Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 84-HĐBT

Hà Nội, ngày 09 tháng 3 năm 1992

NGHỊ ĐỊNH

CUẢ HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 84-HĐBT NGÀY 9-3-1992BAN HÀNH "QUY CHẾ BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC"

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ vào khoản 2 Điều 11 Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước ngày 28 tháng 10 năm 1991;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Nay ban hành kèm theo Nghị định này "Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước";

Điều 2. - Nghị định này thay thế Nghị định số 69/CP ngày 14 tháng 6 năm 1962 của Hội đồng Chính phủ và có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ.

Điều 3. - Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Nghị định này.

Điều 4. - Người đứng đầu cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang, đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và mọi công dân chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

QUY CHẾ

BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Nghị định số 84-HĐBT ngày 9 tháng 3 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng)

Điều 1. - Lập danh mục bí mật Nhà nước.

Căn cứ vào phạm vi bí mật Nhà nước quy định tại các Điều 6, 7, 8 Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước ngày 28 tháng 10 năm 1991, trong chức năng công tác, quản lý của mình. Người đứng đầu cơ quan Nhà nước cấp trung ương, Uỷ ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Hội nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

- Lập danh mục bí mật Nhà nước xác định độ "Tuyệt mật" và "Tối mật" trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định, và quyết định danh mục bí mật Nhà nước độ "Mật" trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt.

- Vào quý I hàng năm, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung danh mục bí mật Nhà nước độ "Tuyệt mật", "Tối mật", và quyết định việc sửa đổi, bổ sung danh mục bí mật Nhà nước độ "Mật" của cơ quan, đoàn thể, địa phương mình, trình lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

- Trong quá trình hoạt động nếu phát sinh bí mật Nhà nước ngoài danh mục đã lập, hoặc có thay đổi độ mật và giải mật phải báo cáo ngay lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Tất cả các danh mục, báo cáo, đề xuất về bí mật Nhà nước của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, địa phương quy định tại điều này, khi trình lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đều phải đồng gửi Bộ Nội vụ.

Điều 2. - Đăng ký các phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích có nội dung thuộc phạm vi bí mật Nhà nước.

Cơ quan, tổ chức, công dân có các phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích có nội dung thuộc phạm vi bí mật Nhà nước phải đăng ký tại cơ quan quản lý khoa học và công nghệ Nhà nước.

Cơ quan quản lý khoa học và công nghệ Nhà nước có trách nhiệm xem xét, xác định độ mật trình lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng gửi Bộ Nội vụ, nếu có liên quan đến lĩnh vực quốc phòng phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng. Sau khi được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định hoặc phê duyệt, thì thông báo cho các Bộ, ngành có liên quan để thực hiện.

Điều 3. - Soạn thảo, in ấn, sao chụp tài liệu bí mật Nhà nước.

Việc soạn thảo, in ấn, sao chụp tài liệu bí mật Nhà nước phải theo đúng các quy định sau đây:

- Phải tổ chức thực hiện ở nơi bảo đảm an toàn, do người đứng đầu cơ quan quy định;

- Người thực hiện phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định đối với người làm công tác bảo vệ bí mật Nhà nước;

- Không được đánh máy, in sao chụp thừa số bản đã được quy định. Sau khi đánh máy, in, sao chụp xong phải kiểm tra lại và huỷ ngay bản thảo (nếu không cần lưu) và những bản đánh máy, in thử, hỏng, thừa, giấy than, giấy nến, bản in, có sự chứng kiến của cán bộ bảo mật.

- Tài liệu đánh máy, in, sao chụp ra phải đóng dấu độ mật, dấu thu hồi (nếu cần), đánh số trang, số bản, số lượng in ấn, phạm vi lưu hành, nơi nhận, tên người đánh máy, in, soát tài liệu.

Các dấu độ mật, thu hồi theo mẫu thống nhất do Bộ Nội vụ quy định;

- Việc sao chụp hoặc chuyển sang dạng mang tin khác phải được nơi ban hành tài liệu gốc đồng ý bằng văn bản ghi cụ thể số lượng được thực hiện đối với tài liệu "Tuyệt mật" "Tối mật"; phải do người đứng đầu cơ quan trực tiếp quản lý tài liệu mật đó quyết định đối với tài liệu độ "Mật".

Điều 4. - Địa điểm, phương tiện, vật thuộc phạm vi bí mật Nhà nước.

Đối với những địa điểm, phương tiện, vật được xác định thuộc phạm vi bí mật Nhà nước phải đánh số, đặt bí số, bí danh hoặc ký hiệu mật và tổ chức thực hiện đầy đủ chế độ quản lý, bảo vệ theo quy định của Quy chế này.

Điều 5. - Phổ biến, lưu hành, tìm hiểu, sử dụng bí mật Nhà nước.

Việc phổ biến, lưu hành, tìm hiểu, sử dụng bí mật Nhà nước được thực hiện theo nguyên tắc:

- Đúng phạm vi đối tượng quy định;

- Tổ chức ở nơi bảo đảm an toàn, do người đứng đầu cơ quan quy định;

- Chỉ được ghi chép, ghi âm, ghi hình, quay phim khi được phép của người đứng đầu cơ quan trực tiếp quản lý bí mật đó, phải ghi vào sổ công tác mật, ghi theo đúng hướng dẫn của người phổ biến - sổ công tác mật do bộ phận bảo mật của cơ quan cấp phát và quy định việc quản lý, sử dụng; các băng ghi âm, ghi hình, phim ảnh đã quay phải quản lý, bảo vệ như tài liệu gốc.

Người được giao nhiệm vụ phổ biến phải thực hiện đúng nội dung do tổ chức hoặc của người giao nhiệm vụ quy định;

Người được giao nhiệm vụ tìm hiểu những nội dung tin thuộc phạm vi bí mật Nhà nước phải có giấy chứng minh thư kèm giấy giới thiệu của cơ quan ghi rõ nội dung, yêu cầu tìm hiểu, và phải được người đứng đầu cơ quan trực tiếp quản lý bí mật đó đồng ý.

- Người được phổ biến, sử dụng bí mật Nhà nước phải triệt để tuân thủ các quy định về quản lý, bảo vệ bí mật Nhà nước.

Điều 6. - Vận chuyển, giao nhận bí mật Nhà nước.

Mọi bí mật Nhà nước khi vận chuyển, giao nhận phải bảo đảm an toàn tuyệt đối, theo quy định sau đây:

- Vận chuyển, giao nhận bí mật trong nước do cán bộ làm công tác bảo mật, lực lượng giao thông của các ngành hoặc lực lượng giao thông của các ngành giao thông thuộc tổ chức Bưu điện đặc biệt thực hiện;

- Vận chuyển, giao nhận giữa các cơ quan, tổ chức trong nước với các cơ quan, tổ chức của Nhà nước Việt Nam ở nước ngoài do lực lượng giao thông ngoại giao thực hiện;

- Mọi trường hợp qua các đơn vị giao thông vận chuyển, giao nhận phải thực hiện theo nguyên tắc gửi kín, niêm phong cẩn mật. (Việc xử lý trong khâu công tác văn thư hành chính thực hiện theo quy định của Bộ Nội vụ);

- Khi vận chuyển phải có đủ phương tiện và lực lượng bảo quản, bảo vệ an toàn;

- Nơi gửi và nơi nhận phải tổ chức kiểm tra, đối chiếu thường xuyên nhằm phát hiện những sai sót, mất mát để xử lý kịp thời;

- Cán bộ đi công tác chỉ được mang những tài liệu, vật thuộc phạm vi bí mật Nhà nước có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao, phải được người đứng đầu cơ quan duyệt và cấp giấy, đăng ký với bộ phận bảo mật, có kế hoạch bảo vệ trong thời gian mang đi và khi hoàn thành nhiệm vụ phải cùng với bộ phận bảo mật kiểm tra và nộp lại cơ quan.

Điều 7. - Thống kê, cất giữ bảo quản bí mật Nhà nước.

Từng cơ quan, đoàn thể, tổ chức phải thống kê bí mật Nhà nước của mình theo trình tự thời gian và từng độ mật, bao gồm những bí mật hiện có, mới phát sinh và được tiếp nhận.

Mọi bí mật Nhà nước phải được cất giữ bảo quản nghiêm ngặt.

Tài liệu, mẫu vật độ "Tuyệt mật", "Tối mật" tổ chức cất giữ riêng, có đủ điều kiện, phương tiện bảo quản, bảo vệ bảo đảm an toàn. Nơi cất giữ do người đứng đầu cơ quan, đoàn thể, tổ chức quyết định.

Điều 8. - Thanh lý, tiêu huỷ các bí mật Nhà nước.

Việc thanh lý hoặc tiêu huỷ các bí mật Nhà nước "Tuyệt mật", "Tối mật", "Mật" do người đứng đầu cơ quan cấp bộ, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định và báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (đối với tài liệu mật mã có quy định riêng).

Mọi trường hợp thanh lý hoặc tiêu huỷ các bí mật Nhà nước đều phải do hội đồng gồm người đứng đầu cơ quan, người trực tiếp quản lý các bí mật được thanh lý hoặc tiêu huỷ và cán bộ bảo mật thực hiện, Hội đồng thanh lý, tiêu huỷ các bí mật Nhà nước phải lập biên bản thống kê đầy đủ, nói rõ phương thức tiến hành, người thực hiện.

Trong quá trình thực hiện phải tuyệt đối bảo đảm yêu cầu không làm lộ, không để lọt ra ngoài các bí mật Nhà nước, nếu thanh lý phương tiện hoặc vật thì phải làm thay đổi hình dạng và tính năng tác dụng, nếu tiêu huỷ tài liệu thì phải đốt, xé, hoặc nghiền nhỏ tới mức không thể chắp lại được.

Biên bản thanh lý, tiêu huỷ lưu tại bộ phận bảo mật của cơ quan.

Trong trường hợp không có điều kiện tổ chức tiêu huỷ quy định nói trên, nếu không được tiêu huỷ ngay bí mật Nhà nước sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho an ninh, quốc phòng hoặc các lợi ích khác của đất nước, thì người nắm giữ bí mật đó được quyền tự tiêu huỷ, nhưng phải báo cáo bằng văn bản ngay sau khi tiêu huỷ với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cơ quan công an có trách nhiệm cùng cấp và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu việc tiêu huỷ không có lý do chính đáng.

Điều 9. - Bảo vệ khu vực cấm, nơi cất giữ, nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật Nhà nước.

Các khu vực cấm thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, nơi cất giữ bí mật Nhà nước, nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật Nhà nước (bao gồm nơi in ấn, sao chụp tài liệu; nơi hội họp, phổ biến các vấn đề bí mật; nơi dịch mã, chuyển nhận những thông tin mật; nơi nghiên cứu, thử nghiệm các công trình khoa học có nội dung thuộc phạm vi bí mật Nhà nước...) phải bảo đảm an toàn, có chế độ nội quy bảo vệ, người không có phận sự không được tiếp cận, cán bộ đến liên hệ công tác phải có giấy chứng minh thư kèm giấy giới thiệu, và được bố trí tiếp, làm việc ở phòng dành riêng. Tuỳ tính chất và yêu cầu bảo vệ của từng nơi mà tổ chức lực lượng chuyên trách hoặc bán chuyên trách bảo vệ, tổ chức tuần tra canh gác, kiểm soát ra vào chặt chẽ, bố trí phương tiện kỹ thuật bảo vệ.

Cán bộ công nhân viên làm việc ở những nơi này phải bảo đảm tin cậy về chính trị, do người đứng đầu cơ quan tuyển chọn.

Điều 10. - Bảo vệ bí mật mật mã quốc gia.

Mật mã là ngành cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia.

Ban Cơ yếu có chức năng tham mưu cho Hội đồng Bộ trưởng và quản lý Nhà nước về mọi mặt công tác của ngành Cơ yếu, có trách nhiệm nghiên cứu sản xuất, cung cấp mật mã và đào tạo cán bộ nhân viên làm công tác mật mã trong cả nước.

Ngoài Ban Cơ yếu ra, không một cơ quan, đoàn thể, tổ chức, công dân nào được nghiên cứu sản xuất mật mã; nếu có nhu cầu sử dụng mật mã phải đăng ký với Ban Cơ yếu và do Ban Cơ yếu cung cấp, quản lý và hướng dẫn sử dụng. (Việc quản lý, bảo vệ bí mật kỹ thuật nghiệp vụ mật mã và chế độ sử dụng điện mật có quy định riêng).

Điều 11. - Bảo vệ bí mật trong thông tin liên lạc.

Tin tức bí mật Nhà nước chuyển đi bằng phương tiện thông tin liên lạc vô tuyến, hữu tuyến, hoặc bằng bất cứ phương tiện kỹ thuật nào khác đều phải mã hoá theo quy định của Nhà nước về công tác cơ yếu.

Cơ quan, đoàn thể, tổ chức kinh tế, xã hội và công dân nếu sản xuất, mua bán, lắp đặt, sử dụng phương tiện phát sóng phải đăng ký và chịu sự quản lý của các ngành chức năng (Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện) theo quy định của Pháp luật.

Điều 12. - Bảo vệ bí mật trong quan hệ tiếp xúc với tổ chức nước ngoài, người nước ngoài.

Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam trong quan hệ tiếp xúc với tổ chức nước ngoài, người nước ngoài không được tiết lộ bí mật Nhà nước.

Trường hợp thi hành công vụ mà nội dung quan hệ tiếp xúc có liên quan đến bí mật Nhà nước, thì chỉ được thông tin những nội dung đã được người đứng đầu cơ quan duyệt, phải ghi biên bản nội dung tiếp xúc báo cáo với người đã duyệt và nộp lưu tại bộ phận bảo mật.

Điều 13. - Việc cung cấp những thông tin có liên quan đến bí mật Nhà nước cho tổ chức quốc tế, nước ngoài.

Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam trong việc thực hiện chương trình hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực, khi có yêu cầu phải cung cấp những thông tin có liên quan đến bí mật Nhà nước cho tổ chức quốc tế, nước ngoài, phải được xem xét, cân nhắc kỹ theo nguyên tắc:

- Bảo đảm lợi ích đất nước;

- Chỉ cung cấp những bí mật được các cấp có thẩm quyền xét duyệt như sau:

"Tuyệt mật" do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng duyệt; "Tối mật" do Bộ trưởng Bộ Nội vụ duyệt, (riêng thuộc lĩnh vực quốc phòng phải được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng duyệt); "Mật" do người đứng đầu cơ quan cấp bộ, ngành, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương duyệt.

Cơ quan, tổ chức, người thực hiện chỉ được cung cấp đúng nội dung đã được duyệt, cấm không được tiết lộ cho bên thứ ba.

Điều 14. - Thực hiện cam kết bảo vệ bí mật Nhà nước.

Tất cả những người được giao nhiệm vụ tiếp xúc với bí mật Nhà nước dưới mọi hình thức (được nghe phổ biến, lưu giữ, sử dụng bí mật Nhà nước và cán bộ làm công tác bảo vệ bí mật Nhà nước) phải nắm chắc quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước và cam kết bảo vệ bí mật Nhà nước.

Người tổ chức, người trực tiếp giao nhiệm vụ có trách nhiệm tổ chức thực hiện bằng cách hướng dẫn, yêu cầu người được mình giao nhiệm vụ nghiên cứu nắm chắc Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước và ký vào bản cam kết (do cơ quan chức năng bảo vệ bí mật Nhà nước in sẵn) và nộp cho bộ phận bảo mật của cơ quan lưu giữ, theo dõi việc thực hiện.

Điều 15. - Việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ bí mật Nhà nước.

Việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trong từng bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện như sau:

- Xây dựng nhỏ và mua sắm các phương tiện, thiết bị thông dụng, do người đứng đầu cơ quan cấp bộ, ngành, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định (sử dụng kinh phí hành chính sự nghiệp);

- Xây dựng lớn và mua sắm các phương tiện, thiết bị đặc biệt phải có báo cáo luận chứng trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng duyệt, đồng gửi Bộ Nội vụ.

Điều 16. - Thanh tra, kiểm tra về công tác bảo vệ bí mật Nhà nước.

Thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất về công tác bảo vệ bí mật Nhà nước được tiến hành đối với từng việc, một số việc hoặc toàn diện đối với từng cá nhân, từng khâu công tác, từng cơ quan, tổ chức trong phạm vi cả nước:

- Bộ Nội vụ có nhiệm vụ tổ chức thực hiện thanh tra Nhà nước về công tác bảo vệ bí mật Nhà nước đối với các cơ quan, đoàn thể, tổ chức cấp trung ương, và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc thanh tra toàn diện đối với từng cơ quan, đoàn thể, tổ chức cấp trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải được thực hiện ít nhất 2 năm một lần.

- Người đứng đầu cơ quan, đoàn thể, tổ chức thực hiện việc kiểm tra về công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trong từng cơ quan, đoàn thể, tổ chức trong phạm vi quản lý của mình.

Việc kiểm tra toàn diện đối với từng đơn vị cơ sở phải được thực hiện ít nhất mỗi năm 1 lần.

- Bộ Quốc phòng tổ chức thực hiện việc thanh tra, kiểm tra về công tác bảo vệ bí mật Nhà nước đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng quản lý.

Thanh tra, kiểm tra về công tác bảo vệ bí mật Nhà nước phải thực hiện yêu cầu đánh giá đúng những ưu điểm, khuyết điểm, phát hiện những thiếu sót sơ hở và kiến nghị các biện pháp khắc phục.

Sau mỗi lần thanh tra, kiểm tra có biên bản lưu và gửi cơ quan cấp trên trực tiếp theo hệ thống dọc, đồng gửi cơ quan công an cùng cấp để theo dõi.

Điều 17. - Báo cáo về công tác bảo vệ bí mật Nhà nước.

Người đứng đầu cơ quan, đoàn thể, tổ chức các cấp phải thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo về công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trong phạm vi quản lý của mình theo 2 hình thức:

- Báo cáo những vụ, việc đột xuất xẩy ra gây phương hại đến bí mật Nhà nước hoặc biết được hành động đó đang hình thành như thông báo, chuyển giao, tiết lộ dưới mọi hình thức cho người nước ngoài hoặc người không có phận sự, tạo điều kiện cho người khác biết bí mật Nhà nước, vi phạm Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước...

Báo cáo phải kịp thời khi sự việc xẩy ra, nêu đầy đủ, cụ thể tình tiết của sự việc, đồng thời tiến hành ngay các biện pháp xác minh, truy xét, thu hồi, ngăn chặn những tác hại có thể xẩy ra.

- Báo cáo toàn diện về công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trong năm (mỗi năm một lần), thời gian báo cáo từ 1 tháng 11 năm trước đến 31 tháng 10 năm sau, theo mẫu do Bộ Nội vụ quy định.

Hai loại báo cáo trên phải gửi theo quy định sau đây:

+ Báo cáo của cơ quan, tổ chức ở địa phương gửi cấp trên trực tiếp theo hệ thống dọc, đồng gửi Uỷ ban Nhân dân và cơ quan Công an có trách nhiệm cùng cấp;

+ Báo cáo của cơ quan, đoàn thể, tổ chức cấp trung ương và của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng gửi Bộ Nội vụ.

Điều 18. - Hệ thống tổ chức chuyên trách bảo vệ bí mật Nhà nước.

Bộ Nội vụ có một bộ phận trực thuộc Bộ trưởng. Các bộ, ngành, các đoàn thể cấp trung ương, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tuỳ theo tính chất, đặc điểm nội dung công việc mà bố trí cán bộ làm công tác mật chuyên trách hoặc bán chuyên trách trực thuộc lãnh đạo với nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác bảo vệ bí mật Nhà nước theo quy định của Pháp Lệnh. Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước trong phạm vi bộ, ngành, đoàn thể, địa phương mình.

Nhiệm vụ cụ thể về biên chế do bộ, ngành, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố quy định.

Điều 19. - Tiêu chuẩn cán bộ làm công tác bảo vệ bí mật Nhà nước.

Cán bộ làm công tác bảo vệ bí mật Nhà nước phải có phẩm chất tốt (trung thành với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức cảnh giác giữ gìn bí mật) có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, khi tuyển dụng và chuyển làm công tác khác phải có sự trao đổi với cơ quan Công an cùng cấp có trách nhiệm.

Điều 20. - Khen thưởng

Cơ quan, tổ chức, công dân nào có một trong những thành tích sau đây sẽ được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước:

- Hoàn thành xuất sắc việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật Nhà nước theo chức trách được giao.

- Gặp khó khăn không sợ nguy hiểm, bảo vệ được bí mật Nhà nước.

- Tìm được tài liệu, vật thuộc bí mật Nhà nước bị mất; ngăn chặn hoặc hạn chế được hậu quả tác hại do việc làm lộ, làm mất bí mật Nhà nước mà người khác gây ra.

- Phát hiện, tố giác kịp thời hành vi dò xét, chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ trái phép bí mật Nhà nước.

Điều 21. - Xử lý vi phạm.

Người nào vi phạm một trong những tội làm lộ bí mật Nhà nước, chiếm đoạt, mua bán, làm mất tài liệu bí mật Nhà nước, lợi dụng việc bảo vệ bí mật Nhà nước để che dấu hành vi vi phạm pháp luật, tiêu huỷ trái phép bí mật Nhà nước, gây ảnh hưởng có hại đến công cuộc bảo vệ an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế, văn hoá, khoa học, xã hội của quốc gia thì tuỳ theo mức độ, phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy tố theo quy định của luật hình sự.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 84- HĐBT năm 1992 ban hành "Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước" do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 84-HĐBT
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 09/03/1992
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: 09/03/1992
  • Ngày hết hiệu lực: 12/04/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản