Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2017/NQ-HĐND

Thái Nguyên, ngày 18 tháng 5 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TỈNH THÁI NGUYÊN, GIAI ĐOẠN 2017-2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
KHÓA XIII, KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;

Căn cứ Luật Công nghệ cao năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Xét Tờ trình số 37/TTr-UBND ngày 28/02/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc đề nghị thông qua Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017- 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh, ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017- 2020, trong đó quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, như sau:

1. Mục tiêu

- Mục tiêu chung: Góp phần xây dựng nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế ngành, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

- Mục tiêu cụ thể:

Đến năm 2020 có 01 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi vào hoạt động; xây dựng được các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) đối với những cây trồng, vật nuôi chủ yếu là thế mạnh của tỉnh và trên địa bàn tỉnh có ít nhất 2 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Xây dựng được từ 02 “mô hình điểm” vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với cây chè và cây rau.

Đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 20% trở lên so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy trình kỹ thuật sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản đối với các đối tượng cây trồng, vật nuôi ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện tỉnh Thái Nguyên.

2. Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

2.1. Ngân sách nhà nước hỗ trợ giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật vùng nông nghiệp ứng dụng CNC gồm:

2.1.1. Hỗ trợ xây dựng đường giao thông, thủy lợi, đường điện trục chính  đến Vùng, Trung tâm nông nghiệp ứng dụng CNC

a) Đối với những vùng nông nghiệp ứng dụng CNC thuộc phạm vi đề án này, trên cơ sở vùng sản xuất hiện có của Hợp tác xã, Tổ hợp tác (HTX, THT), trang trại, hộ gia đình thực hiện tích tụ đất đai để liên kết sản xuất ứng dụng CNC, nhưng chưa có cơ sở hạ tầng thiết yếu:

- Điều kiện áp dụng: Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Nội dung và mức hỗ trợ:

+ Nội dung: Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

+ Mức hỗ trợ: 70% kinh phí.

- Phương thức thực hiện: Nhà nước hỗ trợ 70%, đối ứng của HTX, THT, trang trại, hộ gia đình 30%.

b) Đối với xây dựng “mô hình điểm” Vùng và Trung tâm nông nghiệp ứng dụng CNC:

- Điều kiện áp dụng: Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Nội dung và mức hỗ trợ:

+ Nội dung: Hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

+ Mức hỗ trợ: 100% kinh phí.

- Phương thức thực hiện: Thực hiện dự án đầu tư bằng 100% nguồn ngân sách nhà nước.

c) Đối với các dự án xây dựng vùng, trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do doanh nghiệp đầu tư xây dựng:

- Điều  kiện áp dụng: Đạt tiêu chí về vùng nông nghiệp ứng dụng CNC; dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Nội dung và mức hỗ trợ:

+ Nội dung: Hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng (nếu có) và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

+ Mức hỗ trợ: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí.

- Phương thức thực hiện: Hỗ trợ sau đầu tư.

2.1.2. Hỗ trợ xây dựng đường giao thông nội đồng trong vùng nông nghiệp ứng dụng CNC

- Đối tượng và điều kiện áp dụng:

+ Đối tượng: Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại.

+ Điều kiện: Có dự án xây dựng đường giao thông nội đồng theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới thuộc vùng nông nghiệp ứng dụng CNC đạt tiêu chí. Dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Nội dung và mức hỗ trợ:

+ Nội dung: Xây dựng đường giao thông nội đồng.

+ Mức hỗ trợ: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí.

- Phương thức thực hiện: Hỗ trợ sau đầu tư.

2.1.3. Hỗ trợ hệ thống tưới trong vùng nông nghiệp ứng dụng CNC đạt tiêu chí

- Đối tượng và điều kiện áp dụng:

+ Đối tượng: Doanh nghiệp, HTX, THT, trang trại sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao (đạt tiêu chí sản xuất ứng dụng công nghệ cao) chưa có hệ thống cấp nước và thiết bị tưới tiết kiệm, hiệu quả đối với cây chè, rau, hoa các loại, cây ăn quả.

