Hệ thống pháp luật

BAN THỂ DỤC THỂ THAO
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 664/2004/QĐ-UBTDTT

Hà Nội, ngày 11 tháng 05 năm 2004 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO VỀ VIỆC BAN HÀNH “ QUY CHẾ BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC NGÀNH THỂ DỤC THỂ THAO”

 BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO

Căn cứ Pháp lệnh số 30/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28/12/2000 của Uỷ ban Thường vụ quôc hội về bảo vệ bí mật nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 22/2003/NĐ-CP ngày 11/3/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Thể dục thể thao;
Căn cứ Quyết định số 146/2004/QĐ-BCA (A11) ngày 17/2/2004 của Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ mật trong ngành thể dục thể thao;
Theo đề nghị của Vụ trưởng các Vụ:Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này “Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của ngành Thể dục thể thao”.

Điều 2. Quyết định này thay thế quyết định số 381/QĐ/TCĐT ngày 4/7/1995 của tổng cục Thể dục Thể thao về Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước ngành thể dục thể thao và có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.

Điều 3. Chánh văn phòng, thủ trưởng các vụ, đơn vị trực thuộc Uỷ ban Thể dục thể thao; giám đốc các Sở Thể dục thể thao, Sở Văn hoá thông tin – thể thao, các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Như Điều 3;
- Lưu VT,TC.

BỘ TRƯỞNG - CHỦ NHIỆM UỶ BAN TDTT




Nguyễn Danh Thái

QUY CHẾ

BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC NGÀNH THỂ DỤC THỂ THAO
(Ban hành kèm theo Quyết định 664/2004/QĐ- UBTDTT ngày 11 tháng 5 năm 2004 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao)

Chương 1 :

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng:

Quy chế này áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân thuộc Uỷ ban Thể dục thể thao, các Liên đoàn, Hiệp hội thể thaoq uốc gai, các Sở Thể dục thể thao, Sở Văn hoá thông tin – thể thao tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 2: Phạm vi áp dụng:

Phạm vi bí mật nhà nước ngành Thể dục thể thao thuộc độ “ Mật” bao gồm:

1. Phương pháp và bí quyết tuyển chọn huấn luyện viên, vận động viên các môn thể thao thành tích cao chưa công bố.

2. Các biện pháp và bí quyết hồi phục sức khoẻ cho vận động viên sau tập luyện, thi đấu.

3. Kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học về Thể dục thể thao, số liệu nghiên cứu về tình trạng thể lực của lực lượng vũ trang, các vùng, các tầng lớp nhân dân chưa công bố.

4. Kế hoạch hợp tác của ngành thể dục thể thao với nước ngoài chưa công bố.

5. Phương án bảo vệ các cuộc thi đấu Thể dục thể thao lớn của quốc gia, quốc tế tổ chức tại Việt nam; phương án bảo vệ đoàn thể thao Việt nam tham gia thi đấu ở nước ngoài chưa công bố.

6. Hồ sơ liên quan tới công tác đấu thầu, các hợp đồng thuộc lĩnh vực thể thao chưa công bố.

7. Hồ sơ tài liệu về thanh tra, kiểm tra; kết quả thanh tra, kiểm tra trong ngành Thể dục thể thao chưa được công bố.

8. Hồ sơ cán bộ lãnh đạo từ cấp vụ và tương đương trở lên của ngành Thể dục thể thao;

9. Tài liệu về thiết kế mạng máy tính, cơ sở dữ liệu nội bộ ngành Thể dục thể thao; khoá mã, mật khẩu, quy ước về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin của ngành thể dục thể thao.

Điều 3: Bảo vệ bí mật Nhà nước là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, đơn vị, của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thể dục thể thao. Mỗi tổ chức và cá nhân phải nêu cao cảnh giác với mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ địch, bảo vệ an toàn bí mật nhà nước, bí mật của ngành thể dục thể thao, không được tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật của ngành gây nguy hại cho an ninh quốc gia, cho sự nghiệp phát triển thể dục thể thao của đất nước. 

Chương 2:

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4: Đăng ký danh mục bí mật Nhà nước ngành Thể dục thể thao.

Toàn bộ danh mục bí mật nhà nước ngành thể dục thể thao quy định tại điều 2 của Quy chế này phải được đăng ký theo dõi và bảo vệ an toàn theo Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước.

Điều 5: Việc soạn thảo, in ấn, sao chụp tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước ngành thể dục thể thao:

1. Phải thực hiện ở nơi bảo đảm an toàn, do người đứng đầu cơ quan quy định.

2. Người thực hiện việc soạn thảo, in ấn, sao chụp phải được thủ trưởng cơ quan, đơn vị phân công.

3. Chỉ được in, sao chụp đúng số bản quy định. Văn bản soạn thảo xong phải kiểm tra lại và huỷ bản thảo (nếu không cần lưu).

4. Chỉ được soạn thảo văn bản ở máy vi tính chưa kết nối mạng; nếu phải soạn thảo ở máy đã kết nối mạng thì phải có khoá mã, mật khẩu, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.

5. Tài liệu đánh máy, in, sao chụp phải được đánh dấu độ “Mật”, dấu thu hồi (nếu cần), số trang, số bản, phạm vi lưu hành theo đúng quy định của Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước.

Điều 6: Việc bảo quản, phổ biến, sử dụng bí mật Nhà nước ngành Thể dục thể thao:

1. Bí mật Nhà nước ngành Thể dục thể thao phải được bảo quản ở những nơi an toàn, có thể đánh số hoặc ký hiệu do người đứng đầu cơ quan quyết định.

2. Không nối mạng truyền tải các tài liệu bí mật Nhà nước ngành Thể dục thể thao.

3. Việc phổ biến, sử dụng bí mật nhà nước ngành Thể dục thể thao do thủ trưởng cơ quan quy định cho từng đối tượng cụ thể.

4. Chỉ được ghi chép, ghi âm, sao chụp tài liệu khi người đứng đầu cơ quan quản lý bí mật đó đồng ý.

5. Cán bộ đi công tác chỉ được mang những tài liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao và phải được thủ trưởng cơ quan cho phép sử dụng. Người sử dụng phải đăng ký với bộ phận bảo mật để có kế hoạch bảo vệ an toàn bí mật khi giao nhận và vận chuyển. Khi hoàn thành nhiệm vụ phải nộp lại tài liệu đó cho cơ quan bảo mật.

Điều 7: Trao đổi thông tin liên quan đến bí mật nhà nước ngành Thể dục thể thao:

1. Khi làm việc, giao tiếp với tổ chức và cá nhân trong nước hay nước ngoài mà nội dung có liên quan đến bí mật Nhà nước ngành Thể dục thể thao thì được chỉ được thông tin những nội dung đã được thủ trưởng cơ quan cho phép và phải ghi biên bản báo cáo lại người đã duyệt và lưu ở bộ phận bảo mật.

2. Các thông tin trao đổi khi làm việc phải đảm bảo nguyên tắc giữ gìn bí mật, không tổn hại đến lợi ích quốc gia.

Điều 8: Chế độ báo cáo, kiểm tra tài liệu mật:

1. Mỗi năm một lần, các đơn vị phải sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm công tác bảo vệ bí mật nhà nước ngành thể dục thể thao và báo cáo về Uỷ ban Thể dục thể thao. Trường hợp đặc biệt, Uỷ ban Thể dục thể thao sẽ yêu cầu báo cáo đột xuất hay từng phần công tác bảo vệ bí mật Nhà nước mà các đơn vị đang quản lý, sử dụng.

2. Định kỳ hay đột xuất, Uỷ ban Thể dục thể thao tổ chức kiểm tra toàn diện hay từng phần công tác bảo vệ bí mật Nhà nước của đơn vị trực thuộc.

Điều 9: Việc thanh lý, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước ngành Thể dục thể thao:

1. Việc thanh lý hoặc tiêu huỷ tài liệu mật của ngành do Bộ trưởng Uỷ ban Thể dục thể thao quyết định theo quy định của Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước.

2. Mọi trường hợp thanh lý, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước ngành thể dục thể thao phải do một hội đồng thực hiện. Hội đồng do Uỷ ban Thể dục thể thao thành lập, bao gồm thủ trưởng đơn vị, cán bộ bảo mật và người trực tiếp quản lý bí mật đó. Hội đồng phải lập biên bản về việc thanh lý, tiêu huỷ tài liệu bí mật Nhà nước ngành Thể dục thể thao và gửi về Uỷ ban Thể dục thể thao.

Điều 10: Trách nhiệm của Thủ trưởng, cơ quan, đơn vị:

1. Lập danh mục bí mật ngành thể dục thể thao do cơ quan, đơn vị đang quản lý trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao phê duyệt.

2. Đăng ký với bộ phận bảo mật của Uỷ ban Thể dục thể thao về những danh mục nói trên. Hàng năm, cần bổ sung danh mục bí mật nhà nước ngành thể dục thể thao do cơ quan, đơn vị mình phụ trách.

3. Thường xuyên kiểm tra công tác bảo mật. Nếu tài liệumậtnào xét thấy không cần thiết phải lưu hoặc giưa bí mật thì báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao xin huỷ hoặc giải mật theo quy định.

4. Coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộviên chức, nêu cao cảnh, chống mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ địch. Kiên quyết bảo vệ an toàn bí mật Nhà nước ngành thể dục thể thao

5. Chỉ đạo cán bộ bảo mật phối hợp với các chuyên gia tin học lập các khẩu mã, mật khẩu, quy ước về đảm bảo an ninh, an toàn khi soạn thảo tài liệu mật.

Điều 11: Trách nhiệm của cán bộ bảo mật:

1. Bộ phận bảo mật của Uỷ ban Thể dục thể thao phải theo dõi, giám sát việc thực hiện quy chế này. Hàng năm phải xây dựng kế hoạch bảo vệ bí mật nhà nước ngành thể dục thể thao trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao phê duyệt. Định kỳ hay đột xuất theo yêu cầu của lãnh đạo Uỷ ban, báo cáo công tác bảo mật cho Bộ trưởng. Đồng thời triển khai những Chỉ thị về công tác bảo mật với các cơ quan, đơn vị.

2. Bộ phận bảo mật ở từng cơ quan, đơn vị, giúp thủ trưởng đơn vị triển khai thực hiện công tác bảo mật tại mỗi cơ quan đơn vị.

Chương 3:

KHEN THƯỞNG XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 12: Khen thưởng:

Tổ chức và cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ bí mật nhà nước ngành thể dục thể thao theo quy định trong Quy chế này sẽ đựoc khen thưởng theo quy định.

Điều 13: Xử lý vi phạm:

Người làm lộ, chiếm đoạt bí mật nhà nước, bí mật của ngành thể dục thể thao, lạm dụng việc bảo vệ bí mật nhà nước ngành thể dục thể thao để che dấu hành vi vi phạm pháp luật hoặc cản trở việc phát triển sự nghiệp thể dục thể thao, hoặc vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước ngành thể dục thể thao thì tuỳ mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo luật định./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 664/2004/QĐ-UBTDTT ban hành “ Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước ngành thể dục thể thao” Bộ trưởng, Chủ nhiệm do Ủy ban Thể dục Thể thao ban hành

  • Số hiệu: 664/2004/QĐ-UBTDTT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/05/2004
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Thể dục Thể thao
  • Người ký: Nguyễn Danh Thái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 18
  • Ngày hiệu lực: 10/06/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 15/02/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản