Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 98/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 10 tháng 9 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “MỞ RỘNG QUY MÔ VỆ SINH VÀ NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN DỰA TRÊN KẾT QUẢ” VAY VỐN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI NĂM 2017

Kính gửi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thực hiện Công văn số 6191/BNN-TCTL ngày 22/7/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả đầu ra” vay vốn Ngân hàng Thế giới WB năm 2017, UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình năm 2017 như sau:

I. Tình hình chung

1. Khái quát tình hình kinh tế-xã hội tỉnh Lạng Sơn

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới phía Đông Bắc Việt Nam, tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 8.320,76 km2, có trên 231 km đường biên giới giáp Trung Quốc, với 21 xã, thị trấn biên giới thuộc 5 huyện phía Đông và Đông Bắc của tỉnh; toàn tỉnh có 10 huyện, 01 thành phố với 207 xã, 14 thị trấn và 5 phường.

2. Hiện trạng về Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn.

Ước đến hết năm 2016 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có:

- 355 công trình cấp nước tập trung; trên 30.150 giếng đào; 4.800 giếng khoan; 2.700 bể chứa nước mưa và trên 4.730 ống dẫn nước riêng hộ gia đình đạt 85% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh;

- 66.821 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 45% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh;

- 733 trường ( các điểm trường chính) trong đó có 594 trường có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 81% các trường học nông thôn có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh (các điểm trường chính);

- 207 trạm y tế xã cuối năm 2016 ước đạt 60% số trạm y tế có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh.

3. Thuận lợi, khó khăn ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình

3.1. Thuận lợi:

- Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT) là vấn đề được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và xác định là một bộ phận trong chính sách phát triển khu vực nông thôn; Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách và tập trung đầu tư để thực hiện.

- Được sự nỗ lực của các sở, ban, ngành và sự hưởng ứng nhiệt tình của Nhân dân trên địa bàn, hiện đang triển khai sâu rộng Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, trong đó có cả mục tiêu về cấp nước sạch và VSMTNT.

- Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những năm qua là nền tảng vững chắc, tạo môi trường thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế - xã hội và nguồn lực cho thực hiện Chương trình MTQG nước sạch và VSMTNT.

- Kinh tế nông thôn miền núi từng bước ổn định, tạo điều kiện cho dân cư nông thôn tiếp cận và sử dụng nước sạch, cải thiện VSMTNT.

3.2. Khó khăn

- Điều kiện địa hình miền núi, bị chia cắt; lượng mưa ít và phân bố không đồng đều, mạng lưới sông, suối trung bình. Mật độ dân cư thấp, phân bố không tập trung, dân trí thấp, phong tục tập quán ở nhiều nơi còn lạc hậu; việc xây dựng các công trình cấp nước nông thôn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

- Cơ sở hạ tầng nông thôn đã có bước phát triển tích cực, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống của người dân. Các nguồn lực đầu tư cho Chương trình còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh.

II. Kế hoạch năm 2017:

1. Tên gọi: Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả đầu ra.

2. Tên nhà tài trợ: Ngân hàng thế giới (WB).

3. Cơ quan chủ quản Chương trình:

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn.

4. Đơn vị thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn.

5. Địa điểm thực hiện: trên địa bàn các xã nông thôn tỉnh Lạng Sơn.

6. Thời gian thực hiện Chương trình: năm 2017.

7. Mục tiêu và kết quả chủ yếu

7.1. Mục tiêu:

- Mục tiêu chung của Chương trình: Cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, tăng cường tiếp cận bền vững nước sạch và vệ sinh nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016-2020.

- Mục tiêu cụ thể của Chương trình:

+ Đạt số đấu nối cấp nước khoảng: 6.185 đấu nối.

+ Số xã đạt vệ sinh toàn xã: 05 xã.

+ Số nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình được xây mới/cải tạo: 730 cái.

+ Số công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh tại trường học được xây mới hoặc cải tạo khoảng: 22 công trình.

+ Số công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh Trạm y tế xã: 12 cái

+ Giảm mạnh phóng uế bừa bãi và tăng mạnh tỷ lệ dân số thường xuyên thực hiện hành vi vệ sinh tốt.

+ Tăng độ bao phủ nước hợp vệ sinh ở các khu vực mục tiêu.

+ Nâng cao năng lực phân tích các thông tin liên quan về ngành nước và điều kiện vệ sinh.

+ Nâng cao năng lực đánh giá thực hiện của Chương trình.

7.2. Kết quả chủ yếu của Chương trình:

Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả đầu ra hướng đến xây dựng, cải tạo điều kiện tiếp cận nước sạch và vệ sinh trực tiếp người dân tại các xã nông thôn cụ thể:

- 6.185 hộ được đấu nối sử dụng nước từ các công trình cấp nước tập trung, số người được hưởng lợi khoảng 25.359 người.

- 730 hộ gia đình xây mới/cải tạo nhà tiêu hợp vệ sinh.

- 17.465 người được hưởng lợi từ các xã đạt vệ sinh toàn xã.

- 22 công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh trường học

- 12 công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh trạm y tế

- Nâng cao năng lực quản lý Chương trình: Đào tạo và xây dựng năng lực cho ngành cấp nước và vệ sinh nông thôn, năng lực giám sát và đánh giá, quản lý chất lượng nước, lập kế hoạch và tăng tính bền vững của các công trình cấp nước.

7.3. Nội dung thực hiện và khối lượng công việc:

a) Hợp phần 1: Cải thiện điều kiện cấp nước.

- Đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn WB: thông qua 6.185 hộ đấu nối sử dụng; cấp nước và vệ sinh 22 trường học.

- Đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn NSĐP, vốn huy động của dân và các nguồn vốn hợp pháp khác để đạt mục tiêu.

b) Hợp phần 2: Cải thiện điều kiện vệ sinh.

- Đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn WB: Đầu tư cải tạo, xây dựng cấp nước và nhà vệ sinh 12 Trạm y tế xã.

- Đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn của dân:

+ Cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương từ nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới và sự đóng góp của nhân dân thực hiện xây mới/cải tạo 730 nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình.

c). Hợp phần 3: Nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát, đánh giá và quản lý Chương trình.

- Hỗ trợ kỹ thuật, giám sát, đánh giá và quản lý Chương trình: bao gồm đào tạo và xây dựng năng lực cho ngành cấp nước và vệ sinh nông thôn, năng lực giám sát và đánh giá, quản lý chất lượng nước, lập kế hoạch và tăng tính bền vững của các công trình cấp nước.

- Các hoạt động truyền thông; huấn luyện truyền thông; tập huấn xây dựng; in phát tài liệu truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng (Phát thanh, truyền hình, báo đài, tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu); hỗ trợ cán bộ truyền thông…

d) Chi tiết như sau:

* Hợp phần 1: Cải thiện điều kiện cấp nước:

- Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn: Thực hiện chuẩn bị đầu tư: 10 công trình; thi công hoàn thành đưa vào sử dụng 05 công trình, thi công xây dựng 13 công trình.

- Ngành giáo dục và đào tạo:Thực hiện chuẩn bị đầu tư xây mới/cải tạo công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh trường học 22 công trình.

* Hợp phần 2: Cải thiện điều kiện vệ sinh.

Ngành y tế: Thực hiện hỗ trợ 730 nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình.

* Hợp phần 3: Nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát, đánh giá và quản lý Chương trình.

- Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn: Thực hiện nâng cao năng lực; truyền thông tại các xã, kiểm tra giám sát chương trình, tham quan học tập kinh nghiệm và kiểm soát chất lượng nước theo quy định.

- Ngành giáo dục và đào tạo: Thực hiện nâng cao năng lực, truyền thông; kiểm tra, giám sát chương trình.

Ngành y tế: Thực hiện nâng cao năng lực truyền thông, kiểm tra giám sát chương trình, tham quan học tập kinh nghiệm.

8. Nhu cầu vốn:

Tổng kinh phí thực hiện năm 2017 là: 52.346 triệu đồng trong đó:

+ Trung ương cấp phát: 43.957 triệu đồng;

+ Tỉnh vay lại của trung ương: 3.901 triệu đồng;

+ 4.488 triệu đồng được UBND tỉnh bố trí từ vốn ngân sách địa phương, vốn huy động của dân (bằng công lao động tham gia đóng góp trực tiếp vào công trình) và các nguồn vốn hợp pháp khác.

9. Các giải pháp:

9.1. Giải pháp về cơ chế chính sách:

a) Chính sách xã hội

Tuyên truyền - giáo dục: nhằm nâng cao nhu cầu dùng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, nâng cao sự hiểu biết của người dân về vệ sinh và mối liên quan giữa cấp nước - vệ sinh với sức khỏe và sự phát triển xã hội.

Hoạt động tuyên truyền - giáo dục được thực hiện ở tất cả các cấp thông qua mạng lưới đài truyền hình, phát thanh, báo chí ở Trung ương và địa phương, các đoàn thể xã hội, nhà trường và mạng lưới tuyên truyền viên tại cơ sở.

Tổ chức tham gia của cộng đồng: nhằm huy động toàn dân tham gia vào các hoạt động cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn, đa dạng hóa các mô hình đầu tư, tạo điều kiện thuận tiện cho các thành phần kinh tế để hộ gia đình, các nhóm, hợp tác xã, doanh nghiệp dân doanh... giúp nhau tự góp vốn, vay vốn tín dụng của Nhà nước tham gia vận hành, bảo dưỡng, quản lý và kinh doanh các công trình, dịch vụ cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn.

Ban hành các chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia phát triển cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn theo định hướng của Nhà nước.

b) Chính sách bảo vệ nguồn nước và vệ sinh môi trường nông thôn

Đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển mạnh mẽ thị trường nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Công tác Thông tin - Giáo dục - Truyền thông phải được tăng cường và tiến hành thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức khác nhau.

Điều chỉnh công tác quy hoạch, kế hoạch, xây dựng, rà soát, đánh giá, bổ sung, về cấp nước sạch làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển 5 năm và hàng năm.

Chú trọng phát triển khoa học công nghệ, nghiên cứu và phát triển theo hướng đa dạng hóa các loại hình công nghệ khai thác, sử dụng nguồn nước hợp lý và nâng cao chất lượng nước phù hợp với điều kiện tự nhiên - kinh tế - xă hội của từng vùng, đảm bảo nguyên tắc bền vững.

Quản lý chặt chẽ đầu tư xây dựng, khai thác và bảo vệ công trình cấp nước.

Tăng cường vai trò của chính quyền cơ sở, bởi các điều kiện về nguồn lực, kỹ thuật về cấp nước công tác vận hành - bảo dưỡng các công trình nước sạch và vệ sinh diễn ra thường xuyên và lâu dài trong phạm vi quản lý Nhà nước.

c) Các giải pháp về chính sách xây dựng

Ưu tiên quản lý sau đầu tư xây dựng, khai thác và bảo vệ công trình.

Giá nước được tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, đảm bảo cho các tổ chức và cá nhân làm dịch vụ tự chủ được tài chính.

Người sử dụng dịch vụ có trách nhiệm trả tiền dịch vụ theo số lượng thực tế và giá quy định.

9.2. Giải pháp về vốn:

Thực hiện theo quy định về cơ chế tài chính của Văn kiện Chương trình.

9.3. Giải pháp về quản lý sau đầu tư

- Thực hiện theo Thông tư 54 của Bộ Tài chính về giao công trình cho các tổ chức cá nhân quản lý, sử dụng công trình.

III. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Là cơ quan đầu mối ở cấp tỉnh, chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và VSMTNT (Văn phòng thường trực Chương trình) xây dựng và tổng hợp kế hoạch Chương trình chung; phối hợp với các sở, ngành trong quản lý, điều phối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình của tỉnh; tổng hợp, báo cáo về các kết quả chỉ số giải ngân hàng năm của tỉnh trình UBND tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chủ trì quản lý, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Tiểu hợp phần 1, thuộc Hợp phần I: Cấp nước cho cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh và các hoạt động liên quan về cấp nước nông thôn của Hợp phần 3.

2. Sở Y tế

Chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh làm đầu mối của ngành chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, ngân sách hàng năm và tổ chức triển khai thực hiện, báo cáo giám sát và đánh giá tiến độ các hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh hộ gia đình, vệ sinh nông thôn, trạm y tế xã, đồng thời phối hợp với các sở, ban ngành trong quản lý, điều phối, kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình. Cụ thể: Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chủ trì và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Hợp phần 2 “vệ sinh nông thôn” liên quan đến hoạt động xây dựng hoặc cải tạo nhà tiêu hộ gia đình, công trình cấp nước và vệ sinh Trạm y tế xã; và Hợp phần 3 “Nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát, theo dõi và đánh gí Chương trình” liên quan đến lĩnh vực vệ sinh cá nhân, vệ sinh nông thôn; giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt; định kỳ báo cáo kết quả về Văn phòng Chương trình để tổng hợp báo cáo theo quy định.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chỉ đạo bộ phận liên quan tổ chức triển khai thực hiện, quản lý, báo cáo giám sát và đánh giá tiến độ các hoạt động Tiểu hợp phần 2 thuộc Hợp phần 1: Cấp nước và vệ sinh cho các trường học và các hoạt động liên liên quan về cấp nước và vệ sinh trường học của Hợp phần 3; hợp tác chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT/Trung tâm nước sạch và VSMTNT và Sở Y tế/Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh về cung cấp nước sạch và vệ sinh ở trường học cũng như hỗ trợ các trường học vận hành và bảo dưỡng các công trình cấp nước và vệ sinh; định kỳ báo cáo kết quả về Văn phòng Chương trình để tổng hợp báo cáo theo quy định./.

(Kèm theo 12 biểu chi tiết)

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lý Vinh Quang

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 98/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả đầu ra” vay vốn Ngân hàng Thế giới năm 2017 do tỉnh Lạng Sơn ban hành

  • Số hiệu: 98/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 10/09/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Lý Vinh Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/09/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản