Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/NQ-HĐND

Cần Thơ, ngày 06 tháng 10 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA QUY HOẠCH XÂY DỰNG, CỦNG CỐ HỆ THỐNG THỦY LỢI KHU VỰC SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2017 - 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ SÁU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 1397/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

Căn cứ Quyết định số 1721/QĐ-BNN-TCTL ngày 20 tháng 7 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Quy hoạch thủy lợi chống úng ngập thành phố Cần Thơ;

Xét Tờ trình số 95/TTr-UBND ngày 08 tháng 9 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thông qua Quy hoạch xây dựng, củng cố hệ thống thủy lợi khu vực sản xuất nông nghiệp thành phố Cần Thơ giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban đô thị; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch xây dựng, củng cố hệ thống thủy lợi khu vực sản xuất nông nghiệp thành phố Cần Thơ giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Phạm vi quy hoạch

Các khu vực sản xuất nông nghiệp thuộc các quận, huyện: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh.

2. Thời gian quy hoạch

Giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

3. Mục tiêu quy hoạch

- Xây dựng hệ thống thủy lợi đa mục tiêu, tiến tới hoàn chỉnh để hạn chế tối đa các thiệt hại do ngập lụt, hạn hán và xâm nhập mặn gây ra.

- Củng cố hệ thống thủy lợi nhằm chủ động kiểm soát nguồn nước, phục vụ phát triển sản xuất ở mức độ cao, gắn bảo vệ môi trường với kết hợp giao thông nông thôn, tạo điều kiện phát triển nông thôn mới, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, ngập lụt, hạn hán và xâm nhập mặn.

4. Nội dung quy hoạch

a) Khu vực sản xuất nông nghiệp:

- Đối với vùng sản xuất lúa tập trung ở các tiểu vùng I.1; I.2; II.2; III.2 thực hiện điều tiết nước (kiểm soát lũ, phòng chống hạn và xâm nhập mặn) theo 2 cấp. Thiết lập hệ thống thủy lợi theo kênh trục và kênh cấp 1, thiết lập hệ thống thủy lợi điều tiết nước theo thời gian đối với kênh cấp 2 và cấp 3. Bên cạnh đó bố trí các cống điều tiết, lấy phù sa để phục vụ tưới tiêu và kết hợp giao thông.

- Tiểu vùng IV.1 thuộc tiểu dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No: Các giải pháp đê bao và công trình liên quan phục vụ mục tiêu điều tiết nước, thực hiện theo tiểu dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No. Dự án đề xuất nạo vét nâng cấp một số tuyến kênh phục vụ nhu cầu cấp nước, thoát nước và giao thông thủy.

- Đối với vùng trồng cây ăn trái tập trung ở các tiểu vùng IV.2 và VI.1 thực hiện điều tiết nước cho các ô bao lớn. Bên cạnh đó bố trí các cống điều tiết, lấy phù sa để phục vụ tưới, tiêu nước và kết hợp giao thông nông thôn.

b) Vùng cù lao sông Hậu:

Tại các vùng VII.1; vùng VII.2 thực hiện xây dựng hệ thống thủy lợi xung quanh các cù lao với tuyến quy hoạch cách đường mép nước trung bình khoảng 100m về phía cù lao.

c) Tổng hợp bố trí công trình quy hoạch:

- Thực hiện quy hoạch 26 ô bao lớn và 115 ô bao nhỏ (với diện tích từ 50 ha đến 1.500 ha theo cánh đồng lớn) ở 08 quận, huyện.

- Đảm bảo sự linh động cho đặc thù sản xuất và định hướng phát triển ở các vùng quy hoạch. Đảm bảo tính kế thừa các dự án đã và đang thực hiện, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp của thành phố.

- Sự kết hợp của hệ thống thủy lợi điều tiết nước hoàn toàn ở kênh trục, kênh cấp 1 và đê bao lửng ở kênh cấp 2, kênh cấp 3 cùng với việc xây dựng các công trình thủy lợi liên quan sẽ tạo ra hệ thống thủy lợi hoàn thiện, chủ động linh hoạt ứng phó với ngập lụt, hạn hán và xâm nhập mặn.

- Tại các đầu kênh cấp 2 nối với kênh trục hoặc kênh cấp 1 được bố trí các cống hở hai chiều (cấp nước cho mùa khô, thoát nước mùa lũ, và ngăn chặn xâm nhập mặn) đảm bảo giao thông thủy, giảm áp lực tải nước cho các kênh trục, kênh cấp 1.

5. Kinh phí và phân kỳ thực hiện

Tổng kinh phí đầu tư thực hiện quy hoạch là 1.642,069 tỷ đồng, được phân kỳ thực hiện như sau:

- Giai đoạn 2017 - 2020: Tổng kinh phí là 439,141 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 373,343 tỷ đồng (Trung ương chiếm 19,55%, địa phương chiếm 80,45%) và vốn xã hội hóa là 65,798 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2021 - 2030: Tổng kinh phí là 1.202,928 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 907,869 tỷ đồng (Trung ương chiếm 18,93%, địa phương chiếm 81,07%) và vốn xã hội hóa là 295,059 tỷ đồng.

(Ngân sách địa phương bao gồm ngân sách thành phố và các quận, huyện)

Đơn vị tính: Tỷ đồng

STT

Hạng mục

Giai đoạn 2017 - 2020

Giai đoạn 2021 - 2030

Tổng cộng

A

Ngân sách nhà nước

373,343

907,869

1.281,212

I

Ngân sách Trung ương

73,000

171,887

244,887

1

Đê bao bờ bao kênh trục, kênh cấp 1

65,904

58,858

124,762

2

Nạo vét kênh trục, kênh cấp 1

7,096

-

7,096

3

Cống cấp 1

-

113,029

113,029

II

Ngân sách địa phương

300,343 (*)

735,982 (**)

1.036,325

1

Đê bao bờ bao kênh trục, kênh cấp 1

29,081

137,334

166,415

2

Nạo vét kênh trục, kênh cấp 1

14,820

-

14,820

3

Cống cấp 1

135,882

263,735

399,617

4

Đê bao bờ bao kênh cấp 2

57,833

181,855

239,688

5

Nạo vét kênh cấp 2

-

35,861

35,861

6

Cống D100

62,727

117,197

179,924

B

Vốn xã hội hóa

65,798

295,059

360,857

 

Cống D60

65,798

295,059

360,857

C

Tổng cộng (A+B)

439,141

1.202,928

1.642,069

(*) Trong đó, ngân sách thành phố là 179,783 tỷ đồng (chiếm 59,86%); ngân sách quận, huyện là 120,560 tỷ đồng (chiếm 40,14%).

(**) Trong đó, ngân sách thành phố là 401,069 tỷ đồng (chiếm 54,49%); ngân sách quận, huyện là 334,913 tỷ đồng (chiếm 45,51%).

Điều 2. Trách nhiệm và hiệu lực thi hành

1. Giao Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức thực hiện Nghị quyết này theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định và cụ thể hóa nội dung quy hoạch bằng các giải pháp nhằm đảm bảo triển khai thực hiện tốt Quy hoạch xây dựng, củng cố hệ thống thủy lợi khu vực sản xuất nông nghiệp thành phố Cần Thơ giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đáp ứng được mục tiêu quy hoạch đề ra.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

3. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ khóa IX, kỳ họp thứ sáu thông qua ngày 06 tháng 10 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày ký ban hành./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Văn Hiểu

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 17/NQ-HĐND năm 2017 về thông qua quy hoạch xây dựng, củng cố hệ thống thủy lợi khu vực sản xuất nông nghiệp thành phố Cần Thơ giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030

  • Số hiệu: 17/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 06/10/2017
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Phạm Văn Hiểu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản