Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1640/QĐ-UBND | Điện Biên, ngày 07 tháng 9 năm 2021 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2019;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 22/11/2019;
Căn cứ Nghị định số 72/2016/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ chính sách đối với Dân quân tự vệ;
Căn cứ Nghị quyết số 43/NQ-HĐND ngày 22/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc Phê chuẩn Đề án tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025;
Theo đề nghị của Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025 (Có Đề án kèm theo)
Điều 2. Giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Đề án theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG, HUẤN LUYỆN, HOẠT ĐỘNG VÀ BẢO ĐẢM CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH CHO DÂN QUÂN TỰ VỆ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1640/QĐ-UBND ngày 07/9/2021 của UBND tỉnh Điện Biên)
I. SỰ CẦN THIẾT, CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và đảm bảo chế độ chính sách cho lực lượng Dân quân tự vệ (DQTV) là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về đường lối quốc phòng, quân sự. Với đặc thù là tỉnh miền núi, có đường biên giới dài, Điện Biên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh đối với Quân khu 2 nói riêng và cả nước nói chung. Trong những năm qua, cùng với lực lượng vũ trang, lực lượng DQTV đã đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giải quyết có hiệu quả các sự cố về thiên tai, bão lụt, cháy nổ, cháy rừng ở cơ sở.
Giai đoạn 2016-2020, thực hiện Luật Dân quân tự vệ năm 2009 và Nghị định số 03/2016/NĐ-CP ngày 05/01/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1539/QĐ-UBND ngày 13/12/2016 phê duyệt Đề án tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách đối với lực lượng Dân quân tự vệ tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2020. Sau 05 năm thực hiện Đề án, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả, chất lượng DQTV từng bước được nâng lên; các chế độ, chính sách có liên quan đến lực lượng DQTV được quan tâm thực hiện, tạo cơ sở để xây dựng lực lượng DQTV vững mạnh, rộng khắp, nâng cao chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng DQTV, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, cơ sở.
Tuy nhiên, năm 2019 Quốc hội đã ban hành Luật Dân quân tự vệ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ chính sách đối với DQTV, nội dung có nhiều điểm mới, như: Quy định về độ tuổi DQTV (độ tuổi DQTV có thể kéo dài hơn); quy định xây dựng DQTV theo quy mô tổ chức DQTV (không còn quy định thành phần DQTV nòng cốt và DQTV rộng rãi); quy định chi trả theo định mức hưởng cụ thể theo chức vụ DQTV, ngày công lao động của DQTV, trang phục cho DQTV,...
Bên cạnh đó, Đề án tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách đối với lực lượng Dân quân tự vệ tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2020 đến nay cũng đã hết hiệu lực.
Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Đề án tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng DQTV tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025 là cần thiết, nhằm cụ thể hóa kịp thời các quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở địa phương, cơ sở trong tình hình mới.
2.1. Căn cứ vào văn bản của Đảng và Nhà nước
- Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
- Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
- Luật Dân quân tự vệ ngày 22/11/2019;
- Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ chính sách đối với Dân quân tự vệ;
- Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ;
- Thông tư số 69/2020/TT-BQP ngày 15/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, hội thi, hội thao, diễn tập cho Dân quân tự vệ;
- Thông tư số 76/2020/TT-BQP ngày 23/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định trang bị, đăng ký, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật của Dân quân tự vệ;
- Thông tư số 77/2020/TT-BQP ngày 23/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định thực hiện một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ;
- Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 07/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh giai đoạn 2021 - 2025.
2.2. Căn cứ thực tiễn
- Tổ chức đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh có 08 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố; 129 xã, phường, thị trấn trong đó có 78/129 xã, phường, thị trấn trọng điểm về quốc phòng, an ninh; 1.444 thôn, bản, tổ dân phố.
- Tình hình kinh tế của tỉnh trong những năm qua có hướng tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,83%/năm. Tuy nhiên tỉnh vẫn thuộc nhóm địa bàn kinh tế chậm phát triển; thu ngân sách đạt 30%, còn lại chủ yếu do ngân sách Trung ương bảo đảm; là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn, dân số ít (khoảng 60 vạn người) và phân bố không đồng đều, đường biên giới dài, do vậy tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp như tuyên truyền đạo trái pháp luật, lôi kéo kích động thành lập "Nhà nước Mông". Một số loại tội phạm còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội phạm ma túy là những vấn đề gây mất ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh, từ đó có tác động, ảnh hưởng đến công tác xây dựng củng cố lực lượng và bảo đảm chế độ chính sách cho DQTV.
- Thực trạng tổng kết Đề án tổ chức, hoạt động, chế độ chính, sách đối với DQTV trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 có những ưu điểm và hạn chế đó là:
Về ưu điểm:
Lực lượng DQTV được xây dựng theo đúng Luật Dân quân tự vệ, có số lượng hợp lý, quân số 13.866 đồng chí, đạt 2,3% so với tổng dân số toàn tỉnh, trong đó Dân quân là 11.451 đồng chí, đạt 1,9% so với tổng dân số; Tự vệ là 2.415 đồng chí, đạt 17 % so với tổng số cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức biên chế đúng, đủ các thành phần lực lượng: DQTV cơ động, DQTV tại chỗ, Dân quân binh chủng, Dân quân thường trực; thường xuyên kiện toàn 129 Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn, 79 Ban Chỉ huy quân sự và 65 đầu mối tự vệ cơ quan, tổ chức. Các địa phương trong toàn tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, chú trọng nâng cao chất lượng chính trị của Dân quân tự vệ; thực hiện nghiêm túc Kết luận số 41-KL/TW ngày 31 tháng 3 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 05 tháng 10 năm 2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng DQTV và lực lượng Dự bị động viên trong tình hình mới. Đảng viên trong lực lượng DQTV tăng dần (từ 22% năm 2015 đến năm 2020 là 24%): Đảng viên đạt 24%, Đoàn viên đạt 61%; Phục viên xuất ngũ đạt 5%; đội ngũ cán bộ DQTV được sắp xếp, kiện toàn đủ về số lượng, có năng lực, trình độ chuyên môn, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã tổ chức đào tạo 03 khóa tại Trường quân sự tỉnh với quân số 148 đồng chí (01 khóa đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở, quân số 50 đồng chí; 02 lớp hoàn thiện trình độ Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, quân số 98 đồng chí); thực hiện Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định cử 113 đồng chí tham gia đào tạo các trường của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 (đã tốt nghiệp 35 đồng chí). Nhìn chung, đội ngũ cán bộ quân sự Ban CHQS cấp xã đã qua đào tạo có sự trưởng thành về mọi mặt, phát huy tốt vai trò làm tham mưu và tổ chức thực hiện công tác quốc phòng, quân sự địa phương, công tác DQTV, giáo dục quốc phòng - an ninh; nhiều đồng chí đã phát triển lên cương vị cao hơn trong hệ thống chính trị ở cơ sở.
Thực hiện các quy định của Bộ Quốc phòng và hướng dẫn của Bộ Tham mưu Quân khu 2, hằng năm UBND tỉnh đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức tập huấn, huấn luyện cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ DQTV đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tổ chức tập huấn, huấn luyện cho 100% đơn vị, cơ sở với quân số tham gia đạt từ 92 - 95%; lực lượng Dân quân năm thứ nhất, Dân quân cơ động, thường trực huấn luyện đạt 100% quân số, kết quả huấn luyện có 75% trở lên khá, giỏi. Tổ chức hội thi, hội thao chặt chẽ, đạt kết quả cao (Năm 2016 đạt giải nhất toàn đoàn Hội thi bắn súng quân dụng cấp Quân khu, năm 2019 đạt giải nhì toàn đoàn Hội thao Quốc phòng cấp Quân khu); qua đó đã từng bước nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu lực lượng vũ trang tỉnh.
Trong hoạt động chiến đấu phòng thủ, hiện nay 100% cơ sở DQTV trong toàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch chiến đấu phòng thủ, hằng năm được rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời và sát với tình hình thực tế của địa phương và tổ chức luyện tập theo các phương án; lực lượng DQTV đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang trên địa bàn nắm chắc tình hình an ninh chính trị, duy trì nghiêm túc chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm an toàn địa bàn và các mục tiêu quan trọng trong khu vực được đảm nhiệm, tập trung vào những ngày lễ, tết, các sự kiện chính trị của đất nước và của tỉnh. Lực lượng Dân quân các xã biên giới đã phối hợp với các Đồn Biên phòng tham gia tuần tra biên giới được 22.121 lượt ngày công; phối hợp giải quyết nhiều vụ xâm canh, xâm cư, vượt biên trái phép và buôn lậu qua biên giới; tham gia giúp đỡ nhân dân tổ chức khắc phục hậu quả thiên tai dịch bệnh trên địa bàn với 5.074 lượt ngày công; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan quân sự các cấp, lực lượng DQTV đã tích cực, chủ động tham gia các cuộc luyện, diễn tập hằng năm như: Diễn tập Khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện; diễn tập Chiến đấu phòng thủ cấp xã; diễn tập Ứng phó phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; diễn tập Ứng phó phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng các cấp, bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt. Thông qua các cuộc luyện, diễn tập vai trò làm tham mưu và khả năng tổ chức hiệp đồng của lực lượng DQTV với các lực lượng vũ trang trên địa bàn và các ban, ngành, đoàn thể được nâng lên, góp phần giữ vững sự ổn định về tình hình an ninh chính trị, làm tiền đề để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Việc bảo đảm chế độ chính sách cho lực lượng DQTV luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp quan tâm như: Bảo đảm phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ DQTV, hỗ trợ tiền thoát ly sản xuất, tiền ăn cho lực lượng DQTV khi thực hiện nhiệm vụ, trang phục DQTV hằng năm được bảo đảm đủ số lượng cho cấp mới, cấp bổ sung theo quy định của Chính phủ; từng bước nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới trụ sở làm việc của Ban CHQS cấp xã (đến nay đã có 12 trụ sở làm việc riêng, 111 Ban CHQS cấp xã có phòng làm việc riêng, kinh phí bảo đảm chi cho lực lượng DQTV giai đoạn 2016 - 2020 là 441.188.494.000 đồng.
Về tồn tại, hạn chế:
Công tác quản lý Nhà nước về DQTV và trình độ, năng lực của cán bộ ở một số địa phương, cơ sở có mặt còn hạn chế, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa; công tác tham mưu của cơ quan quân sự địa phương, cơ sở đối với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng cấp có lúc còn sự thiếu chủ động.
Tổ chức đăng ký, quản lý lực lượng DQTV trong độ tuổi chưa chặt chẽ, tỷ lệ luân phiên trong DQTV còn thấp, có địa phương chỉ đạt khoảng 5% nhất là ở các phường, thị trấn còn gặp nhiều khó khăn do lực lượng công dân trong độ tuổi tham gia nghĩa vụ Dân quân thường xuyên đi làm ăn xa; tỷ lệ đảng viên trong Dân quân chưa cao, có địa phương chỉ đạt 15% (trong khi Đề án giai đoạn 2016-2020 đã xác định tỷ lệ đảng viên trong Dân quân đạt 19%) do lực lượng dân quân ở địa phương không đảm nhiệm các công tác ở bản, ở xã nên công tác phát triển đảng trong Dân quân còn gặp khó khăn. Việc tập huấn cán bộ, huấn luyện chiến sĩ, diễn tập có hiệu quả và chất lượng hoạt động còn thấp, chưa phát huy hết vai trò tham mưu của các ngành trong diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã.
Ngân sách bảo đảm hỗ trợ tiền ăn, tiền thoát ly sản xuất cho Dân quân khi tham gia huấn luyện chưa được thống nhất trong toàn tỉnh, việc bảo đảm kinh phí hỗ trợ cho lực lượng Dân quân trong công tác phối hợp hoạt động với các lực lượng khác trên địa bàn trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tuần tra đường biên mốc giới, trong phòng chống khắc phục thiên tai, dịch bệnh, phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng, trong phòng thủ dân sự.. còn gặp nhiều khó khăn; việc xây dựng trụ sở làm việc của Ban CHQS cấp xã còn hạn chế (đến hết năm 2020 mới xây dựng và cải tạo được 12 trụ sở, trong đó có 08 trụ sở xây dựng mới và cải tạo 04 trụ sở) do nguồn ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn; việc xây dựng trụ sở làm việc của Ban CHQS cấp xã theo hướng lồng ghép với trụ sở của Ban Công an xã còn nhiều bất cập.
II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN
1. Quan điểm
- Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Kết luận số 41-KL/TW ngày 31/3/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh giai đoạn 2021-2025; Luật Dân quân tự vệ và các văn bản hướng dẫn thi hành; nâng cao nhận thức của mọi tổ chức, cá nhân, trước hết là các cấp lãnh đạo về vị trí chiến lược, nội dung cơ bản, tính cấp bách của nhiệm vụ xây dựng lực lượng DQTV trong tình hình mới.
- Tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước; nâng cao trách nhiệm, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng, củng cố và sử dụng lực lượng DQTV.
- Xây dựng lực lượng DQTV về quy mô, tổ chức bảo đảm cân đối giữa các thành phần, có số lượng hợp lý, chất lượng ngày càng cao, đặc biệt chú trọng chất lượng DQTV ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT; xây dựng lực lượng DQTV thực sự là lực lượng trung thành, tin cậy của Đảng, là thành phần quan trọng bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân ở địa phương, cơ sở.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu tổng quát
- Xây dựng lực lượng DQTV đúng, đủ thành phần, tổ chức biên chế theo đúng quy định của Luật DQTV, chú trọng việc nâng cao chất lượng chính trị, là lực lượng nòng cốt, đáng tin cậy để bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân; sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống, đáp ứng yêu cầu về nhiệm vụ quốc phòng-an ninh trong tình hình mới, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị ở cơ sở trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện.
- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng, phát huy hiệu lực, hiệu quả sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương và vai trò tham mưu của cơ quan Quân sự đối với việc xây dựng lực lượng DQTV; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán cán bộ, chiến sĩ DQTV, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
2.2. Mục tiêu cụ thể
- Xây dựng lực lượng DQTV có số lượng phù hợp, duy trì tỷ lệ DQTV đạt 2,3 % so với tổng dân số; tổ chức biên chế theo hướng tinh gọn, hợp lý, chặt chẽ; trang bị vũ khí đúng, phù hợp; lấy chất lượng chính trị và độ tin cậy làm cơ sở; phấn đấu đến năm 2025 có tỷ lệ đảng viên đạt 25% trở lên.
- Hằng năm, 100% cơ sở DQTV, 95% trở lên cán bộ, chiến sĩ DQTV được giáo dục chính trị, pháp luật và huấn luyện quân sự theo phân cấp quản lý nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong tình hình mới, thực sự là lực lượng chính trị đáng tin cậy, lực lượng nòng cốt bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng và tài sản của nhân dân ở địa phương, cơ sở.
- Phấn đấu đến năm 2025, có 100% Chỉ huy trưởng, Chỉ huy Phó Ban CHQS cấp xã được đào tạo Trung cấp ngành quân sự cơ sở trở lên; trong đó có 70 - 80% đạt trình độ Cao đẳng trở lên (có 15 - 25% đạt trình độ Đại học). Đồng thời, bảo đảm đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách, trang phục, nơi làm việc cho lực lượng Dân quân tự vệ theo Luật Dân quân tự vệ và các văn bản hướng dẫn thi hành; phát huy khả năng bảo đảm tại chỗ, thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho lực lượng DQTV.
3. Phạm vi của Đề án
Đề án quy định về xây dựng lực lượng, tổ chức biên chế, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, hội thi, hội thao, hoạt động chiến đấu và bảo đảm chế độ chính sách cho lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Dân quân tự vệ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
1.1. Quy mô tổ chức biên chế
Thực hiện theo Điều 6 Thông tư số 77/2020/TT-BQP ngày 23/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định thực hiện một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ.
Nội dung, thời gian, phương pháp tổ chức đăng ký, quản lý và công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV theo các Điều 8, 9, 10, 11, 12 của Luật DQTV; Điều 3, 4 Thông tư số 77/2020/TT-BQP ngày 23/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
1.2. Quy mô tổ chức DQTV
Thực hiện theo Điều 7 Thông tư số 77/2020/TT-BQP ngày 23/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định thực hiện một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ;
1.3. Số lượng DQTV toàn tỉnh
Tổng số DQTV toàn tỉnh là 14.086 đồng chí, chiếm tỷ lệ 2,3 % so với tổng dân số toàn tỉnh; Tổ chức biên chế thực hiện theo Điều 7, Thông tư số 77/2020/TT-BQP ngày 23/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định thực hiện một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ;
1.4. Chất lượng DQTV
Tỷ lệ đảng viên trong DQTV toàn tỉnh thường xuyên đạt từ 23 - 24%; riêng trong Dân quân đạt từ 18 - 19%. Để góp phần nâng cao chất lượng đảng viên, hằng năm mỗi cấp ủy có kế hoạch kết nạp ít nhất 1,0% DQTV vào Đảng; tỷ lệ đoàn viên đạt trên 60%, các trung đội Dân quân cơ động 100% hoàn thành nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống; 100% Ban CHQS các xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có 75% trở lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
1.5. Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã, cơ quan tổ chức, thôn đội trưởng
- Cấp xã mỗi xã tổ chức một Ban chỉ huy quân sự, các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp có đủ điều kiện theo Điều 17 và khoản 1 Điều 21 Luật DQTV về điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp và Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thì thành lập Ban chỉ huy quân sự, quân số mỗi Ban chỉ huy quân sự biên chế 4 đồng chí gồm: Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó.
- Mỗi thôn, bản, tổ dân phố bố trí 01 đồng chí thôn đội trưởng kiêm Tổ trưởng Dân quân tại chỗ.
2. Đào tạo, tập huấn, huấn luyện, diễn tập, hội thi, hội thao, diễn tập
2.1. Đào tạo cán bộ
Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quân sự Ban CHQS cấp xã; Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tham mưu cho cấp có thẩm quyền mở 01 lớp hoàn thiện trình độ Trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho học viên đã tốt nghiệp ngành quân sự cơ sở tại tỉnh, quân số từ 40 - 50 đồng chí, thời gian đào tạo là 08 tháng (kinh phí do tỉnh bảo đảm). Đào tạo trình độ Trung cấp, Cao đẳng, Đại học ngành quân sự cơ sở thực hiện theo chỉ tiêu do Quân khu 2 và Bộ Quốc phòng giao hằng năm (nguồn kinh phí do Bộ Quốc phòng bảo đảm).
2.2. Tập huấn cán bộ, huấn luyện chiến sỹ DQTV
- Cấp tỉnh: Tổ chức tập huấn cho cán bộ Ban CHQS cấp xã, cơ quan, tổ chức
Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Chính trị viên phó, Trung đội trưởng phòng không, pháo binh; thời gian 07 ngày.
- Cấp huyện: Tổ chức tập huấn cho cán bộ Trung đội trưởng, Thôn đội trưởng, Tiểu đội trưởng, Khẩu đội trưởng; thời gian 05 ngày.
Tổ chức huấn luyện Dân quân năm thứ nhất, thời gian 15 ngày; Dân quân cơ động của huyện, Dân quân phòng không, Dân quân pháo binh, Dân quân binh chủng bảo đảm; thời gian 12 ngày.
- Cấp xã: Tổ chức huấn luyện Dân quân tại chỗ; thời gian 07 ngày; Dân quân cơ động cấp xã, thời gian 12 ngày; Dân quân thường trực, thời gian 60 ngày.
- Tổ chức huấn luyện diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã, mỗi xã huy động 50 Dân quân, thời gian 10 ngày.
- Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp: Tổ chức huấn luyện tự vệ tại chỗ, thời gian 07 ngày.
2.3. Hội thi, hội thao (05 năm 01 lần)
- Tham gia cấp Quân khu
Hội thi: Cán bộ Dân quân tự vệ với quân số 40 người, thời gian 30 ngày.
Hội thao quân sự: Chiến sĩ DQTV với quân số 40 người, thời gian 30 ngày.
Hội thao khác: Cán bộ, Chiến sĩ DQTV với quân số 20 người, thời gian 30 ngày.
- Cấp tỉnh (05 năm 2 lần)
Hội thi: Cán bộ Dân quân tự vệ, quân số 40 người, thời gian 20 ngày.
Hội thao quân sự: Chiến sĩ DQTV, quân số 40 người, thời gian 20 ngày.
Hội thao khác: Cán bộ, Chiến sĩ DQTV, quân số 20 người, thời gian 20 ngày
- Cấp huyện (05 năm 02 lần)
Hội thi: Cán bộ Dân quân tự vệ với quân số 40 người, thời gian 15 ngày.
Hội thao quân sự: Chiến sĩ DQTV với quân số 40 người, thời gian 15 ngày.
Hội thao khác: Cán bộ, Chiến sĩ DQTV với quân số 20 người, thời gian 15 ngày.
Hằng năm căn cứ vào kế hoạch tổ chức hội thi, hội thao của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu 2, cơ quan quân sự các cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp xây dựng kế hoạch huy động lượng DQTV tham gia cho phù hợp.
2.4. Diễn tập
- Cấp tỉnh: 05 năm 01 lần, mỗi lần huy động 200 Dân quân, thời gian 30 ngày.
- Cấp huyện: Mỗi huyện 05 năm 01 lần, mỗi lần huy động 100 Dân quân, thời gian 30 ngày.
- Cấp xã: Mỗi xã 05 năm 01 lần, mỗi lần huy động 50 Dân quân, thời gian 10 ngày.
3.1. Trực sẵn sàng chiến đấu các ngày lễ, tết, sự kiện quan trọng của đất nước: Dự kiến mỗi năm tổ chức trực 08 lần/01 xã, mỗi lần huy động 01 tiểu đội, quân số là 09 đồng chí; thời gian huy động 04 ngày/lần.
3.2. Tham gia phối hợp trong giữ gìn ANCT-TTATXH: Dự kiến mỗi năm huy động 15 lần/xã, mỗi lần huy động 01 tổ, quân số 03 đồng chí, thời gian huy động 03 ngày/lần.
3.3. Tham gia phòng, chống khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ; tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ: Dự kiến mỗi năm huy động 05 lần/xã, mỗi lần huy động 01 tiểu đội, quân số là 09 đồng chí, thời gian huy động 03 ngày/lần
3.4. Tham gia phối hợp tuần tra bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia: Dự kiến mỗi năm huy động 12 lần/xã, mỗi lần huy động 01 tiểu đội, quân số là 09 đồng chí, thời gian huy động 03 ngày/lần.
Căn cứ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, cơ quan quân các cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp để huy động lực lượng DQTV bảo đảm xử lý có hiệu quả các tình huống xảy ra trên địa bàn.
4. Bảo đảm sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, hoạt động cho DQTV
4.1. Bảo đảm về vũ khí trang bị
4.1.1. Bảo đảm vũ khí, vật liệu nổ quân dụng
Tổ chức biên chế vũ khí, vật liệu nổ quân dụng cho DQTV thực hiện theo Thông tư số 76/2020/TT-BQP ngày 23/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định trang bị, đăng ký, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật của DQTV.
4.1.2. Công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật
Ngoài vũ khí trang bị theo quy định, căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể của địa phương, Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp bảo đảm vũ khí thô sơ cho lực lượng Dân quân theo quy định tại khoản 2, Điều 8 Thông tư số 76/2020/TT-BQP ngày 23/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
4.2. Bảo đảm về cơ sở vật chất
4.2.1. Trụ sở làm việc của Ban CHQS cấp xã trong giai đoạn 2021 - 2025: Dự kiến mỗi huyện, thị xã, thành phố nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới 30% (khi có kinh phí đầu tư bổ sung). Đối với các xã, phường, thị trấn chưa có điều kiện xây dựng trụ sở làm việc riêng thì bố trí phòng làm việc đủ diện tích làm việc, sinh hoạt cho Ban CHQS cấp xã và lực lượng Dân quân khi tham gia trực sẵn sàng chiến đấu.
4.2.2. Trang thiết bị làm việc của Ban CHQS xã: Căn cứ Điều 5, Chương II, Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ, Ban CHQS cấp xã từng bước bảo đảm trang thiết bị làm việc theo đúng quy định của Chính phủ.
5.1. Tổng kinh phí thực hiện Đề án
- Tổng kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2021 - 2025 được tạm tính là 481.166.765.000 đồng (Bốn trăm tám mươi mốt tỷ, một trăm sáu mươi sáu triệu, bảy trăm sáu mươi lăm nghìn đồng), gồm các khoản kinh phí sau:
Chi mua sắm trang phục: 76.517.025.000 đồng.
Chi trả chế độ phụ cấp hằng tháng, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên, phụ cấp đặc thù quốc phòng: 124.892.975.000 đồng.
Chi đào tạo hoàn thiện trình độ Trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ quân sự Ban CHQS cấp xã: 1.229.200.000 đồng.
Chi tập huấn cán bộ, huấn luyện chiến sĩ, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, trợ cấp một lần đối với dân quân thường trực: 164.417.275.000 đồng.
Chi diễn tập, hội thi, hội thao, hoạt động của lực lượng DQTV: 108.430790.000 đồng
Chi cho công tác tuyên truyền, phổ biến, sơ kết, tổng kết và chi dự phòng: 5.679.500.000 đồng.
5.2. Phân kỳ bảo đảm kinh phí hằng năm
Dự chi trong các năm cụ thể như sau:
Năm 2021 = 98.317.584.000 đồng.
Năm 2022 = 96.679.345.000 đồng.
Năm 2023 = 96.879.992.000 đồng.
Năm 2024 = 94.891.327.000 đồng.
Năm 2025 = 94.398.517.000 đồng.
5.3. Nguồn kinh phí thực hiện
- Ngân sách Nhà nước bảo đảm cho Dân quân tự vệ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành. Việc lập, chấp hành và quyết toán ngân sách thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Kinh phí bảo đảm cho tự vệ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập thực hiện nhiệm vụ chi theo quy định tại Điều 39 của Luật Dân quân tự vệ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc lập dự toán, thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện theo chế độ kế toán tài chính áp dụng đối với các đơn vị.
- Các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
6.1. Từ nay đến hết năm 2022
- Tổ chức tuyên truyền, quán triệt triển khai Đề án đến 100% các cơ sở DQTV và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Hướng dẫn các cơ sở tổ chức xây dựng, củng cố lực lượng DQTV đúng, đủ thành phần theo quy định.
- Tổ chức các lớp tập huấn cán bộ, huấn luyện lực lượng DQTV với quân số tham gia từ 94% trở lên; cử đi đào tạo trình độ Trung cấp, Cao đẳng, Đại học theo chỉ tiêu của cấp trên giao.
- Xây dựng kế hoạch, quy chế phối hợp hoạt động của lực lượng DQTV với các lực lượng khác theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.
- Bảo đảm chế độ chính sách cho lực lượng DQTV, mua sắm trang phục theo quy định của Chính phủ.
6.2. Năm 2023
- Kiện toàn, nâng cao chất lượng lực lượng DQTV, phấn đấu 100% cán bộ Thôn đội trưởng, Trung đội trưởng Dân quân cơ động là đảng viên.
- Tổ chức tập huấn cán bộ, huấn luyện, hội thi, hội thao và hoạt động của lực lượng DQTV đạt chất lượng hiệu quả.
- Tổ chức 01 lớp hoàn thiện trình độ Trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại Trung đoàn 741 và cử đi đào tạo trình độ Trung cấp, Cao đẳng, Đại học theo chỉ tiêu của cấp trên giao.
- Bảo đảm chế độ chính sách cho lực lượng DQTV, mua sắm trang phục theo quy định của Chính phủ.
- Tổ chức sơ kết vào quý I năm 2023 (Có thể ghép vào kế hoạch tổng kết công tác quốc phòng, quân sự địa phương của tỉnh).
6.3. Năm 2024
- Tổ chức tập huấn cán bộ, huấn luyện, hội thi, hội thao và hoạt động của lực lượng DQTV đạt chất lượng hiệu quả; cử đi đào tạo trình độ Trung cấp, Cao đẳng, Đại học theo chỉ tiêu của cấp trên giao.
- Bảo đảm chế độ chính sách cho lực lượng DQTV, mua sắm trang phục theo quy định của Chính phủ.
6.4. Đến hết năm 2025
- Kiện toàn, nâng cao chất lượng lực lượng DQTV, phấn đấu tỷ lệ đảng viên trong DQTV đạt 25%.
- Tổ chức tập huấn cán bộ, huấn luyện, hội thi, hội thao và hoạt động của lực lượng DQTV đạt chất lượng hiệu quả, cử đi đào tạo trình độ Cao đẳng, Đại học theo chỉ tiêu của cấp trên giao; phấn đấu cán bộ quân sự Ban CHQS cấp xã có 70% đạt trình độ Cao đẳng, Đại học ngành quân sự cơ sở.
- Tổ chức tổng kết vào quý IV năm 2025.
7.1. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị thường xuyên phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội và cơ quan quân sự các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành có nhận thức đúng đắn, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng lực lượng vũ trang địa phương tại chỗ, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, xây dựng lực lượng, huấn luyện, hoạt động bảo đảm chế độ chính sách cho DQTV theo các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh.
7.2. Xây dựng lực lượng DQTV trước hết là xây dựng về chất lượng chính trị, bảo đảm là lực lượng trung thành, đáng tin cậy của Đảng; là một trong những công cụ chủ yếu để bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân ở cơ sở.
7.3. Chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng của lực lượng DQTV phòng không, cơ động, thường trực; với phương châm xây dựng đến đâu chắc đến đó, gắn với việc đổi mới và nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh toàn diện, đặc biệt là các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng trọng điểm về quốc phòng - an ninh.
7.4. Gắn nhiệm vụ xây dựng lực lượng DQTV với xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân ở địa phương.
7.5. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và xử lý kịp thời những tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức xây dựng lực lượng DQTV; phát huy những mặt tích cực, tiến bộ, khắc phục những tồn tại, yếu kém nhằm xây dựng lực lượng DQTV thực sự tin cậy, chất lượng, hiệu quả.
7.6. Làm tốt công tác thi đua khen thưởng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong xây dựng tổ chức, hoạt động lực lượng DQTV; chú trọng việc kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án; kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh các mục tiêu cho phù hợp.
7.7. Bảo đảm kinh phí và các nguồn lực khác cho công tác xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng DQTV.
- Là cơ quan thường trực có trách nhiệm chủ trì, phối hợp cùng các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Đề án
- Hàng năm lập kế hoạch xây dựng lực lượng DQTV, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tư lệnh Quân khu 2. Chỉ đạo, hướng dẫn cho Ban Chỉ huy quân sự các huyện, thị xã, thành phố, Ban Chỉ huy quân sự các cơ quan, tổ chức cơ sở lập kế hoạch xây dựng DQTV; triển khai thực hiện công tác DQTV chặt chẽ, chất lượng và hiệu quả. Phối hợp hướng dẫn, kiểm tra việc lập dự toán ngân sách bảo đảm cho công tác xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng DQTV trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng lực lượng DQTV gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ của tỉnh ngày càng vững chắc.
- Hằng năm, tổ chức thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các ngành liên quan giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm trong lĩnh vực về DQTV và tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo việc sơ kết, tổng kết công tác DQTV, giáo dục quốc phòng và an ninh ở các địa phương, cơ sở, tổng hợp báo cáo và tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các nội dung có liên quan để chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án đã ban hành.
Phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Sở Tài chính tỉnh và các cơ quan liên quan lập kế hoạch cân đối ngân sách thực hiện các nội dung trong Đề án đã xác định, phân kỳ đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới trụ sở làm việc của Ban CHQS cấp xã theo mục tiêu của Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 07/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh giai đoạn 2021 - 2025.
Chủ trì, phối hợp với Bộ CHQS tỉnh và các cơ quan có liên quan hằng năm căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa phương để tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Đề án theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành; hướng dẫn, kiểm tra việc lập dự toán và thanh quyết toán ngân sách nhà nước bảo đảm cho thực hiện Đề án ở các cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Dân quân tự vệ.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp với Bộ CHQS tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh thống nhất việc quản lý, sử dụng đất thao trường, bãi tập phục vụ cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập, hội thi, hội thao của DQTV; đất xây dựng trụ sở làm việc của Ban CHQS cấp xã.
Chủ trì, phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, các Sở, ngành có liên quan hướng dẫn các địa phương thiết kế, triển khai xây dựng trụ sở làm việc của Ban CHQS cấp xã theo quy định của pháp luật hiện hành.
6. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh và các cơ quan, ban, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chế độ chính sách đối với Dân quân chưa tham gia bảo hiểm xã hội và chế độ chính sách đối với DQTV bị chết, hy sinh, bị thương theo quy định của Luật DQTV, Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật DQTV về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ chính sách đối với DQTV.
Chủ trì, phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh về công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã theo quy định của Luật Dân quân tự vệ, Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT-BNV-BQP ngày 10/04/2013 của Bộ Nội vụ - Bộ Quốc phòng và theo phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức của UBND tỉnh.
8. Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cấp tỉnh quản lý
Hàng năm tham mưu cho cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch công tác DQTV, giáo dục quốc phòng-an ninh, tổ chức biên chế và tổ chức huấn luyện, hoạt động của lực lượng tự vệ thuộc quyền theo quy định của pháp luật.
9. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Tổ chức quán triệt, triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án của UBND tỉnh.
- Phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các ngành có liên quan khảo sát quy hoạch vị trí, diện tích xây dựng trụ sở làm việc của Ban CHQS cấp xã và quy hoạch đất thao trường, bảo đảm cho huấn luyện, diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã.
- Chỉ đạo UBND cấp xã quy hoạch nguồn để cử đi đào tạo và bố trí sắp xếp đối với cán bộ quân sự Ban CHQS cấp xã theo quy định.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện và thực hiện các chế độ chính sách đối với lực lượng DQTV theo quy định của Luật Dân quân tự vệ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở DQTV hằng năm lập dự toán ngân sách và quyết toán ngân sách bảo đảm cho lực lượng DQTV theo quy định của Luật Dân quân tự vệ và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc tổ chức, xây dựng và hoạt động của lực lượng DQTV theo thẩm quyền.
10. UBND các xã, phường, thị trấn
- Tổ chức quán triệt và chỉ đạo Ban CHQS cấp xã hằng năm lập kế hoạch xây dựng lực lượng DQTV; dự toán ngân sách bảo đảm công tác quốc phòng, quân sự ở xã, phường, thị trấn, công tác DQTV, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, trình UBND cùng cấp và Ban CHQS cấp huyện phê duyệt để tổ chức thực hiện.
- Bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng DQTV và chính sách hậu phương quân đội theo quy định của pháp luật./.
- 1Nghị quyết 22/2011/NQ-HĐND về tổ chức, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ thành phố Hải Phòng giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020
- 2Nghị quyết 146/2016/NQ-HĐND về Kế hoạch tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ thành phố Hải Phòng giai đoạn 2017-2020
- 3Nghị quyết 108/2021/NQ-HĐND quy định về một số chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
- 4Nghị quyết 56/NQ-HĐND năm 2021 thông qua Đề án Tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ chính sách cho lực lượng Dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2025
- 5Nghị quyết 03/2021/NQ-HĐND quy định về chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn thành phố Cần Thơ
- 6Nghị quyết 46/NQ-HĐND năm 2021 phê duyệt Đề án “Tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An”
- 1Luật dân quân tự vệ năm 2009
- 2Quyết định 799/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Đề án đào tạo cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự xã phường, thị trấn trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở đến năm 2020 và những năm tiếp theo do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Kết luận 41-KL/TW tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên trong tình hình mới do Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành
- 4Thông tư liên tịch 01/2013/TTLT-BNV-BQP hướng dẫn quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn do Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Bộ Quốc phòng ban hành
- 5Nghị quyết 22/2011/NQ-HĐND về tổ chức, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ thành phố Hải Phòng giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020
- 6Luật ngân sách nhà nước 2015
- 7Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 8Nghị định 03/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Dân quân tự vệ
- 9Luật Dân quân tự vệ 2019
- 10Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 11Nghị định 72/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ
- 12Nghị quyết 146/2016/NQ-HĐND về Kế hoạch tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ thành phố Hải Phòng giai đoạn 2017-2020
- 13Nghị quyết 43/NQ-HĐND năm 2021 phê chuẩn Đề án tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025
- 14Nghị quyết 108/2021/NQ-HĐND quy định về một số chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
- 15Nghị quyết 56/NQ-HĐND năm 2021 thông qua Đề án Tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ chính sách cho lực lượng Dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2025
- 16Nghị quyết 03/2021/NQ-HĐND quy định về chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn thành phố Cần Thơ
- 17Nghị quyết 46/NQ-HĐND năm 2021 phê duyệt Đề án “Tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An”
Quyết định 1640/QĐ-UBND năm 2021 về Đề án tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025
- Số hiệu: 1640/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 07/09/2021
- Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
- Người ký: Lê Thành Đô
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra