Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 924/QĐ-UBND

Trà Vinh, ngày 04 tháng 5 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THỦY LỢI PHỤC VỤ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị quyết số 109/NQ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) của tỉnh Trà Vinh;

Căn cứ Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1397/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng;

Căn cứ Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 30 tháng 3 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh khóa VIII - kỳ họp thứ 21 thông qua Quy hoạch thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 346/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán Quy hoạch thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 136/TTr-SNN ngày 13 tháng 4 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

a) Phát triển bền vững, đa mục tiêu và giảm nhẹ thiên tai

- Phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch thủy lợi và phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của tỉnh, chủ động trong việc cấp nước, tiêu thoát nước phục vụ sản xuất, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, lan truyền mầm bệnh;

- Khai thác lợi dụng tổng hợp, hợp lý thống nhất hệ thống công trình thủy lợi, đảm bảo không chia cắt theo địa giới hành chính.

- Kết hợp chặt chẽ với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông nông thôn từng địa phương.

- Khai thác sử dụng phải đi đôi với bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, tái tạo các nguồn tài nguyên bằng biện pháp công trình và phi công trình theo hướng phát triển bền vững.

b) Góp phần xây dựng nông thôn mới

- Tăng cường xã hội hóa về đầu tư và quản lý, sử dụng hệ thống đê bao bờ bao kết hợp đường giao thông, nâng cao trách nhiệm, quyền lợi của Nhân dân trong vùng, đảm bảo sử dụng hiệu quả và lâu bền các công trình;

- Sử dụng khai thác đi đôi với việc bảo vệ tài sản, hoa màu của Nhân dân nhằm góp phần cải thiện đời sống Nhân dân, thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát: Xây dựng Quy hoạch thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng để có cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn, chủ động nguồn nước phục vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất, phòng trừ ô nhiễm, bệnh tật, hướng ngành thủy sản của tỉnh phát triển bền vững.

b) Mục tiêu cụ thể: Quy hoạch thủy lợi phục vụ các vùng chuyên nuôi trồng thủy sản thuộc các vùng sinh thái khác nhau (ngọt, lợ, mặn) có tổng diện tích là 27.195 ha và các vùng nuôi thủy sản kết hợp khác.

3. Nội dung quy hoạch

3.1. Phạm vi lập quy hoạch: Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 27.195 ha và các vùng nuôi thủy sản kết hợp khác trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

3.2. Phương án, giải pháp thủy lợi

a) Huyện Càng Long

- Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, phục vụ diện tích 77 ha nuôi cá thâm canh - bán thâm canh (TC-BTC), vốn đầu tư 102,05 tỷ đồng.

- Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản khu vực ven sông Dừa Đỏ, huyện Càng Long, phục vụ diện tích 177 ha nuôi tôm càng xanh và cá, vốn đầu tư 36,79 tỷ đồng.

- Sử dụng hệ thống thủy lợi hiện có phục vụ cho các vùng nuôi trồng thủy sản rải rác trên địa bàn huyện, bao gồm: 30ha lúa - cá thuộc các xã Tân An, Huyền Hội; 10ha nuôi thủy đặc sản thuộc các xã Tân An, Huyền Hội và thị trấn Càng Long; 1.022ha nuôi cá mương vườn.

b) Huyện Cầu Kè

- Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi cá Tra, cá Lóc TC-BTC xã An Phú Tân, Hòa Tân và Ninh Thới, huyện Cầu Kè, diện tích phục vụ 450 ha, vốn đầu tư 38,35 tỷ đồng.

- Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản xã Hòa Ân, Tam Ngãi và Thông Hòa, huyện Cầu Kè, phục vụ diện tích 420 ha nuôi tôm càng xanh xen canh lúa, vốn đầu tư 28,58 tỷ đồng.

- Sử dụng hệ thống thủy lợi hiện có phục vụ cho 630 ha nuôi cá mương vườn rải rác trên toàn huyện.

c) Huyện Tiểu Cần

- Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản khu vực sông Cần Chông huyện Tiểu Cần, phục vụ diện tích 550 ha nuôi cá TC-BTC, tôm càng xanh, vốn đầu tư 24,9 tỷ đồng.

- Sử dụng hệ thống thủy lợi hiện có phục vụ cho các vùng nuôi trồng thủy sản rải rác trên toàn huyện bao gồm: 50ha nuôi cá TC-BCT xã Tân Hòa; 1.100ha nuôi cá mương vườn.

d) Thành phố Trà Vinh

Sử dụng hệ thống thủy lợi hiện có phục vụ cho các vùng nuôi trồng thủy sản bao gồm: 230ha nuôi cá tra TC-BCT, 10ha nuôi tôm càng xanh và 5ha nuôi các loài thủy sản khác của xã Long Đức; 100ha nuôi cá mương vườn trên địa bàn xã Long Đức và các phường 7, 8, 9.

đ) Huyện Châu Thành

- Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản khu vực ven sông Cổ Chiên (xã Hưng Mỹ, Hòa Minh), huyện Châu Thành, phục vụ diện tích 100 ha nuôi cá TC-BTC, vốn đầu tư 65,18 tỷ đồng.

- Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm (xã Hưng Mỹ, Hòa Minh, Long Hòa và Phước Hảo), huyện Châu Thành, phục vụ diện tích 6.835 ha bao gồm nuôi tôm càng xanh (135ha), tôm sú vả thẻ chân trắng (350ha), tôm quảng canh cải tiến - tôm sú xen canh cua (6.350ha), vốn đầu tư 151,99 tỷ đồng.

- Sử dụng hệ thống thủy lợi hiện có phục vụ cho 320 ha nuôi cá mương vườn rải rác trên toàn huyện.

e) Huyện Cầu Ngang

- Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm công nghiệp xã Hiệp Mỹ Tây và Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang, diện tích phục vụ 1.020 ha, vốn đầu tư 66 tỷ đồng.

- Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm sú và thẻ chân trắng theo hình thức TC-BTC xã Hiệp Mỹ Đông, Hiệp Mỹ Tây và Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, diện tích phục vụ 2.514 ha, vốn đầu tư 139,19 tỷ đồng.

- Sử dụng hệ thống thủy lợi hiện có phục vụ cho các vùng nuôi trồng thủy sản bao gồm: 300ha nuôi tôm sú và thẻ chân trắng (xã Vinh Kim, Mỹ Long Bắc), 1.630ha nuôi cá xen canh lúa (xã Kim Hòa, Hiệp Hòa), 4.040ha nuôi tôm càng xanh xen lúa (xã Kim Hòa, Vinh Kim, Hiệp Hòa, Mỹ Hòa và thị trấn Cầu Ngang), 2.406ha nuôi tôm sú, thẻ chân trắng luân canh lúa và 400ha nuôi cá mương vườn rải rác trên toàn huyện.

g) Huyện Trà Cú

- Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi cá lóc TC-BTC huyện Trà Cú (xã Định An, Đại An, Hàm Tân, Kim Sơn, An Quảng Hữu, Lưu Nghiệp Anh), diện tích phục vụ 350 ha, vốn đầu tư 37 tỷ đồng.

- Sử dụng hệ thống thủy lợi hiện có phục vụ cho 50 ha nuôi tôm sú luân canh lúa của xã Hàm Tân và 450ha nuôi cá mương vườn rải rác trên toàn huyện.

h) Huyện Duyên Hải

- Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản xã Đôn Châu và Đôn Xuân, huyện Duyên Hải (huyện Trà Cú cũ), phục vụ diện tích 540 ha nuôi tôm sú và thẻ chân trắng TC-BTC, quảng canh cải tiến (QCCT), vốn đầu tư 106,67 tỷ đồng.

- Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm công nghiệp xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, diện tích phục vụ 2.800 ha, vốn đầu tư 100 tỷ đồng.

- Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản xã Long Khánh, huyện Duyên Hải, phục vụ diện tích 1.200 ha nuôi tôm sú và thẻ chân trắng TC-BTC, QCCT, vốn đầu tư 76,96 tỷ đồng.

- Sử dụng hệ thống thủy lợi hiện có phục vụ cho 3.011ha nuôi tôm sú và thẻ chân trắng TC-BTC, QCCT các xã: Long Vĩnh, Long Khánh, Đông Hải.

i) Thị xã Duyên Hải

Tiếp tục thực hiện đầu tư các hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản đang được triển khai trên địa bàn huyện Duyên Hải cũ, nay là thị xã Duyên Hải và huyện Duyên Hải, gồm:

- Đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản xã Đông Hải - Long Toàn - Hiệp Thạnh.

- Đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản xã Long Vĩnh - Long Hữu.

- Sử dụng hệ thống thủy lợi hiện có phục vụ cho gần 3.200ha nuôi tôm sú và thẻ chân trắng trên toàn huyện.

3.3. Tổng mức đầu tư và Phân kỳ đầu tư

a) Tổng mức đầu tư: 973,66 tỷ đồng (Chín trăm bảy mươi ba phẩy sáu mươi sáu tỷ đồng). Trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 779,28 tỷ đồng.

- Ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác: 194,38 tỷ đồng.

b) Công trình ưu tiên và phân kỳ đầu tư

- Dự án ưu tiên phân kỳ đầu tư đảm bảo tiêu chí: Phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của tỉnh; Đầu tư phải đồng bộ, tránh đầu tư dàn trải; Các dự án đã lập dự án đầu tư và được phê duyệt; Kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng thấp; Có tỷ lệ vốn đối ứng từ Nhân dân trong vùng hưởng lợi cao.

- Phân kỳ đầu tư

+ Giai đoạn 2016 - 2020 gồm 04 dự án với tổng mức đầu tư là 345,72 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách Trung ương là 279,96 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương và vốn khác là 65,76 tỷ đồng.

+ Giai đoạn sau năm 2020 gồm 09 dự án với tổng mức đầu tư là 627,94 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách Trung ương là 499,32 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương và vốn khác là 128,62 tỷ đồng.

4. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư

STT

Tên công trình

Tổng mức đầu tư

Vốn Trung ương

Vốn địa phương và vốn khác

(tỷ đồng)

(tỷ đồng)

(tỷ đồng)

 

TỔNG MỨC ĐẦU TƯ

973,66

779,28

194,38

I

GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

345,72

279,96

65,76

1

Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản xã Đôn Xuân - Đôn Châu, huyện Duyên Hải

106,67

96

10,67

2

Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm công nghiệp xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải

100

90

10,00

3

Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản xã Đức Mỹ, huyện Càng Long

102,05

93,96

8,09

4

Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi cá lóc TC-BTC huyện Trà Cú (xã Định An, Đại An, Hàm Tân, Kim Sơn, An Quảng Hữu, Lưu Nghiệp Anh)

37

 

37,00

II

GIAI ĐOẠN SAU NĂM 2020

627,94

499,32

128,62

1

Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản khu vực sông Cần Chông huyện Tiểu Cần

24,9

 

24,90

2

Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm công nghiệp xã Hiệp Mỹ Tây và Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang

66

66

 

3

Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản xã Long Khánh, huyện Duyên Hải

76,96

76,96

 

4

Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm sú và thẻ chân trắng theo hình thức TC-BTC xã Hiệp Mỹ Đông, Hiệp Mỹ Tây và Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang

139,19

139,19

 

5

Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi cá Tra, cá Lóc TC-BTC xã An Phú Tân, Hòa Tân và Ninh Thới, huyện Cầu Kè

38,35

 

38,35

6

Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản xã Hòa Ân, Tam Ngãi và Thông Hòa, huyện Cầu Kè

28,58

 

28,58

7

Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm (xã Hưng Mỹ, Hòa Minh, Long Hòa, Phước Hảo), huyện Châu Thành

151,99

151,99

 

8

Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản khu vực ven sông Cổ Chiên (xã Hưng Mỹ, Hòa Minh), huyện Châu Thành

65,18

65,18

 

9

Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản khu vực ven sông Dừa Đỏ, huyện Càng Long

36,79

 

36,79

5. Giải pháp thực hiện quy hoạch

a) Giải pháp về vốn

- Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020.

- Huy động nhiều nguồn vốn, bao gồm: Ngân sách tập trung, vốn để lại, các chương trình mục tiêu,…

- Huy động tối đa các nguồn vốn từ ngân sách. Khai thác các nguồn vốn từ Trung ương thông qua các chương trình phát triển và các cơ chế chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với vùng nghèo.

- Ngoài việc khai thác tối đa nguồn vốn từ ngân sách, khai thác các nguồn vốn hỗ trợ khác thông qua các chương trình, như: Chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu, dự án quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn đồng bằng sông Cửu Long,…

- Các dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020, nếu nguồn vốn trong giai đoạn này không đáp ứng đủ được chuyển tiếp sang giai đoạn sau 2020.

- Thực hành tiết kiệm có hiệu quả, ban hành chính sách đầu tư phát triển cho nông nghiệp nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

b) Giải pháp về chính sách

- Quy hoạch sau khi được phê duyệt phải phổ biến công khai đến các địa phương, các ngành, các tổ chức có liên quan, đặc biệt là để toàn dân biết, thực hiện.

- Có các chính sách ưu đãi về đầu tư tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư vào dự án.

- Quy hoạch gắn với đầu tư, trước hết là chọn đầu tư các dự án ưu tiên cho giảm thiểu tác động tiêu cực. Đầu tư đồng bộ, toàn diện, dứt điểm nhằm phát huy nhanh hiệu quả đầu tư.

Điều 2. Tổ chức thực hiện Quy hoạch

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

- Tổ chức công bố công khai, thông báo rộng rãi nội dung quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi để mọi công dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư (trong và ngoài nước) dễ dàng tiếp cận nghiên cứu và khai thác.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo thứ tự dự án ưu tiên đầu tư.

- Theo dõi, giám sát việc thực hiện và tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh Quy hoạch kịp thời khi không còn phù hợp.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

Xác định nhu cầu nguồn vốn hàng năm, cân đối và bố trí vốn đầu tư theo phân cấp, đúng quy định để thực hiện quy hoạch đạt tiến độ, hiệu quả.

3. Các Sở, Ban, ngành tỉnh có liên quan: Theo chức năng, nhiệm vụ của Sở, Ban, ngành có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình tổ chức thực hiện Quy hoạch thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đảm bảo đạt hiệu quả.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư triển khai thực hiện Quy hoạch trên địa bàn và thực hiện các thủ tục có liên quan về đất đai đúng theo quy định.

- Theo dõi tình hình triển khai đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thủy lợi trên địa bàn; đồng thời, báo cáo, phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch trên địa bàn.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Trà Vinh; Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Kim Ngọc Thái