+ Điều kiện: Diện tích sản xuất trồng trọt đảm bảo tưới tối thiểu từ 2,1 ha đối với trang trại trồng trọt (theo tiêu chí Thông tư số 27/TT-BNNPTNT); 05 ha đối với THT/HTX; 15 ha đối với doanh nghiệp.

- Nội dung và mức hỗ trợ:

+ Nội dung: Ngân sách nhà nước hỗ trợ tạo nguồn nước, mua vật tư, máy móc, thiết bị tưới tiết kiệm hiệu quả.

+ Mức hỗ trợ: 70% chi phí tạo nguồn nước, mua và lắp đặt thiết bị tưới nhưng không quá 50 triệu đồng/trang trại; 100 triệu đồng/THT, HTX; 300 triệu đồng/doanh nghiệp.

- Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ sau đầu tư.

2.1.4. Hỗ trợ ứng dụng CNC trong xử lý môi trường chăn nuôi

- Đối tượng và điều kiện áp dụng:

+ Đối tượng: Doanh nghiệp, trang trại sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm (đạt tiêu chí sản xuất ứng dụng CNC) chưa có công trình xử lý chất thải chăn nuôi; cơ sở giết mổ, chế biến thịt trong vùng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.

+ Điều kiện: Áp dụng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, hiệu quả như: Đệm lót sinh học, theo công nghệ SAIBON Nhật Bản, ép tách phân sản xuất phân hữu cơ, xử lý chất thải trong giết mổ, chế biến đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn môi trường theo quy định.

- Nội dung và mức hỗ trợ:

+ Nội dung: Hỗ trợ mua vật tư, thiết bị, lắp đặt công trình xử lý chất thải.

+ Mức hỗ trợ: Hỗ trợ một lần bằng 70% chi phí xây dựng nhưng tối đa không quá 500 triệu đồng/công trình xử lý chất thải và 700 triệu đồng/công trình xử lý chất thải có kết hợp sản xuất phân hữu cơ vi sinh.

- Phương thức thực hiện: Hỗ trợ sau đầu tư.

2.2. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực ứng dụng CNC

- Đối tượng và điều kiện áp dụng:

+ Đối tượng: Người lao động có hộ khẩu thường trú tại Thái Nguyên.

+ Điều kiện: Trong độ tuổi lao động theo quy định, có trình độ trung học cơ sở trở lên, có nhu cầu bồi dưỡng về CNC trong nông nghiệp hoặc theo kế hoạch đào tạo nhân lực ứng dụng CNC của cơ sở sản xuất.

- Nội dung và mức hỗ trợ:

+ Nội dung: Mỗi lao động được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần bằng 100% kinh phí đào tạo nghề và tiền tài liệu theo quy định của cơ sở đào tạo nghề được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

+ Mức hỗ trợ: Tối đa không quá 3 triệu đồng/người/khóa đào tạo.

- Phương thức thực hiện: Ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở đào tạo thông qua phương thức đặt hàng.

2.3. Hỗ trợ giá giống cây trồng và vật nuôi là thủy sản

- Đối tượng và điều kiện áp dụng:

+ Đối tượng: Doanh nghiệp, HTX, THT, trang trại, hộ gia đình.

+ Điều kiện: Đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.

- Nội dung và mức hỗ trợ:

+ Nội dung: Cây chè, cây ăn quả (bưởi, cam, nhãn, na, chuối), hoa (Hồng, lan nuôi cấy mô, lyly), nuôi thủy sản (cá lăng, cá diêu hồng, cá trắm đen, chép lai, rô phi đơn tính, cá nước lạnh) theo tiêu chuẩn quy định.

+ Mức hỗ trợ: Ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 50% chi phí giá giống.

- Phương thức thực hiện: Ngân sách tỉnh hỗ trợ thông qua hợp đồng cung ứng dịch vụ theo kế hoạch đặt hàng.

2.4. Hỗ trợ chứng nhận sản phẩm nông sản an toàn

- Đối tượng và điều kiện áp dụng:

+ Đối tượng: Doanh nghiệp, HTX, THT, hộ gia đình (có đăng ký kinh doanh).

+ Điều kiện: Áp dụng quy trình VietGAP (GAP khác), sản xuất nông nghiệp hữu cơ có hợp đồng tiêu thụ hoặc phương án tiêu thụ sản phẩm.

- Nội dung và mức hỗ trợ:

+ Nội dung: Ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần bằng 100% kinh phí chứng nhận.

+ Mức hỗ trợ: Tối đa không quá 6 triệu đồng/ha đối với sản xuất trồng trọt; không quá 50 triệu đồng/trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

- Phương thức thực hiện: Ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng hoặc thông qua hợp đồng với bên thứ ba (tổ chức chứng nhận).

2.5. Hỗ trợ mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC

- Đối tượng và điều kiện áp dụng:

+ Đối tượng: Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại.

+ Điều kiện: Mô hình trình diễn sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC (đáp ứng các điều kiện mô hình trình diễn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

- Nội dung và mức hỗ trợ:

+ Nội dung: Ngoài các chính sách được hưởng chung còn được hưởng thêm 30% chi phí hạng mục đầu tư thiết bị công nghệ mới.

+ Mức hỗ trợ: Tối đa không quá 200 triệu đồng/mô hình sản xuất trồng trọt, thủy sản; 300 triệu đồng/mô hình chăn nuôi; 400 triệu đồng/mô hình chế biến, bảo quản nông sản.

- Phương thức thực hiện: Ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp đối tượng thực hiện.

2.6. Hỗ trợ lãi suất vốn vay đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

- Đối tượng và điều kiện áp dụng:

+ Đối tượng: Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân.

+ Điều kiện: Đầu tư phát triển sản xuất giống; sản xuất nông nghiệp, thủy sản; chế biến, bảo quản nông sản ứng dụng CNC vay vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng hợp pháp.

- Nội dung và mức hỗ trợ:

+ Nội dung: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vay ngân hàng tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn, thời hạn vay tối đa 36 tháng.

+ Mức hỗ trợ: Mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ cho 01 dự án, tổng mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất không quá 3 tỷ đồng/dự án.

- Phương thức thực hiện: Hỗ trợ sau khi dự án được giải ngân của ngân hàng và tổ chức tín dụng hợp pháp.

2.7. Đầu tư thực hiện một số dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC theo quyết định phê duyệt của tỉnh

- Ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng lập Quy hoạch chi tiết vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Ngân sách nhà nước đầu tư nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất nông, thủy sản ứng dụng công nghệ cao.

- Ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với mục tiêu: Nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, phân bón ứng dụng công nghệ cao; hoạt động dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC.

2.8. Ngoài các nội dung hỗ trợ nêu trên, các đối tượng thụ hưởng chính sách đầu tư sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hưởng các chính sách khác của Trung ương và của tỉnh Thái Nguyên theo quy định nhưng không trùng lặp về nội dung hỗ trợ. Trường hợp cùng một nội dung hỗ trợ thì đối tượng thụ hưởng chính sách được lựa chọn mức hỗ trợ cao nhất và có lợi nhất.

3. Kinh phí thực hiện: 534.160 triệu đồng (không tính Khu nông nghiệp công nghệ cao). Trong đó: Ngân sách nhà nước: 256.860 triệu đồng.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết, định kỳ hằng năm báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.

Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 18 tháng 5 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 15  tháng 7 năm 2017./.

 

 

CHỦ TỊCH




Bùi Xuân Hòa

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 05/2017/NQ-HĐND thông qua Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020

  • Số hiệu: 05/2017/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 18/05/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên
  • Người ký: Bùi Xuân Hòa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/07/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản