Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 118/QĐ-UBND

Đồng Xoài, ngày 14 tháng 01 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG ĐỀ ÁN HỖ TRỢ ĐẤT SẢN XUẤT, ĐẤT Ở, NHÀ Ở VÀ NƯỚC SINH HOẠT CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ NGHÈO, ĐỜI SỐNG KHÓ KHĂN QUY ĐỊNH TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 1592/QĐ-TTG NGÀY 12/10/2009 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn;

Căn cứ Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt đến năm 2010 cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn;

Xét đề nghị của Ban Dân tộc tại Tờ trình số 01/TTr-BDT ngày 07/01/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đề án điều chỉnh, bổ sung đề án hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn quy định tại Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh với nội dung như sau:

1. Tổng số hộ rà soát đề nghị bổ sung thụ hưởng chính sách

- Số hộ không có, thiếu đất sản xuất là: 569 hộ.

- Số hộ không có, thiếu đất ở là: 379 hộ.

- Số hộ thiếu nhà ở là: 750 hộ.

- Số hộ thiếu nước sinh hoạt: 1.679 hộ.

- Số hộ cần hỗ trợ để chuyển đổi ngành nghề về mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ cho các hộ sản xuất nông nghiệp hoặc vốn để làm các ngành nghề khác là 662 hộ.

- Số lao động cần hỗ trợ để đạo tạo nghề là 1.208 lao động.

- Số lao động cần hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề sau đào tạo nghề: 78 lao động.

- Số lao động cần hỗ trợ đi xuất khẩu lao động: 34 lao động.

2. Tổng nhu cầu vốn để thực hiện:

Tổng nhu cầu nguồn vốn thực hiện các chỉ tiêu hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt, chuyển đổi ngành nghề, xuất khẩu lao động là: 30.088 triệu đồng. Trong đó:

- Vốn Trung ương hỗ trợ: 13.315 triệu đồng.

- Vốn địa phương lồng ghép, đối ứng 20% là: 2.663 triệu đồng.

- Vốn vay từ Ngân hành Chính sách Xã hội: 14.110 triệu đồng.

3. Nhu cầu kinh phí thực hiện theo từng chỉ tiêu

a. Hỗ trợ về nhà ở:

Tổng số 750 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn đang cần được hỗ trợ nhà ở của chính sách; UBND tỉnh giao Sở Xây dựng - Thường trực Ban Điều phối hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, bổ sung số hộ này vào kế hoạch thực hiện chương trình của tỉnh, tham mưu UBND tỉnh báo cáo các bộ ngành Trung ương về nhu cầu thực hiện tăng thêm của tỉnh để được xem xét, cấp bổ sung vốn thực hiện.

b. Hỗ trợ về đất ở:

Tổng số 379 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn đang cần hỗ trợ đất ở thì chính quyền địa phương các cấp sẽ xem xét tạo quỹ đất giao cho các hộ chưa có đất ở.

c. Hỗ trợ về đất sản xuất:

Tổng số 569 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn đang cần hỗ trợ đất sản xuất; mức kinh phí thực hiện như sau:

Tổng nhu cầu kinh phí hỗ trợ đất sản xuất là 12.518 triệu đồng. Cụ thể:

- Ngân sách TW hỗ trợ: 569 hộ x 10 triệu đồng/hộ = 5.690 triệu đồng.

- Ngân sách tỉnh (hỗ trợ đối ứng 20% ngân sách Trung ương): 569 hộ x 2 triệu đồng/hộ = 1.138 triệu đồng.

- Vay vốn Ngân hàng CSXH: 569 hộ x 10 triệu đồng/hộ = 5.690 triệu đồng.

d. Hỗ trợ về nước sinh hoạt:

Tổng số 1.679 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn đang cần hỗ trợ nước sinh hoạt (phân tán theo hộ); mức kinh phí thực hiện hỗ trợ là 2.014,8 triệu đồng. Cụ thể:

- Ngân sách TW hỗ trợ: 1.679 hộ x 01 triệu đồng/hộ = 1.679 triệu đồng.

- Ngân sách tỉnh (hỗ trợ đối ứng 20% ngân sách Trung ương): 1.679 hộ x 0,2 triệu đồng/hộ = 335,8 triệu đồng.

e. Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề:

Tổng số 1.948 hộ, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn đang cần hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề; mức kinh phí thực hiện 14.412,8 triệu đồng (Ngân sách Trung ương hỗ trợ 5.844 triệu đồng; Ngân sách tỉnh, đối ứng lồng ghép 20% là 1.168,8 triệu đồng; vay vốn Ngân hàng CSXH là 7.400 triệu đồng).

Trong đó:

* Hỗ trợ vốn để mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp hoặc vốn để làm các ngành nghề khác là: 662 hộ; mức kinh phí: 9.003,2 triệu đồng. Cụ thể:

- Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 662 hộ x 3 triệu đồng/hộ = 1.986 triệu đồng.

- Vốn đối ứng của địa phương và vốn khác: 662 hộ x 0,6 triệu đồng/hộ = 397,2 triệu đồng.

- Vay vốn Ngân hàng CSXH: 662 hộ x 10 triệu đồng/hộ = 6.620 triệu đồng.

* Hỗ trợ học nghề:

Nhu cầu được học nghề để chuyển đổi ngành nghề 1.208 lao động; mức kinh phí hỗ trợ là: 4.348,8 triệu đồng. Cụ thể:

- Ngân sách TW hỗ trợ: 1.208 lao động x 3 triệu đồng = 3.624 triệu đồng.

- Vốn đối ứng của địa phương và vốn khác: 1.208 lao động x 0,6 triệu đồng = 724,8 triệu đồng.

* Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề sau khi học nghề:

Nhu cầu được chuyển đổi ngành nghề sau khi học nghề là 78 lao động; mức kinh phí hỗ trợ 1.060,8 triệu đồng. Cụ thể:

- Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 78 lao động x 3 triệu đồng = 234 triệu đồng.

- Vốn đối ứng của địa phương và vốn khác: 78 lao động x 0,6 triệu đồng = 46,8 triệu đồng.

- Vay vốn Ngân hàng CSXH: 78 lao động x 10 triệu đồng = 780 triệu đồng.

f. Hỗ trợ xuất khẩu lao động:

Tổng số 34 lao động là dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn đang cần hỗ trợ xuất khẩu lao động; mức kinh phí thực hiện 1.142,4 triệu đồng. Cụ thể:

- Ngân sách TW hỗ trợ: 34 lao động x 3 triệu đồng = 102 triệu đồng.

- Vốn đối ứng của địa phương và vốn khác: 34 lao động x 0,6 triệu đồng = 20,4 triệu đồng.

- Vay vốn Ngân hàng CSXH: 34 lao động x 30 triệu đồng = 1.020 triệu đồng.

(Kèm theo nội dung Đề án điều chỉnh)

Điều 2. Các ông/bà Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc, Giám đốc: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Xây dựng, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Tấn Thiệu

 

ĐỀ ÁN

ĐIỂU CHỈNH, BỔ SUNG ĐỀ ÁN HỖ TRỢ ĐẤT SẢN XUẤT, ĐẤT Ở, NHÀ Ở VÀ NƯỚC SINH HOẠT ĐẾN NĂM 2010 CHO HỘ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ NGHÈO, ĐỜI SỐNG KHÓ KHĂN QUI ĐỊNH TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 1592/QĐ-TTG NGÀY 12/10/2009 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Kèm theo Quyết định số: 118 /QĐ-UBND ngày 14 /01 / 2010 của UBND tỉnh)

PHẦN I

ĐẶC ĐIỂM CHUNG TÌNH HÌNH ĐỜI SỐNG VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ CỦA TỈNH

I . ĐẶC ĐIỂM CHUNG

1. Vị trí - diện tích - dân số

Bình Phước là tỉnh miền núi, nằm trong khu vực miền Đông Nam Bộ; với vị trí địa lý như sau: phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và Campuchia, phía Bắc giáp tỉnh Đắk Nông và Campuchia, phía Nam giáp tỉnh Bình Dương; có 240 km đường biên giới với Vương quốc Campuchia. Diện tích tự nhiên 6.874,41 km2; có 41 thành phần dân tộc sinh sống với tổng dân số là 194.435 hộ/874.961 người, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số có 36.572 hộ/164.576 người, chiếm gần 19% dân số toàn tỉnh.

2. Đơn vị hành chính

Toàn tỉnh có 07 huyện và 03 thị xã, với 110 xã, phường, thị trấn (gồm 91 xã, 14 phường và 05 thị trấn). Trong đó, có 20 xã và 21 thôn đặc biệt khó khăn được Chính phủ phê duyệt tiếp tục đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2006 - 2010.

3. Địa bàn sinh sống

Đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh sinh sống trên tất cả 07 huyện và 03 thị xã; một số sinh sống chung thành cộng đồng thôn, sóc riêng; còn lại phần lớn sinh sống đan xen với người kinh; một số sinh sống rải rác theo nương rẫy nên không được thụ hưởng các phúc lợi xã hội.

II. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC

Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình, dự án đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như: Chương trình 134, 135, 160, 168, 193, 32, TGTC… đến nay tình hình sản xuất, đời sống kinh tế - xã hội trên một số mặt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khá hơn và đã có những chuyển biến đáng kể, một số hộ đồng bào dân tộc đã định canh, định cư có cuộc sống ổn định và đang trên đà phát triển, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh tế hộ gia đình có hiệu quả, các vấn đề bức xúc của đồng bào từng bước được giải quyết. Tuy nhiên, do điểm xuất phát về kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số thấp, vốn đầu tư các chương trình còn hạn chế, nên hiệu quả đầu tư chưa cao; công tác tham mưu thực hiện chủ trương, chính sách ở các cấp còn hạn chế, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp mọi nguồn lực để phát triển vùng khó khăn này. Do đó, cuộc sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn thể hiện nổi bật qua các mặt sau:

- Đồng bào dân tộc còn sản xuất mang tính quãng canh và chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, chưa biết tiết kiệm đầu tư tái sản xuất nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn kéo dài chưa khắc phục được. Còn một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở tạm bợ, thiếu nước sinh hoạt, mức sống còn quá chênh lệch so với mức bình quân chung cả tỉnh, đang cần được sự hỗ trợ của Nhà nước và sự giúp đỡ của cộng đồng, xã hội.

- Cơ sở hạ tầng, vật chất kỷ thuật còn yếu kém; giao thông, thông tin, liên lạc còn khó khăn đã làm ảnh hưởng đến tình hình thụ hưởng văn hoá văn minh của xã hội, hạn chế tiếp thu kiến thức, tiến bộ khoa học kỷ thuật nên hiệu quả sản xuất mang lại chưa cao dẫn đến đói nghèo.

- Nguồn lao động tại chỗ dồi dào nhưng trình độ dân trí thấp và chưa được đào tạo nghề nên không có việc làm ổn định đời sống bấp bênh; qua nếp sống tự cung tự cấp, một số phong tục tập quán cũ, lạc hậu chưa được xóa bỏ; ý thức tự vươn lên thoát nghèo chưa cao, một số hộ còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

Bên cạnh đó, một bộ phận hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có tư liệu sản xuất, nhà ở tạm bợ, thu nhập chủ yếu từ đi làm thuê, mướn, mót mủ cao su,… đời sống rất bấp bênh nhưng chưa được đưa vào diện hộ nghèo để được thụ hưởng các chính sách; do tại thời điểm điều tra hộ nghèo để lập đề án 134 giai đoạn 2005 - 2008 (theo tiêu chí hộ nghèo quy định tại Quyết định số 1143), những hộ này có thu nhập cao hơn mức chuẩn nghèo quy định. Ngoài ra, do quen lối sống du canh du cư, một bộ phận hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa ý thức được tầm quan trọng của đất sản xuất nên bán đất để giải quyết khó khăn trước mắt; sau đó đi phá rừng, cất nhà, làm rẫy sinh sống trên địa phận đất lâm trường; khi có chủ trương thu hồi lại đất lâm phần bị xâm canh trái phép thì một bộ phận hộ đồng bào dân tộc thiểu số bản địa lại rơi vào cảnh không có nhà ở, đất ở, đất sản xuất, cuộc sống khó khăn.

Mặt khác, do nhận thức được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số trước đây sống chung theo dòng tộc nay cũng tách hộ để được thụ hưởng các chính sách.

Hiện nay, tỉnh Bình Phước còn 5.521 hộ/12.645 người là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, chiếm tỷ lệ 43,6% trên tổng số hộ đồng bào dân tộc, chiếm 16,2% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Ngoài ra, tình trạng dân di cư từ các tỉnh khác đến với số lượng lớn (1.972hộ/7.054 khẩu) đang là vấn đề khó khăn trong việc giải quyết ổn định dân cư của địa phương.

PHẦN II

NỘI DUNG ĐỀ ÁN HỖ TRỢ ĐẤT SẢN XUẤT, ĐẤT Ở, NHÀ Ở VÀ NƯỚC SINH HOẠT CHO HỘ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ NGHÈO, ĐỜI SỐNG KHÓ KHĂN ĐẾN NĂM 2010

I/ SỰ CẦN THIẾT VÀ NHỮNG CĂN CỨ PHÁP LÝ ĐỂ LẬP ĐỀ ÁN

1. Sự cần thiết phải xây dựng đề án

Xuất phát từ thực trạng đời sống kinh tế - xã hội của bà con đồng bào dân tộc thiểu số, yêu cầu đặt ra cho chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương phải xem xét hỗ trợ cho số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, thiếu và không có đất để phát triển sản xuất, nhà ở còn tạm bợ, thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh; đang cần được sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Nhằm tạo điều kiện cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển sản xuất theo định hướng kinh tế thị trường XHCN, từng bước tăng thu nhập, vươn lên xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống; đảm bảo đời sống kinh tế của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số được bền vững, tư tưởng ổn định, yên tâm lao động sản xuất, khối đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường góp phần giữ vững an ninh chính trị vùng trọng điểm miền núi nói riêng và cả nước nói chung. Do đó, việc xây dựng đề án bổ sung chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn đến năm 2010 là một nhiệm vụ quan trọng.

2. Những căn cứ pháp lý để lập đề án

Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt đến năm 2010 cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn;

Thông báo số 153/TB-VPCP ngày 11/5/2009 của Văn phòng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Quyết định 134/2004/QĐ-TTg đến hết năm 2010 để thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ còn lại của đề án đã được duyệt, đồng thời rà soát bổ sung đối tượng hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định 170/2005/QĐ-TTg ngày 08/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

Công văn số 510/UBDT-CSDT ngày 06/7/2009 của Ủy ban Dân tộc về việc rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn.

Công văn số 880/UBDT-CSDT ngày 05/11/2009 của Ủy ban Dân tộc về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định 1592/QĐ-TTg.

Công văn số 1537/UBND-VX ngày 26/5/2009 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung Đề án triển khai thực hiện Quyết định 134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Công văn số 2451/UBND-VX ngày 03/8/2009 của UBND tỉnh về việc khẩn trương báo cáo kết quả rà soát đối tượng thụ hưởng Chương trình 134 của Thủ tướng Chính phủ.

Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 14/12/2009 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

II. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ÁP DỤNG, NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

1. Mục tiêu

Nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống và sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khăn, giúp đồng bào có điều kiện để phát triển sản xuất sớm vươn lên thoát cảnh nghèo nàn, lạc hậu. Thông qua việc thực hiện chính sách đảm bảo cho đồng bào có đất sản xuất, đất ở, nhà ở và có đủ nước sinh hoạt; tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc nghèo có cuộc sống ổn định, yên tâm lao động sản xuất, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng.

2. Đối tượng thụ hưởng chính sách

Hộ đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng chính sách quy định tại Quyết định số 1592/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo tiêu chí hộ nghèo quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ, sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp, không có hoặc còn thiếu đất sản xuất theo định mức quy định (0,25 ha đối với đất ruộng lúa 01 vụ; 0,15 ha đối với đất ruộng lúa 02 vụ hoặc 0,5 ha đối với đất nương rẫy, đất nuôi trồng thủy sản); hộ có khó khăn về nước sinh hoạt; chưa được thụ hưởng các chính sách quy định tại Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ.

- Hộ dân tộc thiểu số (kể cả hộ chỉ có vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số); có hộ khẩu thường trú tại địa phương; hộ bỏ đi nơi khác nay trở về quê cũ trước thời điểm Quyết định số 1592/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành, được UBND cấp xã xác nhận. Hộ di dân tự do được đưa vào kế hoạch định cư của địa phương.

- Việc bình xét hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa có hoặc chưa đủ đất sản xuất, nước sinh hoạt phải được tiến hành từ cơ sở thôn, ấp; đảm bảo công khai, dân chủ thông qua các tổ chức đoàn thể, được UBND cấp xã xem xét, trình UBND cấp huyện kiểm tra, tổng hợp trình UBND tỉnh.

3. Phạm vi áp dụng

Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp được áp dụng trên phạm vi toàn tỉnh.

4. Nguyên tắc chỉ đạo thực hiện

a. Hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt trực tiếp đến hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn.

b. Bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, công khai, công bằng đến từng hộ, buôn, làng trên cơ sở pháp luật và chính sách của Nhà nước;

c. Phù hợp với phong tục, tập quán của mỗi dân tộc, vùng miền, giữ gìn bản sắc văn hóa của từng dân tộc; phù hợp với điều kiện thực tiễn và gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

d. Hỗ trợ đất ở gắn với hỗ trợ nhà ở, thực hiện theo phương châm “nhân dân tự làm, nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ”;

e. Các hộ được hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt phải sử dụng đúng mục đích để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống góp phần xóa đói giảm nghèo; không được chuyển nhượng, tặng, cho, cầm cố, cho thuê đất sản xuất trong thời gian 10 năm kể từ ngày được nhà nước giao đất; hộ được cấp đất sản xuất, đất ở, nhà ở khi di chuyển đi nơi khác sinh sống (ngoài địa bàn xã, phường, thị trấn) có trách nhiệm giao đất ở, đất sản xuất đã được hỗ trợ cho chính quyền xã (xã, phường, thị trấn) quản lý; đối với hộ di chuyển đến nơi ở mới sinh sống theo quy hoạch của Nhà nước thì tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở theo quy định tại Quyết định này.

f. Lao động được hỗ trợ một phần kinh phí để đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp phải sử dụng kinh phí đúng mục đích thông qua các cơ sở đào tạo nghề tại địa phương hoặc kết hợp với chính sách hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp.

III. CÁC QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH

1. Các chỉ tiêu hỗ trợ của chính sách

Việc bổ sung đề án 134 của tỉnh để thực hiện đến năm 2010 chỉ tập trung thực hiện việc hỗ trợ về đất sản xuất và nước nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đủ điều kiện được thụ hưởng Quyết định số 1592/QĐ-TTg.

Riêng chỉ tiêu hỗ trợ về nhà ở: thực hiện theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Hỗ trợ đất ở cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo gắn với hỗ trợ về nhà ở; chính quyền địa phương các cấp tạo quỹ đất giao cho các hộ chưa có đất ở.

2. Hỗ trợ đất sản xuất:

Đối với các huyện, thị còn quỹ đất để thực hiện việc hỗ trợ thì thực hiện hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất. Đối với các huyện, thị không có quỹ đất để thực hiện thì hỗ trợ theo hình thức khác (giao khoán bảo vệ và trồng rừng; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề; hỗ trợ đi xuất khẩu lao động; …)

a. Hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất:

- Định mức đất sản xuất hỗ trợ: căn cứ theo mức bình quân chung và tùy thuộc vào khả năng quỹ đất hiện có của địa phương mà thực hiện việc hỗ trợ. Nhưng tối thiểu cho mỗi hộ là 0,25 ha đối với đất ruộng lúa 01 vụ; 0,15 ha đối với đất ruộng lúa 02 vụ hoặc 0,5 ha đối với đất nương rẫy, đất nuôi trồng thủy sản.

- Những hộ không có đất sản xuất hoặc có đất sản xuất chưa đủ định mức tối thiểu theo quy định nêu trên thì được hỗ trợ đất sản xuất; chính quyền địa phương căn cứ vào nhu cầu, khả năng lao động, sản xuất và số nhân khẩu của từng hộ để giao đất sản xuất.

- Mức hỗ trợ: ngân sách Trung ương hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ và được vay tín dụng không quá 10 triệu đồng/hộ (trong thời gian 5 năm với mức lãi suất bằng 0%). Tùy thuộc vào giá đất ở địa phương mà UBND huyện, thị quyết định giao đất cho hộ diện tích lớn hơn so với mức quy định trên.

- Các Công ty cao su, Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các hợp tác xã được giao nhiệm vụ tổ chức cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất sẽ được ngân sách Trung ương hỗ trợ bình quân 10 triệu đồng/ha để khai hoang, làm đường giao thông, đầu tư lưới điện, xây dựng công trình thủy lợi nhỏ.

- Quỹ đất sản xuất để giao cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, bao gồm: đất công Nhà nước thu hồi theo quy hoạch, đất thu hồi từ các doanh nghiệp, các ban quản lý rừng đang quản lý nhưng sử dụng kém hiệu quả, thu hồi do được giao không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền, đất Nhà nước cho thuê hoặc cho mượn, đất chưa sử dụng, đất thu hồi từ các doanh nghiệp sử dụng sai mục đích hoặc đã giải thể, đất khai hoang, phục hóa, đất được hiến, mua, chuyển nhượng tự nguyện, người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất, cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế …; việc thu hồi phải thực hiện theo đúng Luật Đất đai và các quy định hiện hành.

b. Giao khoán bảo vệ và trồng rừng:

- Hộ gia đình không có hoặc thiếu đất sản xuất so với định mức quy định, có nhu cầu nhận khoán bảo vệ hoặc trồng rừng thì được chính quyền địa phương giao khoán bảo vệ rừng hoặc đất để trồng rừng tương ứng với phần đất sản xuất thiếu so định mức quy định.

- Định mức diện tích giao khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình tối đa không quá 30ha/hộ hoặc diện tích đất giao trồng rừng tối đa không quá 5ha/hộ.

- Đối với hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng được ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền công bảo vệ rừng là 200.000 đồng/ha/năm; hộ nhận đất trồng rừng được hưởng toàn bộ sản phẩm khi khai thác và được ngân sách Nhà nước hỗ trợ lần đầu vật tư, giống cây lâm nghiệp theo quy trình trồng rừng sản xuất từ 2 - 5 triệu đồng/ha; mức hỗ trợ cụ thể, căn cứ giá vật tư, giống cây do UBND các huyện, thị lập dự toán trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Căn cứ vào diện tích rừng cần phải bảo vệ, đất quy hoạch trồng rừng sản xuất trên địa bàn xã và số đối tượng có nhu cầu nhận khoán bảo vệ và trồng rừng, UBND xã, phối hợp với Ban quản lý rừng và UBND huyện lập phương án và tiến hành các thủ tục giao khoán bảo vệ và trồng rừng cho các đối tượng theo quy định hiện hành.

c. Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề:

- Đối với những hộ có lao động nhưng không có nhu cầu học nghề mà có nhu cầu vốn để mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ cho các hộ sản xuất nông nghiệp hoặc vốn để làm các ngành nghề khác được ngân sách Trung ương hỗ trợ 03 triệu đồng/hộ và được vay vốn tín dụng tối đa 10 triệu đồng/hộ trong thời gian 3 năm với mức lãi suất bằng 0%.

- Đối với những lao động có nhu cầu học nghề để chuyển đổi ngành nghề được ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa 03 triệu đồng/lao động; mức hỗ trợ cho từng lao động cụ thể căn cứ vào học phí, ngành nghề và thời gian học thực tế của lao động, UBND các huyện, thị lập dự toán trình UBND tỉnh quyết định.

- Đối với những lao động đã được hỗ trợ học nghề để chuyển đổi ngành nghề, sau khi học nghề nếu có nhu cầu vốn để mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ và các ngành nghề khác thì tiếp tục được hỗ trợ 03 triệu đồng/hộ và được vay vốn tối đa 10 triệu đồng/hộ trong thời gian 3 năm, với mức lãi suất bằng 0% để kinh doanh.

Những hộ, lao động chuyển đổi ngành nghề, ngoài việc được hưởng các chính sách nêu trên còn được hưởng các chính sách ưu đãi liên quan về dạy nghề theo quy định hiện hành. Ngoài mức hỗ trợ nêu trên, từng huyện, thị tùy theo khả năng nguồn ngân sách quyết định mức hỗ trợ thêm cho các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số.

d. Hỗ trợ đi xuất khẩu lao động:

- Đối với lao động đi xuất khẩu được ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí học nghề bình quân 03 triệu đồng/lao động; mức hỗ trợ cụ thể cho từng lao động: căn cứ vào học phí, ngành nghề và thời gian học thực tế của lao động để xem xét.

- Lao động đi xuất khẩu, ngoài hỗ trợ kinh phí học nghề, trước khi đi xuất khẩu còn được vay vốn tín dụng tối đa 30 triệu đồng/người; mức vay, thời gian vay cụ thể căn cứ vào nhu cầu và khả năng thực tế của từng đối tượng.

Ngoài mức hỗ trợ nêu trên, UBND các huyện, thị tùy theo khả năng nguồn ngân sách của mình mà quyết định mức hỗ trợ thêm cho lao động đi xuất khẩu.

3. Hỗ trợ nước sinh hoạt

a. Nước sinh hoạt phân tán (hộ): hộ dân tộc thiểu số nghèo khó khăn về nước sinh hoạt được Nhà nước hỗ trợ bình quân 01 triệu đồng/hộ để xây dựng bể chứa nước hoặc đào giếng nước và tự tạo nguồn nước sinh hoạt.

b. Đối với công trình cấp nước sinh hoạt tập trung:

- Tiếp tục đầu tư xây dựng những công trình giếng nước tập trung đang thực hiện dở dang, theo đề án 134 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1812/QĐ-UBND ngày 04/9/2008 của UBND tỉnh.

- Đối với những vùng đặc biệt khó khăn, thiếu nguồn nước, ngân sách Trung ương đầu tư theo chương trình mục tiêu riêng.

4. Hỗ trợ nhà ở và đất ở

a. Hỗ trợ nhà ở thực hiện theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.

b. Hỗ trợ đất ở gắn với hỗ trợ về nhà ở; chính quyền địa phương các cấp tạo quỹ đất giao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa có đất ở.

5. Điều kiện vay vốn

- Những hộ, lao động được xét cho vay vốn để phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề phải có phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể được chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội cấp xã, phường xác nhận hoặc hỗ trợ gia đình lập phương án.

- Những lao động đi xuất khẩu vay vốn, ngoài xác nhận của chính quyền cấp xã, phải có xác nhận của doanh nghiệp đưa người đi xuất khẩu lao động được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động và theo chính sách hiện hành về xuất khẩu lao động.

- Nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, người vay không phải trả lãi trong thời gian vay. Mỗi hộ có thể vay một lần hoặc vay nhiều lần, nhưng tổng mức vay các lần không được vượt quá mức quy định; được miễn phí làm thủ tục hành chính trong việc vay vốn. Thủ tục vay vốn, thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội quy định.

6. Nguồn vốn thực hiện và cấp phát, thanh toán vốn

a. Nguồn vốn thực hiện:

- Ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho tỉnh và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để thực hiện chính sách theo quy định hiện hành.

- Ngân sách tỉnh bảo đảm đối ứng tối thiểu 20% so với vốn ngân sách Trung ương và huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện chính sách.

b. Cấp phát, thanh toán vốn:

Việc cấp phát, thanh toán vốn thực hiện Quyết định số 1592/QĐ-TTg phải chặt chẽ, đảm bảo đúng mục tiêu, đúng đối tượng và theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Căn cứ Quyết định số 1592/QĐ-TTg, UBND các huyện, thị xây dựng định mức hỗ trợ cụ thể từng mục tiêu trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

7. Thời gian thực hiện

- UBND các huyện, thị khẩn trương thực hiện việc rà soát đối tượng để điều chỉnh, bổ sung đề án đã được phê duyệt trước đây, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt điều chỉnh lại đề án của địa phương theo nội dung hỗ trợ trong Quyết định 1592/QĐ-TTg. Thời gian thực hiện và trình đề án điều chỉnh về UBND tỉnh (thông qua Ban Dân tộc) trước ngày 30/01/2010.

- Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị và thành viên tổ chuyên viên giúp việc tổng hợp đề án đã điều chỉnh của UBND các huyện, thị để tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đề án chung của tỉnh và báo cáo các Bộ, ngành Trung ương. Thời gian thực hiện trước ngày 10/02/2010.

IV. KẾ HOẠCH XÂY DỰNG ĐỀ ÁN HỖ TRỢ ĐẤT SẢN XUẤT, ĐẤT Ở, NHÀ Ở VÀ NƯỚC SINH HOẠT CHO HỘ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ NGHÈO, ĐỜI SỐNG KHÓ KHĂN ĐẾN NĂM 2010

1. Đánh giá việc thực hiện chính sách

Quyết định 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 và Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ là một chủ trương, chính sách đúng đắn nhằm mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với cuộc sống của người dân nói chung và với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng; đồng thời cũng thể hiện sự quyết tâm xóa đói giảm nghèo, khẳng định bản chất ưu việt của chế độ ta nên đã được nhân dân đồng tình ủng hộ, hưởng ứng nhiệt liệt, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương giải quyết những bức xúc về đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc nhằm tạo điều kiện cho đồng bào có cuộc sống ổn định hơn, củng cố, nâng cao lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số vào Đảng và Nhà nước.

2. Kết quả rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách

Tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn được điều tra, rà soát để bổ sung đề án 134 của tỉnh như sau:

- Số hộ không có, thiếu đất sản xuất là: 569 hộ.

- Số hộ không có, thiếu đất ở là: 379 hộ.

- Số hộ thiếu nhà ở là: 750 hộ.

- Số hộ thiếu nước sinh hoạt: 1.679 hộ.

- Số hộ cần hỗ trợ để chuyển đổi ngành nghề về mua sắm nông cụ, máy móc là 662 hộ.

- Số lao động cần hỗ trợ để đạo tạo nghề là 1.208 lao động.

- Số lao động cần hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề sau đào tạo nghề: 78 lao động.

- Số lao động cần hỗ trợ đi xuất khẩu lao động: 34 lao động.

3. Nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách

a. Hỗ trợ về nhà ở:

Tổng số 750 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn đang cần được hỗ trợ nhà ở của chính sách; UBND tỉnh giao Sở Xây dựng - Thường trực Ban Điều phối hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, rà soát, bổ sung số hộ này vào kế hoạch thực hiện chương trình của tỉnh, tham mưu UBND tỉnh báo cáo các bộ ngành Trung ương về nhu cầu thực hiện tăng thêm của tỉnh để được xem xét, cấp bổ sung vốn thực hiện.

b. Hỗ trợ về đất ở:

Tổng số 379 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn đang cần hỗ trợ đất ở thì chính quyền địa phương các cấp sẽ xem xét tạo quỹ đất giao cho các hộ chưa có đất ở.

c. Hỗ trợ về đất sản xuất:

Tổng số 569 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn đang cần hỗ trợ đất sản xuất; mức kinh phí thực hiện như sau:

Tổng nhu cầu kinh phí hỗ trợ đất sản xuất là 12.518 triệu đồng. Cụ thể:

- Ngân sách TW hỗ trợ: 569 hộ x 10 triệu đồng/hộ = 5.690 triệu đồng.

- Ngân sách tỉnh (hỗ trợ đối ứng 20% ngân sách Trung ương): 569 hộ x 2 triệu đồng/hộ = 1.138 triệu đồng.

- Vay vốn tín dụng: 569 hộ x 10 triệu đồng/hộ = 5.690 triệu đồng.

d. Hỗ trợ về nước sinh hoạt:

Tổng số 1.679 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn đang cần hỗ trợ nước sinh hoạt (phân tán theo hộ); mức kinh phí thực hiện như sau:

Tổng nhu cầu kinh phí hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán (hộ) là 2.014,8 triệu đồng. Cụ thể:

- Ngân sách TW hỗ trợ: 1.679 hộ x 01 triệu đồng/hộ = 1.679 triệu đồng.

- Ngân sách tỉnh (hỗ trợ đối ứng 20% ngân sách Trung ương): 1.679 hộ x 0,2 triệu đồng/hộ = 335,8 triệu đồng.

e. Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề:

Tổng số 1.948 hộ, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn đang cần hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề; mức kinh phí thực hiện 14.412,8 triệu đồng (Ngân sách Trung ương hỗ trợ 5.844 triệu đồng; Ngân sách tỉnh, đối ứng lồng ghép 20% là 1.168,8 triệu đồng; Vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 7.400 triệu đồng). Trong đó:

* Hỗ trợ vốn để mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp hoặc vốn để làm các ngành nghề khác là: 662 hộ; mức kinh phí: 9.003,2 triệu đồng. Cụ thể:

- Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 662 hộ x 3 triệu đồng/hộ = 1.986 triệu đồng.

- Vốn đối ứng của địa phương và vốn khác: 662 hộ x 0,6 triệu đồng/hộ = 397,2 triệu đồng.

- Vay vốn tín dụng: 662 hộ x 10 triệu đồng/hộ = 6.620 triệu đồng.

* Hỗ trợ học nghề:

Nhu cầu được học nghề để chuyển đổi ngành nghề 1.208 lao động; mức kinh phí hỗ trợ là: 4.348,8 triệu đồng. Cụ thể:

- Ngân sách TW hỗ trợ: 1.208 lao động x 3 triệu đồng = 3.624 triệu đồng.

- Vốn đối ứng của địa phương và vốn khác: 1.208 lao động x 0,6 triệu đồng = 724,8 triệu đồng.

* Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề sau khi học nghề:

Nhu cầu được chuyển đổi ngành nghề sau khi học nghề là 78 lao động; mức kinh phí hỗ trợ 1.060,8 triệu đồng. Cụ thể:

- Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 78 lao động x 3 triệu đồng = 234 triệu đồng.

- Vốn đối ứng của địa phương và vốn khác: 78 lao động x 0,6 triệu đồng = 46,8 triệu đồng.

- Vay vốn tín dụng: 78 lao động x 10 triệu đồng = 780 triệu đồng.

f. Hỗ trợ xuất khẩu lao động:

Tổng số 34 lao động là dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn đang cần hỗ trợ xuất khẩu lao động; mức kinh phí thực hiện 1.142,4 triệu đồng. Cụ thể:

- Ngân sách TW hỗ trợ: 34 lao động x 3 triệu đồng = 102 triệu đồng.

- Vốn đối ứng của địa phương và vốn khác: 34 lao động x 0,6 triệu đồng = 20,4 triệu đồng.

- Vay vốn tín dụng: 34 lao động x 30 triệu đồng = 1.020 triệu đồng.

h. Tổng nhu cầu thực hiện:

Tổng nhu cầu nguồn vốn thực hiện các chỉ tiêu hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt, chuyển đổi ngành nghề, xuất khẩu lao động là: 30.088 triệu đồng. Trong đó:

- Vốn Trung ương hỗ trợ: 13.315 triệu đồng.

- Vốn địa phương lồng ghép, đối ứng 20% là: 2.663 triệu đồng.

- Vốn vay từ Ngân hành Chính sách xã hội: 14.110 triệu đồng.

(Kèm theo các biểu tổng hợp nhu cầu của huyện, thị)

PHẦN III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN HỖ TRỢ ĐẤT SẢN XUẤT, ĐẤT Ở, NHÀ Ở VÀ NƯỚC SINH HOẠT CHO HỘ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ NGHÈO, ĐỜI SỐNG KHÓ KHĂN ĐẾN NĂM 2010

1. UBND các huyện, thị chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện trong việc lập, và thực hiện đề án thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt và giải quyết việc làm cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo của địa phương theo quy định tại Quyết định số 1592/QĐ-TTg.

- Công bố công khai các chính sách, tiêu chuẩn, đối tượng và chỉ đạo điều tra, khảo sát, lập, phê duyệt đề án thực hiện các chính sách quy định tại Quyết định này của địa phương mình; gửi đề án đã phê duyệt của địa phương cho Ban Dân tộc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Ngân hàng Chính sách xã hội trước ngày 30 tháng 01 năm 2010 để tổng hợp, xây dựng kế hoạch thực hiện; tham mưu UBND tỉnh báo cáo các Bộ, ngành Trung ương.

- Chỉ đạo cấp xã phối hợp với các tổ chức đoàn thể với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp trên địa bàn để triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định này.

- Chủ động đề xuất việc lồng ghép nguồn vốn chính sách với các chương trình dự án, các chính sách khác trên địa bàn; tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách để đẩy nhanh việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

- Hỗ trợ và chỉ đạo UBND cấp xã tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện việc cho vay và thu hồi nợ.

- Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện, đảm bảo việc thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực.

2. Ban Dân tộc là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Chương trình 134 của tỉnh phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính có nhiệm vụ:

- Hướng dẫn các địa phương rà soát xây dựng đề án thực hiện các chính sách quy định tại Quyết định số 1592/QĐ-TTg.

- Tổng hợp, xây dựng kế hoạch thực hiện các chính sách quy định tại Quyết định số 1592/QĐ-TTg, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ, ngành Trung ương.

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện Quyết định này theo quy định; tổng kết, đánh giá chính sách khi kết thúc.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc, Sở Tài chính:

- Tổng hợp kế hoạch và tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn cho UBND các huyện, thị trong kế hoạch và dự toán ngân sách năm 2010 báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh thông qua.

- Tham mưu UBND tỉnh báo cáo các Bộ, ngành Trung ương về mức độ khó khăn ngân sách tỉnh theo quy định để được cấp bổ sung định nguồn vốn đối ứng thực hiện chính sách theo quy định tại Quyết định số 1592/QĐ-TTg.

4. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc, Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí kinh phí quản lý cho Ban chỉ đạo các cấp; cấp vốn và kinh phí quản lý thực hiện chính sách theo tiến độ; chỉ đạo công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra và hướng dẫn việc cấp vốn đến đúng đối tượng.

- Tham mưu UBND tỉnh báo cáo các Bộ, ngành Trung ương về mức độ khó khăn ngân sách tỉnh theo quy định để được cấp bổ sung định nguồn vốn đối ứng thực hiện chính sách theo quy định tại Quyết định số 1592/QĐ-TTg.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc và các sở, ngành liên quan:

- Phối hợp với UBND các huyện, thị và các Ban quản lý rừng, chủ động tham mưu UBND tỉnh thuận quy hoạch quỹ đất để thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng Quyết định số 1592/QĐ-TTg theo đề án của UBND tỉnh phê duyệt.

- Hướng dẫn các huyện, thị thực hiện việc giao khoán bảo vệ, trồng rừng, xây dựng và cải tạo các công trình nước sinh hoạt.

- Hướng dẫn các huyện, thị có vùng đặc biệt khó khăn, thiếu nguồn nước điều tra, lập và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, tổng hợp tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ đầu tư theo chương trình riêng.

6. Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ vào đề án được phê duyệt, xây dựng kế hoạch kinh phí cho vay hàng năm, mức hỗ trợ và kinh phí quản lý, mức vốn huy động của ngân hàng và kinh phí bù lãi suất chênh lệch gửi Ban Dân tộc, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình UBND tỉnh báo cáo Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương xem xét, bố trí vốn theo kế hoạch. Hướng dẫn quy trình và thủ tục cho vay, định kỳ báo cáo UBND tỉnh đồng gửi Ban Dân tộc, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về kết quả việc triển khai thực hiện Quyết định.

7. Sở Xây dựng phối hợp với UBND các huyện, thị tham mưu UBND tỉnh phê duyệt bổ sung đề án hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đủ điều kiện thụ hưởng về nhà ở quy định tại Quyết định số 1592/QĐ-TTg.

8. Các sở, ngành có liên quan tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm kiểm tra, hỗ trợ để thực hiện có hiệu quả chính sách.

PHẦN IV

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1. Kết luận

Việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung đề án hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn quy định tại Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ là một yêu cầu hết sức cần thiết; việc thực hiện tốt chính sách này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; giúp cho tỉnh thực hiện việc xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Giải quyết những khó khăn cho một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có điều kiện để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Qua chính sách, nâng cao lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số vào cấp ủy Đảng và các cấp chính quyền địa phương.

2. Kiến nghị

- Do trình độ nhận thức của các hộ thụ hưởng chính sách còn hạn chế, nên việc thực hiện chính sách sẽ gặp nhiều khó khăn, thời gian triển khai lập đề án bổ sung, thực hiện chính sách ngắn nên UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành Trung ương sớm xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Đề nghị Bộ Tài chính sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ có kế hoạch phân bổ vốn cụ thể cho các tỉnh, để tỉnh tổ chức thực hiện hoàn thành đúng tiến độ, đạt hiệu quả.

Trên đây là đề án điều chỉnh, bổ sung đề án hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn trên địa bàn tỉnh, quy định tại Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 118/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt đề án điều chỉnh đề án hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn quy định tại Quyết định 1592/QĐ-TTg do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành

  • Số hiệu: 118/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/01/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Người ký: Trương Tấn Thiệu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/01/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản