Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 152/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 19 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CÁC VÙNG SẢN XUẤT RAU AN TOÀN, TẬP TRUNG, BẢO ĐẢM TRUY XUẤT NGUỒN GỐC GẮN VỚI CHẾ BIẾN VÀ THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ TRÊN ĐỊA BÀN HÀ TĨNH ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 1748/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 về việc phê duyệt chiến lược Chiến lược Phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; số 1363/QĐ-TTg ngày 08/11/2022 về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 4765/QĐ-BNN-TT ngày 09/11/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 908/SNN-TT&BVTV ngày 29/3/2024; biểu quyết thống nhất của Thành viên UBND tỉnh (thực hiện trên hệ thống điện tử TD và văn bản giấy), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ trên địa bàn Hà Tĩnh đến năm 2030, với các nội dung như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

- Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn tập trung gắn với truy xuất nguồn gốc trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng địa phương, vùng sinh thái; ứng dụng quy trình sản xuất tiên tiến để đạt năng suất cao, chất lượng tốt, giá thành hạ, đa dạng chủng loại,… đáp ứng nhu cầu thị hiếu tiêu dùng.

- Ứng dụng khoa học công nghệ trong toàn bộ quá trình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm rau chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có khả năng cạnh tranh cao.

- Hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa các khâu trong chuỗi từ sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn; làm tốt công tác truy xuất nguồn gốc.

- Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất, chế biến rau. Nhà nước tạo cơ chế, chính sách và đầu tư, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật

2. Yêu cầu

Phát triển các vùng xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030 trên địa bàn Hà Tĩnh phù hợp với Quyết định số 4765/QĐ-BNN-TT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1363/QĐ-TTg.

II. Định hướng phát triển đến năm 2030

1. Định hướng diện tích sản xuất rau đến năm 2030

- Tổng diện tích sản xuất 13.830ha, năng suất 76,02 tạ/ha, sản lượng trên 105.000 tấn (Phụ lục 01 kèm theo).

- Diện tích vùng rau tập trung 758ha.

- Diện tích rau an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc 400ha.

2. Định hướng cơ cấu chủng loại rau

- Nhóm rau ăn lá (rau cải các loại, rau muống, mồng tơi…): diện tích 6.635ha, tập trung tại Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Đức Thọ, Nghi Xuân, thành phố Hà Tĩnh, Kỳ Anh, Lộc Hà…

- Nhóm rau lấy quả (bí xanh, bầu, mướp, cà chua, dưa hấu,…): diện tích 5.835ha, tập trung tại Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Nghi Xuân, Hương Sơn, Lộc Hà…

- Nhóm rau lấy củ, rễ, thân (hành tăm, tỏi, khoai tây, củ cải, cà rốt, su hào,…): diện tích 1.360ha, tập trung tại Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên…

(Phụ lục 02 kèm theo)

3. Định hướng phát triển các vùng sản xuất rau tập trung

Định hướng vùng sản xuất rau tập trung (bao gồm mở rộng các vùng truyền thống, các vùng ven thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp,…) 768ha, trong đó:

- Các vùng sản xuất hành tăm, kiệu 295ha, trong đó: Can Lộc 180ha (xã Thuần Thiện, Thiên Lộc, Vượng Lộc, Thượng Lộc); Đức Thọ 110ha (xã An Dũng, Tân Dân, Lâm Trung Thủy), Kỳ Anh 05ha (Kỳ Đồng),...

- Các vùng sản xuất rau củ quả các loại 443ha:

+ Vùng ven biển: 42ha, trong đó Thạch Hà 33ha (Thạch Văn, Thạch Trị, Thạch Lạc, Thạch Khê), Cẩm Xuyên 09ha (Yên Hòa),...

+ Vùng đồng bằng, trung du miền núi và bãi bồi ven sông: 401ha, trong đó: Thạch Hà 54ha (Tượng Sơn, Thạch Liên, Lưu Vĩnh Sơn, Tân Lâm Hương…), Cẩm Xuyên 150ha (Cẩm Trung, Cẩm Bình, Cẩm Quang, Cẩm Mỹ), Đức Thọ 55ha (Thị trấn và Tùng Ảnh, Bùi La Nhân, Liên Minh), Lộc Hà 07ha (Thạch Châu, Thịnh Lộc), thị xã Kỳ Anh 15ha (Kỳ Hoa), thành phố Hà Tĩnh 30ha (Đồng Môn, Thạch Hưng, Thạch Hạ), Nghi Xuân 70ha tại Xuân Hồng, Can Lộc 10ha (Thượng Lộc, Thị trấn Nghèn), Hương Khê 01ha (thị trấn, Lộc Yên),...

- Các vùng sản xuất rau trong nhà màng, nhà lưới: đến năm 2030 diện tích rau sản xuất trong nhà màng, nhà lưới phấn đấu đạt 300.000m2.

4. Định hướng phát triển các vùng rau an toàn có chứng nhận, đảm bảo truy xuất nguồn gốc

Đến năm 2030, diện tích rau an toàn có chứng nhận, đảm bảo truy xuất nguồn gốc 400ha (tương đương 800ha diện tích gieo trồng), trong đó: diện tích được cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất đủ điều kiện ATTP 256ha; diện tích được cấp giấy chứng nhận VietGap và tương đương 144ha.

(Phụ lục 03 kèm theo)

III. Giải pháp

1. Về thông tin, tuyên truyền

- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân về định hướng, chủ trương, chính sách và sự cần thiết đẩy mạnh sản xuất, phát triển rau an toàn.

- Tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác, nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm đối với sản xuất rau, củ, quả nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

2. Về tổ chức sản xuất

- Các huyện, thành phố, thị xã căn cứ Kế hoạch, xác định quy mô vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, đầu tư nguồn lực để xây dựng, phát triển và tổ chức sản xuất có hiệu quả.

- Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất trồng trọt; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp định hướng quy mô vùng trồng rau, ưu tiên tại các vùng tập trung; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất rau từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

- Thực hiện đồng bộ giải pháp hỗ trợ phát triển Hợp tác xã cả về chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt chú trọng hỗ trợ thành lập mới và nâng cao năng lực cho các thành viên Hợp tác xã sản xuất rau an toàn để xây dựng mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với hộ sản xuất.

- Đối với hộ gia đình sản xuất rau, cần liên kết với doanh nghiệp thông qua Hợp tác xã và Tổ hợp tác để sản xuất rau tại các vùng tập trung, gắn với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mã số vùng trồng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc; tham gia các khóa đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ về quy trình sản xuất rau an toàn, sơ chế, bảo quản rau,...

3. Về khoa học công nghệ

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn trong sản xuất rau. Hỗ trợ và khuyến khích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nông nghiệp, cơ sở sản xuất giống cây trồng, đầu tư để tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao; triển khai đề tài “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu để khoanh vùng và phát triển trồng trọt hữu cơ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”. Xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh hại, thích ứng với biến đổi khí hậu; mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, đảm bảo truy xuất nguồn gốc điện tử trong sản xuất rau an toàn trên Hệ thống: https://checkvn.hatinh.gov.vn,...

- Tổ chức tập huấn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về trồng, chăm sóc, sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp - IPHM,... trên cây rau nhằm tăng năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm và đạt các tiêu chuẩn về ATTP, VietGAP, sản xuất hữu cơ.

- Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình xây dựng thương hiệu sản phẩm rau an toàn gắn với mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.

4. Về thị trường tiêu thụ

Đa dạng hóa các kênh phân phối rau an toàn, đưa các sản phẩm rau an toàn Hà Tĩnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, triển lãm, quảng bá, xúc tiến thương mại,... để người tiêu dùng có đủ thông tin về sản phẩm rau của tỉnh Hà Tĩnh.

5. Về quản lý nhà nước

- Thực hiện công tác quản lý, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư đầu vào phục vụ sản xuất (thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chất kích thích sinh trưởng, giống, chất bảo quản,...); nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng các sản phẩm rau. Quản lý chặt chẽ các yếu tố gây ô nhiễm đất, nguồn nước tưới cho các vùng sản xuất rau an toàn,...

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách liên quan đến phát triển sản xuất rau an toàn, chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ phát triển Hợp tác xã,…

+ Chính sách của Trung ương: Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về khuyến nông; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; các chính sách của chương trình mục tiêu quốc gia,...

+ Chính sách của tỉnh: Nghị quyết 51/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh về việc quy định về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022 - 2025.

- Huy động nguồn kinh phí từ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia thực hiện phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch và theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện kế hoạch; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

- Quản lý chặt chẽ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rau an toàn theo quy định tại Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT; mã số vùng trồng theo quy định tại Quyết định số 3156/QĐ-BNN-TT ngày 19/8/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời về cấp, quản lý mã số vùng trồng.

- Tăng cường công tác quả lý nhà nước về chất lượng giống, vật tư nông nghiệp; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm rau trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở, hàng năm xây dựng trình thẩm định, cấp kinh phí và tổ chức triển khai đối với các nội dung thuộc nhiệm vụ của ngành; triển khai các hoạt động lồng ghép nội dung của kế hoạch vào các mô hình, chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.

2. Sở Công Thương

Chủ động, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ngành, địa phương liên quan ưu tiên các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm rau an toàn, thực phẩm khác thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương.

3. Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển sản xuất rau an toàn, cây rau có giá trị kinh tế cao;

- Hướng dẫn đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm rau an toàn của tỉnh và phát triển thương hiệu đối với sản phẩm đã được cấp nhãn hiệu;

- Hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân sản xuất rau trong việc xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc điện tử.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Hướng dẫn các địa phương, các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu về quỹ đất để tập trung sản xuất rau an toàn, có quy mô, diện tích tập trung thông qua các hình thức sử dụng đất như: giao đất, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; thực hiện tập trung, tích tụ đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật;

- Hướng dẫn các địa phương, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong phát triển rau, củ quả, an toàn theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và thẩm quyền quản lý.

5. Sở Tài chính

Hằng năm, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh phương án kinh phí thực hiện Kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách tỉnh.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

- Chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn tại địa phương;

- Phối hợp với Sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, các lớp huấn luyện đồng ruộng về quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp trên cây rau tại địa phương;

- Tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất rau đảm bảo an toàn thực phẩm, ưu tiên sản xuất rau theo hướng hữu cơ hoặc chứng nhận hữu cơ theo yêu cầu của khách hàng để nâng cao giá trị sản phẩm;

- Tổ chức thực hiện linh hoạt, hiệu quả các chính sách của Trung ương, của Tỉnh đã ban hành để đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả Kế hoạch Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030.

- Chủ động trích ngân sách xây dựng các mô hình khuyến nông về sản xuất rau an toàn theo quy định tại Nghị định số 83/2018/NĐ-CP và các quy định hiện hành.

7. Đề nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội

Phối hợp và tham gia tổ chức tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của hội viên, người dân về sản xuất rau an toàn nhằm khuyến khích sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng các sản phẩm an toàn trong cộng đồng. Phát động các phong trào sản xuất nông sản an toàn gắn với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, tăng cường công tác giám sát cộng đồng; xây dựng cuộc vận động nông dân tham gia đấu tranh với những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.

* Chế độ thông tin và báo cáo: các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, định kỳ 6 tháng (trước ngày 20/6), năm (trước ngày 15/12) hoặc đột xuất khi có yêu cầu, báo cáo kết quả thực hiện, gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra; tổng hợp, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh và cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung đảm bảo phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội;
- Các Sở: NN&PTNT, Công Thương, KH và CN, TN và MT, Tài chính;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Chánh VP, các PCVP UBND tỉnh;
- Trung tâm CB-TH tỉnh;
- Lưu: VT, TH, NL5.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hồng Lĩnh

 

PHỤ LỤC 01:

ĐỊNH HƯỚNG DIỆN TÍCH, NĂNG SUẤT, SẢN LƯỢNG RAU ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số: 152/KH-UBND ngày 19/04/2024 của UBND tỉnh)

STT

Huyện, thành phố, thị xã

Định hướng năm 2030

Diện tích
(ha)

Năng suất
(tạ/ha)

Sản lượng
(tấn)

Tổng

13830

76,02

105135

1

TP Hà Tĩnh

265

70,00

1855

2

TX Hồng Lĩnh

200

75,00

1500

3

Hương Sơn

1140

75,00

8550

4

Đức Thọ

900

70,00

6300

5

Vũ Quang

200

63,00

1260

6

Nghi Xuân

1200

85,00

10200

7

Can Lộc

1600

70,00

11200

8

Hương Khê

1200

60,00

7200

9

Thạch Hà

2500

72,00

18000

10

Cẩm Xuyên

2600

94,00

24440

11

Kỳ Anh

900

70,00

6300

12

Lộc Hà

775

75,00

5813

13

TX Kỳ Anh

350

72,00

2520

 

PHỤ LỤC 02:

ĐỊNH HƯỚNG CƠ CẤU CHỦNG LOẠI RAU ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số: 152/KH-UBND ngày 19/04/2024 của UBND tỉnh)

Đơn vị tính: ha

STT

Huyện, thành phố, thị xã

Tổng

Trong đó

Rau ăn lá

Rau ăn thân, quả

Rau lấy củ

Tổng

13830

6635

5835

1360

1

TP Hà Tĩnh

265

95

160

10

2

TX H. Lĩnh

200

115

70

15

3

Hương Sơn

1140

695

420

25

4

Đức Thọ

900

410

240

250

5

Vũ Quang

200

100

65

35

6

Nghi Xuân

1200

630

440

130

7

Can Lộc

1600

680

620

300

8

Hương Khê

1200

730

380

90

9

Thạch Hà

2500

780

1520

200

10

Cẩm Xuyên

2600

1240

1200

160

11

Kỳ Anh

900

585

235

80

12

Lộc Hà

775

395

350

30

13

TX Kỳ Anh

350

180

135

35

 

PHỤ LỤC 03:

ĐỊNH HƯỚNG SẢN XUẤT RAU AN TOÀN CÓ CHỨNG NHẬN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số: 152/KH-UBND ngày 19/04/2024 của UBND tỉnh)

Đơn vị tính: ha

STT

Huyện, thành phố, thị xã

Diện tích gieo trồng

Diện tích canh tác

Trong đó

Diện tích được cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất đủ điều kiện ATTP

Diện tích được cấp giấy chứng nhận VietGap và tương đương

Tổng

800

400

256

144

1

TP Hà Tĩnh

112

56

42

14

2

Đức Thọ

70

35

15

20

3

Vũ Quang

12

6

3

3

4

Nghi Xuân

34

17

2

15

5

Can Lộc

80

40

20

20

6

Hương Khê

20

10

8

2

7

Thạch Hà

200

100

70

30

8

Cẩm Xuyên

160

80

65

15

9

Kỳ Anh

56

28

18

10

10

Lộc Hà

36

18

8

10

11

TX Kỳ Anh

20

10

5

5

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 152/KH-UBND năm 2024 phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ trên địa bàn Hà Tĩnh đến năm 2030

  • Số hiệu: 152/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 19/04/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Người ký: Nguyễn Hồng Lĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/04/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản