa Thổ Hà

 

Xã Vân Hà, huyện Việt Yên

 

Các di tích theo con đường bộ hành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

 

Huyện Lục Ngạn, Lục Nam

 

Di tích 05 lần Bác Hồ về thăm Bắc Giang

 

Huyện Yên Dũng, Hiệp Hòa, Việt Yên, TP Bắc Giang

2

Di tích cấp quốc gia

104

 

2.1

Di tích đã được công nhận

95

 

2.2

Di tích đề nghị công nhận mới

9

 

3

Di tích cấp tỉnh

664

 

II

THIẾT CHẾ VĂN HÓA THỂ THAO CẤP TỈNH XÂY MỚI

 

 

1

Sân vận động tỉnh

 

Xã Hương Gián, huyện Yên Dũng

2

Trung tâm Văn hóa - Triển Lãm tỉnh

 

Đô thị phía Nam, Thành phố Bắc Giang

3

Rạp nghệ thuật truyền thống

 

Nhà hát Chèo tỉnh, phường Xương Giang, TP. Bắc Giang

 

PHỤ LỤC VII

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO, Y TẾ, AN SINH XÃ HỘI TỈNH BẮC GIANG THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Danh mục

Số cơ sở

Cơ sở/ Địa điểm

I

Các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp

 

 

1

Khối THPT

58

 

1.1

Số cơ sở duy trì hoạt động

48

 

 

Trong đó, quy hoạch mở rộng:

20

Các huyện, thành phố

1.2

Quy hoạch mới

10

 

-

Huyện Lạng Giang

2

Xã Xương Lâm, TT Kép

-

Huyện Lục Ngạn

1

Xã Giáp Sơn

-

Huyện Hiệp Hòa

2

Xã Đoan Bái, xã Hương Lâm

-

Huyện Việt Yên

1

Khu đô thị Đình Trám - Sen Hồ

-

TP Bắc Giang

4

Kã Song Mai; xã Dĩnh Trì; Khu đô thị mới số 2 phía Nam

2

Khối trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên

9

 

 

Trong đó, quy hoạch mở rộng Trung tâm GDNN-GDTX

6

Các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang, Tân Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa

3

Khối giáo dục nghề nghiệp

53

 

3.1

Cơ sở duy trì hoạt động

43

 

 

Trong đó, quy hoạch mở rộng

2

1 cơ sở tại xã Dĩnh Trì; 1 cơ sở tại xã Song Mai, TP Bắc Giang

3.2

Quy hoạch mới (cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại huyện Yên Thế và Lục Ngạn là cơ sở công lập)

10

 

 

Huyện Yên Thế

1

Thị trấn Phồn Xương

 

Huyện Lục Ngạn

1

Xã Giáp Sơn

 

Huyện Việt Yên

2

Xã Ninh Sơn, Tiên Sơn

 

Huyện Hiệp Hòa

2

Xã Hương Lâm, Châu Minh

 

Huyện Lục Nam

1

Xã Yên Sơn, Bắc Lũng

 

Huyện Yên Dũng

1

Xã Yên Lư

 

Thành phố Bắc Giang

2

Xã Tân Mỹ

II

Cơ sở y tế

 

 

1

Cơ sở y tế công lập

21

 

1.1

Duy trì, mở rộng vị trí hiện có

17

Tại TP Bắc Giang và các huyện: Tân Yên, Sơn Động, Lục Nam, Lạng Giang, Yên Thế, Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Dũng

1.2

Quy hoạch chuyển vị trí mới

2

Quy hoạch 02 cơ sở tại xã Tân Mỹ và xã Tân Tiến, TP Bắc Giang

1.3

Quy hoạch mới

2

Xã Tân Mỹ, TP Bắc Giang

2

Cơ sở y tế ngoài công lập quy hoạch mới

33

 

2.1

Huyện Sơn Động

1

Thị trấn Tây Yên Tử

2.2

Huyện Lục Ngạn

3

Các xã: Trù Hựu, Tân Quang, Phong Vân

2.3

Huyện Lạng Giang

5

Thị trấn Vôi, Kép; các xã Nghĩa Hòa, Mỹ Thái, Đại Lâm

2.4

Huyện Yên Thế

3

Thị trấn Phồn Xương; xã Tam Tiến, Xuân Lương

2.5

Huyện Tân Yên

5

Xã Phúc Sơn, TT Nhã Nam, xã Quế Nham, Ngọc Vân, Việt Lập

2.6

Huyện Hiệp Hòa

3

Xã Bắc Lý, Hùng Sơn, Thanh Vân

2.7

Huyện Việt Yên

5

Thị trấn Nếnh, Bích Động; xã Minh Đức, Ninh Sơn

2.8

Huyện Yên Dũng

5

Thị trấn Tân An, Nham Biền; các xã Đức Giang, Hương Gián, Tiền Phong

2.9

Thành phố Bắc Giang

1

Xã Tân Mỹ

2.10

Huyện Lục Nam

2

Xã Khám Lạng, Nghĩa Phương

III

Cơ sở an sinh xã hội quy hoạch mới

10

9 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, 1 cơ sở công lập tại Tân Yên

1

Huyện Tân Yên

1

Xã Quế Nham

2

Thành phố Bắc Giang

2

Phường Đa Mai; xã Song Mai

3

Huyện Việt Yên

1

Xã Tiên Sơn

4

Huyện Lạng Giang

1

Xã Xương Lâm

5

Huyện Lục Nam

1

Xã Đông Hưng và xã Đông Phú

6

Huyện Yên Dũng

2

Thị trấn Nham Biền; xã Yên Lư

7

Huyện Yên Thế

1

Xã Tiến Thắng

8

Huyện Hiệp Hòa

1

Xã Hòa Sơn

 

PHỤ LỤC VIII

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH BẮC GIANG THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Tên khu công nghiệp

Địa điểm

Diện tích dự kiến đến năm 2030 khoảng (ha)

Tổng cộng:

7.000

I

Các KCN đã thành lập

1.966

1

KCN Quang Châu

Huyện Việt Yên

516

Trong đó: Mở rộng 90ha

2

KCN Vân Trung

Huyện Việt Yên, Yên Dũng

388

Sáp nhập CCN Tăng Tiến

3

KCN Song Khê - Nội Hoàng

TP Bắc Giang, huyện Yên Dũng

221

Sáp nhập CCN Nội Hoàng

4

KCN Đình Trám

Huyện Việt Yên

127

5

KCN Hòa Phú

Huyện Hiệp Hòa

515

Mở rộng giai đoạn 1: 85ha

Mở rộng giai đoạn 2: 222ha

6

KCN Việt Hàn

Huyện Việt Yên, TP Bắc Giang

198

Mở rộng: 148ha

II

Các KCN có trong quy hoạch

1.245

1

KCN-Đô thị-Dịch vụ Yên Lư

Huyện Yên Dũng

600

Mở rộng: 223ha

2

KCN-Đô thị-Dịch vụ Yên Sơn - Bắc Lũng

Huyện Lục Nam

490

Mở rộng: 190ha

3

KCN Tân Hưng

Huyện Lạng Giang

155

Sáp nhập CCN Tân Hưng

III

KCN quy hoạch mới

3.789

1

KCN - Đô thị - Dịch vụ Tiên Sơn - Ninh Sơn

Huyện Việt Yên

223

2

KCN Quang Châu 2

Huyện Việt Yên

125

3

KCN Song Mai-Nghĩa Trung

TP Bắc Giang, huyện Việt Yên

205

4

KCN Mỹ Thái-Xuân Hương-Tân Dĩnh

Huyện Lạng Giang

200

5

KCN-Đô thị-Dịch vụ Châu Minh - Bắc Lý-Hương Lâm

Huyện Hiệp Hòa

211

6

KCN-Đô thị-Dịch vụ Minh Đức-Thượng Lan-Ngọc Thiện

Huyện Việt Yên, Tân Yên

200

7

KCN-Đô thị-Dịch vụ Đức Giang

Huyện Yên Dũng

285

8

KCN Huyền Sơn

Huyện Lục Nam

150

9

KCN Thái Đào - Tân An

Huyện Lạng Giang, Yên Dũng

170

10

KCN-Đô Thị - Dịch vụ Xuân Cẩm - Hương Lâm

Huyện Hiệp Hòa

224

11

KCN-Đô thị-Dịch vụ Hòa Yên

Huyện Hiệp Hòa, Việt Yên

256

12

KCN Yên Sơn

Huyện Lục Nam

155

13

KCN-Đô thị-Dịch vụ Đồng Phúc

Huyện Yên Dũng

360

14

KCN- Đô thị - Dịch vụ Tự Lạn - Bích Sơn - Trung Sơn

Huyện Việt Yên

150

15

KCN Thượng Lan

Huyện Việt Yên

150

16

KCN-Đô thị-Dịch vụ Nghĩa Hưng

Huyện Lạng Giang

150

17

KCN Ngọc Thiện

Huyện Tân Yên

150

18

KCN Phúc Sơn

Huyện Tân Yên

125

19

KCN Mỹ Thái

Huyện Lạng Giang

160

20

KCN Ngọc Lý

Huyện Tân Yên

140

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC IX

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CỤM CÔNG NGHIỆP TỈNH BẮC GIANG THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên cụm công nghiệp

Địa điểm

Diện tích dự kiến đến năm 2030 khoảng (ha)

 

Tổng cộng

3.006

I

Cụm công nghiệp giữ nguyên diện tích (36 CCN)

1.420

II

Cụm công nghiệp mở rộng diện tích

225

1

Cụm CN Yên Lư

Huyện Yên Dũng

75

2

Cụm CN Việt Tiến

Huyện Việt Yên

75

3

CCN Thanh Vân

Huyện Hiệp Hòa

75

III

Cụm công nghiệp quy hoạch mới

1.361

1

CCN Đông Lỗ

Huyện Hiệp Hòa

75

2

CCN Đông Lỗ 2

Huyện Hiệp Hòa

50

3

CCN Thanh Vân - Hoàng An

Huyện Hiệp Hòa

65

4

CCN Hòa Sơn - Quang Minh

Huyện Hiệp Hòa

75

5

CCN Mai Trung

Huyện Hiệp Hòa

40

6

CCN Danh Thắng - Đoan Bái

Huyện Hiệp Hòa

75

7

CCN Tiên Sơn

Huyện Việt Yên

75

8

CCN Nghĩa Trung

Huyện Việt Yên

75

9

CCN Quang Châu

Huyện Việt Yên

60

10

CCN Minh Đức - Ngọc Lý

Huyện Việt Yên, Tân Yên

75

11

CCN Nếnh

Huyện Việt Yên

43

12

CCN Việt Ngọc

Huyện Tấn Yên

49

13

CCN Ngọc Châu

Huyện Tấn Yên

75

14

CCN Liên Sơn

Huyện Tấn Yên

40

15

CCN Ngọc Vân

Huyện Tấn Yên

66

16

CCN Kim Tràng

Huyện Tấn Yên

52

17

CCN Khám Lạng

Huyện Lục Nam

40

18

CCN Phương Sơn - Đại Lâm

Huyện Lục Nam, Lạng Giang

50

19

CCN Hương Sơn 2

Huyện Lạng Giang

65

20

CCN Đại Lâm 2

Huyện Lạng Giang

60

21

CCN Tân Sỏi

Huyện Yên Thế

20

22

CCN Đông Sơn

Huyện Yên Thế

25

23

CCN Thanh Sơn

Huyện Sơn Động

46

24

CCN Phượng Sơn

Huyện Lục Ngạn

65

IV

CCN đưa ra khỏi quy hoạch và sáp nhập vào khu công nghiệp đến năm 2030

 

1

CCN sáp nhập vào KCN

 

 

1.1

Cụm CN Tân Hưng

Huyện Lạng Giang

 

1.2

Cụm CN Tăng Tiến

Huyện Việt Yên

 

1.3

CCN Nội Hoàng

Huyện Yên Dũng

 

2

CCN đưa ra khỏi quy hoạch

 

 

2.1

Cụm CN Đức Thắng

Huyện Hiệp Hòa

 

2.2

Cụm CN Trại Ba

Huyện Lục Ngạn

 

2.2

Cụm CN Cầu Gồ

Huyện Yên Thế

 

 

PHỤ LỤC X

QUY HOẠCH DỊCH VỤ TỔNG HỢP, NGHỈ DƯỠNG, VUI CHƠI, GIẢI TRÍ, THỂ THAO SÂN GOLF TỈNH BẮC GIANG THỜI KỲ 2021-2030
(Kèm theo Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên khu quy hoạch

Địa điểm

I

Các khu đang thực hiện

 

1

Khu sân golf và dịch vụ Yên Dũng

Huyện Yên Dũng

2

Khu sân golf Việt Yên

Huyện Việt Yên

3

Khu sân golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang

Huyện Lục Nam

II

Các khu quy hoạch mới

 

1

Khu sân golf và nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí Khuôn Thần

Huyện Lục Ngạn

2

Khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao Nham Biền (02 sân golf)

Thành phố Bắc Giang, huyện Yên Dũng

3

Khu sân golf và nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí Hố Cao

Huyện Lạng Giang

4

Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng suối Nứa (01 sân golf)

Huyện Lục Nam

5

Khu sân golf Yên Thế tại hồ Cầu Rễ

Huyện Yên Thế

6

Khu sân golf và khu nghỉ dưỡng Tân Yên tại Núi Dành

Huyện Tân Yên

7

Khu sân golf Yên Hà

Huyện Yên Dũng, Việt Yên

8

Khu sân golf và nghỉ dưỡng Lục Nam

Huyện Lục Nam

9

Khu sân golf Tây Yên Tử

Huyện Sơn Động

 

PHỤ LỤC XI

PHƯƠNG ÁN PHÂN VÙNG MÔI TRƯỜNG TỈNH BẮC GIANG THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Tên vùng/tiểu vùng

Ký hiệu

I

Vùng bảo vệ nghiêm ngặt

C

1

Tiểu vùng Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử

C1

2

Tiểu vùng Khu rừng bảo vệ cảnh quan Suối Mỡ

C2

3

Tiểu vùng Hồ Cấm Sơn

C3

4

Tiểu vùng bảo vệ và phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn

C4

II

Vùng hạn chế phát thải

R

1

Tiểu vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên

R1

2

Tiểu vùng khu văn hóa - lịch sử - danh lam thắng cảnh

R2

3

Tiểu vùng hệ sinh thái đất ngập nước quan trọng

R3

4

Tiểu vùng rừng sản xuất

R4

5

Tiểu vùng khai thác khoáng sản

R5

6

Tiểu vùng môi trường công nghiệp

R6

7

Tiểu vùng đô thị vừa và nhỏ

R7

III

Vùng khác

D

1

Tiểu vùng phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị phía Tây - Nam

D1

2

Tiểu vùng phát triển nông, lâm, công nghiệp và du lịch sinh thái phía Đông

D2

3

Tiểu vùng phát triển nông, lâm, du lịch phía Bắc

D3

4

Tiểu vùng khu dân cư - hành chính

D4

 

PHỤ LỤC XII

PHƯƠNG ÁN BỐ TRÍ ĐIỂM QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG TỈNH BẮC GIANG THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Danh mục/địa phương

Tổng số (điểm)

Trong đó:

Hiện có

Bổ sung mới

I

Môi trường nước mặt

80

50

30

1

Huyện Hiệp Hòa

7

5

2

2

Huyện Việt Yên

9

6

3

3

Huyện Yên Dũng

9

5

4

4

Huyện Yên Thế

6

4

2

5

Huyện Tân Yên

6

4

2

6

Thành phố Bắc Giang

10

6

4

7

Huyện Lạng Giang

8

5

3

8

Huyện Lục Nam

8

5

3

9

Huyện Lục Ngạn

10

6

4

10

Huyện Sơn Động

7

4

3

II

Môi trường nước dưới đất

39

29

10

1

Huyện Hiệp Hòa

4

3

1

2

Huyện Việt Yên

7

4

3

3

Huyện Yên Dũng

4

3

1

4

Huyện Yên Thế

5

3

2

5

Huyện Tân Yên

3

2

1

6

Thành phố Bắc Giang

5

4

1

7

Huyện Lạng Giang

2

2

 

8

Huyện Lục Nam

3

3

 

9

Huyện Lục Ngạn

4

3

1

10

Huyện Sơn Động

2

2

 

III

Môi trường không khí xung quanh

70

53

17

1

Huyện Hiệp Hòa

9

6

3

2

Huyện Việt Yên

8

7

1

3

Huyện Yên Dũng

9

7

2

4

Huyện Yên Thế

6

4

2

5

Huyện Tân Yên

5

4

1

6

Thành phố Bắc Giang

11

9

2

7

Huyện Lạng Giang

7

5

2

8

Huyện Lục Nam

6

5

1

9

Huyện Lục Ngạn

5

3

2

10

Huyện Sơn Động

4

3

1

IV

Môi trường đất

41

21

20

1

Huyện Hiệp Hòa

5

2

3

2

Huyện Việt Yên

8

2

6

3

Huyện Yên Dũng

3

2

1

4

Huyện Yên Thế

2

2

 

5

Huyện Tân Yên

3

2

1

6

Thành phố Bắc Giang

6

3

3

7

Huyện Lạng Giang

2

2

 

8

Huyện Lục Nam

5

2

3

9

Huyện Lục Ngạn

4

2

2

10

Huyện Sơn Động

3

2

1

 

PHỤ LỤC XIII

QUY HOẠCH NGHĨA TRANG, CƠ SỞ HỎA TÁNG, KHU XỬ LÝ CHẤT THẢI TỈNH BẮC GIANG THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Danh mục

Địa điểm

I

Quy hoạch nghĩa trang, cơ sở hỏa táng

1

Nghĩa trang cấp I và cơ sở hỏa táng tại xã Đông Hưng, huyện Lục Nam

Xã Đông Hưng, huyện Lục Nam

2

Nghĩa trang cấp II và cơ sở hỏa táng tại xã Thanh Lâm huyện Lục Nam

Xã Thanh Lâm huyện Lục Nam

3

Nghĩa trang An Lạc Viên

Xã Liên Sơn, thị trấn Cao Thượng huyện Tân Yên

II

Khu xử lý chất thải rắn tập trung

1

Khu xử lý rác thải tập trung thành phố Bắc Giang

Xã Đa Mai, TP BG

2

Khu xử lý rác thải tập trung huyện Hiệp Hòa

Thôn Đồng Quan, xã Đông lỗ, huyện Hiệp Hòa

3

Khu xử lý rác thải tập trung huyện Lục Nam

Xã Lan Mẫu, huyện Lục Nam

4

Khu xử lý rác thải tập trung huyện Việt Yên

Xã Thượng Lan, huyện Việt Yên

5

Khu xử lý rác thải tập trung huyện Yên Dũng

TT Nham Biền, huyện Yên Dũng

6

Khu xử lý chất thải rắn công nghiệp, nguy hại của công ty Hòa Bình

TT Nham Biền, huyện Yên Dũng

7

Khu xử lý rác thải tập trung huyện Lạng Giang

Xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang

8

Nhà máy chế biến rác Tân Yên

Xã Liên Chung, huyện Tân Yên

9

Khu xử lý rác thải tập trung huyện Yên Thế

Xã Đồng Vương, Đồng Hưu, huyện Yên Thế

10

Khu xử lý rác thải tập trung huyện Lục Ngạn

Xã Kiên Thành, huyện Lục Ngạn

11

Khu xử lý rác thải tập trung huyện Sơn Động

Thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động

 

PHỤ LỤC XIV

QUY HOẠCH BẢO VỆ, THĂM DÒ, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN TỈNH BẮC GIANG THỜI KỲ 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Địa điểm quy hoạch

Số lượng khu

I

Quy hoạch khoáng sản kim loại

25

1

Quặng đồng

22

2

Quặng vàng

01

3

Kim loại khác (chì, kẽm)

02

II

Khoáng sản nhiên liệu - than

10

III

Quặng Barit (01 điểm)

01

IV

Quy hoạch đất làm vật liệu san lấp

189

1

Huyện Lạng Giang

35

2

Huyện Lục Nam

55

3

Huyện Lục Ngạn

32

4

Huyện Tân Yên

18

5

Huyện Yên Thế

12

6

Huyện Yên Dũng

14

7

Huyện Việt Yên

10

8

Huyện Sơn Động

12

9

Huyện Hiệp Hòa

01

V

Quy hoạch khoáng sản cát, sỏi

98

1

Sông Lục Nam

46

2

Sông Cầu

36

3

Sông Thương

07

4

Mỏ cát đồi

09

VI

Đất sét gạch, ngói

99

1

Huyện Lục Nam

42

2

Huyện Hiệp Hòa

04

3

Huyện Việt Yên

11

4

Huyện Yên Dũng

15

5

Huyện Lạng Giang

06

6

Huyện Tân Yên

11

7

Huyện Yên Thế

03

8

Huyện Lục Ngạn

04

9

Huyện Sơn Động

03

 

PHỤ LỤC XV

CHỈ TIÊU SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2030 TỈNH BẮC GIANG
(Kèm theo Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)

Đơn vị tính: ha

TT

Chỉ tiêu

Hiện trạng năm 2020

QH đến năm 2030

Tăng (+); giảm (-)

Diện tích (ha)

Cơ cấu (%)

Diện tích (ha)

Cơ cấu (%)

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

I

TỔNG DIỆN TÍCH ĐẤT TỰ NHIÊN

 

389.589,47

100,00

389.589,47

100,00

 

1

Đất nông nghiệp

NNP

301.063,56

77,28

268.972,35

69,04

-32.091,21

1.1

Đất trồng lúa

LUA

70.748,46

18,16

48.748,25

12,51

-22.000,21

 

Trong đó: Đất chuyên trồng lúa nước

LUC

59.842,77

15,36

45.022,40

11,56

-14.820,37

1.2

Đất trồng cây hàng năm khác

HNK

9.452,93

2,43

7.558,44

1,94

-1.894,49

1.3

Đất trồng cây lâu năm

CLN

66.444,02

17,05

64.498,57

16,56

-1.945,45

1.4

Đất rừng phòng hộ

RPH

20.594,99

5,29

20.628,07

5,29

33,08

1.5

Đất rừng đặc dụng

RDD

13.037,40

3,35

13.510,01

3,47

472,61

1.6

Đất rừng sản xuất

RSX

112.151,21

28,79

105.416,44

27,06

-6.734,77

 

Trong đó: Đất có rừng sản xuất là rừng tự nhiên

RSN

23.960,80

6,15

22.231,30

5,71

-1.729,50

1.7

Đất nuôi trồng thủy sản

NTS

8.375,33

2,15

7.277,60

1,87

-1.097,73

1.8

Đất làm muối

LMU

 

 

 

 

 

1.9

Đất nông nghiệp khác

NKH

259,22

0,07

1.334,97

0,34

1.075,75

2

Đất phi nông nghiệp

PNN

85.133,65

21,85

119.920,10

30,78

34.786,45

2.1

Đất quốc phòng

CQP

24.891,32

6,39

25.546,37

6,56

655,05

2.2

Đất an ninh

CAN

517,69

0,13

567,00

0,15

49,31

2.3

Đất khu công nghiệp

SKK

1.051,17

0,27

6.999,65

1,80

5.948,48

2.4

Đất cụm công nghiệp

SKN

623,55

0,16

3.005,00

0,77

2.381,45

2.5

Đất thương mại, dịch vụ

TMD

425,69

0,11

4.794,87

1,23

4.369,18

2.6

Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp

SKC

1.527,43

0,39

3.001,51

0,77

1.474,08

2.7

Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản

SKS

444,33

0,11

694,93

0,18

250,60

2.8

Đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm

SKX

732,47

0,19

2.847,95

0,73

2.115,48

2.9

Đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã

DHT

22.765,67

5,84

34.366,82

8,82

11.601,15

 

Đất giao thông

DGT

14.303,99

3,67

20.397,50

5,24

6.093,51

 

Đất thủy lợi

DTL

4.663,99

1,20

5.051,95

1,30

387,96

 

Đất xây dựng cơ sở văn hóa

DVH

315,46

0,08

694,48

0,18

379,02

 

Đất xây dựng cơ sở y tế

DYT

102,74

0,03

298,03

0,08

195,29

 

Đất xây dựng cơ sở giáo dục-đào tạo

DGD

807,41

0,21

1.143,53

0,29

336,12

 

Đất xây dựng cơ sở thể dục - thể thao

DTT

533,99

0,14

2.890,00

0,74

2.356,01

 

Đất công trình năng lượng

DNL

90,40

0,02

416,73

0,11

326,33

 

Đất công trình bưu chính viễn thông

DBV

9,81

0,00

22,10

0,01

12,29

 

Đất xây dựng kho dự trữ quốc gia

DKG

6,01

0,00

9,01

0,00

3,00

 

Đất chợ

DCH

84,58

0,02

226,84

0,06

142,26

 

Đất có di tích, lịch sử - văn hóa

DDT

85,59

0,02

254,00

0,07

168,41

 

Đất bãi thải, xử lý chất thải

DRA

118,19

0,03

496,23

0,13

378,04

 

Đất cơ sở tôn giáo

TON

170,05

0,04

343,91

0,09

173,86

 

Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng

NTD

1.435,56

0,37

1.877,84

0,48

442,28

 

Đất xây dựng cơ sở khoa học và công nghệ

DKH

4,99

0,00

8,99

0,00

4,00

 

Đất xây dựng cơ sở dịch vụ xã hội

DXH

8,83

0,00

74,38

0,02

65,55

 

Đất xây dựng công trình sự nghiệp khác

DSK

1,41

0,00

1,41

 

 

 

Đất công trình công cộng khác

DCK

22,67

0,01

159,88

0,04

137,21

2.10

Đất danh lam, thắng cảnh

DDL

13,43

0,00

186,92

0,05

173,49

2.11

Đất sinh hoạt cộng đồng

DSH

 

 

 

 

 

2.12

Đất khu vui chơi, giải trí công cộng

DKV

112,35

0,03

1.832,27

0,47

1.719,92

2.13

Đất ở tại nông thôn

ONT

16.561,97

4,25

15.445,13

3,96

-1.116,84

2.14

Đất ở tại đô thị

ODT

3.100,21

0,80

8.280,57

2,13

5.180,36

2.15

Đất xây dựng trụ sở cơ quan

TSC

213,75

0,05

356,89

0,09

143,14

2.16

Đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp

DTS

31,13

0,01

47,74

0,01

16,61

2.17

Đất xây dựng cơ sở ngoại giao

DGN

 

 

 

 

 

2.18

Đất cơ sở tín ngưỡng

TIN

215,34

0,06

285,44

0,07

70,10

2.19

Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối

SON

6.884,40

1,77

6.763,65

1,74

-120,75

2.20

Đất có mặt nước chuyên dùng

MNC

5.013,66

1,29

4.871,23

1,25

-142,43

2.21

Đất phi nông nghiệp khác

PNK

8,09

0,00

26,17

0,01

18,08

3

Đất chưa sử dụng

CSD

3.392,26

0,87

697,02

0,18

-2.695,24

II

KHU CHỨC NĂNG

KDT

 

 

 

 

 

1

Đất khu công nghệ cao

KCN

 

 

 

 

 

2

Đất khu kinh tế

KKT

 

 

 

 

 

3

Đất đô thị

KDT

27.114,02

6,96

58.804,57

 

31.690,54

4

Khu sản xuất nông nghiệp

KNN

 

 

 

 

 

5

Khu lâm nghiệp

KLN

145.783,60

 

139.722,97

 

-6.060,63

6

Khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

KBT

13.037,40

 

13.510,01

 

472,61

7

Khu phát triển công nghiệp

KPC

1.674,72

 

10.004,65

 

8.329,93

8

Khu đô thị

DTC

 

 

 

 

 

9

Khu thương mại - dịch vụ

KTM

 

 

 

 

 

10

Khu dân cư nông thôn

DNT

78.380,28

 

68.791,13

 

-9.589,15

 

PHỤ LỤC XVI

DANH MỤC BẢN ĐỒ QUY HOẠCH TỈNH BẮC GIANG THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

TÊN BẢN ĐỒ

Tỷ lệ

1

Bản đồ vị trí và các mối quan hệ của tỉnh

1:50000

2

Bản đồ hiện trạng điều kiện tự nhiên

1:50000

3

Bản đồ hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội

1:50000

4

Bản đồ hiện trạng phát triển công nghiệp

1:50000

5

Bản đồ hiện trạng phát triển khu công nghiệp

1:50000

6

Bản đồ hiện trạng phát triển cụm công nghiệp

1:50000

7

Bản đồ hiện trạng phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản

1:50000

8

Bản đồ hiện trạng phát triển dịch vụ

1:50000

9

Bản đồ hiện trạng phát triển du lịch

1:50000

10

Bản đồ hiện trạng phát triển văn hóa, thể thao

1:50000

11

Bản đồ hiện trạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và đối tượng đã được kiểm kê di tích

1:50000

12

Bản đồ hiện trạng phát triển giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, Khoa học và công nghệ

1:50000

13

Bản đồ hiện trạng phát triển y tế

1:50000

14

Bản đồ hiện trạng phát triển an sinh xã hội

1:50000

15

Bản đồ hiện trạng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn

1:50000

16

Bản đồ hiện trạng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải

1:50000

17

Bản đồ hiện trạng phát triển kết cấu hạ tầng phòng chống thiên tai và thủy lợi

1:50000

18

Bản đồ hiện trạng phát triển hệ thống cấp nước sinh hoạt và xử lý nước thải

1:50000

19

Bản đồ hiện trạng phát triển mạng lưới cấp điện tỉnh

1:50000

20

Bản đồ hiện trạng phát triển thông tin và truyền thông tỉnh

1:50000

21

Bản đồ hiện trạng phát triển viễn thông thụ động

1:50000

22

Bản đồ hiện trạng môi trường, thiên nhiên và đa dạng sinh học

1:50000

23

Bản đồ hiện trạng thoát nước xử lý chất thải rắn và nghĩa trang

1:50000

24

Bản đồ hiện trạng thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên

1:50000

25

Bản đồ hiện trạng khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước

1:50000

26

Bản đồ hiện trạng sử dụng đất

1:50000

27

Bản đồ phương án tổ chức không gian và phân vùng chức năng

1:50000

28

Bản đồ quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050

1:50000

29

Bản đồ phương án phát triển công nghiệp

1:50000

30

Bản đồ phương án phát triển khu công nghiệp

1:50000

31

Bản đồ phương án phát triển cụm công nghiệp

1:50000

32

Bản đồ phương án phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản

1:50000

33

Bản đồ hiện trạng phát triển rừng

1:50000

34

Bản đồ phương án phát triển rừng

1:50000

35

Bản đồ phương án phát triển dịch vụ

1:50000

36

Bản đồ phương án phát triển du lịch

1:50000

37

Bản đồ phương án phát triển văn hóa, thể thao

1:50000

38

Bản đồ phương án phát triển giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, Khoa học và công nghệ

1:50000

39

Bản đồ phương án phát triển y tế

1:50000

40

Bản đồ phương án phát triển an sinh xã hội

1:50000

41

Bản đồ phương án phát triển vùng kinh tế trọng điểm

1:50000

42

Bản đồ phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn

1:50000

43

Bản đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải

1:50000

44

Bản đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng phòng chống thiên tai, thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu

1:50000

45

Bản đồ phương án phát triển hệ thống cấp nước sinh hoạt và xử lý nước thải

1:50000

46

Chuẩn bị kỹ thuật và thoát nước mưa

1:50000

47

Bản đồ phương án phát triển mạng lưới cấp điện

1:50000

48

Bản đồ phương án phát triển thông tin và truyền thông

1:50000

49

Bản đồ phương án phát triển hạ tầng viễn thông thụ động

1:50000

50

Bản đồ phương án bảo vệ môi trường, thiên nhiên và đa dạng sinh học

1:50000

51

Bản đồ phương án thoát nước xử lý chất thải rắn và nghĩa trang

1:50000

52

Bản đồ phương án thăm dò khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên

1:50000

53

Bản đồ phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước

1:50000

54

Bản đồ đánh giá tổng hợp đất đai theo các mục đích sử dụng

1:50000

55

Bản đồ phương án phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu

1:50000

56

Bản đồ phương án quy hoạch sử dụng đất

1:50000

57

Bản đồ phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện vùng huyện

1:50000

58

Bản đồ vị trí các dự án và thứ tự ưu tiên thực hiện

1:50000

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 219/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 219/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/02/2022
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Lê Văn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/02/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản