Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 28 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ (GRDP) NĂM 2020 TỈNH QUẢNG NINH

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ, Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 02/12/2019 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 230/NQ-HĐND ngày 07/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; căn cứ Thông báo số 1677-TB/TU ngày 20/02/2020 của Thường trực Tỉnh ủy; Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2020 của tỉnh với các nội dung cụ thể như sau:

1. Bối cảnh thực hiện kịch bản

1.1. Các nhân tố tăng trưởng trong năm 2020

- Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối của nhiệm kỳ 5 năm 2016-2020, chuẩn bị, tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021-2025, năm diễn ra nhiều ngày lễ kỉ niệm lớn của đất nước, năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chính quyền tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo thực hiện các giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra trong năm 2020.

- Hệ thống hạ tầng giao thông động lực trên toàn địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư hoàn thiện[1]; các hạ tầng du lịch như đường cao tốc, cảng hàng không, cảng khách quốc tế đang phát huy hiệu quả. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn tiếp tục triển khai các đường bay mới trong nước và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan, du lịch, cùng với một số sản phẩm du lịch mới hoàn thành đưa vào khai thác[2], sẽ đóng góp tăng trưởng cho ngành du lịch của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

- Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tạo tiền đề và điều kiện để thu hút và triển khai thực hiện các dự án đầu tư quy mô lớn trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, xuất nhập khẩu gắn với hoạt động biên mậu. Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đang được triển khai lập để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2020; Khu kinh tế ven biển Quảng Yên sau khi được thành lập dự báo sẽ có các cơ chế chính sách ưu đãi áp dụng đối với khu kinh tế ven biển sẽ tạo điều kiện và động lực phát triển thị xã Quảng Yên và các khu vực lân cận.

- Các khu công nghiệp đang hoạt động tiếp tục được đầu tư hoàn thiện, mở rộng diện tích đầu tư hạ tầng (Khu công nghiệp Texthong Hải Hà, Khu công nghiệp Đông Mai, Khu công nghiệp Cái Lân sẽ được đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật kết nối với khu công nghiệp); Khu công nghiệp Sông Khoai được đầu tư hoàn thiện hạ tầng giai đoạn I và bắt đầu thu hút nhà đầu tư thứ cấp trong năm 2020. Dự kiến cấp giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Việt Hưng giai đoạn 2 trong năm 2020 hình thành chuỗi nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô và công nghiệp phụ trợ sản xuất ôtô quy mô lớn... sẽ tạo tiền đề và động lực để phát triển lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao.

- Cơ sở hạ tầng thương mại tiếp tục phát triển: Đưa vào hoạt động Trung tâm thương mại Vincom Cẩm Phả, siêu thị Big C Cẩm Phả, mở rộng hệ thống cửa hàng tiện ích tại các địa phương trên địa bàn tỉnh (Vinmart+, Circle K...); ngoài ra, tiếp tục thu hút đầu tư các dự án tổ hợp thương mại trên địa bàn thị xã Quảng Yên, thành phố Hạ Long, Vân Đồn. Chính phủ, các Bộ, ngành và tỉnh Quảng Ninh triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển thị trường phân phối bán lẻ hàng hóa, các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng... Sau một thời gian tạm dừng hoạt động các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của dịch bệnh, đến nay Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Bắc Luân 2) và lối mở km3+4 đã hoạt động trở lại, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ hạn chế được những tác động tiêu cực, duy trì tăng trưởng trở lại.

- Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc cam kết đồng hành với tỉnh trong thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020. Theo đó, TKV đã xây dựng, triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng sản lượng khai thác than lên trên 41 triệu tấn. Toàn bộ sản lượng than nhập khẩu của TKV từ 10-12 triệu tấn, dự kiến sẽ nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Các công ty con, các đơn vị trực thuộc TKV đều thực hiện nhập khẩu vật tư, hàng hóa qua các cửa khẩu của Quảng Ninh. Đồng thời TKV sẽ đẩy nhanh tiến độ, đưa các dự án đầu tư vào hoạt động sớm hơn với kế hoạch, nhất là đối với các dự án khai thác mỏ cùng các công trình phụ trợ đi kèm. Năm 2020, TKV phấn đấu sẽ nộp ngân sách cho tỉnh tăng trên 1.000 tỷ đồng so với năm 2019; tăng thu nhập cho cán bộ công nhân lao động của TKV ở Quảng Ninh tối thiểu 7% so với năm 2019 để tăng cường năng suất lao động. Tổng công ty Đông Bắc phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra ở mức cao nhất (khai thác 6,8 triệu tấn than nguyên khai; nhập khẩu than từ cửa khẩu của Quảng Ninh khoảng 4 triệu tấn; nộp ngân sách khoảng 2.800 tỷ đồng).

- Dự báo năm 2020 có nhiều yếu tố bất lợi đối với các nhà máy thủy điện do tình hình thiên tai diễn biến bất thường, cực đoan nên sản lượng điện sản xuất từ các nhà máy thủy điện dự báo đạt thấp. Do vậy, các nhà máy nhiệt điện than, khí dự báo tiếp tục được huy động phát huy tối đa công suất khả dụng để cung cấp đủ điện, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh và điện sinh hoạt của nhân dân trong năm 2020.

- Mục tiêu điều chỉnh cơ cấu sản xuất các nhà máy xi măng trên địa bàn theo hướng tăng sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh tại Quảng Ninh và các dự án tại các Khu công nghiệp dự kiến đưa vào hoạt động năm 2020 như: Công ty TNHH khoa học kĩ thuật Texhong Liên hợp Việt Nam với sản phẩm vải không dệt công suất 100 triệu m2/năm; Công ty TNHH dệt may Weitai với sản phẩm áo sơ mi công suất 300.000 SP/năm, khăn tay, mũ công suất 9,5 triệu SP/năm;... sẽ đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo.

- Cải cách hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thu hút mạnh các nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư. Một số tập đoàn lớn đã hiện diện trong các khu công nghiệp của tỉnh như: Foxcom, TCL, Vĩ Trọng, Huyndai Thành Công... sẽ kéo theo hàng loạt các nhà đầu tư phụ trợ cho các Tập đoàn này.

1.2. Tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-2019

Dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và lan rộng đến một số vùng lãnh thổ trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản... đã tác động đến kinh tế Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại. Tình hình dịch bệnh có diễn biến ngày càng phức tạp, khó dự đoán về thời điểm kiểm soát hiệu quả và sẽ gây ảnh hưởng trong ngắn hạn và dài hạn.

Khu vực dịch vụ được đánh giá bị tác động nhiều nhất bởi dịch Covid-19, nhất là các ngành vận tải, lưu trú, du lịch, bán lẻ, nhà hàng, hoạt động giải trí. Tổng các nhóm dịch vụ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình suy giảm do dịch bệnh hiện chiếm khoảng 20% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Năm 2019, khách Trung Quốc chiếm khoảng 31% tổng lượng khách nước ngoài đến Quảng Ninh nên việc Trung Quốc hạn chế công dân đi ra nước ngoài và Việt Nam không đưa, đón khách từ vùng dịch; các thị trường quốc tế khác như Hàn Quốc, Nhật Bản diễn biến phức tạp, đang ảnh hưởng đến khu vực châu Á; người dân trong nước hạn chế đi du lịch sẽ khiến ngành du lịch chịu thiệt hại. Ngoài ra, thời điểm hiện tại là cao điểm về hoạt động du xuân, lễ hội của khách du lịch trong nước nên dịch bệnh cũng sẽ khiến hoạt động này suy giảm mạnh. Đáng chú ý đây là những hoạt động du lịch mang tính thời điểm, mùa vụ nên rất khó bù đắp trở lại trong các tháng tới, kể cả khi đã hết dịch bệnh. Dự kiến, trong quý I/2020, hoạt động du lịch Quảng Ninh sẽ tụt giảm nghiêm trọng[3], nếu dịch bệnh chưa được không chế trong quý I, thì lượng du khách của các quý tiếp theo sẽ tiếp tục tụt giảm.

Các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh bị hạn chế làm gián đoạn nguồn cung, do vậy ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp tại Quảng Ninh sản xuất kinh doanh trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo (xơ, sợi dệt, quần áo...). Hoạt động của một số doanh nghiệp lớn tại khu công nghiệp Texhong Hải Hà, khu công nghiệp Hải Yên, khu công nghiệp Việt Hưng... đang giữ ở mức cầm chừng, dành nguồn lực, nhân lực cho phòng, chống dịch bệnh. Do tình hình dịch bệnh ảnh hưởng, một bộ phận quản lý và kỹ thuật viên người Trung Quốc chưa thể quay lại vị trí làm việc ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, dẫn đến thời gian giao hàng cho khách bị kéo dài sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

2. Kịch bản tăng trưởng chi tiết từng quý trong năm 2020

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã, đang và sẽ có những tác động xấu đến nền kinh tế của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung, việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế của tỉnh sẽ khó khăn hơn nhiều so với dự kiến ban đầu, nhất là đối với ngành du lịch, dịch vụ.

Để đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng, các sở, ngành, địa phương cần tập trung tăng cường các giải pháp tăng trưởng kinh tế trên cơ sở bù đắp những thiếu hụt từ ngành du lịch, tận dụng tối đa dư địa phát triển của ngành, lĩnh vực ít chịu tác động từ dịch bệnh và có khả năng phục hồi tốt hơn, tiếp tục tăng cường các giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tạo thuận lợi trong thành lập doanh nghiệp mới; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư; tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên,....

Bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và thực hiện chủ đề năm 2020 về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững”, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chương trình công tác đề ra với tăng trưởng chi tiết từng quý như sau:

(1) Quý I: Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 8,2%, giảm 2,8% CK; trong đó giá trị tăng thêm các khu vực kinh tế: Khu vực I: Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản tăng 2,5%; Khu vực II: Công nghiệp - xây dựng tăng 10,8%; Khu vực III: Dịch vụ tăng 6,7%; Thuế sản phẩm tăng 4,4%. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 12.655 tỷ đồng, tăng 6,7% cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước đạt 13.446 tỷ đồng, tăng 15,5% CK, trong đó: Thu nội địa đạt 10.241 tỷ đồng, tăng 13,2% CK; thu xuất nhập khẩu đạt 3.056 tỷ đồng. Tổng khách du lịch ước đạt 2,56 triệu lượt, bằng 47,1% CK, doanh thu từ khách du lịch đạt 4.582 tỷ đồng, bằng 50,1% cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 25.734 tỷ đồng, tăng 10% CK. Kim ngạch xuất khẩu đạt 390,5 triệu USD, tăng 0,8% CK.

(2) Quý II: Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 11%, giảm 1,66% CK; trong đó giá trị tăng thêm các khu vực kinh tế: Khu vực I: Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản tăng 3,3%; Khu vực II: Công nghiệp - xây dựng tăng 13,3%; Khu vực III: Dịch vụ tăng 10,3%; Thuế sản phẩm tăng 6,6%. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 20.972 tỷ đồng, tăng 10,4% cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước đạt 10.930 tỷ đồng, giảm 5,3%, trong đó: Thu nội địa đạt 8.689 tỷ đồng, tăng 2,7% CK; thu xuất nhập khẩu đạt 2.241 tỷ đồng. Tổng khách du lịch ước đạt 2 triệu lượt, băng 63,9% CK, doanh thu từ khách du lịch đạt 4.461 tỷ đồng, bằng 65,3% cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 28.288 tỷ đồng, tăng 11,6% CK. Kim ngạch xuất khẩu đạt 545,56 triệu USD, tăng 7,3% CK.

(3) Lũy kế sáu tháng: Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 9,7%, giảm 2,17% CK; trong đó giá trị tăng thêm các khu vực kinh tế: Khu vực I: Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản tăng 2,9%; Khu vực II: Công nghiệp - xây dựng tăng 12,2%; Khu vực III: Dịch vụ tăng 8,6%; Thuế sản phẩm tăng 5,5%. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 33.827 tỷ đồng, tăng 8,9% cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước đạt 24.227 tỷ đồng, tăng 2,9% CK, trong đó: Thu nội địa đạt 18.930 tỷ đồng, tăng 5,2%; thu xuất nhập khẩu đạt 5.297 tỷ đồng. Tổng khách du lịch ước 4,56 triệu lượt, bằng 53,3% CK, doanh thu từ khách du lịch đạt 9.043 tỷ đồng, bằng 56,6% cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 54.023 tỷ đồng, tăng 10,8% CK. Kim ngạch xuất khẩu đạt 936,06 triệu USD, tăng 4,4% CK.

(4) Quý III: Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 13,8%, tăng 2,4% CK; trong đó giá trị tăng thêm các khu vực kinh tế: Khu vực I: Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản tăng 3,4%; Khu vực II: Công nghiệp - xây dựng tăng 15,6%; Khu vực III: Dịch vụ tăng 12,4%; Thuế sản phẩm tăng 15,9%. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 22.339 tỷ đồng, tăng 10,7% cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước đạt 11.256 tỷ đồng, tăng 7,3% CK, trong đó: Thu nội địa đạt 8.426 tỷ đồng, tăng 9,1%; thu xuất nhập khẩu đạt 2.830 tỷ đồng. Tổng khách du lịch ước đạt 2,847 triệu lượt, tăng 1,9% CK, doanh thu từ khách du lịch đạt 6.861 tỷ đồng, tăng 1,4% cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 30.527 tỷ đồng, tăng 14,4% CK. Kim ngạch xuất khẩu đạt 650,56 triệu USD, tăng 10,3% CK.

(5) Lũy kế 9 tháng: Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 11,1%, giảm 0,7% CK; trong đó giá trị tăng thêm các khu vực kinh tế: Khu vực I: Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản tăng 3,1%; Khu vực II: Công nghiệp - xây dựng tăng 13,2%; Khu vực III: Dịch vụ tăng 9,9%; Thuế sản phẩm tăng 9,1%. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 56.166 tỷ đồng, tăng 9,6% cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước đạt 35.483 tỷ đồng, tăng 4,3%, trong đó: Thu nội địa đạt 27.356 tỷ đồng, tăng 6,3% CK; thu xuất nhập khẩu đạt 8.127 tỷ đồng. Tổng khách du lịch ước đạt 7,4 triệu lượt, bằng 65,2% CK, doanh thu từ khách du lịch đạt 15.904 tỷ đồng, bằng 69,9% cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 84.550 tỷ đồng, tăng 12,1% CK. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.586,62 triệu USD, tăng 6,7% CK.

(6) Quý IV: Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 14,3%, tăng 1,6% CK, trong đó: Khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,6%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 15%; khu vực dịch vụ tăng 13,3%; thuế sản phẩm tăng 18,4%. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 27.908 tỷ đồng, tăng 10,7% cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước đạt 12.517 tỷ đồng, tăng 7,1% CK, trong đó: Thu nội địa đạt 9.644 tỷ đồng, tăng 8% CK; thu xuất nhập khẩu đạt 2.873 tỷ đồng. Tổng khách du lịch ước đạt 3,173 triệu lượt, tăng 19,7% CK, doanh thu từ khách du lịch đạt 8.724 tỷ đồng, tăng 29,5% cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 31.112 tỷ đồng, tâng 14,4% CK. Kim ngạch xuất khẩu đạt 755,5 triệu USD, tăng 11,4% CK.

(7) Cả năm 2020: Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 12%, đạt mục tiêu đề ra, trong đó: Khu vực I: Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản tăng 3,2%, giảm 0,3% so với mục tiêu đề ra; Khu vực II: Công nghiệp - xây dựng tăng 13,7%, tăng 1,9% so với mục tiêu đề ra; Khu vực III: Dịch vụ tăng 10,9%, giảm 2,7%; Thuế sản phẩm tăng 12%, giảm 0,3% so với mục tiêu đề ra. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 84.074 tỷ đồng, tăng 10% cùng kỳ, đạt mục tiêu đề ra. Thu ngân sách nhà nước đạt 48.000 tỷ đồng, bằng 100% dự toán, tăng 4,2% cùng kỳ, trong đó: Thu nội địa đạt 37.000 tỷ đồng, tăng 6,8%; thu xuất nhập khẩu đạt 11.000 tỷ đồng, bằng 96,6% cùng kỳ. Tổng khách du lịch ước đạt 10,58 triệu lượt, giảm 5 triệu khách so với mục tiêu đề ra, bằng 75,5% CK, doanh thu từ khách du lịch đạt 24.629 tỷ đồng, bằng 83,5% cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 115.662 tỷ đồng, tăng 12,7% CK. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2.342 triệu USD, tăng 8,2% CK, đạt mục tiêu đề ra.

(8) Cơ cấu kinh tế dự kiến hết năm 2020 (giá hiện hành): Khu vực I: Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản 5,8% (giảm 0,2%); Khu vực II: Công nghiệp - Xây dựng 48,7% (tăng 0,6%); Khu vực III: Dịch vụ và Thuế sản phẩm 45,5% (giảm 0,4%) so với cơ cấu kinh tế năm 2019.

(Có phụ lục kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) kèm theo)

3. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

3.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tổng hợp, theo dõi, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện và kịp thời đề xuất các giải pháp đảm bảo thực hiện đúng kịch bản tăng trưởng; định kỳ hằng tháng, hằng quý, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tại phiên họp thường kỳ Ủy ban nhân dân tỉnh. Trên cơ sở kết quả thực hiện kịch bản 6 tháng đầu năm 2020, chủ trì, phối hợp với Cục Thống kê tỉnh, các sở, ngành cập nhật đánh giá bổ sung, điều chỉnh kịch bản tăng trưởng quý III, 9 tháng, quý IV và cả năm, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

- Triển khai lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021- 2030 đảm bảo theo đúng tiến độ đề ra, hoàn thành trong năm 2020. Xây dựng Đề án về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hoàn thành trong quý II/2020.

- Tham mưu, đôn đốc thực hiện Chương trình hành động số 3766/CTr-UBND ngày 29/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó: Chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức các cuộc gặp mặt đối thoại với doanh nghiệp định kỳ cấp tỉnh (quý II, quý IV/2020); phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong hỗ trợ, giải quyết vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý; thường xuyên tổng hợp, báo cáo kết quả giải quyết khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp về Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Chủ trì tham mưu, theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 14/02/2020 về phát triển doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh năm 2020, đề xuất kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo thực hiện mục tiêu đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 22.000 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo phát triển doanh nghiệp và xây dựng Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 nhằm phục vụ tốt công tác phát triển doanh nghiệp.

- Tham mưu, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ và chất lượng giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao chất lượng lập báo cáo đề xuất, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; kiểm soát chặt chẽ không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư công ngay trong quá trình thi công và quản lý, khai thác, sử dụng sau đầu tư. Triển khai xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 theo quy định; Nghị quyết quy định phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển; nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển trong cân đối từ ngân sách cấp tỉnh cho cấp huyện giai đoạn 2021-2025, hoàn thành trong quý IV/2020.

3.2. Sở Tài chính:

- Là cơ quan đầu mối, chủ trì, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về đôn đốc, theo dõi thực hiện chỉ tiêu thu, chi ngân sách nhà nước.

- Tập trung tham mưu cho Tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết số 222/2019/NQ-HĐND ngày 07/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Bám sát tình hình thực hiện dự toán, tham mưu đề xuất kịp thời để triển khai công tác thu ngân sách, đảm bảo cơ cấu thu bền vững. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực thu, từng sắc thuế, tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả thu và dự báo thu hàng tháng, hàng quý. Đồng thời, xác định cụ thể các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả.

- Trên cơ sở Kịch bản thu ngân sách nhà nước năm 2020, tính toán lại khả năng cân đối ngàn sách tỉnh để tham mưu điều hành chi tiết kiệm, hiệu quả (sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết, hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, công tác nước ngoài.... ); tham mưu tiết kiệm các khoản chi ngân sách thường xuyên để bổ sung chi đầu tư phát triển, rà soát; chỉ ban hành mới cơ chế, chính sách chi ngân sách nhà nước khi có nguồn tài chính đảm bảo.

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Chương trình hành động số 13-CTr/TU ngày 07/6/2019 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Tập trung đánh giá tình hình, kết quả triển khai Nghị quyết số 38/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách địa phương thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020 làm cơ sở xây dựng kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm giai đoạn 2021-2023 và 5 năm giai đoạn 2021-2025 và xây dựng quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi; định mức phân bổ chi thường xuyên giai đoạn 2021-2025, hoàn thành trong quý IV/2020.

3.3. Cục Thuế tỉnh:

- Triển khai kịp thời các chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác thu ngân sách. Chịu trách nhiệm trước tỉnh và Tổng cục Thuế về kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đảm bảo chỉ tiêu tổng thu ngân sách nội địa đề ra; tiến độ thu từng quý (có phụ lục kèm theo).

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các biện pháp, giải pháp cụ thể chống thất thu và đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, khai thác nguồn thu mới để bù đắp giảm thu ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ do ảnh hưởng của dịch bệnh, quyết tâm hoàn thành dự toán thu năm 2020 đối với khoản thu thuế, phí, thu khác (hạn chế bù đắp số hụt thu thuế, phí, thu khác bằng thu tiền sử dụng đất).

- Nâng cao chất lượng phục vụ người nộp thuế; tuyên truyền, vận động cá nhân kinh doanh thành lập doanh nghiệp; hỗ trợ người nộp thuế khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử và hóa đơn điện tử; triển khai về hóa đơn điện tử đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thực hiện đầy đủ các bước quy trình kê khai và kế toán thuế, đăng ký thuế, hoàn thuế... với mục tiêu kịp thời, không bỏ sót, giảm thiểu thời gian thực hiện công việc thường xuyên về rà soát thủ tục hành chính thuế, tăng cường thời gian rà soát dữ liệu kê khai, nộp thuế; triển khai các biện pháp hỗ trợ công tác rà soát hồ sơ khai thuế đảm bảo việc khai thuế đúng nguyên tắc theo quy định của Luật thuế.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, nhất là kiểm tra, thanh tra đột xuất; đôn đốc thu hồi kịp thời tiền thuế, tiền phạt qua thanh tra, kiểm tra vào ngân sách Nhà nước. Phấn đấu vượt chỉ tiêu kế hoạch thanh tra, kiểm tra được Tổng cục Thuế giao; số thuế truy thu qua thanh tra, kiểm tra tối thiểu 250 tỷ đồng. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để đấu tranh các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, tội phạm về thuế.

- Phân công, giao nhiệm vụ thu nợ thuế cho từng đơn vị, từng cán bộ, công chức tham gia quản lý nợ thuế. Theo dõi chặt chẽ diễn biến nợ đọng thuế ở từng người nộp thuế để có biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu nợ thuế hiệu quả. Phấn đấu số nợ thuế tại thời điểm 31/12/2020 giảm xuống còn dưới 4,5% so với số thực thu ngân sách nhà nước năm 2020, trong đó nợ thuế khu vực ngoài quốc doanh bao gồm cả hộ kinh doanh xuống dưới 10% trên số thu từ lĩnh vực này. Phấn đấu thu nợ có khả năng thu 274 tỷ đồng.

- Tiếp tục thực hiện công tác quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh theo quy định. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, đảm bảo hoàn thành tối thiểu dự toán thu năm 2020 từ hộ, cá nhân kinh doanh của địa phương mình.

3.4. Cục Hải quan tỉnh:

- Là cơ quan đầu mối, chủ trì, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh và Tổng cục Hải quan về chỉ tiêu thu xuất nhập khẩu, phấn đấu thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2020 đạt chỉ tiêu đề ra; tiến độ thu từng quý (có phụ lục kèm theo).

- Tập trung cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, thuận tiện, dễ dàng trong thực hiện thủ tục hải quan, giảm thời gian thông quan và chi phí cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh chi phí thấp, ổn định nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, sản xuất và thu hút doanh nghiệp về làm thủ tục hải quan, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước. Phấn đấu tăng thu trên 10% từ hàng hóa xuất nhập khẩu khác ngoài xăng dầu.

- Chủ động tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực biên giới đường bộ (cửa khẩu Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh), khu vực cảng biên (Hòn Gai, Cẩm Phả) và Khu kinh tế Vân Đồn để tạo nguồn thu mới ngoài xăng dầu. Phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương rà soát các dự án đầu tư trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế Vân Đồn và các dự án lớn ngoài Khu công nghiệp để chủ động hướng dẫn, hỗ trợ chủ đầu tư trong việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư cho dự án. Chịu trách nhiệm toàn diện về hỗ trợ giải quyết các thủ tục nhập khẩu cho ngành than.

- Bám sát kế hoạch xuất nhập khẩu và phân tích, đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có số thu lớn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc khai báo tên hàng, mã số, trị giá, thuế suất để kịp thời phát hiện hành vi gian lận thương mại qua số lượng, chủng loại, giá tính thuế, thuế suất và xuất xứ.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phối hợp thu qua ngân hàng thương mại thực hiện nộp thuế điện tử và thông quan 24/7, chương trình nộp thuế điện tử doanh nghiệp nhờ thu theo lộ trình của Tổng cục Hải quan. Phấn đấu đạt 100% số thu nộp ngân sách nhà nước được thực hiện qua ngân hàng phối hợp thu nộp thuế điện tử và thông quan 24/7.

- Đổi mới nội dung và hình thức Hội nghị đối thoại, tham vấn Hải quan - Doanh nghiệp với phương châm cùng đồng hành - cùng phát triển để kết nối, tháo gỡ, đồng hành phát triển thực chất, hiệu quả.

- Tiếp tục triển khai Đề án giám sát hải quan tự động (VASSCM) tới tất cả các kho bãi, địa điểm. Tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án “Mô hình thực hiện thủ tục và quản lý hải quan tập trung tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái”, tạo thuận lợi hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cầu Bắc Luân 2, Cảng ICD và cầu phao tạm tại Km3+4. Phát huy vai trò của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và các địa phương để chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với các ngành quản lý chặt chẽ cửa khẩu, các điểm xuất hàng, điểm thông quan; kiểm soát tốt đường mòn, lối mở.

3.5. Sở Du lịch:

- Là cơ quan đầu mối, chủ trì, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kịch bản chi tiết của lĩnh vực du lịch theo từng tình huống diễn biến của dịch Covid-19; phấn đấu thực hiện đạt chỉ tiêu tăng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh. Tập trung triển khai các giải pháp tuyên truyền sâu rộng về Quảng Ninh - Hạ Long là điểm đến “An toàn, Hấp dẫn, Thân thiện”.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh ban hành Kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch, kích cầu du lịch năm 2020 và Kế hoạch tổ chức các Hội nghị xúc tiến du lịch trong và ngoài nước theo hướng mở rộng các tour tuyến du lịch trong nước, các thị trường lợi thế quốc tế, xây dựng thêm các điểm du lịch của tỉnh,… thực hiện trong tháng 3/2020.

- Chủ trì, phối hợp với các hãng hàng không, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Vân Đồn và các đơn vị liên quan tham mưu báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh làm việc với một số tỉnh, thành phố để phối hợp mở các đường bay mới từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn tới một số cảng hàng không nội địa (Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt,...) và một số đường bay quốc tế tới các nước không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trên cơ sở tính toán hiệu quả, khả thi gắn với các giải pháp kích cầu du lịch.

- Chủ trì, phối hợp với Hiệp hội du lịch Quảng Ninh, Công ty TNHH Mặt Trời Hạ long, các doanh nghiệp đón khách tàu biển tại Quảng Ninh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức làm việc với các hãng tàu biển quốc tế đưa khách đến Hạ Long để khôi phục thị trường, kết nối tour, tuyến.

- Tiếp tục phát triển các loại hình sản phẩm du lịch có thế mạnh của tỉnh như: Du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch biên giới...; phát triển dịch vụ du lịch đẳng cấp, chất lượng cao, đa dạng như du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, văn hóa, nghệ thuật, khám phá, trải nghiệm. Xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025. Chủ trì phối hợp với thành phố Hạ Long và các sở, ngành liên quan xây dựng Đề án phát triển sản phẩm du lịch Hạ Long sau sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch, tạo môi trường kinh doanh du lịch thông thoáng, lành mạnh, nhất là quản lý hoạt động kinh doanh du lịch lữ hành, môi trường kinh doanh du lịch. Nghiên cứu tham mưu xây dựng, hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu du lịch Quảng Ninh gắn với hình ảnh nụ cười Hạ Long và bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long.

3.6. Sở Công Thương:

- Là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kịch bản chi tiết ngành Công Thương và thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ. Phối hợp hỗ trợ và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, thúc đẩy các dự án hạ tầng thương mại, du lịch và dịch vụ đi vào hoạt động trong năm 2020.

- Thường xuyên nắm bắt, kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện để sớm đưa vào vận hành các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo trên địa bàn tỉnh dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2020. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức làm việc trực tiếp với các nhà máy điện để tăng cường phát huy tối đa năng lực sản xuất, đóng góp vào tăng trưởng chung toàn tỉnh.

- Phối hợp với ngành than trong việc thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu than theo chỉ đạo của Tỉnh ủy. Chủ trì, phối hợp với ngành than và các đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra, báo cáo đề xuất việc sử dụng đất đá thải các mỏ để san lấp mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh theo quy định; yêu cầu lập đề án tổng thể đảm bảo hiệu quả, quản lý chặt chẽ, không xảy ra lợi dụng và thẩm lậu than từ các mỏ, hoàn thành trong quý I/2020.

- Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do dịch bệnh để kịp thời có biện pháp điều hành hoặc có kiến nghị, đề xuất hợp lý nhằm bình ổn thị trường. Thực hiện tốt công tác khuyến công, tham mưu kịp thời các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, ổn định sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu thị trường, tìm các thị trường cung ứng nguyên vật liệu thay thế nguồn nguyên vật liệu từ thị trường Trung Quốc.

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan có giải pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết lượng hàng hóa tồn ứ do ách tắc do thông quan với thị trường Trung Quốc tại các cửa khẩu, điểm xuất hàng trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình xuất khẩu, chính sách phía Trung Quốc, thông báo kịp thời các chính sách xuất nhập khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời tháo gỡ các vướng mắc khi xuất khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

- Phối hợp với Sở Du lịch và các đơn vị có liên quan lên phương án thu hút lượng khách du lịch trong nước, khách du lịch nước ngoài từ các thị trường khác bù đắp lượng khách thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch bệnh trong thời gian đầu năm. Trên cơ sở dự báo lượng khách trong thời gian cao điểm để xây dựng phương án đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, cung không đủ cầu.

- Động viên các doanh nghiệp ngành than, các đơn vị sản xuất công nghiệp lớn (điện, xi măng...) thực hiện việc mua xăng dầu, nhiên liệu của các doanh nghiệp đầu mối trong tỉnh; góp phần phát triển hoạt động kinh doanh xăng dầu đóng góp vào tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa, tăng khoản thu ngân sách bù đắp khoản hụt thu từ thuế bảo vệ môi trường.

- Xây dựng cụ thể kế hoạch, quy mô tổ chức, thời điểm tổ chức hội chợ năm 2020 phù hợp với thực tiễn từng thời điểm tổ chức hội chợ.

3.7. Sở Xây dựng:

- Là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng lĩnh vực xây dựng trong tăng trưởng khu vực II: Công nghiệp - Xây dựng. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức làm việc với các nhà máy xi măng để điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng tăng sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh tại Quảng Ninh.

- Tiếp tục bám sát, hướng dẫn, đôn đốc, các ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan hoàn thành các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; hoàn thiện và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 và Chương trình phát triển đô thị từng địa phương làm cơ sở để triển khai đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật khung đô thị, tạo động lực thu hút đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh. Đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện và vận hành các dự án đầu tư trên địa bàn đảm bảo tiến độ đề ra.

- Khẩn trương lập, trình phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 (quý I/2020); Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng - giai đoạn 3 (quý I/2020). Tổ chức hướng dẫn, triển khai thực hiện Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 22/11/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về xã hội hóa nhà ở cho người khuyết tật, trẻ em mồ côi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và thực sự không có điều kiện tái tạo nhà ở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2019. Đôn đốc các chủ đầu tư dự án đầu tư nhà ở trên địa bàn tỉnh đã được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư triển khai dự án đảm bảo đúng tiến độ, quy hoạch đã được phê duyệt. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương rà soát, đề xuất danh mục các dự án đầu tư phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cần lựa chọn nhà đầu tư. Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản theo Quyết định số 3717/2016/QĐ-UBND ngày 02/11/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Đôn đốc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị cung cấp nước sạch triển khai thực hiện đảm bảo Quy hoạch cấp nước và hệ thống cấp nước phòng cháy chữa cháy tập trung tại các đô thị và khu công nghiệp, Kế hoạch cấp nước an toàn và kế hoạch hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành số 185/KH-UBND ngày 30/11/2018.

- Hoàn thiện Đề án nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2019-2022, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, triển khai thực hiện. Nghiên cứu kêu gọi đầu tư các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo công nghệ hiện đại để xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh với quy mô xử lý tầm trung thu gom, xử lý rác thải tại các xã đảo, huyện đảo trên địa bàn tỉnh. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, sớm đưa các dự án (Trung tâm xử lý chất thải rắn tại hai xã Vũ Oai và Hòa Bình, thành phố Hạ Long; Nhà máy xử lý rác Tràng Lương, thị xã Đông Triều; Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Đông Hải, huyện Tiên Yên...) đi vào hoạt động; quá trình hoạt động tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.

- Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban Nhân dân các cấp tổ chức triển khai thực hiện Quy định về quản lý vật liệu trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện đầu tư cải tiến công nghệ, thiết bị, dây chuyền sản xuất tập trung sản xuất sản phẩm vật liệu xây dựng có chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tiết kiệm năng lượng, tài nguyên khoáng sản.

- Xây dựng kế hoạch quản lý vật liệu san lấp mặt bằng các dự án giai đoạn 2020-2025 và kế hoạch năm 2020, từ đó quản lý chặt chẽ nguồn vật liệu san lấp mặt bằng để có cơ sở thu các khoản thuế, phí.

3.8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Là cơ quan đầu mối, chủ trì, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng khu vực I: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Thực hiện rà soát, đánh giá lại tình hình, xác định mục tiêu mới cho phát triển các nông sản phẩm để phục vụ ngành Than và ngành du lịch trong điều kiện ngành du lịch chịu tác động sâu, rộng của dịch bệnh. Chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm.

- Tiếp tục phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP. Thực hiện tốt dồn điền, đổi thửa và tích tụ ruộng đất tạo vùng sản xuất tập trung.

- Phối hợp với các địa phương đồng hành cùng các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như; Dự án nuôi tôm thương phẩm, siêu thâm canh trong nhà kính tại Đầm Hà của Công ty Thủy sản Việt Úc; Dự án sản xuất giống, nuôi tôm thương phẩm và chế biến thức ăn cho tôm sử dụng công nghệ cao tại Cẩm Phả của Công ty thủy sản N.G Việt Nam;... Tiếp tục hỗ trợ Tập đoàn TH True Milk trong việc triển khai dự án nuôi bò sữa tại huyện Đầm Hà, dự án trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ tại huyện Đầm Hà, dự án du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, dự án trồng và chiết xuất dược liệu tại huyện Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên, Bình Liêu,...

- Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai và hoàn thiện đưa vào vận hành ổn định để phát huy hiệu quả khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại Đầm Hà; thu hút các tổ chức khoa học công nghệ và các doanh nghiệp tham gia đầu tư ứng dụng công nghệ cao sản xuất giống Tôm và nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, phát triển công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển Tôm và các đối tượng thủy sản đặc thù khác có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao nhằm nhân rộng ra các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ứng dụng công nghệ cao trong, ngoài tỉnh. Triển khai đầu tư và ổn định sản xuất giống nhuyễn thể tại Trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể Vân Đồn.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh; Nghị quyết số 200/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi giai đoạn 2019-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, sắp xếp lại và đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp. Triển khai thực hiện Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 03/10/2019 về phát triển hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; hợp tác xã liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa hợp tác xã nông nghiệp với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020.

- Tham mưu tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp các công ty lâm nghiệp theo mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên đối với 05 Công ty lâm nghiệp: Uông Bí, Hoành Bồ, Cẩm Phả, Tiên Yên, Ba Chẽ.

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển thủy sản đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 01/9/2017 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Triển khai các nội dung chỉ đạo tại Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 11/7/2018 về chuyển đổi nghề, nâng cấp tàu cá công suất nhỏ hoạt động khu vực ven bờ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020; thực hiện Đề án chuyển đổi nghề cho lao động khai thác thủy sản khu vực ven bờ, nghề cấm.

3.9. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản; thường xuyên rà soát các dự án có sử dụng mặt đất, mặt nước, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật Đất đai, Luật Đầu tư, tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất, tổ chức thực hiện tốt các hợp đồng thuê đất, nhất là các dự án trọng điểm về giao thông, dịch vụ, du lịch, các khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư, sản xuất kinh doanh, qua đó tăng thu ngân sách của tỉnh.

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các giải pháp theo thẩm quyền và chủ động làm việc với các cơ quan trung ương để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện hỗ trợ ngành than đẩy nhanh công tác chuẩn bị sản xuất và góp phần dự toán thu ngân sách năm 2020. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương làm việc với ngành than (trong quý I/2020) tập trung tháo gỡ, giải quyết dứt điểm việc thuê đất, gia hạn thời gian thuê đất của các dự án khai thác than trên địa bàn.

- Phối hợp tốt với Cục Thuế đôn đốc các đơn vị nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ tài chính. Phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp triển khai xây dựng hệ thống thông tin đất đai tỉnh Quảng Ninh; tiếp tục phối hợp với các địa phương trong việc tháo gỡ các vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; triển khai thực hiện Bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh và chủ động tham mưu xây dựng phương án giá đất cụ thể để xây dựng giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án sát với thực tiễn của từng dự án, từng địa phương.

- Tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 09/5/2019 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản trên địa bàn Tỉnh; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khoáng sản; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động về than, khoáng sản trên địa bàn; kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vi phạm về thăm dò, khai thác, vận chuyển trái phép than theo đúng theo đúng nghị quyết và các Thông báo Kết luận của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; triển khai Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định.

- Tiếp tục tham mưu triển khai nhiệm vụ “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên” và Chương trình hành động số 68/CTr-UBND ngày 12/4/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy về bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2018 - 2020. Hoàn thành bộ Quy chuẩn kỹ thuật môi trường trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bảo vệ môi trường; xây dựng mô hình kiểm soát môi trường thông minh trên địa bàn tỉnh để chủ động phòng ngừa và kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường. Kiểm soát chặt chẽ môi trường vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long để tạo môi trường thuận lợi phát triển du lịch, dịch vụ.

3.10. Sở Giao thông vận tải:

- Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung tham mưu huy động mọi nguồn lực, đa dạng hóa hình thức đầu tư, đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ. Phối hợp với các Ban Quản lý dự án của tỉnh để giải quyết thủ tục đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm về giao thông, làm tốt công tác quản lý nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng để đảm bảo hiệu quả đầu tư. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình giao thông của các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, báo cáo đề xuất việc mở tuyến xe bus miễn phí từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - Hạ Long đến Dốc Đỏ (Uông Bí) và việc hỗ trợ phí BOT đối với xe buýt chạy tuyến cao tốc Vân Đồn - Hạ Long.

- Chủ trì, phối hợp với ngành than và các đơn vị liên quan tập trung rà soát, kiểm tra, cập nhật, đề xuất việc bổ sung chức năng nhập, phối trộn than đối với các bến, cảng đã có trong Quyết định số 3466/QĐ-UBND ngày 15/8/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh và bổ sung bến, cảng chưa có trong quyết định theo đề nghị của ngành than đảm bảo quy định, hoàn thành trong tháng 02/2020. Chủ trì xây dựng dự thảo văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh gửi Bộ Giao thông vận tải báo báo đề xuất việc Công ty kho vận và Cảng Cẩm Phả tiếp tục quản lý và khai thác tuyến luồng hàng hải chuyên dùng vào cảng Cẩm Phả, không chuyển luồng hàng hải chuyên dùng cảng Cẩm Phả thành luồng hàng hải công cộng, hoàn thành trong tháng 2/2020.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các nội dung phối hợp với thành phố Hải Phòng triển khai các dự án cầu Rừng, cầu Lại Xuân. Tiếp tục phối hợp với Sở Du lịch, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và các cơ quan, đơn vị triển khai các giải pháp để mở rộng thị trường, khai thác tối đa Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn theo quy mô thiết kế; nghiên cứu đầu tư sân bay tại Cô Tô.

- Triển khai xây dựng “Đề án tổng thể phát triển vận tải khách công cộng đường bộ” trên địa bàn tỉnh, tập trung về khuyến khích phát triển vận tải khách công cộng bằng xe buýt. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh một số tuyến vận tải cố định nội tỉnh; xây dựng tuyến buýt mới, tuyến buýt xe hai tầng cho phù hợp với thực tiễn phát triển đô thị nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách; rà soát các tuyến vận tải cố định liên tỉnh, xây dựng phương án tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đảm bảo chất lượng dịch vụ có tính cạnh tranh với loại hình xe hợp đồng để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.

- Tăng cường theo dõi, nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý phương tiện vi phạm quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải nhằm đảm bảo trật tự, an toàn và nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ. Tiếp tục rà soát, đề nghị Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh quy hoạch vận tải khách tuyến cố định theo hướng các tuyến trọng điểm đi Hải Phòng, Hà Nội chuyển hành trình sang đường cao tốc (trừ tuyến Đông Triều - Hà Nội); hạn chế tuyến đi xuyên qua trung tâm đô thị (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí) và có lộ trình giảm dần tuyến cố định nội tỉnh, đặc biệt là tuyến ngắn để phát triển xe buýt.

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ. Nâng cao chất lượng đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, chú trọng chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với tàu khách và tàu du lịch; phối hợp với thành phố Móng Cái giải quyết các tồn tại về đăng ký đăng kiểm thuyền phương tiện đò chở hàng hoạt động trên sông Ka Long.

- Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 23/7/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 23/4/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

3.11. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của tỉnh về đổi mới căn bản, toàn diện, giáo dục và đào tạo, Quy hoạch phát triển giáo dục đào tạo và các Đề án đã được tỉnh phê duyệt, tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục toàn diện. Hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục và tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ dạy và học. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương nâng cao giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy cơ chế tự chủ tại một số trường phổ thông tại các đô thị lớn, có điều kiện; triển khai Đề án phát triển giáo dục mầm non tư thục tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2019 -2025; nhân rộng và sử dụng hiệu quả mô hình trường học thông minh.

- Đánh giá kết quả thực hiện Đề án phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010 - 2020, xác định phương hướng phát triển giai đoạn 2021 - 2030 đối với trường chuyên Hạ Long. Tổng kết, đánh giá Đề án “Đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2020”, Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025; đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại địa phương; tham mưu xây dựng cơ chế thu hút sự tham gia của cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp trong công tác giáo dục hướng nghiệp; nâng cao hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp, giúp học sinh có nhận thức rõ về định hướng nghề nghiệp.

3.12. Sở Y tế:

- Chủ động tham mưu, đề xuất, tổng hợp diễn biến của dịch Covid-19; sẵn sàng triển khai trong mọi tình huống theo kịch bản đã xây dựng. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác trong phòng, chống dịch Covid-19.

- Chủ trì tổng hợp báo cáo thường xuyên, đột xuất về tình hình và công tác phòng, chống dịch bệnh trên người. Tham mưu cho tỉnh các biện pháp phòng chống dịch, phát hiện sớm trường hợp bị nhiễm dịch bệnh, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong, bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe của nhân dân, của du khách.

- Tăng cường thu hút, đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao tại các cơ sở y tế để nâng cao chất lượng phòng bệnh; khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn tỉnh và du khách. Phát triển mạnh y tế chuyên sâu. Đẩy mạnh quản lý kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng và hành nghề y dược tư nhân. Tiếp tục thực hiện hiệu quả dự án đầu tư cho 03 bệnh viện thông minh; tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện mô hình quản lý sức khỏe toàn dân.

- Đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình, dự án đầu tư theo kế hoạch: hoàn thành dự án nâng cấp mở rộng Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái; triển khai các dự án đầu tư nâng cấp mở rộng các đơn vị: Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu, Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ, Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên, Bệnh viện bảo vệ sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Y dược cổ truyền, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế. Triển khai đầu tư xây dựng Bệnh viện Lão khoa đảm bảo tiến độ đề ra; thu hút xã hội hóa đầu tư Trung tâm dưỡng lão; phối hợp thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Hệ thống quản lý y tế thông minh. Tăng cường công tác quản lý, bảo dưỡng và sửa chữa trang thiết bị y tế, để tăng cường hiệu quả đầu tư và đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế.

- Tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; gắn việc điều chỉnh giá dịch vụ với lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội tỉnh trong kiểm soát quản lý, sử dụng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo việc tuân thủ pháp luật về y tế trong hoạt động của các cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân trên địa bàn toàn tỉnh.

3.13. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Tham mưu xây dựng, ban hành Chương trình việc làm tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 143/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách thu hút lao động vào làm việc tại Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà; Kế hoạch số 183/KH-UBND ngày 30/11/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đào tạo nghề nghiệp, thu hút nguồn nhân lực, lao động tay nghề cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh. Tham mưu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp; huy động các doanh nghiệp tham gia vào xây dựng chương trình đào tạo, hỗ trợ thực tập, phản hồi về chất lượng đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về lao động cho các dự án, chủ đầu tư, doanh nghiệp. Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan bảo đảm cách ly đối với lao động, chuyên gia nước ngoài đến hoặc đi qua vùng dịch Covid-19; không để thiếu hụt lao động, nhất là dự án FDI.

- Triển khai thực hiện cụ thể hóa bằng các biện pháp cụ thể thực hiện nhiệm vụ của Sở trong Chương trình hành động số 3766/CTr-UBND ngày 29/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Kế hoạch 2979/KH-UBND ngày 28/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ bổ sung của Chương trình hành động số 3766/CTr-UBND ngày 29/6/2016 và Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 14/02/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Phát triển doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh năm 2020.

3.14. Sở Văn hóa và Thể thao:

- Đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế tại các hoạt động lễ hội, di tích. Yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động tại Lễ hội, di tích; tuyên truyền, yêu cầu người dân hạn chế tham gia các hoạt động du xuân, lễ hội.

- Xây dựng Kế hoạch và đề xuất đăng cai, tổ chức những sự kiện văn hóa, thể thao cấp quốc gia, quốc tế trên địa bàn, tổ chức các sự kiện của tỉnh với phương châm thu hút khách trong và ngoài tỉnh đến với Quảng Ninh; trên cơ sở đó báo cáo đề xuất Lãnh đạo tỉnh làm việc với các Bộ, ngành trung ương về đề xuất của tỉnh.

- Đẩy mạnh hoạt động bảo tồn và phát huy có hiệu quả văn hóa, vật thể, phi vật thể trên địa bàn tạo thành sản phẩm văn hóa, du lịch đặc sắc phục vụ du lịch. Xây dựng và tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, chất lượng cao, mang đậm bản sắc dân tộc của tỉnh nhằm giới thiệu, quảng bá và biểu diễn phục vụ khách du lịch. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh sớm đưa vào hoạt động, khai thác chương trình biểu diễn thực cảnh Ấn tượng vịnh Hạ Long góp phần tạo ra sản phẩm du lịch về đêm tại thành phố Hạ Long.

- Phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ, ngành Trung ương; các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, thể thao trong nước, quốc tế và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao trong nước, quốc tế tại tỉnh Quảng Ninh để tạo ra các sản phẩm văn hóa - du lịch mang thương hiệu của Quảng Ninh như: Ga la Xiếc ba miền; Liên hoan Xiếc thế giới Hạ Long 2020, Festival âm nhạc quốc tế; Liên hoan tiếng hát người thợ Mỏ; Festival thời trang, Giải bóng đá nữ vòng loại Olimpic giữa đội tuyển nữ Việt Nam và đội tuyển nữ Oxtraylia; Thi đấu các trận lượt về của đội bóng đá Than Quảng Ninh tại vòng loại Cup AFC; Lễ phát động Ngày Olimpic trẻ toàn quốc và Khai mạc hoạt động hè toàn quốc 2020,...

- Xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận các cấp: 01 di tích Quốc gia đặc biệt; 02 di tích Quốc gia; 05 di tích cấp Tỉnh; 02 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; 02 - 03 bảo vật Quốc gia được công nhận; hoàn thiện, đổi mới các không gian trưng bày tại Bảo tàng - Thư viện tỉnh; Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm; Nhà thi đấu đa năng 5000 chỗ,... Huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích, đặc biệt di tích Nhà Trần tại Đông Triều, di tích Bạch Đằng thị xã Quảng Yên,...; các công trình văn hóa - thể thao trọng điểm để thu hút nhân dân và khách du lịch đến tham quan.

- Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để thực hiện có hiệu quả đề án nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Quảng Ninh. Tăng cường quản lý nhà nước, huy động các nguồn lực để tiếp tục đầu tư nâng cao thành tích của đội bóng đá Than Quảng Ninh, đội bóng đá nữ TKV và đội bỏng chuyền nữ Quảng Ninh. Đảm bảo cơ sở vật chất đăng cai một số môn thi đấu của Sea Games 31 tại Quảng Ninh như: Bóng chuyền nam nữ bãi biển; Bóng chuyền nam nữ trong nhà; Bóng đá nữ; Cờ vua và 3 môn phối hợp.

- Tổ chức tốt 18 hoạt động tuyên truyền, cổ động kịp thời các sự kiện chính trị trọng đại của tỉnh, của đất nước với các hình thức và nội dung phong phú, hấp dẫn. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

- Rà soát các điều kiện cơ sở vật chất để chuẩn bị đăng cai 5 môn thi đấu SEAGAMES trong năm 2021 (nếu được chấp thuận). Đồng thời chuẩn bị và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

3.15. Sở Khoa học và Công nghệ:

- Tham mưu sửa đổi Quyết định số 1372/QĐ-UBND ngày 03/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Ninh để phù hợp với các quy định hiện hành.

- Tiếp tục quản lý thực hiện 03 nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình nông thôn miền núi đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, 36 nhiệm vụ cấp tỉnh, 21 nhiệm vụ cấp cơ sở. Tham mưu, trình Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh phê duyệt danh mục khoa học và công nghệ cấp tỉnh bắt đầu thực hiện từ năm 2021.

- Hướng dẫn thành lập mới 01 doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hướng dẫn 04 doanh nghiệp tham dự giải thưởng chất lượng quốc gia năm 2019. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đề nghị hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo Nghị quyết số 43/2016/NQ-HĐND ngày 07/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh, dự kiến hỗ trợ 1,5 tỷ đồng (70 nhãn hiệu; 05 kiểu dáng; 01 sáng chế; 1 giống cây trồng; 50 tiêu chuẩn cơ sở). Hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân xây dựng hồ sơ xác lập quyền sở hữu trí tuệ từ 200-250 hồ sơ.

- Tăng cường công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Xây dựng 13 mô hình điểm về nâng cao năng suất chất lượng; kiểm định trên 5.000 phương tiện đo lường tại các đơn vị, tổ chức, cá nhân...

3.16. Ban Quản lý Khu kinh tế:

- Tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ra; không để dịch bệnh lây lan trong khu công nghiệp và tại cộng đồng. Đảm bảo công tác phòng chống dịch nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

- Thường xuyên tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, các nhà đầu tư thứ cấp có liên quan đến lao động người nước ngoài, có các hoạt động xuất nhập khẩu để kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp nhằm hạn chế tối đa những tác động, ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra.

- Phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân thị xã Quảng yên giải quyết khó khăn, vướng mắc nhất là công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án tại các khu công nghiệp của Quảng Yên, các dự án đầu tư của Tập đoàn Texhong; dự án Khu công nghiệp Việt Hưng giai đoạn 1, giai đoạn 2... Tập trung, hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của các nhà đầu tư và hoàn thiện các thủ tục pháp lý về xây dựng, đất đai, môi trường, phòng chống cháy nổ... để các dự án sớm được khởi công xây dựng.

- Tham mưu triển khai thực hiện Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 226/QĐ-TTg ngày 17/02/2020, trong đó: Tập trung tham mưu đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã giao chủ đầu tư, các dự án đã phê duyệt quy hoạch chi tiết đang lựa chọn chủ đầu tư, các dự án đang nghiên cứu quy hoạch, đồng thời tháo gỡ cụ thể những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

- Tham mưu hoàn thành việc lập, trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung triển khai hoàn thiện đồng bộ các quy hoạch phân khu chức năng, tổ chức công bố quy hoạch tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận, lựa chọn địa điểm và lĩnh vực đầu tư. Tiếp tục bám sát các Bộ ngành Trung ương, Văn phòng Chính phủ để kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Đề án bổ sung Khu kinh tế Quảng Yên vào quy hoạch các khu kinh tế ven biển Việt Nam và Đề án thành lập Khu kinh tế Quảng Yên để thúc đẩy thu hút đầu tư. Chủ trì phối hợp với thành phố Hạ Long và các đơn vị liên quan thực hiện rà soát hiện trạng sử dụng đất và tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Cái Lân.

- Tập trung triển khai hiệu quả Kế hoạch về triển khai thu hút lao động, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2020; Phối hợp triển khai Quyết định số 327/QĐ-UBND ngày 25/01/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở để thu hút lao động vào Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà đến năm 2020. Tiếp tục phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, các cơ quan, địa phương hỗ trợ tuyển dụng lao động cho các dự án có nhu cầu tuyển dụng số lượng lao động lớn.

- Rà soát tổng thể lại toàn bộ các dự án đã và đang nghiên cứu quy hoạch, đang triển khai đầu tư tại Khu kinh tế Vân Đồn để điều chỉnh quy hoạch (nếu cần) để phối hợp với Quy hoạch chung xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh họp tháo gỡ khó khăn cho từng dự án để thúc đẩy tiến độ đầu tư các dự án.

3.17. Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư:

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) (tháng 02/2020); Chương trình đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI) tỉnh Quảng Ninh năm 2020.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đổi mới xúc tiến đầu tư năm 2020 đảm bảo đáp ứng nhu cầu của Nhà đầu tư. Thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên thu hút đầu tư vào các dự án dịch vụ du lịch chất lượng cao, các dự án công nghệ cao, sản xuất linh kiện thiết bị điện tử, dự án ứng dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường. Phối hợp với các Sở ngành liên quan giải quyết dứt điểm thủ tục thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đầm Hà để thu hút Tập đoàn TH vào đầu tư.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thành công các Hội nghị xúc tiến đầu tư với các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đánh giá, dự báo tình hình và xu hướng dịch chuyển các dòng đầu tư FDI trên thế giới, nhất là sự di chuyển dòng đầu tư của các nước ra khỏi Trung Quốc do nguyên nhân chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và dịch Covid-19; đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài...

- Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, chăm sóc các nhà đầu tư hiện đang đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đặc biệt là khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế và các sở ngành, địa phương liên quan đôn đốc, hỗ trợ các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp như Tập đoàn Amata, Rent A Port, Thành Công... nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp để tạo mặt bằng cho các dự án thứ cấp, đón đầu làn sóng di chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc.

4.18. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông; Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp:

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đưa vào sử dụng như: Dự án cấp điện lưới quốc gia cho đảo Trần, đảo Cái Chiên giai đoạn 2; đường bao biển nối Hạ Long - Cẩm Phả; cải tạo nâng cấp đường tỉnh 334; Tuyến đường trục chính thứ 2 của Khu công nghiệp - Cảng biển Hải Hà; tuyến đường gom từ đường cao tốc đến sân bay Vân Đồn; đường trục chính khu đô thị Cái Rông... và các dự án công nghệ thông tin thuộc Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh.

Tập trung chỉ đạo, hoàn thiện thủ tục đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án đầu tư công, bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Tỉnh: (1) Dự án đường bao biển nối thành phố Hạ long - thành phố Cẩm Phả (hoàn thành để chào mừng Đại hội XIII của Đảng); (2) Dự án hoàn thiện hạ tầng Trung tâm hành chính tỉnh (hoàn thành xong trước 30/4/2020); (3) Dự án đường nối KCN Cái Lân quan KCN Việt Hưng đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (Công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV), hoàn thành công tác GPMB trong tháng 3/2020; (4) Dự án Đường nối từ Đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (tại Km6+700 đến đường tỉnh 338-giai đoạn I), Dự án xây dựng hoàn chỉnh nút giao Đầm Nhà Mạc (tại KM 20+50 đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng), dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338-giai đoạn 1: Khởi công vào quý 11/2020; (5) Dự án cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3 khởi công trước ngày 30/4/2020.

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo Hợp đồng dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo hình thức đối tác công tư (PPP). Triển khai các dự án trong Kế hoạch năm 2020 với yêu cầu đúng tiến độ, chất lượng các dự án; đồng thời quyết toán dứt điểm các dự án sau khi hoàn thành.

4.19. Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc:

- Đồng hành cùng với tỉnh trong thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020. Rà soát, điều chỉnh kế hoạch hoạt động, sản xuất kinh doanh với mục tiêu phấn đấu mới: sản lượng khai thác, sản xuất than năm 2020 là 47,8 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với kế hoạch đầu năm (TKV là 41 triệu tấn, của Tổng Công ty Đông Bắc trên 6,8 triệu tấn); nhập khẩu than 14-16 triệu tấn (TKV 10-12 triệu, Tổng công ty Đông Bắc 4 triệu tấn) và nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh năm 2020 qua cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nhất là ứng dụng công nghệ sạch trong khai thác than để tăng hệ số thu hồi than, kéo dài vòng đời khai thác so với dự kiến nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, qua đó tăng doanh thu và lợi nhuận, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

- Tăng cường công tác quản lý, khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh than trên địa bàn tỉnh thuộc trách nhiệm của Tập đoàn, Tổng Công ty. Tiếp tục triển khai Đề án bảo đảm môi trường cấp bách ngành Than trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 222/QĐ-UBND ngày 25/01/2018.

4.20. Cục Thống kê tỉnh:

- Là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về số liệu thống kê chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP), cơ cấu kinh tế và các chỉ tiêu liên quan khác do Cục theo dõi, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để đảm bảo đúng kịch bản tăng trưởng.

- Thường xuyên rà soát, cập nhật số liệu thống kê, tính toán tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từng quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm. Trên cơ sở kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2020, rà soát, cập nhật đánh giá khả năng thực hiện tăng trưởng kinh tế quý III, 9 tháng và cả năm 2020, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp).

- Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời số liệu thống kê cho Tổng cục Thống kê; đồng thời chủ động báo cáo Tổng cục Thống kê tính toán số liệu tốc độ tăng Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) và cơ cấu kinh tế từng quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2020.

- Báo cáo, cung cấp đầy đủ số liệu thống kê phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình kinh tế - xã hội để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh tại phiên họp thường kỳ hằng tháng, quý, năm.

4.21. Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

(1) Tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không để dịch bệnh xuất hiện, lây lan và bùng phát trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường các giải pháp tăng trưởng kinh tế trên cơ sở bù đắp những thiếu hụt từ ngành du lịch, tận dụng tối đa dư địa phát triển của ngành, lĩnh vực ít chịu tác động từ dịch bệnh và có khả năng phục hồi tốt hơn để bảo đảm nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

(2) Tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 đã đề ra theo Chương trình hành động số 08/CTr-UBND ngày 10/01/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ; Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 02/12/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 230/NQ-HĐND ngày 07/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 10/01/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chủ đề công tác năm về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững”; định kỳ trước ngày 20 hằng tháng, quý báo cáo và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả tăng trưởng ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách.

(3) Tổ chức triển khai kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 14/02/2020 về phát triển doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh năm 2020. Chủ động, kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

(4) Triển khai đồng bộ các giải pháp chống nhất thu ngân sách nhà nước, đề ra biện pháp khai thác nguồn thu mới để bù đắp giảm thu ở lĩnh vực dịch vụ, du lịch do ảnh hưởng của dịch bệnh, quyết tâm hoàn thành dự toán năm 2020. Triệt để thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên để bổ sung chi đầu tư phát triển. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn. Tăng cường các biện pháp để không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Thực hiện dự toán chi ngân sách nhà nước theo đúng quyết định giao dự toán của cấp có thẩm quyền.

(5) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhất là chính quyền cấp xã, phường, thị trấn trên các lĩnh vực quy hoạch, đất đai, đô thị, tài nguyên, môi trường tại các địa phương; quản lý chặt chẽ các hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng trái phép, tự ý san gạt lấn chiếm đất đai. Tập trung chỉ đạo triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để các nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; quản lý chặt chẽ kiến trúc và các hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật về trật tự đô thị; cải tạo cảnh quan, duy trì tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào xanh, sạch, đẹp...

(6) Tập trung thực hiện Nghị quyết 837/NQ-UBTVQH 14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban thường vụ quốc hội, Nghị quyết 18-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và Đề án ban hành tại Quyết định số 1919-QĐ/TU ngày 18/12/2018 của Tỉnh ủy về công tác sắp xếp cán bộ sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, sớm ổn định đi vào hoạt động. Tiếp tục tăng cường chân chỉnh thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương các cơ quan hành chính nhà nước; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; kiên quyết thực hiện kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ công chức, viên chức trong triển khai thực hiện công vụ; kịp thời thay thế các cán bộ, công chức trì trệ, cản trở, không hoàn thành nhiệm vụ. Xử lý nghiêm và kịp thời theo quy định của pháp luật các tổ chức và cá nhân có vi phạm trong thực thi công vụ.

(7) Tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp Luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở. Tăng cường đối thoại giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri, khiếu nại, tố cáo của công dân. Phối hợp tốt với Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước trong việc cung cấp hồ sơ và giải trình kiến nghị để đảm bảo kết luận kiểm toán, thanh tra phản ánh thực sự khách quan; kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra sau giám sát, thanh tra, kiểm tra và kết luận sau chất vấn những vấn đề mà cử tri quan tâm.

(8) Đảm bảo công tác quốc phòng, an ninh, đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, không để xảy ra bị động bất ngờ; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông, tai nạn lao động; tăng cường công tác tuyên truyền, chủ động phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu.

(9) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương căn cứ các nhiệm vụ của các sở, ngành và các nội dung trên, cụ thể hóa bằng Kịch bản của từng địa phương cho phù hợp, sát với tình hình thực tiễn của địa phương mình để triển khai thực hiện; hằng quỹ báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tại cuộc họp Ủy ban nhân dân tỉnh thường kỳ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, thành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai cụ thể Kế hoạch này./.

 


Nơi nhận:
- Chính phủ (báo cáo);
- Bộ Kế hoạch và ĐT, Bộ Tài chính (b/c);
- TTTU, TT HĐND tmh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh;
- TKV, Tổng công ty Đông Bắc;
- Trung tâm Truyền thông tỉnh;
- Lãnh đạo, CVNCTH Văn phòng ĐĐBQH, HĐND và UBND tỉnh;
- Lưu VT,TM3.
20 bản, KH01.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thắng

 

PHỤ LỤC

KỊCH BẢN TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG (GRDP) VÀ CƠ CẤU KINH TẾ NĂM 2020
(Kèm theo Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 28/02/2020 của UBND tỉnh về kịch bản tăng trưởng GRDP tỉnh Quảng Ninh năm 2020)

Các chỉ tiêu kinh tế

ĐVT

Thực hiện năm 2019

Phương án tăng trưởng 2020

So sánh năm 2020 với TH năm 2019

Quý I

Quý II

6 tháng

Quý III

9 tháng

Quý IV

Cả năm

Quý I

Quý II

6 tháng

Quý III

9 tháng

Quý IV

Cả năm

1. Tốc độ tăng trưởng (GRDP), giá so sánh 2010

%

111,0

112,7

111,9

111,5

111,7

112,7

112,01

108,2

111,0

109,7

113,8

111,1

114,3

112,0

 

- KV1: Nông, lâm, thủy sản

%

103,1

100,7

101,8

98,8

100,8

99,5

100,4

102,5

103,3

102,9

103,4

103,1

103,6

103,2

 

- KV II: Công nghiệp và xây dựng

%

110,9

114,9

113,0

114,3

113,4

115,4

114,0

110,8

113,3

112,2

115,6

113,2

115,0

113,7

 

- KV III: Dịch vụ

%

112,4

112,9

112,7

111,7

112,3

113,5

112,7

106,7

110,3

108,6

112,4

109,9

113,3

110,9

 

- Thuế sản phẩm

%

111,2

109,1

110,1

107,1

109,1

108,3

108,8

104,4

106,6

105,5

115,9

109,1

118,4

112,0

 

2. Cơ cấu kinh tế (giá HH)

 

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

 

- KV I: Nông, lâm, thủy sản

%

5,5

6,2

5,9

6,4

6,0

5,9

6,0

5,3

6,0

5,7

6,0

5,8

5,7

5,8

 

- KV II: Công nghiệp và xây dựng

%

49,5

51,1

50,4

44,9

48,6

46,8

48,1

50,6

52,2

51,5

45,5

49,4

47,0

48,7

 

KV III: Dịch vụ + Thuế

 

45,0

42,7

43,8

48,7

45,4

47,3

45,9

44,0

41,8

42,8

48,5

44,8

47,4

45,5

 

- Dịch vụ

%

32,1

30,7

31,3

35,0

32,5

32,1

32,4

31,6

30,4

30,9

34,5

32,2

31,7

32,0

 

- Thuế sản phẩm

%

12,9

12,0

12,4

13,7

12,9

15,2

13,5

12,4

11,4

11,9

14,0

12,6

15,7

13,5

 

3. Tổng vốn đầu tư xã hội

Tỷ đồng

12.053

18.996

31.049

20.182

51.231

25.216

76.447

12.855

20.972

33.827

22.339

56.166

27.908

84.074

110,0

4. Thu ngân sách ngân sách trên địa bàn

Tỷ đồng

11.510

11.538

23.539

10.491

34.030

11.689

46.051

13.297

10.930

24.227

11.256

35.483

12.517

48.000

104,2

- Thu xuất nhập khẩu

Tỷ đồng

2.460

3.077

5.537

2.765

8.302

2.759

11.393

3.056

2.241

5.297

2.830

8.127

2.873

11.000

96,6

- Thu nội địa

Tỷ đồng

9.050

8.461

18.002

7.726

25.728

8.930

34.658

10.241

8.689

18.930

8.426

27.356

9.644

37.000

106,8

5. Dịch vụ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ

Tỷ đồng

23.397

25.353

48.748

26.685

75.435

27.195

102.629

25.734

28.288

54.023

30.527

84.550

31.112

115.662

112,7

- Kim ngạch xuất khẩu

Tr. USD

387

508

896

619

1.436

704

2.164

390,50

545,56

936,06

650,56

1.586,62

755,50

2.342

108,2

- Du lịch

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

+ Tổng khách du lịch

Ngh. L. khách

5.430

3.129

8.559

2.795

11.354

2.651

14.005

2.560

2.000

4.560

2.847

7.407

3.173

10.580

75,5

+ Doanh thu du lịch

Tỷ đồng

9.150

6.833

15.983

6.765

22.748

6.739

29.487

4.582

4.461

9.043

6.861

15.904

8.724

24.629

83,5

6. Công nghiệp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Sn phẩm chủ yếu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

+ Than sạch

1000 tấn

10.895

11.640

22.535

9.721

32.256

10.971

43.227

10.850

12.250

23.100

12.500

35.600

12.200

47.800

110,6

+ Điện sản xuất

Tr.Kwh

9.109

9.148

18.257

6.633

24.890

9.197

34.087

9.510

9.735

19.245

7.424

26.669

10.096

36.765

107,9

+ Xi măng

1000 tấn

753

1.032

1.785

705

2.490

927

3.417

985

1.452

2.437

1.130

3.567

1.473

5.040

147,5

+ Clinker

1000 tấn

1.084

1.227

2.311

1.207

3.518

1.256

4.774

875

967

1.842

965

2.807

679

3.486

73,0

+ Sợi bông cotton

Tấn

52.457

64.077

116.534

70.497

187.031

73.695

260.726

54.687

67.235

121.922

75.588

197.510

79.010

276.520

106,1

+ Gạch nung

Tr. Viên

227

265

492

288

780

308

1.088

229

268

497

291

788

309

1.097

100,8

+ Dầu thực vật

1000 tấn

74

69

143

78

221

88

309

80

76

156

86

242

98

340

110,0

+ Bột mỳ các loại

1000 tấn

90

83

173

103

276

116

392

97

92

189

115

304

126

430

109,7

7. Nông, lâm, thủy sản

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Trồng rừng tập trung

Ha

2.440

8.250

10.690

-

10.690

-

10.690

2.280

8.740

11.020

-

11.020

-

11.020

103,1

- Sản lượng thủy sản

Tấn

30.604

31.172

61.776

35.596

97.372

34.176

131.548

31.632

33.229

64.861

37.839

102.700

34.500

137.200

104,3

+ Khai thác

Tấn

16.844

16.542

33.386

17.161

50.547

16.816

67.363

17.046

17.154

34.200

17.300

51.500

17.100

68.600

101,8

+ Nuôi trồng

Tấn

13.760

14.630

28.390

18.435

46.825

17.360

64.185

14.586

16.075

30.661

20.539

51.200

17.400

68.600

106,9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC:

KỊCH BẢN CHI TIẾT THU NỘI ĐỊA NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2020 TỈNH QUẢNG NINH
(Kèm theo Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 28/02/2020 của UBND tỉnh về kịch bản tăng trưởng GRDP tỉnh Quảng Ninh năm 2020)

Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

CHỈ TIÊU

Dự báo thu năm 2020

Tỷ lệ so với DT

TH cả năm 2019

Quý 1

Quý 2

6 tháng 2020

Quý 3

9 tháng 2020

Quý 4

Dự báo cả năm

Quý 1

Quý 2

6 tháng 2020

Quý 3

9 tháng 2020

Quý 4

*

TNG THU

10.241.000

8.689.300

18.930.300

8.426.000

27.356.300

9.643.700

37.000.000

28%

23%

51%

23%

74%

26%

34.705.384

 

Tổng thu trừ tiền SD đất

8.691.000

7.339.300

16.030.300

7.376.000

23.406.300

8.602.693

32.008.993

27%

23%

50%

23%

73%

27%

31.223.375

1

Khu vực DNNN TW

3.646.000

3.817.000

7.463.000

3.180.000

10.643.000

3.792.000

14.435.000

25%

26%

52%

22%

74%

26%

13.541.827

 

Thuế Giá trị gia tăng

1.584.002

1.597.300

3.181.302

1,410.200

4.591.502

1.279.852

5.871.354

27%

27%

54%

24%

78%

22%

5.468.668

 

Thuế Tiêu thụ đặc biệt

317

400

717

400

1.117

583

1.700

19%

24%

42%

24%

66%

34%

1.429

 

Thuế TNDN

408.185

129.000

537.185

145.100

682.285

499.686

1,181.971

35%

11%

45%

12%

58%

42%

936.983

 

Thuế Tài nguyên

1.653.496

2.090,300

3.743.796

1.624.300

5.368.096

2.008.379

7.376.475

22%

28%

51%

22%

73%

27%

7.134.747

 

Thu khác

0

 

0

0

0

3.500

3.500

0%

0%

0%

0%

0%

100%

0

2

Khu vực DNNN ĐF

56.000

50.300

106.300

51.000

157.300

27.700

185.000

30%

27%

57%

28%

85%

15%

188.832

 

Thuế Giá trị gia tăng

22.664

25.000

47.664

30.600

78.264

18.802

97.066

23%

26%

49%

32%

81%

19%

94.429

 

Thuế Tiêu thụ đặc biệt

0

0

0

0

0

0

0

 

 

 

 

 

 

6

 

Thuế TNDN

29,383

22.000

51.383

16.000

67.383

2.163

69.546

42%

32%

74%

23%

97%

3%

76.816

 

Thuế Tài nguyên

3.953

3.300

7.253

4.400

11.653

6.735

18.388

21%

18%

39%

24%

63%

37%

17.581

 

Thu khác

0

 

0

0

0

0

0

 

 

 

 

 

 

0

3

Khu vực có vốn ĐTNN

444.000

345.000

789.000

540.000

1.329.000

591.000

1.920.000

23%

18%

41%

28%

69%

31%

1.874.261

 

Thuế Giá trị gia tăng

276.640

270.000

546.640

370.000

916.640

276.094

1.192.734

23%

23%

46%

31%

77%

23%

1.206.980

 

Thuế Tiêu thụ đặc biệt

6.000

1.000

7.000

55.000

62.000

29.540

91.540

7%

1%

8%

60%

68%

32%

131.367

 

Thuế TNDN

158.360

70.000

228.360

110.000

338.360

275.159

613.519

26%

11%

37%

18%

55%

45%

476.913

 

Thuế Tài nguyên

3.000

4.000

7.000

5.000

12.000

5.107

17.107

18%

23%

41%

29%

70%

30%

59.001

 

Thu khác

0

 

0

0

0

5.100

5.100

0%

0%

0%

0%

0%

100%

0

4

Thuế NQD

1.080.000

912.000

1.992.000

958.000

2.950.000

1.218.000

4.168.000

26%

22%

48%

23%

71%

29%

4.088.486

 

Thuế Giá trị gia tăng

549.697

520.000

1.069.697

630.000

1.699.697

868.819

2.568.516

21%

20%

42%

25%

66%

34%

2.708.223

 

Thuế Tiêu thụ đặc biệt

20.000

2.000

22,000

13.000

35.000

157.986

192.986

10%

1%

11%

7%

18%

82%

206.884

 

Thuế TNDN

470.303

330.000

800.303

250.000

1.050.303

202.293

1.252.596

38%

26%

64%

20%

84%

16%

1.022.263

 

Thuế Tài nguyên

40.000

60.000

100.000

65.000

165.000

-11.118

153.882

26%

39%

65%

42%

107%

-7%

151.116

5

Thuế TNCN

240.000

230.000

470.000

220.000

690.000

254.000

944.000

25%

24%

50%

23%

73%

27%

919.635

6

Thuế Bảo vệ MTr

820.000

870.000

1.690.000

940.000

2.630.000

1.040.000

3.670.000

22%

24%

46%

26%

72%

28%

3.457.962

7

L phí trước bạ

220.000

200.000

420.000

265.000

685.000

296.000

981.000

22%

20%

43%

27%

70%

30%

1.066.398

8

Thu phí lệ phí

450.000

420.000

870.000

760.000

1.630.000

760.000

2.390.000

19%

18%

36%

32%

68%

32%

2.666.209

 

Phí vịnh HL

160.000

140.000

300.000

340.000

640.000

367.000

1.007.000

16%

14%

30%

34%

64%

36%

1.098.410

 

Phí Yên tử

3.200

500

J3.700

J.200

4.900

1.500

6.400

50%

. 8%

58%

19%

77%

23%

31.566

 

Phí TNTX

5.450

1.000

6.450

26.000

32.450

31.050

63.500

9%

2%

10%

41%

51%

49%

129.914

 

Phí XNC

11.075

1.000

12.075

28.000

40.075

48.825

88.900

12%

1%

14%

31%

45%

55%

245.058

 

Phí LP khác

270.275

277.500

547.775

364.800

912.575

311.915

1.224.490

22%

23%

45%

30%

75%

25%

1.161.261

9

Thuế SD đất NN

 

0

0

0

0

480

480

0%

0%

0%

0%

0%

100%

643

10

Thuế SD đất phi NN

3.000

20.000

23.000

6.000

29.000

14.818

43.818

7%

46%

52%

14%

66%

34%

42.757

11

Thu tiền thuê đất

250.000

360.000

610.000

220.000

830.000

417.000

1.247.000

20%

29%

49%

18%

67%

33%

973.745

12

Tiền sử dụng đất

1.550.000

1.350.000

2.900.000

1.050.000

3.950.000

1.041.007

4.991.007

31%

27%

58%

21%

79%

21%

3.482.009

13

Thu tiền bán nhà

 

0

0

0

0

0

0

 

 

 

 

 

 

559

14

Sổ xkiến thiết

10.000

12.000

22.000

18.000

40.000

19.000

59.000

17%

20%

37%

31%

68%

32%

54.545

15

Thu tiền CQ KTKS

1.354.000

 

1.354.000

60.000

1.414.000

23.000

1.437.000

94%

0%

94%

4%

98%

2%

1.656.900

16

Thu khác ngân sách

85.000

90.000

175.000

140.000

315.000

140.195

455.195

19%

20%

38%

31%

69%

31%

613.504

17

Thu tại xã

2.000

3.000

5.000

3.000

8.000

3.500

11.500

17%

26%

43%

26%

70%

30%

18.394

18

Thu ctức

31.000

10.000

41.000

15.000

56.000

6.000

62.000

50%

16%

66%

24%

90%

10%

58.718

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú: -1.391.007 1.391.007

 



[1] Như: Dự án cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3; Dự án đường bao biển nối thành phố Hạ Long - thành phố Cẩm Phả; Dự án đường nối KCN Cái Lân quan KCN Việt Hưng đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; Dự án Đường nối từ Đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (tại Km6+700 đến đường tỉnh 338-giai đoạn I); Dự án xây dựng hoàn chỉnh nút giao Đầm Nhà Mạc (tại KM 20+50 đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng); Dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng đến thị xã Đông Triều đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338-giai đoạn 1.

[2] Sân golf tại Tuần Châu (TP.Hạ Long), Khu nghỉ dưỡng suối khoáng Quang Hanh (TP.Cẩm Phả).

[3] Dự kiến thị trường Đông Bắc Á (Trung Quốc không có khách đến, Đài Loan, Hàn Quốc giảm khoảng 80 - 85% so với quý I/2019, cụ thể: Thị trường khách quốc tế đến lưu trú: Trung Quốc mất khoảng 140.000 - 150.000 lượt khách; Đài Loan sụt giảm khoảng 28.000 - 30.000 lượt khách; Hàn Quốc sụt giảm khoảng 70.000 - 75.000 lượt khách); thị trường Tây âu, Bắc Mỹ, Úc sẽ sụt giảm nhưng ở mức thấp hơn và ở mức 25 - 30%, tương đương 15.000 - 20.000 khách so với quý I/2019. Về khách nội địa: Trong quí I/2019 có khoáng 3,9 triệu lượt khách nội địa đến các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, dự báo quý I/2020 tụt giảm khoảng 65 - 70% so với 2019.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 39/KH-UBND về kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2020 tỉnh Quảng Ninh

  • Số hiệu: 39/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 28/02/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Nguyễn Văn Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản