Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1094/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 12 tháng 6 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG VÀ HỘI NHẬP TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2008 - 2010 VÀ ĐẾN 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Công văn số 3830/UBND-VHXH ngày 13 tháng 11 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc xây dựng Đề án “Năng suất chất lượng hội nhập của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2006-2015”;

Căn cứ công văn trích biên bản họp thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh thường kỳ tháng 4 năm 2008 (số 1522/UBND-TH ngày 23 tháng 4 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre) thông qua Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và hội nhập tỉnh Bến Tre giai đoạn 2008 - 2010 và đến 2015”;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 19/TTr-SKHCN ngày 23 tháng 5 năm 2008 về việc xin phê duyệt Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và hội nhập tỉnh Bến Tre giai đoạn 2008 - 2010 và đến 2015”,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và hội nhập tỉnh Bến Tre giai đoạn 2008 - 2010 và đến 2015” với những nội dung như sau:

1. Tên Đề án: Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và hội nhập tỉnh Bến Tre giai đoạn 2008 - 2010 và đến 2015.

2. Thời gian thực hiện: từ tháng 5 năm 2008 đến tháng 12 năm 2015.

3. Mục tiêu:

- Nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho cán bộ các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong việc hoạch định kế hoạch, quản lý, triển khai các giải pháp về nâng cao năng suất - chất lượng và hội nhập của tỉnh Bến Tre. Đào tạo 10 chuyên gia tư vấn có đủ kinh nghiệm và trình độ để làm hạt nhân triển khai chương trình năng suất - chất lượng.

- Hỗ trợ quản trị chất lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Mỗi năm trên 3 doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO-9000, GMP…), đến năm 2010 trên 60% doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực và sản phẩm xuất khẩu được xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Đến năm 2015, 100% doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực và sản phẩm thực phẩm xuất khẩu được xây dựng hoặc áp dụng tiêu chuẩn.

- Hỗ trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đổi mới thiết bị công nghệ, phát triển sản phẩm mới. Phấn đấu mỗi năm có 3 - 5 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được hỗ trợ đổi mới công nghệ, để đến 2010 có khoảng 15 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được hỗ trợ đổi mới công nghệ và 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến được tiếp cận và áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng. Đến 2015 có khoảng 40 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được hỗ trợ đổi mới công nghệ và 100% doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến được tiếp cận và áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng.

- Hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ. Mỗi năm có trên 30 doanh nghiệp bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, đến năm 2010 có 70% doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, 60% sản phẩm đặc sản nổi tiếng của địa phương được xây dựng nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý. Đến năm 2015, 100% doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và trên 80% sản phẩm đặc sản nổi tiếng của địa phương được xây dựng nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý.

4. Tổng kinh phí khái toán:

a) Tổng kinh phí: 34.700.000.000 đồng.

(Ba mươi bốn tỷ bảy trăm triệu đồng)

Trong đó:

- Sự nghiệp khoa học công nghệ của TW: 1.000.000.000 đồng.

- Sự nghiệp khoa học công nghệ của địa phương: 13.150.000.000 đồng.

- Vốn khác (doanh nghiệp, tín dụng…): 20.550.000.000 đồng.

b) Phương thức duyệt và cấp vốn thực hiện.

Các chương trình, dự án hợp phần được xem xét thẩm định có quyết định phê duyệt riêng theo nội dung, kinh phí tiến độ thực hiện.

Điều 2. Phân giao nhiệm vụ.

Căn cứ vào nội dung đề án được duyệt, trong từng thời kỳ, dựa vào kế hoạch chung, các ngành có liên quan cụ thể hóa thành từng chương trình, dự án để được phê duyệt triển khai theo quy định hiện hành.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng các ngành, các địa phương có liên quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện đề án có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Thành Hạo

 

ĐỀ ÁN

HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG VÀ HỘI NHẬP TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2008 - 2010 VÀ ĐẾN 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1094/QĐ-UBND ngày 12 tháng 6 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

Phần I

CƠ SỞ ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ.

- Quyết định số 272/2003/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2010;

- Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 04 tháng 4 năm 2005 về việc phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp;

- Nghị định số 119/1999/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 1999 của Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học công nghệ;

- Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 27 tháng 11 năm 2001 của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế;

- Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO);

- Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ VIII;

- Nghị quyết số 03-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển công nghiệp - TTCN trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2006 - 2010 và hướng đến 2020;

- Chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 19 tháng 4 năm 2007 của Tỉnh ủy “Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại quốc tế”;

- Đề án “Phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre giai đoạn 2000 - 2005 và đến 2010”.

II. CƠ SỞ KHOA HỌC.

Theo nhận thức chung năng suất và chất lượng là đôi bạn đồng hướng, cùng tạo nên hiệu quả hoạt động. Năng suất là yếu tố then chốt cho sự phát triển của một quốc gia và là yếu tố quyết định sự tồn tại của một doanh nghiệp. Năng suất được coi là một khái niệm toàn diện bao gồm cả 2 khía cạnh là đầu vào (việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực) và khía cạnh đầu ra (việc đạt được các mục tiêu). Năng suất nhấn mạnh vào các yếu tố như yếu tố đầu ra, giảm chi phí, tạo ra giá trị gia tăng, đem lại giá trị.

Việc thiếu cơ sở hạ tầng về năng suất chất lượng và các kỹ năng quản lý cần thiết sẽ là những rào cản đối với doanh nghiệp khi tiếp cận với các thị trường quốc tế, đồng thời sẽ cản trở đối với doanh nghiệp hội nhập vào các chuỗi sản xuất và cung ứng quốc tế. Hơn nữa cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật và công nghệ hiện đại làm cho cơ cấu nền sản xuất biến đổi theo chiều hướng gia tăng của các ngành có hàm lượng công nghệ cao, nhất là các nước đang phát triển, vấn đề cải tiến năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa để doanh nghiệp tạo thế cạnh tranh nhằm tồn tại và phát triển bền vững. Qua tổng hợp ý kiến của chuyên gia cho rằng sự tồn tại và thịnh vượng của doanh nghiệp sẽ tùy thuộc vào sự đương đầu ra sao của các nhà kinh doanh trước 6 thách thức, đó là sự cạnh tranh toàn cầu, công nghệ mới, chất lượng tăng trưởng, động cơ làm việc của nhân viên, phương thức quản lý những lực lượng lao động và tư cách đạo đức.

III. CƠ SỞ THỰC TIỄN.

Trên thế giới, ở các nước phát triển và đang phát triển có những nỗ lực để cải tiến năng suất và tăng trưởng năng suất một cách ổn định là một bằng chứng rất rõ thể hiện ý nghĩa của năng suất trong phát triển kinh tế. Phong trào năng suất chất lượng của các nước có nền kinh tế phát triển trong khu vực Viễn Đông cho thấy Chính phủ các nước đều nhận thức rõ về tầm quan trọng của phong trào năng suất quốc gia đã thúc đẩy tăng trưởng GDP và chất lượng cuộc sống, cho nên mỗi nước đều hình thành hệ thống quản lý năng suất của mình qua việc hình thành hội đồng năng suất quốc gia để tư vấn chiến lược về năng suất cho Chính phủ, thành lập tổ chức năng suất quốc gia (như: JBC-sed-Nhật, CPC - Đài Loan, KPC - CH Hàn Quốc, SPRING - Singapore, NPC -Malaysia, TPI-Thái Lan... ) để tổ chức và thực hiện chương trình hành động quốc gia về năng suất chất lượng, thông qua công tác tuyên truyền, tư vấn, xây dựng và áp dụng thống nhất phương pháp đo lường năng suất, các yếu tố tổng hợp nhằm tính toán mức tăng trưởng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) của nền kinh tế và của doanh nghiệp để so sánh, đánh giá giữa các doanh nghiệp, giữa các ngành và giữa các nền kinh tế nhằm định hướng mục tiêu chiến lược cải tiến năng suất.

Kết quả của việc xây dựng và thực hiện phong trào năng suất của các nước nêu trên đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và người lao động trong hoạt động cải tiến năng suất, đóng góp thật sự vào tăng trưởng GDP (Singapore đóng góp TFP vào tăng trưởng GDP chiếm gần 3%).

Ở Việt Nam, thập niên chất lượng Việt Nam chất lượng lần thứ nhất (1996-2005) trong 10 năm qua, phong trào chất lượng của nước ta đã có những bước chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam khi bước vào hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế. Các hội nghị về chất lượng được tổ chức định kỳ 02 năm một lần, ở nhiều địa phương với các chủ đề thích hợp cho từng giai đoạn nhằm khơi dậy phong trào, tăng cường nhận thức và tìm giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng trong doanh nghiệp. Số lượng công nghệ đạt Giải thưởng Chất lượng Việt Nam (GTCLVN) đồng thời đạt các chứng chỉ chất lượng quốc tế như ISO-9000, ISO-14000, TQM, GMP, HACCP ngày càng tăng.

Trước đây, nhiều mặt hàng trong nước bị hàng ngoại lấn áp, thì nay đã cạnh tranh được và đứng vững trên thị trường. Không chỉ có vậy, chất lượng hàng xuất khẩu được cải thiện rất nhiều nên kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng. Nếu như năm 1995 tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ là 5,4 tỷ USD, thì đến năm 2004 đạt 26,5 tỷ USD và năm 2005 ước đạt 32,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu cũng được mở rộng, sản phẩm hàng hóa chế tạo tại Việt Nam đã có mặt ở hơn 150 nước trên thế giới. Nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng ngang với sản phẩm cùng loại của nhiều nước trong khu vực và có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, kể cả những thị trường khó tính như EU, Nhật và Mỹ.

Tại Bến Tre, thời gian qua trên địa bàn tỉnh hoạt động năng suất - chất lượng đã được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện và đạt được những thành quả đáng khích lệ. Công tác tuyên truyền, đào tạo, tư vấn về năng suất - chất lượng, về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn chất lượng được đẩy mạnh, đã tổ chức trên 25 lượt đào tạo, tập huấn cho hơn 750 lượt doanh nghiệp tham dự, thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều nhà doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đến nay đã có 829 sản phẩm của doanh nghiệp, làng nghề được hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa; 13 doanh nghiệp và 11 cơ quan quản lý Nhà nước được cấp giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng, 2 doanh nghiệp đạt giải thưởng chất lượng Việt Nam, 28 sản phẩm đạt giải vàng và phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam.

Phong trào năng suất - chất lượng đã góp phần mang lại những kết quả đáng khích lệ. Trong lĩnh vực hoạt động sản xuất công nghiệp TTCN trên địa bàn tỉnh đã phát triển khá, giá trị sản xuất tăng bình quân 12%/năm (giai đoạn 1996-2005) và tăng 16,4%/năm (giai đoạn 2001-2005). Năng lực công nghiệp chế biến các sản phẩm từ dừa, thủy sản tăng 4 lần so với năm 1996, đã tạo ra nhiều sản phẩm mới có giá trị cao, chất lượng và mẫu mã sản phẩm không ngừng được cải thiện ... tích cực góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, bên cạnh đó các làng nghề đã được củng cố và phát triển mạnh đã góp phần tích cực giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tiêu thụ nguyên liệu của địa phương, tăng kim ngạch xuất khẩu (bình quân tăng 27,14%/năm, chiếm 85% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh).

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, như so với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động năng suất chất lượng của tỉnh còn những hạn chế, yếu kém. Đó là:

- Khởi nguồn doanh nghiệp Bến Tre quy mô nhỏ và vừa, nhận thức về năng suất chất lượng và khả năng tiếp cận thông tin khoa học và công nghệ còn hạn chế, trình độ quản lý trong các doanh nghiệp còn yếu; công nghệ sản xuất lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, thiếu các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chất lượng hàng hóa, dịch vụ còn thấp, chưa thật sự ổn định, nhiều sản phẩm chưa đăng ký thương hiệu, kiểu dáng thiếu hấp dẫn, đa số doanh nghiệp chưa làm tốt khâu nghiên cứu thị trường ... nên tính cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chưa cao.

- Các hoạt động hỗ trợ hướng dẫn thiếu tập trung, phân tán, thiếu các chương trình, đề án mang tính định hướng chung và phối hợp hành động các cấp các ngành.

Việt Nam nói chung, Bến Tre nói riêng đang trong quá trình hội nhập với thế giới thông qua việc gia nhập WTO. Do vậy, năng suất - chất lượng sản phẩm, dịch vụ sẽ có vai trò rất lớn đối với khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Nỗ lực nâng cao chất lượng cần được đẩy lên một nấc thang cao hơn, do vậy việc triển khai đề án năng suất - chất lượng và hội nhập là rất cần thiết.

Phần II

MỤC TIÊU, NỘI DUNG NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG HỘI NHẬP TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2008 - 2010 VÀ ĐẾN 2015

I. MỤC TIÊU.

1. Mục tiêu chung.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nhằm chủ động hội nhập kinh tế khu vực và kinh tế thế giới, góp phần đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

2. Mục tiêu cụ thể.

a) Nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho cán bộ các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong việc hoạch định kế hoạch, quản lý, triển khai các giải pháp về nâng cao năng suất - chất lượng và hội nhập của tỉnh Bến Tre. Đào tạo 10 chuyên gia tư vấn có đủ kinh nghiệm và trình độ để làm hạt nhân triển khai chương trình năng suất - chất lượng.

b) Hỗ trợ quản trị chất lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Mỗi năm trên 3 doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO-9000, GMP…), đến năm 2010 trên 60% doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực và sản phẩm xuất khẩu được xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Đến năm 2015, 100% doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực và sản phẩm thực phẩm xuất khẩu được xây dựng hoặc áp dụng tiêu chuẩn.

c) Hỗ trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đổi mới thiết bị công nghệ, phát triển sản phẩm mới. Phấn đấu mỗi năm có 3 - 5 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được hỗ trợ đổi mới công nghệ để đến 2010 có khoảng 15 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được hỗ trợ đổi mới công nghệ và 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến được tiếp cận và áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng. Đến 2015 có khoảng 40 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được hỗ trợ đổi mới công nghệ và 100% doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến được tiếp cận và áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng.

d) Hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ. Mỗi năm có trên 30 doanh nghiệp bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, đến năm 2010 có 70% doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, 60% sản phẩm đặc sản nổi tiếng của địa phương được xây dựng nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý. Đến năm 2015, 100% doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và trên 80% sản phẩm đặc sản nổi tiếng của địa phương được xây dựng nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý.

II. ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG.

1. Cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

2. Làng nghề (kể cả lĩnh vực nông nghiệp).

3. Cơ quan quản lý Nhà nước.

4. Các cơ sở dịch vụ.

III. NGUYÊN TẮC TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN.

1. Kết hợp giữa các đơn vị Nhà nước với các cơ sở sản xuất kinh doanh và dịch vụ. Trong đó các đơn vị Nhà nước là nòng cốt trong việc thực hiện đề án.

2. Lồng ghép các hoạt động của đề án với các chương trình khuyến công, khuyến nông và các chương trình phát triển sản phẩm chủ lực và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khác.

3. Huy động nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và của doanh nghiệp, trong đó nguồn lực từ doanh nghiệp là chủ yếu. Bên cạnh đó, tranh thủ các nguồn vốn khác trong nước và đầu tư nước ngoài. Đầu tư có trọng điểm, ưu tiên triển khai đề án ở những ngành thế mạnh của tỉnh (cây ăn trái, dừa và thủy sản).

IV. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG.

1. Thực hiện mục tiêu 1: nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho cán bộ các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong việc hoạch định kế hoạch, quản lý, triển khai các giải pháp về nâng cao năng suất - chất lượng và hội nhập của tỉnh Bến Tre. Đào tạo 10 chuyên gia tư vấn có đủ kinh nghiệm và trình độ để làm hạt nhân triển khai chương trình năng suất - chất lượng.

Xây dựng và triển khai Chương trình xúc tiến năng suất - chất lượng tỉnh Bến Tre giai đoạn 2008 - 2010 và đến 2015 (Chương trình 1). Với các hoạt động chủ yếu:

a) Tổ chức tuyên truyền quảng bá hoạt động năng suất - chất lượng trên các phương tiện truyền thông đại chúng (với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như áp phích, quảng cáo và khẩu hiệu) kết hợp tổ chức hội nghị chuyên đề nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức năng suất - chất lượng.

b) Phát động tuần lễ năng suất - chất lượng tạo thành phong trào năng suất của tỉnh. Tổ chức hội thi kiến thức kỹ năng tuyên truyền về năng suất - chất lượng.

c) Xây dựng chuyên mục về năng suất - chất lượng và hội nhập trên báo, đài và website của tỉnh.

d) Xây dựng và đưa vào hoạt động Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp của Bến Tre về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Văn phòng TBT).

đ) Phối hợp với các đơn vị tư vấn tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực, theo từng chuyên đề phù hợp với từng đối tượng tham gia.

2. Thực hiện mục tiêu 2:

Hỗ trợ quản trị chất lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Mỗi năm trên 3 doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO-9000, GMP…), đến năm 2010 trên 60% doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực và sản phẩm xuất khẩu được xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Đến năm 2015, 100% doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực và sản phẩm thực phẩm xuất khẩu được xây dựng hoặc áp dụng tiêu chuẩn.

Xây dựng và triển khai chương trình tiêu chuẩn hóa và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến giai đoạn 2008 - 2010 và đến 2015 (Chương trình 2) với các hoạt động chủ yếu:

a) Triển khai văn bản quy phạm pháp luật: Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, các văn bản dưới luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;

b) Xây dựng và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP) cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm truyền thống và sản phẩm nông nghiệp trọng điểm (sản xuất tôm giống, kẹo dừa, bưởi da xanh và sầu riêng…);

c) Hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm và xây dựng tiêu chuẩn TCVN;

d) Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và áp dụng một số công cụ cải tiến năng suất chất lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

3. Thực hiện mục tiêu 3:

Hỗ trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đổi mới thiết bị công nghệ, phát triển sản phẩm mới. Phấn đấu mỗi năm có 3 - 5 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được hỗ trợ đổi mới công nghệ, để đến 2010 có khoảng 15 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được hỗ trợ đổi mới công nghệ và 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến được tiếp cận và áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng. Đến 2015 có khoảng 40 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được hỗ trợ đổi mới công nghệ và 100% doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến được tiếp cận và áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng.

Xây dựng và triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đổi mới thiết bị công nghệ, phát triển sản phẩm mới giai đoạn 2008 - 2010 và đến 2015 (Chương trình 3) với các hoạt động chủ yếu:

a) Xây dựng danh mục các doanh nghiệp và làng nghề ưu tiên hỗ trợ đổi mới thiết bị công nghệ.

b) Đào tạo nâng cao năng lực quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực nghiệp vụ về khoa học công nghệ cho các chủ doanh nghiệp.

c) Đào tạo, huấn luyện và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn và tiết kiệm nhiên liệu.

d) Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị, đổi mới công nghệ ... góp phần mở rộng sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, cải tiến mẫu mã, sản xuất sản phẩm mới, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

đ) Hỗ trợ và tạo điều kiện các doanh nghiệp tham gia các phiên chợ, triển lãm thiết bị công nghệ cấp quốc gia và khu vực nhằm tiếp cận các thiết bị công nghệ mới và giới thiệu bình chọn sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao, tạo dựng uy tín, thương hiệu hàng hóa của tỉnh.

4. Thực hiện mục tiêu 4:

Hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ. Mỗi năm có trên 30 doanh nghiệp bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, đến năm 2010 có 70% doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, 60% sản phẩm đặc sản nổi tiếng của địa phương được xây dựng nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý. Đến năm 2015 100% doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và trên 80% sản phẩm đặc sản nổi tiếng của địa phương được xây dựng nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý.

Xây dựng và triển khai chương trình hỗ trợ xác lập, khai thác, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Bến Tre giai đoạn 2008 - 2010 và đến 2015 (Chương trình 4). Với các hoạt động chủ yếu:

a) Tuyên truyền, đào tạo trang bị kiến thức về sở hữu trí tuệ, biên soạn phát hành tài liệu hướng dẫn về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp.

b) Hỗ trợ cung cấp thông tin để xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

c) Hỗ trợ doanh nghiệp và phổ biến kiến thức về việc thiết kế, đăng ký bảo hộ, khai thác, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và phát triển nhãn hiệu.

d) Hỗ trợ doanh nghiệp xác lập quyền về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho các hợp tác xã, hiệp hội, khai thác và phát triển làng nghề có sản phẩm truyền thống mang tính đặc thù của tỉnh có tiềm năng xuất khẩu, các cơ sở sản xuất và kinh doanh giống cây trồng mới.

V. BẢNG TỔNG HỢP KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG.

TT

Nội dung

Các hoạt động

Thực hiện

Cơ quan

chủ trì

Cơ quan

phối hợp

01

1. Nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và doanh nghiệp trong việc hoạch định kế hoạch, quản lý, triển khai các giải pháp về nâng cao năng suất - chất lượng và hội nhập của tỉnh Bến Tre.

2. Dự kiến kết quả

- Các hoạt động truyên truyền nâng cao nhận thức và hiểu biết cho các đối tượng tham gia và thụ hưởng được tổ chức thành công.

- Năng lực hoạch định kế hoạch quản lý, triển khai các giải pháp về nâng cao năng suất - chất lượng và hội nhập cán bộ quản lý và doanh nghiệp được tăng cường.

 

Xây dựng và triển khai chương trình xúc tiến năng suất - chất lượng tỉnh Bến Tre giai đoạn 2008-2010 và đến 2015.

Sở Khoa học và Công nghệ

Tổ chức tư vấn

1. Tổ chức tuyên truyền quảng bá hoạt động năng suất - chất lượng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, kết hợp tổ chức hội nghị chuyên đề nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức năng suất - chất lượng.

Sở Khoa học và Công nghệ

 

- Sở VH-TT và DL

- Đài PT và TH

- Báo Đồng Khởi

- Tổ chức tư vấn

 

2. Phát động tuần lễ năng suất - chất lượng tạo thành phong trào năng suất của tỉnh. Tổ chức hội thi kiến thức kỹ năng tuyên truyền về năng suất - chất lưọng.

Sở Khoa học và Công nghệ

 

- Sở Công Thương

- Sở Nông nghiệp và PTNT

- Sở VH-TT và DL

- Đài PT và TH

- Hội DN trẻ

 

3. Xây dựng chuyên mục về năng suất - chất lượng và hội nhập trên báo, đài và website của tỉnh.

Sở Khoa học và Công nghệ

 

- TT thông tin

- Báo, Đài địa phuơng

 

4. Xây dựng và đưa vào hoạt động văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp của Bến Tre về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Văn phòng TBT);

Sở Khoa học và Công nghệ

 

- Sở Công Thương

- Tổ chức tư vấn

5. Phối hợp với các đơn vị tư vấn tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực, theo từng chuyên đề phù hợp với từng đối tượng tham gia.

Sở Khoa học và Công nghệ

 

- Sở Nông nghiệp và PTNT

- Sở Công Thương

- Tổ chức tư vấn

02

1. Hỗ trợ quản trị chất lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ.

2. Dự kiến kết quả

 + Mỗi năm trên 3 DN áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO-9000, GMP …).

+ Năm 2010 trên 60% DN có sản phẩm chủ lực và sản phẩm xuất khẩu được xây dựng hoặc áp dụng tiêu chuẩn.

- Năm 2015:

+ Năm 2015 100% DN có sản phẩm chủ lực và sản phẩm xuất khẩu được áp dụng tiêu chuẩn.

 

- Xây dựng và triển khai chương trình tiêu chuẩn hóa và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến giai đoạn 2008 - 2010 và đến 2015.

Sở Khoa học và Công nghệ

 

Các doanh nghiệp

1. Triển khai văn bản quy phạm pháp luật: Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, các văn bản dưới luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Sở Khoa học và Công nghệ

 

- Sở Tư pháp

- Tổng cục

 TC-ĐL-CL

- - Trung tâm TC-ĐL-CL khu vực 3

- - Hội Nông dân

2. Xây dựng và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP) cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm truyền thống và sản phẩm nông nghiệp trọng điểm (sản xuất tôm giống, kẹo dừa, bưởi da xanh và sầu riêng…).

Sở Khoa học và Công nghệ

 

- Sở Nông nghiệp và PTNT

- Sở Công Thương

- Trung tâm TC-ĐL-CL khu vực 3

 

3. Hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm và xây dựng tiêu chuẩn TCVN.

Sở Khoa học và Công nghệ

 

- Sở Y tế

- Sở Nông nghiệp và PTNT

- Sở Công Thương

4. Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và áp dụng một số công cụ cải tiến năng suất chất lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Sở Khoa học và Công nghệ

 

- Sở Nông nghiệp và PTNT

- Sở Công Thương

 

03

- Hỗ trợ nghiên cứu phát triển công nghệ, đổi mới thiết bị công nghệ, phát triển sản phẩm mới.

Dự kiến sản phẩm:

- Đến 2010:

 + 15 DN sản xuất được hỗ trợ đổi mới công nghệ;

+ 50% DN trong lĩnh vực chế biến được tiếp cận và áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng.

 - Đến 2015:

 + 40 DN sản xuất được hỗ trợ đổi mới công nghệ;

+ 100% DN trong lĩnh vực chế biến được tiếp cận và áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng.

- Xây dựng và triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu phát triển công nghệ, sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, giai đoạn 2008 - 2010 và đến 2015.

Sở Khoa học và Công nghệ

 

- Sở KH và ĐT

- Sở Công Thương

- Tổ chức tư vấn

- Các doanh nghiệp

 

1. Xây dựng danh mục các doanh nghiệp và làng nghề ưu tiên hỗ trợ đổi mới thiết bị công nghệ.

Sở Khoa học và Công nghệ

 

- Sở KH và ĐT

- Sở Công Thương

- Tổ chức tư vấn

- Các doanh nghiệp

2. Đào tạo, huấn luyện và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn và tiết kiệm nhiên liệu.

Sở Khoa học và Công nghệ

 

- Sở Công Thương

- Tổ chức tư vấn

- Các doanh nghiệp

 

3. Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, sản xuất sản phẩm mới.

Sở Khoa học và Công nghệ

 

- Sở Công Thương

- Các doanh nghiệp

- Tổ chức tư vấn

4. Hỗ trợ và tạo điều kiện các doanh nghiệp tham gia các phiên chợ, thiết bị công nghệ, tiếp cận các thiết bị công nghệ mới và giới thiệu bình chọn sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao, tạo dựng uy tín, thương hiệu hàng hóa của tỉnh.

Sở Khoa học và Công nghệ

 

- Sở KH và ĐT

- Sở Công Thương

- Tổ chức tư vấn

- Các doanh nghiệp

 

04

- Hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ.

Dự kiến kết quả:

- Hằng năm hỗ trợ trên 30 DN bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.

Năm 2010:

+ 70% DN có sản phẩm chủ lực được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa trong nước.

+ 60% sản phẩm đặc sản nổi tiếng của địa phương được xây dựng nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý.
- Năm 2015:

+ 100% sản phẩm chủ lực được xây dựng nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý.

+ 80% sản phẩm đặc sản nổi tiếng của địa phương được xây dựng nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý.

- Xây dựng và triển khai chương trình hỗ trợ xác lập, khai thác, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp giai đoạn 2008 - 2010 và đến 2015.

Sở Khoa học và Công nghệ

 

- Sở Nông nghiệp và PTNT

- Sở Công Thương

- Các doanh nghiệp

1. Tuyên truyền, đào tạo trang bị kiến thức về sở hữu trí tuệ, biên soạn phát hành tài liệu hướng dẫn về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp.

Sở Khoa học và Công nghệ

 

- Sở Công Thương

- Sở VH-TT và DL

- Đài PT và TH

 

2. Hỗ trợ cung cấp thông tin để xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Sở Khoa học và Công nghệ

 

- Sở Công Thương

- Sở VH-TT và DL

- Đài PT và TH

- Các doanh nghiệp

3. Hỗ trợ doanh nghiệp và phổ biến kiến thức về việc thiết kế, đăng ký bảo hộ, khai thác, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và phát triển nhãn hiệu.

Sở Khoa học

và Công nghệ

- Sở Công Thương

- Sở VH-TT và DL

- Đài PT và TH

- Các doanh nghiệp

4. Hỗ trợ xác lập quyền về nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho các hợp tác xã, hiệp hội, làng nghề có sản phẩm truyền thống mang tính đặc thù của tỉnh có tiềm năng xuất khẩu, các cơ sở sản xuất và kinh doanh giống cây trồng mới.

 

Sở Khoa học và Công nghệ

 

- Sở Công Thương

- Sở VH-TT và DL

- Đài PT và TH

- Các doanh nghiệp

 

VI. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN.

1. Giải pháp xã hội:

Tăng cường sự ủng hộ, tham gia đề án của chính quyền các cấp và các ban ngành, đoàn thể có liên quan:

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, tạo sự chuyển biến nhận thức sâu rộng hơn nữa cho mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt với cán bộ lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp ủng hộ và tham gia đề án.

- Phối hợp với các trường, viện và cơ quan quản lý ngoài tỉnh để đào tạo cho địa phương về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật để đổi mới thiết bị, công nghệ và tạo ra sản phẩm hàng hóa mang tính cạnh tranh cao.

2. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng:

- Các sở, ban ngành tỉnh, nhất là các ngành kinh tế - kỹ thuật có chức năng quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa theo chuyên ngành, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ để đẩy mạnh các hoạt động quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa, giúp doanh nghiệp am hiểu và chấp hành tốt pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

- Tăng cường công tác thanh, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi gian lận thương mại về đo lường, chất lượng theo quy định pháp luật.

- Đẩy mạnh các hoạt động về tiêu chuẩn hóa, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện công bố chất lượng hàng hóa, công bố hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn, thực hiện chứng nhận hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn, nhất là các hàng hóa trọng điểm của tỉnh, hàng hóa có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh, an toàn, môi trường, góp phần bảo vệ thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu.

- Xây dựng, áp dụng các hình thức tôn vinh, khen thưởng về chất lượng; khuyến khích doanh nghiệp tham gia giải thưởng chất lượng Việt Nam và quốc tế; nghiên cứu, triển khai nhiều hình thức khen thưởng, động viên, thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao năng suất - chất lượng.

3. Giải pháp tăng cường nguồn lực:

- Hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành đề án: thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án này do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm Phó ban thường trực; lãnh đạo các sở, ngành có liên quan làm ủy viên;

- Khuyến khích thành lập các tổ chức dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, sở hữu trí tuệ, quản lý chất lượng ....;

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động của các chương trình thuộc đề án;

- Huy động nguồn lực trong nước từ các chương trình năng suất - chất lượng Trung ương, địa phương, các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ để đảm bảo nguồn lực cho đề án thực hiện có hiệu quả.

4. Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng:

- Trên cơ sở phát huy năng lực, trang thiết bị kỹ thuật hiện có, tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực kỹ thuật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo hướng hội nhập và yêu cầu quản lý Nhà nước. Nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ hoạt động đo lường, thử nghiệm trên địa bàn tỉnh.

- Phát huy nguồn lực các phòng kiểm nghiệm của các ngành kinh tế - kỹ thuật, các doanh nghiệp để phục vụ công tác quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các phòng thí nghiệm, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, để phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh; phấn đấu xây dựng phòng kiểm nghiệm được công nhận theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025.

- Tăng cường công tác đào tạo cán bộ quản lý tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng hàng hóa cho các ngành và huyện, thị xã. Quan tâm đào tạo chuyên gia về năng suất - chất lượng cho các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp.

- Hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ lực lượng cán bộ quản lý, kinh doanh, đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật có tay nghề cao.

Phần III

THEO DÕI, GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ ĐỀ ÁN

- Xây dựng các tiêu chí đánh giá hiệu quả việc áp dụng.

- Xây dựng các biểu mẫu báo cáo hoạt động của đề án (6 tháng, năm).

- Tổ chức đánh giá nội bộ định kỳ 6 tháng/lần.

- Thu thập thông tin ý kiến phản hồi từ khách hàng (các tổ chức cá nhân có quan hệ).

- Đánh giá về nhận thức, hiệu quả công tác tuyên truyền năng suất chất lượng trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

- Đánh giá năng lực tổ chức, quản lý của cán bộ sau đào tạo.

- Đánh giá kết quả triển khai áp dụng các công cụ quản lý trong doanh nghiệp.

- Đánh giá kết quả áp dụng hệ thống quản lý của doanh nghiệp.

- Theo dõi tiến độ triển khai của các chương trình, kết quả đạt được theo mục tiêu, nội dung đã đề ra.

- Đánh giá hiệu quả đề án.

Phần IV

NHU CẦU KINH PHÍ

I. NHU CẦU KINH PHÍ.

Kinh phí để thực hiện đề án là 34.700 triệu đồng (Phụ lục 1).

Trong đó:

- Sự nghiệp khoa học công nghệ của TW: 1.000 triệu đồng (2,88%);

- Sự nghiệp khoa học công nghệ của địa phương: 13.150 triệu đồng (37,90%);

- Vốn khác (doanh nghiệp, tín dụng…): 20.550 triệu đồng (59,22%).

II. PHÂN KỲ ĐẦU TƯ.

Kinh phí để thực hiện đề án năm 2008 - 2010 và đến 2015 là 34.700 triệu đồng (Phụ lục 2).

Trong đó:

- Năm 2008: 5.350 triệu đồng (15,42%);

- Năm 2009: 8.140 triệu đồng (23,46%);

- Năm 2010: 8.220 triệu đồng (23,69%);

- Giai đoạn 2011-2015: 12.990 triệu đồng (37,43%).

Phần V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. HÀNH QUẢN LÝ.

1. Thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh.

Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án này do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm Phó ban thường trực; lãnh đạo các sở, ngành có liên quan làm ủy viên.

2. Các sở, ban ngành sau đây xây dựng kế hoạch thực hiện đề án:

- Sở Công Thương chủ trì, xây dựng kế hoạch xác định danh mục những sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 2006 - 2015, xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết, liên doanh tạo lập và mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm và doanh nghiệp.

- Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan:

+ Xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp với các dự án cụ thể và cơ chế về hỗ trợ (đổi mới công nghệ; thực hiện các hoạt động xác lập, khai thác, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ doanh nghiệp; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến cho các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh).

+ Xây dựng tiêu chuẩn, hình thức tôn vinh và mức khen thưởng về chất lượng; tuyển chọn doanh nghiệp và sản phẩm tham gia giải thưởng chất lượng Việt Nam, giải thưởng chất lượng khu vực và quốc tế.

+ Phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng và sở hữu trí tuệ theo đúng các quy định của pháp luật.

+ Triển khai, rà soát các văn bản địa phương ban hành tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bãi bỏ hoặc ban hành mới cho phù hợp với quá trình triển khai đề án.

+ Chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra và báo cáo đột xuất và định kỳ hàng năm về Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế và các sở, ngành liên quan xây dựng và thực hiện kế hoạch nâng cao năng suất - chất lượng, phát triển sản phẩm, hàng hóa nông - thủy sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hỗ trợ doanh nghiệp, trang trại, cơ sở sản xuất thực hiện tiêu chuẩn hóa sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý và công cụ quản lý chất lượng phù hợp.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh cấp địa phương, để tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

- Các cơ quan thông tin phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các sở, ngành liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền, nhằm giúp doanh nghiệp cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức chấp hành pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, góp phần đẩy mạnh phong trào năng suất - chất lượng trong toàn tỉnh.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã căn cứ tình hình cụ thể của từng địa phương, chỉ đạo các cơ quan chức năng đề xuất vận động lựa chọn sản phẩm doanh nghiệp tham gia đề án.

3. Thực hiện xã hội hóa các hoạt động năng suất - chất lượng:

Huy động sự tham gia của đoàn thể, hội nghề nghiệp, hiệp hội và của mọi tổ chức cá nhân nhằm đẩy mạnh hoạt động năng suất - chất lượng trên địa bàn tỉnh. Xây dựng đội ngũ chuyên gia về năng suất - chất lượng cho các cơ quan quản lý, cho doanh nghiệp; tăng cường công tác phổ biến khoa học và công nghệ trong nhân dân.

II. CÁC GIAI ĐOẠN THỰC HIỆN.

1. Giai đoạn 2008:

Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án năng suất - chất lượng 2008-2015 của tỉnh, xây dựng và thực hiện quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, các sở, ngành liên quan đến trách nhiệm thực hiện đề án xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt các chương trình hỗ trợ và lồng ghép với các chương trình khác để đến tháng 6 năm 2008 các sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, triển khai thực hiện đề án thành các nội dung chương trình kế hoạch hoạt động của cơ quan, đơn vị mình.

2. Giai đoạn 2008 - 2010:

a) Nối kết các yếu tố cần thiết để bước đầu hình thành được phong trào năng suất - chất lượng trong toàn tỉnh mà cụ thể là:

- Có được nhận thức về năng suất theo cách tiếp cận mới.

- Tổ chức số hoạt động tuyên truyền, quảng bá về năng suất - chất lượng.

- Hình thành các nhóm năng suất chất lượng trong tỉnh.

- Xây dựng được giải thưởng năng suất - chất lượng của tỉnh.

b) Nâng được chất lượng các nguồn nhân lực trong tỉnh mà cụ thể:

- Đào tạo các kiến thức cơ bản phục vụ cho việc hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nhân trong tỉnh. Đào tạo kèm cặp, nâng cao kỹ năng cho các công nhân đang làm việc trong các doanh nghiệp.

- Hỗ trợ các ngành kinh tế mũi nhọn nâng cao năng suất - chất lượng và hiệu quả hoạt động. Trên cơ sở, triển khai các dự án trong chương trình hỗ trợ.

3. Giai đoạn 2010 - 2015:

Trên cơ sở kết quả thực hiện các nội dung của đề án trong giai đoạn 2008 - 2010 sẽ xây dựng các nội dung hỗ trợ cụ thể cho giai đoạn 2010 - 2015 nhằm đạt được mục tiêu đề án góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh Bến Tre phát triển, ổn định với chất lượng tăng trưởng cao và bền vững, mức sống của người dân trong tỉnh được nâng cao rõ rệt, tạo ra sự khác biệt lớn so với mười năm trước đó./.

 

PHỤ LỤC 1:

BẢNG TỔNG HỢP NHU CẦU KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

TT

Nội dung

Tổng kinh phí (triệu đồng)

Nguồn kinh phí

Ghi chú

 

 

Sự nghiệp KHCN của TW

Sự nghiệp KHCN của địa phương

Sự nghiệp ngành

Vốn khác

(doanh nghiệp, tín dụng…)

 

1

Chương trình xúc tiến năng suất - chất lượng.

2.500

200

2.000

0

300

 

 

a

Tuyên truyền quảng bá hoạt động năng suất - chất lượng.

400

0

400

0

0

 

 

b

Phát động tuần lễ năng suất - chất lượng

500

0

300

0

200

 

 

c

Xây dựng chuyên mục về năng suất - chất lượng và hội nhập.

300

0

300

0

0

 

 

d

Hoạt động văn phòng thông báo và hỏi đáp về kỹ thuật trong thương mại (Văn phòng TBT).

800

200

600

0

0

 

 

đ

Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực.

500

0

400

0

100

 

 

2

Chương trình tiêu chuẩn hóa và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng.

1.100

0

750

0

350

 

 

a

Triển khai văn bản quy phạm pháp luật

150

0

150

0

0

 

 

b

Xây dựng và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP)

150

0

150

0

0

 

 

c

Hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm và xây dựng tiêu chuẩn TCVN.

300

0

200

0

100

 

 

d

Hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.

500

0

250

0

250

 

 

3

 Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu phát triển công nghệ.

25.600

0

8.100

0

17.500

 

 

a

Xác định danh mục hỗ trợ đổi mới công nghệ.

100

0

100

0

0

 

 

b

Đào tạo, huấn luyện hỗ trợ áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn và tiết kiệm nhiên liệu.

500

0

500

0

0

 

 

c

Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ.

20.000

0

6.000

0

14.000

 

 

d

Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các phiên chợ thiết bị công nghệ.

5.000

0

1.500

0

3.500

 

 

4

Chương trình hỗ trợ xác lập, khai thác, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.

5.500

800

2.300

0

2.400

 

 

a

Tuyên truyền, đào tạo trang bị kiến thức về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp.

500

0

300

 

200

 

 

b

Hỗ trợ cung cấp thông tin để xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.  

1.000

 

300

 

700

 

 

c

Hỗ trợ về việc thiết kế, đăng ký bảo hộ, khai thác, quảng bá thương hiệu.

2.000

300

700

 

1.000

 

 

d

Hỗ trợ xác lập quyền về nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể.

2.000

500

1.000

 

500

 

 

 

Tổng

34.700

1.000

13.150

0

20.550

 

 


 

PHỤ LỤC 2:

PHÂN BỔ NHU CẦU KINH PHÍ HÀNG NĂM

 

TT

Hoạt động

Kinh phí dự kiến (triệu đồng)

Ghi chú

 

Tổng

 kinh phí

2008

2009

2010

2011 - 2015

 

1

Chương trình xúc tiến năng suất - chất lượng.

2.500

400

550

550

1.000

 

 

a

Tuyên truyền quảng bá hoạt động năng suất - chất lượng.

400

50

50

50

250

 

 

b

Phát động tuần lễ năng suất - chất lượng.

500

100

100

100

200

 

 

c

Xây dựng chuyên mục về năng suất - chất lượng và hội nhập.

300

50

50

50

150

 

 

d

Hoạt động văn phòng thông báo và hỏi đáp về kỹ thuật trong thương mại (Văn phòng TBT).

800

100

200

200

300

 

 

đ

Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực.

500

100

150

150

100

 

 

2

Chương trình tiêu chuẩn hóa và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng.

1.100

90

170

250

590

 

 

a

Triển khai văn bản quy phạm pháp luật.

150

20

20

20

90

 

 

b

Xây dựng và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP).

150

30

30

90

 

 

c

Hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm và xây dựng tiêu chuẩn TCVN.

300

20

20

100

160

 

 

d

Hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.

500

50

100

100

250

 

 

3

 Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu phát triển công nghệ.

25.600

4.110

6.120

6.120

9.250

Vốn SNKH hỗ trợ 30%

 

a

Xác định danh mục hỗ trợ đổi mới công nghệ.

100

10

20

20

50

 

 

b

Đào tạo, huấn luyện hỗ trợ áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn và tiết kiệm nhiên liệu.

500

100

100

100

200

 

 

c

Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ.

20.000

3.000

5.000

5.000

7.000

 

 

d

Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các phiên chợ thiết bị công nghệ.

5.000

1.000

1.000

1.000

2.000

 

 

4

Chương trình hỗ trợ xác lập, khai thác, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp

5.500

750

1.300

1.300

2.150

 

 

a

Tuyên truyền, đào tạo trang bị kiến thức về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp.

500

100

100

100

200

 

 

b

Hỗ trợ cung cấp thông tin để xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.

1.000

200

200

200

400

 

 

c

 Hỗ trợ về việc thiết kế, đăng ký bảo hộ, khai thác, quảng bá thương hiệu.

2.000

250

500

500

750

 

 

d

Hỗ trợ xác lập quyền về nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể.

2.000

200

500

500

800

 

 

 

Tổng

34.700

5.350

8.140

8.220

12.990

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC 3:

DANH MỤC CÁC SẢN PHẨM ĐƯỢC HỖ TRỢ XÂY DỰNG VÀ ÁP DỤNG TIÊU CHUẨN

TT

Tên sản phẩm

Năm 2008 -2010

Năm 2015

01

Kẹo dừa

X

X

02

Thạch dừa

X

X

03

Chỉ sơ dừa

X

X

04

Đủa dừa

X

X

05

Cơm dừa nạo sấy

X

 

06

Cơm dừa sấy khô

X

 

07

Dầu dừa

X

 

08

Dây thừng

X

 

09

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ

 

X

10

Hàng may mặc

X

X

11

Bưởi da xanh

X

X

12

Sầu riêng

X

X

13

Măng cụt

 

X

14

Chôm chôm

 

X

15

Sản xuất hoa kiểng các loại

 

X

16

Sản xuất gạch

 

X

17

Sản xuất cá giống các loại

X

X

18

Sản xuất tôm giống các loại

X

X

19

Sản xuất cây con giống các loại

X

X

20

Sản phẩm đông lạnh xuất khẩu

X

X

21

Sản phẩm thủy sản đông lạnh nội địa

X

X

22

Nước mắm

X

X

23

Mắm tôm tép

X

 

24

Thức ăn chăn nuôi heo

X

 

25

Thức ăn tôm cá

X

 

26

Bánh tráng Mỹ Lồng

X

 

27

Bánh phồng Sơn Đốc

X

 

28

Rượu Phú Lễ

 

X

29

Rượu Bình Phú

 

X

30

Men nấu rượu

X

X

31

Rượu thuốc các loại

 

X

32

Trái cây chế biến các loại

X

X

33

Nước tinh khiết

X

X

34

Nước tương

X

X

 

PHỤ LỤC 4:

DANH MỤC CÁC SẢN PHẨM HỖ TRỢ ĐĂNG KÝ BẢO HỘ

TT

Tên sản phẩm

Nhãn hiệu tập thể

Chỉ dẫn địa lý

Đăng ký quốc tế

01

Bưởi da xanh Bến Tre

X

X

X

02

Dừa xiêm xanh Bến Tre

X

X

X

03

Sầu riêng sữa cơm vàng hạt lép Chín Hóa

 

 

 

04

Măng cụt Cái Mơn

X

 

 

05

Vú sữa bơ Sơn Định

X

 

 

06

Hoa kiểng Chợ Lách

X

X

 

07

Chanh Lương Qưới

X

 

 

08

Ốc gạo Vĩnh Bình

X

 

 

09

Nghêu Bến Tre

 

 

X

10

Bánh tráng Mỹ Lồng

 

 

X

11

Bánh phồng Sơn Đốc

 

 

X

12

Kẹo dừa Bến Tre

 

 

X

13

HTX hàng thủ công mỹ nghệ Phước Long

 

 

X

14

HTX rượu Phú Lễ

X

 

 

15

Cơm dừa nạo sấy

 

 

X

16

Chỉ xơ dừa

 

 

X

 

PHỤ LỤC 5:

DANH MỤC LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP HỔ TRỢ ÁP DỤNG HỆ THỐNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG

TT

Loại hình doanh nghiệp

2008 - 2010

2011 - 2015

01

Sản xuất các sản phẩm từ dừa

X

X

02

May mặc

X

 

03

Chế biến thủy hải sản

X

X

04

Ngân hàng

X

X

05

Bảo hiểm

X

X

06

Trường học Cao đẳng

X

X

07

Trường THCS, THPT (đối với trường đạt chuẩn quốc gia)

 

X

08

Bệnh viện tuyến tỉnh

X

 

09

Bệnh viện tuyến huyện

 

X

10

Phòng thử nghiệm

X

X

11

Ngành in

X

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1094/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt đề án hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và hội nhập giai đoạn 2008 - 2010 và đến 2015 do tỉnh Bến Tre ban hành

  • Số hiệu: 1094/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/06/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Võ Thành Hạo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản