Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪ
A THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 49/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 19 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “TRIỂN KHAI, ÁP DỤNG VÀ QUẢN LÝ HỆ THỐNG TRUY XUẤT NGUỒN GỐC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ NĂM 2020”

Căn cứ quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; Quyết định số 2979/QĐ-BKHCN ngày 14 tháng 10 năm 2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành Kế hoạch của Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc”; Kế hoạch số 235/KH-UBND ngày 06 tháng 11 năm 2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc triển khai Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025”, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020”, với các nội dung như sau:

1. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu:

- Nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các bên liên quan.

- Nhận diện và truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của tỉnh, các đặc sản của địa phương, qua đó kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu: sản xuất, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

- Đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc.

- Truy xuất được nguồn gốc sản phẩm của 5 cơ sở/doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh (thuộc danh mục sản phẩm chủ lực theo Quyết định số 1162/QĐ-UBND ngày 13/5/2019 của UBND tỉnh), các đặc sản của địa phương dựa trên ứng dụng thông tin điện tử sử dụng mã QR và công nghệ mã số mã vạch (theo Phụ lục I đính kèm).

2. Yêu cầu:

- Xây dựng giải pháp ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR, ứng dụng công nghệ mã vạch truy xuất nguồn gốc trong quản lý, nhận diện, xác định nguồn gốc sản phẩm đảm bảo an toàn lưu thông, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Nâng cao tỷ lệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng công cụ điện tử ở cơ sở sản xuất ban đầu, sơ chế, chế biến ở những vùng, hợp tác xã sản xuất tập trung, cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm chủ lực theo chuỗi trên địa bàn Tỉnh; các của hàng, siêu thị, chợ đầu mối đến người tiêu dùng.

- Phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân trong quá trình triển khai và thực hiện kế hoạch.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong doanh nghiệp:

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của các đơn vị liên quan qua các chuyên đề, chuyên mục để tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hệ thống truy xuất nguồn gốc, công nghệ mã số mã vạch; xây dựng, triển khai và áp dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Tổ chức 01 cuộc Hội thảo khoa học về ứng dụng công nghệ tiên tiến trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

- Tổ chức, phối hợp tổ chức các hội nghị tập huấn chuyên sâu về tiêu chuẩn sản phẩm, triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến để truy xuất nguồn gốc sản phẩm (QR-code, vòng seal bảo vệ, điện toán đám mây, tem điện tử và hệ thống phần mềm nhận diện, Scan and Check, Icheck, VNPT Check,...). Dự kiến 2 lớp/năm qua 2 hình thức: (1) Tập huấn, đào tạo tại chỗ; (2) Gửi cán bộ quản lý khoa học và công nghệ của các sở, ngành, các địa phương và doanh nghiệp đi đào tạo tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hoặc đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ.

2. Xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thống nhất trong toàn tỉnh: Khảo sát, tư vấn, hướng dẫn xây dựng cơ sở dữ liệu sản phẩm để tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc, ứng dụng mã số mã vạch tại doanh nghiệp dựa trên ứng dụng thông tin điện tử sử dụng mã QR và công nghệ mã số mã vạch. Triển khai các công việc sau:

- Khảo sát, xây dựng nhật ký điện tử cho tất cả các công đoạn sản xuất, qua đó để thiết lập hồ sơ truy xuất nguồn gốc trong suốt quá trình từ khâu trồng nguyên liệu, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

- Hoàn thiện chương trình, xây dựng quy trình quản lý, hướng dẫn sử dụng hệ thống phần mềm ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc cho cơ sở sản xuất.

- Lựa chọn giải pháp công nghệ phù hợp với quy mô sản xuất, hướng dẫn truy xuất nguồn gốc bằng công cụ điện tử từ cơ sở sản xuất ban đầu, cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến ở những vùng, hợp tác xã sản xuất tập trung, cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm chủ lực theo chuỗi trên địa bàn Thành phố đến các cửa hàng, siêu thị, chợ đầu mối.

- Triển khai áp dụng cấp mã QR-code (thông qua hệ thống tem điện tử) cho các sản phẩm, đảm bảo thông qua tem gắn trên sản phẩm sau khi đã được kích hoạt thông tin và đưa ra phân phối trên thị trường thì người tiêu dùng có thể kiểm tra truy xuất thông tin của sản phẩm qua tất cả các khâu từ sản xuất nguyên liệu - thu hoạch vận chuyển - chế biến và phân phối đến khi sản phẩm chính thức đến tay người tiêu dùng. Dự kiến 10.000 tem/sản phẩm, tương ứng với 100.000 tem/năm.

3. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

- Rà soát các văn bản quy định pháp luật, bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc, bao gồm: Các quy định, tài liệu hướng dẫn truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm đặc thù như nông lâm thủy sản, thực phẩm, dược phẩm, thuốc chữa bệnh.

- Nghiên cứu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tài liệu hướng dẫn chung về truy xuất nguồn gốc cho các đối tượng tham gia vào chuỗi cung ứng như: đơn vị cung ứng, đơn vị sản xuất, đơn vị phân phối, đơn vị bán lẻ, cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng.

- Ban hành tài liệu hướng dẫn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; thống nhất, chuẩn hóa hình thức, nội dung thẻ, tem, nhãn hoặc định dạng bằng một phương thức thích hợp để truy xuất nguồn gốc; cách thức quản lý việc áp dụng; thông tin truy xuất nguồn gốc: thông tin về cơ sở sản xuất, chế biến; thông tin về nguồn gốc xuất xứ nguyên vật liệu; thông tin về an toàn, vệ sinh và chất lượng; yêu cầu, trách nhiệm đối với cơ sở sản xuất, gắn thẻ, tem, nhãn hoặc định dạng bằng một phương thức thích hợp để truy xuất nguồn gốc, cũng như các bên liên quan. Cụ thể: Ban hành ít nhất 10 bộ tài liệu hướng dẫn áp dụng, quy trình sản xuất khác nhau/năm (dự kiến 5 cơ sở/năm và có 2 loại sản phẩm/cơ sở) được áp dụng tại cơ sở/doanh nghiệp; thống nhất chọn mẫu tem QR-code thích hợp để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hướng dẫn việc quản lý áp dụng, thông tin cần truy xuất nguồn gốc,...

4. Mở rộng triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với một số nhóm sản phẩm, hàng hóa đặc thù trong tỉnh như nông lâm thủy sản, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và một số sản phẩm đặc sản của địa phương. Qua đó, thực hiện đồng bộ từ nguyên liệu- xưởng sản xuất, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ, phân phối sản phẩm và theo hệ thống mã hóa điện tử.

(Nội dung và tiến độ thực hiện theo Phụ lục 2 đính kèm)

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về phát triển tổ chức và chuyên gia tư vấn

a) Đào tạo đội ngũ chuyên gia về áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc và ứng dụng mã số mã vạch cho các sở, ngành, doanh nghiệp để hỗ trợ tư vấn và triển khai các nhiệm vụ của Kế hoạch.

b) Khuyến khích thành lập mới các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động về dịch vụ mã số mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ, công bố hợp chuẩn, hợp quy và chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến cho các sản phẩm chủ lực và các đặc sản của địa phương. Tạo mọi điều kiện để các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hoạt động chuyên nghiệp về khoa học kỹ thuật đo lường, năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn.

c) Khuyến khích phát triển các tổ chức tư vấn, các tổ chức khoa học công nghệ giao vào Đề án như chuyển giao các kết quả nghiên cứu KHCN về công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

2. Giải pháp về thông tin tuyên truyền

- Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân qua các cơ quan thông tin truyền thông, các tổ chức, chính trị - xã hội về mục đích, ý nghĩa của việc quản lý nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

- Thực hiện các phóng sự, chuyên mục, chuyên trang, chương trình về Đề án nhận diện và truy xuất nguồn gốc. Phổ biến mô hình hình áp dụng tại doanh nghiệp, tuyên truyền cho các đơn vị khác tham quan, học tập kinh nghiệm và làm theo.

3. Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp

- Đơn vị cung cấp công nghệ triển khai tập huấn sử dụng phần mềm quản lý nhận diện truy xuất nguồn gốc cho các đơn vị tham gia vận hành Đề án. Đơn vị quản lý chịu trách nhiệm vận hành kỹ thuật, quản lý, lưu trữ thông tin, đảm bảo Đề án được vận hành thông suốt, an toàn và bảo mật.

- Đơn vị được giao quản lý thành lập bộ phận cán bộ có chuyên môn sâu để tổng hợp dữ liệu, ứng phó nhanh với các sự cố trong quá trình truyền tải thông tin khai báo của các cơ sở sản xuất khi vận hành Đề án.

4. Giải pháp về kỹ thuật và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc

- Quy trình quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin là một giải pháp nhằm kiểm soát theo chuỗi từ sản xuất, vận chuyển, bảo quản đến kinh doanh đối với sản phẩm đặc sản của địa phương. Quy trình trên sử dụng công nghệ QR-code, vòng seal bảo vệ, điện toán đám mây, tem điện tử và hệ thống phần mềm nhận diện, truy xuất nguồn gốc,... Để nhận diện và quản lý các thông tin, dữ liệu liên quan đến sản phẩm và đến tay người tiêu dùng.

- Người tiêu dùng dễ dàng nhận biết và truy xuất được thông tin về sản phẩm, nơi sản xuất sản phẩm, vùng nguyên liệu, nơi cung ứng phân phối sản phẩm, tình trạng của sản phẩm, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng.

- Dễ dàng tìm mua sản phẩm qua ứng dụng thương mại điện tử, chỉ dẫn cho người tiêu dùng địa chỉ bán sản phẩm gần nhất nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại của người tiêu dùng.

- Giúp doanh nghiệp quản lý được hàng hóa và bảo vệ sản phẩm của mình không bị làm giả, làm nhái, mạo danh thương hiệu và không bị chia sẻ thị phần, bảo vệ quyền lợi cho nhà sản xuất chân chính của chuỗi.

- Qua ứng dụng thương mại điện tử thì sản phẩm của tỉnh có thể dễ dàng tiếp cận cộng đồng người tiêu dùng, khách hàng lớn và các hệ thống cộng tác viên bán hàng trên toàn quốc trong thời gian ngắn nhất.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bảo đảm từ các nguồn: kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ năm 2020, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Trong đó nguồn ngân sách nhà nước được sử dụng để: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong doanh nghiệp; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc; nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Khoa học và Công nghệ:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Kế hoạch này.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương xác định sản phẩm, nhóm sản phẩm có lợi thế của địa phương để triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc.

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin, tổ chức quảng bá các hoạt động thực hiện Kế hoạch nhằm đáp ứng đầy đủ, chính xác và kịp thời nhu cầu thông tin của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân.

- Thực hiện đôn đốc, giám sát và có báo cáo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất tình hình triển khai thực hiện và các khó khăn vướng mắc về UBND tỉnh và Bộ Khoa học và Công nghệ.

2. Các Sở, ngành và địa phương liên quan:

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, cụ thể hóa các nhiệm vụ của Kế hoạch này gắn với lĩnh vực phụ trách của ngành.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và Thành phố Huế chỉ đạo đơn vị chức năng trực thuộc xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn.

- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch này.

3. Các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham gia vào Kế hoạch:

- Hợp tác cung cấp các thông tin liên quan đến nguồn gốc sản phẩm, quy trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển, phân phối,... và tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật.

- Sản xuất kinh doanh và cung ứng sản phẩm phải đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, vệ sinh lao động, môi trường và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

- Vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc và ứng dụng công nghệ mã số mã vạch đảm bảo khai thác có hiệu quả.

- Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham quan học hỏi và nhân rộng mô hình.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các Sở, ngành, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- Bộ KHCN (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: KHCN, KHĐT, TC, CT, NN, YT;
- UBND các huyện, thị xã, Tp. Huế;
- VP: CVP, PCVP N.Đ.Bách;
- Lưu: VT, DL.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Thiên Định

 

PHỤ LỤC 1

DỰ KIẾN DANH SÁCH CÁC DOANH NGHIỆP/CƠ SỞ THAM GIA ÁP DỤNG HỆ THỐNG TRUY XUẤT NGUỒN GỐC NĂM 2020
(Ban hành theo Kế hoạch số: 49/KH-UBND ngày 19/02/2020 của UBND tỉnh)

STT

Tên sản phẩm

Số lượng doanh nghiệp/cơ sở

Vùng sản xuất chủ yếu

I

Nhóm ẩm thực Huế

 

 

 

Mè xửng Huế

01

TP Huế (dự kiến cơ sở sản xuất Mè xửng Thông Hương)

II

Các sản phẩm thủy, hải sản chế biến

 

 

 

Nước mắm, ruốc, mắm các loại

01

Thị xã Hương Thủy (dự kiến DNTN Liên Hoa)

III

Nhóm sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi

 

 

1

Trà rau má

01

Huyện Quảng Điền (dự kiến Hợp tác xã sản xuất TM và DV Quảng Thọ II)

2

Sen Huế

01

TP Huế, huyện Phong Điền, huyện Quảng Điền

IV

Nhóm sản phẩm dược liệu

 

 

 

Tinh dầu tràm, tinh dầu sả và các loại tinh dầu từ dược liệu

01

Huyện Phú Lộc (dự kiến Hợp tác xã dầu tràm Lộc Thủy).

Tổng cộng

5 doanh nghiệp/cơ sở

 

 

PHỤ LỤC 2

NỘI DUNG VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI, ÁP DỤNG VÀ QUẢN LÝ TRUY XUẤT NGUỒN GỐC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ NĂM 2020
(Ban hành theo Kế hoạch số: 49/KH-UBND ngày 19/02/2020 của UBND tỉnh)

TT

Nội dung

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Thời gian thực hiện

Ghi chú

1

Tuyên truyền nâng cao nhận thức về áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong doanh nghiệp.

Sở KHCN

Các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh

Tháng 3-4/2020

Ngân sách hỗ trợ theo Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019;

2

Hội thảo khoa học, hội nghị về công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, công nghệ, giải pháp về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Sở KHCN

Các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh

Tháng 5/2020

Ngân sách hỗ trợ theo Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019;

3

Khảo sát, xây dựng nhật ký điện tử cho tất cả các công đoạn sản xuất.

Sở KHCN

Các sở, ngành, địa phương.

Tháng 6/2020

 

4

Lựa chọn giải pháp công nghệ phù hợp với quy mô sản xuất (QR-code, điện toán đám mây, tem điện tử và hệ thống phần mềm nhận diện, Scan and Check, Icheck, VNPT Check,...)

Sở KHCN

Đơn vị tư vấn cung cấp giải pháp công nghệ truy xuất nguồn gốc.

Tháng 6/2020

 

5

Thiết kế tem truy xuất thông minh (Gắn vào sản phẩm thành phẩm), cấp mã số điện tử, tài khoản đăng nhập sử dụng phần mềm hệ thống, quản lý sản phẩm, xây dựng nhật ký điện tử cho sản phẩm.

Sở KHCN

Đơn vị tư vấn cung cấp giải pháp công nghệ truy xuất nguồn gốc.

Tháng 7/2020

 

6

Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa: Ban hành 10 bộ tài liệu hướng dẫn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc tại cơ sở/DN.

Sở KHCN

Đơn vị tư vấn cung cấp giải pháp công nghệ truy xuất nguồn gốc.

Tháng 8/2020

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 49/KH-UBND năm 2020 về triển khai Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020"

  • Số hiệu: 49/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 19/02/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Phan Thiên Định
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản