Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2014/NQ-HĐND

Cần Thơ, ngày 05 tháng 12 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐẶT TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ MƯỜI BỐN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;

Căn cứ Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ;

Sau khi xem xét Tờ trình số 82/TTr-UBND ngày 12 tháng 11 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố về đặt tên đường và công trình công cộng; Báo cáo thẩm tra số 617/BC-HĐND-VHXH ngày 25 tháng 11 năm 2014 của Ban văn hóa - xã hội; ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1.

Đặt tên 18 tuyến đường và 02 công trình công cộng trên địa bàn thành phố Cần Thơ, kèm theo:

- Phụ lục I: Thuyết minh quy mô, vị trí các tuyến đường và công trình công cộng;

- Phụ lục II: Tóm tắt tiểu sử danh nhân, ý nghĩa sự kiện.

Điều 2.

Giao Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức triển khai và thực hiện việc gắn biển tên đường và công trình công cộng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành.

Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau mười ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ khóa VIII, kỳ họp thứ mười bốn thông qua ngày 05 tháng 12 năm 2014 và được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Văn Hiểu

 

PHỤ LỤC I

THUYẾT MINH QUY MÔ, VỊ TRÍ CÁC TUYẾN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG
(Kèm theo Nghị quyết số 13/2014/NQ-HĐND ngày 05 tháng 12 năm 2014 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ)

A. ĐƯỜNG (18 TUYẾN ĐƯỜNG)

STT

TÊN ĐƯỜNG

CHIỀU DÀI (m)

LÒNG ĐƯỜNG (m)

LỘ GIỚI (m)

SỐ LÀN XE

PHÂN NHÓM

GIỚI HẠN
(Điểm đầu - điểm cuối)

TÊN TẠM GỌI HIỆN NAY

GHI CHÚ

I

QUẬN NINH KIỀU

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Nguyễn Hữu Trí

590

9

21

2

IV

Đường Nguyễn Văn Cừ - đường số 7, khu dân cư Vạn Phát, phường Cái Khế

Đường số 5, khu dân cư Cồn Khương

 

2

Tô Hiến Thành

320

7

15

2

IV

Nối tiếp đường Tô Hiến Thành hiện hữu - đường số 6, khu dân cư Thới Nhựt 2, phường An Khánh

Đường số 11, khu dân cư Thới Nhựt 2

Đường Tô Hiến Thành (mới) có chiều dài toàn tuyến là 820m

3

3 Tháng 2

825

15 x 2

40

4

I

Nối tiếp đường 3 tháng 2 hiện hữu, từ cầu Đầu Sấu - cầu Cái Răng, phường An Bình

Quốc lộ 1A (cũ)

Đường 3 tháng 2 (mới) có chiều dài toàn tuyến là 4.010m

II

QUẬN CÁI RĂNG

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Vũ Đình Liệu

500

7 x 2

24

4

III

Đường Võ Nguyên Giáp - giáp dự án khu dân cư Nam Long - Hồng Phát, phường Hưng Thạnh

Đường số 10, khu dân cư Nam Long

 

2

Nguyễn Văn Quang

500

14

24

4

IV

Đường Võ Nguyên Giáp - giáp dự án khu dân cư Nam Long - Hồng Phát, phường Hưng Thạnh

Đường số 7B, khu dân cư Nam Long

 

3

Phạm Văn Nhờ

600

9,5

15,5

2

IV

Đường Võ Nguyên Giáp - giáp dự án khu hành chính quận Cái Răng, phường Phú Thứ - Hưng Thạnh

Đường số 9A, khu dân cư Diệu Hiền (giáp khu dân cư Công an)

 

4

Phan Trọng Tuệ

600

7,5 x 2

25

4

III

Đường Võ Nguyên Giáp - giáp dự án khu hành chính quận Cái Răng, phường Phú Thứ - Hưng Thạnh

Đường số 1, khu dân cư Diệu Hiền

 

5

Trần Văn Sắc

800

8

14

2

IV

Đường Võ Nguyên Giáp - giáp dự án khu hành chính quận Cái Răng, phường Phú Thứ

Đường số 1, khu dân cư Nông Thổ sản (giáp khu dân cư Diệu Hiền) (đường vào Cục Thi hành án dân sự thành phố)

 

6

Lâm Văn Phận

600

7,5

13,5

2

IV

Đường Võ Nguyên Giáp - đường Lê Nhựt Tảo, khu dân cư 586, phường Phú Thứ

Đường số 9, khu dân cư 586 (cặp rạch Cái Sâu)

 

7

Mai Chí Thọ

1.600

14 x 2

40

6

II

Đường Võ Nguyên Giáp - Sông Hậu, phường Phú Thứ

Đường số 1, khu dân cư 586 (đường vào Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ)

 

8

Lê Tấn Quốc

700

8

14

2

IV

Đường Võ Nguyên Giáp - đường số 15, khu dân cư Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 8, phường Hưng Thạnh

Đường số 29, khu dân cư Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 8

 

III

QUẬN BÌNH THỦY

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Đặng Thị Nhường

550

6

12

2

IV

Đường Cách mạng tháng 8 - rạch Khai Luông, phường Bùi Hữu Nghĩa

Hẻm 300 đường Cách Mạng Tháng 8

 

2

Tạ Thị Phi

1.032

4

6

2

IV

Đường Nguyễn Văn Trường - khu dân cư đường Nguyễn Văn Cừ, phường Long Tuyền

Đường vào khu di tích Vườn Mận

 

IV

QUẬN Ô MÔN

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Trương Văn Diễn

2.450

7

42

2

IV

Quốc lộ 91 - Nhà máy xi-măng Tây Đô, phường Phước Thới

Đường tỉnh 920C

 

2

Đặng Thanh Sử

2.800

7

38

2

IV

Quốc lộ 91 - Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn, phường Phước Thới

Đường số 2 Nhà máy Nhiệt điện

 

3

Trần Kiết Tường

6.500

7

38

2

III

Quốc lộ 91 - Đình Thới An, phường Thới An

Đường tỉnh 920B

 

4

Thái Thị Hạnh

6.059

5,5

23,5

2

III

Quốc lộ 91 - kinh Thủy Lợi Lò Gạch, phường Thới Long

Lộ Bằng Tăng

 

V

HUYỆN CỜ ĐỎ

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Nguyễn Văn Nhung

1.740

7

20

2

III

Đường Hà Huy Giáp - cầu Năm Châu, thị trấn Cờ Đỏ

Đường tỉnh 921

 

B. CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG (02 CÔNG TRÌNH)

STT

TÊN CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG

ĐỊA CHỈ

QUY MÔ

PHÂN NHÓM

TÊN TẠM GỌI HIỆN NAY

I

HUYỆN PHONG ĐIỀN

 

 

 

 

1

Công viên Nguyễn Phương Danh

Thị trấn Phong Điền

Tổng diện tích: 10.000 m2

II

Công viên bờ kè chợ Phong Điền

II

HUYỆN THỚI LAI

 

 

 

 

1

Công viên 19 Tháng 5

Thị trấn Thới Lai

Tổng diện tích: 8.200 m2

II

Công viên trụ sở Huyện ủy - UBND huyện

 

PHỤ LỤC II

TÓM TẮT TIỂU SỬ DANH NHÂN, Ý NGHĨA SỰ KIỆN
(Kèm theo Nghị quyết số 13/2014/NQ-HĐND ngày 05 tháng 12 năm 2014 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ)

A. TÊN ĐƯỜNG (18 TÊN) I. QUẬN NINH KIỀU

1. Nguyễn Hữu Trí (1933 - 1968)

Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.

Quê xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Hậu Giang); Tiểu Đoàn phó đặc công - Đoàn 429 Bộ Tư lệnh Miền; đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhập ngũ năm 1949, hy sinh năm 1968.

Năm 13 tuổi, anh tham gia lực lượng dân quân ở địa phương, 16 tuổi vào bộ đội, làm chiến sĩ trinh sát trên chiến trường miền Tây và Nam Trung bộ. Năm 1951, anh được điều động sang một đơn vị đặc công tham gia chiến đấu ở Sài Gòn - Gia Định cho đến năm 1954 tập kết ra Bắc. Năm 1960, được cử làm nghĩa vụ Quốc tế tại Lào; tháng 3 năm 1967, anh được phân công vào chiến trường miền Đông Nam bộ.

Qua hơn 20 năm chiến đấu liên tục, anh đã tham gia trên 60 trận đánh, tiêu diệt hàng trăm tên địch và thu nhiều vũ khí. Đêm ngày 17 tháng 8 năm 1968, anh nhận nhiệm vụ chỉ huy đánh Trung tâm Truyền tin trên núi Bà Đen lần thứ 2, anh đã anh dũng hy sinh trong khi cùng đồng đội diệt hỏa điểm cuối cùng của địch.

Anh được tặng thưởng: Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú, Dũng sĩ diệt máy bay, Huân chương Chiến công hạng Nhì. Ngày 10 tháng 02 năm 1970, anh được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.

(Theo cơ sở dữ liệu Ngân hàng tên đường và công trình công cộng thành phố Cần Thơ. Nguồn tư liệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đất Cần Thơ - Tây Đô/Đảng ủy - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cần Thơ - H: Quân đội nhân dân, 2004 - 160 tr; 21 cm).

2. Tô Hiến Thành (1102 - 1179)

Ông là vị Đại thần nổi tiếng của Nhà Lý, quê ở làng Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông làm quan đời Lý Anh Tông đến chức Thái Phó, trông coi việc binh.

Năm 1141, Thân Lợi khởi nghĩa ở vùng Thái Nguyên, rồi tiến đánh các nơi. Ông được cử cầm quân đi đánh, bắt được Thân Lợi. Năm 1159, các tộc người ở miền Nam nổi dậy, ông đem quân dẹp yên và tiếp tục lập nhiều công lớn. Năm 1167, quân Chăm-pa xâm lấn biên giới phía Nam, ông đem quân đi đánh. Vua Chăm-pa xin rút và tiếp tục giữ lệ phiên thần như cũ. Sau đó, ông được giao trách nhiệm đảm đương việc nước, rèn luyện quân sĩ, mọi việc nhất nhất đều được chấn chỉnh.

Năm 1175, Lý Anh Tông lập Long Trát làm Thái tử, phong ông làm Nhập nội Thái phó, tước Vương, giúp đỡ Thái tử. Năm đó, Lý Anh Tông mất. Trước khi mất, vua đã di chiếu giao cho ông giúp việc vua mới. Năm 1177, Vua mới 3 tuổi lên ngôi, một mình ông phải lo việc nước. Mọi việc đều nghiêm chỉnh, công bằng, mọi người đều quy phục. Năm 1179, ông mất.

(Theo cơ sở dữ liệu Ngân hàng tên đường và công trình công cộng thành phố Cần Thơ. Nguồn tư liệu: Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam/Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh chủ biên, Phan Đại Doãn....- H: Giáo dục, 2006 - 648 tr; 24 cm).

3. 3 Tháng 2

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nhân dân Việt Nam rơi vào cảnh lầm than, cùng cực dưới ách cai trị của Thực dân Pháp. Nhiều phong trào yêu nước của nông dân và sĩ phu yêu nước liên tục diễn ra nhưng không thành công và bị đàn áp dã man như các phong trào Cần Vương, Đông Du, Duy Tân,… Trước cảnh nước mất, nhà tan và tình hình khủng hoảng về đường lối cứu nước diễn ra sâu sắc. Năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời đất nước ra đi tìm đường cứu nước và gặp được học thuyết Mác - Lênin. Năm 1924, Người xác định: Học thuyết Mác - Lênin là học thuyết cách mạng nhất, đúng đắn nhất và đó cũng là học thuyết duy nhất có thể soi đường cho cách mạng Việt Nam. Từ đó, Người không ngừng hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về nước. Vào nửa cuối năm 1929 đầu năm 1930, ở Việt Nam ba tổ chức Cộng sản lần lượt ra đời là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Tuy cùng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam và mục tiêu là đấu tranh giải phóng dân tộc, nhưng mỗi đảng đều hoạt động riêng nên không tránh khỏi sự chia rẽ về lực lượng và tổ chức, không thể thống nhất về tư tưởng và hành động.

Đáp ứng yêu cầu về một chính đảng thống nhất lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước, mùa Xuân năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản diễn ra từ ngày 06 tháng 01 đến ngày 07 tháng 02 ở bán đảo Cửu Long (Hương Cảng) với sự tham dự của hai đại biểu Đông Dương Cộng sản Đảng, hai đại biểu An Nam Cộng sản Đảng và hai đại biểu ngoài nước. Vào ngày 03 tháng 02, Hội nghị nhất trí thành lập một đảng lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam với tổng số đảng viên của Đảng cho tới Hội nghị hợp nhất là 310 đồng chí. Hội nghị thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình làm việc vắn tắt của Đảng, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo. Sau Hội nghị hợp nhất, ngày 24 tháng 02 năm 1930, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn của gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng nước ta, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, là cơ sở dẫn đến những thắng lợi oanh liệt và những bước nhảy vọt lớn trong lịch sử dân tộc những năm về sau.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9 năm 1960) đã quyết định lấy ngày 03 tháng 02 năm 1930 làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

(Theo cơ sở dữ liệu Ngân hàng tên đường và công trình công cộng thành phố Cần Thơ. Nguồn tư liệu: Giáo trình lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam/Nguyễn Văn Phùng, Kiều Xuân Bá, Vũ Văn Bân.... (Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình Quốc gia các bộ môn Khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh) - Tái bản có sửa chữa, bổ sung - H: Chính trị Quốc gia, 2013 - 515 tr; 21cm).

II. QUẬN CÁI RĂNG

1. Vũ Đình Liệu (1918 - 2005)

Đồng chí Vũ Đình Liệu, bí danh Tú Đình, tức đồng chí Tư Bình, sinh ngày 10 tháng 4 năm 1918 tại xã Khánh Thôn, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Tham gia cách mạng năm 1940.

Tháng 7 năm 1945, đồng chí trực tiếp tham gia cướp chính quyền ở xã Đa Lộc và thị xã Trà Vinh. Tháng 12 năm 1945 làm nhân viên Quốc gia Tự vệ cuộc tỉnh Trà Vinh, tháng 10 năm 1946, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ tháng 3 năm 1946 đến tháng 10 năm 1947, đồng chí được cử giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Việt Minh huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Tháng 10 năm 1947 đến tháng 9 năm 1948, là Huyện ủy viên huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Tháng 9 năm 1948 đến tháng 10 năm 1949 làm cán bộ Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh. Từ năm 1950 - 1951, là Tỉnh ủy viên và Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh phụ trách Quân sự, sau đó phụ trách Tuyên huấn. Từ năm 1951 - 1952, làm Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Từ năm 1952 - 1954, là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Trà (nay là tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh). Từ năm 1954 - 1957, là Phó Bí thư Tỉnh ủy bí mật tỉnh Trà Vinh.

Từ năm 1957 - 1960, Phó Bí thư Tỉnh ủy, rồi Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau (nay là tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu).

Từ năm 1961 - 1975, đồng chí được chỉ định làm nhiệm vụ Liên tỉnh Ủy viên, rồi Khu ủy viên, Ủy viên Thường vụ Khu ủy và Bí thư Khu ủy Khu 9, kiêm Chính ủy Quân khu.

Năm 1976, là Phó Ban Tuyên huấn Trung ương; Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 12 năm 1976, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp làm nhiệm vụ Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 3 năm 1979 đến tháng 3 năm 1982, làm Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang (nay là thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang).

Tháng 3 năm 1982, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và được cử giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính Phủ).

Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước cho nghỉ hưu từ tháng 5 năm 1991.

Đồng chí từ trần năm 2005 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Do những công lao và thành tích to lớn đối với sự nghiệp cách mạng, đồng chí Vũ Đình Liệu được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.

(Theo cơ sở dữ liệu Ngân hàng tên đường và công trình công cộng thành phố Cần Thơ. Nguồn tư liệu: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cần Thơ; T.3: 1954 - 1975/Ban thường vụ Thành ủy Cần Thơ - Cần Thơ: Ban Thường vụ Thành ủy, 2006 - 418 tr; 22cm).

2. Nguyễn Văn Quang (1942 - 1966)

Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Quê ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Hậu Giang). Nhập ngũ tháng 7 năm 1964, hy sinh năm 1966, chức vụ Tiểu Đội phó thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 303 bộ đội chủ lực Tây Nam bộ.

Với tinh thần chiến đấu quên mình cho lý tưởng, Nguyễn Văn Quang đã cùng đồng đội chiến đấu ngoan cường và lập nhiều thành tích trên các chiến trường.

Ngày 08 tháng 02 năm 1966, ba tiểu đoàn địch càn vào khu vực kinh xáng Cò Tuất, anh cùng Đại đội 2 chia lực lượng ngăn chặn địch. Trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt, Tiểu đội trưởng hy sinh, mặc dù bị thương nhưng anh vẫn bình tĩnh chỉ huy đẩy lùi cuộc tấn công thứ hai của địch. Cánh tay trái bị thương dập nát, anh nhờ đồng đội chặt giúp để dễ dàng chiến đấu. Ba vết thương trên người ra máu nhiều, nhiều lần ngất đi nhưng tỉnh lại anh vẫn tiếp tục chiến đấu.

Sau nhiều giờ chiến đấu, Tiểu đội chỉ còn có 2 người nhưng phải chống trả với gần hai tiểu đoàn địch, anh quyết định cử đồng đội về xin chi viện, còn một mình kìm chân địch. Anh bị thương lần thứ tư và đã dũng cảm hy sinh đúng lúc lực lượng ta vừa tới chi viện.

Anh được tặng thưởng: Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, nhiều bằng khen và giấy khen. Ngày 17 tháng 9 năm 1967, anh được truy tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

(Theo cơ sở dữ liệu Ngân hàng tên đường và công trình công cộng thành phố Cần Thơ. Nguồn tư liệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đất Cần Thơ - Tây Đô/Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cần Thơ - H: Quân đội nhân dân, 2004 - 160 tr; 21 cm).

3. Phạm Văn Nhờ (1939 - 1975)

Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đại đội trưởng C.2012 Đơn vị bảo vệ Tỉnh ủy Cần Thơ - Ban An ninh tỉnh Cần Thơ.

Quê xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Hậu Giang), xuất thân trong một gia đình nông dân lao động nghèo. Năm 1960, anh tham gia đội du kích xã Long Bình trong Phong trào “Đồng Khởi”, lập nhiều thành tích. Năm 1962, anh được kết nạp vào Đoàn thanh niên lao động Việt Nam.

Năm 1963, anh được điều về công tác tại C.2012 làm nhiệm vụ bảo vệ Tỉnh ủy. Từ năm 1963 đến năm 1975, anh được giao các chức vụ từ Tiểu đội phó đến Đại đội trưởng, cùng tập thể chiến đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, với nhiều thành tích tiêu biểu.

Tháng 5 năm 1965, hơn 2.000 quân địch có máy bay, xe tăng đại bác yểm trợ đánh vào vùng căn cứ của tỉnh Cần Thơ. Đơn vị của anh phối hợp bộ đội huyện và du kích tổ chức đánh địch tại xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp. Anh là một cán bộ chỉ huy dũng cảm, mưu trí đã cùng đồng đội bẻ gãy hàng chục đợt tiến công của địch, giữ vững trận địa, bảo vệ an toàn cán bộ lãnh đạo và khu căn cứ.

Tháng 4 năm 1970, một cuộc họp của Tỉnh ủy bất ngờ bị một tiểu đoàn biệt động tập kích vào căn cứ (Kênh Ngang, xã Hiệp Hưng), anh đã kịp thời bố trí đưa đại biểu đến nơi khác an toàn đồng thời cùng đồng đội dũng cảm tiêu diệt và làm bị thương 15 tên địch, khiến địch hoang mang rút chạy.

Năm 1972, cơ quan Tỉnh ủy đóng ở huyện Long Mỹ, anh đã chỉ huy lực lượng An ninh vũ trang và du kích đánh đồn Cây Me, đồn Cái Sắn và đồn Cà Huyện, giải phóng hơn 1.000 đồng bào bị giặc kìm kẹp. Sau khi phát hiện khu căn cứ, địch tiến công nhằm bắt sống cán bộ chủ chốt của ta nhưng do nắm được tình hình, anh đã báo cáo Tỉnh ủy và tổ chức di chuyển cơ quan trước khi địch đổ quân, hạn chế được thiệt hại.

Tháng 3 năm 1975, trong khi anh đang làm nhiệm vụ nghiên cứu trận địa trên tuyến lộ 40 (Cầu Móng - Kinh Cùng) để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, anh bị pháo địch bắn bị thương nặng và hy sinh.

Anh được tặng thưởng: Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Ba. Ngày 28 tháng 8 năm 1981, anh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

(Theo cơ sở dữ liệu Ngân hàng tên đường và công trình công cộng thành phố Cần Thơ. Nguồn tư liệu: Những đơn vị, cá nhân anh hùng Công an nhân dân -H: Công an nhân dân).

4. Phan Trọng Tuệ (1920 - 1989)

Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên quán huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội).

Sinh năm 1920 tại Lào. Từ năm 1936 - 1939, ông từ Lào về nước tham gia Thanh niên Dân chủ rồi gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1940 - 1943, ông là Xứ ủy viên Bắc Kỳ. Tháng 7 năm 1943, ông bị giặc Pháp bắt, kết án khổ sai chung thân, năm 1944 đày ra Côn Đảo.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông về đất liền, được cử làm Chính ủy Quân khu 9. Năm 1950, làm Chính ủy Quân khu 7. Năm 1954, ông tham gia trong Ban thi hành Hiệp định đình chiến đóng tại Sài Gòn. Năm 1956, ông ra Bắc được phong hàm Thiếu tướng và được chỉ định vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Năm 1970, làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải kiêm Phó Thủ tướng Chính phủ. Sau 1975, ông sống tại Thành phố Hồ Chí Minh và mất năm 1989.

(Theo cơ sở dữ liệu Ngân hàng tên đường và công trình công cộng thành phố Cần Thơ. Nguồn tư liệu: Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam/Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Bá Thế - Tp. Hồ Chí Minh: Tổng hợp, 2006- 1690 tr; 24 cm).

5. Trần Văn Sắc (1911 - 1949)

Liệt sĩ, Họa sĩ, Chiến sĩ cách mạng thời kỳ 1930. Tên thật là Trần Văn Nghiêm. Sinh ngày 27 tháng 10 năm 1911. Nguyên quán Trường Long, Cần Thơ.

Năm 1931, ông là học sinh trường Họa - Gia Định, tham gia phong trào cách mạng. Ngày 01 tháng 4 năm 1931, ông bị địch bắt tại trụ sở Ấn loát của Xứ ủy Nam Kỳ (tại Chợ Lớn) cùng với 3 đảng viên Cộng sản là: Ung Văn Khiêm, Phan Hữu Trinh, Lê Hiên. Ngày 13 tháng 4 năm 1932, ông được địch thả.

Sau khi ra tù, ông tiếp tục hoạt động cách mạng và bị mật thám Pháp nhận xét là một trong số những nhà hoạt động tích cực ở Long Xuyên và Cần Thơ. Ông đã từng thọ giáo cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Bác Hồ) vào năm 1928 khi tham gia Tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội.

Ngày 27 tháng 11 năm 1938, Hội nghị tổ chức tại Chợ Gạo, Mỹ Tho để bầu Ban thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ, ông là một trong số 11 đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ lâm thời Xứ ủy Nam Kỳ.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông đã từng nhiều lần bị địch bắt giam. Ông là tác giả của tác phẩm hội họa nổi tiếng “Nông dân và trâu mùa nước nổi Đồng bằng sông Cửu Long” vẽ năm 1930.

(Theo cơ sở dữ liệu Ngân hàng tên đường và công trình công cộng thành phố Cần Thơ. Nguồn tư liệu: Công văn số 588/A27(P3) ngày 18/8/2006 của Cục Hồ sơ nghiệp vụ an ninh, Tổng cục An ninh và các tài liệu liên quan).

6. Lâm Văn Phận (1894 - 1983)

Nhà yêu nước, quê quán tỉnh Cần Thơ, là một trong số các giáo viên đầu tiên của trường Collège de Cantho (nay là Trường THPT Châu Văn Liêm), sớm có tinh thần yêu nước.

Trước Cách mạng tháng Tám, ông tham gia phong trào Thanh niên Tiền phong, Mặt trận Việt Minh tại Cần Thơ. Sau đó ông ra vùng giải phóng tham gia kháng chiến. Năm 1947, ông là Hội Trưởng đầu tiên của Hội Liên Việt tỉnh Cần Thơ. Trong thời gian giữ trọng trách lãnh đạo, ông luôn là tấm gương mẫu mực, đoàn kết tập hợp các thành viên trong Hội phục vụ công cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện ở tỉnh nhà. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và được cử làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới Việt Nam, Ủy viên Ủy ban đoàn kết Á - Phi và tham gia công tác trong Tổng Cục binh vận. Năm 1959, ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở về quê hương Cần Thơ và làm Cố vấn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang (từ năm 1975 - 1983). Ông là một nhà giáo yêu nước, một đảng viên trung kiên, một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Mặt trận Tổ quốc luôn kiên định chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng.

(Theo cơ sở dữ liệu Ngân hàng tên đường và công trình công cộng thành phố Cần Thơ. Nguồn tư liệu: Lịch sử Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam tỉnh Cần Thơ: 1930 - 2003/Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Cần Thơ - H: Chính trị quốc gia, 2008 - 632 tr; 23cm).

7. Mai Chí Thọ (1922 - 2007)

Mai Chí Thọ (tên thật là Phan Đình Đống, bí danh Năm Xuân, Tám Cao) sinh ngày 15 tháng 7 năm 1922, mất ngày 28 tháng 5 năm 2007 tại Hà Nội. Ông sinh tại thôn Địch Lễ, xã Nam Vân, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.

Ông tham gia cách mạng từ năm 1936 trong phong trào sinh viên Huế và Hà Nội, vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939. Từ năm 1938 đến năm 1940, ông tham gia Tổ chức thanh niên dân chủ, rồi Thanh niên phản đế ở trường Trung học Nam Định, là Bí thư Đoàn Thanh niên phản đế Nam Định.

Ông từng bị thực dân Pháp bắt giam vài năm (từ năm 1940 - 1945), bị giam giữ tại các nhà tù ở Nam Định, Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La, Khám Lớn (Sài Gòn), Côn Đảo.

Ông là Bí thư Thanh niên cứu quốc, sau đó là Trưởng ty Công an, Phó Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ. Từ năm 1948 - 1949, ông là Trưởng ty Công an, sau đó là Phó Bí thư, rồi Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho.

Từ năm 1950 - 1954, ông là Phó Giám đốc Sở Công an Nam bộ, ban đầu (1950 - 1952) làm Phó Bí thư, Bí thư liên chi chính quyền Nam bộ, sau đó (1952 - 1954) phụ trách Công an miền Đông Nam bộ.

Từ năm 1954 - 1960, ông là Phó Trưởng Ban, sau đó là Trưởng Ban địch tình Xứ ủy Nam bộ, Xứ ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam bộ (1958 - 1960).

Từ năm 1960 - 1965, ông là Bí thư Khu ủy miền Đông Nam bộ, Chính ủy Quân khu miền Đông Nam bộ.

Từ năm 1965 - 1975, ông là Ủy viên Thường vụ, Phó Bí thư, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, Chính ủy Quân khu Sài Gòn - Gia Định.

Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông lần lượt làm Phó Bí thư, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Công an Thành phố Hồ Chí Minh (1975 - 1976), Phó Bí thư thứ nhất Thành ủy, rồi Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó ông làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (tháng 3 năm 1979 - tháng 6 năm 1985). Tháng 6 năm 1985, ông làm Phó Bí thư Thường trực, rồi làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trong một thời gian ngắn năm 1986, khi Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh ra Hà Nội nhậm chức Thường trực Ban Bí thư, chuẩn bị cho Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 11 năm 1986, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và đến tháng 02 năm 1987, ông làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Sau đó, ông được phong là Đại tướng (tháng 5 năm 1989) và trở thành Bộ trưởng đầu tiên của Ngành Công an Việt Nam mang hàm Đại tướng.

Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV, V và VI (1978 - 1991), Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI (1986 - 1991), là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII; Ủy viên Hội đồng Quốc phòng khóa VIII.

Ngày 12 tháng 01 năm 2007, ông được trao tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam.

Ông còn được tặng thưởng các huân chương, huy hiệu cao quý khác: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Lao động hạng Nhất.

(Theo cơ sở dữ liệu Ngân hàng tên đường và công trình công cộng thành phố Cần Thơ. Nguồn tư liệu: Hồi ức/Mai Chí Thọ - Tp. Hồ Chí Minh: Nxb Trẻ, 2001 - 2 tập; 19cm).

8. Lê Tấn Quốc (1919 - 1968)

Liệt sỹ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Còn có tên là Lê Thanh Tòng. Quê xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Nhập ngũ năm 1945, hy sinh năm 1968, lúc hy sinh là Đại đội trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam

Suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp trên đất Tây Nam bộ, anh đã tham gia nhiều trận đấu, lập nhiều thành tích xuất sắc.

Sau năm 1954, do yêu cầu công tác anh được điều về chỉ huy đơn vị biệt động Sài Gòn đánh địch trong nội thành. Anh đã làm ba hầm bí mật nuôi chứa cán bộ, cất giấu vũ khí, tổ chức đường dây liên lạc từ Sài Gòn đến Cà Mau gồm 8 đầu mối, 12 cơ sở mật. Đã đưa hơn 200 lượt cán bộ ra vào nội thành kịp thời và an toàn.

Tháng 6 năm 1956, anh bị địch bắt nhưng vẫn kiên cường giữ vững khí tiết dù bị tra tấn dã man cho đến ngày ra tù. Ngày 03 tháng 01 năm 1968, anh đã anh dũng hy sinh trong khi đang đánh địch giữa lòng thành phố Sài Gòn. Ba người con của anh cũng lần lượt hy sinh.

Anh được tặng thưởng: Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì và hạng Ba. Ngày 06 tháng 11 năm 1978, anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

(Theo cơ sở dữ liệu Ngân hàng tên đường và công trình công cộng thành phố Cần Thơ. Nguồn tư liệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đất Cần Thơ - Tây Đô Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cần Thơ - H: Quân đội nhân dân, 200 - 160 tr; 21 cm).

III. QUẬN BÌNH THỦY

1. Đặng Thị Nhường (1912 - 1975)

Liệt sĩ - Mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Cần Thơ. Có chồng và 1 con là liệt sĩ.

Mẹ quê ấp Nhơn Bình, xã Nhơn Ái, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ (nay là huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ). Trong kháng chiến chống Mỹ, Mẹ làm nhiệm vụ giao liên huyện Châu Thành.

Ngày 27 tháng 3 năm 1975, giữa lúc cả nước bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Mẹ bị địch bắt. Mẹ bị đưa về giam tại Sở 4 An ninh quân đội, giặc dùng mọi thủ đoạn, cực hình tra tấn hòng khai thác tìm ra đường dây liên lạc các cơ sở cách mạng. Với lòng kiên trinh bất khuất, mẹ đã giữ trọn khí tiết cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Ngày 24 tháng 4 năm 1995, Mẹ được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Chồng mẹ - ông Nguyễn Văn Son hy sinh năm 1964. Con trai là Nguyễn Văn Đậm hy sinh năm 1968.

(Theo cơ sở dữ liệu Ngân hàng tên đường và công trình công cộng thành phố Cần Thơ. Nguồn tư liệu: Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Cần Thơ/Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cần Thơ - Cần Thơ, 1998 - 693 tr; 28cm).

2. Tạ Thị Phi (1921 - 1974)

Liệt sĩ - Mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Cần Thơ. Có chồng và 1 con là liệt sĩ.

Quê ấp Bình Phó, xã Long Tuyền, thành phố Cần Thơ. Gia đình mẹ là cơ sở nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng. Mẹ tham gia cách mạng từ phong trào Đồng Khởi năm 1960, là chiến sĩ của Thành đội Cần Thơ. Ngày 09 tháng 11 năm 1974, lực lượng vũ trang Thành đội về địa phương hoạt động, địch phát hiện, mẹ hiên ngang chặn trước mũi súng của địch để bảo vệ Thành đội rút lui an toàn và mẹ đã hy sinh. Mẹ được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba và danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Chồng mẹ - ông Lê Văn Tiểu và con trai - Lê Văn Thông cùng tham gia cách mạng năm 1967 và hy sinh trong đợt Tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968.

(Theo cơ sở dữ liệu Ngân hàng tên đường và công trình công cộng thành phố Cần Thơ. Nguồn tư liệu: Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Cần Thơ/Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cần Thơ - Cần Thơ, 1998 - 693 tr; 28cm).

IV. QUẬN Ô MÔN

1. Trương Văn Diễn (1920 - 1970)

Bí danh Thanh Bình, Tư Dân. Quê ở Cần Thơ. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung nông ít con nên có điều kiện học tập. Ông lại có học lực tốt nên việc trở thành giáo chức (một địa vị hiếm người có thời ấy) gần như nghiễm nhiên. Tuổi trẻ, có nghề nghiệp ổn định, được ưu ái trọng vọng nhưng chiến tranh đã đảo lộn tất cả. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra năm 1940, chứng kiến thực dân Pháp xử bắn 2 nhà yêu nước (trong đó có Ngô Hữu Hạnh) đã thức tỉnh giới trí thức như ông.

Cuối tháng 10 năm 1945, quân Pháp tái chiếm Cần Thơ. Ông bỏ nghề dạy học theo cách mạng. Năm 1947, ông được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 1949, ông lần lượt được giao giữ các chức vụ quan trọng như: Giảng viên trường Chính trị miền Tây Nam bộ, Trường Văn Chánh (khu 9), Trường Chính trị Lê Duẩn (Trung ương Cục), Hiệu trưởng Trường Trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố (khu Tây Nam bộ),…

Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, ông được phân công ở lại miền Nam công tác, vận động tri thức, tư sản, binh sĩ đấu tranh đòi thực hiện Hiệp định hòa bình. Nhiều lần ông bị địch giăng bẫy bắt nhưng không thành công.

Năm 1957, ông về công tác tại Ban Tuyên huấn tỉnh Cần Thơ. Cuối 1959, ông làm Chủ nhiệm, kiêm Chủ bút Báo “Tranh đấu” của Đảng bộ tỉnh Cần Thơ.

Năm 1961, ông được Tỉnh ủy phân công làm Trưởng Ban Tổ chức Đại hội thành lập và ra mắt Ủy ban Mặt trận Giải phóng tỉnh Cần Thơ và được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh. Năm 1964, ông được điều lên công tác tại Ban Tuyên huấn Khu Tây Nam bộ. Năm 1967, ông lại được điều về Cần Thơ giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Cần Thơ.

Ngày 25 tháng 6 năm 1970, ông hy sinh trên đường đi công tác để lại ấn tượng tốt đẹp về một người trí thức cách mạng sẵn sàng hy sinh vì Tổ Quốc.

(Theo cơ sở dữ liệu Ngân hàng tên đường và công trình công cộng thành phố Cần Thơ. Nguồn tư liệu: Lịch sử Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam: Sơ thảo (1930 - 2003)/Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam tỉnh Cần Thơ - H: Chính trị Quốc gia, 2008 - 632 tr; 23 cm).

2. Đặng Thanh Sử (1913 - 2000)

Ông sinh tại làng Hiếu Nghĩa, Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình bần nông, bị bóc lột ông đã trốn sang Phụng Hiệp (nay thuộc tỉnh Hậu Giang) làm tá điền. Năm 1931, ông cùng với cha theo học đạo Cao Đài và được cử giữ chức Chánh trị sự (năm 1943) và được Đức Chí Tôn phong Giáo hữu phái Minh Chơn Đạo (năm 1948) và phong chức Giáo sư (năm 1955), đắc cử đầu họ đạo, hành đạo trong 12 Thánh tịnh trong tỉnh Cần Thơ.

Từ năm 1945, ông đã gia nhập Thanh niên Tiền phong, vận động chức sắc, tín đồ tham gia giành chính quyền ở làng Hòa Mỹ. Từ năm 1948 - 1951, được bầu vào Hội đồng nhân dân xã Hòa Mỹ và Ủy viên Ban Chấp hành Cao Đài cứu quốc tỉnh Cần Thơ.

Từ năm 1964 - 1976, giữ chức Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Cần Thơ. Trong 12 năm liền ông đã bám trụ địa bàn ác liệt để tuyên truyền, vận động chức sắc và tín đồ Cao Đài hoạt động cách mạng ở địa phương.

Ông có nhiều đóng góp cho họ đạo và địa phương lập thành tích trong hai cuộc kháng chiến. Chỉ tính riêng họ đạo có 520 tín đồ, đã có 35 gia đình liệt sĩ với 45 liệt sĩ và 6 Mẹ Việt Nam anh hùng. Gia đình ông có 3 con trai là liệt sĩ và vợ ông được phong tặng Mẹ Việt Nam anh hùng.

Ông được tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Ba.

(Theo cơ sở dữ liệu Ngân hàng tên đường và công trình công cộng thành phố Cần Thơ. Nguồn tư liệu: Lịch sử Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (1930 - 2003): Sơ thảo/Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam tỉnh Cần Thơ - H: Chính trị Quốc gia, 2008 - 632 tr).

3. Trần Kiết Tường (1924 - 1999)

Nhạc sĩ Trần Kiết Tường sinh ngày 10 tháng 02 năm 1924, tại huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Là người sinh ra trong một gia đình yêu thích âm nhạc, từ nhỏ ông đã quen thuộc với tiếng đàn ca của các cụ thân sinh và những điệu hò thân thương trên dòng sông Ô Môn quê nhà. Ông biết chơi đàn Măng-đô-lin từ lúc 12 tuổi. Năm 21 tuổi, tham gia hoạt động cách mạng công tác ở Phòng Tuyên truyền huyện Ô Môn, sau chuyển về Châu Đốc. Cây đàn Măng-đô-lin theo ông trên khắp nẻo đường kháng chiến, giúp ông sáng tác và biểu diễn phục vụ chiến sĩ và Nhân dân. Ông được mọi người gọi bằng cái tên thân thương “Tường Măng-đô-lin”. Các sáng tác của ông trong thời gian này như: Chiến sĩ vô danh, Nhớ anh vệ quốc, Anh Ba Hưng,… được chiến sĩ và nhân dân rất yêu thích.

Năm 1954, Trần Kiết Tường tập kết ra Bắc. Trong Đại hội thành lập Ban Nhạc Vũ Trung ương (nay là Hội Nhạc sĩ Việt Nam) năm 1957, Trần Kiết Tường là một trong số 9 nhạc sĩ miền Nam tham gia đại hội này. Những năm tháng này, ông sáng tác nhiều tác phẩm có chất lượng cao như: Áo bà ba, Cánh tay miền Nam trên đất Bắc, Bánh xe lăn, Đàn bò của tôi, Quê hương ơi! Ta sẽ về, Bài ca Chiến thắng,… Đặc biệt, tác phẩm Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người là một ca khúc tiêu biểu, có giá trị. Chất liệu hò Cần Thơ được ông khai thác khá rõ trong bài gợi nên không gian bao la của vùng Đồng bằng Nam bộ. Sâu sắc hơn, chất liệu ấy đã gợi lên sự bao la trong tình cảm của người dân miền Nam với Bác Hồ kính yêu. Những năm sau đó, ông đã tiếp tục cho ra đời một số ca khúc khác như: Hoa mi-mô-za, Tình yêu, Mùa xuân ước vọng, Em đi chơi thuyền,… Ngoài ca khúc, ông còn viết một số tác phẩm khí nhạc:

Sonate cho violon và piano; biến tấu trên chủ đề dân ca Nam bộ; Rondo cho vi-ô-lon và pi-a-no Rừng mơ ước. Ông còn biên soạn phần âm nhạc cho một số vở cải lương và một số bộ phim: Ngày tàn của bạo chúa, Tìm lại cuộc đời (cải lương), Khói, Mười tám thôn Vườn Trầu, Miền đất Cửu Long… (phim).

Trần Kiết Tường đã có các tác phẩm đã xuất bản như: Tự học Măng-đô-lin (1975); Tuyển tập ca khúc Bài ca Chiến thắng (1980); Tuyển chọn ca khúc Trần Kiết Tường (1995), Album Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (1996).

Năm 1999, nhạc sĩ Trần Kiết Tường mất tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Với những đóng góp cho nền âm nhạc cách mạng, ông đã vinh dự được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt I năm 2001.

(Theo cơ sở dữ liệu Ngân hàng tên đường và công trình công cộng thành phố Cần Thơ. Nguồn tư liệu: Nhạc sĩ sáng tác Việt Nam/Nhiều tác giả - H: Hội nhạc sĩ Việt Nam, 1986 - 194tr; 21cm; Wesite Hội nhạc sĩ Việt Nam http:// hoinhacsi.org.vn).

4. Thái Thị Hạnh (1889 - 1960)

Mẹ Việt Nam anh hùng Thái Thị Hạnh, sinh năm 1889, tại phường Thới Long, quận Ô Môn, mất năm 1960. Mẹ có chồng và 3 con là liệt sĩ.

Mẹ Thái Thị Hạnh đã về cõi vĩnh hằng cùng với sự hy sinh cao quý cho Tổ quốc của chồng và 3 người con của Mẹ. Những cống hiến lớn lao cho cách mạng của gia đình Mẹ đã được Tổ quốc ghi công. Ngày 28 tháng 4 năm 1997, Chủ tịch Nước đã truy tặng Mẹ danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Chồng mẹ, ông Đặng Văn Có, công tác tại Công an quận Ô Môn, ông hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Các con của mẹ, anh Đặng Văn Hỉ, công tác tại Công an huyện Ô Môn, hy sinh ngày 05 tháng 11 năm 1946. Chị Đặng Thị Tám, công tác trong ngành Công an, hy sinh ngày 06 tháng 02 năm 1947. Anh Đặng Văn Chính, tham gia công tác cách mạng và hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Hiện nay, Mẹ và các liệt sĩ được một người cháu họ thờ phụng tại phường Thới Long, quận Ô Môn.

(Theo cơ sở dữ liệu Ngân hàng tên đường và công trình công cộng thành phố Cần Thơ. Nguồn tư liệu: Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Cần Thơ - Cần Thơ: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, 1998 - 693tr; 28cm).

V. HUYỆN CỜ ĐỎ

1. Nguyễn Văn Nhung (1903 - 1982)

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, ông quê làng Long Đức (nay là khóm 5), thị trấn Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1927, ông gia nhập tổ chức Việt Nam cách mạng Thanh niên tại Nam Vang (Campuchia). Năm 1928, ông được phân công về hoạt động ở chi bộ Ngã tư Long Hồ. Năm 1929, ông được phân công làm Bí thư Chi bộ An nam Cộng sản Đảng Ngã tư Long Hồ. Ngày 10 tháng 11 năm 1929, đồng chí Ung Văn Khiêm, Bí thư Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang phân công đồng chí Hà Huy Giáp cùng đồng chí Nguyễn Văn Nhung và đồng chí Bảy Núi về đồn điền Cờ Đỏ thuộc làng Thới Đông, tổng Thới Bảo, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (nay là ấp Thới Hòa, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ) thành lập Chi bộ Cờ Đỏ

- Chi bộ Đảng đầu tiên của Cần Thơ). Tháng 11 năm 1930, ông làm Bí thư Quận ủy Tam Bình. Ông tích cực vận động quần chúng đấu tranh chống áp bức, chống thuế, đòi dân sinh dân chủ, ông còn tích cực viết báo Công - Nông - Binh và Báo Lao khổ tuyên truyền về Đảng. Năm 1945, ông được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Long Xuyên và đã lãnh chỉ đạo cướp chính quyền thành công ở Thị xã Long Xuyên ngày 25 tháng 8 năm 1945. Tháng 9 năm 1949, ông về Long Châu Tiền làm Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách Tuyên huấn và làm Hiệu trưởng Trường Chính trị. Tháng 11 năm 1949, ông được rút lên làm Ủy viên Khu ủy Khu 8 Nam bộ phụ trách Mặt trận. Cuối năm 1950, ông giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Thương binh xã hội Nam bộ. Từ năm 1951 - 1964, ông được phân công làm Phó Bí thư liên tỉnh một số tỉnh Đông Nam Campuchia; Phó Chủ nhiệm Tổng hội Việt kiều yêu nước; Vụ phó Tổ chức cán bộ y tế; Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Ông mất ngày 01 tháng 11 năm 1982.

(Theo cơ sở dữ liệu Ngân hàng tên đường và công trình công cộng thành phố Cần Thơ. Nguồn tư liệu: Kỷ yếu Hội thảo “Vai trò lịch sử và ảnh hưởng của Chi bộ Đảng đầu tiên đối với phong trào cách mạng ở Cần Thơ và trong vùng” - Cần Thơ: Thành ủy, 2009 - 235 tr; 27 cm).

B. TÊN CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG (02 TÊN)

I. HUYỆN PHONG ĐIỀN

Nguyễn Phương Danh (1902 - 1976)

Nguyễn Phương Danh - soạn giả Tám Danh quê ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Ông là một trong những con chim đầu đàn của sân khấu cải lương Nam bộ, người đặt nền móng cho ngành nghệ thuật cải lương cách mạng, có gần 60 năm tuổi nghề.

Vào những năm 20 - 30 của thế kỷ XX, tên ông đã xuất hiện ở khắp các gánh cải lương nổi tiếng của Nam bộ. Ông đã sáng tạo ra nhiều vai tuồng đặc sắc như Bao Công (trong vở Bao Công xử án Bàng Quý Phi), Vương Tư Đồ (trong vở Phụng Nghi Đình), Tần Hán (trong vở Phàn Lê Hoa)...; đặc biệt những vai Tề Thiên đại thánh (trong vở Mẫu Đơn Tiên) do ông sáng tạo ra, đến nay vẫn chưa có một nghệ sĩ nào sánh kịp.

Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông theo kháng chiến, vừa làm chiến sĩ, vừa làm nghệ sĩ tại chiến trường Đông Nam bộ.

Từ sau 1954, ông đã có công xây dựng Đoàn cải lương Nam bộ, đào tạo lớp diễn viên trẻ và sau 1975 đã góp phần xứng đáng vào việc xây dựng Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông là đại biểu Quốc hội (khóa II), được thưởng Huân chương Độc lập và tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

(Theo cơ sở dữ liệu Ngân hàng tên đường và công trình công cộng thành phố Cần Thơ. Nguồn tư liệu: Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam/Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh chủ biên, Phan Đại Doãn....- H: Giáo dục, 2006 - 648tr; 24 cm).

II. HUYỆN THỚI LAI

19 Tháng 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 với tên gọi là Nguyễn Sinh Cung tại làng Hoàng Trù nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thân phụ là Nguyễn Sinh Sắc tức Nguyễn Sinh Huy (sinh năm 1862) và thân mẫu là Hoàng Thị Loan (sinh năm 1868).

Từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, Hồ Chủ tịch đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ... (trích Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam). Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, UNESCO đã ra nghị quyết công nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và là một Nhà văn hóa kiệt xuất của thế giới.

Tư tưởng, sự nghiệp và nhân cách Hồ Chí Minh đã trở thành một hệ giá trị văn hóa không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn là của cả loài người.

(Theo cơ sở dữ liệu Ngân hàng tên đường và công trình công cộng thành phố Cần Thơ. Nguồn tư liệu: Hồ Chí Minh anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới/Trần Đình Huỳnh, Hoàng Chí Bảo, Đặng Quốc Bảo... biên soạn - TP. Hồ Chí Minh: Văn nghệ, 2002 - 364 tr; 26 cm)./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 13/2014/NQ-HĐND về đặt tên đường và công trình công cộng do thành phố Cần Thơ ban hành

  • Số hiệu: 13/2014/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 05/12/2014
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Phạm Văn Hiểu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản