Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/2002/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 28 tháng 3 năm 2002 |
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước ngày 28 tháng 12 năm 2000;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,
NGHỊ ĐỊNH:
LẬP, QUYẾT ĐỊNH VÀ CÔNG BỐ DANH MỤC BÍ MẬT NHÀ NƯỚC
Điều 1. Người có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao,Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; người đứng đầu các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội ở cấp Trung ương chịu trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước ở cơ quan, tổ chức của mình. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước của địa phương mình trên cơ sở đề xuất của các Ban, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp dưới trực tiếp.
Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương.
Điều 2. Người được ủy quyền lập danh mục bí mật nhà nước
Người được ủy quyền nêu trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng và Trưởng các Ban của Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.
Điều 3. Lập danh mục bí mật nhà nước
Căn cứ vào phạm vi bí mật nhà nước quy định tại các Điều 5, 6, 7 Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước, người chịu trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước hoặc người được ủy quyền có nhiệm vụ:
1. Lập danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Tuyệt mật và Tối mật trình Thủ tướng Chính phủ sau khi Bộ Công an đã thẩm định.
2. Lập danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Mật gửi Bộ trưởng Bộ Công an.
3. Vào qúy I hàng năm, xem xét, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, giải mật danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Tuyệt mật, Tối mật, Mật gửi cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Điều 4. Thẩm định và quyết định danh mục bí mật nhà nước
1. Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Tuyệt mật và Tối mật của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương.
2. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Mật sau khi thống nhất với người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương; thẩm định danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều 5. Công bố danh mục bí mật nhà nước
1. Việc công bố danh mục bí mật nhà nước của từng cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương phải căn cứ vào tính chất, mức độ bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương có thể hiện nội dung bí mật ở danh mục để quyết định.
2. Khi trình danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Tuyệt mật và Tối mật lên Thủ tướng Chính phủ hoặc gửi danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Mật đến Bộ trưởng Bộ Công an thì cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương phải đề xuất việc công bố, không công bố danh mục bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương mình. Bộ Công an đề xuất việc công bố hay không công bố danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật của cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương lên Thủ tướng Chính phủ.
3. Cấp có thẩm quyền quyết định danh mục bí mật nhà nước sẽ quyết định việc công bố hay không công bố danh mục bí mật nhà nước của từng cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương.
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC VÀ CÔNG DÂN VỀ BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC
Điều 6. Quy định độ mật đối với từng loại tài liệu, vật mang bí mật nhà nước
Căn cứ vào danh mục bí mật nhà nước đã được cấp có thẩm quyền quyết định, người đứng đầu hoặc được ủy quyền của cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương phải có văn bản quy định cụ thể độ mật (Tuyệt mật, Tối mật, Mật) của từng loại tài liệu, vật mang bí mật nhà nước thuộc cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương mình quản lý.
Điều 7. Xác định và đóng dấu độ mật đối với từng tài liệu, vật mang bí mật nhà nước
1. Tài liệu, vật mang bí mật nhà nước tùy theo mức độ mật phải đóng dấu độ mật: Tuyệt mật, Tối mật hoặc Mật.
2. Khi soạn thảo văn bản có nội dung bí mật nhà nước, người soạn thảo văn bản phải đề xuất mức độ mật từng tài liệu, người duyệt ký văn bản chịu trách nhiệm quyết định đóng dấu độ mật và phạm vi lưu hành tài liệu.
3. Đối với vật mang bí mật nhà nước phải có văn bản ghi rõ tên của vật lưu kèm theo và đóng dấu độ mật vào văn bản này.
4. Bộ Công an quy định mẫu con dấu các độ mật.
Điều 8. In, sao, chụp tài liệu, vật mang bí mật nhà nước
1. Việc in, sao, chụp tài liệu, vật mang bí mật nhà nước phải thực hiện theo các quy định sau đây:
a) Phải tiến hành ở nơi đảm bảo bí mật, an toàn và do lãnh đạo của cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương trực tiếp quản lý tài liệu, vật mang bí mật nhà nước đó quy định.
b) Người có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước quy định tại Điều 1 hoặc người được ủy quyền quyết định việc in, sao, chụp tài liệu, vật mang bí mật nhà nước và ghi cụ thể số lượng được in, sao, chụp. Tài liệu vật in, sao, chụp phải được bảo mật như tài liệu vật gốc. Chỉ in, sao, chụp đúng số bản đã được quy định. Sau khi in, sao, chụp xong phải kiểm tra lại và hủy ngay bản dư thừa và những bản in, sao, chụp hỏng.
c) Đánh máy, in, sao, chụp tài liệu mật xong phải đóng dấu độ mật, dấu thu hồi (nếu cần), đánh số trang, số bản, số lượng in, phạm vi lưu hành, nơi nhận, tên người đánh máy, in, soát, sao, chụp tài liệu.
d) Không sử dụng máy tính đã nối mạng Internet đánh máy, in, sao tài liệu mật.
2. Bí mật nhà nước sao, chụp ở dạng băng, đĩa phải được niêm phong và đóng dấu độ mật ghi rõ tên người sao, chụp ở bì niêm phong.
Điều 9. Phổ biến, nghiên cứu tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước
Phổ biến, nghiên cứu tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải thực hiện theo nguyên tắc sau:
1. Đúng đối tượng, phạm vi cần được phổ biến hoặc nghiên cứu.
2. Tổ chức ở nơi bảo đảm bí mật, an toàn.
3. Chỉ được ghi chép, ghi âm, ghi hình khi được phép của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý bí mật đó. Các băng ghi âm, ghi hình phải quản lý, bảo vệ như tài liệu gốc.
Điều 10. Vận chuyển, giao nhận tài liệu, vật mang bí mật nhà nước
Tài liệu, vật mang bí mật nhà nước khi vận chuyển, giao nhận phải thực hiện theo quy định sau:
1. Vận chuyển, giao nhận tài liệu, vật mang bí mật nhà nước ở trong nước do cán bộ làm công tác bảo mật, hoặc cán bộ giao liên riêng của cơ quan, tổ chức thực hiện. Nếu vận chuyển, giao nhận theo đường bưu điện phải thực hiện theo quy định riêng của ngành bưu điện.
2. Vận chuyển, giao nhận tài liệu, vật mang bí mật nhà nước giữa các cơ quan, tổ chức trong nước với các cơ quan, tổ chức của Nhà nước Việt Nam ở nước ngoài do lực lượng giao liên ngoại giao thực hiện.
3. Mọi trường hợp vận chuyển, giao nhận tài liệu, vật mang bí mật nhà nước thông qua các đơn vị giao liên phải thực hiện theo nguyên tắc giữ kín, niêm phong.
4. Khi vận chuyển tài liệu, vật mang bí mật nhà nước phải có đủ phương tiện bảo quản và lực lượng bảo vệ để đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển.
5. Nơi gửi và nơi nhận phải tổ chức kiểm tra, đối chiếu nhằm phát hiện những sai sót, mất mát để xử lý kịp thời; việc giao nhận phải được ghi đầy đủ vào sổ theo dõi riêng, người nhận phải ký nhận.
6. Cán bộ đi công tác chỉ được mang những tài liệu, vật thuộc phạm vi bí mật nhà nước có liên quan đến nhiệm vụ được giao; phải được lãnh đạo trực tiếp duyệt và đăng ký với bộ phận bảo mật; phải có kế hoạch bảo vệ tài liệu, vật mang bí mật nhà nước trong thời gian mang đi công tác; khi hoàn thành nhiệm vụ phải cùng bộ phận bảo mật kiểm tra và nộp lại cơ quan.
Điều 11. Thống kê, lưu giữ, bảo quản tài liệu, vật mang bí mật nhà nước
1. Các cơ quan, tổ chức, địa phương lưu giữ bí mật nhà nước phải thống kê tài liệu, vật thuộc phạm vi bí mật nhà nước của mình theo trình tự thời gian và từng độ mật.
2. Tài liệu, vật thuộc phạm vi bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật, phải được lưu giữ riêng, có phương tiện bảo quản, bảo vệ bảo đảm an toàn. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý bí mật nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo việc thống kê, cất giữ, bảo quản bí mật nhà nước trong phạm vi quyền hạn của mình.
Điều 12. Đăng ký các phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước
1. Cơ quan, tổ chức, công dân có các phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.
Việc đăng ký các phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban Cơ yếu Chính phủ có quy định riêng.
2. Cơ quan quản lý khoa học và công nghệ nhà nước có trách nhiệm lưu giữ bảo quản các phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích đó theo các quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ bí mật nhà nước.
Điều 13. Khu vực, địa điểm thuộc phạm vi bí mật nhà nước
Những khu vực, địa điểm được xác định thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải đánh số, đặt bí số, bí danh, ký hiệu mật hoặc cắm biển cấm và thực hiện đầy đủ chế độ quản lý, bảo mật theo quy định của Nghị định này.
Điều 14. Bảo vệ các khu vực, địa điểm cấm, nơi cất giữ, nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước
Các khu vực, địa điểm cấm, nơi cất giữ bí mật nhà nước, nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước (bao gồm nơi in ấn, sao chụp; nơi hội họp, phổ biến bí mật nhà nước; kho cất giữ sản phẩm mật mã, nơi dịch mã, chuyển nhận những thông tin mật; nơi nghiên cứu, thử nghiệm các công trình khoa học có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước) phải đảm bảo an toàn, có nội quy bảo vệ. Người không có phận sự không được tiếp cận. Cán bộ đến công tác phải có giấy giới thiệu kèm chứng minh nhân dân và được bố trí tiếp, làm việc ở phòng dành riêng. Tùy tính chất và yêu cầu bảo vệ của từng nơi mà tổ chức lực lượng bảo vệ chuyên trách hoặc bán chuyên trách; tổ chức tuần tra, canh gác, kiểm soát người ra vào chặt chẽ, bố trí phương tiện kỹ thuật bảo vệ.
Điều 15. Bảo vệ bí mật mật mã quốc gia
1. Mật mã quốc gia là bí mật nhà nước thuộc độ Tuyệt mật.
2. Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cơ yếu; việc nghiên cứu, sản xuất, cung cấp, quản lý, sử dụng mật mã thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh Cơ yếu.
3. Nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức và cá nhân tự nghiên cứu, sản xuất, sử dụng mật mã để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.
Điều 16. Bảo vệ bí mật nhà nước khi truyền đi bằng phương tiện thông tin liên lạc
Nội dung bí mật nhà nước nếu truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính thì phải được mã hoá theo quy định của pháp luật về cơ yếu.
Điều 17. Bảo vệ bí mật nhà nước trong hoạt động xuất bản, báo chí và thông tin đại chúng khác
1. Cơ quan, tổ chức và cá nhân không được cung cấp tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước cho cơ quan báo chí.
2. Người đứng đầu cơ quan xuất bản, báo chí và nhà báo phải chấp hành quy định về bảo vệ bí mật nhà nước theo Luật Báo chí và các văn bản pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Điều 18.Cung cấp tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, công dân ViệtNam
1. Người được giao nhiệm vụ tìm hiểu, thu thập tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải có giấy chứng minh nhân dân kèm theo giấy giới thiệu của cơ quan ghi rõ nội dung, yêu cầu tìm hiểu, thu thập và phải được cấp có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức lưu giữ bí mật đồng ý.
2. Các cơ quan, tổ chức lưu giữ bí mật nhà nước khi cung cấp tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam phải được cấp có thẩm quyền duyệt theo quy định sau:
a) Bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật do người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương duyệt.
b) Bí mật nhà nước độ Mật do cấp Cục trưởng (hoặc tương đương) ở các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và Giám đốc sở (hoặc tương đương) ở địa phương duyệt.
Điều 19. Bảo vệ bí mật nhà nước trong quan hệ tiếp xúc với tổ chức, cá nhân nước ngoài
1. Cơ quan, tổ chức công dân Việt Nam quan hệ tiếp xúc với tổ chức, cá nhân nước ngoài không được tiết lộ bí mật nhà nước.
2. Khi tiến hành chương trình hợp tác quốc tế hoặc thi hành công vụ nếu có yêu cầu phải cung cấp những tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải tuân thủ theo nguyên tắc:
a) Bảo vệ lợi ích quốc gia.
b) Chỉ cung cấp những tin được các cấp có thẩm quyền duyệt theo quy định sau:
Bí mật nhà nước thuộc độ Tuyệt mật do Thủ tướng Chính phủ duyệt;
Bí mật nhà nước thuộc độ Tối mật do Bộ trưởng Bộ Công an duyệt, riêng trong lĩnh vực quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng duyệt;
Bí mật nhà nước thuộc độ Mật do người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương duyệt.
c) Yêu cầu bên nhận tin sử dụng đúng mục đích thoả thuận và không được tiết lộ cho bên thứ ba.
Điều 20. Mang tài liệu, vật thuộc phạm vi bí mật nhà nước ra nước ngoài
Công dân Việt Nam mang tài liệu, vật thuộc phạm vi bí mật nhà nước ra nước ngoài phục vụ công tác, nghiên cứu khoa học phải xin phép và được sự đồng ý của người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương. Trong thời gian ở nước ngoài phải có biện pháp quản lý, bảo vệ bí mật tài liệu, vật mang theo. Nếu cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải thực hiện theo quy định tại
Điều 21. Tiêu hủy tài liệu, vật mang bí mật nhà nước
1. Việc tiêu hủy tài liệu, vật mang bí mật nhà nước thuộc độ Tuyệt mật, Tối mật và Mật ở các cơ quan, tổ chức ở Trung ương do cấp Cục trưởng (hoặc tương đương) quyết định, ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Giám đốc Sở (hoặc tương đương) quyết định (đối với mật mã thực hiện theo quy định của Ban Cơ yếu Chính phủ).
2. Trong quá trình tiêu hủy tài liệu, vật mang bí mật nhà nước phải bảo đảm yêu cầu không để lộ, lọt bí mật nhà nước. Tiêu hủy vật thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải làm thay đổi hình dạng và tính năng, tác dụng. Tiêu hủy tài liệu phải đốt, xén, nghiền nhỏ đảm bảo không thể phục hồi được.
3. Trong trường hợp đặc biệt không có điều kiện tổ chức tiêu hủy tài liệu, vật mang bí mật nhà nước theo các quy định trên, nếu tài liệu, vật mang bí mật nhà nước không được tiêu hủy ngay sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho an ninh, quốc phòng hoặc các lợi ích khác của Nhà nước thì người đang quản lý tài liệu, vật mang bí mật nhà nước đó được quyền tự tiêu hủy nhưng ngay sau đó phải báo cáo bằng văn bản với người đứng đầu cơ quan, tổ chức và cơ quan công an cùng cấp. Nếu việc tự tiêu hủy tài liệu, vật mang bí mật nhà nước không có lý do chính đáng thì người tự tiêu hủy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Điều 22. Cam kết bảo vệ bí mật nhà nước và tiêu chuẩn cán bộ làm công tác liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước
1. Cán bộ làm công tác liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước (người làm công tác cơ yếu, giao liên, người được giao nhiệm vụ bảo quản, lưu giữ bí mật nhà nước) phải có phẩm chất tốt, có tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức cảnh giác giữ gìn bí mật nhà nước; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao và phải cam kết bảo vệ bí mật nhà nước bằng văn bản; văn bản cam kết nộp cho bộ phận bảo mật của cơ quan, tổ chức lưu giữ.
2. Những người được giao nhiệm vụ tiếp xúc với bí mật nhà nước dưới mọi hình thức phải thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Điều 23. Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Việc xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ bí mật nhà nước do người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương quyết định và sử dụng kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Điều 24. Thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước
1. Thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước được tiến hành định kỳ hoặc đột xuất đối với từng vụ, việc hoặc đối với từng cá nhân, từng khâu công tác, từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước.
2. Bộ Công an có nhiệm vụ tổ chức thực hiện thanh tra nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước đối với các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương thực hiện việc kiểm tra trong lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước định kỳ hoặc đột xuất đối với từng đơn vị trong phạm vi quản lý của mình. Việc kiểm tra định kỳ phải được tiến hành ít nhất hai năm một lần.
4. Thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước phải đánh giá đúng những ưu điểm, khuyết điểm; phát hiện những thiếu sót, sơ hở và kiến nghị các biện pháp khắc phục. Sau mỗi lần thanh tra, kiểm tra phải báo cáo cơ quan chủ quản cấp trên, đồng gửi cơ quan công an cùng cấp để theo dõi.
Điều 25. Chế độ báo cáo và sơ kết, tổng kết về công tác bảo vệ bí mật nhà nước
1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương phải thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong phạm vi quản lý của mình:
a) Báo cáo những vụ việc lộ, mất bí mật nhà nước xảy ra hoặc các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, gây phương hại đến an ninh quốc gia hoặc lợi ích của nhà nước.
b) Báo cáo toàn diện về công tác bảo vệ bí mật nhà nước định kỳ mỗi năm một lần.
2. Chế độ báo cáo quy định như sau:
a) Báo cáo của cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương gửi cấp trên trực tiếp, đồng gửi Uỷ ban nhân dân và cơ quan công an cùng cấp.
b) Báo cáo của cơ quan, tổ chức ở Trung ương và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Công an.
3. Các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức sơ kết công tác bảo vệ bí mật nhà nước mỗi năm một lần, 5 năm tổng kết một lần. Báo cáo sơ kết, báo cáo tổng kết gửi Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Công an.
4. Bộ Công an có trách nhiệm giúp Chính phủ sơ kết công tác bảo vệ bí mật nhà nước một năm một lần; tổng kết công tác bảo vệ bí mật nhà nước 5 năm một lần trong cả nước.
Điều 26. Xây dựng quy chế bảo vệ bí mật nhà nước
Người chịu trách nhiệm hoặc người được ủy quyền lập danh mục bí mật nhà nước phải xây dựng Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước và tổ chức thực hiện ở cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương mình.
Điều 27. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Bộ Quốc phòng có trách nhiệm thực hiện các quy định của Nghị định này và tổ chức triển khai thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước; tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước ở các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình.
Cơ quan, tổ chức và công dân có một trong những thành tích sau đây sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật:
1. Phát hiện, tố giác kịp thời hành vi thu thập, làm lộ, làm mất, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy trái phép bí mật nhà nước.
2. Khắc phục mọi khó khăn, nguy hiểm bảo vệ an toàn bí mật nhà nước.
3. Tìm được tài liệu, vật thuộc bí mật nhà nước bị mất; ngăn chặn hoặc hạn chế được hậu quả do việc làm lộ, làm mất, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy trái phép bí mật nhà nước do người khác gây ra.
4. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước theo chức trách được giao.
Mọi vi phạm chế độ bảo vệ bí mật nhà nước phải được điều tra làm rõ. Người có hành vi vi phạm, tùy theo tính chất, hậu quả tác hại gây ra sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 30. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Nghị định số 84/HĐBT ngày 09 tháng 3 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước.
Các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 31. Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Nghị định này.
Điều 32. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
- 1Quyết định 18/2004/QĐ-TTg về danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 236/2003/QĐ-TTg về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của ngành Ngoại giao do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 664/2004/QĐ-UBTDTT ban hành “ Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước ngành thể dục thể thao” Bộ trưởng, Chủ nhiệm do Ủy ban Thể dục Thể thao ban hành
- 4Quyết định 801/2006/QĐ-BCA(A11) về danh mục bí mật nhà nước độ mật của Viện khoa học và xã hội việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành
- 5Quyết định 15/1999/QĐ-CDTQG về Quy chế Bảo vệ bí mật Nhà nước trong ngành Dự trữ quốc gia do Cục trưởng Cục dự trữ quốc gia ban hành
- 6Nghị định 84- HĐBT năm 1992 ban hành "Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước" do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 7Công văn về việc thực hiện Chỉ thị 267/TTg về tăng cường trách nhiệm thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước
- 8Quyết định 03/2000/QĐ-VPCP về Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước thuộc Văn phòng Chính phủ quản lý do Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ban hành
- 9Thông tư 36/2002/TT-BVHTT hướng dẫn Nghị định 88/2002/NĐ-Cp về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hoá phẩm không nhằm mục đích kinh doanh do Bộ Văn hoá- Thông tin ban hành
- 10Nghị định 26/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ bí mật nhà nước
- 1Quyết định 18/2004/QĐ-TTg về danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 236/2003/QĐ-TTg về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của ngành Ngoại giao do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 664/2004/QĐ-UBTDTT ban hành “ Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước ngành thể dục thể thao” Bộ trưởng, Chủ nhiệm do Ủy ban Thể dục Thể thao ban hành
- 4Quyết định 801/2006/QĐ-BCA(A11) về danh mục bí mật nhà nước độ mật của Viện khoa học và xã hội việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành
- 5Quyết định 15/1999/QĐ-CDTQG về Quy chế Bảo vệ bí mật Nhà nước trong ngành Dự trữ quốc gia do Cục trưởng Cục dự trữ quốc gia ban hành
- 6Luật Báo chí 1989
- 7Luật ngân sách Nhà nước 1996
- 8Công văn về việc thực hiện Chỉ thị 267/TTg về tăng cường trách nhiệm thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước
- 9Quyết định 03/2000/QĐ-VPCP về Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước thuộc Văn phòng Chính phủ quản lý do Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ban hành
- 10Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2000
- 11Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 12Thông tư 12/2002/TT-BCA(A11) hướng dẫn Nghị định 33/2002/NĐ-CP thi hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước do Bộ Công an ban hành
- 13Thông tư 36/2002/TT-BVHTT hướng dẫn Nghị định 88/2002/NĐ-Cp về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hoá phẩm không nhằm mục đích kinh doanh do Bộ Văn hoá- Thông tin ban hành
- 14Thông tư 33/2015/TT-BCA hướng dẫn thực hiện Nghị định 33/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành
Nghị định 33/2002/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước
- Số hiệu: 33/2002/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày ban hành: 28/03/2002
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 22
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra