Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6374/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2010 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 09/6/2000;
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29/11/2005;
Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật ngày 29/6/2006;
Căn cứ Luật Chuyển giao công nghệ ngày 29/11/2006;
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21/11/2007;
Căn cứ Nghị định 119/1999/NĐ-CP ngày 18/9/1999 của Chính phủ về một số Chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học công nghệ;
Căn cứ Chỉ thị số 40/2005/CT-TTg ngày 16/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ;
Căn cứ Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 442/TTr-SKHCN ngày 30 tháng 11 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2010 - 2020, với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm
1.1. Ưu tiên hỗ trợ các ngành, lĩnh vực nhạy cảm, bức xúc; các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh và phù hợp với xu thế phát triển trong quá trình hội nhập.
1.2. Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp trên cơ sở áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hệ thống quản lý tiên tiến, công vụ cải tiến năng suất và chất lượng; xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ.
1.3. Thành phố tạo nền tảng, hỗ trợ cho việc nâng cao năng suất và chất lượng. Doanh nghiệp đóng vai trò chủ yếu trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa.
1.4. Các nhiệm vụ của Chương trình được lồng ghép với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hà Nội, chiến lược phát triển liên quan đến nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu tổng quát
- Xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; nghiên cứu, đổi mới công nghệ, phát triển tài sản sở hữu trí tuệ; phát triển các nguồn lực cần thiết để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
- Tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng các sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp; Nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.
2.2. Mục tiêu cụ thể
- Hình thành phong trào năng suất, chất lượng sâu rộng trong mọi hoạt động của xã hội. Không ngừng nâng cao nhận thức về hoạt động năng suất, chất lượng cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng.
- Tạo sự liên kết giữa các cấp, các ngành của thành phố nhằm phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình nâng cao năng suất và chất lượng tạo thành sức mạnh tổng hợp thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.
- Xây dựng nguồn nhân lực có đủ năng lực và trình độ chuyên môn để tư vấn về năng suất chất lượng; các cá nhân, tổ chức hoạt động chuyên nghiệp về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực.
- Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
- Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ trong doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phổ biến rộng rãi các mô hình công nghệ tiên tiến thích hợp nhằm tạo ra các sản phẩm mới với chất lượng tốt và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Hỗ trợ về đổi mới công nghệ cho 25 doanh nghiệp và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho khoảng 25 doanh nghiệp trên địa bàn.
- Hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp, làng nghề trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Thực hiện hỗ trợ đăng ký xác lập quyền bảo hộ cho 50 sáng chế/giải pháp hữu ích; hỗ trợ đăng ký xác lập quyền bảo hộ cho 200 kiểu dáng công nghiệp; hỗ trợ xây dựng, quản lý và phát triển cho 40 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản, truyền thống trên địa bàn.
- Thúc đẩy áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp phục vụ cho mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Triển khai áp dụng đồng bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và đẩy mạnh hoạt động đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Tổ chức xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn cơ sở đối với các sản phẩm hàng hóa chưa có tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn nước ngoài phù hợp. Hỗ trợ cho khoảng 250 doanh nghiệp đánh giá chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, trong đó 100% sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn và xây dựng mới khoảng 500 tiêu chuẩn cơ sở.
- Đẩy mạnh việc áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến quốc tế và các công cụ cải tiến vào nâng cao năng suất chất lượng trong các doanh nghiệp Hà Nội; phổ biến rộng rãi các mô hình hệ thống quản lý tiên tiến thích hợp cho các loại hình doanh nghiệp. Hỗ trợ xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, môi trường tiên tiến quốc tế cho khoảng 500 doanh nghiệp.
1. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về năng suất và chất lượng; xây dựng phong trào năng suất và chất lượng rộng khắp trên địa bàn thành phố.
2. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ; áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng.
3. Xây dựng mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; phù hợp tiêu chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm, hàng hóa. Thúc đẩy áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp nhằm nâng cao năng suất và chất lượng, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Triển khai áp dụng đồng bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và đẩy mạnh hoạt động đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Tổ chức xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn cơ sở đối với các sản phẩm hàng hóa chưa có tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn nước ngoài phù hợp.
4. Xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân hoạt động chuyên nghiệp về năng suất và chất lượng. Đào tạo đội ngũ chuyên gia, cán bộ tư vấn về năng suất và chất lượng tại các cơ quan, doanh nghiệp. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về năng suất và chất lượng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, người lao động trong các doanh nghiệp.
5. Lựa chọn các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa. Xây dựng và thực hiện dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng phù hợp với đặc thù của Thủ đô.
6. Đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đo lường năng suất của nền kinh tế, doanh nghiệp của thành phố.
III. CÁC DỰ ÁN CỦA CHƯƠNG TRÌNH
Để thực hiện các mục tiêu của Chương trình trong giai đoạn 2010-2020, Chương trình sẽ tổ chức triển khai theo các dự án sau:
1. DỰ ÁN 1: XÂY DỰNG, ÁP DỤNG TIÊU CHUẨN, QUY CHUẨN KỸ THUẬT VÀ ĐÁNH GIÁ SỰ PHÙ HỢP
1.1. Nội dung, nhiệm vụ của dự án
a) Đánh giá hiện trạng việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp.
b) Thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn và hợp tác quốc tế về công tác tiêu chuẩn hóa và hoạt động đánh giá sự phù hợp bao gồm:
- Tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn áp dụng đồng bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, trong đó lưu ý tới các tiêu chuẩn quốc gia mới ban hành, các tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế.
- Phổ biến, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn sản phẩm của nước ngoài hoặc khu vực, ưu tiên các loại hàng hóa trọng điểm hoặc hàng hóa phục vụ xuất khẩu.
- Tổ chức các lớp đào tạo trong và ngoài nước nhằm xây dựng đội ngũ chuyên gia đánh giá sự phù hợp có năng lực đáp ứng hoạt động đánh giá sự phù hợp tại Hà Nội.
c) Hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp:
- Hỗ trợ các doanh nghiệp đánh giá chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn cho các sản phẩm hàng hóa đã có tiêu chuẩn quốc gia.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp đánh giá chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn nước ngoài cho các sản phẩm hàng hóa trọng điểm và xuất khẩu.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp đánh giá chứng nhận hợp quy cho các sản phẩm hàng hóa nằm trong danh mục bắt buộc phải chứng nhận hợp quy.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở (đối với các sản phẩm chưa có tiêu chuẩn quốc gia) tiến tới nâng cấp một số tiêu chuẩn cơ sở thành tiêu chuẩn quốc gia.
d) Tăng cường năng lực kỹ thuật và thực hiện các hệ thống quản lý hoạt động đo lường thử nghiệm để đảm bảo sự chính xác trong đánh giá phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
- Đầu tư, đổi mới trang thiết bị đo lường thử nghiệm tại cơ quan quản lý về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
- Hỗ trợ đầu tư đổi mới trang thiết bị thử nghiệm tại các phòng thử nghiệm của doanh nghiệp, ưu tiên các phòng thử nghiệm, thử nghiệm các hàng hóa trọng điểm, an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường, các hàng hóa phục vụ xuất khẩu.
- Hỗ trợ các phòng thử nghiệm xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025
1.2. Cơ quan thực hiện: Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì; Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông và UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp thực hiện.
2. DỰ ÁN 2: HỖ TRỢ XÂY DỰNG ÁP DỤNG HỆ THỐNG QUẢN LÝ TIÊN TIẾN VÀ CÁC CÔNG CỤ CẢI TIẾN ĐỂ NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG CỦA CÁC DOANH NGHIỆP HÀ NỘI
2.1. Nội dung, nhiệm vụ của dự án
a) Thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn và hợp tác quốc tế về xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến và các công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng:
- Thông tin, đào tạo tập huấn về các hệ thống quản lý chất lượng, môi trường tiên tiến quốc tế như: ISO 9000, ISO 14000, ISO 22000, GMP, SA 8000, OHSAS18000, ISO/TS16949, ISO/IEC 27000 …
- Thông tin, đào tạo tập huấn về các công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng như: KAIZEN-5S, 7 công cụ thống kê, LeanSix Sigma, QCC, CRM …
- Thông tin, đào tạo tập huấn về các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến mới được đưa vào áp dụng trên thế giới.
- Đào tạo chuyên gia đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng.
- Đào tạo chuyên gia đánh giá các chỉ tiêu chất lượng.
- Đào tạo về Giải thưởng chất lượng quốc gia.
b) Hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến:
- Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 22000.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý trách nhiệm xã hội theo tiêu chuẫn SA8000.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp theo tiêu chuẩn OHSAS 18000.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng mô hình quản lý chất lượng trong ngành ôtô theo tiêu chuẩn ISO/TS 16949.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý an toàn thông tin theo tiêu chuẩn ISO/IEC 27000.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng khác và mới được đưa vào áp dụng trên thế giới.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng tích hợp nhiều hệ thống quản lý chất lượng.
2.2. Cơ quan thực hiện: Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì; Sở Công thương, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông và UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp thực hiện.
3. DỰ ÁN 3: PHỔ BIẾN ÁP DỤNG VÀ ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ TRONG DOANH NGHIỆP
3.1. Nội dung, nhiệm vụ của dự án
a) Xây dựng danh mục các doanh nghiệp, sản phẩm đối tượng và các công nghệ ưu tiên.
b) Giới thiệu, tập huấn và tổ chức đánh giá trình độ công nghệ tại các doanh nghiệp.
c) Hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực nghiên cứu và tiềm lực KH&CN
- Hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai áp dụng công nghệ mới được nghiên cứu thành công vào sản xuất thử nghiệm.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
- Thực hiện xây dựng một số tổ chức KHCN trong doanh nghiệp
- Thực hiện xây dựng một số doanh nghiệp KHCN
d) Tổ chức hỗ trợ các công nghệ và hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp:
- Lựa chọn các công nghệ ưu tiên và các doanh nghiệp, sản phẩm đối tượng; Xây dựng phương án hỗ trợ công nghệ; Xây dựng phương án hỗ trợ chuyển giao công nghệ
- Triển khai hỗ trợ công nghệ và hỗ trợ chuyển giao công nghệ
e) Phát hiện, xây dựng, quảng bá và hỗ trợ áp dụng các mô hình
- Thu thập, biên tập các tài liệu về các mô hình đổi mới công nghệ điển hình, các tình huống thường gặp và giải pháp xử lý
- Hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động trình diễn công nghệ, thiết bị mới (doanh nghiệp độc lập trình diễn hoặc phối hợp với các tổ chức KHCN trong nước và ngoài nước để trình diễn).
- Phổ biến các mô hình đổi mới công nghệ điển hình, các tình huống thường gặp phải và giải pháp xử lý
- Thông tin, quảng bá các mô hình đổi mới công nghệ hàng năm (trên mạng, trên truyền hình …)
3.2. Cơ quan thực hiện: Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Hà Nội, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ phối hợp thực hiện
4. DỰ ÁN 4: HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TÀI SẢN SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRÊN ĐỊA BÀN HÀ NỘI
4.1. Nội dung, nhiệm vụ của dự án:
a) Thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn và phổ biến kiến thức về phát triển tài sản sở hữu trí tuệ:
- Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chuyên môn và pháp luật sở hữu trí tuệ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn phát triển các đối tượng sở hữu trí tuệ;
- Đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, làng nghề và đội ngũ cán bộ quản lý.
- Tư vấn xu hướng, biện pháp nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật của sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp; Tư vấn tìm kiếm nguồn thông tin cho việc nghiên cứu; tư vấn, hướng dẫn việc chuẩn bị các tài liệu cần thiết và thủ tục cho việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp.
b) Điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng trong các doanh nghiệp, các làng nghề, các vùng cây - con đặc sản nhằm đề xuất giải pháp khai thác hiệu quả. Tập trung vào các đối tượng chính:
- Đánh giá tại các doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực, các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, trường đại học xác định tiềm năng giá trị sáng tạo.
- Đánh giá các sản phẩm đặc sản, làng nghề truyền thống, vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi xác định các sản phẩm có giá trị cao.
c) Hỗ trợ các doanh nghiệp, làng nghề khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản sở hữu trí tuệ.
- Đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp:
+ Xác định các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo tính mới, khác biệt, dễ áp dụng và có thể nhân rộng để hỗ trợ xác lập quyền bảo hộ;
+ Ưu tiên hỗ trợ đăng ký bảo hộ đối với các sản phẩm từ kết quả các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách nhà nước của thành phố, kết quả từ các phong trào sáng kiến, sáng tạo trên địa bàn.
+ Nội dung bao gồm hỗ trợ nghiên cứu sáng tạo từ các thông tin hiện có hoặc tìm kiếm tra cứu, tư vấn; hướng dẫn chuẩn bị các tài liệu cần thiết và thủ tục trong quá trình đăng ký xác lập quyền, khai thác thông tin, cung cấp cơ sở dữ liệu.
- Đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận:
+ Xác định các sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm cây trồng, vật nuôi vùng chuyên canh, lựa chọn sản phẩm có giá trị kinh tế cao và giá trị lịch sử để tiến hành xây dựng, phát triển và quản lý nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận hoặc chỉ dẫn địa lý của sản phẩm hàng hóa.
+ Hỗ trợ về tư vấn hướng dẫn xây dựng nội dung dự án, đề án để tiến hành thủ tục xác lập bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm của đơn vị.
4.2. Cơ quan thực hiện: Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, Đơn vị tư vấn; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Liên minh các hợp tác xã, Hiệp hội Làng nghề; UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp thực hiện.
1. Công tác thông tin, tuyên truyền
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, tạo sự chuyển biến nhận thức sâu rộng hơn nữa cho các cấp, các ngành và toàn xã hội, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp
2. Giải pháp về tài chính
a) Kinh phí thực hiện Chương trình được huy động từ các nguồn vốn:
- Nguồn vốn của doanh nghiệp là chủ yếu để ứng dụng, đổi mới và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ; bảo hộ và phát triển thương hiệu; đầu tư tăng cường năng lực đo lường, thử nghiệm phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đào tạo đội ngũ cán bộ, nâng cao trình độ quản lý trong doanh nghiệp, áp dụng hệ thống quản lý tại doanh nghiệp.
- Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đổi mới công nghệ; hỗ trợ phát triển tài sản sở hữu trí tuệ; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; tăng cường năng lực thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ quản lý nhà nước; đào tạo đội ngũ chuyên gia, cán bộ tư vấn về năng suất, chất lượng trên địa bàn; thông tin tuyên truyền; phổ biến, vận động thực hiện phong trào năng suất, chất lượng; hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng cho các doanh nghiệp và các nội dung khác.
- Các nguồn vốn khác.
b) Hàng năm, căn cứ vào mục tiêu, nội dung chương trình, các dự án được duyệt và trên cơ sở thông tin của các sở, ngành và các doanh nghiệp về nhu cầu hỗ trợ, Sở Khoa học và Công nghệ lập dự toán kinh phí thực hiện Chương trình Thành phố phê duyệt.
3. Giải pháp về tổ chức và nhân lực
- Xây dựng mạng lưới các tổ chức, cá nhân hoạt động chuyên nghiệp về năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn.
- Đào tạo đội ngũ giảng viên, chuyên gia, cán bộ tư vấn về năng suất và chất lượng trên địa bàn.
- Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực kỹ thuật về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng theo hướng hội nhập và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ hoạt động đo lường, thử nghiệm trên địa bàn.
- Phát huy và tận dụng tối đa các phòng thử nghiệm của các bộ, ngành trung ương, các doanh nghiệp để phục vụ công tác quản lý nhà nước. Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các phòng thí nghiệm, kiểm định chất lượng sản phẩm để phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh.
4. Giải pháp về hợp tác quốc tế
- Tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế để đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, chuyên gia về năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa
- Tranh thủ sự hợp tác quốc tế để hỗ trợ tăng cường năng lực thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ cho triển khai các hoạt động đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
1. Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình do Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm Phó Ban thường trực, Lãnh đạo các sở, Ngành có liên quan làm ủy viên. Ban chỉ đạo Chương trình có trách nhiệm tham mưu cho UBND Thành phố tổ chức thực hiện và điều phối toàn bộ hoạt động của Chương trình.
2. Sở Khoa học và Công nghệ
- Là cơ quan thường trực của Ban chủ nhiệm Chương trình; tham mưu giúp Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình theo từng giai đoạn;
- Chủ trì xây dựng nội dung, dự toán chi tiết, kế hoạch thực hiện và các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho từng Dự án trình UBND Thành phố phê duyệt.
- Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cân đối, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học, Quỹ phát triển khoa học công nghệ, kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng để thực hiện chương trình.
- Tổ chức thực hiện Chương trình, điều hành hoạt động và thực hiện các dự án được phân công.
- Xây dựng Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo để Trưởng ban ký ban hành.
- Công bố, phổ biến chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng và các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, hướng dẫn thủ tục cho các đơn vị có nhu cầu tham gia Chương trình.
- Hướng dẫn, kiểm tra và định kỳ hàng năm tổng hợp tình hình và báo cáo UBND Thành phố; tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả và hiệu quả thực hiện Chương trình.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Cân đối, bố trí kinh phí từ nguồn vốn ngân sách thành phố để thực hiện chương trình theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
- Cung cấp thông tin về nhu cầu hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp cho Ban chỉ đạo xem xét và giải quyết.
4. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng cơ chế hỗ trợ và cơ chế quản lý đối với các nhiệm vụ của Chương trình.
Thẩm định và trình UBND Thành phố phân bổ dự toán kinh phí thực hiện chương trình trong nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm.
5. Sở Công thương
- Phối hợp triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ các sản phẩm, hàng hóa của ngành công nghiệp trong các dự án thuộc Chương trình.
- Cung cấp thông tin về nhu cầu hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực của đơn vị cho Ban chỉ đạo xem xét và giải quyết.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Phối hợp triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ các sản phẩm, hàng hóa của ngành nông nghiệp trong các dự án thuộc Chương trình.
- Cung cấp thông tin về nhu cầu hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cho Ban chỉ đạo xem xét và giải quyết.
7. Sở Thông tin và Truyền thông
- Phối hợp triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ các sản phẩm, hàng hóa của ngành thông tin và truyền thông thuộc Chương trình.
- Cung cấp thông tin về nhu cầu hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực của đơn vị cho Ban chỉ đạo xem xét và giải quyết.
8. Sở Xây dựng
- Phối hợp triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ các sản phẩm, hàng hóa của ngành xây dựng thuộc Chương trình.
- Cung cấp thông tin về nhu cầu hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp cho Ban chỉ đạo xem xét và giải quyết.
9. Sở Y tế
- Phối hợp triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ các sản phẩm, hàng hóa của ngành Y tế thuộc Chương trình.
- Cung cấp thông tin về nhu cầu hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế cho Ban chỉ đạo xem xét và giải quyết.
10. Sở Giao thông vận tải
- Phối hợp triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ các sản phẩm, hàng hóa của ngành giao thông vận tải thuộc các Dự án của Chương trình.
- Cung cấp thông tin về nhu cầu hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp cho Ban chỉ đạo xem xét và giải quyết.
11. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Phối hợp triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ các sản phẩm, hàng hóa liên quan đến lĩnh vực quản lý thuộc chương trình
- Cung cấp thông tin về nhu cầu hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp cho Ban chỉ đạo xem xét và giải quyết.
12. Liên minh hợp tác xã thành phố
- Phối hợp triển khai thực hiện nội dung nâng cao năng suất, chất lượng trong các hợp tác xã, làng nghề, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ các lĩnh vực liên quan đến nội dung Chương trình.
- Cung cấp thông tin về nhu cầu hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp về lĩnh vực của đơn vị cho Ban chỉ đạo xem xét và giải quyết.
13. Sở Nội vụ: Phối hợp triển khai xây dựng Đề án về đào tạo và sử dụng nguồn nhận lực nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp, làng nghề của thành phố
14. Sở Ngoại vụ: chủ trì, phối hợp tổ chức thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế phục vụ nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp.
15. Các cơ quan thông tin đại chúng: Đài phát thanh truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội mới và các báo, đài phối hợp với Ban chỉ đạo Chương trình trong công tác thông tin tuyên truyền về Chương trình năng suất chất lượng của Thành phố.
16. UBND các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành khác: Hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình, gắn kết các hoạt động kinh tế xã hội của đơn vị, địa phương với phong trào năng suất, chất lượng của Thành phố.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký
Điều 3. Chánh văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 1094/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt đề án hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và hội nhập giai đoạn 2008 - 2010 và đến 2015 do tỉnh Bến Tre ban hành
- 2Quyết định 1623/QĐ-UBND năm 2013 sửa đổi đối tượng của dự án ''''Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2012-2015'''' kèm theo Quyết định 2541/QĐ-UBND
- 3Quyết định 2007/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Đề án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2012-2020"
- 1Luật Sở hữu trí tuệ 2005
- 2Chỉ thị 40/2005/CT-TTg về tiếp tục đẩy mạnh công tác trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006
- 4Luật Chuyển giao công nghệ 2006
- 5Nghị định 119/1999/NĐ-CP về chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ
- 6Luật Khoa học và Công nghệ 2000
- 7Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 8Quyết định 68/2005/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007
- 10Quyết định 712/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Quyết định 1094/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt đề án hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và hội nhập giai đoạn 2008 - 2010 và đến 2015 do tỉnh Bến Tre ban hành
- 12Quyết định 1623/QĐ-UBND năm 2013 sửa đổi đối tượng của dự án ''''Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2012-2015'''' kèm theo Quyết định 2541/QĐ-UBND
- 13Quyết định 2007/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Đề án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2012-2020"
Quyết định 6374/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2010 - 2020 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- Số hiệu: 6374/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 27/12/2010
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Nguyễn Huy Tưởng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra