Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2012/NQ-HĐND

Cần Thơ, ngày 07 tháng 12 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC ĐẶT TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ SÁU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;

Căn cứ Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20 tháng 3 năm 2006, của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ;

Sau khi xem xét Tờ trình số 60/TTr-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng; Báo cáo thẩm tra số 91/BC-HĐND-VHXH ngày 29 tháng 11 năm 2012 của Ban văn hóa - xã hội và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1.

Đặt tên 17 tuyến đường và 03 công trình công cộng trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Kèm theo:

- Phụ lục I: Thuyết minh vị trí tên đường và công trình công cộng;

- Phụ lục II: Tóm tắt tiểu sử nhân vật lịch sử, địa danh và sự kiện.

Điều 2.

Giao Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức triển khai và thực hiện việc gắn biển tên đường và công trình công cộng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành.

Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân thành phố khóa VIII, kỳ họp thứ sáu thông qua ngày 07 tháng 12 năm 2012; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 và được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Lợi

 

PHỤ LỤC I

THUYẾT MINH VỊ TRÍ TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG
(Kèm theo Nghị quyết số 17/2012/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ)

TT

Danh mục tên

Chiều dài, diện tích

(m, m2)

Giới hạn

Tên tạm gọi hiện nay

A

TÊN ĐƯỜNG

I

Quận Ninh Kiều

1

Nguyễn Văn Cừ

950

Cầu Cồn Khương đến Sông Hậu (thuộc quận Ninh Kiều)

Chưa có tên

2.000

Giáp ranh quận Ninh Kiều đến đường Trường Tiền (thuộc huyện Phong Điền)

Đường nối dài đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn huyện Phong Điền)

 

Đường Nguyễn Văn Cừ (mới) toàn tuyến dài 10.668m

2

Trần Văn Giàu

982

Đầu đường khu dân cư Linh Thành đến cuối đường

Đường trục chính khu dân cư Linh Thành

3

Xuân Thủy

1.350

Đường Nguyễn Văn Cừ đến đường Hoàng Quốc Việt

Đường Số 7, khu dân cư Hồng Phát

4

Tú Xương

1.180

Đường Số 7 đến cuối đường

Đường Số 6, khu dân cư Hồng Phát

II

Quận Cái Răng

5

Quang Trung

718

Cầu Quang Trung đến nút giao thông IC3

Tạm gọi là đường Quang Trung

6

Nguyễn Thị Sáu

2.039

Quốc lộ Nam Sông Hậu đến Đường Số 15, Khu dân cư 586

Đường Số 6, Khu dân cư 586

7

Bùi Quang Trinh

939

Quốc lộ Nam Sông Hậu đến Đường Số 15, Khu dân cư 586

Đường Số 8, Khu dân cư 586

III

Quận Bình Thủy

8

Đỗ Trọng Văn

763

Đường Lê Hồng Phong đến Đường Số 13, khu dân cư Ngân Thuận

Đường Số 24, khu dân cư Ngân Thuận

9

Nguyễn Chánh Tâm

695

Đường Lê Hồng Phong đến Đường Số 41, khu dân cư Ngân Thuận

Đường Số 6, khu dân cư Ngân Thuận

10

Bùi Hữu Nghĩa

10.000

Từ cống Tư Nhanh đến cầu Bông Vang

- Đường tỉnh 918;

- Đường Bùi Hữu Nghĩa mới toàn tuyến dài 11.000m.

11

Nguyễn Chí Thanh

4.200

Đường Lê Hồng Phong đến cầu Trà Nóc 2

Đường tỉnh 917

IV

Quận Ô Môn

12

Đắc Nhẫn

500

Quốc lộ 91 đến rạch Sáu Thước

Đường vào Trường Dân tộc nội trú

V

Quận Thốt Nốt

13

Thoại Ngọc Hầu

600

Đường chính vào Trung tâm thương mại Thốt Nốt

Chưa có tên

14

Võ Duy Dương

500

Quốc lộ 91 đến đường Vành đai khu tái định cư Long Thạnh

Đường Số 7, khu tái định cư Long Thạnh

15

Nguyễn Hữu Cảnh

600

Quốc lộ 91 đến đường Vành đai khu TĐC Long Thạnh

Đường Số 1, khu tái định cư Long Thạnh

16

Trịnh Hoài Đức

500

Đường Số 2 đến đường Vành đai khu tái định cư Long Thạnh

Đường Số 3, khu tái định cư Long Thạnh

IV

Huyện Phong Điền

17

Lộ Vòng Cung

18.000

Từ giáp phường An Bình đến giáp phường Trường Lạc, quận Ô Môn.

Đường tỉnh 923

B

CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG

1

Cầu Bình Thủy 2

293,8

Ranh phường Long Hòa với phường Bình Thủy

Cầu Bình Thủy 2 đường Võ Văn Kiệt

2

Cầu Bình Thủy 3

108

Ranh phường Long Tuyền với phường Long Hòa

Cầu Bình Thủy 3 đường Nguyễn Văn Linh

3

Quảng trường 3 tháng 2

13.000m2

Khu hành chính huyện Vĩnh Thạnh

Quảng trường huyện

 

PHỤ LỤC II

TÓM TẮT TIỂU SỬ NHÂN VẬT LỊCH SỬ, ĐỊA DANH VÀ SỰ KIỆN
(Kèm theo Nghị quyết số 17/2012/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ)

1. NGUYỄN VĂN CỪ (1912 - 1941)

Nguyễn Văn Cừ quê ở làng Phù Khê, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống yêu nước. Anh là học sinh xuất sắc ở Trường Bưởi (tức Trường Chu Văn An, Hà Nội ngày nay). Năm 1927, anh bị đuổi khỏi trường vì tham gia phong trào yêu nước.

Tháng 6 năm1929, anh được kết nạp vào chi bộ đầu tiên của Đông Dương Cộng sản Đảng. Sau ngày thành lập Đảng (03/02/1930), anh được bầu làm Bí thư đặc khu ủy Hòn Gai - Uông Bí, sau đó bị địch bắt kết án tù khổ sai, đày đi Côn Đảo. Trong nhà tù, anh vẫn tiếp tục tổ chức anh em đồng chí đấu tranh, học tập lí luận.

Năm 1936, Mặt trận nhân dân lên cầm quyền ở Pháp, anh được ra tù và hoạt động tích cực cho Xứ ủy Bắc Kỳ trên mọi mặt công tác. Năm 1937, anh được cử vào Ban thường vụ Trung ương Đảng, năm sau làm Tổng Bí thư của Đảng (3/1938). Nguyễn Văn Cừ là tác giả cuốn “Tự chỉ trích” có tác dụng to lớn trong đấu tranh nội bộ Đảng và chống bọn Tờ-rốt-kít phá hoại cách mạng. Mùa thu năm 1939, anh vào Sài Gòn họp Hội nghị Trung ương lần thứ VI, đề ra nhiệm vụ tập hợp toàn dân đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tháng 6 năm 1940 anh bị địch bắt. Bọn đế quốc đã dùng mọi thủ đoạn tra tấn cực hình để khai thác tài liệu, nhưng trước sau anh vẫn kiên cường bất khuất, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Sau khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), giặc khép anh vào tội là “người có trách nhiệm tinh thần trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ” để kết án tử hình. Nguyễn Văn Cừ cùng một số đồng chí khác đã bị xử bắn tại trường bắn Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định) ngày 28 tháng 8 năm 1941.

2. TRẦN VĂN GIÀU (1911 - 2010)

Giáo sư Trần Văn Giàu là nhà hoạt động cách mạng, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, triết học và là nhà giáo Việt Nam.

Quê quán tại xã An Lục Long, Tầm Vu, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An). Thuở nhỏ ông học ở Tân An, Sài Gòn, sau du học ở Pháp. Năm 1930 đang học ở Pháp thì ở nước nhà, Pháp khủng bố các phong trào yêu nước, trong đó có vụ xử trảm 13 chiến sĩ Việt Nam Quốc dân Đảng tại Yên Bái. Sinh viên Việt Nam tại Paris tổ chức biểu tình trước điện Elysée đòi hủy án tử hình đối với các thủ lĩnh cuộc Khởi nghĩa Yên Bái. Do việc này, ông bị cảnh sát bắt giam cùng 18 sinh viên khác và bị trục xuất về nước. Về nước, ông dạy ở trường Lê Bá Cang, vài tháng sau được Đảng Cộng sản (Xứ uỷ Nam kỳ) cử sang Nga học ở trường Đại học Phương Đông. Tốt nghiệp, năm 1933, từ Nga trở về Việt Nam đang lúc thoái trào (1933), các cơ sở Đảng đã tan vỡ qua nhiều vụ bạo động ở Bắc bộ nhất là Xô Viết Nghệ Tĩnh, các vụ biểu tình rầm rộ ở Nam Bộ. Ông cùng một số đồng chí lập lại Xứ ủy Nam Kỳ và được cử làm Bí thư. Năm 1934, ông bị bắt và bị đày ra Côn Đảo.

Năm 1936, hết hạn tù ông lại bị đưa đi tập trung ở Tà Lài cho đến 1941.

Sau khi Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, ông cùng 7 đồng chí vượt ngục. Tháng 3 năm 1945 Nhật đảo chính Pháp, ông cùng một số nhân vật lợi dụng IDA (sĩ quan cao cấp Nhật) cho tổ chức Thanh niên lấy tên Thanh niên Tiền phong, thu hút đông đảo quần chúng, chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa ở Sài Gòn.

Ngày 25 tháng 8 năm 1945, Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ khởi nghĩa thắng lợi, ông được cử làm Chủ tịch Uỷ ban hành chính lâm thời Nam Bộ, nhưng đến ngày 23 tháng 9 năm 1945, Pháp gây hấn tại Sài Gòn, tái chiếm Việt Nam, Ông được Trung ương triệu tập ra Bắc.

Đến toàn quốc kháng chiến, Ông làm giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau 1954, Ông về Hà Nội làm giáo sư dạy sử ở trường đại học tại Hà Nội, giáo sư Viện sử học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Ông là nhà nghiên cứu rộng và sâu, đã viết nhiều sách về giai cấp công nhân và phong trào cách mạng Việt Nam.

Danh hiệu và Giải thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh, Nhà giáo Nhân dân (1992), Anh hùng Lao động thời kì đổi mới (2003). Toàn bộ công trình về Lịch sử Việt Nam gồm 5 bộ, 18 tập của Giáo sư Trần Văn Giàu được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh.

3. XUÂN THỦY (1912 - 1985)

Tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm, người thôn Hòe Thị, tổng Phương Canh, huyện Hoài Đức, thuộc tỉnh Hà Đông (cũ), nay là xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm.

Năm 1938, ông bị giặc Pháp bắt giam ở các nhà tù Hà Giang, Sơn La.

Năm 1943, ông phụ trách cơ quan Tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh rồi làm Chủ bút Báo Cứu quốc. Từ 1951 - 1981, ông là Ủy viên Trung ương Đảng; năm 1968, ông ở trong Ban Bí thư, là Trưởng ban Đối ngoại; năm 1963 là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; năm 1968, là Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị Pari, là Phó Chủ tịch Quốc hội.

Ông mất ngày 18 tháng 6 năm 1985 tại nhà riêng số 36 đường Lý Thường Kiệt (nay là trụ sở của Bảo tàng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam).

4. TÚ XƯƠNG (1870 - 1907)

Ông có nhiều tên: Trần Duy Uyên, Trần Tế Xương, Trần Cao Xương nhưng được gọi một cách quen thân là Tú Xương. Quê làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc (nay thuộc tỉnh Nam Định). Đỗ tú tài cuối bảng (1894) rồi liên tiếp thi nhiều khóa khác nhưng không đỗ được cử nhân.

Ông sống cuộc đời nghèo nàn, nay đây mai đó theo thú phong lưu. Ông làm thơ nhiều, toàn thơ Nôm (nay còn khoảng 150 bài), nổi bật vì chất trào phúng sắc sảo, mãnh liệt mà đầy chất trữ tình, tha thiết. Ông đả kích bọn mua danh trục lợi, bọn hãnh tiến xu thời cùng những trò dởm đời trong nhân tình thế thái. Tiếng cười trong thơ Ông quyết liệt, thẳng thừng, nhiều góc cạnh. Ông cũng có nhiều bài thơ ca ngợi quê hương, thương đời, thương vận nước,…

Thơ của Ông đạt đến trình độ cao về sử dụng ngôn ngữ, đó là một thiên tài “thần thơ thánh chữ”. Tú Xương là một trong những tác giả hàng đầu trong văn học trào phúng Việt Nam. Ông mất ngày 29 tháng 01 năm 1907.

5. QUANG TRUNG - NGUYỄN HUỆ (1753 - 1792)

Nguyễn Huệ là thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn, anh hùng dân tộc, hoàng đế lấy hiệu Quang Trung (1788 - 1792). Ông quê gốc ở Nghệ An, sinh tại Phú Lạc, sau dời sang Kiên Mỹ, huyện Tuy Viễn (nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).

Thuở nhỏ Ông theo học Giáo Hiến. Năm 1771, Ông cùng anh là Nguyễn Nhạc và em là Nguyễn Lữ phất cờ khởi nghĩa chống Trương Phúc Loan ở đất Tây Sơn Thượng Đạo (An Khê thuộc tỉnh Gia Lai). Năm 1773 - 1783, Ông trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh có ý nghĩa quyết định trong cuộc đấu tranh lật đổ chế độ chúa Nguyễn ở Đàng trong.

Đêm ngày 18 tháng 01 năm 1785, chỉ trong một đêm, bằng tài năng thủy chiến, Ông đã chỉ huy nghĩa quân Tây Sơn tiêu diệt 5 vạn quân Xiêm ra khỏi bờ cõi. Tháng 6 năm 1786, ông kéo quân ra đánh chiếm Phú Xuân (Huế) - trị sở và là đại bản doanh của các chúa Nguyễn Đàng trong. Tháng 7 năm 1786, ông dẫn đại quân vượt sông Gianh tiêu diệt tập đoàn phong kiến chúa Trịnh ở Đàng ngoài. Cuối năm 1797, Nguyễn Huệ ra Bắc lần 2, bắt giết kẻ phản loạn, thu phục người hiền tài, lập lại trật tự ở Bắc Hà.

Ngày 22 tháng 12 năm 1788, chỉ sau 5 ngày quân Thanh kéo vào Thăng Long, tại Phú Xuân, Nguyễn Huệ chính thức lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Quang Trung và tổ chức lực lượng tiến quân ra Bắc. Chỉ trong 5 ngày, vào mùng 5 tết Kỷ Dậu 1789, ông đã chỉ huy đại quân đánh bại hoàn toàn 29 vạn quân Thanh và tổ chức lễ mừng chiến thắng tại thành Thăng Long. Sau đó, Nguyễn Huệ chủ trương hòa hiếu với nhà Thanh, ra chiếu khuyến nông, giảm thuế khóa, đúc tiền để lưu thông hàng hóa.

Ngày 16 tháng 9 năm 1792, Ông đột ngột qua đời trong khi mọi cải cách còn đang thực hiện dở dang. Mặc dù thời gian trị vì không dài nhưng Nguyễn Huệ đã bước đầu đạt được một số thành công trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, kinh tế, ngoại giao.

6. NGUYỄN THỊ SÁU (1944 - 1960)

Nguyễn Thị Sáu - Liệt sỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Quê xã Long Trị, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Hậu Giang). Gia nhập du kích năm 1956, đội viên du kích, đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, hy sinh ngày 10 tháng 12 năm 1960.

Cha mẹ của Chị là những người có công nuôi chứa và bảo vệ cán bộ, chiến sĩ cách mạng sau năm 1954. Năm 12 tuổi, Chị đã làm liên lạc cho tổ chức tuyên truyền tin bảo mật ở xã. Đến năm 16 tuổi, Chị trở thành đoàn viên Thanh niên lao động Hồ Chí Minh, đội viên đội du kích xã. Chị đã cùng đồng đội bao vây, chống địch càn quét và bẻ gãy nhiều cuộc hành quân của địch trên địa bàn xã.

Tháng 12 năm 1960, chị đã vận động trên 500 chị em phụ nữ tham gia biểu tình, cùng lực lượng du kích xã cướp đồn Vàm Đinh (xã Long Phú) bắt 24 tên, thu toàn bộ vũ khí. Phát huy thắng lợi, thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy, chị xung phong dẫn đầu đoàn biểu tình gồm 1.000 người kéo đến phân chi khu cái Nai. Địch hoảng sợ đóng chặt cửa chi khu và đe dọa sẽ nổ súng vào đoàn biểu tình. Trước tình hình đó, Chị đã hiên ngang bước tới mở cửa đồn và ra hiệu đoàn biểu tình tiến lên. Ngay sau đó, Chị bị trúng đạn và anh dũng hy sinh khi tuổi đời vừa tròn 16.

Ngày 28 tháng 4 năm 2000, Chị được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

7. BÙI QUANG TRINH ( 1923 - 1945)

Liệt sỹ Bùi Quang Trinh quê gốc ở Chợ Mới, tỉnh An Giang. Năm 1940 gia đình anh về sống ở Cần Thơ. Cụ thân sinh là người lao động giỏi, biết nhiều nghề. Anh được đồng chí Ung Văn Khiêm - một trong những đồng chí lãnh đạo An Nam Cộng sản Đảng giác ngộ cách mạng.

Anh là con lớn nhất trong gia đình gồm 10 anh em. Sau khi đỗ bằng Thành Chung ở Cần Thơ, Anh lên Sài Gòn học hội họa ở Trường Mỹ thuật Gia Định, đồng cảm với nỗi khổ của người dân, có ý thức phản kháng cường quyền, bất công xã hội và trước thái độ cửa quyền, hách dịch, hà khắc của viên Bố Chánh, Anh quyết định bỏ việc khi đang làm “Quan phán” ở tòa Bố chánh Hà Tiên.

Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, anh về Cần Thơ tham gia cướp chính quyền. Sau đó gia nhập lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc (tiền thân của Công an Nam bộ).

Ít ngày sau khi tái chiếm thị xã Cần Thơ, giặc Pháp đổ quân về Cái Răng, âm mưu từ “bàn đạp” này để có thể “nống” ra đánh phá các cơ sở kháng chiến, các cơ quan đầu não của Cần Thơ. “Nhà việc” của xã Thường Thạnh được chúng chọn làm trụ sở của Ban chỉ huy quân sự Pháp do tên quan ba Ru-ăng làm chỉ huy trưởng.

Ngày 12 tháng 11 năm 1945, anh là Phó chỉ huy trưởng chỉ huy trận đánh Cái Răng, là một trong 5 chiến sĩ của “Đội cảm tử Quốc gia tự vệ cuộc” do đồng chí Lê Bình chỉ huy đã “Hóa trang kỳ tập” vào Ban Chỉ huy cánh quân Pháp đặt tại Cái Răng, giết hơn 20 tên giặc. Đây là trận đánh có tiếng vang lớn rất đáng ghi nhớ của quân dân Cần Thơ kể từ khi quân Pháp tái chiếm Cần Thơ được ít ngày. Anh đã anh dũng hy sinh trong trận đánh này.

8. ĐỖ TRỌNG VĂN (1947 - 1972)

Liệt sỹ - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đỗ Trọng Văn còn có tên là Mai Văn Sinh, quê xã Thới An Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ (nay là thành phố Cần Thơ). Năm 1959, Anh tham gia Đội du kích mật xã Thới An Đông. Năm 1964, gia nhập bộ đội địa phương huyện Ô Môn, huyện Châu Thành. Năm 1970 - 1972, là Huyện ủy viên, Huyện đội phó Châu Thành. Anh hy sinh năm 1972, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày 15 tháng 2 năm 1965, anh cùng đặc công nhận nhiệm vụ mang mìn Bêta vào đánh đồn Mã Tiền (xã Định Môn, Ô Môn). Trận này ta diệt gọn quân địch, anh thu được một máy truyền tin PRC10.

Tháng 6 năm 1965, anh tham gia tập kích diệt một trung đội bảo an trên Quốc lộ 91. Năm 1966, anh chỉ huy đơn vị đặc công huyện Châu Thành tiêu diệt đồn Tắc Cà Đi. Năm 1967, anh cùng đồng đội đánh trả đẩy lùi 4 đợt tấn công của địch. Đến đợt thứ 5, đơn vị quyết định rút lui, anh vừa chỉ huy đơn vị đánh trả với địch, vừa truy tìm thương binh. Trận này anh bị thương rất nặng. Sau 2 năm điều trị, anh trở về giữ chức Huyện ủy viên Huyện đội Châu Thành và tiếp tục lập nhiều thành tích xuất sắc. Ngày 20 tháng 10 năm 1972, chuẩn bị cho trận diệt đồn Chệt Xồi (ngã tư Một Ngàn), trên đường đi nghiên cứu thực địa bị địch phục kích, Anh cùng đồng đội chiến đấu rất quyết liệt và đã anh dũng hy sinh.

Anh được tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Chiến sĩ giải phóng Nhất, Nhì, Ba; nhiều bằng khen, giấy khen và huy hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Ngày 28 tháng 4 năm 2000, anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

9. NGUYỄN CHÁNH TÂM (1935 - 1968)

Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Chánh Tâm quê xã Long Tuyền (nay là phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ). Năm 1954, Anh tập kết ra Bắc.

Thực hiện quyết tâm chi viện cho chiến trường miền Nam tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Chỉ huy Đoàn 125 (Đoàn tàu không số) cử bốn tàu đi làm nhiệm vụ đặc biệt gồm: Tàu 43, Tàu 56, Tàu 165 và Tàu 235. Tàu 165 có 18 cán bộ, thủy thủ do Nguyễn Chánh Tâm làm thuyền trưởng, Nguyễn Ngọc Lương làm chính trị viên có nhiệm vụ vận chuyển hơn 64 tấn vũ khí vào bến Cà Mau chi viện cho chiến trường Tây Nam bộ.

Tàu xuất phát ngày 25 tháng 02 đến đêm 29 tháng 02 năm 1968, tàu vào Vàm Lũng (huyện Năm Căn, Cà Mau) bị địch phát hiện. Cán bộ, thủy thủ Tàu 165 đã chiến đấu anh dũng trong vòng vây của tàu chiến và máy bay địch. Cuộc chiến đấu không cân sức, khi nhận thấy Tàu 165 không còn khả năng an toàn, để đảm bảo bí mật cho con đường vận chuyển chiến lược trên biển Đông, ông đã cho hủy tàu theo kế hoạch. Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm và 17 cán bộ, thủy thủ đã anh dũng hy sinh và yên nghỉ trên vùng biển Cà Mau.

Năm 2006, Tàu 165 đã được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

10. BÙI HỮU NGHĨA (1807 - 1872)

Nhà thơ Bùi Hữu Nghĩa, hiệu Nghi Chi, Liễu Lâm chủ nhân, người làng Long Tuyền, trước thuộc Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh (Vĩnh Long) sau thuộc tỉnh Cần Thơ (nay là phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ). Thân phụ ông là Bùi Hữu Vi, xuất thân nghề chài lưới.

Thuở trẻ Ông lên Biên Hòa ngụ nơi nhà ông Hộ trưởng Nguyễn Văn Lý, học với ông đồ Hoành. Sau được ông Lý gả con gái. Năm 1835, ông đỗ giải Nguyên trường thi Gia Định. Do đó, ông còn được gọi là Thủ khoa Nghĩa hoặc Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Sau đó, ông được sơ bổ Tri huyện Phước Long, tỉnh Biên Hòa, rồi thuyên bổ Tri huyện Trà Vang (tức Trà Vinh, nay thuộc tỉnh Trà Vinh).

Vì tính cương trực, Ông đương đầu với bọn cường hào ác bá tại Trà Vinh, bị quan trên tham nhũng cáo gian, tìm cách hãm hại. Vợ ông là Nguyễn Thị Tồn ra tận kinh đô kêu oan với triều đình, ông mới thoát cảnh lao tù, nhưng phải sung quân, đóng đồn ở Vĩnh Thông (Châu Đốc). Đóng quân ở Tịnh Biên ít lâu, ông xin giải ngũ, về quê quán Long Tuyền sống đời ẩn dật, sinh nhai với nghề thuốc và dạy học, ôm ấp chí cao khiết. Tài đức của ông được sĩ phu và nhân dân trọng vọng, mến yêu. Tại chùa Nam Nhã (quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) còn bài vị thờ vợ chồng ông.

Ngoài các bài thơ, văn tế, Ông còn để lại một bản tuồng Kim thạch kỳ duyên có giá trị văn chương cao, được đời truyền tụng. Ông có nhiều bài họa thơ đả kích Tôn Thọ Tường theo Pháp, kêu gọi đồng bào nhất tề đứng lên chống giặc Pháp. Khu mộ của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa tại quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ) đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào ngày 25 tháng 01 năm 1994.

11. NGUYỄN CHÍ THANH (1914 - 1967)

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh sinh ra trong một gia đình nông dân ở thôn Niệm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Năm 17 tuổi, Ông đã cùng một số thanh niên tá điền đấu tranh chống lại bọn cường hào địa phương. Ông tham gia phong trào Mặt trận Bình dân, được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông dương tháng 7 năm 1937, sau đó được cử làm Bí thư Chi bộ. Năm 1938, ông làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Cuối năm 1938, ông bị địch bắt. Sau khi ra tù, ông tiếp tục hoạt động và được tiếp tục cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Giữa năm 1939, ông lại bị giặc Pháp bắt và giam ở các nhà lao: Huế, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột,…

Năm 1941, ông vượt ngục và tham gia thành lập Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên, ra sức xây dựng cơ sở cách mạng nhiều nơi trong tỉnh. Năm 1943, ông lại bị bắt. Năm 1945 ông ra tù, tháng 3 năm 1945 tại Hội nghị toàn quốc của Đảng tổ chức ở Tân Trào (Tuyên Quang), ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ.

Năm 1947, ông được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, sau đó làm Bí thư Phân khu ủy Bình - Trị - Thiên. Từ cuối năm 1948 đến năm 1950, ông làm Bí thư Liên khu ủy Khu IV. Năm 1950, ông là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Phó Bí thư Tổng Quân ủy. Năm 1959 ông được phong quân hàm Đại tướng Quân đội nhân dân. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị - BCH Trung ương Đảng khóa II, khóa III.

Trong kháng chiến chống Mỹ, ông được Đảng điều động trở lại quân đội. Năm 1965, ông vào chiến trường miền Nam. Ông còn là Ủy viên Hội đồng quốc phòng. Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý. Sau khi mất, ông được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Quân công hạng Nhì.

12. ĐẮC NHẪN (1923 - 1989)

Tên thật là Phạm Đắc Nhẫn, sinh ngày 16 tháng 8 năm 1923 tại Thới Thạnh, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (nay là thành phố Cần Thơ). Ông nội của Ông từ đất Nghệ An lưu lạc vào trấn Biên Hòa sinh sống, theo nghĩa quân Trương Định, sau khi khởi nghĩa thất bại, Ông phải tạm lánh về vùng Ô Môn. Cha ông giỏi chữ Nho, thích kéo đờn cò. Mẹ ông thường kể cho con cái nghe truyện Tàu với những nhân vật đầy nghĩa khí, trung liệt.

Thuở nhỏ Ông học đàn kìm do chú Hai Cừ dạy và học văn hóa với thân sinh của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Ông tham gia cách mạng từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp trong Ban Tuyên truyền Phòng chính trị Phân Liên khu miền Tây Nam bộ. Để phục vụ cho nhu cầu của cách mạng, trong những năm đó Ông hăng say sáng tác với nhiều bài hát như: Sáp chiến (1946), Việt Nam ngàn dặm (1948), Nhắn về Thành (1949). Đặc biệt là bài hát “Tầm Vu” ông viết năm 1948 ở vùng Cái Sắn do Quốc Hương đặt lời. Bài hát được phổ biến rất nhanh. Đến nay bài hát vẫn luôn tồn tại mãi với thời gian. Hiện là nhạc hiệu của Đài Phát thanh Cần Thơ.

Trong những năm tháng sống ở miền Bắc, ông luôn nhớ về quê nhà, nơi ấy có dòng Sông Hậu hiền hòa tắm mát tuổi thơ ông.

Gần 50 năm cống hiến cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, Ông đã để lại trên 50 ca khúc có giá trị, một số khối lượng lớn nhạc cho các vở sân khấu cải lương và nhiều công trình nghiên cứu, dịch thuật âm nhạc nước ngoài và cải lương Nam bộ. Nhạc sĩ Đắc Nhẫn xứng đáng là một tấm gương lao động nghệ thuật không mệt mỏi vì một nền âm nhạc dân tộc Việt Nam hiện đại. Ông mất năm 1989.

13. THOẠI NGỌC HẦU (1761 - 1829)

Danh thần, nhà doanh điền triều Nguyễn, tên thật là Nguyễn Văn Thoại, quê làng An Hải Tây, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). Cuối thời chúa Nguyễn, Ông cùng gia đình di cư vào tỉnh Vĩnh Long. Năm 1777, Ông đầu quân với chúa Nguyễn Ánh, lập được nhiều chiến công, từng phò giá Nguyễn Ánh, làm đến Khâm sai Thượng đạo Bình Tây tướng quân, được phong tước Hầu (Thoại Ngọc Hầu).

Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua, Ông được cử làm Thống quản biền binh bảo hộ Cao Miên. Năm 1818, Ông thiết kế và đốc suất dân binh đào kinh Đông Xuyên ở Long Xuyên (còn gọi là kênh Thoại Hà). Năm 1820, Ông cho đào một con kinh nối liền Châu Đốc - Hà Tiên, năm 1824 hoàn thành, vua Minh Mạng khen ngợi, sắc ban đặt tên cho ngọn núi nhìn xuống con kinh là Thoại Sơn và con kinh này được mang tên vợ Ông là kinh Vĩnh Tế, rất tiện lợi cho việc giao thông vận tải đường sông, cung cấp nước ngọt cho diện tích rộng lớn ở Hà Tiên, Rạch Giá, là ranh giới Việt Nam - Campuchia. Ông mất tại Châu Đốc ngày 06 tháng 6 năm Kỷ Sửu 1829 khi đang tại chức.

14. VÕ DUY DƯƠNG (1827 - 1866)

Võ Duy Dương quê ở thôn Cù Lâm Nam, thuộc phủ Tuy Viễn, trấn Bình Định (nay là thôn Nam Tượng, xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định). Ông được triều đình phong chức Thiên hộ nên tục gọi là Thiên hộ Dương.

Ông có mặt trong hàng ngũ chống Pháp rất sớm. Đội nghĩa binh của Ông phối hợp với nghĩa quân Trương Định hoạt động mạnh trên một vùng rộng lớn giữa các sông Tiền Giang và Vàm Cỏ, kéo dài từ biển Đông lên tới biên giới Việt Nam - Campuchia. Sau khi Trương Định hy sinh (8/1864), Ông trở thành người lãnh đạo chính của phong trào kháng chiến Nam bộ. Căn cứ của nghĩa quân lúc này là Đồng Tháp Mười. Tháng 4 năm 1866, căn cứ bị giặc Pháp bao vây, tấn công ác liệt buộc nghĩa quân rút khỏi căn cứ sau đó tan rã dần. Tháng 11 năm 1866, Thiên hộ Dương vượt biển về kinh, đến cửa Thần Mẫu (Cần Giờ), bất ngờ bị cướp biển giết chết.

Để tưởng nhớ người anh hùng có công giữ nước, ngày nay nhân dân Đồng Tháp Mười xây dựng đền thờ tưởng niệm ông tại Gò Tháp, hàng năm có hàng chục ngàn người về kính bái. Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2012.

15. NGUYỄN HỮU CẢNH (KÍNH) (1650 - 1700)

Nguyễn Hữu Cảnh còn gọi là Nguyễn Hữu Kính, danh tướng của chúa Nguyễn ở Đàng trong, người có công thành lập các dinh Trấn Biên (Biên Hòa), Phiên Trấn (Gia Định). Ông là con thứ của Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật. Tổ tiên của Ông là người Gia Miêu, huyện Tống Sơn (Hà Trung, Thanh Hóa).

Năm 1692, Ông làm Tổng binh đánh dẹp cuộc nổi dậy của Bà Tranh và lập trấn Thuận Thành (thuộc Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay), sau đó lại dẹp cuộc nổi dậy của A Ban câu kết với Ốc Nha Thát. Nhờ đó, Ông được làm trấn thủ dinh Bình Khang (vùng Khánh Hòa và Bình Thuận). Năm 1698, ông được chúa Nguyễn cử làm Thống suất chưởng cơ kinh lược vùng Gia Định (Đồng bằng sông Cửu Long). Hơn một năm sau, Ông đã tổ chức được các đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền các dinh, huyện, xã và chiêu tập dân nghèo khai hoang định cư lập làng xóm.

Sau khi Ông mất, chúa Nguyễn phong tặng là Hiệp tán công thần, đặc tiến Chưởng dinh tướng quân, Lễ Tài hầu, an táng tại Cù lao Phố (Biên Hòa, Đồng Nai). Nhiều làng, ấp ở Gia Định thờ Ông làm thành hoàng.

16. TRỊNH HOÀI ĐỨC (1765 - 1825)

Trịnh Hoài Đức là một nhà văn, nhà địa lý - lịch sử. Ông làm quan thời Nguyễn, tự là Chỉ Sơn, hiệu là Cấn Trai, tổ tiên vốn là Hoa kiều, lập nghiệp ở Trấn Biên (Biên Hòa).

Năm 1788, Ông theo Nguyễn Ánh làm Hàn lâm viện Chế cáo, rồi chuyển sang làm Điền tuấn quan, tổ chức việc khai hoang. Năm 1795, Ông được cử đi sứ sang Trung Quốc. Từ năm 1812 đến 1820, Ông làm hiệp Tổng trấn, rồi làm phó Tổng trấn Gia Định thành. Ông cùng với Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định được người đời ca ngợi là “Gia Định tam gia”. Ông có những tác phẩm nổi tiếng và giá trị cao là cuốn “Cấn Trai thi tập” và “Gia Định thành thông chí”. Thơ văn cũng như sách biên soạn của Ông phản ánh tình hình Gia Định đầu thế kỉ XIX.

17. LỘ VÒNG CUNG

Tuyến lộ Vòng Cung dài gần 30km, bắt đầu từ Quốc lộ 1 (quận Ninh Kiều) đến Quốc lộ 91 (quận Ô Môn), là vành đai án ngữ để bảo vệ thành phố Cần Thơ trong thời kỳ chiến tranh. Như tên gọi, tuyến lộ này đi qua các địa bàn: phường An Bình (quận Ninh Kiều), phường Long Tuyền, phường Thới An Đông (quận Bình Thủy), xã Mỹ Khánh, xã Nhơn Ái, thị trấn Phong Điền, xã Tân Thới, xã Giai Xuân (huyện Phong Điền - 18km) và phường Phước Thới (quận Ô Môn), tạo thành một vòng cung bao bọc nội ô thành phố Cần Thơ.

Vì con đường này có vị trí chiến lược quân sự đặc biệt quan trọng, nên cuối năm 1967, Mỹ Ngụy đã triển khai xây dựng tuyến phòng thủ với hệ thống đồn bót và bộ máy kềm kẹp quần chúng, đánh phá phong trào cách mạng.

Mặt trận Vòng Cung trở thành một trong những trọng điểm ác liệt gian khổ, là bàn đạp đứng chân của các lực lượng ta tấn công vào tận đầu não và sào huyệt của địch ở thành phố Cần Thơ. Nó có ý nghĩa quan trọng tạo đà cho lực lượng cách mạng đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giành độc lập dân tộc.

Địa danh Vòng Cung là dấu ấn khó phai mờ, gắn chặt với truyền thống lịch sử hào hùng của Đảng bộ, quân dân Cần Thơ, cũng như đồng bằng sông Cửu Long và cả nước trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

18. BÌNH THỦY

Giai thoại về địa danh Bình Thủy cũng tràn đầy cảm hứng lịch sử. Tương truyền, năm Nhâm Tý 1852, Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt trong một lần đi tuần thú bằng thuyền trên Sông Hậu gặp sóng to gió lớn bất ngờ nổi lên. Ngay lúc đó viên quan hầu cận nhìn thấy một vàm rạch rồi khẽ bẩm với quan Tuần phủ, cho quân chèo thuyền vào đó, qua được cơn thịnh nộ của thủy thần. Quan Tuần phủ cho neo thuyền lại, gọi dân làng đến gạn hỏi mới biết rằng, con rạch nầy từ trước tới giờ chưa từng có sóng to gió lớn, người dân trong vùng sống an cư lạc nghiệp, hoa màu tươi tốt quanh năm. Quan Tuần phủ tuyên bố: “Nay ta nhờ theo dòng nước đến đây mà được bình an vô sự. Vậy ta đặt tên cho chỗ nầy là Bình Thủy”. Tên làng Bình Thủy có từ đó và còn lưu giữ đến ngày nay.

19. 3 THÁNG 2

Sau khi phong trào Cần Vương chống Pháp tan rã, tiếp đến các phong trào Đông Du, Duy Tân lần lượt thất bại thì ở nước Nga nổ ra cuộc cách mạng vô sản năm 1917. Một số chiến sĩ cách mạng Việt Nam hướng về Liên Xô, tự vạch cho mình con đường đánh đuổi thực dân phong kiến.

Từ đó ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam lần lượt ra đời ở ba kỳ: Đông Dương Cộng sản liên đoàn, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Đảng. Tuy cùng lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam và mục tiêu đấu tranh là giải phóng dân tộc, mỗi đảng đều hoạt động riêng, điều này sẽ làm suy yếu tiềm lực cách mạng của quần chúng.

Đứng trước tình hình này, ngày 3 tháng 2 năm 1930 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đứng ra triệu tập cuộc họp ở Quảng Châu (Trung Quốc) kêu gọi đoàn kết, thống nhất ba đảng làm một, lấy tên là Đông Dương Cộng sản Đảng, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay.

Ngày 3 tháng 2 được chính thức xem là ngày thành lập Đảng cộng Việt Nam.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 17/2012/NQ-HĐND về đặt tên đường và công trình công cộng của thành phố Cần Thơ

  • Số hiệu: 17/2012/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 07/12/2012
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Nguyễn Hữu Lợi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản