Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 109/QĐ-UBND

Trà Vinh, ngày 18 tháng 01 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT NUÔI TÔM NƯỚC LỢ TỈNH TRÀ VINH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 5528/QĐ-BNN-TCTS ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn 2030;

Căn cứ Quyết định số 359/QĐ-UBND ngày 24 tháng 3 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 924/QĐ-UBND ngày 04 tháng 5 năm 2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc phê duyệt Quy hoạch thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2695/QĐ-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc phê duyệt Quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 608/TTr-SNN ngày 12 tháng 12 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết nuôi Tôm nước lợ tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM

Phát triển nuôi tôm nước lợ dựa trên khai thác tối đa lợi thế điều kiện tự nhiên, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu - xâm nhập mặn. Chú trọng phát triển theo chiều sâu, gắn với việc quản lý chặt chẽ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Phát triển nuôi tôm nước lợ theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành thủy sản và ngành hàng tôm nước lợ cả nước và các vùng, gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ, xây dựng nông thôn mới, đồng thời đảm bảo hài hòa với quy hoạch phát triển các ngành kinh tế của tỉnh.

Phát triển nuôi tôm nước lợ theo hướng tiếp cận và ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ cao gắn với tổ chức lại sản xuất và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; hết sức chú trọng phát triển bền vững, đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao cả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường; đảm bảo hài hòa lợi ích của các thành phần kinh tế, lợi ích nhà nước và xã hội trong chuỗi giá trị sản xuất và kinh doanh tôm nước lợ.

Phát triển nuôi tôm nước lợ gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo đảm thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển nuôi tôm nước lợ của tỉnh thành ngành sản xuất hàng hóa, có hiệu quả cao, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và bền vững, góp phần quan trọng thực hiện thành công tái cơ cấu ngành thủy sản của tỉnh, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn; thu hút được các thành phần kinh tế tham gia vào ngành tôm, góp phần đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đảm bảo đời sống sinh kế người dân ven biển.

2. Mục tiêu cụ thể

- Diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 26.170 ha đến năm 2020 và đạt 27.930 ha vào năm 2030 đi đôi với nâng cao trình độ công nghệ nuôi; nâng dần diện tích nuôi thâm canh và siêu thâm canh trong kỳ quy hoạch, trong đó diện tích nuôi siêu thâm canh đến năm 2020 là 600 ha, tăng lên 1.100 ha vào năm 2030.

- Sản lượng nuôi tôm nước lợ đạt 70.640 tấn vào năm 2020 và đạt ,103.340 tấn vào năm 2030; tốc độ tăng trưởng sản lượng tôm nước lợ nuôi bình quân giai đoạn 2017 - 2020 là 17,7%/năm và giai đoạn 2021 - 2030 là 3,88%/năm.

- Nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng tôm nuôi, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2017 - 2020 là 16,95%/năm và giai đoạn 2021 - 2030 là 3,71%/năm.

- Đến năm 2020 thu hút 66.437 người trong nuôi tôm nước lợ; đến năm 2030 tăng lên 71.825 người.

(Chi tiết Phụ lục 01 đính kèm)

III. NỘI DUNG QUY HOẠCH

1. Phân bổ quy hoạch trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố

1.1. Thành phố Trà Vinh

- Diện tích nuôi: Đến năm 2020 là 70 ha, năm 2030 là 150 ha, gồm:

+ Tôm sú: Đến năm 2020 là 30 ha, năm 2030 là 50 ha, chủ yếu là nuôi thâm canh - bán thâm canh.

+ Tôm thẻ chân trắng: Đến năm 2020 là 40 ha, năm 2030 là 100 ha, chủ yếu là nuôi thâm canh - bán thâm canh.

- Sản lượng: Đến năm 2020 là 228 tấn (tôm sú 60 tấn, tôm thẻ chân trắng 168 tấn), năm 2030 là 655 tấn (tôm sú 175 tấn, tôm thẻ chân trắng 480 tấn).

- Vùng nuôi: Bố trí tại các khu vực ven sông Cổ Chiên ở các ấp Long Đại, Rạch Bèo, Vĩnh Yên, Vĩnh Hưng và cồn Thủy Tiên, cồn Long Trị thuộc xã Long Đức.

1.2. Thị xã Duyên Hải

- Diện tích nuôi: Đến năm 2020 là 7.200 ha, năm 2030 là 7.300 ha, gồm:

+ Tôm sú: Đến năm 2020 là 5.500 ha (nuôi thâm canh - bán thâm canh là 1.500 ha, nuôi quảng canh cải tiến - tôm rừng 4.000 ha), năm 2030 là 5.200 ha (nuôi thâm canh - bán thâm canh là 1.700 ha, nuôi quảng canh cải tiến - tôm rừng 3.500 ha)

+ Tôm thẻ chân trắng: Đến năm 2020 là 1.700 ha (nuôi thâm canh 1.600 ha, nuôi công nghệ cao 100 ha), năm 2030 là 2.100 ha (nuôi thâm canh 1.900 ha, nuôi công nghệ cao 200 ha).

- Sản lượng: Đến năm 2020 là 15.740 tấn (tôm sú 4.680 tấn, tôm thẻ chân trắng 11.060 tấn), năm 2030 là 21.565 tấn (tôm sú 5.480 tấn, tôm thẻ chân trắng 16.085 tấn).

- Vùng nuôi: Bố trí trên địa bàn các xã Long Toàn, Long Hữu, Hiệp Thạnh, Trường Long Hòa, Dân Thành, phường 1, phường 2; nuôi tôm công nghệ cao ở xã Long Hữu; ấp Cây Da, ấp Bào xã Hiệp Thạnh, ấp Ba Động xã Trường Long Hoà.

1.3. Huyện Duyên Hải

- Diện tích nuôi: Đến năm 2020 là 9.280 ha, năm 2030 là 9.450 ha, gồm:

+ Tôm sú: Đến năm 2020 là 8.500 ha (nuôi thâm canh - bán thâm canh là 1.400 ha, nuôi quảng canh cải tiến - tôm rừng 7.100 ha), năm 2030 là 8.300 ha (nuôi thâm canh - bán thâm canh là 1.600 ha, nuôi quảng canh cải tiến - tôm rừng 6.700 ha)

+ Tôm thẻ chân trắng: Đến năm 2020 là 780 ha (nuôi thâm canh 730 ha, nuôi công nghệ cao 50 ha), năm 2030 là 1.150 ha (nuôi thâm canh 1.050 ha, nuôi công nghệ cao 100 ha)

- Sản lượng: Đến năm 2020 là 11.126 tấn (tôm sú 5.356 tấn, tôm thẻ chân trắng 5.770 tấn), năm 2030 là 16.420 tấn (tôm sú 6.060 tấn, tôm thẻ chân trắng 10.360 tấn).

- Vùng nuôi: Bố trí trên địa bàn các xã Long Khánh, Long Vĩnh, Đông Hải, Ngũ Lạc, Đôn Xuân, Đôn Châu; nuôi tôm công nghệ cao tại ấp Giồng Bàn và dự án 1A xã Long Vĩnh.

1.4. Huyện cầu Ngang

- Diện tích nuôi: Đến năm 2020 là 6.500 ha, năm 2030 là 7.400 ha, gồm:

+ Tôm sú: Đến năm 2020 là 1.900 ha, năm 2030 là 2.000 ha, chủ yếu là nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh.

+ Tôm thẻ chân trắng: Đến năm 2020 là 4.600 ha (nuôi thâm canh 4.350 ha, nuôi công nghệ cao 250 ha), năm 2030 là 5.400 ha (nuôi thâm canh 4.900 ha, nuôi công nghệ cao 500 ha)

- Sản lượng: Đến năm 2020 là 32.450 tấn (tôm sú 7.300 tấn, tôm thẻ chân trắng 25.150 tấn), năm 2030 là 46.160 tấn (tôm sú 9.560 tấn, tôm thẻ chân trắng 36.600 tấn).

- Vùng nuôi: Bố trí trên địa bàn các xã Kim Hòa, Vinh Kim, Hiệp Hòa, Mỹ Long Nam, Thạnh Hòa Sơn, Mỹ Hiệp Tây, Mỹ Hiệp Đông, Long Sơn, Thuận Hòa, Mỹ Hoà, thị trấn Mỹ Long, khu vực cống Long Hòa và thị trấn cầu Ngang; nuôi tôm công nghệ cao bố trí ở các xã Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Đông, Hiệp Mỹ Tây, Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn.

1.5. Huyện Châu Thành

- Diện tích nuôi: Đến năm 2020 là 2.500 ha, năm 2030 là 2.700 ha, gồm:

+ Tôm sú: Đến năm 2020 là 1.860 ha, năm 2030 là 1.880 ha, chủ yếu là nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh.

+ Tôm thẻ chân trắng: Đến năm 2020 là 640 ha (nuôi thâm canh 590 ha, nuôi công nghệ cao 50 ha), năm 2030 là 820 ha (nuôi thâm canh 720 ha, nuôi công nghệ cao 100 ha)

- Sản lượng: Đến năm 2020 là 5.530 tấn (tôm sú 1.055 tấn, tôm thẻ chân trắng 4.475 tấn), năm 2030 là 9.864 tấn (tôm sú 1.610 tấn, tôm thẻ chân trắng 8.254 tấn).

- Vùng nuôi: Bố trí trên địa bàn các xã Hưng Mỹ, Hòa Minh, Long Hòa, Phước Hảo, Hòa Thuận, Hòa Lợi.

1.6. Huyện Trà Cú

- Diện tích nuôi: Đến năm 2020 là 400 ha, năm 2030 là 580 ha, gồm:

+ Tôm sú: Đến năm 2020 là 160 ha (nuôi thâm canh - bán thâm canh là 10 ha, nuôi quảng canh cải tiến 150 ha), năm 2030 là 200 ha (nuôi thâm canh - bán thâm canh là 50 ha, nuôi quảng canh cải tiến 150 ha)

+ Tôm thẻ chân trắng: Đến năm 2020 là 240 ha (nuôi thâm canh 90 ha, nuôi công nghệ cao 150 ha), năm 2030 là 380 ha (nuôi thâm canh 180 ha, nuôi công nghệ cao 200 ha)

- Sản lượng: Đến năm 2020 là 4.716 tấn (tôm sú 84 tấn, tôm thẻ chân trắng 4.632 tấn), năm 2030 là 6.847 tấn (tôm sú 220 tấn, tôm thẻ chân trắng 6.627 tấn).

- Vùng nuôi: Bố trí trên địa bàn các xã An Quảng Hữu, Lưu Nghiệp Anh, Kim Sơn và Đại An; nuôi tôm công nghệ cao ở địa bàn xã Hàm Tân.

1.7. Huyện Tiểu Cần

- Diện tích nuôi: Đến năm 2020 là 200 ha, năm 2030 là 300 ha, gồm:

+ Tôm sú: Đến năm 2020 là 70 ha (nuôi thâm canh - bán thâm canh là 30 ha, nuôi quảng canh cải tiến 40 ha), năm 2030 là 100 ha (nuôi thâm canh - bán thâm canh là 60 ha, nuôi quảng canh cải tiến 40 ha)

+ Tôm thẻ chân trắng: Đến năm 2020 là 130 ha, năm 2030 là 200 ha, chủ yếu là nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh.

- Sản lượng: Đến năm 2020 là 842 tấn (tôm sú 114 tấn, tôm thẻ chân trắng 728 tấn), năm 2030 là 1.469 tấn (tôm sú 209 tấn, tôm thẻ chân trắng 1.260 tấn).

- Vùng nuôi: Bố trí trên địa bàn xã Tân Hòa.

1.8. Huyện Càng Long

- Diện tích nuôi: Đến năm 2020 là 19,1 ha, năm 2030 là 50 ha, chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh.

- Sản lượng: Đến năm 2020 là 112 tấn, năm 2030 là 360 tấn.

- Vùng nuôi: Bố trí ven sông Cổ Chiên trên địa bàn ấp 4 xã Đức Mỹ và ấp Đon xã Nhị Long.

2. Dịch vụ hậu cần, cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm nước lợ

2.1. Dịch vụ hậu cần

- Nhu cầu tôm giống: Đến năm 2020 cần 10.980 triệu con giống (tôm sú giống 5.405 triệu con, tôm thẻ chân trắng giống 5.575 triệu con), năm 2030 cần 13.480 triệu con giống (tôm sú giống 5.300 triệu con, tôm thẻ chân trắng giống 8.180 triệu con).

- Nhu cầu thức ăn: Đến năm 2020 là 107.400 tấn (tôm sú 26.802 tấn, tôm thẻ chân trắng 80.598 tấn), năm 2030 là 165.870 tấn (tôm sú 33.540 tấn, tôm thẻ chân trắng 132.330 tấn). Nguồn thức ăn công nghiệp cung cấp thông qua các đại lý trong tỉnh hoặc các cơ sở nuôi quy mô lớn có thể mua thức ăn trực tiếp từ các nhà máy sản xuất thức ăn hoặc tự sản xuất thức ăn theo quy trình khép kín.

- Nhu cầu lao động: Lao động phổ thông đáp ứng chuyên cho nuôi tôm thương phẩm toàn tỉnh đến năm 2020 là 66.437 người tăng lên 71.825 người năm 2030. Ngoài ra, cần đào tạo lao động kỹ thuật có trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học cho nuôi tôm dự kiến đến năm 2030 cần khoảng 530 kỹ sư.

2.2. Cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm nước lợ

- Hệ thống điện:

+ Đến năm 2020 cần 236.988 MWh, cụ thể: Huyện Châu Thành cần 16.830 MWh, huyện Trà Cú cần 16.762 MWh; thành phố Trà Vinh (xã Long Đức) cần 821 MWh; huyện Tiểu Cần (xã Tân Hòa) cần 2.588 MWh; huyện cầu Ngang cần 116.820 MWh (cho cánh đồng Trà Côn bao gồm các xã Long Sơn, Hiệp Mỹ Tây, Thạnh Hòa Sơn; Khu nuôi tôm công nghiệp thuộc các xã Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Đông, Mỹ Long Bắc, Mỹ Hòa và Thuận Hòa); huyện Duyên Hải cần 30.852 MWh (xã Đôn Xuân, Đôn Châu, Ngũ Lạc và Long Vĩnh), thị xã Duyên Hải cần 51.912 MWh; huyện Càng Long cần 403 MWh.

+ Đến năm 2030 cần 313.680 MWh, cụ thể: Huyện Châu Thành cần 27.949 MWh, huyện Trà Cú cần 21.638 MWh; thành phố Trà Vinh (xã Long Đức) cần 2.096 MWh; huyện Tiểu Cần (xã Tân Hòa) cần 4.637 MWh; huyện Cầu Ngang cần 147.712 MWh (cho cánh đồng Trà Côn bao gồm các xã Long Sơn, Hiệp Mỹ Tây, Thanh Hòa Sơn; Khu nuôi tôm công nghiệp thuộc các xã Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Đông, Mỹ Long Bắc, Mỹ Hòa và Thuận Hòa); huyện Duyên Hải cần 43.968 MWh (xã Đôn Xuân, Đôn Châu, Ngũ Lạc và Long Vĩnh), thị xã Duyên Hải cần 64.528 MWh; huyện Càng Long cần 1.152 MWh.

- Hệ thống giao thông: Tăng cường mật độ các tuyến đường liên xã, đường giao thông nông thôn liên ấp đến các vùng nuôi tôm tập trung sau:

+ Huyện Cầu Ngang: Các xã Kim Hòa, Vĩnh Kim, Hiệp Hoà, Hiệp Mỹ Đông.

+ Huyện Duyên Hải: Các xã Long Khánh, Long Vĩnh, khu vực phía Nam đường tỉnh 914 thuộc địa bàn các xã Đôn Xuân, Đôn Châu, Ngũ Lạc.

+ Huyện Tiểu Cần: Xã Tân Hòa.

+ Huyện Châu Thành: Các xã Hòa Minh, Long Hòa, Phước Hảo, Hưng Mỹ, Hòa Thuận, Hòa Lợi.

+ Thị xã Duyên Hải: Các xã Long Toàn, Trường Long Hòa.

+ Thành phố Trà Vinh: Xã Long Đức.

* Bố trí phương án như sau:

+ Cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông cũ để giảm chi phí đầu tư. Tận dụng đất đào và nạo vét kênh thủy lợi để tôn tạo nền bờ bao và đường giao thông kết hợp.

+ Các tuyến giao thông chính vào khu nuôi tập trung cần bảo đảm mặt đường có kết cấu vững, đạt tiêu chuẩn lưu thông các loại xe ô tô 4 - 6 bánh, các tuyến phụ có thể lưu thông xe 4 bánh và các loại xe thô sơ khác.

+ Trên các tuyến chính, bố trí các cầu giao thông cùng tải trọng với cấp đường (từ 8 - 10 tấn). Các tuyến phụ có thể bố trí các cầu giao thông bằng bê tông có cấu trúc đơn giản hơn (tải trọng 2,5 - 5 tấn).

- Hệ thống thủy lợi:

+ Tăng cường nạo vét các sông, kênh, rạch hàng năm để khơi thông dòng chảy và giảm bồi lắng các tuyến kênh cấp, thoát nước quan trọng ở các vùng nuôi tôm mặn lợ ở tất cả các huyện/thị. Trong đó ưu tiên tập trung nạo vét các sông, kênh cấp 1, 2 phục vụ cấp nước và thoát nước ở các địa phương có vùng nuôi tôm tập trung.

+ Đối với các huyện có quy hoạch vùng nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh cần thường xuyên nạo vét để khơi thông dòng chảy và giảm sự bồi lắng ở các tuyến kênh cấp/thoát nước trong vùng nuôi tôm. Đồng thời, cần tính toán nhu cầu nước đối với vùng nuôi tôm để có kế hoạch phân bố sử dụng nguồn nước hợp lý.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giải pháp về cơ chế chính sách

- Triển khai thực hiện tốt Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 25/04/2014 về triển khai thực hiện Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 15/2015/NĐ-CP, ngày 14/02/2015 của Chính phủ về Đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Quyết định số 28/2015/QĐ-UBND ngày 09/11/2015 của UBND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2015-2020.

- Đề xuất Trung ương ban hành quy chuẩn nuôi tôm công nghệ cao; nghiên cứu có chính sách hỗ trợ đầu tư nuôi tôm công nghệ cao, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi tôm công nghiệp và hướng dẫn tạm thời nuôi tôm siêu thâm canh và ứng dụng công nghệ.

2. Giải pháp về khoa học công nghệ, khuyến ngư và hợp tác quốc tế

- Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn cho nuôi tôm nước lợ. Áp dụng công nghệ nuôi tiết kiệm nguồn nước, ứng dụng công nghệ tuần hoàn, công nghệ sinh học trong nuôi tôm nước lợ.

- Phối hợp các Viện, Trung tâm nghiên cứu, trường Đại học trong và ngoài nước để đẩy mạnh công tác chuyển giao quy trình nuôi tôm thương phẩm cho chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

- Tổ chức tổng kết, đánh giá và quảng bá các mô hình trình diễn, áp dụng công nghệ mới làm cơ sở nhân rộng. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất sạch, giảm thất thoát và bảo quản sau thu hoạch, an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Du nhập các thiết bị, tiếp nhận các quy trình nuôi tiên tiến ở các nước có điều kiện tự nhiên tương đồng với nước ta như quy trình nuôi tôm sạch, hạn chế thức ăn, giảm thiểu khí độc trong nuôi tôm nước lợ.

- Hợp tác với các nước có công nghệ nuôi tôm nước lợ tiên tiến để tiếp cận công nghệ nuôi mới, thân thiện với môi trường nhằm phát triển nuôi tôm nước lợ của tỉnh theo hướng công nghệ cao và bền vững.

- Tổng hợp các mô hình nuôi siêu thâm canh, nuôi công nghệ cao có hiệu quả trong tỉnh và đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo về môi trường khuyến cáo nhân rộng để người dân trong tỉnh học tập kinh nghiệm.

3. Giải pháp về thị trường và xúc tiến thương mại

- Tập trung thực hiện tốt các giải pháp để cải thiện, nâng cao hiệu quả các kênh phân phối đã hình thành. Xây dựng mở rộng các mô hình hợp tác, liên kết chặt chẽ theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ theo các đơn đặt hàng giữa nông dân và các thành phần kinh tế khác, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong định hướng thị trường và sản phẩm. Nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, liên kết, hợp tác trong sản xuất tiêu thụ tôm nước lợ, hình thành chuỗi giá trị phù hợp, phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

- Đa dạng hóa các sản phẩm tôm nước lợ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, trong đó chú trọng sản phẩm giá trị gia tăng để tăng giá trị xuất khẩu.

- Xây dựng thương hiệu truy xuất nguồn gốc tôm theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 89/TB-VPCP ngày 17/02/2017.

- Tổ chức các hội chợ, triển lãm giống, sản phẩm tôm nuôi và chế biến. Hỗ trợ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước.

- Tăng cường nghiên cứu, đánh giá nhu cầu thị trường, khả năng cung ứng và thị hiếu tiêu dùng sản phẩm tôm nước lợ để có kế hoạch chủ động trong sản xuất

- Củng cố, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường tôm nước lợ, nâng cao năng lực dự báo, cung cấp thông tin về cung - cầu, giá cả thị trường trên thị trường thế giới và trong nước; hỗ trợ các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại.

4. Giải pháp về con giống, thức ăn phục vụ nuôi tôm nước lợ

4.1. Giải pháp về con giống

- Phối hợp giữa các địa phương với nhau về công tác quản lý chất lượng giống thủy sản: Thông tin về nguồn gốc, chất lượng và các vấn đề liên quan đến chất lượng giữa các địa phương sản xuất tôm giống và nơi tôm giống được thả nuôi.

- Mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, liên doanh liên kết các thành phần kinh tế trong tỉnh để tạo ra nhiều con giống thủy sản mặn, lợ chất lượng cho phát triển nghề nuôi thủy sản theo hướng bền vững.

- Nhà nước cần đầu tư đồng bộ hạ tầng cho vùng sản xuất giống tập trung, sau đó giao đất cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất. Tổ chức lại sản xuất, thông qua hình thức sản xuất và lực lượng sản xuất để có điều kiện tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi, cũng như được hưởng các chính sách hỗ trợ khi sản xuất gặp khó khăn. Tăng cường tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu sản xuất giống đến nuôi trồng thủy sản. Tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản tiếp cận vốn ngân hàng cũng như tạo mối liên doanh liên kết với nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước trên lĩnh vực sản xuất con giống thủy sản.

4.2. Giải pháp về thức ăn

- Để đảm bảo mức cung ứng thức ăn thủy sản cho tôm nước lợ thì cần phải có chính sách kêu gọi các nhà đầu tư từ địa phương, cũng như có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, đại lý thức ăn thủy sản.

- Để đảm bảo chất lượng thức ăn nuôi trồng thủy sản, trước tiên đẩy mạnh công tác xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật cho các loại thức ăn nuôi trồng thủy sản. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng thức ăn nuôi trồng thủy sản. Tập trung đầu tư nguồn lực cho phòng thí nghiệm hiện đại nhằm phục vụ nhanh chóng, kịp thời cho công tác kiểm tra chất lượng thức ăn nuôi trồng thủy sản.

5. Giải pháp về tổ chức và quản lý sản xuất

- Tổ chức lại sản xuất và xuất khẩu theo hướng liên kết chuỗi giá trị ngành hàng, trong đó doanh nghiệp là mắt xích chủ yếu đóng vai trò dẫn dắt và hỗ trợ ngư dân. Liên kết chuỗi để giải quyết vấn đề chu kỳ giá và sản lượng, đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc; đảm bảo thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh, bảo vệ môi trường, bảo đảm cho phát triển bền vững.

- Tổ chức lại sản xuất các vùng nuôi tôm, đặc biệt đối với các vùng nuôi chủ lực theo hướng tạo mối liên kết chặt chẽ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người nuôi với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản; đồng thời đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề nuôi, đa dạng hóa đối tượng nuôi và phương thức nuôi; khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nuôi tốt (VietGAP, GlobalGAP), áp dụng công nghệ cao, từng bước đưa ngành nuôi tôm của tỉnh đi theo hướng thâm canh, siêu thâm canh và thực hiện quản lý vùng nuôi thông qua việc cấp mã số nhận diện nhằm tạo ra các vùng nuôi có sản lượng hàng hóa lớn, có chất lượng cao và ổn định, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc.

- Tăng cường kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y thủy sản của các cơ sở sản xuất giống, sản xuất thức ăn thủy sản trên địa bàn tỉnh; kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống thủy sản, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, chế phẩm sinh học, các yếu tố đầu vào khác trong nuôi trồng thủy sản và kiểm soát chặt chẽ chất lượng thủy sản nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu; ngưng hoạt động và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng những cơ sở cung cấp con giống kém chất lượng theo quy định của pháp luật.

- Phát huy vai trò của các Hội, Hiệp hội, Chi hội theo địa bàn thôn, xã nhằm làm cầu nối và tổ chức liên kết giữa các khâu của quá trình sản xuất; Hội Nông dân tiến hành vận động, khuyến khích và tạo điền kiện thuận lợi để người dân tích cực tham gia vào các tổ chức kinh tế hợp tác và các hoạt động khuyến ngư,...

- Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới thiết bị công nghệ, chuyển dần xuất khẩu sản phẩm thô sang sản phẩm tinh chế bằng công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa các sản phẩm thủy sản đặc biệt là sản phẩm tôm xuất khẩu; gắn nhà máy chế biến thành phẩm với nhà máy chế biến thức ăn để tận dụng phụ phẩm từ tôm, xây dựng quy chế giá sản xuất khẩu.

6. Giải pháp về bảo vệ môi trường

- Đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường nước mặt tự động để thực hiện kiểm tra chất lượng môi trường nước cũng như thu nhận thông tin từ các trung tâm cảnh báo môi trường khu vực nhằm thông tin kịp thời cho người nuôi tôm có biện pháp khắc phục và xử lý kịp thời.

- Tăng cường quản lý ao nuôi thâm canh, siêu thâm canh, cơ sở nuôi diện tích mặt nước 0,5-10 ha phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường và từ 10 ha trở lên phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và trình cấp có thẩm quyền xác nhận trước khi thả nuôi.

- Lập thủ tục môi trường theo quy định tại Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường bắt buộc nuôi tôm nước lợ phải có thu gom xử lý nước thải, bùn thải, ao xử lý nước thải chiếm 10 - 15% mặt nước nuôi.

- Có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư về công tác bảo vệ môi trường cho các cơ sở chế biến, nhất là đầu tư công nghệ chế biến và xử lý chất thải theo hướng hiện đại. Dành riêng nguồn vốn cho các doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý chất thải với thời gian cho vay dài hạn, mức lãi thấp (hoặc không tính lãi).

- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, nhất là cần kiên quyết xử lý triệt để những hành vi vi phạm các quy định của Luật bảo vệ môi trường. Đồng thời, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các chủ đầu tư và các chủ doanh nghiệp.

- Có các biện pháp chế tài, xử phạt để xử lý các hộ dân trong vùng quy hoạch không tuân theo các quy định và hướng dẫn của các cán bộ chuyên môn và các ban ngành có chức năng.

7. Giải pháp về đầu tư: Thực hiện xã hội hóa nguồn vốn đầu tư bằng việc huy động tối đa các nguồn lực và lồng ghép với các chương trình mục tiêu, các dự án đầu tư phát triển, xây dựng nông thôn mới,...từ các nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, các nguồn vốn viện trợ, nguồn vốn đầu tư theo hình thức hợp tác công tư, các tổ chức phi chính phủ, trong đó:

- Nguồn vốn ngân sách Nhà nước, gồm vốn Trung ương và vốn địa phương chủ yếu hỗ trợ thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật thiết yếu kết nối đến vùng nuôi tôm tập trung, bao gồm hệ thống giao thông, hệ thống điện, hệ thống thủy lợi.

- Nguồn vốn huy động trong dân và doanh nghiệp chủ yếu để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi, hệ thống giao thông nội vùng, hệ thống kênh mương nội đồng đấu nối vùng nuôi của hộ dân và doanh nghiệp vào hạ tầng giao thông, thủy lợi đầu vùng nuôi; kéo lưới điện từ các trạm điện tập trung của vùng nuôi đến các khu nuôi của riêng từng hộ và doanh nghiệp.

- Cần có chính sách ưu đãi, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nuôi tôm nước lợ.

(Danh mục dự án đầu tư chi tiết tại Phụ lục 02 đính kèm)

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp các địa phương vùng quy hoạch tổ chức triển khai, kiểm tra đánh giá việc thực hiện quy hoạch. Kết quả thực hiện quy hoạch được đánh giá qua quá trình thực hiện quy hoạch và đánh giá, rà soát theo kế hoạch hàng năm và 05 năm.

- Lập kế hoạch chi tiết các khu nuôi thương phẩm tập trung theo phương thức nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và triển khai các chương trình, dự án đề ra trong quy hoạch.

- Chủ trì, phối hợp các ngành chức năng tăng cường thu hút đầu tư phát triển tôm nước lợ theo mục tiêu, định hướng quy hoạch.

- Tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương về vốn, khoa học công nghệ, đào tạo, xúc tiến thương mại; tài trợ của các tổ chức quốc tế phục vụ sự nghiệp phát triển ngành.

2. Các Sở, Ban, ngành liên quan

- Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm đối với các dự án đầu tư hạ tầng khu nuôi tập trung từ vốn ngân sách nhà nước; phối hợp kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư; tham mưu chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án của các thành phần kinh tế theo quy hoạch.

- Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan để bố trí kinh phí thực hiện đề án; hướng dẫn thanh quyết toán vốn theo quy định; hướng dẫn các địa phương bố trí kinh phí thường xuyên thực hiện đề án theo quy định, cân đối các nguồn vốn để triển khai thực hiện đề án theo kế hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện vùng quy hoạch rà soát, cập nhật diện tích đất quy hoạch nuôi thương phẩm nước lợ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh. Tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm Luật bảo vệ môi trường trong nuôi tôm.

- Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, Hiệp hội Tôm về đăng ký nhãn mác, thương hiệu tôm; chuyển giao khoa học công nghệ về tôm nước lợ.

- Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các doanh nghiệp thủy sản tăng cường thực hiện công tác xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tôm với thị trường trong và ngoài nước; xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm tôm; phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện và Công ty Điện lực Trà Vinh để cập nhật, bổ sung nhu cầu điện cho các vùng nuôi tôm vào kế hoạch phát triển hệ thống lưới điện của tỉnh.

- Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Trà Vinh phổ biến, hướng dẫn và chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai chính sách tín dụng theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ trong hoạt động nuôi thương phẩm và sản xuất giống tôm; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện trong vùng quy hoạch

- Rà soát, bổ sung quy hoạch chi tiết nuôi tôm nước lợ của tỉnh vào quy hoạch sử dụng đất của địa phương.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quản lý, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch trên địa bàn.

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các xã, phường, thị trấn trong vùng quy hoạch thực hiện quản lý quy hoạch, quản lý sản xuất, bảo vệ môi trường trong nuôi thương phẩm theo phân cấp trong phạm vi địa phương.

- Rà soát, cập nhật các công trình, dự án phục vụ nuôi tôm nước lợ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện để làm căn cứ giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.

4. Doanh nghiệp, cá nhân nuôi tôm tôm nước lợ

- Thực hiện nghiêm quy hoạch nuôi tôm nước lợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không đầu tư cơ sở sản xuất ngoài quy hoạch.

- Thực hiện nuôi tôm thương phẩm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật được cấp có thẩm quyền ban hành; thực hiện các quy trình nuôi trồng thủy sản tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Tăng cường trách nhiệm cộng đồng về bảo vệ môi trường, phòng trừ dịch bệnh trong các vùng nuôi tôm thương phẩm, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và bền vững.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công Thương; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Trà Vinh; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Trà Vinh; Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ NN&PTNT;
- Văn phòng Chính phủ;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- Như Điều 4;
- Báo, Đài PT&TH TV;
- CVP, các PCVP.UBND tỉnh;
- TT. TH - CB tỉnh;
- Các Phòng: CN-XD, KT, KG-VX, NC, TH;
- Lưu: VT.NN.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Kim Ngọc Thái

 

PHỤ LỤC I

CÁC CHỈ TIÊU QUY HOẠCH CHI TIẾT NUÔI TÔM NƯỚC LỢ TỈNH TRÀ VINH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 109/QĐ-UBND ngày 18 tháng 01 năm 2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh)

TT

Danh mục

ĐVT

Hiện trạng 2016

Quy hoạch

TTBQ (%/năm)

2020

2030

2017 - 2020

2021 - 2030

I

Tổng diện tích nuôi

Ha

24.034

26.170

27.930

2,15

0,65

1

Tôm sú

18.609

18.020

17.730

-0,80

-0,16

-

Thâm canh và bán thâm canh

3.312

4.950

5.660

10,57

1,35

-

Quản canh cải tiến - Tôm rừng

15.297

13.070

12.070

-3,86

-0,85

2

Tôm thẻ chân trắng

5.187

8.150

10.200

11,96

2,27

-

Tôm công nghệ cao

 

600

1.100

 

6,25

II

Tổng sản lượng

Tấn

36.809

70.640

103.340

17,70

3,88

1

Tôm sú

12.736

18.649

23.314

10,00

2,26

-

Thâm canh và bán thâm canh

9.423

13.839

17.999

10,09

2,66

-

Quản canh cải tiến - Tôm rừng

3.313

4.811

5.315

9,78

1,00

2

Tôm thẻ chân trắng

23.775

51.991

80.026

21,60

4,41

-

Tôm công nghệ cao

 

16.550

33.000

 

7,14

III

Giá trị sản xuất (hiện hành)

Tỷ đồng

4.653

8.703

12.533

16,95

3,71

1

Tôm sú

2.038

2.984

3.730

10,00

2,26

2

Tôm thẻ chân trắng

2.615

5.719

8.803

21,61

4,41

 

PHỤ LỤC II

CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
(Kèm theo Quyết định số 109/QĐ-UBND ngày 18 tháng 01 năm 2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh)

Đơn vị tính: Tỷ đồng

STT

Tên công trình

Tổng mức đầu tư

TỔNG MỨC ĐẦU TƯ

1.320,47

I

Giai đoạn 2017-2020

767,67

1

Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản xã Đôn Xuân - Đôn Châu, huyện Duyên Hải

106,67

2

Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm công nghiệp xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải

100

3

Đầu tư hệ thống điện (trung thế, hạ thế, trạm biến thế)

261

4

Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản Long Toàn - Long Vĩnh - Hiệp Thạnh

105

5

Thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản Long Vĩnh - Long Hữu

126

6

Đề án thành lập “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Trà Vinh”

10

7

Quy hoạch chi tiết khu nuôi tôm công nghệ cao huyện Cầu Ngang (100ha)

5

8

Đầu tư hệ thống lưới điện phục vụ cho các vùng nuôi tôm công nghiệp mở rộng (Các vùng nuôi tôm công nghiệp quy hoạch mới trên địa bàn tỉnh)

54

II

Giai đoạn 2020-2030

552,8

1

Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản khu vực sông Cần Chông huyện Tiểu cần

24,9

2

Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm công nghiệp xã Hiệp Mỹ Tây và Thanh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang

66

3

Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản xã Long Khánh, huyện Duyên Hải

76,96

4

Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm sú và tôm TCT theo hình thức TC-BTC xã Hiệp Mỹ Đông, Hiệp Mỹ Tây và Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang

139,19

6

Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm (xã Hưng Mỹ, Hòa Minh, Long Hòa, Phước Hảo, Hòa Thuận, Hòa Lợi), huyện Châu Thành

151,99

7

Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản khu vực ven sông Cổ Chiên (xã Hưng Mỹ, Hòa Minh), huyện Châu Thành

65,18

8

Đầu tư hệ thống đường giao thông nông thôn đến các vùng nuôi tôm tập trung tại các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Tiểu Cần, Châu Thành, T.xã Duyên Hải và T.p Trà Vinh

60

9

Đầu tư hệ thống lưới điện phục vụ vùng nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh tập trung tại các địa bàn huyện Duyên Hải, Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang, Tiểu Cần và thành phố Trà Vinh

70

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 109/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Quy hoạch chi tiết nuôi Tôm nước lợ tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

  • Số hiệu: 109/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/01/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Trà Vinh
  • Người ký: Kim Ngọc Thái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/01/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản