Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 04 tháng3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÁC VÙNG SẢN XUẤT RAU AN TOÀN, TẬP TRUNG, ĐẢM BẢO TRUY XUẤT NGUỒN GỐC GẮN VỚI CHẾ BIẾN VÀ THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Quyết định số 4765/QĐ-BNN-TT ngày 09/11/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Đề án Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 358/QĐ-UBND ngày 08/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng địa phương; phục vụ nhu cầu sử dụng rau ngày càng đa dạng của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

- Ứng dụng khoa học công nghệ mới vào trong quá trình sản xuất; giảm sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc trong sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm rau chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe con người, có khả năng cạnh tranh cao.

- Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ giữa người trồng rau với hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm rau.

- Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất, chế biến rau. Nhà nước tạo cơ chế, chính sách và đầu tư, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật.

2. Yêu cầu

Phát triển sản xuất rau an toàn, tập trung của địa phương phải bảo đảm tính liên kết vùng, phù hợp với Đề án Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030 tại Quyết định số 4765/QĐ-BNN-TT ngày 09/11/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng rau trong tỉnh, một phần tiêu thụ ngoài tỉnh và hướng tới xuất khẩu, góp phần phát triển bền vững ngành hàng rau và đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh, an toàn thực phẩm, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Diện tích cây rau toàn tỉnh đạt trên 8.500 ha, sản lượng trên 114.000 tấn/năm; trong đó, diện tích rau phục vụ chế biến, liên kết với các cơ sở chế biến khoảng 350-400 ha, sản lượng trên 22.000 tấn

- Trên 95% số mẫu rau được thanh tra, kiểm tra đạt tiêu chuẩn an toàn.

- Tỷ lệ diện tích rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chiếm khoảng 30% tổng diện tích gieo trồng rau toàn tỉnh.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2030

1. Định hướng phát triển rau toàn tỉnh

Đến năm 2030, định hướng diện tích rau toàn tỉnh đạt trên 8.500 ha, trong đó:

1.1. Nhóm rau họ thập tự (bắp cải, su hào, súp lơ, cải ngọt, cải canh,…): Diện tích trên 3.000 ha. Ưu tiên phát triển các loại rau ưa lạnh có giá trị kinh tế cao trồng vụ đông như: Bắp cải, su hào, súp lơ; mở rộng diện tích rau sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ, Global GAP,...) ở các vùng có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp như các huyện: Na Hang, Lâm Bình, Hàm Yên để sản xuất rau trái vụ.

1.2. Nhóm rau ăn quả (dưa chuột, cà chua, ớt, bí ăn quả,…): Diện tích trên 2.000 ha tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung nhiều tại các huyện: Chiêm Hoá, Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên. Ưu tiên phát triển các loại rau đang thực hiện chuỗi liên kết sản xuất đem lại giá trị kinh tế cao (dưa chuột, ớt,…).

1.3. Nhóm rau ăn củ (khoai tây, khoai sọ, cà rốt,…): Diện tích trên 600 ha tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung nhiều tại các huyện: Chiêm Hoá, Yên Sơn, Sơn Dương.

1.4. Nhóm rau khác: Chiếm khoảng 30 % tổng diện tích gieo trồng rau của tỉnh, gồm các loại: Rau muống; mùng tơi, rau đay; rau gia vị;…; các loại rau bản địa có thế mạnh tại địa phương: Măng tre, rau bồ khai, rau dớn,... phân bổ ở tất cả các vùng trên địa bàn tỉnh.

2. Định hướng phát triển sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến

Đến năm 2030, diện tích rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc trên địa bàn toàn tỉnh đạt khoảng 2.500- 2.600 ha rau các loại; trong đó, diện tích rau phục vụ chế biến, liên kết với các cơ sở chế biến khoảng 350-400 ha. Diện tích rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến, liên kết với các cơ sở chế biến phân chia các huyện, thành phố như sau:

- Huyện Sơn Dương: Diện tích rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc khoảng 710 ha, tập trung chủ yếu trên các loại rau họ thập tự (bắp cải, su hào, súp lơ,…), các loại rau ăn quả (dưa chuột, dưa lưới, ớt, cà chua, bí,...), các loại rau ăn củ (khoai tây, cà rốt,...), hành, tỏi,...

- Huyện Hàm Yên: Diện tích rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc khoảng 250 ha, tập trung chủ yếu trên các loại rau họ thập tự (bắp cải, su hào, súp lơ,…), các loại rau ăn quả (dưa chuột, dưa lưới, ớt, cà chua, bí,...), các loại rau ăn củ (khoai tây, khoai sọ,...),...

- Huyện Yên Sơn: Diện tích rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc khoảng 540 ha, tập trung chủ yếu trên các loại rau họ thập tự (bắp cải, su hào, súp lơ,…), các loại rau ăn quả (dưa chuột, dưa lưới, ớt, cà chua, bí, đậu đỗ,...), các loại rau ăn củ (khoai tây, khoai sọ,...), rau gia vị,...

- Huyện Chiêm Hoá: Diện tích rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc khoảng 635 ha, tập trung chủ yếu trên các loại rau họ thập tự (bắp cải, su hào, súp lơ,…), các loại rau ăn quả (dưa chuột, dưa lưới, ớt, cà chua, bí, đậu đỗ,...), các loại rau ăn củ (khoai tây, khoai sọ, cà rốt,...), hành, tỏi, rau đặc sản địa phương,...

- Huyện Na Hang: Diện tích rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc khoảng 150 ha, tập trung chủ yếu trên các loại rau họ thập tự (bắp cải, su hào, súp lơ,…), các loại rau ăn quả (dưa chuột, ớt, cà chua, bí,...), các loại rau ăn củ (khoai tây, cà rốt,...), rau đặc sản địa phương,...

- Huyện Lâm Bình: Diện tích rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc khoảng 130 ha, tập trung chủ yếu trên các loại rau họ thập tự (bắp cải, su hào, súp lơ,…), các loại rau ăn quả (dưa chuột, ớt, cà chua, bí,...), các loại rau ăn củ (khoai tây, khoai sọ,...), rau đặc sản địa phương,...

- Thành phố Tuyên Quang: Diện tích rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc khoảng 165 ha, tập trung chủ yếu trên các loại rau họ thập tự (bắp cải, su hào, súp lơ,…), các loại rau ăn quả (dưa chuột, cà chua, bí,...), các loại rau ăn củ (khoai tây, cà rốt,...), rau gia vị,...

IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Về tổ chức sản xuất

- Căn cứ Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030, các huyện, thành phố xác định quy mô vùng sản xuất rau an toàn, tập trung trong phương án quy hoạch, kế hoạch sản xuất của địa phương, gắn phát triển vùng sản xuất rau an toàn, tập trung với các cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm.

- Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm rau; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp định hướng quy mô vùng trồng các loại rau phục vụ chế biến và xuất khẩu; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất rau từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

- Khuyến khích dồn điền, đổi thửa, tích tụ đất đai tạo điều kiện thuận lợi để liên kết sản xuất; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng để hình thành các vùng chuyên canh trồng rau tập trung.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển hợp tác xã cả về chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt chú trọng hỗ trợ thành lập mới và nâng cao năng lực cho các thành viên hợp tác xã để xây dựng liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với người sản xuất rau.

- Đẩy mạnh sử dụng các giống rau có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu; tăng tỷ lệ sử dụng giống F1, giống ghép (cà chua ghép); khuyến khích phát triển các giống rau bản địa, đặc sản địa phương nhất là đối với các địa phương có điều kiện sinh thái phù hợp như: Lâm Bình, Na Hang, Hàm Yên, Chiêm Hóa.

- Tăng cường đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất. Ứng dụng cơ giới hoá phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng loại cây trồng nhằm nâng cao năng suất lao động; giảm tổn thất sau thu hoạch và thích ứng với biến đổi khí hậu để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

- Đối với hộ gia đình, cần chủ động liên kết với doanh nghiệp thông qua hợp tác xã để hình thành vùng sản xuất rau tập trung, gắn với xây dựng mã số vùng trồng truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn sản xuất rau an toàn, IPHM, VietGAP, hữu cơ,…, tăng cường kỹ năng sản xuất, quản lý vùng trồng, an toàn thực phẩm, kiến thức thị trường,...

- Tiếp tục duy trì và nhân rộng các chuỗi liên kết đã thực hiện đạt hiệu quả. Tập trung phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột, ớt, bí đỏ,… nhằm nâng cao tỷ lệ tiêu thụ theo liên kết đạt trên 20 % sản lượng rau.

2. Về khoa học công nghệ

- Đầu tư lưu giữ, phát triển các giống rau bản địa; lựa chọn các giống rau mới, các giống lai F1 (cải bắp, cà chua, dưa chuột, ớt,...) có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Tăng cường áp dụng kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo hướng ứng dụng công nghệ cao, quy trình canh tác tiên tiến, bền vững; bón phân cân đối, hợp lý, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật sinh học; hạn chế sử dụng hóa chất vô cơ; ứng dụng quy trình tưới nước tiết kiệm, hợp lý; chuyển giao quy trình sản xuất rau an toàn vào thực tiễn sản xuất.

- Nghiên cứu dự báo thị trường tiêu thụ các sản phẩm rau; áp dụng công nghệ mới trong sơ chế, bảo quản, chế biến rau, giảm tổn thất sau thu hoạch; thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin thúc đẩy chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc trong sản xuất rau an toàn; cải tiến nhãn mác, bao bì sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm rau trên địa bàn tỉnh.

- Đa dạng hóa các hình thức khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới cho các hợp tác xã, trang trại, nông dân. Hỗ trợ nông dân kết nối với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao năng lực tư vấn và dịch vụ khuyến nông của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố về liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm; dịch vụ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ, tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp; xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

- Xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất: Sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh hại, thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ nhà màng; quy trình tưới nước chủ động, tiết kiệm; áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức cây trồng tổng hợp (IPHM); sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, GlobalGAP,…; mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm,… nhằm chuyển giao và nhân rộng kỹ thuật tiến bộ cho người sản xuất, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả của cây trồng, giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khoẻ của người sản xuất và người tiêu dùng.

3. Về thị trường tiêu thụ

- Đối với thị trường trong nước: Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình xây dựng thương hiệu sản phẩm rau an toàn, xây dựng sản phẩm OCOP, gắn với cấp mã số vùng trồng để người tiêu dùng dễ dàng cập nhật các thông tin về sản phẩm. Hỗ trợ các chủ thể liên kết tiếp cận các cơ sở chế biến, thị trường tiêu thụ tiềm năng, tham gia trưng bày sản phẩm tại các sự kiện, hội chợ trong tỉnh và ngoài tỉnh. Đa dạng hóa các kênh phân phối rau an toàn, ngoài các đầu mối tiêu thụ lớn, các nhà máy chế biến, các sàn giao dịch sản phẩm,... cần khai thác và quản lý tốt điểm bán tại các khu du lịch, trạm dừng nghỉ của khách du lịch để xây dựng hình ảnh, quảng bá sản phẩm rau của địa phương.

- Đối với thị trường xuất khẩu: Từng bước mở rộng diện tích vùng trồng rau xuất khẩu, vùng trồng cung cấp cho nhà máy chế biến rau xuất khẩu; tập trung hỗ trợ các vùng liên kết sản xuất rau xuất khẩu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chất lượng, điều kiện thị trường các nước nhập khẩu. Cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói các loại rau có tiềm năng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

4. Về quản lý nhà nước

- Tổ chức thực hiện tốt các chính sách liên quan đến phát triển sản xuất rau an toàn: Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất; chính sách phát triển hợp tác xã,… Đồng thời tiếp tục theo dõi, đánh giá và đề xuất với cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau an toàn bảo đảm truy xuất nguồn gốc phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn.

- Làm tốt công tác kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, các chợ đầu mối, các cửa hàng kinh doanh rau quả để nâng cao tính minh bạch về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm rau của địa phương.

- Thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư đầu vào phục vụ sản xuất (thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống,...); nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng các sản phẩm rau. Quản lý chặt chẽ các yếu tố gây ô nhiễm đất, nguồn nước tưới cho các vùng sản xuất rau an toàn,...

5. Về đầu tư tăng cường năng lực và hợp tác quốc tế

- Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất rau theo hướng xã hội hóa, chủ yếu là vốn của doanh nghiệp và người dân. Các hộ gia đình đầu tư hình thành vùng sản xuất rau tập trung. Hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với các hộ gia đình và doanh nghiệp đầu tư cơ sở sơ chế, bảo quản, đóng gói rau. Doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, cơ sở sơ chế, nhà máy chế biến, thương hiệu sản phẩm rau,...

- Ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất rau theo quy định của pháp luật để thực hiện các nhiệm vụ: Xây dựng cơ chế, chính sách; nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực, ưu tiên nguồn nhân lực sản xuất rau an toàn; cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo, nghiên cứu sản xuất, chế biến rau; hạ tầng vùng sản xuất rau tập trung (giao thông, thủy lợi, điện,…); chợ đầu mối, sàn giao dịch,…; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ,...

- Tăng cường hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế nhằm phát triển ngành rau như: Nhập nội các giống rau mới, các giống lai; áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật sản xuất rau an toàn phù hợp với các nước nhập khẩu rau; quản trị chuỗi sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến rau; quản lý các yếu tố gây ô nhiễm nguồn nước và đất trồng rau; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm rau,...

6. Nguồn vốn thực hiện

Nguồn vốn thực hiện Kế hoạch gồm: Vốn ngân sách trung ương; vốn ngân sách địa phương theo quy định về phân cấp về nguồn ngân sách Nhà nước hiện hành; vốn xã hội hóa (vốn của doanh nghiệp và người dân); vốn lồng ghép từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đang triển khai trên địa bàn tỉnh; kế hoạch, đề án có liên quan và vốn huy động hợp pháp khác.

(Có biểu nhiệm vụ và kế hoạch chi tiết kèm theo)

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung, giải pháp tại Kế hoạch; hàng năm chủ trì đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch.

- Phối hợp với các địa phương tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất rau an toàn để tổ chức thực hiện. Xây dựng các mô hình trình diễn chuyển giao nhanh đến người sản xuất các kỹ thuật tiến bộ áp dụng vào sản xuất, sơ chế, chế biến rau an toàn.

- Tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân, hộ gia đình áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào sản xuất, sơ chế, chế biến rau; xây dựng vùng trồng bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Thực hiện cấp mã số và giám sát hoạt động, sử dụng mã số được cấp tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói theo đúng quy định của pháp luật.

- Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, buôn bán, sử dụng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rau.

- Chủ động phối hợp với các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch. Tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Sở Khoa học và Công nghệ

- Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách có liên quan tới hỗ trợ tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ và tiến bộ kỹ thuật.

- Hướng dẫn việc đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu) cho sản phẩm rau an toàn của tỉnh và quản lý, phát triển thương hiệu đối với sản phẩm đã được cấp nhãn hiệu.

- Phối hợp với Sở Tài chính đề xuất, bố trí kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ thực hiện các đề tài nghiên cứu, dự án ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ liên quan đến phát triển rau an toàn, cây rau có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát các cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm rau an toàn. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút các doanh nghiệp ký kết hợp đồng thu mua nông sản tại các vùng trồng được cấp mã số, đảm bảo an toàn thực phẩm tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu.

- Chủ trì, tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện hoạt động khuyến công nông thôn trong chuyển giao công nghệ, hỗ trợ trang thiết bị, dây chuyền cho các mô hình sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm cây rau.

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan tăng cường công tác quản lý thị trường bảo đảm minh bạch chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và sản phẩm rau.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

Hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các dự án phát triển sản xuất hàng hóa đối với cây rau theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tiếp tục rà soát đề xuất các chính sách liên quan đến tích tụ đất đai, bảo vệ môi trường phát triển nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.

5. Các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư

Trên cơ sở đề án, cơ chế, chính sách đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí nguồn kinh phí đảm bảo theo phân cấp ngân sách Nhà nước để thực hiện Kế hoạch này, tăng cường lồng ghép với các đề án, chương trình, kế hoạch liên quan đã được phê duyệt, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của địa phương và huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Hướng dẫn các huyện, thành phố bố trí kinh phí hàng năm để tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch này. Vận động nhân dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây rau trên địa bàn đảm bảo đạt mục tiêu của Kế hoạch.

- Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã,... tham gia đầu tư sản xuất rau trên địa bàn.

- Chủ động bố trí kinh phí hàng năm theo phân cấp để tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch.

- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn hằng năm rà soát, hướng dẫn người sản xuất thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật sản xuất cây rau đảm bảo hiệu quả kinh tế, ổn định sinh kế, đúng quy hoạch; định kỳ hằng năm báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện (đồng gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp).

7. Liên minh Hợp tác xã tỉnh

Chủ động tổ chức tuyên truyền, vận động các hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện các nội dung của Kế hoạch. Tổ chức kết nối các hợp tác xã, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ, các giải pháp, ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, liên kết và tiêu thụ sản phẩm rau.

8. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh

Tuyên truyền các doanh nghiệp tham gia thực hiện Kế hoạch, tăng cường đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh liên kết, kết nối với các hợp tác xã, người dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rau, sản phẩm nông sản; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến các sản phẩm từ rau,...

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh

- Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân tích cực tham gia, tổ chức sản xuất theo Kế hoạch này; nhất là tăng cường liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với tiêu thụ hình thành chuỗi, đẩy mạnh đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm; đẩy mạnh phong trào “Người Tuyên Quang ưu tiên sử dụng nông sản Tuyên Quang”.

- Tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội trong việc thực hiện Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển các vùng rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, phát sinh cần sửa đổi bổ sung, các đơn vị kịp thời thông tin về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT; (Báo cáo)
- Thường trực Tỉnh ủy; (Báo cáo)
- Thường trực HĐND tỉnh; (Báo cáo)
- Chủ tịch UBND tỉnh; (Báo cáo)
- Các Phó CT UBND tỉnh;
- UBMTTQ, các tổ chức CT-XH tỉnh;
- Các cơ quan, đơn vị (được giao nhiệm vụ trong kế hoạch); (Thực hiện)
- UBND huyện, thành phố; (Thực hiện)
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Giang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 47/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030

  • Số hiệu: 47/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 04/03/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Nguyễn Thế Giang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/03/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản