Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2014/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 23 tháng 4 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THOÁT NƯỚC TẠI CÁC ĐÔ THỊ, KHU CÔNG NGHIỆP, CỤM CÔNG NGHIỆP, KHU DÂN CƯ TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 ngày 29/11/2005;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21/6/2012;

Căn cứ Nghị định số 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp;

Căn cứ Thông tư số 09/2009/TT-BXD ngày 21/5/2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết thực hiện một số nội dung của Nghị định số 88/2007/NĐ-CP, ngày 28/5/2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 278/TTr-SXD ngày 01/4/2014 và ý kiến thẩm định văn bản của Sở Tư pháp tại Văn bản số 136/STP-XDVB ngày 31/3/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định quản lý hoạt động thoát nước tại các đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Viết Thuần

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THOÁT NƯỚC TẠI CÁC ĐÔ THỊ, KHU CÔNG NGHIỆP, CỤM CÔNG NGHIỆP, KHU DÂN CƯ TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2014/QĐ-UBND ngày 23 tháng 4 năm 2014 của UBND tỉnh Thái Nguyên)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định chi tiết về hoạt động thoát nước tại các đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các khu dân cư tập trung; trách nhiệm quản lý của các Sở, ngành; UBND cấp huyện, cấp xã và các đơn vị liên quan; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có hoạt động liên quan đến hoạt động thoát nước trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến thoát nước đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này một số từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Uỷ ban nhân dân thành phố, thị xã và các huyện sau đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

2. Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn sau đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân cấp xã.

3. Khu dân cư tập trung là khu vực được quy hoạch có đông dân cư sinh sống ngoài đô thị như khu tái định cư, khu chung cư, khu nhà ở công nhân khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

4. Nước thải y tế là vật chất ở thể lỏng được thải ra từ các cơ sở y tế bao gồm nước thải y tế nguy hại và nước thải thông thường.

5. Nước thải nguy hại là nước thải chứa yếu tố nguy hại cho sức khỏe con người và môi trường như dễ lây nhiễm, gây ngộ độc, phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn hoặc có đặc tính nguy hại khác nếu không được tiêu hủy an toàn.

Chương II

QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN XẢ THẢI VÀ SỰ ĐỒNG BỘ VỚI CÁC CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT KHÁC

Điều 4. Quy định về quy chuẩn nước xả thải

1. Nước thải từ hệ thống thoát nước đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung, từ các hộ thoát nước đơn lẻ xả ra nguồn tiếp nhận phải bảo đảm các quy chuẩn môi trường và phải được cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

2. Nước thải từ các hộ thoát nước xả vào hệ thống thoát nước đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung phải bảo đảm các quy chuẩn nước thải xả vào hệ thống thoát nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Điều 5. Quy hoạch thoát nước

1. Quy hoạch thoát nước được lập, phê duyệt làm cơ sở cho các hoạt động thoát nước tiếp theo. Mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thoát nước phải tuân theo quy hoạch thoát nước đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Những quy định cụ thể về lập quy hoạch thoát nước tuân thủ theo chương II của Nghị định 88/2007/NĐ-CP của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp và các quy định khác có liên quan về quy hoạch.

Điều 6. Quy định về sự đồng bộ giữa công trình thoát nước và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác

1. Đồ án quy hoạch, dự án đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật khác (giao thông, thủy lợi, y tế...) phải bảo đảm tính đồng bộ với hệ thống thoát nước đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung.

2. Quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước phải kết hợp với các công trình hạ tầng khác để sử dụng chung theo quy định. Đối với các khu công nghiệp, đô thị mới hình thành phải quy hoạch, xây dựng hệ thống thoát nước mưa, nước thải riêng.

3. Khi cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là công trình giao thông có liên quan đến hệ thống thoát nước đô thị và khu công nghiệp, chủ đầu tư phải có phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã có trước, bảo đảm thoát nước bình thường và có nghĩa vụ cải tạo, phục hồi hoặc xây dựng mới đồng bộ các hạng mục công trình thoát nước có liên quan, đảm bảo vệ sinh môi trường trong và sau khi cải tạo, xây dựng.

Chương III

ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN VÀ QUẢN LÝ VẬN HÀNH HỆ THỐNGTHOÁT NƯỚC

Điều 7. Chủ sở hữu công trình thoát nước.

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện trong vùng phục vụ thoát nước của công trình thoát nước có tính chất vùng cùng tham gia sở hữu công trình thoát nước theo tỷ lệ góp vốn hoặc phân bổ vốn đầu tư thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu và cử người tham gia.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện là chủ sở hữu công trình thoát nước:

a) Được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước;

b) Nhận bàn giao lại từ các tổ chức kinh doanh, phát triển khu đô thị mới;

c) Nhận bàn giao lại từ các tổ chức, cá nhân bỏ vốn đầu tư để kinh doanh khai thác công trình thoát nước có thời hạn;

d) Trong khu, cụm công nghiệp đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách do mình quản lý.

3. Các tổ chức kinh doanh, phát triển khu đô thị mới sở hữu, quản lý, vận hành hệ thống thoát nước trên địa bàn do mình quản lý đến khi bàn giao theo quy định.

4. Các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu công trình thoát nước do mình bỏ vốn đầu tư đến khi bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện (nếu có quy định trong giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư).

5. Ban quản lý các khu công nghiệp, Ban quản lý cụm công nghiệp là chủ sở hữu công trình thoát nước tại các khu, cụm công nghiệp khi được cấp có thẩm quyền giao.

6. Uỷ ban nhân dân tỉnh là chủ sở hữu các công trình thoát nước trong khu, cụm công nghiệp được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Điều 8. Đầu tư phát triển thoát nước

1. Việc đầu tư phát triển hệ thống thoát nước đảm bảo theo kế hoạch đã được Chủ sở hữu công trình thoát nước tổ chức lập và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Từng bước đầu tư thay thế cho những khu vực có hệ thống thoát nước đã xuống cấp bằng hệ thống thoát nước sử dụng công nghệ hiện đại tuân thủ theo quy hoạch được duyệt, đáp ứng yêu cầu thoát nước, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

2. Nguồn vốn đầu tư đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước các đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung lấy từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn tài trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác.

3. Xã hội hoá công tác đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước

Khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng một phần hoặc toàn bộ hệ thống thoát nước phù hợp với Quy hoạch thoát nước dưới mọi hình thức đầu tư. Các nhà đầu tư được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước

1. Việc lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước thực hiện theo các quy định tại Điều 26 của Nghị định số 88/2007/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình.

2. Các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mới tại các đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung yêu cầu hệ thống thoát nước được dùng chung với hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật khác theo quy định tại Quyết định số 25/QĐ-UBND ngày 01/11/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về quản lý, sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

3. Các công trình xây dựng mới, cải tạo phải có giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 3 Nghị định 64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2012 của Chính phủ về cấp giấy phép xây dựng và theo quy định tại Quyết định số 33/2013/QĐ-UBND ngày 18/12/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Điều 10. Quản lý, vận hành hệ thống thoát nước

1. Đối với công trình thoát nước các đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh được đầu tư bằng nguồn vốn của ngân sách tỉnh thì UBND tỉnh chỉ định đơn vị quản lý vận hành.

2. Chủ sở hữu công trình thoát nước lựa chọn đơn vị quản lý hệ thống thoát nước trên địa bàn do mình quản lý. Hình thức lựa chọn đơn vị quản lý theo hình thức đấu thầu hoặc thành lập mới, ưu tiên chỉ định lựa chọn đối với đối với các đơn vị vận hành trên địa bàn.

3. Nội dung của hợp đồng quản lý, vận hành thực hiện theo quy định tại Điều 28, 29, 30 của Nghị định số 88/2007/NĐ-CP. Việc nghiệm thu, thanh toán hợp đồng thực hiện theo quy định.

Điều 11. Hợp đồng quản lý, vận hành và chuyển nhượng

1. Hợp đồng quản lý, vận hành là văn bản pháp lý được ký kết giữa chủ sở hữu và đơn vị được giao quản lý, vận hành hệ thống thoát nước.

2. Chuyển nhượng hợp đồng quản lý vận hành: Đơn vị thoát nước chỉ được phép chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ quyền và nghĩa vụ của mình trong hợp đồng quản lý, vận hành cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của chủ sở hữu công trình thoát nước.

Chương IV

DỊCH VỤ THOÁT NƯỚC, PHÍ THOÁT NƯỚC, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN

Điều 12. Hợp đồng dịch vụ thoát nước

1. Hợp đồng dịch vụ thoát nước phải được ký kết trước khi tiến hành đấu nối vào hệ thống thoát nước.

2. Nội dung hợp đồng dịch vụ thoát nước thực hiện theo quy định tại Điều 46 Nghị định số 88/2007/NĐ-CP và theo mẫu tại Phụ lục 2 của Thông tư 09/2009/TT-BXD ngày 21/5/2009 của Bộ Xây dựng.

3. Các hộ thoát nước (trừ hộ gia đình và các hộ thoát nước khác sử dụng hệ thống cấp nước tập trung có quy mô tương tự hộ gia đình phí nước thải đã được tính trong hoá đơn nước sạch) đã đấu nối trực tiếp hoặc chảy gián tiếp vào hệ thống thoát nước đô thị trước khi quy định này có hiệu lực phải ký hợp đồng với đơn vị thoát nước.

Điều 13. Đấu nối thoát nước

1. Thỏa thuận đấu nối là văn bản thỏa thuận giữa đơn vị thoát nước và hộ thoát nước về vị trí đấu nối, các yêu cầu kỹ thuật của điểm đấu nối, thời điểm đấu nối, chất lượng, lưu lượng nước xả vào điểm đấu nối.

2. Khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mới hoặc mở rộng phạm vi bao phủ dịch vụ của hệ thống hiện có UBND cấp huyện ban hành quyết định về việc đấu nối của các hộ thoát nước vào hệ thống thoát nước thuộc phạm vi dự án. Nội dung quyết định phải thể hiện rõ nghĩa vụ và quyền của các bên liên quan, xác định cụ thể vùng dịch vụ đấu nối và quy định khoảng thời gian đấu nối. Quyết định về đấu nối phải được thông báo cho cộng đồng dân cư thuộc phạm vi dự án biết.

Điều 14. Điểm đấu nối

1. Đơn vị thoát nước phải thiết lập các điểm đấu nối cho hộ thoát nước vào mạng lưới thu gom nước của hệ thống thoát nước. Tất cả các hộ thoát nước nằm trong khu vực có dịch vụ thoát nước được yêu cầu và có nghĩa vụ đấu nối vào mạng lưới thu gom nước của hệ thống thoát nước trừ trường hợp gần nguồn tiếp nhận mà chất lượng nước thải đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường hoặc tại địa bàn chưa có mạng lưới thu gom của hệ thống thoát nước tập trung.

2. Vị trí điểm đấu nối được xác định nằm trên tuyến thu gom của hệ thống thoát nước. Đơn vị thoát nước có trách nhiệm cung cấp các số liệu bằng văn bản về vị trí, cao độ và yêu cầu kỹ thuật của điểm đấu nối hộ thoát nước vào hệ thống thoát nước.

3. Hệ thống thoát nước của khu công nghiệp, cụm công nghiệp đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị thì được coi như một hộ sử dụng dịch vụ thoát nước đô thị và phải tuân theo các quy định của hệ thống thoát nước đô thị.

Điều 15. Quy định về xả nước thải tại điểm đấu nối

1. Đối với nước thải sinh hoạt:

a) Đối với hệ thống thoát nước được đầu tư xây dựng mới có hệ thống thu gom, công trình xử lý nước thải tập trung thì nước thải sinh hoạt từ các hộ thoát nước được phép xả thẳng vào hệ thống thu gom nước thải;

b) Đối với các đô thị trên địa bàn tỉnh đã có hệ thống thoát nước thì nước thải sinh hoạt phải được thu gom và xử lý sơ bộ trước khi xả vào điểm đấu nối, công trình xử lý nước thải sinh hoạt sơ bộ tại các hộ thoát nước phải tuân thủ các quy định về quy chuẩn thiết kế xây dựng và vận hành do bộ xây dựng ban hành;

c) Nước thải y tế xả thải vào hệ thống cống thải chung của khu dân cư, hệ thống thu gom dẫn đến hệ thống xử lý nước thải tập trung thì phải được khử trùng xử lý sơ bộ đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế các thông số và các chất gây ô nhiễm khác áp dụng theo các quy định hiện hành về nước thải y tế.

2. Đối với các loại nước thải khác:

a) Các hộ thoát nước phải thu gom và có hệ thống xử lý nước thải cục bộ bảo đảm quy chuẩn cho phép trước khi xả vào điểm đấu nối;

b) Các hộ thoát nước (trừ hộ gia đình, hộ cơ quan hành chính sự nghiệp) có trách nhiệm ký hợp đồng với một phòng thí nghiệm hợp chuẩn tiến hành định kỳ lấy mẫu, phân tích chất lượng nước thải trước khi xả vào điểm đấu nối với tần xuất 6 tháng một lần. Kết quả xét nghiệm phải được gửi đến cơ quan quản lý nhà nước về thoát nước trên địa bàn, đơn vị thoát nước.

Điều 16. Phí thoát nước

1. Tất cả các hộ thoát nước xả nước thải vào hệ thống thoát nước có nghĩa vụ trả phí thoát nước theo quy định này.

2. Các hộ thoát nước không xả nước thải vào hệ thống thoát nước tập trung của đô thị và khu công nghiệp mà xả trực tiếp ra môi trường thì áp dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo Nghị định số 25/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Các hộ thoát nước đã chịu phí thoát nước thì không phải chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

3. Đối với nước thải sinh hoạt, mức thu phí thoát nước được tính theo khối lượng nước thải. Các loại nước thải khác, mức thu phí thoát nước được tính theo khối lượng nước thải và hàm lượng chất gây ô nhiễm trong nước thải.

Điều 17. Xác định khối lượng nước thải thu phí

1. Đối với nước thải sinh hoạt:

a) Trường hợp sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, khối lượng nước thải tính thu phí được lấy bằng 100% khối lượng nước sạch tiêu thụ theo số đo trên hóa đơn tiền nước;

b) Trường hợp không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, khối lượng nước thải tính thu phí được lấy bằng 4m3/người/tháng. Số người được xác định theo sổ hộ khẩu (đối với hộ gia đình), bảng lương hoặc hợp đồng lao động (đối với các hộ thoát nước không tổ chức sản xuất, chế biến);

c) Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tự khai thác nước để sử dụng sinh hoạt thì khối lượng nước sạch sử dụng căn cứ vào quy mô hoạt động của kinh doanh, dịch vụ do cơ sở tự kê khai và thẩm định của UBND cấp xã.

2. Đối với các loại nước thải khác:

a) Trường hợp sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, khối lượng nước thải tính thu phí được lấy bằng 80% khối lượng nước sạch tiêu thụ theo số đo trên hóa đơn tiền nước;

b) Trường hợp không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung thì khối lượng nước thải tính thu phí được xác định thông qua đồng hồ hộ thoát nước có trách nhiệm lắp đặt đồng hồ và các thiết bị bảo vệ, phụ trợ khác hoặc thông qua Hợp đồng dịch vụ thoát nước giữa đơn vị thoát nước và hộ thoát nước.

3. Xác định hàm lượng chất gây ô nhiễm để thu phí

a) Hàm lượng chất gây ô nhiễm thu phí đối với nước thải khác (không phải sinh hoạt) được xác định theo chỉ tiêu COD (mg/l);

b) Hàm lượng COD được xác định theo kết quả phân tích của phòng thí nghiệm hợp chuẩn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 quy định này.

4. Mức thu phí thoát nước đối với các hộ thoát nước được xác định theo công thức sau:

F = f x V x K

Trong đó:

f là phí thoát nước được xác định theo tỷ lệ % và không thấp hơn 10% giá tiêu thụ nước sạch áp dụng cho các đối tượng sử dụng nước khác nhau.

V là khối lượng nước thải thu phí được xác định theo khoản 1 và khoản 2 điều này

K là hệ số điều chỉnh phụ thuộc hàm lượng chất gây ô nhiễm xác định theo quy định tại khoản 3 điều này; đối với nước thải sinh hoạt, lấy hệ số K = 1.

Hệ số K được xác định như sau:

STT

Hàm lượng COD (mg/l)

Hệ số K

1

≤ 100

1

2

101 - 200

1,5

3

201 - 300

2

4

301 - 400

2,5

5

401 - 600

3,5

6

> 600

4,5

Điều 18. Trách nhiệm lập, thẩm quyền thẩm định, quyết định phí thoát nước

1. Chủ sở hữu công trình thoát nước chỉ đạo đơn vị thoát nước tổ chức lập và trình phương án phí thoát nước.

2. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính thẩm định phương án phí thoát nước.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phí thoát nước cho từng đô thị trên địa bàn quản lý sau khi đã thông qua Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Điều 19. Quyền và nghĩa vụ của các hộ thoát nước

1. Hộ thoát nước có trách nhiệm đầu tư đường ống thoát nước và công trình xử lý sơ bộ đến điểm đấu nối; hoàn trả nguyên trạng các mặt bằng công cộng đã sử dụng để thi công; có nghĩa vụ thông báo thời điểm thi công đấu nối để đơn vị thoát nước kiểm tra bảo đảm đấu nối đúng quy định.

2. Hộ thoát nước nằm trong vùng phục vụ của hệ thống thoát nước đều phải trả tiền cho các dịch vụ thoát nước.

3. Hộ thoát nước đấu nối với hệ thống thoát nước đô thị có quyền:

a) Được cung cấp các dịch vụ thoát nước theo quy định này và các quy định khác của nhà nước có liên quan;

b) Yêu cầu đơn vị quản lý vận hành kịp thời sửa chữa hoặc khôi phục hệ thống thoát nước khi bị hư hỏng;

c) Được bồi thường mất mát, hư hỏng do đối tượng khác gây ra.

4. Đối với các công trình, nhà ở mới xây dựng, việc đấu nối phải được hoàn tất trước khi nhà, công trình đó đưa vào sử dụng.

5. Trường hợp trong một khu đất do một chủ sở hữu mà có nhiều hộ xả nước thì tất cả các hộ xả nước thải đều bình đẳng, có quyền và nghĩa vụ như trên.

6. Các hộ tự xử lý nước thải sau đó xả trực tiếp vào môi trường cần phải:

a) Tuân thủ quy chuẩn xả thải vào môi trường;

b) Có Giấy phép xả thải của cơ quan có thẩm quyền;

c) Có sự chấp thuận của đơn vị quản lý vận hành đồng ý miễn trừ đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị.

7. Hộ thoát nước xả nước thải làm hư hỏng tài sản của các hộ khác, làm hư hại hệ thống thoát nước, ảnh hưởng xấu đến môi trường đều phải bồi thường thiệt hại.

Điều 20. Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công trình thoát nước

1. Ký hợp đồng quản lý vận hành với đơn vị có đủ năng lực.

2. Lựa chọn đơn vị quản lý vận hành có đủ năng lực thông qua hình thức đấu thầu cạnh tranh hoặc giao thầu.

3. Thanh toán tiền cho đơn vị quản lý vận hành theo giá hợp đồng và khối lượng thực hiện.

4. Chủ sở hữu hệ thống thoát nước có trách nhiệm đầu tư xây dựng mạng lưới thu gom đến điểm đấu nối và phải cung cấp đủ nguồn lực để mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa, phát triển hệ thống và đóng vai trò là chủ đầu tư.

Điều 21. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thoát nước

1. Thông qua hợp đồng quản lý vận hành có quyền:

a) Hợp đồng dịch vụ với khách hàng được ký kết trước khi tiến hành đấu nối vào hệ thống thoát nước (trừ hộ gia đình có phí nước thải đã được tính trong hoá đơn nước sạch) và thực hiện mọi hoạt động theo hợp đồng dịch vụ đã ký;

b) Thu phí thoát nước;

c) Nhận thanh toán đúng thời hạn đã quy định trong hợp đồng quản lý vận hành, yêu cầu bồi thường thiệt hại tài chính do việc thanh toán chậm gây ra đã được cụ thể hóa theo hợp đồng;

d) Đề nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xem xét, bổ sung và sửa đổi quy phạm, quy chuẩn, các định mức kinh tế - kỹ thuật, chính sách có liên quan tới các hoạt động thoát nước;

e) Báo cáo với chủ sở hữu và đề nghị các cơ quan hữu quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm của tổ chức và cá nhân gây ảnh hưởng thiệt hại tới hoạt động thoát nước;

f) Đơn vị thoát nước có trách nhiệm và được quyền giám sát việc xây dựng công trình thu gom và xử lý sơ bộ nước thải sinh hoạt của các hộ thoát nước để bảo đảm việc xây dựng các công trình này là đúng quy định.

2. Nhiệm vụ của đơn vị quản lý vận hành hệ thống thoát nước:

a) Vận hành và bảo dưỡng hệ thống thoát nước, bảo đảm việc cung cấp các dịch vụ thoát nước cho khách hàng cả về chất lượng và số lượng theo đúng hợp đồng quản lý vận hành và hợp đồng dịch vụ đã ký;

b) Tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị, phản ánh có liên quan đến dịch vụ thoát nước, ký kết các hợp đồng dịch vụ với khách hàng (trừ hộ gia đình). Giải quyết các khiếu nại về dịch vụ thoát nước;

c) Quản lý các tài sản do chủ sở hữu giao, thường xuyên theo dõi sự hoạt động của các công trình thoát nước và báo cáo với chủ sở hữu tài sản;

d) Theo dõi và báo cáo với chủ sở hữu về hiệu quả hoạt động của hệ thống thoát nước;

e) Kiểm tra, đánh giá tình trạng hoạt động của hệ thống thoát nước, bảo đảm việc thu gom, xử lý và xả nước vào môi trường theo thoả thuận; sửa chữa kịp thời các trục trặc, hư hỏng;

f) Bồi thường thiệt hại gây ra cho khách hàng theo thoả thuận ghi trong hợp đồng dịch vụ;

g) Việc vận hành, bảo dưỡng hệ thống thoát nước và các tài sản di động theo đúng các quy trình tác nghiệp đã được phê duyệt;

h) Theo dõi, thiết lập cơ sở dữ liệu các hộ xả nước;

i) Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống thoát nước trình chủ sở hữu phê duyệt.

k) Nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đã tiếp nhận và thải ra môi trường.

Chương V

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ THOÁT NƯỚC

Điều 22. Sở Xây dựng

1. Thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động thoát nước tại các đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh.

2. Tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý thoát nước tại các đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo về công tác lập quy hoạch, đầu tư phát triển, quản lý vận hành hệ thống thoát nước; hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo tình hình quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng, khai thác, sử dụng, quản lý vận hành hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh.

3. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính xây dựng và bổ sung các định mức, đơn giá xây dựng công trình thoát nước đô thị, khu công nghiệp còn thiếu hoặc chưa phù hợp trên địa bàn tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành để áp dụng.

4. Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính thẩm định phí thoát nước của chủ sở hữu công trình thoát nước các đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu tập dân cư trung tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua.

5. Phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường xem xét vị trí phù hợp quy hoạch đối với hồ sơ xin phép xả thải của hệ thống thoát nước thải đô thị theo quy định.

6. Tổng hợp, báo cáo Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình quản lý hoạt động thoát nước trên địa bàn tỉnh theo định kỳ và đột xuất.

Điều 23. Sở Tài chính

1. Phối hợp với Sở Xây dựng thẩm định phương án phí thoát nước của chủ sở hữu công trình thoát nước các đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu tập dân cư trung tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua.

2. Hướng dẫn việc quản lý tài chính, kiểm tra và quyết toán việc sử dụng phí thoát nước theo đúng quy định Nhà nước.

3. Phối hợp với sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc đảm bảo cân đối vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước theo các chương trình, kế hoạch phát triển hệ thống thoát nước.

Điều 24. Sở Kế hoạch và Đầu tư

1. Cân đối nhu cầu vốn từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác để thực hiện quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống thoát nước phù hợp với yêu cầu phát triển.

2. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư cho lĩnh vực thoát nước đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu tập dân cư trung.

Điều 25. Sở Tài nguyên và Môi trường

1. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường và kiểm soát ô nhiễm trong hoạt động thoát nước và hướng dẫn áp dụng quy chuẩn nước thải xả ra nguồn tiếp nhận.

2. Giám sát và đánh giá mức độ ô nhiễm nguồn nước tại các điểm xả của hệ thống thoát nước.

3. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép xả thải đối với hệ thống thoát nước đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu dân cư tập trung thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh.

4. Thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án xây dựng hệ thống thoát nước thuộc danh mục phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.

5 Thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo quy định tại Nghị định 25/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

6. Phối hợp với chủ sở hữu công trình kiểm tra công tác đấu nối của các đơn vị khi xả thải vào hệ thống thoát nước.

Điều 26. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi khi đi qua các đô thị và khu, cụm công nghiệp.

2. Tham cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thuỷ lợi.

3. Thực hiện việc cấp phép xả nước thải vào công trình thuỷ lợi cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vào công trình thuỷ lợi trên địa bàn quản lý theo quy định.

4. Kiểm tra việc xây dựng theo quy hoạch của nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng trong cụm công nghiệp do mình quản lý đảm bảo tuân thủ theo quy hoạch thoát nước đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 2457/QĐ-UBND ngày 29/11/2013.

Điều 27. Sở Khoa học và Công nghệ

1. Tổ chức thẩm định công nghệ xử lý thoát nước đô thị của các dự án đầu tư xử lý thoát nước đô thị, khu, cụm công nghiệp và khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh.

2. Tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về việc lựa chọn công nghệ xử lý nước thải.

Điều 28. Sở Y tế

1. Chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện việc giám sát chất lượng nước thải của các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh trước khi thải vào hệ thống thoát nước chung.

2. Hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước thải y tế hiện hành.

Điều 29. Công an tỉnh

1. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải của các hộ thoát nước trên địa bàn tỉnh.

2. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, giải trình những vấn đề liên quan để làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật về thoát nước và xử lý nước thải, được thực hiện công tác kiểm định môi trường, sử dụng thiết bị, tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về thoát nước và xử lý nước thải.

3. Ngăn chặn và xử lý kịp thời đối với những hành vi vi phạm liên quan đến vấn đề thoát nước thải và vệ sinh môi trường trên toàn bộ hệ thống thoát nước và xử lý nước.

Điều 30. Ban Quản lý các khu công nghiệp và Ban quản lý cụm công nghiệp

1. Tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hệ thống thoát nước trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn do mình quản lý.

2. Phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường xem xét vị trí phù hợp quy hoạch đối với hồ sơ xin phép xả thải của hệ thống thoát nước thải trong các khu, cụm công nghiệp do mình quản lý theo quy định.

3. Kiểm tra việc xây dựng theo quy hoạch của nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp do mình quản lý đảm bảo tuân thủ theo quy hoạch thoát nước đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 2457/QĐ-UBND ngày 29/11/2013.

4. Xây dựng và trình Sở Tài chính thẩm định để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án phí thoát nước do đơn vị quản lý thoát nước cung cấp.

Điều 31. Công ty Thoát nước và phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên và các doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thoát nước

1. Thực hiện triển khai các dự án thoát nước được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh hoặc nguồn vốn khác mà tỉnh huy động và các dự án khác nếu được Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc chủ sở hữu khác ký Hợp đồng quản lý, vận hành.

2. Tổ chức quản lý khai thác hệ thống thoát nước đô thị sau khi có Hợp đồng quản lý, vận hành với chính quyền địa phương.

3. Được phép đầu tư, xây dựng, khai thác vận hành hệ thống thoát nước tại các đô thị bằng nguồn vốn của Doanh nghiệp hoặc nguồn vốn khác mà doanh nghiệp huy động.

4. Chủ động triển khai đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung tại các đô thị phục vụ thoát nước và cho các Chủ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật khác như: Điện, cấp nước, thông tin liên lạc...thuê, đồng thời phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các quy định về kỹ thuật; bảo đảm an toàn, mỹ quan.

5. Thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm theo quy định tại Điều 21 của quy định này và các quy định khác có liên quan.

5. Lưu trữ các hồ sơ, tài liệu về thoát nước, khu công nghiệp, cụm công nghiệp thuộc quyền quản lý theo quy định; cung cấp, bàn giao một bộ hồ sơ, dữ liệu thoát nước, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang sở hữu theo quy định cho cơ quan quản lý nhà nước về thoát nước (bản vẽ và dữ liệu đã được số hóa). Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các dữ liệu cung cấp.

Điều 32. Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về thoát nước trên địa bàn mình quản lý.

2. Tổ chức lập quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước trên địa bàn mình quản lý; tổ chức thực hiện các dịch vụ thoát nước phù hợp với sự phát triển của cộng đồng.

3. Lựa chọn đơn vị quản lý, khai thác vận hành hệ thống thoát nước phù hợp, đảm bảo nguyên tắc toàn bộ hệ thống thoát nước phải được quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng theo quy định.

4. Chỉ đạo đơn vị thoát nước tổ chức lập và trình phương án phí thoát nước gửi Sở xây dựng và Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh và quyết định ban hành, cụ thể:

a) Đối với thành phố Thái Nguyên: UBND thành phố phối hợp và chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành hệ thống thoát nước xây dựng tổ chức lập và trình phương án phí thoát nước theo đúng quy định để Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài chính thẩm định và trình UBND tỉnh thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh và quyết định ban hành vào quý IV năm 2014;

b) Đối với thị xã Sông Công: UBND thị xã phối hợp và chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành hệ thống thoát nước xây dựng tổ chức lập và trình phương án phí thoát nước theo đúng quy định để Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài chính thẩm định và trình UBND tỉnh thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh và quyết định ban hành trước khi thị xã Sông Công được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh;

c) Đối với huyện Phổ Yên: UBND huyện Phổ Yên phối hợp và chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành hệ thống thoát nước xây dựng tổ chức lập và trình phương án phí thoát nước theo đúng quy định để Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài chính thẩm định và trình UBND tỉnh thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh và quyết định ban hành trước khi huyện Phổ Yên được công nhận là thị xã Công nghiệp;

d. Đối với các huyện còn lại thì UBND các huyện chủ động phối hợp và chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành hệ thống thoát nước trên địa bàn tổ chức chức lập và trình phương án phí thoát nước theo đúng quy định để Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài chính thẩm định và trình UBND tỉnh thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh và quyết định ban hành.

5. Quản lý quy hoạch thoát nước các đô thị và khu công nghiệp đã được phê duyệt tại Quyết định số 2547/QĐ-UBND ngày 29/11/2013 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc phê duyệt quy hoạch thoát nước các đô thị và khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo hướng thoát nước, quy đất cho các trạm bơm chuyển bậc, trạm xử lý nước thải và các công trình phụ trợ khác của hệ thống thoát nước.

6. Quản lý hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thoát nước thải, hệ thống hồ điều hoà và hệ thống các công trình đầu mối theo các quy định tại Điều 36, 37, 38, 39 của Nghị định 88/2007/NĐ-CP.

7. Ban hành quyết định về việc đấu nối các hộ thoát nước vào hệ thống thoát nước tập trung thuộc phạm vi dự án xây dựng mới hoặc cải tạo công trình thoát nước trên địa bàn mình quản lý và thông báo cho cộng đồng dân cư thuộc phạm vi dự án biết.

8. Chỉ đạo cơ quan quản lý về môi trường cấp huyện thực hiện việc tổ chức kiểm tra đối với việc đề nghị miễn trừ đấu nối của các hộ thoát nước thuộc phạm vi quản lý.

9. Lưu trữ các hồ sơ, tài liệu về thoát nước đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn quản lý theo quy định; cung cấp, bàn giao một bộ hồ sơ, dữ liệu thoát nước đô thị, thuộc thẩm quyền quản lý cho Sở Xây dựng quản lý sau khi nhận bàn giao từ các chủ sở hữu hoặc chủ đầu tư khác (bản vẽ và dữ liệu đã được số hóa); đối với các dự án trực tiếp làm chủ đầu tư thì hồ sơ, dữ liệu này phải cung cấp về Sở Xây dựng sau khi công trình được đưa vào sử dụng. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các dữ liệu cung cấp.

10. Báo cáo nội dung công tác quản lý hoạt động thoát nước trên địa bàn theo định kỳ, hàng năm hoặc đột xuất về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng.

Điều 33. Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra các hoạt động xây dựng, vận hành hệ thống thoát nước. Trong quá trình kiểm tra phát hiện những vi phạm pháp luật về hoạt động thoát nước phải báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

2. Thẩm định xác nhận khối lượng nước sạch sử dụng của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tự kê khai trên địa bàn mình quản lý để làm cơ sở để tính phí nước thải sinh hoạt.

Chương VI

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, THANH KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 34. Khiếu nại, tố cáo

1. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc người đại diện hợp pháp có thẩm quyền khiếu nại đối với quyết định xử phạt của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Trong thời gian chờ đợi giải quyết kết quả khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền, tổ chức cá nhân bị xử phạt vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt.

2. Mọi công dân Việt Nam có quyền tố cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định này và tố cáo người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính lạm dụng quyền hạn, làm trái các quy định của quy định này.

3. Thủ tục khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 35. Xử lý vi phạm

1. Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và kiến nghị xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật trong hoạt động thoát nước.

2. Tổ chức, cá nhân vi phạm các hành vi bị cấm trong hoạt động thoát nước được quy định tại Điều 11 Nghị định 88/2007/NĐ-CP thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Hình thức và mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về khai thác, sử dụng hệ thống thoát nước áp dụng theo quy định tại Điều 46 Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 04/01/2013 của Chính phủ.

3. Trường hợp các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thoát nước gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân thì đối tượng vi phạm phải bồi thường thiệt hại.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 38. Tổ chức thực hiện

1. Các Sở, Ban, ngành thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quản lý thoát nước theo Quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định này nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời bằng văn bản gửi về Sở Xây dựng để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 10/2014/QĐ-UBND về quản lý hoạt động thoát nước tại đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

  • Số hiệu: 10/2014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/04/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên
  • Người ký: Đặng Viết Thuần
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản