Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 62/KH-UBND | Thanh Hóa, ngày 23 tháng 03 năm 2018 |
CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH THANH HÓA, GIAI ĐOẠN 2018 - 2020
Căn cứ Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020; Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 20/4/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; Quyết định số 287-QĐ/TU ngày 27/5/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016 - 2020; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018 - 2020, cụ thể như sau:
A. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2014 - 2017
I. QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Chỉ thị số 2039/CT-BNN-KH ngày 20/6/2013 về triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì tham mưu xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngày 20/4/2015, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Tỉnh Ủy ban hành Kế hoạch số 107-KH/TU ngày 15/7/2015 về tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết số 16-NQ/TU. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2320/QĐ-UBND ngày 24/6/2015 về Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU. Các sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng, ban hành Nghị quyết hoặc Kế hoạch triển khai Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU; tổ chức quán triệt, tuyên truyền thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.
Tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản thời kỳ 2014 - 2017 là 3,0%. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng lên từ 36,2 nghìn tỷ năm 2014 lên 37,7 nghìn tỷ năm 2017, tăng 4,1%; cơ cấu nông nghiệp giảm từ 77,5% năm 2014 xuống còn 72,5% năm 2017; lâm nghiệp và thủy sản tăng lên từ 5,9% lên 7,1 % và 16,6% lên 20,3%.
1. Cơ cấu lại trong các lĩnh vực của ngành
1.1. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững:
- Trồng trọt: Thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ; chuyển đổi 14.806 ha đất lúa và 4,625 ha đất mía kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có giá trị cao hơn; tập trung phát triển 07 sản phẩm có lợi thế: diện tích % gieo trồng lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao đạt 132.000 ha; ngô thâm canh 8.370 ha; rau an toàn 425,5 ha; mía thâm canh 7,350 ha, cây ăn quả 2,556; hoa, cây cảnh 401 ha; cây làm thức ăn chăn nuôi 3.578 ha.
- Chăn nuôi: Nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn, bền vững. Chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm vật tư đầu vào (đàn giống, thức ăn, phụ gia bổ sung,...) và sản phẩm chăn nuôi được quản lý chặt chẽ hơn. Tập trung phát triển 05 sản phẩm có lợi thế: Bò sữa 6.500 con, bò thịt chất lượng cao 17,15 nghìn con, lợn hướng nạc 345 nghìn con, gà lông màu 5,8 triệu con, con nuôi đặc sản 791,75 nghìn con.
- Lâm nghiệp: Đã hoàn thành việc rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng theo hướng tăng diện tích rừng sản xuất, đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế rừng ngày càng được cải thiện và nâng cao. Các sản phẩm lợi thế được chú trọng, tập trung phát triển: rừng gỗ lớn 40.500 ha; khai thác dược liệu dưới tán rừng tự nhiên 94.000 ha; quế 650 ha; luồng thâm canh 20.360 ha.
- Thủy sản: Chuyển đổi 880 ha diện tích ruộng trũng sản xuất 01 vụ lúa sang nuôi trồng thủy sản. Đẩy mạnh áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, nuôi trồng thủy sản có chứng nhận; phát triển các vùng nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với yêu cầu của thị trường; chuyển dịch sang các đối tượng nuôi có giá trị cao và xuất khẩu. Cơ cấu khai thác thủy sản chuyển dịch tích cực, chuyển từ khai thác ven bờ sang khai thác xa bờ, sử dụng các phương tiện, máy móc hiện đại nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế: tôm chân trắng 260 ha; ngao 1.500 ha; cá rô phi 30 ha; sản phẩm hải sản khai thác 171.509 tấn.
12. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn:
- Khuyến khích tích tụ ruộng đất theo quy định của pháp luật; phát triển sản xuất trồng trọt gắn với chế biến và xác định rõ một số vùng nguyên liệu tập trung cho các nhà máy chế biến, như: lúa thâm canh 132.000 ha, mía 25.500 ha, sắn 9.860 ha, sản xuất hạt giống lúa lai F1 685,5 ha, cao su 17.735 ha, cói 3.300 ha,... Xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả cao như: sản xuất hạt giống lúa lai F1 từ 550 - 750 ha/năm; sản xuất giống lúa thuần đạt gần 3.000 ha/năm; mô hình sản xuất mía thâm canh đạt 7.350 ha, trong đó diện tích mía thâm canh cao áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đạt 1.464,8 ha; mô hình ứng dụng ngô biến đổi gen, quy mô 50 ha tại huyện Thọ Xuân; mô hình sản xuất lúa hữu cơ 283 ha của Công ty CP Mía đường Lam Sơn; mô hình liên kết sản xuất khoai tây gần 1.000 ha của Công ty An Việt tại các huyện Hoang Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Triệu Sơn,...; mô hình liên kết sản xuất rau quả tại các huyện Hậu Lộc, Yên Định, Hoằng Hóa,... đạt trên 5.000 ha/năm.
- Trong chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chuyển mạnh sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao (nhất là phát triển trang trại. Đã thu hút và triển khai thực hiện các dự án chăn nuôi quy mô lớn, như: Công ty cổ phần phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đã xây dựng Trại bò Thanh Hóa 2 tại Phú Nhuận, Như Thanh; Công ty TNHH bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa xây dựng các trang trại bò sữa quy mô 16.000 con; Công ty CP ứng dụng công nghệ cao Nông nghiệp và thực phẩm sữa TH đầu tư dự án bò sữa với quy mô 20.000 con; Công ty CP chăn nuôi Bá Thước đầu tư dự án bò thịt chất lượng cao, quy mô 20.000 bê được nhập về từ Úc; Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi Thái Dương đầu tư dự án Liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi lợn và chế biến nông sản với quy mô 100.000 tấn/năm và 70.000 con lợn;...
- Trong lâm nghiệp, đã từng bước hình thành vùng nguyên liệu gỗ lớn, gỗ nhỏ, luồng thâm canh, nứa vầu, cây đặc sản cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến lớn của tỉnh: Nhà máy chế biến gỗ Thành Nam (Như Xuân), công suất 180.000 m3SP/năm; Công ty TNHH Thanh Thành Đạt (Tĩnh Gia), công suất 30.000 tấn SP/năm; Công ty TNHH Thanh Hòa (Tĩnh Gia), công suất 30.000 tấn SP/năm; Công ty TNHH innogreen (Tĩnh Gia) công suất 20.000 tấn SP/năm.
- Trong thủy sản, cơ cấu và năng lực tàu thuyền chuyển theo hướng giảm số tàu có công suất dưới 30 CV, tăng tàu có công suất từ 90 CV trở lên (đến hết năm 2017, tổng số tàu cá 7.447 chiếc, tổng công suất đạt 576 nghìn CV, công suất bình quân 84,8 CV/tàu, số lượng tàu khai thác xa bờ 1.801 tàu, tăng 469 tàu so với năm 2014).
1.3. Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp tinh hoa:
Đã nghiên cứu, chọn tạo thành công 8 giống lúa (trong đó: có 6 giống đã được công nhận giống quốc gia: Thanh ưu 3, Thanh ưu 4, Thanh Hoa ưu 1, Thuần Việt 1, Thuần Việt 2, Hồng đức 9; 2 giống được công nhận cho sản xuất thử: Lam Sơn 8, Thuần Việt 7); 2 giống mía (LS1 và LS2). Tiếp nhận, nghiên cứu hoàn thiện và làm chủ công nghệ, quy trình sản xuất hạt giống lúa lai, lúa thuần, ngô lai F1, từ đó đưa vào sản xuất giống lúa lai F1 với quy mô khoảng 700 ha/năm (là tỉnh có diện tích sản xuất hạt giống lúa lai lớn nhất Miền Bắc), giống lúa thuần khoảng 3.000 ha/năm, ngô lai F1 khoảng 450 ha/năm. Xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ, hàm lượng các bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính đạt trên 140 ha; phục tráng các cây trồng tại địa phương (như lúa nếp hạt cau, bưởi Luận Văn); mở rộng diện tích sản xuất rau, hoa quả CNC trong nhà có mái che đạt 425,5 ha; ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống cây trồng đạt hàng triệu cây/năm (hoa đồng tiền, hoa lan, mía, giống bưởi Luận Văn).
Ứng dụng thành công Công nghệ thụ tinh nhân tạo bằng tinh phân giới tính cho bò sữa, thụ tinh nhân tạo nâng cao tầm vóc đàn bò, phối giống cho 30.000 - 40.000 bò cái nền có chửa hàng năm; nghiên cứu đánh giá, tuyển chọn bò đực giống tại Moncada để sản xuất tinh đông lạnh phục vụ công tác giống bò Việt Nam; đưa các giống mới vào sản xuất nên năng suất, chất lượng sản phẩm thịt, trứng, sữa được nâng cao. Sử dụng các chế phẩm sinh học trong thức ăn chăn nuôi tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng của vật nuôi. Xây dựng thành công các mô hình trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô lớn, áp dụng hệ thống chuồng kín, nuôi sàn, điều hòa ẩm độ và nhiệt độ, xử lý chất thải và kiểm soát dịch bệnh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.
Ứng dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô thực vật, vi ghép trong sản xuất giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả. Hàng năm sản xuất được gần 1 triệu cây mô, hom, 30 triệu cây giống keo tai tượng Úc có năng suất chất lượng cao. Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám và hệ thống GIS lập bản đồ trường nhiệt phục vụ công tác cảnh báo cháy rừng, hệ thống định vị toàn cầu (GPS) trong công tác theo dõi, cập nhật, quản lý dữ liệu ngành lâm nghiệp và quản lý các dự án lâm nghiệp được ứng dụng hiệu quả. Xây dựng thành công các mô hình thâm canh, phục tráng rừng luồng, đưa năng suất cây luồng từ 2.100 cây/ha lên 3.600 cây/ha, chất lượng rừng được nâng cao, làm cơ sở đầu tư cho các vùng luồng thâm canh tập trung. Nhiều mô hình nông lâm kết hợp, mô hình trang trại rừng, mô hình trồng rừng gỗ lớn, có năng suất cao đã được tổng kết, đánh giá nhân ra diện rộng.
Tiếp nhận và làm chủ công nghệ điều khiển giới tính để sản xuất giống cá rô phi đơn tính đực; công nghệ sản xuất giống tôm sú; công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cua xanh, ngao Bến Tre trong ao đất, cá bống bớp, cá lăng chấm, cá dốc. Xây dựng thành công mô hình sản xuất tôm chân trắng thâm canh hiện đại, đã đầu tư hệ thống ao nuôi tại các huyện ven biển tạo thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản xuất từ 2 - 3 vụ/năm, với diện tích 170 ha, năng suất đạt trên 11 tấn/ha. Ứng dụng máy dò ngang Sonar vào các tàu cá làm nghề lưới vây rút chì, lưới kéo đôi, đem lại sản lượng khai thác các đối tượng thủy sản cao hơn. Sử dụng đụt lưới mắt vuông cho nghề lưới kéo đáy, khai thác ghẹ bằng nghề lồng bẫy, đem lại năng suất và thu nhập cao cho bà con ngư dân. Tàu cá khai thác xa bờ dài ngày đã áp dụng lắp đặt hầm bảo quản sản phẩm bằng PU (Polyurethane) để bảo quản tốt sản phẩm hải sản, giảm hao hụt nước đá, kéo dài thời gian chuyến đi, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cho bà con ngư dân.
Tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là giải quyết triệt để tình trạng sử dụng chất cấm trong nông nghiệp: Hàng năm triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; triển khai xây dựng và phát triển các vùng sản xuất áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; có 42 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản tham gia các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (trong đó có 15 cơ sở với 18 địa chỉ kinh doanh được giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn theo quy định và công khai danh sách); 94 cửa hàng kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
1.4. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển liên kết sản xuất:
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển liên kết sản xuất; các chuỗi liên kết sản xuất đã và đang hình thành, đi vào chiều sâu, phát triển rõ nét và bền vững, trong đó doanh nghiệp làm trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất:
Trong trồng trọt: Các công ty mía đường (Lam Sơn, Nông Cống, Việt Nam - Đài Loan) đã ký hợp đồng sản xuất, cung ứng vật tư và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh (18 huyện) với tổng sản lượng trên 2 triệu tấn/năm; các nhà máy chế biến tinh bột sắn Bá Thước, Như Xuân, Ngọc Lặc đã ký hợp đồng thu mua nguyên liệu tại các vùng sản xuất, tiêu thụ toàn bộ sản phẩm nguyên liệu sắn với tổng công suất gần 2.000 tấn/ngày; chuỗi liên kết sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ, quy mô 100 ha ở vụ Xuân và 180 ha ở vụ Mùa tại huyện Thiệu Hóa;...
Trong chăn nuôi: Bước đầu đã hình thành liên kết chuỗi chăn nuôi bò sữa của Công ty TNHH bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa (Vinamilk); Công ty CP nông sản Phú Gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm sạch theo chuỗi; Công ty TNHH Hoa Mai và Công ty CP súc sản Hàm Rồng giết mổ, chế biến lợn sữa; Công ty cổ phần nông sản, thực phẩm Việt Hưng sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm sạch theo chuỗi;...
Trong lâm nghiệp: Bước đầu đã hình thành liên kết giữa người trồng rừng và các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong lâm nghiệp; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, giải phóng mặt bằng để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư chế biến theo chiều sâu (ván ghép thanh, ván MDF, các sản phẩm chế biến luồng,...). Thực hiện cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC (tổ chức sản xuất theo chuỗi sản phẩm từ sản xuất cây giống, trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm) đối với 02 sản phẩm lợi thế của lâm nghiệp của tỉnh là cây Luồng và rừng gỗ lớn tại Thạch Thành và Quan Hóa.
Trong thủy sản: Xây dựng 10 tổ cộng đồng liên kết trong sản xuất nuôi tôm tại các huyện Nga Sơn, Hậu lộc, Hoang Hóa và Quảng Xương. Tổ chức lại sản xuất trên biển theo mô hình tổ đoàn kết đối với khai thác vùng biển khơi và mô hình đồng quản lý đối với vùng biển ven bờ; toàn tỉnh có 340 tổ đoàn kết trên biển, tăng 140 tổ so với năm 2014.
2. Kết quả thực hiện các giải pháp
2.1. Tiếp tục phổ biến, quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới:
Trên cơ Sở Kế hoạch số 107-KH/TU ngày 15/7/2015 của Tỉnh ủy về tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết số 16-NQ/TU; cấp ủy đảng và chính quyền các cấp đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến về chủ trương tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, các giải pháp về tái cơ cấu để cán bộ, nhân dân hiểu rõ và triển khai thực hiện.
Các sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng, ban hành Nghị quyết hoặc Kế hoạch triển khai Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU, như: Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Công thương; Hội Nông dân tỉnh; Huyện ủy Yên Định; UBND thành phố Thanh Hóa; UBND huyện Hằng Hóa;...
2.2. Rà soát, xây dựng các đề án, quy hoạch theo định hướng tái cơ cấu, trên cơ sở phát huy lợi thế và nhu cầu thị trường:
Đã cơ bản hoàn chỉnh các đề án, quy hoạch, cơ chế chính sách làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp; khuyến khích tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Ngay sau khi các đề án, quy hoạch được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, Ngành Nông nghiệp và PTNT đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan công bố, triển khai thực hiện; tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch hàng năm cho các địa phương, đơn vị thực hiện; thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương, đơn vị thực hiện, làm cơ sở tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
2.3. Xây dựng, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn:
Trên cơ sở các chính sách giai đoạn 2011-2015 và các khâu đột phá theo Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đã tiến hành rà soát, xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách giai đoạn 2016-2020, gồm: Cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp (Quyết định số 5643/2015/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của UBND tỉnh); cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng vật nuôi trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 5637/2015/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của UBND tỉnh); từ năm 2016 đến năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định giao 250,4 tỷ đồng thực hiện 02 chính sách nêu trên. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương đã ban hành về phát triển nông nghiệp, nông thôn, như: Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013; Chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014; chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014... Các cơ chế, chính sách được các địa phương, doanh nghiệp và người dân đồng tình ủng hộ; triển khai thực hiện tích cực, có hiệu quả; góp phần tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu giống, chủ động được nguồn giống tốt; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển các sản phẩm lợi thế của tỉnh; khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ giới hóa; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn thực phẩm. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước, đã huy động được các nguồn vốn khác để phát triển các sản phẩm nông nghiệp lợi thế; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...
Thực hiện việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30/NQ-TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị; hoàn thành việc xây dựng Đề án sắp xếp, chuyển đổi Công ty TNHH 1 thành viên thành Công ty TNHH 2 thành viên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1982/TTg-ĐMDN ngày 03/11/2015. Hướng dẫn các công ty lâm nghiệp xây dựng phương án sắp xếp, chuyển đổi theo chỉ đạo tại Công văn số 5368/VPCP-ĐMDN ngày 30/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển giao 02 công ty lâm nghiệp thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam về tỉnh Thanh Hóa quản lý.
Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được tăng cường; toàn tỉnh hiện có 583 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 9 doanh nghiệp đã được trao Giấy chứng nhận đầu tư các dự án với tổng số vốn trên 12.000 tỷ đồng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017. Phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có 553 hợp tác xã, 898 tổ hợp tác, 930 trang trại nông, lâm, ngư nghiệp. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại; chú trọng hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu, thiết kế sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tăng cường năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp.
2.4. Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt hiệu quả:
Thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn: Tổ chức 205 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 6.344 lao động nông thôn; đến hết năm 2017, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề đạt 58%.
Tập trung đầu tư nâng cao năng lực Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật về giống cây trồng nông nghiệp, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Xây dựng đề án thành lập Viện Khoa học nông nghiệp Thanh Hóa trên cơ sở các Trung tâm nghiên cứu về nông nghiệp hiện có của tỉnh (UBND tỉnh đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập).
Thực hiện công tác đào tạo tập huấn để nâng cao trình độ cán bộ khuyến nông thôn, bản; thực hiện có hiệu quả Chương trình khuyến nông Trung ương và địa phương; xây dựng mạng lưới khuyến nông tham gia trực tiếp vào chuyển giao khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật,
2.5. Tăng cường đầu tư, ưu tiên bố trí vốn ngân sách cho nông nghiệp và thu hút các nguồn lực khác đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là nguồn lực của các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp:
Ưu tiên bố trí vốn ngân sách đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi đầu mối, gồm: Hệ thống kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã, Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập WB8, Dự án tưới cho mía thâm canh thuộc các vùng nguyên liệu của các nhà máy đường Lam Sơn và Nông Cống, hệ thống tiêu úng vùng III huyện Nông Cống,...; tu bổ, nâng cấp một số đoạn đê xung yếu thuộc hệ thống đê sông Mã, sông Yên, sông Bạng; xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho xã Cẩm Tâm, Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy và xã Yên Lâm, huyện Yên Định; xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cửa Sông Lý; nâng cấp hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung tại một số huyện trên địa bàn tỉnh;...
Đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ để vận động, thu hút các nguồn vốn ODA, vốn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ. Mở rộng hợp tác với các tổ chức tài chính lớn như WB, ADB, EXIMBANK, JICA,... nhằm thu hút vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thu hút các nguồn lực khác trong nhân dân, các doanh nghiệp để phát triển sản xuất nông nghiệp. Mở rộng các hình thức hợp tác công tư (PPP) trong phát triển sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng;...
Tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2014-2017 đạt 110.225 tỷ đồng, chiếm 26% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, trong đó: Vốn ngân sách nhà nước 14.441 tỷ đồng, chiếm 13,1%; vốn tín dụng đầu tư phát triển 18.657 tỷ đồng, chiếm 16,9%; vốn doanh nghiệp nhà nước 5.290 tỷ đồng, chiếm 4,8%; vốn FDI 25.039 tỷ đồng, chiếm 22,7%; vốn đầu tư của khu vực dân cư và các thành phần kinh tế khác 46.825 tỷ đồng, chiếm 42,5%.
2.6. Triển khai có hiệu quả các giải pháp giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn để từng bước chuyển dịch lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp, nông thôn tạo môi trường cho tích tụ, tập trung ruộng đất:
Các sở, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, thông tin về thị trường lao động trong tỉnh, ngoài tỉnh và nước ngoài; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tuyển chọn lao động ở nông thôn đưa đi làm việc ở nước ngoài; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các cơ sở công nghiệp trong nông thôn; tạo điều kiện phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống để tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động ở khu vực nông thôn.
Giai đoạn 2014-2017, toàn tỉnh tạo việc làm cho 212.190 lao động nông thôn (chiếm 93,3% số lao động được tạo việc làm cả tỉnh). Trong đó, đưa đi làm việc ở nước ngoài 41.950 lao động nông thôn, góp phần giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội xuống còn 42,5%, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn xuống còn 6,4%.
2.7. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tạo môi trường thuận lợi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp:
Trong giai đoạn 2014 - 2017, Thanh Hóa đã phân bổ 272,55 tỷ đồng hỗ trợ cho 7786 lượt xã mua xi măng để xây dựng các công trình giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn, kênh mương và giao thông nội đồng; phân bổ 1.286,685 tỷ đồng từ vốn Trái phiếu Chính phủ, vốn đầu tư phát triển của Trung ương và của tỉnh để xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo 771 công trình hạ tầng tại các xã. Cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình NTM, các địa phương đã huy động các nguồn lực khác đầu tư, phát triển mạnh hệ thống hạ tầng nông thôn.
Từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giai đoạn 2014 - 2017, Thanh Hóa đã phân bổ 107,37 tỷ đồng hỗ trợ cho các địa phương, đơn vị xây dựng các mô hình phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn; nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
Đến hết năm 2017, bình quân toàn tỉnh đạt 15 tiêu chí/xã; có 241 xã đạt chuẩn NTM, đạt 42,06%; 112 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 153 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 67 xã đạt từ 5-9 tiêu chí; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí; 01 huyện (Yên Định) được Trung ương công nhận đạt chuẩn NTM.
Nét nổi bật của Thanh Hóa là cùng với việc triển khai toàn diện xây dựng NTM ở cấp xã (như cả nước đang làm), tỉnh ta đã ban hành Bộ tiêu chí thôn, bản NTM. Do đó đã tạo được sức lan tỏa sâu, rộng, kết quả rõ nét, đặc biệt là tạo được sự chuyển biến tích cực và nhiều điểm sáng ở các vùng đặc biệt khó khăn, miền núi... Đến hết năm 2017, toàn tỉnh đã có 496 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 364 thôn, bản miền núi.
2.8. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội tham gia thực sự có hiệu quả trong việc triển khai thực hiện:
Kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM các cấp từ tỉnh đến cơ sở; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; hoàn thiện bộ máy giúp việc cho Ban chỉ đạo các cấp theo Quyết định số 1996/QĐ-TTg ngày 04/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Văn phòng Điều phối giúp Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân, doanh nghiệp và cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên về vị trí, vai trò của việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo đồng thuận cao để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; lấy kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình làm thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác vận động nhân dân thực hiện, tổ chức các phong trào thi đua phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trong nhân dân. Đồng thời nhân rộng mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong thực hiện phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, kịp thời khen thưởng, động viên các điển hình tiên tiến.
Đề cao vị trí, vai trò và tầm quan trọng của doanh nhân, doanh nghiệp đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Qua 03 năm triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, trong bối cảnh quốc tế, trong nước và trong tỉnh có nhiều khó khăn, thách thức; bám sát Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 20/4/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã đề ra, kết quả đạt được có những chuyển biến tích cực và rõ nét. Đã cụ thể hóa Đề án tái cơ cấu bằng Chương trình hành động, có đề án, dự án đầu tư, cơ chế, chính sách,.... Cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã được chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế và nhu cầu thị trường; sản xuất quy mô lớn, tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm được thúc đẩy; tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nền nông nghiệp xứ Thanh đã có những chuyển biến toàn diện cả về chất và lượng.
1. Tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, yếu kém và đang phải đối mặt với những khó khăn, vướng mắc, đó là:
- Tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa thực sự rõ nét; 04 khâu đột phá còn hạn chế: về tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, chất lượng sản phẩm trong nông nghiệp và đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; việc tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn chưa nhiều.
- Chất lượng tăng trưởng nông, lâm, thủy sản chưa cao và thiếu bền vững.
- Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông lâm nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn còn diễn ra ở một số địa phương do tình trạng lạm dụng phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ, chất kích thích sinh trưởng và chất thải của các vùng chăn nuôi tập trung, nuôi trồng thủy sản;...
- Thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nên hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp chưa cao; sản phẩm có giá trị để trở thành hàng hóa còn ít, phần lớn nông sản đang được tiêu thụ và xuất khẩu ở dạng thô, sơ chế, giá trị gia tăng thấp, chưa có thương hiệu; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế.
- Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn vẫn còn thấp so với yêu cầu, đặc biệt là đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn; tham gia hội nhập kinh tế quốc tế của nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa chưa nhiều.
- Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp; thu nhập và đời sống của nông dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, chậm được cải thiện.
2. Nguyên nhân
2.1. Nguyên nhân khách quan:
- Là tỉnh rộng, địa hình phức tạp, nhiều khu vực bị chia cắt bởi đồi núi, sông suối, đặc biệt là khu vực miền núi; bên cạnh đó, tái cơ cấu nông nghiệp là một quá trình dài, nhiều khó khăn, thách thức do đó trong quá trình triển khai thực hiện gặp những trở ngại nhất định.
- Thời tiết diễn biến bất thường, biến đổi khí hậu đến nhanh và mạnh hơn so với dự báo, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, mức độ ảnh hưởng lớn, gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp, tác động mạnh đến quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
2.2. Nguyên nhân chủ quan:
- Sự chuyển biến về nhận thức chưa theo kịp thực tiễn, thậm chí còn lúng túng; cách tiếp cận trong nhiều lĩnh vực chậm thay đổi. Mặc dù tất cả 27 huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thực hiện; nhưng mức độ là khác nhau; vẫn còn lãnh đạo một số địa phương chưa thực sự quan tâm, triển khai thiếu quyết liệt; một số địa phương tuy đã phê duyệt Đề án/kế hoạch hành động nhưng triển khai trên thực tiễn chưa nhiều.
- Nhiều vướng mắc, bất cập trong cơ chế chính sách, nhất là chính sách về đất đai, chính sách thu hút đầu tư, chính sách phát triển doanh nghiệp, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác và kinh tế trang trại...
- Ngân sách nhà nước có hạn; nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu hạn chế; vốn đầu tư phát triển tập trung ở nguồn trái phiếu Chính phủ, ODA đã được phê duyệt từ trước theo yêu cầu về trình tự, thủ tục “cứng” nên việc bố trí vốn cho những định hướng, nội dung chưa được phê duyệt còn gặp nhiều khó khăn.
- Chất lượng lao động trong nông nghiệp còn thấp; trình độ kỹ năng nghề, ý thức chấp hành kỷ luật, tác phong công nghiệp còn nhiều hạn chế gây khó khăn cho tạo việc làm và chuyển dịch lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp.
Vì vậy, trên cơ sở các kết quả đạt được, đánh giá được các hạn chế tồn tại và nguyên nhân của những tồn tại đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại ngành giai đoạn tới để nhằm khắc phục những khó khăn vướng mắc của giai đoạn 2014-2017, đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngành để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và góp phần cải thiện thu nhập và đời sống của người dân nông thôn.
B. KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA, GIAI ĐOẠN 2018 - 2020
1. Mục tiêu chung
Cơ cấu lại Ngành Nông nghiệp gắn với thực hiện chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm và xây dựng nông thôn mới; tiếp tục thực hiện mục tiêu chung của Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 20/4/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là: “Tạo chuyển biến căn bản về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản có tiềm năng, lợi thế, có thị trường tiêu thụ. Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, công nghệ cao; xây dựng được một số thương hiệu mạnh của các sản phẩm lợi thế. Nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn”.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
- Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2018-2020 theo giá trị sản xuất là 3,4% năm. Trong đó, nông nghiệp 1,8% năm, lâm nghiệp 11,2% năm, thủy sản 6,8% năm.
- Cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Nông nghiệp chiếm 69%, lâm nghiệp 8,8%, thủy sản 22,2%.
- Tổng sản lượng lương thực bình quân hàng năm giữ ổn định 1,5 triệu tấn.
- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 53,03%.
- Tỷ lệ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn đạt 100%, trong đó sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 30%.
- Nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 2,5 lần so với năm 2014.
- Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%,
- Có 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới,
- Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn 35%.
3. Các khâu đột phá
Tiếp tục thực hiện 04 khâu đột phá đã được xác định tại Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 20/4/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là: Đột phá về tổ chức sản xuất, đột phá về ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đột phá về chất lượng sản phẩm trong nông nghiệp và đột phá về đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó trọng tâm là đầu tư của doanh nghiệp.
II. ĐỊNH HƯỚNG GIAI ĐOẠN 2018 - 2020
1. Cơ cấu lại theo lĩnh vực của ngành
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
- Trồng trọt: Thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng; chuyển đổi 17.350 ha đất lúa và 3.375 ha đất mía kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có giá trị cao hơn; tập trung phát triển 07 sản phẩm có lợi thế: lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao; ngô thâm canh; rau an toàn; mía thâm canh, cây ăn quả; hoa, cây cảnh; cây làm thức ăn chăn nuôi.
- Chăn nuôi: Duy trì và phát triển chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi tiên tiến, kết hợp với phát triển chăn nuôi hữu cơ, sinh thái; phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực; tăng cường quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm vật tư đầu vào (đàn giống, thức ăn, phụ gia bổ sung,,.,). Tập trung phát triển 05 sản phẩm có lợi thế: Bò sữa; bò thịt chất lượng cao; lợn hướng nạc; gà lông màu; con nuôi đặc sản.
- Lâm nghiệp: Quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả rừng tự nhiên; thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Phát triển mô hình nông lâm kết hợp, Nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, phát triển lâm nghiệp đa chức năng, trồng rừng gỗ lớn và lâm sản ngoài gỗ. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ môi trường rừng; quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn Việt Nam và thông lệ quốc tế. Tập trung phát triển 04 sản phẩm lợi thế: Rừng gỗ lớn; luồng thâm canh; quế; cây dược liệu.
- Thủy sản: Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế so sánh của từng địa phương; phát triển mạnh nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái. Đẩy mạnh khai thác xa bờ, đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị chế biến, bảo quản trên tàu nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch. Tập trung phát triển 04 sản phẩm có lợi thế; Tôm he chân trắng; ngao Bến Tre; cá rô phi; các sản phẩm hải sản khai thác.
1.2. Thủy lợi và phòng chống thiên tai:
Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi; nâng cấp hệ thống cơ sở thủy lợi nội đồng và củng cố các tổ chức quản lý thủy nông cơ sở; từng bước chuyển đổi cơ chế quản lý vận hành các công trình và dịch vụ thủy lợi sang cơ chế thị trường, gắn lợi ích với quyền, trách nhiệm của người sử dụng nước.
Đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý khai thác công trình thủy lợi, tưới tiết kiệm nước nhất là trên cây trồng cạn; làm tốt công tác an toàn đập và phòng, chống lũ cho vùng hạ du.
Phát triển thủy lợi đa mục tiêu để phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, cung cấp nước cho dân sinh; ưu tiên đầu tư hệ thống thủy lợi đầu mối lớn và công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung và tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn chủ lực, có giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh theo vùng; đầu tư hoàn chỉnh các hệ thống công trình thủy lợi đã có nhưng chưa được đồng bộ.
Hoàn thiện thể chế, bộ máy phòng chống thiên tai từ tỉnh đến địa phương; xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch phòng chống thiên tai các cấp; đẩy mạnh các biện pháp công trình kết hợp phi công trình và nâng cao năng lực truyền thông, quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng.
1.3. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn:
Khuyến khích tích tụ ruộng đất theo quy định của pháp luật để phát triển sản xuất trồng trọt quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả cao đã triển khai thực hiện thành công tại các huyện Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Yên Định,… Phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại tập trung quy mô lớn, hiện đại, hạn chế ô nhiễm môi trường; thúc đẩy các dự án chăn nuôi quy mô lớn đang triển khai thực hiện. Liên kết hợp tác trồng rừng tập trung quy mô lớn, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến. Phát triển các vùng sản xuất thủy sản tập trung quy mô lớn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh khai thác xa bờ, tập trung khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao, có khả năng xuất khẩu.
Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30/NQ-TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị. Hướng dẫn các công ty lâm nghiệp xây dựng phương án sắp xếp, chuyển đổi theo chỉ đạo tại Công văn số 5368/VPCP-ĐMDN ngày 30/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển giao 02 công ty lâm nghiệp thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam về tỉnh Thanh Hóa quản lý. Phát triển các hợp tác xã, công ty cổ phần để phát triển sản xuất tập trung, cánh đồng mẫu lớn.
1.4. Đẩy mạnh phát triển mạnh khoa học công nghệ, tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp tinh hoa:
Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao nhanh và đồng bộ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, các giải pháp khoa học công nghệ mới, tiên tiến để phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh. Tập trung cải tạo giống theo hướng tăng tỷ lệ giống tiến bộ, có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị hiếu, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ứng dụng cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Tăng cường sự kết nối, hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu với doanh nghiệp, thực hiện chính sách đặt hàng cho các nhiệm vụ khoa học.
Đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nông sản an toàn có xác nhận, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; sản phẩm trong các vùng sản xuất tập trung đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Tập trung đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp tinh hoa có giá trị kinh tế, giá trị mỹ thuật phục vụ nhu cầu đời sống ngày càng cao của nhân dân trong và ngoài tỉnh, như: Nấm (nấm ăn, nấm dược liệu), cây dược liệu, hoa cây cảnh,...
1.5. Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển liên kết sản xuất:
Tập trung đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân gắn với liên kết 5 nhà trong sản xuất nông nghiệp (nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà băng), tạo chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.
Đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, làng nghề xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; xây dựng các thương hiệu hàng hóa nông sản Xứ Thanh; xây dựng theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”.
2. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản, thủy sản; quản lý chất lượng giống, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và vật tư nông nghiệp
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến sâu, rộng các quy định của Trung ương và của tỉnh về an toàn thực phẩm để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/8/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản, thủy sản; quản lý chất lượng giống, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và vật tư nông nghiệp. Xây dựng các mô hình thí điểm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2018 theo Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 16/8/2017 của UBND tỉnh.
3. Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại nông nghiệp
Tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 hiệu quả và sáng tạo. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 5 huyện, 60% số xã, 20% số thôn, bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; đối với những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu xây dựng thành xã kiểu mẫu. Tập trung phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của từng vùng, ứng phó với biến đổi khí hậu; hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, ưu tiên những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn.
1. Tiếp tục phổ biến, quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, của Tỉnh ủy về tầm quan trọng trong việc thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp đến các ngành, địa phương và người dân; tăng cường vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương này.
2. Rà soát, sửa đổi, bổ sung đối với những chính sách của tỉnh ban hành, kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung đối với chính sách của Trung ương ban hành phù hợp với thực tế và hiệu quả hơn; tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo điều kiện để nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn và thị trường để mở rộng sản xuất hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và ứng phó với biến đổi khí hậu.
3. Tiếp tục hoàn chỉnh các đề án, quy hoạch, phục vụ cơ cấu lại nền nông nghiệp trọng tâm là Đề án Tích tụ đất để tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch; tập trung từ nay đến năm 2020 xây dựng 25 sản phẩm làm thương hiệu, trước mắt trong năm 2018 là 5 sản phẩm có thương hiệu và xuất khẩu.
4. Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, khuyến khích và tạo thuận lợi phát triển doanh nghiệp nông nghiệp; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, phát triển trang trại quy mô lớn, chất lượng cao; khuyến khích tích tụ, tập trung sản xuất quy mô lớn; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30/NQ-TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị. Sắp xếp, chuyển đổi 02 công ty lâm nghiệp thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam về tỉnh Thanh Hóa quản lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 5368/VPCP-ĐMDN ngày 30/6/2016.
5. Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ giống, quy trình sản xuất và chế biến, tiêu thụ; phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
6. Tiếp tục xây dựng và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt hiệu quả; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn qua đào tạo nghề đến năm 2020 đạt 70%; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp; đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác.
7. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy ngành Nông nghiệp và PTNT tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; điển hình là thành lập Viện Khoa học Nông nghiệp Thanh Hóa trên cơ sở các Trung tâm nghiên cứu về nông nghiệp hiện có của tỉnh.
8. Thực hiện tốt việc khảo sát, dự báo thị trường để khuyến cáo các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân điều chỉnh phương án sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường; quan tâm đến chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản xứ Thanh; quảng bá sản phẩm để bán trên thị trường phục vụ tiêu dùng và cạnh tranh trên thị trường; xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc hàng nông sản; xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối; kết nối thị trường trong tỉnh với thị trường trong nước và quốc tế.
9. Tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội, thúc đẩy hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hội nhập quốc tế; tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới.
10. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp kịp thời phục vụ hiệu quả công tác cơ cấu lại ngành nông nghiệp; thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã đề ra tại Quyết định số 1025/QĐ-UBND ngày 04/4/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh. Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các cơ sở, địa phương giải quyết nhanh các yêu cầu đáp ứng có hiệu quả sản xuất kinh doanh.
1. Sở Nông nghiệp và PTNT
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch; tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện hàng năm, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh; điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch khi cần thiết.
Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung đối với những chính sách của tỉnh ban hành, kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung đối với chính sách của Trung ương ban hành phù hợp với thực tế và hiệu quả hơn, đảm bảo cho việc thực hiện các mục tiêu đề ra.
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông kịp thời cung cấp thông tin về kết quả triển khai thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tại địa phương, đơn vị, đặc biệt là cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả tích cực nhằm thông tin, tuyên truyền nhân rộng mô hình.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan hàng năm tham mưu bố trí kế hoạch vốn đầu tư thực hiện Kế hoạch, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt thực hiện.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh ban hành, kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung đối với chính sách của Trung ương ban hành phù hợp với thực tế và hiệu quả hơn, đảm bảo cho việc thực hiện các mục tiêu đề ra.
3. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan hàng năm tham mưu báo cáo HĐND, UBND tỉnh cân đối, bố trí vốn sự nghiệp cho hoạt động của hệ thống quản lý ngành nông nghiệp, các chương trình, dự án thuộc kế hoạch trung hạn; ưu tiên bố trí vốn cho thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị có liên quan tham mưu, đề xuất báo cáo HĐND, UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn do tỉnh ban hành, kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung sửa đổi, bổ sung đối với chính sách của Trung ương ban hành phù hợp với thực tế và hiệu quả hơn và đảm bảo cho việc thực hiện các mục tiêu đề ra
4. Sở Thông tin và truyền thông
Hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống truyền thanh cơ sở thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước về định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020; kết quả triển khai thực hiện kế hoạch tại các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
5. Sở Khoa học và công nghệ
Hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng thương hiệu sản phẩm, bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của Hợp tác xã, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đề xuất và triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; triển khai có hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển KH và CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 (trong đó có chính sách trong nông nghiệp) đạt hiệu quả.
6. Trách nhiệm của các Sở, ngành khác có liên quan
Tham gia triển khai nội dung Kế hoạch trong phạm vi nhiệm vụ có liên quan đến lĩnh vực do mình quản lý.
7. Báo Thanh hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh
Tiếp tục thực hiện chuyên trang, chuyên mục để thông tin thường xuyên về các mô hình tốt, các điển hình tiên tiến để kịp thời động viên, khuyến khích học tập các mô hình, điển hình và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho việc thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp.
8. Đề nghị Mặt trận tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội tỉnh
Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh và các đoàn thể chính trị, xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên và nhân dân thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả; tổ chức giám sát chính sách thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020.
9. UBND các huyện, thị xã và thành phố
Đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn vừa qua và xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của địa phương phù hợp hơn với thực tiễn và với kế hoạch chung của Ngành giai đoạn 2018-2020. Chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện kế hoạch sau khi ban hành; đồng thời, định kỳ báo cáo kết quả đạt được về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương để đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp.
Phát hiện, đánh giá các mô hình sản xuất nông nghiệp trên đại bàn, đề xuất chính sách hỗ trợ để nhân rộng đối với các mô hình hiệu quả.
Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể, các sở, ngành, địa phương chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KẾT QUẢ XÂY DỰNG CÁC ĐỀ ÁN, QUY HOẠCH PHỤC VỤ TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP
(Kèm theo Kế hoạch số: 62/KH-UBND ngày 23 tháng 3 năm 2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa)
Số TT | Tên đề án | Ghi chú |
I | Các đề án, quy hoạch đã hoàn thành giai đoạn 2014-2017 | Các Quyết định phê duyệt |
1 | Quy hoạch vùng nguyên liệu cho dự án chăn nuôi và chế biến sữa quy mô công nghiệp tại huyện Nông Cống và huyện Như Thanh | Chủ tịch UBND đã ban hành Quyết định số 4519/2014/QĐ-UBND ngày 17/12/2014 |
2 | Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 | Chủ tịch UBND đã ban hành Quyết định số 4833/2014/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 |
3 | Quy hoạch bố trí, ổn định dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 | Chủ tịch UBND đã ban hành Quyết định số 4801/2014/QĐ-UBND ngày 30/12/2014 |
4 | Quy hoạch chi tiết 1/2000 khu NN công nghệ cao tại khu vực Lam Sơn - Sao Vàng đến năm 2025 | Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt tại Quyết định số 2394/QĐ-UBND ngày 29/6/2015 |
5 | Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2015-2025 | Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3230/QĐ-UBND ngày 29/8/2017 |
6 | Quy hoạch chi tiết thủy lợi vùng Nam Sông Chu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. | Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3670/QĐ-UBND ngày 27/9/2017 |
7 | Quy hoạch phòng chống lũ và đê điều trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 | Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII |
8 | Quy hoạch thủy lợi chi tiết vùng Bắc sông Mã đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 | Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII |
9 | Đề án củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động Hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2014-2020 | Chủ tịch UBND đã ban hành Quyết định số 4752/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 |
10 | Đề án cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ cho Khu kinh tế Nghi Sơn | Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt tại Quyết định 1422/QĐ-UBND ngày 20/4/2015 |
11 | Đề án đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 | BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị Quyết 04-NQ/TU, ngày 18/8/2016 |
12 | Quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong quản lý VTNN và ATTP | Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành QĐ số 3912/2016/QĐ-UBND ngày 10/10/2016 |
14 | Quy định công khai vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp | Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành QĐ số 3912/2016/QĐ-UBND ngày 10/10/2016 |
15 | Kế hoạch quản lý giết mổ và kinh doanh thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020 | UBND tỉnh đã ban hành KH số 73/KH-UBND, ngày 12/5/2016 |
16 | Phương án chuyển đổi đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang các loại cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản để có hiệu quả kinh tế cao hơn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020 | Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2326/QĐ-UBND ngày 01/7/2016 |
17 | Đề án phát triển kinh doanh rừng gỗ lớn đến năm 2020 | Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4170/QĐ-UBND ngày 27/10/2016 |
II | Các đề án, quy hoạch đang tiếp tục hoàn chỉnh | Tiến độ thực hiện |
1 | Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ven biển giai đoạn 2016-2025 | Đã báo cáo UBND tỉnh; đang hoàn thiện Hồ sơ trình HĐND tỉnh |
2 | Quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 | Đã báo cáo UBND tỉnh; đang hoàn thiện Hồ sơ trình HĐND tỉnh |
3 | Rà soát, bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường Lam Sơn đến năm 2025 | Đã báo cáo UBND tỉnh; đang hoàn thiện Hồ sơ trình HĐND tỉnh |
4 | Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa | Đang hoàn thiện |
5 | Đề án thành lập Viện Khoa học Nông nghiệp Thanh Hóa trên cơ sở các Trung tâm nghiên cứu về nông nghiệp hiện có của tỉnh | Đang trình Thủ tướng Chính phủ |
6 | Đề án tích tụ ruộng đất và phát triển nông nghiệp theo quy mô lớn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017-2020 | Đang hoàn thiện đề án theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh |
CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NÔNG NGHIỆP TỈNH THANH HÓA, GIAI ĐOẠN 2018-2020
(Kèm theo Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 23 tháng 3 năm 2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa)
STT | Nhiệm vụ | Đơn vị chủ trì | Đơn vị phối hợp | Sản phẩm của nhiệm vụ | Thời gian |
1 | Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giám sát và phản biện xã hội về cơ cấu lại ngành nông nghiệp | Sở Thông tin và Truyền thông | Các sở, ngành, địa phương; Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức, chính trị, xã hội |
| 2018-2020 |
2 | Đề án tích tụ đất để tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao | Sở Nông nghiệp và PTNT | Các sở, ngành và các đơn vị liên quan | Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh | Tháng 3/2018 |
3 | Xây dựng Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 | Sở Nông nghiệp và PTNT | Các sở, ngành và các đơn vị liên quan | Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh | Quý II/2018 |
4 | Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư các công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo hình thức xã hội hóa | Sở Nông nghiệp và PTNT | Các sở, ngành và các đơn vị liên quan | Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh | Tháng 4/2018 |
5 | Đánh giá kết quả thực hiện Tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn thời gian qua và xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 phù hợp với thực tiễn và Kế hoạch của toàn ngành | UBND các huyện, thị xã, thành phố |
| Kế hoạch | 2018 |
6 | Đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 hàng năm | Sở Nông nghiệp và PTNT | Các sở, ngành, các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố | Báo cáo | Hàng năm |
7 | Tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 20/4/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa và thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại giai đoạn 2018-2020 | Sở Nông nghiệp và PTNT | Các sở, ngành, các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố | Hội nghị | Năm 2020 |
- 1Quyết định 3468/QĐ-UBND năm 2017 về Kế hoạch thực hiện Bộ Tiêu chí giám sát đánh giá cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định đến năm 2020
- 2Quyết định 1852/QĐ-UBND năm 2017 về Kế hoạch thực hiện Bộ tiêu chí giám sát đánh giá cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- 3Kế hoạch 153/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Bộ Tiêu chí giám sát đánh giá về cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa tỉnh Phú Yên đến năm 2020
- 4Quyết định 939/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2018-2020
- 5Quyết định 2383/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2018-2020
- 6Quyết định 1415/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2018-2020
- 1Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 2039/CT-BNN-KH năm 2013 triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
- 4Nghị quyết 30-NQ/TW năm 2014 tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 5Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản
- 6Quyết định 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 1996/QĐ-TTg năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Văn phòng Điều phối giúp Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 2320/QĐ-UBND năm 2015 về Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TU tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững
- 9Quyết định 5637/2015/QĐ-UBND về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020
- 10Quyết định 5643/2015/QĐ-UBND về cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020
- 11Kế hoạch 73/KH-UBND năm 2016 về quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020
- 12Quyết định 2326/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Phương án chuyển đổi đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang loại cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản để có hiệu quả kinh tế cao hơn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020
- 13Quyết định 3912/2016/QĐ-UBND Quy định phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 14Quyết định 4170/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án Phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020
- 15Quyết định 1025/QĐ-UBND năm 2017 Kế hoạch hành động đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020
- 16Quyết định 3468/QĐ-UBND năm 2017 về Kế hoạch thực hiện Bộ Tiêu chí giám sát đánh giá cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định đến năm 2020
- 17Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 18Kế hoạch 135/KH-UBND năm 2017 về xây dựng mô hình thí điểm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến hết năm 2018
- 19Quyết định 3670/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Dự án Quy hoạch thủy lợi chi tiết vùng Nam sông Chu, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030
- 20Quyết định 1819/QĐ-TTg năm 2017 về phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 21Quyết định 1852/QĐ-UBND năm 2017 về Kế hoạch thực hiện Bộ tiêu chí giám sát đánh giá cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- 22Kế hoạch 153/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Bộ Tiêu chí giám sát đánh giá về cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa tỉnh Phú Yên đến năm 2020
- 23Quyết định 939/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2018-2020
- 24Quyết định 2383/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2018-2020
- 25Quyết định 1415/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2018-2020
Kế hoạch 62/KH-UBND năm 2018 về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018-2020
- Số hiệu: 62/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 23/03/2018
- Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
- Người ký: Nguyễn Đức Quyền
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 23/03/2018
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra