Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 324/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 26 tháng 9 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRUYỀN THÔNG THAY ĐỔI HÀNH VI VỆ SINH THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỞ RỘNG QUY MÔ VỆ SINH VÀ NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN DỰA TRÊN KẾT QUẢ, NĂM 2016

Thực hiện văn bản số 6559/BNN-TCTL ngày 04 tháng 8 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả tại 21 tỉnh, UBND tỉnh Bắc Kạn xây dựng kế hoạch Truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh thuộc Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả, năm 2016, với những nội dung sau:

I. TÌNH HÌNH CHUNG VỀ VỆ SINH CỦA TỈNH

1. Tình hình chung toàn tỉnh

Bắc Kạn là tỉnh miền núi vùng cao gồm 122 xã, phường, thị trấn thuộc 08 huyện, thành phố, trong đó có 110 xã nông thôn, số thôn bản là 1.421, dân số toàn tỉnh là 313.084 người gồm 7 dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Mông, Dao, Hoa, Sán Chay với 77.221hộ, trong đó hộ nông thôn là 61.516 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 29,4%, mức thu nhập của người dân còn thấp.

Trong những năm qua, với sự hỗ trợ kinh phí của Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới...và các tổ chức phi chính phủ cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, Sở Y tế sự phối hợp tốt giữa các ban, ngành, đoàn thể. Hiện nay 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% các trạm y tế xã hoạt động triển khai đầy đủ các chương trình y tế quốc gia tại xã. Đến hết năm 2014 đã có 86/122 xã phường đạt trạm chuẩn quốc gia về Y tế xã. Riêng đối với công tác vệ sinh môi trường với những nỗ lực của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh về chỉ đạo và phối hợp với y tế cơ sở đã triển khai tốt các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cộng tác viên và tăng cường truyền thông tại cộng đồng nên tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đã tăng từ 50,7 % năm 2012 lên 65,3% vào năm 2015 tăng 14,6%. Qua đó đã góp phần không nhỏ trong việc cải thiện các điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cho người dân khu vực nông thôn của tỉnh. Về tình hình nước sạch và vệ sinh môi trường trong trường học: Toàn tỉnh hiện có 352 trường mầm non, phổ thông, trong đó có 113 trường học chưa có nguồn nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh và hệ thống cấp nước sạch bảo đảm để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày khi học sinh đến trường. Công tác YTTH cũng đã đạt được một số kết quả tốt như: Công tác truyền thông GDSK cho học sinh, giáo viên và phụ huynh được tiến hành thường xuyên. Số học sinh được khám sức khỏe định kỳ bậc mầm non đạt 99,85%; Tiểu học 98,6%; THCS 88,9%; PTTH 98,3%; duy trì hoạt động súc miệng bằng dung dịch Fluor và giáo dục nha khoa trường tiểu học.

Tuy nhiên nhìn chung Bắc Kạn vẫn là tỉnh nghèo, mức thu nhập người dân thấp, điều kiện vệ sinh cá nhân cũng như vệ sinh cộng đồng chưa được cải thiện nhiều, công tác truyền thông về phòng chống các dịch bệnh trường học chưa đều; Do vậy tình trạng bệnh tật và dịch bệnh tiêu chảy cấp có liên quan đến nước sạch và vệ sinh môi trường vẫn xảy ra rải rác hàng năm, nguy cơ bệnh tật học đường như các bệnh răng miệng, cận thị, các bệnh liên quan đến dinh dưỡng, môi trường ngày càng gia tăng.

2. Tình hình nước sạch và vệ sinh môi trường

Theo số liệu báo cáo của các huyện/thành phố thì đơn vị tính đến 30/12/2015:

* Về nhà tiêu:

- Tổng số hộ gia đình nông thôn = 61.516 hộ.

- Tổng số hộ nông thôn có nhà tiêu = 54.995 hộ (89,4%).

- Tổng số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh = 35.912 hộ (65,3 %).

* Về nước sạch:

Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt HVS chiếm 95,01%. Trong đó, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước đạt QCVN 02/BYT đạt 22,25%.

2.1 Thực trạng bao phủ nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình đến hết năm 2015

Độ bao phủ nhà tiêu HVS

Số lượng, tỷ lệ

< 30%

30 -< 50%

50 - <65%

≥ 65%

Số xã

2

28

28

64

%

1,6

23,0

23,0

52,4

2.2. Thực trạng Công trình vệ sinh và nước sạch trạm y tế xã

Tại các trạm y tế theo số liệu điều tra báo cáo năm 2015. Tỷ lệ trạm y tế có nhà tiêu và giếng nước chiếm 97,5% ( 119 trạm). Có 03 trạm công trình công trình đã xuống cấp cần xây mới hoàn toàn. Một số trạm mặc dù có công trình nước và nhà tiêu HVS nhưng số lượng nhà tiêu không đủ theo quy định, chưa có nhà tiêu riêng cho cán bộ trạm vẫn dùng chung với bệnh nhân.

2.3. Thực trạng Công tác giám sát chất lượng nước

Số trạm cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh là 09 trạm, hiện nay đang được kiểm tra, giám sát thường xuyên theo quy định, trong đó có 07 trạm xét nghiệm nước theo quý/lần và 02 trạm XN nước theo tháng/lần, ngoài ra còn hơn 200 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tại các cụm thôn bản và các nguồn nước hộ gia đình riêng lẻ chưa có điều kiện giám sát được do không có kinh phí để thực hiện.

2.4. Thực trạng vệ sinh trường học

Toàn tỉnh hiện có 352 trường mầm non, phổ thông, trong đó: 124 trường mầm non, 112 trường tiểu học, 19 trường PTCS, 82 trường THCS, 15 trường THPT. Hiện tại có 113 trường học chưa có nguồn nước sạch, nhà tiêu, hố xí hợp vệ sinh, hệ thống cấp nước sạch bảo đảm để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày khi học sinh đến trường.

3. Các vấn đề vệ sinh của các xã đã chọn thực hiện vệ sinh toàn xã

30 xã đã chọn 100% là các xã nông thôn miền núi. Tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh toàn xã đạt >36 % và < 70%. Nhận thức của người dân về công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân còn hạn chế, nhiều người chưa biết rửa tay sau khi đi vệ sinh, vẫn còn nhiều hộ gia đình sử dụng phân tươi trong trồng trọt, nhiều hộ dân miền núi cao vẫn còn phóng uế bừa bãi trên đồi, trên nương.

Về trường học là những đơn vị chưa có nguồn nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, hệ thống cấp nước sạch bảo đảm; các công trình cấp nước sạch, vệ sinh đã hư hỏng xuống cấp; nguồn nước chưa đảm bảo theo quy chuẩn quy định.

II. MỤC TIÊU TRUYỀN THÔNG THAY ĐỔI HÀNH VI

2.1. Mục tiêu chung của Dự án

Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân nông thôn nhằm cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, tăng cường tỷ lệ người dân được tiếp cận bền vững với nước sạch và vệ sinh nông thôn được cải thiện cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Các mục tiêu truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh đến 2020 như sau:

- 100% hộ dân trong 30 xã “Vệ sinh toàn xã” được tuyên truyền, vận động xây và sử dụng nhà tiêu cải thiện, thông qua cung cấp thông tin về các loại nhà tiêu cải thiện, cũng như cách sử dụng và bảo quản nhà tiêu đúng quy cách;

- 100% hộ dân trong 30 xã “Vệ sinh toàn xã” được cung cấp kiến thức về vệ sinh cá nhân và rửa tay với xà phòng và nước sạch vào các thời điểm quan trọng;

- 100% giáo viên và học sinh các trường mầm non và tiểu học (không kể các điểm trường) trong 30 xã “Vệ sinh toàn xã” được cung cấp kiến thức về sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh đúng quy cách, rửa tay với xà phòng và nước sạch vào các thời điểm quan trọng;

- Các chủ cửa hàng, nhà sản xuất vật liệu xây dựng đồng ý trở thành CHTI và cộng tác viên trong 30 xã “Vệ sinh toàn xã” được đào tạo tập huấn về thị trường vệ sinh, kỹ thuật xây dựng nhà tiêu, lập kế hoạch kinh doanh, kỹ năng bán hàng để xây dựng và phát triển thành hệ thống cửa hàng tiện ích.

- 90% cán bộ Trạm y tế xã, y tế thôn bản tham gia thực hiện Chương trình được đào tạo tập huấn về các mô hình thúc đẩy vệ sinh; truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh; thúc đẩy thị trường vệ sinh, kiểm tra, giám sát vệ sinh nhà tiêu HGĐ; nhà tiêu trường học và trạm y tế.

- Các nhà lãnh đạo Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể các cấp, và những người có vai trò lãnh đạo trong cộng đồng như trưởng thôn, già làng, trưởng bản tại địa phương cung cấp thông tin về tầm quan trọng và các nội dung vệ sinh nông thôn, và đưa chỉ tiêu tỷ lệ HGĐ sử dụng nhà tiêu cải thiện, số thôn bản đạt ODF, vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương các cấp và cam kết thực hiện.

2.2. Mục tiêu hợp phần vệ sinh của tỉnh

Năm

Số huyện có can thiệp

Số xã đạt vệ sinh toàn xã

Số hộ dân được hưởng lợi

Số dân được hưởng lợi

2016

02

02

1.188

4.824

2017

06

06

4.275

17.820

2018

08

08

7.800

20.107

2019

07

07

4.468

18.924

2020

07

07

3.938

16.630

III. NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TRUYỀN THÔNG

Kế hoạch truyền thông được xây dựng theo các nguyên tắc sau:

- Tích hợp ba hợp phần chính trong truyền thông (Tạo nhu cầu và truyền thông thay đổi hành vi; phát triển thị trường vệ sinh, thúc đẩy môi trường thuận lợi). Cả 3 hợp phần cần được triển khai đồng bộ và gắn kết với nhau theo một lộ trình phù hợp: Tạo nhu cầu và truyền thông thay đổi hành vi về điều kiện vệ sinh được cải thiện, phát triển thị trường cho các sản phẩm và dịch vụ vệ sinh, vận động chính sách thúc đẩy môi trường thuận lợi nhằm đưa ra các chính sách, khung thể chế và tài chính, để từ đó tạo ra các chương trình vệ sinh nông thôn có hiệu quả, bền vững và có thể nhân rộng trên quy mô lớn.

- Chuẩn hóa các hoạt động truyền thông về vệ sinh cho mỗi cấp triển khai khác nhau (tỉnh, huyện, xã, thôn) để có thể dễ dàng đem nhân rộng ra áp dụng ra nhiều huyện và thậm chí nhiều tỉnh khác nhau. Thiết kế dạng mô-đun cho các gói hoạt động, để cấp tỉnh và huyện có thể triển khai theo từng giai đoạn, lựa chọn và ưu tiên triển khai ở một số xã nhất định trong giai đoạn đầu của chương trình và sau đó mở rộng ra các huyện, xã còn lại, hoặc triển khai chiến dịch trên diện rộng nếu có đủ kinh phí. Thời gian đề xuất triển khai một cách toàn diện kế hoạch cho một xã ít nhất là 12 tháng, tuy nhiên các xã nên tiến hành các hoạt động chuẩn bị vào năm trước năm triển khai chính thức và có các hoạt động duy trì tối thiểu ít nhất là 1 năm sau năm can thiệp chính để đảm bảo tính bền vững của các hoạt động can thiệp.

- Cộng đồng làm chủ, đóng vai trò quyết định loại hình nhà tiêu cần hướng đến: hợp vệ sinh, giá thành vừa phải, tiện lợi và đẹp…).

IV. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Đối tượng hưởng lợi

- Là các hộ gia đình nông thôn, ngoài ra các cán bộ tham gia cũng sẽ được tăng cường năng lực qua quá trình thực hiện Chương trình.

- Là học sinh, giáo viên ở các trường tiểu học, trường mầm non trong địa bàn dự án.

2. Nội dung hoạt động

Các hoạt động dưới đây nhằm thúc đẩy thực hiện mục tiêu của Kế hoạch truyền thông, tập trung vào các lĩnh vực sau:

- Tạo môi trường thuận lợi;

- Tạo cầu; truyền thông thay đổi hành vi;

- Phát triển thị trường vệ sinh.

2.1. Tạo môi trường thuận lợi: Tập trung vào các hoạt động chính là vận động chính sách, nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện; giám sát và đánh giá.

a) Các hoạt động vận động chính sách:

- Vận động thông qua các kênh khác nhau bao gồm các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm tăng cường sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý về công tác vệ sinh thông qua hội thảo và các sự kiện, sử dụng video, tài liệu cung cấp các bằng chứng về tác động của vệ sinh đến sức khỏe và xã hội và các công cụ thông tin khác được thiết kế cho những người ra quyết định và lãnh đạo.

- Các hội nghị triển khai vệ sinh các cấp: lồng ghép các mục tiêu thu hút sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, Vận động các nhà quản lý tham gia vào các cuộc họp giao ban cấp tỉnh và huyện, xã

- Xác định và khích lệ các điển hình địa phương là điều quan trọng để thành công. Chương trình sẽ thực hiện cách tiếp cận dựa trên kết quả với phần thưởng và ghi nhận các điển hình thành công, xuất sắc.

b) Các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện chương trình các cấp:

- Mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn: Máy tính, máy ảnh, máy chiếu...

- Lựa chọn giảng viên nòng cốt cho cấp tỉnh: TTYTDP tỉnh sẽ lựa chọn các giảng viên nòng cốt cấp tỉnh, cử họ tham gia vào các lớp do chương trình trung ương tổ chức. Những giảng viên này sẽ tập huấn lại cho cán bộ cấp huyện.

- Tập huấn cho giảng viên nòng cốt (TOT): TTYTYDP tỉnh sẽ hỗ trợ TTYT huyện, TYT xã trong việc lựa chọn các cán bộ tham gia tập huấn và triển khai các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng. Các giảng viên nòng cốt được tập huấn ở Trung ương sẽ là các giảng viên cho các cấp thấp hơn để truyền đạt lại các kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng truyền thông tại cộng đồng. Các lớp tập huấn TOT ở các cấp tại địa phương sẽ tập trung vào các nội dung sau:

+ Kỹ năng truyền thông vận động cộng đồng thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường;

+ Kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động của Chương trình;

+ Kiểm tra, giám sát các hoạt động của Chương trình; xây dựng và sử dụng nhà tiêu cải thiện, tiếp thị vệ sinh và kết nối chuỗi cung - cầu.

- Tập huấn cho cán bộ thực hiện dự án:

+ Cấp huyện: Xây dựng năng lực về Lập kế hoạch cấp huyện, vận động chính sách, hỗ trợ và giám sát, điều phối giữa các hoạt động BCC và tăng cường chuỗi cung cấp khu vực tư nhân…

+ Cấp xã: Xây dựng năng lực về lập kế hoạch cấp xã, hỗ trợ và giám sát thực hiện, và kết nối với khu vực tư nhân...

+ Cấp thôn bản: Bao gồm cán bộ y tế, trưởng thôn/làng, tổ chức quần chúng - xây dựng năng lực về triển khai các hoạt động truyền thông, theo dõi và báo cáo;

- Tập huấn cho giảng viên nòng cốt của hệ thống giáo dục (TOT): Chương trình sẽ cung cấp đào tạo để cải thiện năng lực của ngành GDĐT và cán bộ các trường trong thực hiện chương trình/hoạt động:

+ Lồng ghép truyền thông về vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng - cho trẻ em mẫu giáo…).

+ Sử dụng và bảo quản công trình nước và vệ sinh ở trường học.

- Tập huấn cho khu vực tư nhân để phát triển thị trường vệ sinh, phát triển các mô hình kinh doanh nhằm thúc đẩy thị trường vệ sinh phát triển, kỹ thuật xây dựng nhà tiêu, marketing… Hoạt động này bao gồm các khóa tập huấn sau:

+ Tập huấn về kỹ năng xây dựng nhà tiêu cho CHTI và thợ xây bao gồm: Các loại nhà tiêu và cấu tạo từng loại; Các vật liệu thay thế để xây nhà tiêu xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh giá rẻ; kỹ thuật xây nhà tiêu.

+ Tập huấn về kỹ năng tiếp thị bán hàng cho cộng tác viên thôn bản.

+ Tập huấn cho CHTI, các chủ cửa hàng bán vật liệu xây dựng và cá nhân tham gia kinh doanh về lập kế hoạch kinh doanh, cung cấp các thông tin về thị trường vệ sinh tiềm năng ở địa phương và giúp cửa hàng dự đoán thị trường và dự tính tài chính trước khi triển khai mô hình kinh doanh CHTI.

- Thăm quan học tập: Các tỉnh và huyện sẽ tổ chức các chuyến tham quan trao đổi học tập giữa các cơ quan thực hiện và học tập chéo tại thực địa giữa các huyện và xã trong tỉnh, hoặc với các tỉnh khác.

c) Giám sát và đánh giá:

- Tiếp nhận và triển khai các biểu mẫu báo cáo chuẩn từ Chương trình Trung ương để theo dõi việc thực hiện các hoạt động BCC (Truyền thông thay đổi hành vi) và cung cấp dịch vụ vệ sinh. Các báo cáo sẽ được sử dụng để thẩm tra việc thực hiện kế hoạch BCC. Báo cáo sẽ có đủ chi tiết (ví dụ họp thôn: Ngày họp, số lượng người tham gia và giới tính, hoạt động, các vấn đề thảo luận v.v...; Các sự kiện bán hàng và xúc tiến vệ sinh: Ngày tổ chức, người tham gia, số lượng bán hàng v.v...).

- Thực hiện điều tra ban đầu (vào cuối năm) về hiện trạng vệ sinh hộ gia đình, vệ sinh trong trường học của tất cả các điểm trường chính, vệ sinh Trạm Y tế xã của các xã dự kiến thực hiện Vệ sinh toàn xã cho năm tiếp theo. Kết quả của việc điều tra sẽ được các ban ngành thống nhất để quyết định thực hiện Vệ sinh toàn xã tại các xã đã dự kiến năm tiếp theo hoặc thay đổi xã khác.

- Triển khai các hoạt động giám sát và thực hiện Chương trình tại cộng đồng:

+ Giám sát của tuyến tỉnh: Đối với giám sát chung các hoạt động của Chương trình sẽ thực hiện 2 lần/năm. Thực hiện giám sát, hỗ trợ 1 lần/hoạt động đối với các hoạt động như tập huấn, truyền thông, tổ chức sự kiện... của tuyến huyện, xã, thôn/bản.

+ Giám sát của tuyến huyện: Đối với giám sát chung các hoạt động của Chương trình sẽ thực hiện 2 lần/năm. Thực hiện giám sát, hỗ trợ 1 lần/hoạt động đối với các hoạt động truyền thông, tổ chức sự kiện... của tuyến xã, thôn/bản.

+ Giám sát của tuyến xã: Đối với giám sát chung các hoạt động của Chương trình sẽ thực hiện 2 lần/năm. Đối với giám sát riêng rẽ các hoạt động như truyền thông, họp thôn và các hoạt động do thôn tổ chức sẽ được ban điều hành xã căn cứ vào tình hình và số lượng tổ chức các hoạt động để lên kế hoạch giám sát và hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên.

- Thực hiện hoạt động báo cáo và tiến độ chương trình theo đúng định kỳ sau (do ngành y tế thực hiện):

+ Tuyên truyền viên thôn/bản sẽ lập các báo cáo hoạt động tại thôn theo từng tháng và nộp lại cho cán bộ y tế xã vào ngày 30 hàng tháng (ngày cuối cùng của tháng);

+ Đối với hoạt động BCC ở cấp xã, Trạm Y tế xã lập báo cáo theo quý và nộp cho Trung tâm Y tế huyện vào ngày 30 cuối quý;

+ TTYT huyện tổng hợp báo cáo và gửi TTYTDP tỉnh theo quý vào ngày 5 của tháng đầu mỗi quý tiếp theo;

+ TTYTDP tổng hợp và báo cáo cho Ban điều hành Chương trình tỉnh Hà Giang, Cục QLMTYT hàng quý vào ngày 20 của tháng đầu mỗi quý tiếp theo. TTYTDP tỉnh tổng hợp một báo cáo cho Sở NN & PTNT sau đó được nộp cho Bộ NN & PTNT và Bộ Y tế ở cấp Trung ương cùng với Kế hoạch BCC cho năm tiếp theo.

- Đối với Hoạt động BCC trong trường học do ngành giáo dục thực hiện: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh báo cáo cho Vụ Công tác Học sinh Sinh viên - Bộ Giáo dục Đào tạo hàng quý và cũng báo cáo lên Bộ NN-PTNT. Hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp một báo cáo cho Sở NN-PTNT sau đó được nộp lên Bộ NN-PTNT và Bộ Giáo dục và Đào tạo ở cấp trung ương cùng với kế hoạch BCC hàng năm cho năm tiếp theo chịu trách nhiệm.

- Quy trình theo dõi và báo cáo cho vệ sinh toàn xã cũng được xây dựng, bao gồm theo dõi tình hình vệ sinh được duy trì ở mẫu giáo, tiểu học và trung học công lập, và các trạm y tế cho những xã đã đạt được tình trạng Vệ sinh toàn xã sau hai năm thực hiện. Các quy trình này sẽ được KTNN sử dụng để thẩm tra kết quả đạt được.

Lưu ý: Các công cụ theo dõi, báo cáo và cơ sở dữ liệu cơ bản về thị trường vệ sinh sẽ được Trung ương cung cấp.

2.2. Các hoạt động tạo cầu, truyền thông thay đổi hành vi (chi tiết phụ lục 1)

a) Ở cấp tỉnh, huyện:

- Hội nghị lập kế hoạch triển khai chương trình vệ sinh, hội nghị tổng kết việc thực hiện chương trình… cấp tỉnh/huyện được tổ chức để có được sự cam kết của chính quyền và các bên liên quan tạo điều kiện và thực hiện chương trình.

- Xây dựng kế hoạch triển khai, giám sát cấp tỉnh/huyện: Tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị kế hoạch chương trình hàng năm cho năm tiếp theo trước ngày 31/9, trong đó có thông tin về đề xuất, ngân sách, mục tiêu DLI (Chỉ số giải ngân) hàng năm và thông tin liên quan khác.

- Hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp (xem chi tiết ở phần hoạt động “Tạo môi trường thuận lợi”.

- Ký kết hợp đồng in ấn, sản xuất và phân phối tài liệu truyền thông: Toàn bộ các tài liệu/công cụ truyền thông được sử dụng trong quá trình thực hiện sẽ do TTYTDP tỉnh có trách nhiệm in ấn và sau đó phân phát về cho huyện xã thôn theo số lượng được dự trù, cụ thể như sau:

+ Tài liệu hướng dẫn thực hiện các hoạt động BCC (sổ tay, sách hướng dẫn): Tài liệu này được phát cho cán bộ y tế các cấp, TTV, cộng tác viên thôn/bản, CHTI. Các tài liệu này có thể là tài liệu tại lớp tập huấn, hoặc tài liệu do Trung ương cung cấp.

+ Pano: Sẽ được treo ở những khu vực đông người qua lại, ở những trục đường giao thông chính hoặc trung tâm của huyện, xã.

+ Mô hình nhà tiêu mẫu: Thiết kế và sản xuất các mô hình nhà tiêu mẫu bằng gỗ, nhựa hoặc bằng các chất liệu đảm bảo tính bền, đẹp. Một bộ mô hình nhà tiêu mẫu gồm 5 loại nhà tiêu. Bộ mô hình này sẽ được phát cho các huyện, xã để trang bị cho các lớp tập huấn và hoạt động truyền thông khác

+ Tờ rơi sẽ được phát cho các HGĐ trong hoạt động họp thôn hoặc thăm hộ gia đình.

+ Tranh, bạt, băng rôn tuyên truyền: Sử dụng trong các sự kiện truyền thông;

+ Đĩa tuyên truyền về nhà tiêu HVS và rửa tay bằng xà phòng: Các đĩa này sẽ được phát cho các thôn để tuyên truyền trong các buổi họp thôn, họp lồng ghép, trong các khóa tập huấn và trong các hội nghị, hội thảo;

+ Áp phích tuyên truyền về nhà tiêu HVS và rửa tay bằng xà phòng: Áp phích sẽ được sử dụng trong các buổi họp thôn, treo tại trung tâm y tế, trường học, UBND xã, nhà văn hóa thôn.

+ Khuôn đổ ống bi bê tông: Các khuôn phục vụ cho việc đổ ống bi bê tông làm nhà tiêu hợp vệ sinh sẽ được cung cấp cho các CHTI hoặc UBND xã;

- Xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình truyền thông trên kênh thông tin đại chúng:

+ Phóng sự: TTYTDP tỉnh, TTYT huyện sẽ xây dựng phóng sự/chuyên đề về vệ sinh dài khoảng 10 -15 phút để phát trên Đài truyền hình tỉnh.

+ Bài đăng trên báo: TTYT DP tỉnh sẽ phối hợp viết tin bài về vệ sinh để đăng trên báo tỉnh

+ Phát clip quảng cáo (trong vòng 30 giây) đã được Chương trình Nước và Vệ sinh Ngân hàng Thế giới (WSP) xây dựng trên Đài truyền hình tỉnh

- Tổ chức sự kiện truyền thông vận động chính sách (Ngày hội vệ sinh): Sự kiện này sẽ được tổ chức vào một trong số các ngày sau: Ngày Vệ sinh yêu nước (2/7), Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng (15/10). Sự kiện này sẽ được tổ chức tại trung tâm tỉnh với sự tham gia của tất cả các ban ngành, đoàn thể, trường học trong tỉnh.

b) Các hoạt động truyền thông tại cấp xã:

Xã là đơn vị hành chính cơ sở với hệ thống chính trị đồng bộ, có vai trò quyết định. Cần thiết xây dựng cấp xã là cấp thực hiện cơ bản trong các Chương trình Vệ sinh nông thôn (VSNT), trong đó trạm Y tế xã trở thành tổ chức thực hiện VSNT chủ chốt, tiên phong trong việc vận động người dân xây và sử dụng nhà tiêu cải thiện và thay đổi hành vi vệ sinh một cách bền vững. Các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về nhà tiêu cải thiện do cán bộ y tế cấp xã làm đầu mối tổ chức, điều hành với sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội như hội phụ nữ, cụ thể như sau:

- Hội nghị triển khai Chương trình Vệ sinh của xã: Hội nghị này được tổ chức với nội dung và hình thức thực hiện tương tự như hội nghị cấp tỉnh, huyện.

- Phát tin qua loa truyền thanh: Loa phát thanh xã sẽ đưa những bản tin, những quy định pháp luật, những tấm gương điển hình hoặc đơn giản là giới thiệu mô hình chuỗi cung ứng... liên quan đến vệ sinh. Các bản tin sẽ do cán bộ y tế xã xây dựng và chịu trách nhiệm phát trên loa. Thời điểm phát cụ thể sẽ do UBND xã quyết định vào các đợt cao điểm truyền thông Vệ sinh môi trường.

- Tổ chức các sự kiện tại cộng đồng: Tổ chức “Ngày hội vệ sinh” cấp xã: Sẽ được tổ chức vào một trong các ngày: Ngày vệ sinh yêu nước, Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng, Ngày nhà tiêu thế giới. Mỗi xã sẽ tổ chức 1 lần/năm trong thời gian can thiệp.

c) Các hoạt động truyền thông tại cấp thôn:

Phần lớn các nỗ lực BCC sẽ được tập trung vào những mục tiêu phát huy hiệu quả nhất trong thay đổi hành vi: ở hộ gia đình, thôn/bản, ở cấp xã; ở mẫu giáo, tiểu học sau khi tiếp nhận các công trình mới trong chương trình. Cách tiếp cận chung là thông qua chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi được thực hiện bởi các cán bộ y tế thôn/bản, được hỗ trợ bởi cộng tác viên, hội phụ nữ, các đơn vị liên quan.

- Vẽ bản đồ vệ sinh thôn bản: Bản đồ vệ sinh thôn bản thể hiện rõ tình trạng vệ sinh của từng hộ: có nhà tiêu cải thiện, có nhà tiêu không hợp vệ sinh, hoặc chưa có nhà tiêu. Mỗi thôn sẽ xây dựng bản đồ vệ sinh của thôn mình và cập nhật sự thay đổi tình hình vệ sinh thôn theo định kỳ. Bản đồ thôn sẽ được tuyên truyền viên sử dụng trong các buổi họp thôn chuyên về vệ sinh, trong các buổi họp lồng ghép và được treo ở nhà văn hóa thôn

- Các cuộc họp thôn chuyên đề về vệ sinh: Họp thôn chuyên đề về vệ sinh sẽ do cán bộ y tế thôn bản cùng với trưởng thôn điều hành. Mỗi thôn sẽ tổ chức ít nhất 2 cuộc họp thôn chuyên về vệ sinh/năm. Cuộc họp thôn thứ nhất, tập trung nâng cao nhận thức và tuyên truyền các lợi ích của nhà tiêu cải thiện và giới thiệu bản đồ vệ sinh thôn. Cuộc họp thôn thứ hai sẽ tập trung cung cấp các thông tin về các cơ sở cung ứng nhà tiêu, giá thành và phương án mua hàng, thu được cam kết và kế hoạch xây nhà tiêu của người dân; tập trung cập nhật bản đồ vệ sinh thôn và nâng cao nhận thức của người dân về cách sử dụng và bảo quản nhà tiêu đúng cách.

Họp thôn chuyên về vệ sinh sẽ được tổ chức trong năm đầu tiên ở các xã can thiệp. Các năm sau không tổ chức họp chuyên đề mà họp lồng ghép trong các cuộc họp của các tổ chức đoàn thể hoặc các cuộc họp khác của thôn.

- Họp lồng ghép (kết hợp nội dung vệ sinh trong các cuộc họp thôn thông thường) Các cuộc họp thường kỳ trong thôn sẽ đưa thêm các nội dung về vệ sinh vào trong chương trình cuộc họp, để cung cấp các thông tin cập nhật về các vấn đề vệ sinh và tình trạng vệ sinh trong thôn. Dự kiến sẽ thực hiện 4 cuộc họp lồng ghép/năm.

- Thăm hộ gia đình: Các tuyên truyền viên thôn bản sẽ đến thăm các hộ dân và vận động hộ dân xây nhà tiêu cải thiện, kết nối hộ dân với các cơ sở cung ứng nhà tiêu và các cộng tác viên bán hàng, hoặc hướng dẫn cho hộ cách tự xây nhà tiêu.

Tần suất thực hiện: Tuyên truyền viên thôn bản thực hiện thăm ít nhất 5 hộ gia đình/tháng. Các tuyên truyền viên có thể thành lập 1 đoàn các ban ngành trong thôn hoặc có thể phân công nhiệm vụ cho mỗi tuyên truyền viên đến thăm từng hộ gia đình trong thôn do mình đảm nhiệm tuyên truyền.

- Tuyên truyền trên loa phát thanh của thôn: thông báo cho hộ các tin ngắn về tình hình vệ sinh tại địa phương, để mời hộ dân tham gia họp thôn hoặc tham gia các sự kiện công cộng và để tuyên truyền các thông tin về xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu.

+ Phát các tiểu phẩm truyền thông trên loa phát thanh của thôn: Trưởng thôn sẽ sử dụng đĩa để phát tin qua loa phát thanh của thôn mình.

+ Các bản tin mời họp: Sẽ do trưởng thôn điền vào mẫu của dự án và đọc trên loa.

+ Các bản tin thông báo tình hình nhà tiêu, hướng dẫn cách sử dụng và bảo quản nhà tiêu: Sẽ do trưởng thôn cập nhật số liệu nhà tiêu HVS trong thôn và viết bài, đọc trên loa phát thanh.

- Phối hợp với các cộng tác viên bán hàng: Tuyên truyền viên và các ban ngành đoàn thể của thôn sẽ phối hợp với các công tác viên bán hàng để giới thiệu về các dịch vụ và sản phẩm vệ sinh giá rẻ thông qua các buổi họp thôn hoặc thăm hộ gia đình hoặc các sự kiện vệ sinh.

2.3. Các hoạt động phát triển thị trường vệ sinh

- Lựa chọn và phát triển các mô hình kinh doanh vệ sinh: Tỉnh sẽ cân nhắc để lựa chọn và phát triển mô hình kinh doanh dựa trên các mô hình gợi ý của chương trình đề xuất như sau:

+ Cửa hàng tiện ích- cung cấp dịch vụ trọn gói: CHTI là một mô hình cửa hàng bán lẻ mà tại đó các khách hàng có thể mua tất cả các vật liệu và trang thiết bị cần thiết để xây một nhà tiêu cải thiện hoàn chỉnh. Các cửa hàng này có thể cung cấp các dịch vụ khác nhau như dịch vụ xây dựng, vận chuyển, tư vấn cho hộ gia đình về loại nhà tiêu phù hợp, cách sử dụng và bảo quản nhà tiêu, hỗ trợ tài chính hoặc bảo hành sản phẩm để người dân chọn được loại hình phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của gia đình mình với mức giá chuẩn và chất lượng tốt. Người dân có thể sử dụng một phần hoặc toàn bộ dịch vụ của các CHTI tùy theo nhu cầu của gia đình mình. Cách tiếp cận chung của tỉnh nhằm tăng khả năng sử dụng dịch vụ vệ sinh là thông qua mô hình Cửa hàng tiện ích đối với vùng có thị trường mua bán vật liệu và trang thiết bị vệ sinh.

+ Dịch vụ từng phần: Đối với những vùng chưa có thị trường mua bán vật liệu sẽ áp dụng mô hình dịch vụ tại chỗ thông qua các nhóm thợ xây hay tuyên truyền viên ở cộng đồng.

+ Ngoài Mô hình CHTI, cách thức tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ vệ sinh có thể sẽ thay đổi theo điều kiện thực tiễn tại từng xã nhằm tăng hiệu quả đạt được của mô hình này, ví dụ hình thành đại lý bán hàng cho các CHTI ở cấp huyện, hoặc việc cung cấp bộ đồ lắp ráp và khuôn trực tiếp cho cộng đồng, cùng với tư vấn từ phía cán bộ y tế thôn/ xã hoặc từ các thợ xây đã được đào tạo tại địa phương, để nhà tiêu được xây dựng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

- Hoạt động phát triển mô hình CHTI:

+ Lựa chọn và thành lập Cửa hàng Tiện ích: TTYTDP sẽ hỗ trợ thành lập và tập huấn nâng cao năng lực cho các CHTI tại xã, hoặc các mô hình cung cấp dịch vụ vệ sinh phù hợp tại từng địa phương

+ Lựa chọn mạng lưới hỗ trợ CHTI (CTV bán hàng cấp thôn và thợ xây): bao gồm lựa chọn các ứng cử viên làm CTV, thợ xây của CHTI, tập huấn cho họ cách xây dựng mạng lưới tiếp thị của mình để họ có thể tiếp tục mở rộng hoạt động sau khi chương trình vệ sinh ngừng hỗ trợ. CTV là cầu nối giữa bên bán (CHTI) và bên mua (hộ gia đình), cung cấp dịch vụ xây nhà tiêu đáp ứng với nhu cầu của khách hàng. CTV có thể là cán bộ y tế thôn bản, cán bộ phụ nữ, thôn bản, v.v..

Việc lựa chọn CTV bán hàng và thợ xây sẽ được tiến hành sau khi mỗi CHTI được thành lập. Trường hợp không thành lập cửa hàng tiện ích vẫn sẽ thành lập đội ngũ thợ xây và công tác viên bán hàng để kết hợp với các cửa hàng bán vật liệu, thiết bị vệ sinh.

+ Đào tạo nâng cao năng lực cho CHTI và mạng lưới hỗ trợ.

+ Kết nối nhóm GVQV và CHTI: Các xã/ thôn dự kiến sẽ thành lập các nhóm góp vốn quay vòng (GVQV) tại các thôn, từ đó kết nối nhóm GVQV và các CHTI. Đây là hoạt động tuyên truyền, vận động các thành viên trong nhóm GVQV tham gia sử dụng vốn quay vòng của nhóm vào mục đích xây nhà tiêu cải thiện thông qua dịch vụ được cung cấp của cửa hàng tiện ích do các Cộng tác viên bán hàng, Hội phụ nữ xã, thôn và những người đang điều hành và quản lý nhóm GVQV thực hiện.

- Mô hình dịch vụ từng phần: Áp dụng mô hình này đối với nơi thị trường chưa phát triển. Thông qua các nhóm thợ xây hay tuyên truyền viên ở cộng đồng bao gồm các hoạt động như:

+ Thợ xây đúc ống bi và lắp đặt ống bi, tấm nanh bê tông hoặc xây dựng tại hộ gia đình; Cho thuê/mượn khuôn đổ ống bi;

+ Cửa hàng bán lẻ kiêm lắp đặt dụng cụ, thiết bị nhà tiêu;

+ Mô hình cửa hàng bán lẻ kiêm việc sản xuất phụ kiện, tấm nanh bê tông và lắp đặt nhà tiêu quy mô trung bình;

+ Mô hình cơ sở cung cấp dịch vụ đúc ống bi và lắp đặt nhà tiêu tại chỗ- quy mô nhỏ;

+ Mô hình này còn bao gồm các dịch vụ tư vấn kỹ thuật nhà tiêu của cán bộ y tế, thợ xây, dịch vụ hỗ trợ tài chính, vận chuyển, dịch vụ hút, thông tắc bể phốt.

- Mô hình người dân tự xây dựng nhà tiêu HVS: Các hộ dân sẽ tự mua nguyên vật liệu và sẽ quyết định lựa chọn loại nguyên vật liệu với giá cả phù hợp với điều kiện của gia đình. Hộ gia đình tự tìm hiểu về kỹ thuật xây dựng, thông thường qua hàng xóm, thợ xây và các tài liệu truyền thông của ngành y tế. Sau đó hộ gia đình sẽ thực hiện việc xây dựng nhà tiêu. Loại nhà tiêu thông thường là nhà tiêu hai ngăn ủ phân tại chỗ hoặc nhà tiêu thấm dội với kỹ thuật đơn giản. Việc hộ gia đình tự xây nhà tiêu cần được khuyến khích do tiết kiệm được kinh phí, hộ gia đình hiểu biết hơn trong sử dụng, duy trì. Mô hình này cũng rất thích hợp với việc nâng cấp, sửa chữa nhà tiêu là công việc mà thợ xây ít muốn làm. Tuy nhiên lưu ý là cần có hoạt động truyền thông cho hộ gia đình về kỹ thuật xây dựng nhà tiêu để đảm bảo nhà tiêu được xây đúng kỹ thuật.

2.4. Hoạt động truyền thông trong trường học tại các xã trong vùng dự án năm 2016

- Tổ chức hoạt động điều tra, rà soát, đánh giá hiện trạng vệ sinh trường học ban đầu.

- Tập huấn cho tất cả cán bộ, giáo viên về Chương trình, cách truyền thông thay đổi hành vi cho học sinh, lập kế hoạch, triển khai.

- Triển khai các hoạt động truyền thông trong trường học: Chào cờ đầu tuần, sinh hoạt ngoại khóa, hoạt động Đội.

- In tài liệu truyền thông và hoạt động sử dụng cho các trường học (in tại tỉnh và cấp cho trường học).

- Tổ chức các hoạt động Ngày hội vệ sinh trường học, thi vẽ tranh…

- Thực hiện hoạt động giám sát, đánh giá theo định kỳ, đột xuất tất cả các hoạt động.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ủy ban nhân dân tỉnh:

- Phê duyệt Kế hoạch truyền thông vệ sinh thuộc Chương trình Mở rộng Quy mô vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả năm 2016 của tỉnh;

- Bố trí kinh phí cho việc thực hiện Kế hoạch truyền thông của tỉnh từ nguồn kinh phí Trung ương đã giao, từ ngân sách của địa phương và tổ chức huy động các nguồn lực trên địa bàn để thực hiện;

- Chỉ đạo các Sở, ban ngành liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch truyền thông theo lĩnh vực được phân công.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Là cơ quan điều phối Chương trình ở cấp tỉnh, chịu trách nhiệm trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch truyền thông của tỉnh.

3. Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh làm đầu mối chịu trách nhiệm tổ chức và triển khai các hoạt động truyền thông vệ sinh trong Chương trình.

4. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh (TTYTDP tỉnh) chịu trách nhiệm xây dựng, tổ chức và thực hiện hoạt động truyền thông thay đổi hành vi về vệ sinh; giám sát và đánh giá tiến độ của các hoạt động vệ sinh; phối hợp với các bên liên quan; cung cấp hướng dẫn, hỗ trợ và giám sát kỹ thuật cho cấp huyện và xã trong thực hiện các hoạt động vệ sinh... Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh sẽ tổng hợp bản kế hoạch Truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh của tỉnh (gồm kế hoạch của ngành y tế và ngành giáo dục) để gửi sang Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình các cấp của tỉnh phê duyệt.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm xây dựng, tổ chức và thực hiện các hoạt động về vệ sinh ở trường học; phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để hoàn thiện bản kế hoạch truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh của tỉnh (gồm kế hoạch của ngành y tế và ngành giáo dục) để gửi sang Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

6. Ủy ban nhân dân huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo các phòng, ban của huyện và Ủy ban nhân dân các xã, trạm y tế, trường học phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện công tác truyền thông thay đổi hành vi về nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân trên địa bàn.

7. Các tổ chức liên quan trong thực hiện kế hoạch BCC các cấp bao gồm: Hội liên hiệp phụ nữ và các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và Việt Nam, các tổ chức tín dụng, NHCSXH và khu vực tư nhân như các nhà sản xuất, cung cấp, các cửa hàng tiện ích, thợ xây…

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN: (Có kèm theo phụ lục chi tiết )

Tổng kinh phí từ Chương tình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”: 933 000 000 đồng. Bao gồm:

STT

Nội dung

Kinh phí (VNĐ)

Ghi chú

1

Ngành Y tế

833.000.000

 

2

Ngành Giáo dục &ĐT)

100.000

 

 

Tổng số

933. 000. 000

 

(Bằng chữ: Chín trăm ba mươi ba triệu đồng )

Trên đây là kế hoạch truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh thuộc Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả năm 2016 của ngành Giáo dục và Y tế tỉnh Bắc Kạn. Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đề nghị các Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét bố trí kinh phí để địa phương triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Tổng cục Thủy lợi - Bộ NN&PTNT;
- Cục Quản lý môi trường Y tế - Bộ Y tế;
- CT, PCT UBND tỉnh (Bà Hoa);
- Các Sở: NN&PTNT; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính;
- Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh;
- Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh;
- CVP; PVP (Ô. Tuấn);
- Lưu: VT, NLN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Thị Minh Hoa

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

BCC

Truyền thông thay đổi hành vi

Bộ NN-PTNT

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Bộ YT

Bộ Y tế

CHTI/CHTI

Cửa hàng tiện ích/Cửa hành tiện ích

CTV

Cộng tác viên

CTMTQG

Chương trình mục tiêu quốc gia

CWS

Vệ sinh toàn xã

HGĐ

Hộ gia đình

HTKT

Hỗ trợ kỹ thuật

PCERWASS

Trung Tâm Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh

PforR

Chương trình dựa trên Kết quả

RTXP

Rửa tay bằng xà phòng

TTV

Tuyên truyền viên

TTYTDP Tỉnh

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh

UBND

Ủy ban nhân dân

VSMT

Vệ sinh môi trường

WSP

Chương trình Nước và Vệ sinh - Ngân hàng thế giới

 

Phụ lục 01

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI BCC CẤP TỈNH

HỢP PHẦN TRUYỀN THÔNG VỆ SINH CHƯƠNG TRÌNH THÚC ĐẨY VỆ SINH VÀ CẤP NƯỚC NÔNG THÔN DỰATRÊN KẾT QUẢ ĐẦU RA NĂM 2016 TỈNH BẮC KẠN

1. Kinh phí

STT

Cấp/hoạt động

Số tiền

Nguồn kinh phí

Ghi chú

WB

Khác

 

1

Cấp tỉnh

448.298.400

448.298.400

 

 

2

Cấp huyện

117.171.600

117.171.600

 

 

3

Cấp xã

367.530.000

367.530.000

 

 

Cộng

 

933.000.000

933.000.000

 

 

2. Địa bàn can thiệp 2016

TT

Huyện

Số xã can thiệp trong huyện để đạt vệ sinh toàn xã

Số hộ hưởng lợi

Số người hưởng lợi

 

Tỷ lệ % nhà tiêu cải tiến đầu năm

Mục tiêu% nhà tiêu cải tiến cuối năm

Số xã đạt vệ sinh toàn xã

1

Bạch Thông

01

553

2158

65.0

70.0

01

2

Ngân Sơn

01

635

2666

60.1

70.0

01

 

 

02

1188

4824

62.55

70.0

02

3. Các hoạt động truyền thông cấp tỉnh

TT

Tên hoạt động

Số lần

Thời gian dự kiến

Đơn vị thực hiện

Kinh phí VNĐ

 

Đầu mối

Phối hợp

 

1

Xây dựng và ban hành các văn bản

Các văn bản cần thiết được ban hành

Tuần 3

Tháng 8

TTYTDP

SYT, TTYT huyện, Sở GD&ĐT

0.0

 

2

Hội nghị giới thiệu chương trình, triển khai kế hoạch 2016, giai đoạn 2016-2020

1 hội nghị, 56 đại biểu

Tuần 3-4  tháng 9

Sở Y tế

TTYTDP, Sở GD-ĐT, Sở NN&PTNT

34.250.000

 

3

Hội nghị tổng kết năm 2016 và thảo luận kế hoạch 2017 cấp tỉnh

1 hội nghị 50 đại

Tuần 4 tháng 12

Sở Y tế

TTYTDP, UBND tỉnh Sở GD-ĐT, Sở NN&PTNT

36.750.000

 

4

Phát triển tài liệu TT: Làm phóng sự, tin bài, in ấn tài liệu TT, phát clip..

 

Tháng 9- 12

TTYTDP

Tg4; Đài phát thanh- TH tỉnh

136.550.000

 

 

5

Hỗ trợ thành lập CHTI và các nhân tố tham gia

02 CHTI

tháng 8-10

TTYTDP

UBNDX, Y tế xã; cửa hàng trong xã

6.552.000

 

6

 Hỗ trợ CHTI phát triển môn hình kinh doanh

48 công tác viên

tháng 8- 10

TTYTDP

UBNDX, trạm Y tế

1.696.000

 

7

Xây dựng các Kế hoạch Giám sát và đánh giá

Các bản Kế hoạch

Tuần 1

TTYTDP

SYT, Sở giáo dục

-

 

tháng 9

 

8

 Thực hiện Điều tra ban đầu về hiện trạng nhà tiêu và tình trạng công trình vệ sinh hộ gia đình

2 xã thực hiện dự án Lãng ngâm và Ngân Sơn

Từ tháng 3 -tháng 10

TTYTDP

Xã, thôn bản

21.120.000

 

9

Giám sát tiến độ triển khai xây dựng nhà tiêu, nhân rộng điển hình

01 tháng/01 lần Tại 02 xã,

Từ tháng 7- tháng 12

TTYTDP

UBND xã, trạm Y tế

10.920.000

 

10

Giám sát hoạt động phát triển thị trường vệ sinh tại xã

04 lần, 4 người

Từ tháng 10- tháng 12

TTYTDP

UBND xã, trạm Y tế, Y tế thôn

1.696.000

 

11

Kiểm tra hoạt động xây dựng nhà tiêu, công trình cấp nước vệ sinh TrYT, trường học

18 ngày, 03 người

Từ tháng 7- 12

TYDP

UBND xã, trạm Y tế, trường học

 

 

6.552.000

 

12

 Giám sát, xét nghiệm chất lượng nước tại các trường học, Trạm Y tế

16 mẫu nước

Tháng 11-12

Labo Xét nghiệm TTYTDP

Trường học, Trạm Y tế

28.160.000

 

13

 Phối hợp với xã kiểm đếm, xác nhận vệ sinh toàn xã.

24 thôn bản

Tháng 12

TTYTDP

Huyện, Xã, thôn bản

34.944.000

 

14

Kinh phí dự phòng hỗ trợ cán bộ đi công tác ngoại tỉnh, VPP, Thông tin liên lạc

 

Tháng 6-12

TTYTDP

 

129.108.400

 

 

Cộng

 

 

 

 

448.298.400

 

 

Phụ lục 02

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI BCC CẤP HUYỆN

HỢP PHẦN TRUYỀN THÔNG VỆ SINH CHƯƠNG TRÌNH THÚC ĐẨY VỆ SINH VÀ CẤP NƯỚC NÔNG THÔN DỰATRÊN KẾT QUẢ ĐẦU RA NĂM 2016

1. Lựa chọn địa bàn can thiệp năm 2016

TT

Tên xã can thiệp để đạt vệ sinh toàn xã

Số thôn trong xã

Tổng số hộ trong xã

Số dân hưởng lợi trong xã

Tỷ lệ nhà tiêu HVS đầu năm

Mục tiêu % nhà tiêu HVS cuối năm

1

Xã Cẩm Giàng

11

553

2,158

65.0

70.0

2

xã Lãng Ngâm

13

635

2,666

60.1

70.0

2. Các hoạt động truyền thông

 

Tên hoạt động

Số lần

Dự kiến thời gian

Đơn vị thực hiện

Kinh phí

Đầu mối

Phối hợp

1

Hội nghị triển khai chương trình, triển khai kế hoạch năm 2016 huyện

02 hội; 78 đại biểu

Tuần 3 tháng 9

UBND huyện

TTYTDP; Các ban ngành huyện, xã

20.910.000

2

Hội nghị tổng kết năm 2016, giới thiệu Kế hoạch năm 2017

02 hội nghị 78 đại biểu

Tuần 4 tháng 12

UBND huyện

TTYTDP; Các ban ngành huyện, xã

20.580.000

3

Phát clip quảng cáo về vệ sinh

Phát được 08 lần (mỗi huyện 04 lần)

Từ tháng 8- tháng 12

TTYT huyện

Đài TT-TH huyện

10.000.000

4

Phối hợp thực hiện giám sát tổ chức các sự kiện truyền thông

04 ngày, 03 người

Tháng 9- 12

TTYT huyện

Xã, thôn

3.936.000

4

Giám sát tiến độ triển khai xây dựng nhà tiêu

Tại 02 xã, một tháng/một lần

Từ tháng 8- tháng 12

TTYT huyện

UBND xã, trạm Y tế

3.312.000

6

Giám sát hoạt động phát triển thị trường vệ sinh tại xã

Tại 02 xã 02 tháng/ một lần

Từ tháng 10- tháng 12

TTYT huyện

UBND xã, trạm Y tế, Y tế thôn

1.104.000

7

Phối hợp với Đoàn kiểm đếm công nhận các xã đạt “vệ sinh toàn xã.

Số lần 36

Số ngày tham gia 12

tháng 01 năm 2017

TTYT huyện

Y tế, ban ngành xã

7.129.000

8

Hỗ trợ thông tin, VPP, sửa chữa máy tính hai huyện thực hiện chương trình

02 huyện

Cả năm

TTYT

TTYTDP

50.200.000

 

Cộng:

 

 

 

 

117.171.600

 

Các hoạt động triển khai tại các xã trong huyện

02 xã

 

 

 

 

 

Tổng cộng

2

 

 

 

117.171.600

 

Phụ lục 03

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI BCC CẤP XÃ

HỢP PHẦN TRUYỀN THÔNG VỆ SINH CHƯƠNG TRÌNH THÚC ĐẨY VỆ SINH VÀ CẤP NƯỚC NÔNG THÔN DỰA TRÊN KẾT QUẢ ĐẦU RA NĂM 2016

TT

Tên hoạt động

Số lần

Thời gian

Đơn vị thực hiện

Kinh phí

 

Đầu mối

Phối hợp

 

I

Hoạt động cấp xã

 

 

1

Hội nghị triển khai chương trình vệ sinh nông thôn ( Mỗi xã 01 hội nghị * 02xã)

2 hội 120 đại biểu tham gia

Tuần 4 tháng 9

UBND xã

TTYTDP tỉnh, TTYT huyện Ngân Sơn và Bạch Thông

27.020.000

 

2

Hội nghị tổng kết chương trình vệ sinh cấp xã

02 hội 120 đại biểu tham gia

tuần 4 tháng 12

UBND xã

TTYTDP, TTYT huyện, TrYT xã

26.620.000

 

3

Hội nghị giao ban cấp xã

02 hội nghị tổng 40 đại biểu tham gia

Tuần 4 tháng 10

UBND xã

TTYT huyện, xã

21.020.000

 

 

4

Tổ chức sự kiện truyền thông

02 sự kiện thực hiện tại 2 xã Lãng Ngâm và Cẩm Giàng; mỗi xã thực hiện 01 cuộc

Tuần 2-3 tháng 10

UBND xã

TTYTDP; TTYT huyện, Trạm Y tế xã, các thôn bản

46.100.000

 

 

5

Lắp đặt pano, áp phích truyền thông

được lắp đạt tại 02 xã: 02 pano; 35 áp phích

Tháng 12

UBND xã

TTYTDP,trạm Y tế

5.050.000

 

6

Vẽ tranh tường tại Trường học; Trạm Y tế; Nơi công cộng

06 tranh

Tháng 11-12

Xã Lãng Ngâm và Cẩm Giàng

TTYTDP,trạm Y tế

15.000.000

 

7

Phạt thông điệp qua loa tại xã

có 20 phát qua loa trong năm 2016

Tháng 8 - 12

UBND xã

TTYTDP,trạm Y tế

4.000.000

 

8

Lựa chọn cửa hàng tiện ích, thợ xây, công tác viên

Lựa chọn được 02 cửa hàng, 50 thợ xây, 48 công tác viên

Tháng 8-10

TTYTDP

UBND xã;trạm Y tế; chủ cửa hàng

0

 

9

Hỗ trợ điều tra ban đầu

24 thôn bản được điều tra

Tháng 7-9

YT xã

TTTYTDP tỉnh, huyện

26.880.000

 

10

Giám sát tiến độ triển khai xây dựng nhà tiêu

24 thôn

hàng tháng

YT xã

TTYTDP huyện

4.800.000

 

11

Phối hợp kiểm đếm, xác nhận xã đạt vệ sinh toàn xã.

24 thôn bản được kiểm đếm

Tháng 12

YT xã

TTYTDP huyện

9.600.000

 

12

Hỗ trợ đoàn đánh giá độc lập thực hiện tại 10 thôn bản

10 thôn bản được kiểm đếm độc lập

Tháng 12/2016

Cộng tác viên xã

Ban ngành xã

2.000.000

 

13

Chi thông tin liên lạc, VPP, sửa chữa máy tính

Cả năm 2016

TYT xã

Trạm Y tế

Ban ngành xa

2.000.000

 

 

Cộng

 

 

 

 

190.090.000

 

II

Hoạt động cấp thôn

 

1

Vẽ bản đồ thôn

24 thôn được làm bản đồ thôn

Tháng 8 -12

Trạm Y tế

Trưởng thôn, Y tế thôn

26.400.000

 

2

Tổ chức họp thôn về các vấn đề vệ sinh thôn

48 cuộc họp thôn được tổ chức( 2lần/thôn

Tháng 8 -12

Trạm Y tế

Trưởng thôn, Y tế

12.240.000

 

3

Lồng ghép họp thôn về đánh giá thực hiện vệ sinh với họp thôn thường kỳ

24 cuộc họp được tiến hành trong năm 2016; tại 24 thôn

Tháng 8 -12

Trạm Y tế

Trưởng thôn, Y tế thôn

2.400.000

 

4

Tuyên truyền trên loa truyền thanh thôn

Hàng tuần các sự kiện của xã liên quan đến vệ sinh được phát 02 tuần/lần

Tháng 8- tháng 12

Trưởng thôn

Y tế xã; ban ngành thôn

4.000.000

 

5

Thuê người dẫn đường đi tới hộ gia đinh phục vụ kiểm đếm, điều tra, 1người/ thôn x 4lần/thôn x 24 thôn

96 lượt

Tháng 6-12/2016

CTV

Đoàn kiểm đếm, tỉnh, huyện,

14.400.000

 

6

Thăm hộ gia đình

Có 480 lượt hộ được thăm tại 24 thôn

Tháng 8 -12

Trưởng thôn, Y tế thôn

Trạm Y tế

18.000.000

 

7

Báo cáo tháng, quý

 

Hàng tháng

Trạm Y tế

Trưởng thôn, CTV thôn

0.0

 

 

Cộng

 

 

 

 

77.440.000

 

III

Hoạt động BCC trong trường học:

 

1

Tập huấn cho tất cả cán bộ, giáo viên về Chương trình, cách truyền thông thay đổi hành vi cho học sinh, lập kế hoạch, triển khai (04 trường học/02 xã)

02

Tháng 10,11

Sở GD&ĐT

Các trường học

40.000.000

 

2

Triển khai các HĐ truyền thông trong trường học: Chào cờ đầu tuần, sinh hoạt ngoại khóa, HĐ Đội (04 trường học/02 xã)

12

Tháng 10,11,12

Sở GD&ĐT

Các trường học

20.000.000

 

3

In tài liệu truyền thông và HD sử dụng cho các trường học (in tại tỉnh và cấp cho 04 trường học)

01

Tháng 11

Sở GD&ĐT

Các trường học

20.000.000

 

4

Tổ chức các hoạt động Ngày hội vệ sinh trường học, thi vẽ tranh…(01 lần/ trường tại 04 trường học thuộc 02 xã).

04

Tháng 10,11

Sở GD&ĐT

Các trường học

20.000.000

 

 

Cộng:

 

 

 

 

100.000.000

 

 

Cộng: I+II+III

 

 

 

 

367.530.000

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 324/KH-UBND truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh thuộc Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả, năm 2016 do tỉnh Bắc Kạn ban hành

  • Số hiệu: 324/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 26/09/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Người ký: Đỗ Thị Minh Hoa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản