Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4170/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 27 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN RỪNG TRỒNG KINH DOANH GỖ LỚN TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng; Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ các Quyết định của Bộ Nông nghiệp và PTNT: số 1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 08/7/2013 về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp; số 774/QĐ-BNN-TCLN ngày 18/4/2014 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất giai đoạn 2014-2020; số 919/QĐ-BNN-TCLN ngày 05/5/2014 về Kế hoạch nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến giai đoạn 2014-2020; số 957/QĐ-BNN-TCLN ngày 09/5/2014 về Kế hoạch phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ giai đoạn 2014-2020; Kế hoạch số 1391/KH-BNN-TCLN ngày 29/4/2014 về phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp giai đoạn 2014-2020;

Căn cứ Quyết định số 4364/QĐ-UBND ngày 28/12/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 2320/QĐ-UBND ngày 24/6/2015 về việc ban hành Chương trình hành động của UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết số 16- NQ/TƯ ngày 20/4/2015 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 122/TTr-SNN&PTNT ngày 13/6/2016, của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo kết quả thẩm định số 4475/BC-SKHĐT ngày 21/10/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án này; thường xuyên báo cáo UBND tỉnh về tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ để kịp thời chỉ đạo.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3 QĐ (để thực hiện);
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (để b/c),
- Chủ tịch UBND tỉnh (để b/c),
- Lưu: VT, NN. (Truc105)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Quyền

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN RỪNG TRỒNG KINH DOANH GỖ LỚN TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 4170/QĐ-UBND ngày 27 tháng 10 năm 2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa)

I. SỰ CẦN THIẾT LẬP ĐỀ ÁN

Trong những năm gần đây, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương các cấp, công tác phát triển lâm nghiệp đã đạt được nhiều thành quả đáng kể. Người dân đã thực sự quan tâm và phát triển nghề rừng, đặc biệt là công tác trồng rừng; trong giai đoạn 2011 - 2015 đã trồng mới được 54.538 ha rừng, diện tích rừng trồng sản xuất trên địa bàn tỉnh tăng lên khoảng 102.400 ha. Tuy diện tích và sản lượng gỗ rừng trồng sản xuất đã tăng trong thời gian qua nhưng chủ yếu là áp dụng phương thức trồng kinh doanh gỗ nhỏ với chu kỳ từ 5-7 năm theo hình thức quảng canh để làm nguyên liệu giấy và dăm gỗ, giá trị kinh tế thấp; chưa có các giải pháp về kỹ thuật và chính sách đề phát triển rừng trồng gỗ lớn phục vụ cho sản xuất đồ mộc, gỗ xuất khẩu với giá trị kinh tế cao. Nhằm khắc phục những hạn chế trên, để nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng trồng theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sản phẩm gỗ chế biến từ rừng trồng, tạo vùng nguyên liệu gỗ lớn tập trung, cung cấp cho các nhà máy và làng nghề chế biến gỗ trên địa bàn thì việc lập Đề án phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 là cần thiết

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ĐỀ ÁN: Diện tích được quy hoạch phát triển rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh.

III. THỜI GIAN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN: Năm 2016 - 2020.

IV. QUAN ĐIỂM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Đẩy mạnh việc phát triển rừng trồng gỗ lớn trên cơ sở sử dụng hợp lý, có hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch phát triển rừng sản xuất; sớm hình thành vùng kinh doanh rừng gỗ lớn có năng suất, chất lượng cao, cung cấp nguyên liệu ổn định, lâu dài cho chế biến tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Phát triển gỗ lớn theo hướng bền vững góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm gỗ rừng trồng, từng bước đem lại nguồn thu nhập cho ngân sách nhà nước; thu hút ngoại tệ thông qua sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng.

Phát triển kinh doanh rừng gỗ lớn phải được thực hiện đồng bộ các giải pháp từ khâu quy hoạch cho đến tổ chức trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến lâm sản, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội cho công tác phát triển kinh doanh rừng gỗ lớn.

V. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu chung

Nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng và phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường; gắn kết theo chuỗi từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị lâm sản hàng hóa, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2020, hình thành và phát triển ổn định vùng kinh doanh gỗ lớn với quy mô 55.932 ha, đáp ứng nhu cầu gỗ lớn phục vụ chế biến sâu và xuất khẩu.

- Đưa năng suất bình quân rừng trồng kinh doanh gỗ lớn bằng cây sinh trưởng nhanh đạt 20m3/ha/năm; đối với cây sinh trưởng chậm, năng suất bình quân đạt trên 10m3/ha/năm.

- Đưa tỷ lệ gỗ lớn bình quân (gỗ xẻ có đường kính ≥ 15cm) từ 30 - 40% sản lượng khai thác hiện nay lên 50 - 60% vào năm 2020.

- Nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp, tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 6,8%; đưa tỷ trọng lâm nghiệp đến năm 2020 chiếm 8% trong tổng cơ cấu kinh tế ngành, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững.

VI. NHIỆM VỤ CỦA ĐỀ ÁN

1. Phát triển vùng nguyên liệu kinh doanh gỗ lớn:

Phát triển vùng nguyên liệu kinh doanh gỗ lớn đến năm 2020 đạt 55.932 ha, trong đó:

- Chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng rừng trồng gỗ lớn hiện có: 30.500 ha;

- Trồng rừng gỗ lớn: 20.259 ha, gồm:

+ Trồng rừng gỗ lớn trên diện tích đất trống: 8.819 ha;

+ Trồng rừng gỗ lớn trên diện tích cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt: 8.940 ha;

+ Trồng cây phân tán: 3,75 triệu cây (tương đương 2.500 ha), bình quân mỗi năm trồng 0,75 triệu cây phân tán làm gỗ lớn.

- Chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn: 5.173 ha.

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN VÙNG KINH DOANH GỖ LỚN

(Đơn vị: ha)

TT

Huyện

DT rừng gỗ lớn đã có

Phát triển vùng nguyên liệu kinh doanh gỗ lớn

Tổng số

Tổng

Cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt

Trồng mới

Trồng cây phân tán

Rừng trồng chuyển hóa

 

Tổng số

30.500

25.432

8.940

8.819

2.500

5.173

55.932

1

Mường Lát

13.991

1.841

593

1.068

180

 

15,832

2

Quan Sơn

916,7

2.275

821

1.054

200

200

3.191,7

3

Quan Hóa

1.026

1.816

609

807

200

200

2.842

4

Bá Thước

1.489

2.334

988

846

200

300

3.823

5

Lang Chánh

1.884,3

2.708

853

1.055

200

600

4.592,3

6

Ngọc Lặc

616,7

2.229

925

504

200

600

2.845,7

7

Cẩm Thủy

1.434

2.784

1.211

773

200

600

4.218

8

Thường Xuân

2.406

2.261

459

902

200

700

4.667

9

Như Thanh

1.438,3

2.731

1.111

747

200

673

4.169,3

10

Như Xuân

1.324,4

2.618

957

761

200

700

3.942,4

11

Tĩnh Gia

998

250

 

 

150

100

1.248

12

Thạch Thành

1.879,6

1.244

292

302

200

450

3.123,6

13

Hà Trung

 

191

121

 

70

 

191

14

Vĩnh Lộc

1.096

150

 

 

100

50

1.246

2. Nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng

- Quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng giống cây trồng, đưa tỷ lệ giống cây trồng lâm nghiệp được kiểm soát về chất lượng vào trồng rừng đạt 100% vào năm 2020, trong đó tỷ lệ giống cây trồng lâm nghiệp mới được công nhận đạt 70% vào năm 2020, đảm bảo cung cấp đủ giống có chất lượng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng.

- Đánh giá, lựa chọn lập danh mục loài cây trồng lâm nghiệp có năng suất cao, phù hợp với điều kiện lập địa của từng địa phương để khuyến cáo cho người dân trồng rừng gỗ lớn.

- Rà soát, bổ sung hướng dẫn kỹ thuật thâm canh rừng trồng gỗ lớn cho từng đối tượng: trồng mới trên đất trống; trồng lại rừng sau khai thác; cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt để trồng rừng gỗ lớn; chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ thành rừng trồng kinh doanh gỗ lớn.

3. Triển khai thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng

Tăng cường quản lý, chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện có, thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới, góp phần nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 10% diện tích rừng trồng gỗ lớn được cấp chứng chỉ rừng bền vững.

4. Liên doanh liên kết phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn

- Khuyến khích các doanh nghiệp liên doanh liên kết với các hộ gia đình trồng rừng gỗ lớn, khai thác, chế biến và kinh doanh dịch vụ, để thu hút nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp vào trong rừng và hình thành chuỗi giá trị trong phát triển gỗ lớn.

- Hướng dẫn các hộ gia đình liên kết hợp tác trồng rừng theo tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm có được diện tích đủ lớn và ổn định để áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh rừng và cung cấp khối lượng gỗ đủ lớn hàng năm cho thị trường.

VII. NHU CẦU VỐN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Tổng kinh phí thực hiện

Tổng kinh phí thực hiện đề án là 328,8 triệu đồng, trong đó:

+ Kinh phí trồng rừng: 154,6 tỷ đồng;

+ Kinh phí chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn: 41,4 tỷ đồng;

+ Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn: 5,3 tỷ đồng;

+ Hỗ trợ làm đường lâm nghiệp nội vùng: 126 tỷ đồng;

+ Hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC: 1,7 triệu đồng;

2. Nguồn vốn thực hiện:

+ Nguồn vốn ngân sách Trung ương: 72,2 tỷ đồng (chiếm 22% tổng nguồn);

+ Nguồn vốn ngân sách tỉnh: 17,8 tỷ đồng (chiếm 5 % tổng nguồn);

+ Các nguồn vốn hợp pháp khác: 238 triệu đồng (chiếm 73% tổng nguồn).

NHU CẦU KINH PHÍ VÀ NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

TT

Hạng mục

ĐVT

Khối lượng

Đơn giá (triệu đồng)

Thành tiền (triệu đồng)

Phân theo nguồn vốn (triệu đồng)

Vốn Trung ương

Vốn NS tỉnh

Các nguồn vốn hợp pháp khác

 

Tổng số

 

 

 

328.886

72.232

17.750

238.904

1

Chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn.

Ha

5.173

8

41.384

 

 

41.384

2

Trồng rừng gỗ lớn.

Ha

20.259

 

154.572

70.552

12.500

71.520

-

Trồng mới.

Ha

8.819

8

70.552

70.552

 

 

-

Trồng cây phân tán.

Ha

2.500

5

12.500

 

12.500

 

-

Trồng rừng trên đối tượng cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt.

Ha

8.940

8

71.520

 

 

71.520

3

Xây dựng mô hình kinh doanh gỗ lớn (15 mô hình x 10 ha/mô hình).

Ha

150

35

5.250

 

5.250

 

4

Hỗ trợ làm đường lâm nghiệp nội vùng.

Km

280

450

126.000

 

 

126.000

5

Hỗ trợ cấp chứng chỉ FSC (dự kiến 10% diện 1 tích).

Ha

5.600

0,3

1.680

1.680

 

 

VIII. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Về tuyên truyền, nâng cao nhận thức

- Tăng cường công tác tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân biết, hiểu và thực hiện hiệu quả đề án, dưới nhiều hình thức như; lồng ghép tuyên truyền qua các buổi hội nghị, hội thảo, tập huấn, trên sóng phát thanh, truyền hình, thăm quan.

- Phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất với mục tiêu gắn kết chặt chẽ sản xuất với thị trường; tăng cường vận động tuyên truyền tổ chức lại sản xuất và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo hình thức liên doanh, liên kết, từng bước hình thành vùng sản xuất gỗ lớn tập trung.

2. Về quản lý quy hoạch và đất lâm nghiệp

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch lâm nghiệp, quản lý quy hoạch theo hướng phát huy lợi thế sản phẩm của từng địa phương, nâng cao chất lượng hiệu quả; đồng thời quản lý tốt tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp và phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; hoàn thành rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch 03 loại rừng và phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến gỗ, nhằm hình thành chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất lâm nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển rừng trồng gỗ lớn, để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lâm nghiệp.

- Rà soát để xác định cụ thể diện tích rừng có thể chuyển hóa từ kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn; diện tích rừng sẽ đến tuổi khai thác có điều kiện lập địa phù hợp có thể trồng lại rừng gỗ lớn; diện tích đất trống có khả năng đưa vào trồng mới rừng gỗ lớn và diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt đủ điều kiện cải tạo để trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn các huyện.

- Tiếp tục thực hiện việc giao, cấp đổi, chia tách nhóm hộ, tạo điều kiện để hộ gia đình có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhầm tiếp cận nguồn vốn tín dụng đầu tư trồng rừng gỗ lớn.

3. Giống, khoa học kỹ thuật và khuyến lâm

- Đầu tư nghiên cứu, khảo nghiệm các loài cây lâm nghiệp có năng suất cao phù hợp với điều kiện lập địa của tỉnh để bổ sung vào cơ cấu cây trồng rừng gỗ lớn; ưu tiên bố trí nguồn vốn khoa học cho việc nghiên cứu, tuyển chọn cây trội để chủ động nguồn giống tốt phục vụ trồng rừng; đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô để nhân nhanh các loại giống có chất lượng cao, sạch bệnh đáp ứng nhu cầu trồng rừng.

- Tổng kết và chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật về thâm canh rừng gỗ lớn, mô hình nông lâm kết hợp có hiệu quả, mô hình phát triển dược liệu dưới tán, để nâng cao giá trị kinh tế rừng, tạo điều kiện để người dân có thêm thu nhập lấy ngắn nuôi dài. Đồng thời, xây dựng mô hình phát triển lâm sàn ngoài gỗ dưới tán rừng như trồng cây mây nếp, các loài cây lâm sản chịu bóng... để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

- Đẩy mạnh hoạt động của hệ thống khuyến lâm, nhất là khuyến lâm cơ sở nhầm chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật thâm canh rừng gỗ lớn đến các chủ rừng.

4. Giải pháp về vốn đầu tư

- Huy động và gắn kết các nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ phát triển rừng và trồng rừng gỗ lớn.

- Phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng vay vốn trồng rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các chủ rừng tận dụng nguồn vốn từ khai thác rừng trồng đến tuổi khai thác, tận dụng lâm sản khi cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt để trồng rừng gỗ lớn; chỉ cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt để trồng rừng gỗ lớn.

- Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp liên doanh liên kết với các hộ gia đình để đầu tư trồng rừng gỗ lớn theo phương thức: doanh nghiệp đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật, các hộ gia đình góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có sản phẩm khai thác hưởng lợi theo tỷ lệ góp vốn, để hình thành chuỗi giá trị của sản phẩm lâm nghiệp, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

5. Giải pháp về nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp.

- Đầu mối phối hợp với Ban quản lý các dự án lâm nghiệp, các tổ chức quốc tế kêu gọi các hỗ trợ, đầu tư xây dựng năng lực, hỗ trợ kỹ thuật cho việc quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng cho diện tích rừng trồng gỗ lớn, để đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới và nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp.

- Xây dựng mô hình liên kết các hộ gia đình trồng rừng thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác xã, hội nông dân; liên kết giữa chủ rừng nhà nước với các hộ gia đình để xây dựng mô hình cấp chứng chỉ rừng theo nhóm, giảm chi phí cấp chứng chỉ rừng.

- Tổ chức đào tạo, tập huấn về các tiêu chí, tiêu chuẩn chứng nhận quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng cho đối tượng là cán bộ khuyến lâm, kiểm lâm viên địa bàn, cán bộ lâm nghiệp và các chủ rừng để triển khai thực hiện. Đẩy mạnh việc hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, tổ chức cấp chứng chỉ rừng để triển khai việc cấp chứng chỉ rừng cho rừng trồng gỗ lớn đảm bảo kế hoạch.

6. Giải pháp về cơ chế, chính sách

Nghiên cứu xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung một số nội dung chính như:

- Hỗ trợ kinh phí chuyển hóa rừng trồng kinh doanh nguyên liệu gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn.

- Hỗ trợ kinh phí cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đối với rừng trồng gỗ lớn, để nâng cao giá trị gia tăng và tiếp cận được với thị trường thế giới.

- Xây dựng mô hình thí điểm về hỗ trợ mua bảo hiểm đối với rừng trồng kinh doanh gỗ lớn, hạn chế rủi ro để người trồng rừng yên tâm đầu tư kinh doanh gỗ lớn.

- Hỗ trợ xây dựng đường lâm nghiệp tại các vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn tập trung, để nâng cao giá trị lâm sản.

7. Giải pháp về chế biến

- Rà soát các cơ sở chuyên chế biến dăm gỗ, cơ sở chế biến có hợp phần sản xuất dăm gỗ trên địa bàn tỉnh, từ đó xác định cụ thể lộ trình đổi mới công nghệ sang chế biến sâu như: ván dăm, viên nén; nếu không thực hiện được phải ngừng sản xuất. Không cấp phép đầu tư mới cơ sở chế biến gỗ có hợp phần chế biến dăm gỗ trên 40% sản lượng gỗ nguyên liệu.

- Khuyến khích phát triển các cơ sở chế biến sản xuất ván ghép thanh, ván bóc, chế biến đồ mộc... và cơ sở sản xuất có hợp phần chế biến sau dăm gỗ như ván MDF, ván dăm, viên nén năng lượng..., để tận dụng nguyên liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất.

- Phát triển làng nghề chế biến lâm sản, xây dựng các cụm công nghiệp trong khu vực nông thôn, phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất đồ mộc dân dụng, thủ công mỹ nghệ và tham gia chuỗi liên kết sản xuất với các nhà máy công nghiệp chế biến lâm sản.

IX. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện có liên quan tham mưu xây dựng và bố trí quỹ đất để phát triển vùng kinh doanh rừng gỗ lớn và tổ chức triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh doanh rừng gỗ lớn nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020.

Chủ trì hướng dẫn các kỹ thuật: thâm canh rừng gỗ lớn; chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ thành rừng kinh doanh cây gỗ lớn; cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt, cải tạo rừng trồng kém chất lượng để kinh doanh rừng gỗ lớn; quy định tiêu chuẩn chất lượng cây giống để trồng gỗ lớn; xác định cơ cấu cây trồng gỗ lớn theo thẩm quyền được giao.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì đầu mối với các bộ, ngành Trung ương xây dựng và phân bổ nguồn kinh phí đầu tư phát triển kinh doanh rừng gỗ lớn.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện tham mưu cho UBND tỉnh lồng ghép các chương trình, dự án có liên quan tạo nguồn lực tổng hợp, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển rừng gỗ lớn.

3. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các sở ban ngành có liên quan hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện Đề án.

Bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động của đề án theo các chính sách hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp của tỉnh.

4. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị liên quan tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt và quản lý các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có liên quan đến phát triển rừng trồng gỗ lớn từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học của tỉnh. Chỉ đạo, định hướng các chương trình đề tài, dự án trên lĩnh vực công tác liên quan đến phát triển kinh doanh rừng gỗ lớn.

5. Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các sở ban ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp nhằm phát triển thị trường lâm sản, phát triển làng nghề chế biến lâm sản; khuyến khích doanh nghiện đầu tư chế biến sâu.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở ban ngành và địa phương có liên quan bố trí đất cho các dự án, đẩy mạnh thực hiện giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạo điều kiện tốt nhất để chủ rừng tham gia phát triển rừng kinh doanh gỗ lớn.

7. Sở Giao thông vận tải: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở ban ngành có liên quan hướng dẫn các địa phương thiết kế, thẩm định, phê duyệt cấp, loại đường, tiêu chuẩn kỹ thuật đường lâm nghiệp phù hợp với điều kiện sản xuất lâm nghiệp của tỉnh để phát huy cao nhất hiệu quả của đề án.

8. Các sở, ban, ngành liên quan: Căn cứ chức năng nhiệm vụ phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT để chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các nội dung của Đề án.

9. Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Thanh Hóa: Chỉ đạo các chi nhánh cấp huyện hướng dẫn các tổ, nhóm, chủ rừng lập hồ sơ vay vốn trồng rừng gỗ lớn theo quy định tại Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ và thông tư 27/2015/TT-NHNN ngày 15/12/2015 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam; kiểm tra, xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện cho vay.

10. UBND các huyện: Chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của đề án theo đúng mục tiêu được phê duyệt; tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách phát triển rừng trồng gỗ lớn đến từng hộ trên địa bản huyện. Thực hiện chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc đến tận các hộ gia đình; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tích cực tham gia phát triển kinh doanh rừng gỗ lớn trên địa bàn./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4170/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án Phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020

  • Số hiệu: 4170/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/10/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Nguyễn Đức Quyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/10/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản