Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
LÂM ĐỒNG - NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2736/QCPH-UBND

Lâm Đồng, ngày 11 tháng 11 năm 2021

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG VÙNG GIÁP RANH GIỮA HAI TỈNH LÂM ĐỒNG - NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017;

Căn cứ Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng;

Căn cứ Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ Quy định về hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ;

Căn cứ Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng; số 297/QĐ-TTg ngày 18/3/2019 phê duyệt Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây nguyên giai đoạn 2016-2030;

Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản vùng giáp ranh, Ủy ban nhân dân hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận thống nhất xây dựng, ban hành Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định mối quan hệ phối hợp giữa Ủy ban nhân dân (UBND) hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản tại vùng giáp ranh giữa hai tỉnh.

2. Quy chế này áp dụng đối với:

a) Các huyện, xã và đơn vị chủ rừng có vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận;

b) Các Sở, ngành: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh của hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận

c) UBND cấp huyện, xã giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp

1. Thống nhất chỉ đạo, điều hành hoạt động của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan cùng thực hiện hành động thường xuyên, quyết liệt trong vùng giáp ranh nhằm hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật, săn bắt động vật rừng trái pháp luật.

2. Thực hiện phối hợp trên cơ sở Quy chế phối hợp được ký kết ở từng cấp, ngành, đơn vị chức năng và chương trình, kế hoạch hành động theo từng đợt, từng giai đoạn đã thống nhất ký kết, phê duyệt, nhằm đảm bảo thực hiện tốt trách nhiệm QLBVR; chủ động, kịp thời trong công tác phòng chống phá rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, khai thác rừng trái pháp luật; ngăn chặn, hạn chế và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

3. Mọi khó khăn, vướng mắc trong quá trình phối hợp được giải quyết thông qua trao đổi thống nhất theo chức năng, nhiệm vụ ở từng cấp, ngành, đơn vị và theo quy định của pháp luật.

Chương II

NỘI DUNG PHỐI HỢP

Điều 3. Phối hợp chỉ đạo, điều hành

Ủy ban nhân dân hai tỉnh phối hợp chỉ đạo, kiểm tra các sở, ngành chức năng và Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã vùng giáp ranh hai tỉnh trong việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp phối hợp quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh, theo đó tập trung các giải pháp sau:

1. Xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch nhằm kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi, đi đến chấm dứt tình trạng phá rừng trái pháp luật, lấn, chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; săn bắt động vật rừng trái pháp luật tại vùng giáp ranh giữa hai tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã ở vùng giáp ranh giữa hai tỉnh phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hai tỉnh tăng cường phối hợp thực hiện chức năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân hai tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp ở vùng giáp ranh.

4. Chi cục Kiểm lâm hai tỉnh có trách nhiệm tham mưu cho cấp trên, đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh để phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những đối tượng có hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.

5. Các đơn vị chủ rừng vùng giáp ranh tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên lâm phần quản lý, thực hiện chức năng bảo vệ rừng tận gốc; phối hợp kiểm tra, cung cấp thông tin, ngăn chặn tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp vùng giáp ranh.

6. Kiểm lâm địa bàn và UBND cấp xã có trách nhiệm: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Lâm nghiệp, Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ; có kế hoạch theo dõi, quản lý chặt chẽ các đối tượng thường xuyên phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật và có biện pháp cụ thể để cảm hóa các đối tượng này, nắm chặt địa bàn để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, đồng thời thông báo cho chính quyền địa phương và lực lượng Kiểm lâm vùng giáp ranh biết để cùng phối hợp kiểm tra, xử lý triệt để.

7. UBND cấp huyện, xã, lực lượng Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng vùng giáp ranh xác định cụ thể những khu vực trọng điểm phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, những khu vực, địa điểm cất giấu lâm sản trái phép trong khu dân cư để có kế hoạch triệt phá; đồng thời thông báo cho nhau biết để mỗi bên chủ động có kế hoạch truy quét, kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn, xử lý phá rừng, khai thác rừng, cất giấu lâm sản trái phép trên từng địa bàn. Trong trường hợp cần thiết UBND cấp huyện huy động lực lượng Công an, Dân quân tự vệ của địa phương phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, chủ rừng và chính quyền cấp xã tổ chức truy quét, bảo vệ rừng vùng giáp ranh.

8. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Công an, Quân sự cấp huyện, cấp xã bố trí lực lượng tham gia phối hợp truy quét, bảo vệ rừng vùng giáp ranh theo quy định của pháp luật.

9. Trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị ở vùng giáp ranh:

- Chính quyền cấp huyện, xã ở vùng giáp ranh hai tỉnh phải chịu trách nhiệm khi để người dân địa phương phá rừng, lấn chiếm đất rừng và khai thác lâm sản trái pháp luật ở vùng giáp ranh cũng như việc mua bán, cất giữ lâm sản trái pháp luật trong khu dân cư của địa phương mình.

- Lực lượng Kiểm lâm phải chịu trách nhiệm tham mưu cho chính quyền địa phương về công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, chịu trách nhiệm nếu để tình trạng vận chuyển lâm sản trái pháp luật xảy ra mà không kịp thời ngăn chặn, xử lý cũng như để tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng và đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật trở thành điểm nóng mà không tăng cường biện pháp hỗ trợ các đơn vị chủ rừng ngăn chặn, xử lý.

- Các đơn vị chủ rừng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái pháp luật trong lâm phần quản lý mà không phát hiện kịp thời và không tích cực tổ chức kiểm tra, ngăn chặn.

- UBND cấp huyện, xã vùng giáp ranh hai tỉnh có trách nhiệm tham mưu cấp ủy cùng cấp chỉ đạo, huy động toàn hệ thống chính trị tại địa phương tham gia công tác QLBVR trên địa bàn.

10. Khi phát sinh những vụ việc phức tạp, điểm nóng, đột xuất về vi phạm pháp luật về lâm nghiệp thì lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh (nơi xảy ra vi phạm) chủ trì, phối hợp với lực lượng Quân sự, Công an cấp huyện, đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương vùng giáp ranh hai tỉnh căn cứ pháp luật, quy chế này và các quy định có liên quan chủ động, thống nhất ngay phương án hành động, xử lý kịp thời vụ việc theo quy định; đồng thời báo cáo, tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND hai tỉnh để kịp thời chỉ đạo.

Điều 4. Trách nhiệm phối hợp

1. Chính quyền địa phương cấp xã quản lý tốt công dân địa phương thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động và quản lý tốt đối tượng phá rừng có tính chuyên nghiệp, không để xảy ra tình trạng dân địa phương tham gia phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật rừng, lấn chiếm rừng và đất rừng trái pháp luật. Việc tuyên truyền, giáo dục về QLBVR phải được tiến hành thường xuyên đến từng tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng, doanh nghiệp, kể cả cán bộ, công chức, viên chức...; nắm danh sách đối tượng chuyên phá rừng, khai thác lâm sản, các đối tượng “đầu nậu”, kích động, xúi giục; phân loại đối tượng theo hành vi vi phạm, thủ đoạn hoạt động để quản lý, giáo dục, vận động làm cam kết; thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến hoạt động của các đối tượng này, kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý vi phạm; tổ chức kiểm điểm trước dân các đối tượng vi phạm để răn đe, giáo dục.

2. Chính quyền địa phương cấp huyện tại vùng giáp ranh giữa hai tỉnh có kế hoạch tập trung giải quyết đất sản xuất, đất ở cho dân theo quy định, chính sách hiện hành.

3. Phối hợp lực lượng tại chỗ gồm Kiểm lâm địa bàn, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng và lực lượng tại địa phương chủ động thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát lâm sản, truy quét chống phá rừng vùng giáp ranh trên lâm phần, địa bàn quản lý; tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản các tụ điểm cất giấu lâm sản trong các khu dân cư.

4. Việc kiểm tra, truy quét chống phá rừng được thực hiện theo địa giới hành chính của cấp xã, huyện, tỉnh quản lý. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng chức năng mỗi tỉnh được quyền truy đuổi, bắt giữ đối tượng bỏ chạy về phía địa bàn tỉnh bạn, đồng thời phải báo cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng phía tỉnh bạn biết để phối hợp hoặc hỗ trợ truy đuổi và giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình truy đuổi, bắt giữ đối tượng vi phạm.

Trong trường hợp cần thiết tổ chức huy động lực lượng liên ngành, phối hợp truy quét giữa hai tỉnh, hai huyện giáp ranh thì cơ quan, địa phương chủ trì phải thông báo bằng văn bản cho bên được đề nghị phối hợp biết ít nhất là 02 ngày trước thời gian phối hợp; văn bản đề nghị phải ghi rõ thời gian, địa điểm, lực lượng phối hợp, nội dung phối hợp, trách nhiệm của từng bên trong quá trình phối hợp; trường hợp xảy ra tình huống cấp bách thì phải thông báo cho nhau bằng điện thoại để việc phối hợp được kịp thời, chặt chẽ và hiệu quả.

5. Trong quá trình kiểm tra, truy quét nếu phát hiện có vi phạm Luật Lâm nghiệp trong lâm phần, địa giới hành chính của tỉnh bạn thì lực lượng chức năng của mỗi tỉnh được quyền kiểm tra, lập hồ sơ vi phạm và chuyển giao cho lực lượng Kiểm lâm hoặc chính quyền sở tại để giải quyết cả về con người và tang vật, phương tiện vi phạm theo thẩm quyền.

6. Trường hợp kiểm tra phát hiện tại rừng các loại phương tiện, máy móc, thiết bị do các đối tượng sử dụng nhằm để khai thác, vận chuyển lâm sản, phá rừng trái pháp luật nhưng không thể đưa được về nơi quy định để tạm giữ, xử lý thì tiến hành lập thủ tục để hủy bỏ ngay tại rừng; đối với các loại cây trồng, các công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp phải cương quyết giải tỏa theo quy định của pháp luật.

7. Chính quyền địa phương cấp xã vùng giáp ranh thông báo cho Nhân dân địa phương về việc nghiêm cấm các hành vi tác động trái phép vào rừng, đưa trái phép vào rừng các loại xe cơ giới, xe máy độ chế, cưa máy, ngựa thồ, trâu, bò kéo mục đính sử dụng để kéo gỗ... thì phải được lập hồ sơ xử lý, kể cả việc tịch thu và hủy bỏ tại rừng các phương tiện, máy móc nhằm sử dụng vào việc phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, săn bắt động vật rừng trái pháp luật và phá bỏ các loại cây trồng, các công trình xây dựng trái phép trên diện tích rừng bị phá và trên đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 5. Thông tin, báo cáo

1. Ủy ban nhân dân các huyện vùng giáp ranh, Chi cục Kiểm lâm, các Hạt Kiểm lâm và đơn vị chủ rừng vùng giáp ranh thường xuyên trao đổi thông tin về diễn biến tình hình QLBVR vùng giáp ranh; xác định những điểm nóng trong khu vực, tình hình vi phạm, địa điểm, hành vi, đối tượng, công cụ phương tiện, thủ đoạn, quy luật hoạt động của đối phương vi phạm để kịp thời có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn một cách đồng bộ, thống nhất. Việc trao đổi, xử lý thông tin phải bảo đảm bí mật, kịp thời và chính xác.

2. Hàng quý, UBND các huyện, Chi cục Kiểm lâm có báo cáo gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện quy chế phối hợp trong công tác QLBVR vùng giáp ranh để Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

3. Định kỳ tổ chức họp giao ban ở từng đơn vị, từng cấp, từng ngành như sau:

a) Các đơn vị chủ rừng chủ trì họp giao ban giữa chủ rừng, Kiểm lâm địa bàn và chính quyền cấp xã trên vùng giáp ranh định kỳ hàng quý.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hai tỉnh chỉ đạo, tổ chức giao ban định kỳ luân phiên vào đầu quý IV hàng năm.

c) UBND hai tỉnh luân phiên tổ chức họp giao ban đánh giá kết quả thực hiện Quy chế phối hợp QLBVR vùng giáp ranh định kỳ hai năm một lần. Trường hợp xảy ra tình huống đột xuất, phức tạp thì UBND hai tỉnh tổ chức họp đột xuất để chỉ đạo xử lý.

Điều 6. Trách nhiệm thực hiện

1. Giao cho Ủy ban nhân dân các huyện tiếp tục xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh theo các cụm: huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) với huyện Bác Ái (Ninh Thuận); huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) với huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận); huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) với huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận); đồng thời, tùy theo tình hình thực tế của từng xã tại vùng giáp ranh để kết hợp xây dựng quy chế phối hợp giữa các xã trên địa bàn giáp ranh. Nội dung phối hợp bao gồm các lĩnh vực: an ninh, trật tự, bảo vệ rừng và ổn định đời sống, sản xuất của Nhân dân. Hàng quý có giao ban và hàng năm có hội nghị sơ kết để rút kinh nghiệm nhằm hoàn thiện hơn trong công tác phối hợp QLBVR.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm hai tỉnh căn cứ nội dung Quy chế phối hợp này để tiến hành xây dựng, ký kết Quy chế phối hợp giữa hai Chi cục Kiểm lâm để triển khai thực hiện việc phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản tại vùng giáp ranh có hiệu quả.

3. Giao trách nhiệm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm hai tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế này. Quá trình triển khai thực hiện quy chế phối hợp nếu có vướng mắc, các ngành, các cấp phản ánh về Chi cục Kiểm lâm hai tỉnh để tổng hợp, tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND hai tỉnh xem xét, giải quyết.

Điều 7. Điều khoản thi hành

1. Quy chế này có hiệu lực thực hiện kể từ ngày ký và thay thế Quy chế phối hợp số 4406/QCPH-UNBD ngày 11/11/2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận.

2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện giáp ranh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Thủ trưởng các đơn vị chủ rừng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm và Chủ tịch UBND cấp xã vùng giáp ranh của hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận căn cứ nội dung phối hợp đã được thống nhất nêu trên để triển khai thực hiện./.

 

TM. UBND TỈNH NINH THUẬN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lê Huyền

TM. UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Phạm S


Nơi nhận:
- Như điều 7;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/cáo);
- TT. Tỉnh ủy: Lâm Đồng, Ninh Thuận (b/cáo);
- TT. HĐND tỉnh: Lâm Đồng, Ninh Thuận (b/cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh: Lâm Đồng, Ninh Thuận;
- VP UBND tỉnh: Lâm Đồng, Ninh Thuận;
- Lưu: VT.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quy chế 2736/QCPH-UBND năm 2021 phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng - Ninh Thuận

  • Số hiệu: 2736/QCPH-UBND
  • Loại văn bản: Quy chế
  • Ngày ban hành: 11/11/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng, Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Phạm S, Lê Huyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/11/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản