Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 803/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 14 tháng 5 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN BẢO ĐẢM CƠ SỞ VẬT CHẤT CHO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC MẦM NON VÀ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

Thực hiện Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Bình ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, cụ thể như sau:

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

- Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

- Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

- Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025;

- Quyết định số 1677/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025;

- Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Chương trình giáo dục phổ thông;

- Công văn số 344/BGDĐT-GDTrH ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông;

- Kế hoạch số 1027/KH-UBND ngày 25/6/2019 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới;

- Công văn số 879/BGDĐT-CSVC ngày 18/3/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc rà soát, xây dựng Kế hoạch giai đoạn 2021-2025 Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.

II. THỰC TRẠNG CƠ SỞ VẬT CHẤT, THIẾT BỊ DẠY HỌC GIÁO DỤC MẦM NON VÀ PHỔ THÔNG

1. Quy mô mạng lưới trường lớp

Toàn tỉnh có 578 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông bao gồm 186 trường mầm non, 193 trường tiểu học, 167 trường THCS (27 trường TH và THCS), 32 trường THPT (06 trường THCS và THPT); cấp học mầm non và phổ thông có 229.284 em (Mầm non: 59.622 cháu, Tiểu học: 82.551 em, THCS: 55.184 em, THPT: 31.953 em) với 7.733 nhóm/lớp (mầm non: 2.219 nhóm/lớp, Tiểu học: 3.112 lớp, THCS: 1.618 lớp, THPT: 784 lớp)

2. Thực trạng cơ sở vật chất và thiết bị dạy học các cấp

- Toàn tỉnh có 7.084 phòng nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc trẻ và phòng học văn hoá; 1.068 phòng học bộ môn, tỷ lệ phòng học được kiên cố hoá đạt 86%; có 374 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 64,6% (trong đó, Mầm non: 90/186 trường, đạt tỷ lệ 48,38%; Tiểu học: 170/194 trường, đạt tỷ lệ 87,6%; THCS: 99/166 trường, đạt tỷ lệ 59,64%; THPT: 15/33 trường, đạt tỷ lệ 45,45%). Tại khu vực miền núi, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, cơ sở vật chất trường, lớp, thiết bị dạy học, nhà ở cho giáo viên miền núi tuy đã có tăng trưởng nhưng vẫn còn thiếu và lạc hậu; nhiều trường chưa đủ điều kiện để tổ chức bán trú cho cấp học mầm non; phòng học và các phòng chức năng phục vụ học 2 buổi/ngày cho các lớp học bán trú ở cấp tiểu học còn thiếu so với yêu cầu đặt ra; hệ thống phòng học bộ môn, nhà đa chức năng, phòng thiết bị, thư viện... còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa đúng quy cách... Công trình nước sạch và nhà vệ sinh cho học sinh tại nhiều trường mầm non và phổ thông đã xuống cấp, hư hỏng; nhiều điểm trường chưa có nguồn nước đảm bảo hợp vệ sinh; đặc biệt nhiều trường, điểm trưởng ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có tỷ lệ phòng học kiên cố còn thấp, nhà ở công vụ cho giáo viên còn tạm và thiếu, công trình nước sạch và vệ sinh trường học còn thiếu nhiều.

- Thiết bị dạy học tối thiểu, đồ dùng, đồ chơi được trang bị cho các trường mầm non và phổ thông hiện nay còn thiếu nhiều, hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 47% so với nhu cầu, nhất là thiết bị đồ chơi ngoài trời đối với cấp học mầm non. Một số thiết bị đưa vào sử dụng đã lâu, đến nay đã hư hỏng, tiêu hao nhiều, nhiều thiết bị dạy học đã lạc hậu không thể tiếp tục sử dụng được; nhiều thiết bị dạy học đã quá hạn sử dụng. Ngoài ra do ảnh hưởng của các đợt thiên tai gây thiệt lớn, làm hư hỏng nhiều thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi.

- Thiết bị phòng học bộ môn của giáo dục phổ thông hiện tại đã cũ, hư hỏng nhiều, chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu phục vụ dạy và học; các thiết bị dạy học như máy tính, máy chiếu, thiết bị âm thanh phòng Lab phục vụ học ngoại ngữ, phòng máy vi tính và các phòng bộ môn khác chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu tối thiểu.

- Ngoài ra, trong chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều môn học mới được bổ sung bắt buộc trong các cấp học như: Tin học và công nghệ lớp 3, 4, 5 ở cấp tiểu học, lớp 6, 7, 8, 9 ở cấp THCS; hoạt động trải nghiệm; giáo dục địa phương; môn Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THPT. Do đó, cần phải bổ sung thiết bị dạy cho các môn học mới theo yêu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới.

2.1. Giáo dục mầm non

- Về cơ sở vật chất trường học: Hiện có 1.970 phòng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ và giáo dục trẻ, trong đó 1.343 phòng học kiên cố, đạt tỷ lệ kiên cố 68%; 555 phòng bán kiên cố, chiếm tỷ lệ 28,1%; 97 phòng học tạm/nhờ, chiếm tỷ lệ 4,9%; Có 29 phòng giáo dục thể chất, đáp ứng 16,5% nhu cầu; 93 phòng giáo dục nghệ thuật; 315 nhà bếp, đáp ứng 76% nhu cầu; 616 nhà kho, đáp ứng 74% nhu cầu (chi tiết tại Phụ lục 01).

- Về thiết bị dạy học: Hiện có 1.924 bộ thiết bị dạy học tối thiểu, 244 bộ đồ chơi ngoài trời, 150 bộ thiết bị chuyên dùng khác. Nhìn chung, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và đồ chơi ngoài trời phục vụ giáo dục mầm non còn thiếu, trang bị đã lâu, hư hỏng và xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu phục vụ dạy và học (trung bình đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tối thiểu), các thiết bị chuyên dụng khác như máy vi tính phục vụ công tác quản lý, máy chiếu, tivi, thiết bị âm thanh ở các trường, các điểm trường khu vực miền núi, các khu vực kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn còn thiếu nhiều (chi tiết tại Phụ lục 06).

2.2. Giáo dục tiểu học

- Về cơ sở vật chất trường học: Hiện có 2.967 phòng học văn hóa, trong đó có 2.952 phòng học kiên cố hóa, đạt tỷ lệ 82,6%; 481 phòng học bán kiên cố, chiếm tỷ lệ 16,2%; vẫn còn 38 phòng học tạm (phòng học đã xuống cấp), chiếm tỷ lệ 1,2%.

Có 424 phòng học bộ môn (bao gồm phòng giáo dục thể chất, phòng giáo dục nghệ thuật, phòng tin học, phòng ngoại ngữ; bình quân đạt 1,62 phòng/trường, 0,12 phòng/lớp); có 72 trường tiểu học chưa có phòng học ngoại ngữ chuyên dụng, nhiều trường tiểu học chưa có phòng học Tin học; có 172 phòng Thư viện, 13 phòng hỗ trợ giáo dục khuyết tật học hòa nhập (chi tiết tại Phụ lục 02).

- Về thiết bị dạy học: Thiết bị phòng học bộ môn cấp tiểu học chủ yếu là thiết bị dạy học ngoại ngữ, giáo dục thể chất, âm nhạc và thiết bị dạy học Tin học. Hiện tại thiết bị dạy học bộ môn, bàn ghế rời hai chỗ ngồi và thiết bị dạy học tối thiểu các lớp chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu phục vụ dạy và học; các thiết bị chuyên dụng khác phục vụ dạy học như máy tính phục vụ công tác quản lý, máy chiếu, thiết bị âm thanh phòng Lab phục vụ học ngoại ngữ, phòng máy vi tính chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tối thiểu. Giáo dục Tiểu học toàn tỉnh trong thời gian tới cần tăng cường trang bị các thiết bị phòng tin học, ngoại ngữ, thiết bị bàn ghế học sinh 02 chỗ ngồi và thiết bị dạy học tối thiểu để đáp ứng yêu cầu dạy và học (chi tiết tại Phụ lục 07).

2.3. Giáo dục trung học cơ sở (THCS)

- Về cơ sở vật chất trường học: cấp THCS có 1.424 phòng học trong đó có 1.300 phòng học kiên cố, đạt tỷ lệ 91,3%; 118 phòng học bán kiên cố, chiếm tỷ lệ 9,1%; 10 phòng học tạm (phòng học xuống cấp), chiếm tỷ lệ 0,7%. Có 654 phòng học bộ môn (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngoại ngữ, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật (bình quân 3,9 phòng/trường, 0,4 phòng/lớp); có 166 phòng Thư viện và 102 phòng chuẩn bị. Có 90 trường THCS chưa có phòng học ngoại ngữ chuyên dụng và 15 trường THCS chưa có phòng học bộ môn Tin học. Nhìn chung phòng học bộ môn còn thiếu, tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp ở các điểm trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn còn thấp (chi tiết tại Phụ lục 03).

- Về thiết bị dạy học: Thiết bị dạy học tối thiểu cấp THCS hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 45,5% so với nhu cầu dạy học (Thiết bị tối thiểu lớp 6 có 200 bộ, lớp 7 có 203 bộ, lớp 8 có 213 bộ, lớp 9 có 241 bộ). Các thiết bị phòng học bộ môn còn thiếu nhiều chỉ đáp ứng khoảng 43% nhu cầu tối thiểu. Bàn ghế 2 học sinh chỗ rời, máy vi tính phục vụ đổi mới chương trình giáo dục cấp THCS chỉ mới đáp ứng khoảng 65% nhu cầu tối thiểu (chi tiết tại Phụ lục 08).

2.4. Giáo dục trung học phổ thông (THPT)

- Về cơ sở vật chất trường học: Hiện có 723 phòng học, trong đó có 670 phòng học kiên cố hóa, đạt tỷ lệ 92,7%; 44 phòng học bán kiên cố, chiếm tỷ lệ 6,1%; 8 phòng học tạm (phòng học xuống cấp), chiếm tỷ lệ 1,1%; Có 194 phòng học bộ môn (31 phòng Vật lý, 34 phòng Hóa học, 29 phòng sinh học, 66 phòng Tin học, 29 phòng ngoại ngữ, 03 phòng công nghệ và 02 phòng âm nhạc (bình quân 5,9 phòng/trường, 0,24 phòng/lớp). Tỷ lệ kiên cố hoá phòng học bộ môn đạt 96,7%. 100% trường THPT tuy đã có phòng học bộ môn Tin học nhưng vẫn chưa đáp ứng so với nhu cầu học tập của học sinh; 100% trường có thư viện; tỷ lệ thư viện đạt chuẩn trở lên đạt 94,6% (chi tiết tại Phụ lục 04).

- Về thiết bị dạy học: Thiết bị dạy học tối thiểu cấp THPT hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 48% so với nhu cầu (có 56 bộ thiết bị dạy học tối thiểu lớp 10, 55 bộ lớp 11, 91 bộ lớp 12); Thiết bị phòng học bộ môn phục vụ dạy và học mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu tối thiểu; máy tính, bàn ghế 02 chỗ ngồi chỉ mới đáp ứng khoảng hơn 67% nhu cầu tối thiểu, nhiều trường còn thiếu máy tính phục vụ dạy và học môn Tin học; còn 6 trường có 1 phòng máy tính nên chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu (chi tiết tại Phụ lục 09).

III. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu chung

Bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025 và theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, gồm:

- Tiếp tục thực hiện xây dựng thay thế phòng học nhờ, mượn, phòng học tạm, phòng học bán kiên cố đã hết niên hạn sử dụng, đang xuống cấp;

- Đầu tư xây dựng bổ sung phòng học đạt chuẩn 01 lớp/01 phòng cấp mầm non và tiểu học; đủ số phòng phục vụ học tập, phòng bộ môn và thư viện cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông;

- Mua sắm bổ sung đủ thiết bị dạy học tối thiểu cho giáo dục mầm non và phổ thông, ưu tiên cho các cấp học phổ thông theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

2. Mục tiêu cụ thể

- Giáo dục mầm non: Mỗi nhóm lớp có 01 phòng sinh hoạt chung (phòng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ và giáo dục trẻ), có công trình vệ sinh và các thiết bị phục vụ dạy học; mỗi trường có 01 phòng để tổ chức hoạt động giáo dục thể chất, 01 phòng giáo dục nghệ thuật; có các thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi đáp ứng tối thiểu theo quy định; mỗi điểm trường có tối thiểu 5 thiết bị đồ chơi ngoài trời; có nhà bếp, nhà ăn, nhà kho phục vụ nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc trẻ.

- Giáo dục tiểu học: Bảo đảm mỗi lớp có một phòng học riêng, có đủ bàn ghế phù hợp với tầm vóc của học sinh. Mỗi trường có 01 phòng giáo dục thể chất; 01 phòng giáo dục nghệ thuật, 01 phòng học tin học, 01 phòng học ngoại ngữ, 01 phòng thiết bị giáo dục, 01 thư viện và phòng hỗ trợ giáo dục khuyết tật học hòa nhập; có đủ thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo quy định.

- Giáo dục trung học cơ sở: bảo đảm mỗi lớp có tối thiểu 01 phòng học riêng, có đủ bàn ghế phù hợp với tầm vóc học sinh và các thiết bị phục vụ dạy học. Mỗi trường có 01 phòng học bộ môn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học...), 01 phòng học bộ môn công nghệ, 01 phòng tin học, 01 phòng học ngoại ngữ, 01 phòng giáo dục nghệ thuật. Có đủ thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo quy định.

- Giáo dục trung học phổ thông: bảo đảm mỗi lớp có tối thiểu 01 phòng học riêng, có đủ bàn ghế phù hợp với tầm vóc học sinh và các thiết bị phục vụ dạy học. Mỗi trường có tối thiểu 01 phòng học bộ môn Vật lý, 01 phòng học bộ môn Hóa học, 01 phòng học bộ môn Sinh học, 01 phòng học bộ môn Công nghệ, 02 phòng Tin học, 01 phòng học Ngoại ngữ, 01 phòng giáo dục Nghệ thuật. Đối với các trường có 28 lớp trở lên có thêm phòng 01 học bộ môn Vật lý, 01 phòng học bộ môn Hóa học, 01 phòng học bộ môn Sinh học, 01 phòng Tin học, 01 phòng học Ngoại ngữ. Có đủ thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo quy định.

- Ưu tiên phát triển cơ sở vật chất trường, lớp, thiết bị dạy học tối thiểu, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị phục vụ bán trú... cho các trường vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, các trường có tổ chức bán trú, dạy học 2 buổi/ngày.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học

- Giáo dục mầm non: Đầu tư xây mới 457 phòng phòng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ và giáo dục trẻ, 149 phòng giáo dục thể chất, 115 phòng giáo dục nghệ thuật, 100 nhà bếp, 208 nhà kho; sửa chữa 160 phòng bồi dưỡng chăm sóc trẻ, 06 phòng giáo dục thể chất, 12 phòng giáo dục nghệ thuật, 56 nhà bếp, 14 nhà kho (chi tiết tại Phụ lục số 01 và 05).

- Giáo dục tiểu học: Đầu tư xây mới 425 phòng học, 179 phòng giáo dục thể chất, 155 phòng giáo dục nghệ thuật, 56 phòng tin học, 99 phòng ngoại ngữ, 100 phòng thiết bị giáo dục, 129 phòng hỗ trợ giáo dục khuyết tật học hòa nhập, 50 phòng thư viện; sửa chữa 171 phòng học, 04 phòng giáo dục thể chất, 06 phòng giáo dục nghệ thuật, 15 phòng tin học, 08 phòng ngoại ngữ, 215 phòng thiết bị giáo dục, 20 thư viện (chi tiết tại Phụ lục số 02 và 05).

- Giáo dục trung học cơ sở: Đầu tư xây mới 231 phòng học, 614 phòng học bộ môn ( 68 phòng bộ môn Vật lý, 65 phòng Hóa học, 81 phòng Sinh học, 31 phòng Tin học, 66 phòng Ngoại ngữ, 108 phòng Công nghệ, 87 phòng Âm nhạc, 108 phòng Mỹ thuật); Sửa chữa 216 phòng học, 133 phòng học bộ môn; xây dựng bổ sung 41 thư viện, 138 phòng chuẩn bị; sửa chữa 25 thư viện và 06 phòng chuẩn bị (chi tiết tại Phụ lục 03 và 05).

- Giáo dục trung học phổ thông: Đầu tư xây mới 191 phòng học, 165 phòng học bộ môn (17 phòng Vật lý, 16 phòng Hóa học, 20 phòng Sinh học, 26 phòng Tin học, 23 phòng Ngoại ngữ, 28 phòng Công nghệ, 17 phòng âm nhạc, 18 phòng nghệ thuật); Đầu tư xây dựng bổ sung 15 thư viện, 61 phòng chuẩn bị, 15 nhà tập đa năng; Sửa chữa 228 phòng học, 58 phòng bộ môn, 10 thư viện và 05 nhà tập đa năng (chi tiết tại Phụ lục số 04 và 05).

+ Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

+ Cơ quan phối hợp: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

+ Thời gian thực hiện: Thực hiện đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình thuộc Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của tỉnh được phê duyệt, đồng thời đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu Chính phủ hỗ trợ kinh phí xây dựng các phòng học cấp tiểu học từ nguồn kinh phí dự phòng của Chương trình mục tiêu Quốc gia Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; từ các chương trình, đề án kiên cố hóa và các dự án của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trên cơ sở quy định hiện hành, xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đảm bảo thực hiện các mục tiêu trên của kế hoạch.

2. Đầu tư mua sắm thiết bị dạy học

- Giáo dục mầm non: Mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu và thiết bị đồ dùng, đồ chơi ngoài trời để đảm bảo các nhóm (lớp) có đủ danh mục thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định; mua sắm, bổ sung 743 bộ thiết bị dạy học tối thiểu, 351 bộ đồ chơi ngoài trời, 600 bộ thiết bị chuyên dụng khác (chi tiết tại Phụ lục 06 và 10).

- Giáo dục tiểu học: Mua sắm bổ sung thiết bị dạy học đảm bảo có đủ thiết bị dạy học tối thiểu lớp từ lớp 1 đến lớp 5 theo quy định và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; mua sắm bổ sung 11.808 bộ bàn ghế; 2.267 máy vi tính, 157 bộ thiết bị phòng dạy học ngoại ngữ, 136 bộ thiết bị chuyên dùng khác (chi tiết tại Phụ lục 07 và 10).

- Giáo dục trung học cơ sở: Mua sắm bổ sung thiết bị dạy học đảm bảo có đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; mua sắm, bổ sung 1.581 bộ thiết bị phòng học bộ môn, 8.586 bộ bàn ghế, 2.090 máy vi tính, 117 bộ thiết bị phòng dạy học ngoại ngữ, 166 bộ thiết bị chuyên dụng khác (chi tiết tại Phụ lục 08 và 10).

- Giáo dục trung học phổ thông: Mua sắm bổ sung thiết bị dạy học đảm bảo có đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định; mua sắm, bổ sung 184 bộ thiết bị phòng học bộ môn, 6.428 bộ bàn ghế, 1.067 máy vi tính, 28 bộ thiết bị phòng dạy học ngoại ngữ, 34 bộ thiết bị chuyên dụng khác (chi tiết tại Phụ lục 09 và 10).

- Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tổ chức mua sắm thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, trang bị cho các đơn vị đối với nguồn kinh phí được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh. Các Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính và các cơ quan liên quan tổ chức mua sắm thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, trang bị cho các đơn vị từ nguồn ngân sách huyện. Các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông tổ chức mua sắm thiết bị dạy học từ nguồn ngân sách được giao trong dự toán chi thường xuyên của đơn vị, ngân sách xã hỗ trợ, nguồn xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác; tổ chức phong trào tự làm thiết bị, đồ dùng dạy học.

3. Tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho trường học

Cân đối, bố trí phù hợp nguồn vốn ngân sách địa phương đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục; lồng ghép hỗ trợ thực hiện Kế hoạch thông qua chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu của ngành giáo dục và các chương trình, đề án, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương đáp ứng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch.

Tổng hợp, cân đối các nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện Kế hoạch, ưu tiên đầu tư cấp học mầm non, tiểu học và bảo đảm thiết bị tối thiểu theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa; ưu tiên các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhất là các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Huy động tối đa mọi nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa; huy động các nguồn vốn trong dân cư, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tài trợ, góp vốn xây dựng, hiến đất, cho vay vốn đầu tư; Phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập góp phần giải quyết nhu cầu về đầu tư cơ sở vật chất các trường học.

Tổ chức thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án thuộc lĩnh vực giáo dục để phát huy tổng hợp các nguồn lực nhằm phát triển cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông như: Kế hoạch đầu tư công của tỉnh giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; Chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2,... Trên cơ sở thực trạng cơ sở vật chất trường học của tỉnh, khả năng cân đối các nguồn vốn, chú trọng đầu tư xây dựng bổ sung CSVC trường phổ thông còn thiếu, nhất là phòng học văn hóa và phòng học bộ môn, nhà vệ sinh, thư viện, phòng chức năng và thiết bị dạy học tối thiểu để triển khai thực hiện có hiệu quả, phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các trường phổ thông phát huy sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Phát huy tính chủ động, tự chủ của nhà trường trong việc huy động nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông; tránh tình trạng thụ động, trông chờ sự đầu tư từ cấp trên.

4. Thời gian thực hiện mua sắm thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi

- Đối với giáo dục mầm non: Tiếp tục rà soát, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu, đồ dùng, đồ chơi cho các đơn vị còn thiếu, bảo đảm yêu cầu tối thiểu phục vụ dạy và học trong giai đoạn 2021-2025.

- Đối với giáo dục phổ thông: Năm học 2020-2021, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 và lớp 2, lớp 6 (theo kế hoạch đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo), mua sắm bổ sung bàn ghế, máy vi tính, thiết bị phòng học bộ môn, thiết bị phòng học ngoại ngữ. Giai đoạn 2021-2025, tiếp tục mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu lớp 3, 4, 5 và lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12 theo lộ trình, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; mua sắm bổ sung bàn ghế, máy vi tính, thiết bị phòng học bộ môn, thiết bị phòng học ngoại ngữ.

V. DỰ TOÁN VÀ NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Tổng nhu cầu kinh phí

Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Kế hoạch là: 2.588 tỷ đồng, trong đó:

- Đầu tư CSVC trường học: 1.873 tỷ đồng (chi tiết tại Phụ lục 05)

- Mua sắm trang thiết bị: 715 tỷ đồng (chi tiết tại Phụ lục 10), trong đó:

+ Năm 2021:163.768 triệu đồng

+ Năm 2022: 166.105 triệu đồng

+ Năm 2023: 169.781 triệu đồng

+ Năm 2024: 118.384 triệu đồng

+ Năm 2025: 96.465 triệu đồng

2. Nguồn kinh phí

- Ngân sách nhà nước đầu tư: Nguồn kinh phí đầu tư công của tỉnh; trái phiếu Chính phủ; các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, đề án, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và nguồn đầu tư khác;

- Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương cho sự nghiệp giáo dục (chi sự nghiệp giáo dục đào tạo);

- Nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, căn cứ nội dung Kế hoạch được phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch; hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc các địa phương và các cơ quan liên quan thực hiện Kế hoạch này.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu cơ chế huy động nguồn vốn để thực hiện Kế hoạch.

- Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 phù hợp với mục tiêu và nhiệm vụ của kế hoạch; phối hợp với Sở Tài chính xây dựng dự toán kinh phí hàng năm để thực hiện mua sắm, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ thực hiện chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông mới; phối hợp với Sở Xây dựng trong quản lý thiết kế, quản lý chất lượng công trình xây dựng, đảm bảo các công trình được xây dựng đúng chuẩn, phục vụ có hiệu quả cho công tác dạy học.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và hướng dẫn các địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông trên địa bàn:

+ Rà soát, điều chỉnh, sắp xếp việc sử dụng CSVC, thiết bị dạy học hiện có một cách hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng trong nhà trường; tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng các công trình trường học, thiết bị dạy học, quỹ đất, xác định nhu cầu đầu tư, mua sắm bổ sung, sửa chữa, bảo trì... theo quy định. Huy động các nguồn lực để tăng trưởng CSVC, thiết bị dạy học. Tham gia giám sát trong quá trình đầu tư xây dựng, mua sắm, bảo đảm các công trình xây dựng, thiết bị mua sắm phù hợp với nhu cầu thực tế phục vụ có hiệu quả nhất công tác dạy học của nhà trường.

+ Tiếp nhận, khai thác sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất được trang bị. Rà soát, lập kế hoạch mua sắm bổ sung các thiết bị còn thiếu, bảo đảm chất lượng, số lượng và kịp thời. Tổ chức phong trào tự làm thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục.

- Định kỳ 6 tháng và hàng năm có sơ kết, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch về UBND tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhu cầu nguồn vốn đầu tư và đề nghị bố trí vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025 của Chính phủ.

- Chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố xác định nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất trường học để tham mưu UBND tỉnh có kế hoạch đầu tư phù hợp, hiệu quả nhằm bảo đảm CSVC cho chương trình giáo dục mầm non và phổ thông giai đoạn 2021-2025; chú trọng phát triển CSVC các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các địa phương kinh tế phát triển chậm, các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai.

- Rà soát, cân đối, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư để thực hiện kế hoạch thông qua các chương trình, đề án, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cân đối, bố trí nguồn đầu tư công thuộc ngân sách địa phương tham mưu UBND tỉnh bảo đảm đủ nguồn vốn đáp ứng việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch.

- Đổi mới cơ chế, chính sách phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập góp phần giải quyết các nhu cầu về đầu tư cơ sở vật chất các trường học. Huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn vốn của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tài trợ, góp vốn xây dựng, hiến đất, cho vay vốn đầu tư.

3. Sở Tài chính

- Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, xác định nhu cầu vốn sửa chữa, mua sắm bổ sung thiết bị để thực hiện chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh; tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước giai đoạn và hàng năm để thực hiện kế hoạch; tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo để cân đối, bố trí nguồn kinh phí trung ương cho sự nghiệp giáo dục hỗ trợ địa phương.

- Hàng năm căn cứ khả năng cân đối ngân sách để bố trí kinh phí mua sắm bổ sung thiết bị phục vụ thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông mới theo kế hoạch đã được phê duyệt.

4. Sở Xây dựng

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý chất lượng công trình xây dựng đảm bảo các công trình được đầu tư xây dựng đúng theo chuẩn quy định. Tham mưu phê duyệt thiết kế mẫu bản vẽ thiết kế thi công và dự toán khối lượng phần thân các công trình trường học trên địa bàn tỉnh phù hợp với các vùng miền, địa phương.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp với các địa phương tham mưu bố trí quỹ đất, đảm bảo đủ định mức tối thiểu cho các cơ sở giáo dục.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc tổng hợp về mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp và nhu cầu kinh phí thực hiện kế hoạch từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, đề án, dự án khác liên quan đến giáo dục.

- Tham gia kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện kế hoạch gắn với tiêu chí trường học trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, đề án, dự án khác liên quan đến giáo dục.

7. Các sở, ngành cấp tỉnh

Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch.

8. UBND các huyện, thành phố, thị xã

- Chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch trên địa bàn theo quy định về phân công, phân cấp quản lý. Rà soát, hoàn thiện mạng lưới trường, lớp theo quy hoạch đã được phê duyệt. Chủ động phân bổ nguồn vốn đầu tư và tổ chức lồng ghép các nguồn vốn cho các công trình xây dựng thuộc phân cấp của địa phương. Cân đối, bố trí kinh phí mua sắm thiết bị dạy học cho các đơn vị trực thuộc.

- Phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tạo sự đồng thuận trong xã hội để mọi người dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong đầu tư phát triển giáo dục.

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông trực thuộc thực hiện các nhiệm vụ theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch nếu có những vấn đề phát sinh, vướng mắc các cơ quan, đơn vị báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét./.

 


Nơi nhận:
- VP Chính phủ;
- Các Bộ: GDĐT, KH ĐT, TC (b/c);
- HĐND tỉnh (b/c);
- Các ban thuộc HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- LĐ VPUBND tỉnh;
- UBND các huyện, TX,TP;
- P.GD và ĐT các huyện, TX, TP;
- Lưu: VT, KGVX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Tiến Dũng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 803/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Quảng Bình ban hành

  • Số hiệu: 803/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 14/05/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Trần Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/05/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản