Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 150/KH-UBND

An Giang, ngày 02 tháng 4 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN BẢO ĐẢM CƠ SỞ VẬT CHẤT CHO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC MẦM NON VÀ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

Căn cứ Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2017 Điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị Quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

Căn cứ Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025;

Căn cứ Quyết định số 1677/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025;

Căn cứ Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào (GDĐT) tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông;

Căn cứ Công văn số 428/BGDĐT-CSVC ngày 30 tháng 01 năm 2019 của Bộ GDĐT về việc thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025;

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh An Giang xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2020, cụ thể như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

- Bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2020;

- Thực hiện lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị Quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV và Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ GDĐT:

+ Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.

+ Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6.

+ Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

+ Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11.

+ Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

2. Yêu cầu

- Kế hoạch thực hiện phải đánh giá nghiêm túc, khách quan, chính xác, đúng thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị của từng trường, từng cấp học và đáp ứng các nội dung theo yêu cầu của Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025, Quyết định số 1677/QĐ-TTg ngày 03/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025;

- Đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, thỏa mãn yêu cầu ngày càng cao về hưởng thụ giáo dục của xã hội, từng bước học sinh có khả năng tiếp cận với các trường học ở các nước thuộc khu vực;

- Chuẩn hóa, hiện đại hóa về các hoạt động tổ chức và quản lý trường học, cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhằm tạo môi trường giáo dục tương đối đồng đều giữa các địa bàn, tạo cơ hội bình đẳng về điều kiện học tập cho tất cả trẻ em ở các vùng kinh tế - xã hội khác nhau, góp phần khắc phục khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa vùng thành thị và nông thôn;

- Xây dựng nhà trường hoàn chỉnh theo Điều lệ của trường mầm non và phổ thông; tạo môi trường “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, giúp các em được học tập và rèn luyện tốt, phát triển nhân cách toàn diện, trở thành những công dân hữu ích cho xã hội, cho đất nước;

- Huy động nhiều nguồn lực xã hội cùng tham gia vào công tác giáo dục và đào tạo, thực hiện đúng quan điểm “giáo dục là sự nghiệp của toàn dân”, đầu tư cho giáo dục là quốc sách hàng đầu và là đầu tư phát triển.

II. Rà soát, thống kê, xác định nhu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, giai đoạn 2017-2020

1. Kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học:

a) Đối với giáo dục mầm non

- Kiên cố hóa trường, lớp học, giai đoạn 2017-2020: Đầu tư xây dựng 12 điểm trường, 42 phòng học thay thế các phòng học tạm thời.

- Xây dựng bổ sung (Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các công trình xây dựng chống xuống cấp, bức xúc... ngân sách địa phương đầu tư):

+ Phòng học: 503 phòng;

+ Phòng giáo dục thể chất: 58 phòng;

+ Phòng giáo dục nghệ thuật: 64 phòng;

+ Nhà bếp: 67 nhà;

+ Nhà kho: 67 nhà.

- Mua sắm bổ sung:

+ Thiết bị dạy học tối thiểu: 747 bộ;

+ Thiết bị đồ chơi ngoài trời: 150 bộ.

b) Đối với giáo dục tiểu học

- Kiên cố hóa trường, lớp học: Đầu tư xây dựng 16 điểm, 67 phòng học thay thế các phòng học tạm thời.

- Xây dựng bổ sung (Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các công trình xây dựng chống xuống cấp, bức xúc... ngân sách địa phương đầu tư):

+ Phòng học: 741 phòng;

+ Phòng giáo dục thể chất: 115 phòng;

+ Phòng giáo dục nghệ thuật: 119 phòng;

+ Phòng Tin học: 91 phòng;

+ Phòng Ngoại ngữ: 117 phòng;

+ Phòng Thiết bị giáo dục: 104 phòng;

+ Phòng hỗ trợ giáo dục khuyết tật học hòa nhập: 22 phòng;

+ Phòng Thư viện: 101 phòng.

- Mua sắm bổ sung:

+ Thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 1: 0 bộ;

+ Thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 2: 0 bộ;

+ Bàn ghế hai chỗ ngồi: 16.988 bộ;

+ Máy tính: 1.445 bộ;

+ Thiết bị phòng học ngoại ngữ: 149 bộ.

c) Đối với giáo dục trung học cơ sở

- Xây dựng bổ sung (Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các công trình xây dựng chống xuống cấp, bức xúc... ngân sách địa phương đầu tư):

+ Phòng học bộ môn: 341 phòng;

+ Phòng chuẩn bị: 170 phòng;

+ Phòng Thư viện: 60 phòng.

- Mua sắm bổ sung:

+ Thiết thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 6: 0 bộ;

+ Thiết bị phòng học bộ môn: 275 bộ;

+ Bàn ghế 2 chỗ ngồi: 11.757 bộ;

+ Máy tính: 1.372 bộ;

+ Thiết bị phòng học ngoại ngữ: 149 bộ.

d) Đối với giáo dục trung học phổ thông

- Xây dựng bổ sung (Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các công trình xây dựng chống xuống cấp, bức xúc... ngân sách địa phương đầu tư):

+ Phòng học bộ môn: 80 phòng;

+ Phòng chuẩn bị: 69 phòng;

+ Thư viện: 13 phòng.

- Mua sắm bổ sung:

+ Thiết bị phòng học bộ môn: 64 bộ;

+ Bàn ghế 2 chỗ ngồi: 8.855 bộ;

+ Máy tính: 1.520 bộ;

+ Thiết bị phòng học ngoại ngữ: 18 phòng.

2. Kinh phí thực hiện giai đoạn 2017-2020:

- Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 để thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học, đầu tư xây dựng 28 điểm trường, 109 phòng học, cho 4 huyện An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn và Tân Châu. Vốn trái phiếu Chính phủ 60.300 triệu đồng. Tiến độ thực hiện hoàn thành trong năm 2019.

- Nguồn vốn hỗ trợ thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020: 30.000 triệu đồng (bình quân 4 năm qua Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới phân bổ trên 5 tỷ đồng/năm để mua sắm thiết bị trang cấp cho các trường mầm non, mẫu giáo).

- Ngân sách địa phương (xã, huyện, tỉnh): 3.302.563 triệu đồng.

- Nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác: 9.095 triệu đồng.

(Kèm Biểu số 1)

III. Thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học

1. Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và quy mô phát triển giáo dục của địa phương.

- Đề án quy hoạch mạng lưới của ngành GDĐT tỉnh An Giang được phê duyệt thực hiện từ năm 2008 với hệ thống điểm trường trải rộng khắp trên địa bàn 156 xã, phường, thị trấn; đặc biệt, trong đó có hệ thống nhiều điểm lẻ để phục vụ cho nhu cầu học tập của con em vùng sâu, vùng xa. Hệ thống trường lớp các cấp, ngành học từ mầm non đến phổ thông đã phủ khắp 156/156 xã, phường, thị trấn bước đầu đáp ứng mục tiêu phổ cập giáo dục; 51 trường trung học phổ thông đóng tại các trung tâm huyện, thị, thành phố, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập nâng cao dân trí.

- Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ nhiệt tình của các sở, ngành cấp tỉnh, cũng như của UBND các huyện, thị, thành phố trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch. Quy hoạch là căn cứ để định hướng, các địa phương trong tỉnh luôn linh hoạt điều chỉnh từng năm cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương không cứng nhắc.

- Từ cuối năm học 2014-2015, cùng với sự đầu tư của tỉnh và của Trung ương (Chương trình mục tiêu quốc gia), ngành GDĐT tập trung triển khai điều chỉnh hợp lý mạng lưới trường, lớp học, trong đó đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp kiên cố, đạt chuẩn; từng bước xóa dần và sáp nhập các điểm lẻ vào điểm chính.

- Tiếp tục thực hiện giai đoạn 2021-2025 cập nhật rà soát sắp xếp, điều chỉnh sáp nhập lại hệ thống trường lớp các cấp học có quy mô nhỏ, lẻ không hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục theo Đề án thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Bảo đảm quỹ đất để xây dựng các cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường, lớp học.

Trong quy hoạch đảm bảo quỹ đất đạt diện tích tối thiểu để xây dựng các cơ sở giáo dục:

- Giáo dục mầm non:

+ Đối với khu vực thành phố, thị xã: 8 m2/trẻ;

+ Đối với khu vực nông thôn, miền núi: 12 m2/trẻ.

- Tiểu học, trung học:

+ Đối với khu vực thành phố, thị xã: 6 m2/trẻ;

+ Đối với khu vực nông thôn, miền núi: 10 m2/trẻ.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, các phòng GDĐT xây dựng kế hoạch triển khai phương án quy hoạch đầu tư, báo cáo số liệu cơ sở vật chất, thiết bị hiện có giai đoạn 2017-2020 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và quy hoạch phát triển đến năm 2025;

- Chủ trì, phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng cùng với các địa phương huyện, thị xã, thành phố tổ chức khảo sát đúng mục tiêu đầu tư và nội dung yêu cầu danh mục đầu tư giai đoạn 2021-2025;

- Tổng hợp danh mục đầu tư trên phạm vi toàn tỉnh, phối hợp làm việc với sở, ngành liên quan thống nhất số liệu đầu tư giai đoạn 2021-2025 trình UBND tỉnh phê duyệt;

- Sở GDĐT là đơn vị đầu mối, chủ trì tổng hợp, đề xuất phương án đầu tư, triển khai thực hiện, kiểm tra đánh giá, định kỳ báo cáo UBND tỉnh, Bộ GDĐT.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp với Sở Tài chính cân đối nguồn vốn ngân sách, tham mưu cấp thẩm quyền bố trí vốn đầu tư, đảm bảo việc triển khai đúng tiến độ, lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới;

- Tổ chức kiểm tra, giám sát công tác đầu tư xây dựng công trình trường học, thực hiện đúng quy định về đầu tư công.

3. Sở Xây dựng

- Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; thẩm định, phê duyệt (theo ủy quyền) thiết kế - dự toán bước hai công trình xây dựng trường học đảm bảo tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia, phục vụ đúng yêu cầu chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017- 2020 và tiến tới giai đoạn 2021-2025;

- Chủ trì và phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất các phương án xây dựng trường học đảm bảo tính hiện đại, tiết kiệm, phục vụ tốt việc học tập của học sinh; rà soát (nếu cần thiết) thiết kế mẫu của các hạng mục công trình (thiết kế điển hình) để áp dụng đại trà nhằm tiết kiệm giảm chi phí tư vấn đầu tư;

- Tổ chức kiểm tra việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng về công tác đảm bảo chất lượng, an toàn công trình theo đúng quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình.

4. Sở Tài chính

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở GDĐT tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn theo phân kỳ đầu tư để triển khai thực hiện.

- Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và quyết toán nguồn kinh phí đầu tư xây dựng đúng mục đích, có hiệu quả.

5. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố

- Chuẩn bị kế hoạch cân đối nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phục vụ kế hoạch Đề án;

- Làm chủ đầu tư thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở theo phân cấp quản lý;

- Chỉ đạo các Phòng GDĐT, các trường THPT xây dựng kế hoạch triển khai chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2020 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và giai đoạn 2021-2025. Có kế hoạch tạo quỹ đất cho giáo dục trong giai đoạn đầu tư 2021-2025 và một số năm tiếp theo.

6. Các Phòng GDĐT, trường trực thuộc Sở GDĐT

- Phòng Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn các trường trực thuộc báo cáo theo các Biểu mẫu theo yêu cầu và phòng GDĐT tổng hợp, trình UBND huyện, thị xã, thành phố phê duyệt và chịu trách nhiệm thông qua các biểu mẫu khi Đoàn Khảo sát tỉnh đến làm việc tại huyện, thị xã, thành phố (sẽ có hướng dẫn riêng của Sở GDĐT).

- Các trường trực thuộc Sở GDĐT báo cáo theo Biểu mẫu theo yêu cầu và trình UBND huyện, thị xã, thành phố phê duyệt và chịu trách nhiệm thông qua các biểu mẫu khi Đoàn Khảo sát tỉnh đến làm việc tại huyện, thị xã, thành phố (sẽ có hướng dẫn riêng của Sở GDĐT).

Đối với kế hoạch chuyên môn thực hiện nội dung thay sách theo Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025, tỉnh sẽ có kế hoạch chi tiết riêng.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh An Giang./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- TT.UBND tỉnh;
- Các Sở: GDĐT, KH&ĐT, TC, XD;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo VP.UBND tỉnh;
- Phòng: KGVX, KTTH, TH;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ. CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình

 

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 150/KH-UBND năm 2019 thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2020 do tỉnh An Giang ban hành

  • Số hiệu: 150/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 02/04/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Nguyễn Thanh Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/04/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản