Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3499/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 19 tháng 4 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 26/NQ-CP NGÀY 27/2/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 40-CTR/TU NGÀY 27/10/2022 CỦA TỈNH ỦY VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 19-NQ/TW NGÀY 16/6/2022 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Để triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27/2/2023 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 26/NQ-CP); Chương trình hành động số 40-CTr/TU ngày 27/10/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chương trình hành động số 40-CTr/TU); Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch thực hiện cụ thể, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đầy đủ, đúng đắn và triển khai thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo sự thống nhất cao về nhận thức và đổi mới, hành động quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền, cơ quan đoàn thể và nhân dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

b) Xác định các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình, phân công trách nhiệm cụ thể, quán triệt, chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố để thực hiện kịp thời có hiệu quả Nghị quyết số 26/NQ-CP, Chương trình hành động số 40-CTr/TU gắn với thực hiện các Nghị quyết, Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2025 và định hướng năm 2030.

c) Thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào khu vực nông nghiệp nông thôn; xây dựng cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả, hợp lý.

2. Yêu cầu

a) Kế hoạch của UBND tỉnh là căn cứ để các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thuộc trách nhiệm, phạm vi của mình; trong quá trình triển khai thực hiện phải bám sát quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ giải pháp Nghị quyết của Trung ương và Chương trình hành động của Tỉnh ủy; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kịp thời khắc phục khó khăn, vướng mắc, đảm bảo việc triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ đạt hiệu quả, lộ trình Kế hoạch đề ra.

b) Tăng cường đầu tư về mọi mặt, huy động tối đa các nguồn lực từ ngân sách nhà nước kết hợp với nguồn lực xã hội hóa; đồng thời, có những chính sách thích hợp hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung đến năm 2030:

Tỉnh Lâm Đồng phát triển nhanh, toàn diện và bền vững dựa trên nền kinh tế xanh, tuần hoàn; là khu vực kinh tế động lực, trọng điểm; có nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, năng lực làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hệ thống kết cấu hạ tầng của từng ngành, lĩnh vực phát triển đồng bộ, hiện đại; cơ cấu kinh tế hợp lý; môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; xây dựng tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

a) Tốc độ tăng trưởng khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân 4 - 4,5%/năm (giai đoạn 2021-2025 là 4,5 - 5%); Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 32,06% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; tốc độ tăng năng suất lao động ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân 5,5 - 6%; giá trị sản xuất bình quân đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm.

b) Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn đạt bình quân trên 10%/năm.

c) Giá trị xuất khẩu hàng năm tăng bình quân từ 10 - 12%; kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 800 triệu USD, tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chế biến, chế biến sâu đạt trên 35%.

d) Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 50%; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 75%.

đ) Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng gấp 2,5-3 lần năm 2020. Giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên 1,5%/năm.

e) Phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số, phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người bằng ít nhất 75% bình quân toàn tỉnh; hàng năm thu hút 3 - 5% lao động vùng dân tộc thiểu số chuyển sang hoạt động phi nông nghiệp.

g) Đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, nước sạch tại nông thôn; 100% công trình thủy lợi trọng điểm được khởi công; trên 90% đường trục chính nội đồng được cứng hóa; 100% đường trục thôn xóm được cứng hóa; 75% diện tích canh tác được tưới; trên 40% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn.

h) Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định trên 55%; khai thác bền vững các giá trị tài nguyên rừng, nâng cao hiệu quả sử dụng rừng.

i) Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt trên 80%.

k) Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên 50%, tỷ lệ xã nông thôn mới kiểu mẫu đạt 20-25% và có 04 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.

3. Tầm nhìn đến năm 2045:

a) Tỉnh Lâm Đồng có nền nông nghiệp bền vững, hiện đại, hiệu quả có giá trị gia tăng cao, có năng lực cạnh tranh quốc tế; người dân nông thôn được phát triển toàn diện, chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng cao; nông thôn thịnh vượng, văn minh, tiệm cận với đô thị, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

b) Tỷ trọng khu vực nông lâm thủy chiếm 28,5-30% cơ cấu kinh tế của tỉnh; tốc độ tăng trưởng ngành nông lâm thủy đạt khoảng 2 - 3%/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,5 tỷ USD; thu nhập của người dân nông thôn đạt 110 triệu đồng; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo chiếm 90%.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết, tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong phát triển kinh tế - xã hội:

a) Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức nghiên cứu, học tập, phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 19-NQ/TW; Chương trình hành động số 40-CTr/TU đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức và nhân dân toàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, cư dân nông thôn trong phát triển kinh tế xã hội; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

b) Đổi mới, đa dạng hóa các ứng dụng, hình thức tuyên truyền, phổ biến, thông tin trên báo chí, các loại hình truyền thông mới, sử dụng hiệu quả Internet và mạng xã hội; lồng ghép các chương trình đào tạo, tập huấn để tuyên truyền về nội dung, tình hình và kết quả thực hiện Chương trình hành động số 40-CTr/TU, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chủ trương chính sách, định hướng mới trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Biên soạn, phát hành các tài liệu, ấn phẩm, tranh ảnh, video clip tuyên truyền với các nội dung phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương.

2. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống của nông dân và cư dân nông thôn:

2.1. Tổ chức chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho nông dân, lao động nông thôn; nâng cao năng lực thực hành, kiến thức để người nông dân trở thành chủ thể sản xuất hàng hóa thực sự, áp dụng công nghệ để phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, tăng quy mô sản xuất và tham gia các tổ chức kinh tế hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong các chuỗi giá trị:

- Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 9437/KH-UBND ngày 08/12/2022 của UBND tỉnh về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025.

- Triển khai thực hiện các chương trình, đề án do Trung ương ban hành, gồm: Đề án tri thức hóa nông dân đáp ứng vị trí chủ thể, trung tâm trong xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại; Đề án đổi mới chất lượng đào tạo nghề cho lao động động thôn; Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án xây dựng và phát triển mô hình đào tạo, bồi dưỡng nghề gắn với thực hành sản xuất nông nghiệp và giải quyết việc làm tại chỗ cho thanh niên nông thôn; Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2026-2035; Chương trình đưa lao động nông nghiệp, thành viên hợp tác xã nông nghiệp đi làm việc và học tập ở các nước nông nghiệp phát triển.

- Tập trung tổ chức đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và chuyển đổi số trong nông nghiệp; các ngành nghề du lịch nông nghiệp, nông thôn, OCOP, dịch vụ nông nghiệp nông thôn, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản và phát triển kinh tế nông thôn...; đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp; chuyển một bộ phận lao động nông thôn sang làm nông nghiệp dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ người dân nông thôn được đào tạo đạt trên 95%; tỷ lệ lao động hoạt động trong ngành nông nghiệp giảm xuống dưới 50%. Đến năm 2045 đạt 100% người dân được đào tạo và tỷ lệ cơ cấu lao động hoạt động trong nông nghiệp còn dưới 40%.

2.2. Xây dựng và triển khai mô hình đào tạo, đào tạo lại trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại các địa phương gắn với việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo yêu cầu của từng đơn vị, khu vực kinh tế; triển khai phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp khu vực nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề. Triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ hợp tác xã trang trại sử dụng nguồn lao động qua đào tạo đạt trên 90%; trên 80% người tham gia công tác quản lý được đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và 80% giám đốc các hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề.

2.3. Đổi mới mô hình, chương trình, giáo trình đào tạo, chuẩn đầu ra các nghề nông nghiệp và ngành nghề nông thôn; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp; xây dựng tài liệu hướng dẫn đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên cơ sở kế thừa khung chương trình, giáo trình giai đoạn trước, cập nhật, bổ sung những kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật, công nghệ mới phù hợp với yêu cầu sản xuất; đáp ứng các quy chuẩn tiêu chuẩn, từng bước xây dựng lực lượng lao động nông nghiệp nông thôn chuyên nghiệp, lành nghề để tạo ra các sản phần hàng hóa có giá trị và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.

2.4. Xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nguồn lực để thực hiện những nhiệm vụ trọng yếu trong quản lý, kiến tạo ra giá trị mới cho ngành sản xuất nông nghiệp; chú trọng phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở:

- Đổi mới, tuyển dụng, đào tạo, sử dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức bảo đảm chất lượng năng lực chuyên môn theo vị trí việc làm. Hình thành và phát triển mạnh mẽ hệ thống khuyến nông, khuyến công cộng đồng; tổ chức đào tạo lại trình độ sơ cấp, đào tạo ngắn hạn cho các đối tượng đã được đào tạo; bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho cán bộ khuyến nông, nông dân sản xuất giỏi, nghệ nhân, thợ giỏi và lao động có tay nghề cao trong các doanh nghiệp với hình thức, phương pháp, nâng cao chất lượng chuyển giao khoa học kỹ thuật phù hợp với Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tham gia đào tạo nghề giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

- Thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế-xã hội chuyên sâu, chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn cho các bộ, công chức xã theo quy định, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới.

2.5. Xã hội hóa hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến nông cho các tổ chức của nông dân và doanh nghiệp. Thực hiện và nhân rộng các mô hình hình doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp tham gia đào tạo, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong đào tạo nghề và khuyến nông. Phát triển mạnh mẽ hệ thống khuyến nông cộng đồng; thay đổi hình thức, phương pháp, nâng cao chất lượng chuyển giao khoa học kỹ thuật phù hợp với cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

3. Phát triển hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng; xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa:

3.1. Triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch nông thôn mới với mục tiêu, định hướng không gian phát triển mới:

- Hoàn thành quy hoạch vùng huyện các huyện: Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm; quy hoạch chung thành phố Bảo Lộc và huyện Đức Trọng; rà soát lập, thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong năm 2023: điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Tích hợp quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn vào quy hoạch tỉnh Lâm Đồng theo định hướng toàn diện, bền vững và hiện đại, đảm bảo phát huy lợi thế của từng vùng, địa phương, tạo vùng nguyên liệu tập trung, bền vững cho phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường; đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

- Phát triển nông nghiệp đô thị, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ xã hội có chất lượng; tiệm cận với thành thị tại các xã khu vực ven đô thị. Các xã thuộc vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, sản xuất sản phẩm chủ lực thì xây dựng các vùng chuyên canh với hệ thống hạ tầng đồng bộ, có liên kết giữa sản xuất - chế biến - thị trường; phát triển khu dân cư phân tán theo địa bàn sản xuất có liên kết với các đô thị để đảm bảo cung cấp dịch vụ kinh tế - xã hội. Các xã nông thôn truyền thống hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, làng nghề; phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch nông thôn trên cơ sở bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương; phát triển các khu dân cư tập trung có quy mô thích hợp liên kết với các đô thị ở địa phương.

3.2. Triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 25/7/2022 của Tỉnh ủy về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình số 53-CTR/TU ngày 10/3/2023 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 17/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh:

- Thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư về kết cấu hạ tầng từ nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

- Huy động nguồn lực xã hội đầu tư, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là hạ tầng tạo động lực tăng trưởng, hạ tầng thúc đẩy liên kết vùng, liên kết ngành (hạ tầng thương mại, logistics,...), hạ tầng kinh tế số, phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đô thị hóa nhất là ở các vùng có nhiều khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

- Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các hồ thủy lợi quy mô lớn như hồ chứa nước Ta Hoét, Kazam, Đông Thanh,..; dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương để hỗ trợ phát triển logistics; hình thành Trung tâm Logictics tại thành phố Bảo Lộc và huyện Đức Trọng, Trung tâm giao dịch hoa thành phố Đà Lạt, trung tâm Logistics gắn với cảng hàng không Liên Khương; quy hoạch, xây dựng và phát triển các cụm công nghiệp tại các khu vực có điều kiện thuận lợi; tham gia thu hút đầu tư hỗ trợ triển khai thực hiện các dự án phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp, sơ chế chế biến tại các cụm công nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng và tiêu thụ nhanh các sản phẩm nông sản, đảm bảo nâng cao hiệu quả cho doanh nghiệp và người dân.

3.3 Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh:

- Tập trung rà soát và đề ra các giải pháp cụ thể để hoàn thành, hoàn thiện, giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đáp ứng theo bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do Trung ương và UBND tỉnh quy định, đảm bảo thực chất, bền vững.

- Tăng nguồn lực đầu tư cho các xã, huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng còn yếu về tiêu chí để tiếp tục duy trì, hoàn thiện nâng cao chất lượng các tiêu chí, bảo đảm bền vững.

- Xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả các Chương trình chuyên đề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gồm: Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025; Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025; Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025.

- Đến năm 2025, tỉnh Lâm Đồng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; đến năm 2030, có 60 xã nông thôn mới nâng cao, 25 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có trên 06 mô hình du lịch nông thôn hoạt động hiệu quả, trong đó, có ít nhất 01 mô hình “Nông thôn năng động - Cộng đồng sáng tạo - Di sản gắn kết”.

3.4. Triển khai hiệu quả các dự án thuộc Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bố trí sắp xếp ổn định dân cư, các dự án định canh định cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã hết thời gian thực hiện nhưng chưa đạt được mục tiêu đang còn dang dở. Hoàn thiện lập điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các dự án bố trí dân cư trên địa bàn toàn tỉnh; huy động sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để nâng cấp sửa chữa chỉnh trang các khu dân cư theo quy hoạch kiến trúc nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả của dự án.

3.5. Nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế cho người dân nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chủ động phòng, chống rủi ro, đảm bảo địa bàn cư trú và đời sống của cư dân nông thôn an ninh và an toàn trước thiên tai, địch họa, dịch bệnh và các biến động bất lợi.

3.6. Triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư và nông nghiệp và nông thôn theo quy định của Trung ương, gồm: miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; hỗ trợ tập trung đất đai, hỗ trợ tín dụng đầu tư; hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ hiệu quả cao, đào tạo nguồn nhân lực phát triển thị trường; hỗ trợ đầu tư các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cơ sở chế biến, bảo quản nông sản.

4. Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả bền vững:

4.1. Xây dựng các chương trình, đề án về khoa học công nghệ mang tính đột phá, đặc biệt là ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp tái sinh phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.

- Đổi mới và nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao của các tổ chức khoa học công nghệ trong và ngoài tỉnh. Tăng cường liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp để thực hiện nghiên cứu chung với các đối tác sở hữu công nghệ nguồn, mở rộng hợp tác công nghệ với các nước tiên tiến trong các lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, công nghiệp chế tạo trang thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp; công nghệ chế biến, bảo quản nông sản; đặc biệt, phát triển mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống rau, hoa, bảo tồn các nguồn gen quý của địa phương để phục vụ sản xuất, tạo sản phẩm đặc trưng của địa phương; phấn đấu đưa thành phố Đà Lạt trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất, xuất khẩu giống rau, hoa, cây trang trí hàng đầu của cả nước và khu vực.

- Xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách xã hội hóa, khuyến khích, hút các doanh nghiệp và huy động mọi nguồn lực hợp pháp đầu tư vào khoa học công nghệ trong nông nghiệp; đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ, sàn giao dịch công nghệ; nhập khẩu, chuyển giao công nghệ tiên tiến; khuyến khích các dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài có cam kết chuyển giao công nghệ hoặc thành lập các cơ sở nghiên cứu và phát triển trên địa bàn tỉnh.

- Tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để tổ chức trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Hàng năm đầu tư tối thiểu 2% kinh phí phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học để giải quyết các vấn đề tồn tại trong thực tiễn sản xuất, đặc biệt là các nghiên cứu về chu trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, xử lý môi trường từ rác thải, phụ phẩm hữu cơ trong nông nghiệp, quy trình xử lý sau thu hoạch, phòng chống dịch bệnh.

4.2. Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng hướng đến toàn diện bền vững và hiện đại giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 837/QĐ-UBND ngày 12/5/2022 và Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1065/QĐ-UBND ngày 15/6/2022; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 27/10/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án đổi mới mô hình tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm chủ lực, truyền thống của từng địa phương trên cơ sở đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ - tuần hoàn, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với tích hợp đa giá trị sản phẩm nông sản nhằm nâng cao chất lượng giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh trên thị trường. Khai thác tối đa các lợi thế sẵn để phát triển du lịch canh nông, du lịch trải nghiệm, cụ thể:

a) Trong lĩnh vực trồng trọt: Cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo hướng tăng tỷ trọng các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như cây rau, hoa, cây ăn quả, cây đặc sản, cây dược liệu. Phát triển mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh tích hợp đa giá trị sản phẩm nông nghiệp, hình thành một số vùng cây trồng chủ lực theo mô hình hình nông nghiệp carbon thấp. Tập trung chuyển đổi, tái canh, cải tạo các diện tích canh tác kém hiệu quả phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ diện tích canh tác cây trồng có thu nhập dưới 50 triệu đồng/ha/năm giảm còn 3% trong tổng diện tích canh tác toàn tỉnh; giá trị sản xuất trên 1ha trồng trọt đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm. Ổn định vùng trồng lúa với quy mô diện tích từ 14.000 ha đến 15.000 ha, hệ thống hạ tầng thủy lợi hoàn thiện để lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, bảo đảm an ninh lương thực.

- Tiếp tục mở rộng, phát triển các diện canh tác rau, hoa tại các địa phương có điều kiện sản xuất phù hợp, gồm: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm. Trong đó, tập trung ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ - tuần hoàn; khuyến khích chuyển đổi sang phương thức canh tác ngoài trời các giống cây trồng mới phù hợp; phấn đấu đến năm 2030, không còn diện tích nhà kính ở khu vực nội ô và có dưới 20% diện tích đất nông nghiệp canh tác tại các vùng phụ cận thành phố Đà Lạt canh tác trong hệ thống nhà kính đạt tiêu chuẩn. Ổn định hệ số sử dụng đất trong canh tác rau, hoa từ 3,0 đến 3,5; nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác, phấn đấu đến năm 2030, giá trị sản xuất bình quân trên 6 tỷ đồng/ha.

- Cà phê: Tiếp tục tái canh, cải tạo giống cà phê già cỗi; chuyển đổi phát triển diện tích cà phê chè chất lượng cao tại các vùng phù hợp; đổi mới phương thức sản xuất, hình thành và phát triển nhân rộng các diện tích cà phê theo tiêu chuẩn bền vững; nâng năng suất đạt 36 tạ/ha và giá trị sản xuất bình quân đạt trên 154 triệu đồng/ha; tăng cường hoạt động trồng xen cây ăn quả, cây đa mục đích với mật động phù hợp, phấn đấu đến năm 2030, có trên 50% diện tích cà phê được trồng xen cây ăn quả, cây đa mục đích góp phần nâng hiệu quả giá trị sử dụng đất và thu nhập của người dân.

- Cây chè: phát huy lợi thế so sánh để tập trung phát triển cây chè chất lượng cao và chè cao sản, đảm bảo vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, phấn đấu năng suất chè trung bình đạt 16 tấn/ha (năm 2025) và 18 tấn/ha (năm 2030).

- Cây ăn quả, cây đặc sản: Phát triển mở rộng các diện tích cây ăn quả, cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh và mang tính đặc hữu của vùng như sầu riêng, bơ, chuối, canh leo, hồng, dâu tây,... trên cơ sở chuyển đổi các diện tích sản xuất kém hiệu quả, vườn tạp, trồng xen trên diện tích cây công nghiệp; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với xây dựng phát triển thương hiệu, quản lý, bảo hộ ở hữu trí tuệ đối với sản phẩm nông sản trên thị trường trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận chất lượng, ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến, bảo quản, truy xuất nguồn gốc đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn quy chuẩn của các thị trường xuất khẩu truyền thống và các thị trường mới. Phấn đấu đến năm 2030, có trên 50% diện tích cây ăn quả, cây đặc sản đủ điều kiện và được cấp mã số vùng trồng.

- Dược liệu: Hình thành và phát triển diện tích trồng dược liệu theo hướng tập trung quy mô lớn gắn với liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; mở rộng phát triển dược liệu dưới tán rừng nhằm tạo nguồn thu ổn định phục vụ cho công tác bảo vệ tài nguyên rừng và giá trị môi trường của rừng; hỗ trợ xây dựng và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chế biến tinh chế dược liệu, hỗ trợ sáng chế các sản phẩm mới, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ dược liệu tự nhiên phục vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, công nhận và phát triển các sản phẩm OCOP đối với các sản phẩm dược liệu.

- Cây dâu tằm, ổn định diện tích từ 13.000 ha đến 15.000 ha; đồng thời thực hiện công tác kết nối, liên kết với các doanh nghiệp cung cấp trứng giống tằm của Trung Quốc để chủ động nguồn giống cho sản xuất, thử nghiệm nhập khẩu giống tằm tại một số nước khác như Ấn Độ, Nhật Bản.

b) Trong lĩnh vực chăn nuôi: Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 2363/QĐ-UBND ngày 20/9/2021 của UBND tỉnh; bò sữa, bò thịt cao sản, lợn, gia cầm, tằm là các đối tượng vật nuôi chủ lực của tỉnh; tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại quy mô lớn, công nghiệp, hiện đại, bền vững, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chất lượng con giống, đổi mới quy trình chăn nuôi theo hướng tăng tỷ lệ cơ giới hóa, tự động hóa, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, phát triển các chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Đến năm 2030, tổng đàn gia súc đạt trên 01 triệu con, đàn gia cầm đạt 15,3 triệu con.

Riêng đối với chăn nuôi bò sữa: Mở rộng vùng chăn nuôi bò sữa tại các địa phương có tiềm năng lợi thế như huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên; mở rộng, nâng cao hiệu quả của các liên kết chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm sữa tươi nguyên liệu trên địa bàn tỉnh; thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sữa với đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ sữa có công suất trên 200 tấn sữa/ngày và nhà máy chế biến, sản xuất thức ăn chăn nuôi; phấn đấu năm 2030 tổng đàn bò sữa toàn tỉnh đạt 48 ngàn con, sản lượng sữa đạt trên 194 ngàn tấn/năm.

c) Trong lĩnh vực thủy sản: Tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch số 9878/KH-UBND ngày 23/12/2023 về thực hiện Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2022-2030. Trong đó, tập trung khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa, đặc biệt là các giống thủy sản đặc sản, cá nước lạnh; áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để phát triển nuôi thâm canh, tối đa hóa hiệu quả kinh tế gắn phòng chống dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường; tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đến năm 2030 đạt 2.500 ha, trong đó diện tích nuôi cá nước lạnh khoảng 70 ha và 400 lồng bè với sản lượng ổn định khoảng 0.000 tấn; đồng thời, tăng cường bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi các loài thủy sản có giá trị kinh tế, duy trì đa dạng sinh học tại các hồ chứa, đập thủy lợi và hệ thống sông Đồng Nai.

d) Trong lĩnh vực lâm nghiệp:

- Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và giảm thiểu tác hại do thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, hàng năm, tỷ lệ diện tích rừng và đất rừng thiệt hại, lấn chiếm giảm xuống dưới 20%/năm. Tổ chức trồng thêm 360 ha rừng tập trung; hoàn thành chỉ tiêu trồng cây xanh phân tán theo Kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh (năm 2023: 12,41 triệu cây, năm 2024: 13,65 triệu cây, năm 2025: 14 triệu cây); đến năm 2030, diện tích đất lâm nghiệp khoảng 537.727 ha. Trong đó, diện tích rừng đặc dụng 84.224 ha; rừng phòng hộ 147.238 ha; rừng sản xuất 306.265 ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%; hoàn thành công tác xác định ranh giới đất lâm nghiệp, quy hoạch sử dụng đất theo quy định.

- Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, gắn bảo vệ và phát triển rừng với tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân sống ở khu vực có rừng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng rừng trồng trên cơ sở lựa chọn đưa vào trồng rừng giống mới, giống bản địa có năng suất cao, cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ; áp dụng các biện pháp thâm canh để tăng diện tích rừng trồng gỗ lớn hình thành các vùng nguyên liệu đáp ứng cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ, dược liệu và xuất khẩu gỗ.

- Phát triển nông lâm kết hợp, lâm nghiệp đô thị, cảnh quan và các mô hình quản lý rừng có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp bảo vệ rừng với phát triển kinh tế bền vững thông qua các dịch vụ như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, trồng dược liệu dưới tán rừng; triển khai thực hiện hiệu quả, chất lượng kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trong công tác quản lý và bảo vệ rừng.

4.4. Phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản và cơ giới hóa sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, thông minh, tăng tỷ trọng chế biến sâu để giảm chi phí, nâng cao giá trị, tích hợp đa giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản. Phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế.

4.5. Đẩy nhanh ứng dụng chuyển đổi số vào nông nghiệp, nông thôn; đồng bộ, toàn diện trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp thông minh; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất từ khâu chăm sóc, thu hoạch đến bảo quản nông sản; kinh doanh, quản lý giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm:

- Ưu tiên phát triển trên các nhóm cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao như rau, hoa, bò sữa; đến năm 2030, có 3.000 ha canh tác thông minh và 60% đàn vật nuôi được chăn nuôi theo quy trình tự động hóa; có 50% diện tích cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng; trên 200 cơ sở sản xuất nông sản được dán tem truy xuất nguồn gốc khi đưa sản phẩm ra thị trường; toàn bộ 100% các sản phẩm sử dụng thương hiệu Đà Lạt Kết tinh Kỳ diệu từ đất lành được số hóa toàn bộ quá trình quản lý sản xuất và giám sát chất lượng sản phẩm.

- Phát triển hệ thống thương mại điện tử trong nông nghiệp đảm bảo kết nối trực tiếp giữa người tiêu dùng và người sản xuất, giảm thiểu tối đa các khâu trung gian, rút ngắn thời gian bảo quản và vận chuyển hàng hóa, minh bạch hóa các tiêu chuẩn cạnh tranh của hàng hóa nông sản đem lại lợi ích cho cả người sản xuất và tiêu dùng. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các sàn thương mại điện tử, ứng dụng mua bán online, đầu tư xây dựng các website giới thiệu sản phẩm, đặt hàng trực tuyến của riêng doanh nghiệp, hợp tác xã để nâng cao thương hiệu và khả năng tiếp cận thị trường tiêu thụ.

- Xây dựng hệ thống số hóa cơ sở dữ liệu về nông nghiệp và liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu về dân cư, kinh tế, hạ tầng sản xuất, công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn... của tỉnh và quốc gia làm cơ sở cho phân tích, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư cho chuyển đổi nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác. Kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước và hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân hình thành nền nông nghiệp số phát triển đồng bộ tương ứng với nền kinh tế số chung của toàn tỉnh.

- Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ cơ sở dữ liệu, để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

4.6. Triển khai hiệu quả các dự án, tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, kế hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp. Xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp du lịch, vườn mẫu, trang trại mẫu. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong các khâu sản xuất từ sản xuất tiến tới công nghệ thông minh theo chuỗi giá trị, nhất là đối với các vùng sản xuất có điều kiện khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

5. Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn:

5.1. Cùng với phát triển nông nghiệp, chú trọng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; thu hút lao động có trình độ cao về làm việc ở nông thôn.

5.2. Hoàn thiện quy hoạch, phát triển các khu, cụm, điểm thu mua, chế biến, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ nông thôn tại các vị trí thuận lợi, gắn với vùng nguyên liệu để thu hút các nhà đầu tư; hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển các liên kết sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản.

5.3. Triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 5736/KH-UBND ngày 3/8/2022 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TU ngày 25/5/2022 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2030 theo Quyết định số 1766/QĐ-UBND ngày 30/9/2022 của UBND tỉnh; Đề án tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, phát triển thị trường xuất khẩu nông sản và chuỗi giá trị toàn cầu tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 177/QĐ-UBND ngày 27/01/2022 của UBND tỉnh; phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và làng nghề nông thôn dựa trên cơ sở phát triển hài hòa giữa sản xuất hàng hóa với giữ gìn phát huy giá trị truyền thống và bảo vệ môi trường, phát huy hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp công nghiệp tiêu biểu các cấp.

5.4. Triển khai Chương trình hành động số 8228/CTHĐ-UBND ngày 15/11/2021 của UBND tỉnh thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phát triển mạnh khu vực dịch vụ đi đôi với hiệu quả bền vững, nhất là các dịch vụ có lợi thế, giá trị gia tăng cao như du lịch, bán buôn, bán lẻ các mặt hàng nông sản. Trong đó ưu tiên phát triển dịch vụ du lịch chất lượng, đa dạng trên cơ sở phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương: Du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch canh nông,.. gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; giữ gìn, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên.

6. Đổi mới tổ chức, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển thị trường trong nước và nâng cao hiệu quả xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản:

6.1. Triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng theo Quyết định số 2191/QĐ-UBND ngày 26/8/2021; xây dựng, triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030. Trọng tâm là tiếp tục củng cố, đổi mới, tăng quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp; xây dựng thành công các mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động có hiệu quả, góp phần đổi mới quan hệ sản xuất, tổ chức lại sản xuất gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mỗi năm thu hút được từ 02 đến 03 dự án đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 10%; số hợp tác xã, trang trại thành lập mới và hoạt động có hiệu quả tăng 15%.

6.2. Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển liên kết chuỗi trong sản xuất để phấn đấu đến năm 2025 có 50% nông sản tiêu thụ qua hợp đồng và đến năm 2030 tăng lên 60%. Trong đó, trọng tâm là các sản phẩm nông sản có tỷ lệ tinh chế thấp như: rau, trái cây... Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quá trình theo dõi, giám sát, quản lý các hoạt động từ thu mua, bảo quản đến phân phối sản phẩm. Đến năm 2025, có 50% chuỗi số hóa được toàn bộ quá trình theo dõi, giám sát nông sản từ khâu trồng, chăm sóc ngoài nông trại đến khi cung cấp cho người tiêu dùng; tích hợp các thông tin trong hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ nhu cầu truy xuất của người tiêu dùng cũng như phục vụ cho công tác quản lý.

6.3. Xây dựng, phát triển các thương hiệu nông sản có thế mạnh của tỉnh trên thị trường trong nước và quốc tế; phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử cho nông sản. Thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đánh giá sự phù hợp mã số vạch và truy xuất nguồn gốc; phối hợp nghiên cứu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài cho các sản phẩm địa phương. Tăng cường hỗ trợ, giám sát việc thực hiện áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định của các thị trường nhập khẩu trên thế giới; tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản, phát triển nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi gian lận làm ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế.

6.4. Thực hiện sơ chế, đóng gói nông sản, dán nhãn thương hiệu, chứng nhận chất lượng, tem truy xuất nguồn gốc v.v, trên các sản phẩm nông sản của tỉnh trước khi xuất bán ra thị trường nhằm giảm tỷ lệ tổn thất, nâng cao giá trị thị trường, củng cố uy tín thương hiệu nông sản của tỉnh đối với người tiêu dùng. Đến năm 2025 có tối thiểu 80% nông sản được bán dưới hình thức đã sơ chế, phân loại và đóng gói, năm 2030 tăng lên 90%.

6.5. Phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại, gồm: hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; nâng cấp hệ thống chợ truyền thống đáp ứng được nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa phục vụ đời sống cho nhân dân vùng nông thôn; khuyến khích đầu tư, phát triển công nghệ, kết nối hạ tầng công nghệ thông tin để đảm bảo tính an toàn và thuận tiện, từng bước phát triển thương mại điện tử, thanh toán điện tử, hạn chế không dùng tiền mặt tại các vùng nông thôn.

7. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống phá rừng, suy thoái chất lượng rừng gắn với bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu

a) Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện và các quy hoạch ngành lĩnh vực có sử dụng đất đảm bảo đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tỉnh, phát huy hiệu quả cao nhất tiềm năng thế mạnh của từng vùng.

b) Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 17/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ nghiêm, chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng hiện có theo quy hoạch được phê duyệt; bảo vệ nâng cao giá trị đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái; triển khai các hoạt động trồng rừng, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh; phát triển lâm nghiệp theo hướng hạn chế tối đa mất rừng, duy trì độ che phủ rừng, không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác (trừ trường hợp theo quy định của Luật Lâm nghiệp) đảm bảo tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp, tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2030 đạt 55%;

c) Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2030; xây dựng phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên đầu vào; xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, chất thải nông nghiệp; phát triển nông nghiệp sinh thái, đa dạng thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích áp dụng các công nghệ hiện đại, các giống cây trồng, vật nuôi có tính chống chịu cao, xác lập cơ chế giám sát chặt chẽ để thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, phát thải các-bon thấp. Tăng cường nghiên cứu và chuyển giao các giống vật nuôi, cây trồng thích ứng được với điều kiện biến đổi khí hậu.

d) Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính tại các khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn thành phố Đà Lạt và các huyện lân cận; chuyển dần sang phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp du lịch cảnh quan, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường, đảm bảo lợi ích kinh tế cho người nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Phần đấu đến năm 2030 không còn diện tích nhà kính tại khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn thành phố Đà Lạt.

đ) Triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng cảnh quan nông thôn gắn với làng sinh thái, thông minh, phát huy lợi thế từng địa phương, đảm bảo xanh, sạch, đẹp, thân thiện và hài hòa với thiên nhiên. Quy hoạch không gian hợp lý để các ngành sản xuất có tác động nhiều đến môi trường, như: chăn nuôi, chế biến nông sản, giết mổ, xử lý chất thải,... cách xa các khu đô thị, vùng dân cư đông dân, khu du lịch nghỉ dưỡng. Đến năm 2030, hình thành tối thiểu 4 mô hình làng nông nghiệp sinh thái kết hợp phát triển du lịch canh nông.

e) Tăng cường công tác tuyên truyền vận động nâng cao ý thức của nhân dân trong bảo vệ môi trường nông thôn; triển khai hiệu quả các nội dung và giải pháp về bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới; triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hỗ trợ xây dựng các nhà máy chế biến rác hữu cơ, chất thải chăn nuôi thành phần hữu cơ; xây dựng các công trình xử lý nước thải sau biogas tại các khu chăn nuôi tập trung đạt tiêu chuẩn về nước thải trước khi thải ra môi trường.

g) Quy hoạch khai thác, bảo vệ nguồn nước, tăng cường công tác quản lý rà soát, duy tu sửa chữa bảo vệ an toàn ao hồ, đầm, sông, suối; kiểm soát các hoạt động san lấp trên địa bàn tỉnh, bảo đảm an toàn nguồn nước, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước.

h) Khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh đảm bảo không ảnh hưởng đến quy hoạch cảnh quan đô thị, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch góp phần đáp ứng nhu cầu cung cấp điện đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường.

i) Xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo, xác định rủi ro; nâng cao năng lực phục hồi của hệ thống sản xuất, đảm bảo nguyên tắc phát triển hài hòa các lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường. Xây dựng kịch bản, phương án để ứng phó, khắc phục kịp thời khi có thiên tai, dịch bệnh... xảy ra.

8. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

a) Rà soát các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Trung ương và địa phương, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo thẩm quyền đảm bảo đúng quy định của Trung ương và điều kiện thực tiễn tại địa phương; đề xuất các nội dung về đất đai, tín dụng, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân tiếp cận được nguồn vốn, quỹ đất sản xuất để phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề ở nông thôn.

b) Tăng cường công tác đối thoại giữa người đứng đầu cơ quan nhà nước với các tổ chức, doanh nghiệp và người dân kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị bức xúc về cơ chế chính sách gây cản trở trong quá trình phát triển, hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông thôn để tháo gỡ các rào cản, vướng mắc tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển.

9. Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực:

a) Nâng cao năng lực, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế về nông nghiệp và nông thôn, mở rộng hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế; tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh nắm bắt, những thông tin đầy đủ, các quyền lợi cũng như thủ tục pháp lý, rủi ro trong thanh toán, dự báo thị trường và sự thay đổi chính sách của các thị trường nhập khẩu để tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định Thương mại và Việt Nam đã và đang tham gia (CPTPP, EVFTA, RCEP, ...) để chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa. Tranh thủ, thu hút nguồn vốn, phát triển thị trường, tiếp cận khoa học công nghệ phục vụ cho các mục tiêu phát triển của tỉnh. Nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng các nguồn vốn phát triển chính thức (ODA), tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho thực hiện phát triển bền vững.

b) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế cấp địa phương giữa tỉnh với các địa phương nước ngoài có nền nông nghiệp phát triển để được hỗ trợ, chuyển giao công nghệ trong sản xuất, đặc biệt là nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ bảo quản, chế biến sâu (như Bỉ, Israel, tỉnh Jeong-eup, tỉnh Jeollabuk, Hàn Quốc ………); đồng thời cụ thể hóa các chương trình hợp tác với Bỉ, các nước châu Âu, Úc để phát triển thị trường tiêu thụ nông sản.

c) Tiếp tục duy trì, giữ vững, ổn định xuất khẩu những mặt hàng nông sản của tỉnh vào các thị trường truyền thống, tập trung tìm kiếm, mở rộng xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng (EU, Mỹ, Úc, Nhật Bản). Chuyển mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch; đầu tư xây dựng hạ tầng kho bãi, điểm trung chuyển nông sản tại các huyện thành phố, Trung tâm giao dịch hoa TP. Đà Lạt, chợ đầu mối Đức Trọng, Trung tâm Logistic TP. Bảo Lộc.

d) Đẩy mạnh công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng thế mạnh của của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang Web của UBND tỉnh, Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương; phát triển thương mại điện tử để quảng bá giới thiệu sản phẩm và bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, ứng dụng zalo, qua facebook,...; phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm đã được cấp quyền sở hữu công nghiệp, sản phẩm đã được bảo hộ ở các quốc gia trên thế giới, đồng thời hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm tiềm năng của tỉnh.

đ) Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, gia nhập thị trường, tiếp cận các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; triển khai chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP và Nghị quyết số 112/2018/NQ-HĐND ngày 18/12/2018 của HĐND ban hành các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

10. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn

a) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành nông nghiệp; xây dựng Đề án sắp xếp lại mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức, bộ máy của ngành nông nghiệp, tránh chồng chéo nhiệm vụ; từng bước xây dựng, hình thành các tổ chức thực hiện dịch vụ khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật, giống, phân bón…, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ đầu vào, đảm bảo quyền lợi cho nông dân.

b) Củng cố và nâng cao năng lực bộ máy quản lý nông nghiệp tại các địa phương, đơn vị cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ cấp xã, người làm dịch vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp xã.

c) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, bảo đảm tiêu chí an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, năng lực quản lý nhà nước về đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn, phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, phát huy vai trò chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới hiện đại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

d) Tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, đánh giá của các cơ quan trong việc xây dựng, ban hành, tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

(Chi tiết các chương trình, đề án, dự án và phân công tổ chức thực hiện theo Phụ lục II đính kèm).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ nội dung Kế hoạch này, các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án cụ thể thể tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình; phân công 01 đồng chí lãnh đạo phụ trách chỉ đạo thực hiện công tác này; định kỳ (trước ngày 15/11 hằng năm) báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch về UBND tỉnh, đồng gửi cơ quan thường trực là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và địa phương có liên quan tham mưu phân bổ các nguồn lực triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, cơ chế chính sách theo đúng thẩm quyền và quy định.

3. Các cơ quan thông tin truyền thông: Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện, thành phố, đài truyền thanh cơ sở thường xuyên có chuyên mục tuyên truyền, giải thích sâu rộng về nội dung Nghị quyết số 19-NQ/TW và Chương trình hành động số 40-CTr-TU tới toàn thể tầng lớp nhân dân.

4. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực, phối hợp với các ngành chức năng liên quan có trách nhiệm theo dõi, giám sát, đánh giá Kế hoạch; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đôn đốc việc tổ chức thực hiện các nội dung Kế hoạch; định kỳ (trước ngày 15/12 hàng năm) tổng hợp báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện và tham mưu, đề xuất các giải pháp kịp thời với UBND tỉnh.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hộ các cấp phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ngành, các cấp thống nhất nhận thức và hành động để thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW và Chương trình hành động số 40-CTr-TU.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- LĐVP;
- Lưu: VT, NN.

CHỦ TỊCH




Trần Văn Hiệp

 

PHỤ LỤC 1:

CÁC CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 26-NQ/TW TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 3499/KH-UBND ngày 19/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)

TT

Chỉ tiêu

ĐVT

Đến năm 2025

Đến năm 2030

Cơ quan chủ trì theo dõi đánh giá

Tại Nghị quyết 26/NQ-CP

I

VỀ KINH TẾ

 

 

 

 

 

1

Tăng trưởng GRDP ngành Nông nghiệp bình quân giai đoạn 2023-2030

%

4,5-5

4-4,5

Cục Thống kê

x

2

Tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản

%

5,5-6

5,5-6

x

3

Tốc độ tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ nông thôn

%

10

10

x

4

Tỷ trọng nông nghiệp số trong GRDP ngành nông nghiệp

%

≥10

≥20

Sở Thông tin và Truyền thông

 

5

Tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu Nông lâm sản thủy sản

%

8-10

10-12

Sở Công Thương

x

 

Giá trị xuất khẩu nông sản

Triệu USD

600

700

 

 

Tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chế biến, chế biến sâu

%

30

35

 

6

Tỷ lệ đô thị hóa

%

54

58,8

Sở Xây dựng

 

7

Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM)

%

100

100

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

x

 

Tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM nâng cao

%

43

50

x

 

Tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu

%

20

25

 

8

Tỷ lệ huyện đạt chuẩn NTM

%

100

100

 

x

 

Tỷ lệ huyện đạt chuẩn NTM nâng cao

%

02

05

 

x

 

Tỷ lệ huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu

%

02

05

 

 

9

Đầu tư Ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2030 cho nông nghiệp, nông thôn so với giai đoạn 2011-2020

Lần

 

≥2 lần

Sở Kế hoạch và Đầu tư

x

II

ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN

 

 

 

 

 

1

Thu nhập của người dân nông thôn so với năm 2020

Lần

2,5

3

Cục Thống kê

 

 

Thu nhập bình quân đầu người/năm vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân toàn tỉnh

%

70

75

Cục Thống kê

 

2

Tỷ lệ lao động trong nông nghiệp so với tổng số lao động toàn tỉnh

%

57

50

Sở Lao động Thương binh, xã hội

x

3

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Người/ năm

2.500

3.000

x

4

Tỷ lệ lao động qua đào tạo

%

70

95

x

5

Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở khu vực nông thôn

%/năm

1-1,5

1-1,5

x

 

Trong đó: hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số

%/năm

2-3

2-3

 

6

Tỷ lệ hộ đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh

%

95

100

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

x

7

Tỷ hộ được sử dụng điện thường xuyên

%

≥99

≥99

Sở Công Thương

 

8

Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế

%

100

100

Sở Y tế

 

III

CƠ SỞ HẠ TẦNG NÔNG THÔN

 

 

 

 

 

1

Giao thông

 

 

 

 

 

-

Tỷ lệ đường trục xã, liên xã được cứng hóa

%

100

100

Sở Giao thông vận tải

 

-

Tỷ lệ đường trục thôn xóm được cứng hóa

%

100

100

 

-

Tỷ lệ đường trục chính nội đồng được cứng hóa

%

85

90

 

2

Thủy lợi

 

 

 

 

 

-

Số công trình thủy lợi được xây dựng, nâng cấp

CT

10

20

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

 

-

Tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa

%

85

98

 

-

Tỷ lệ diện tích được tưới

%

70

75

 

3

Cơ sở vật chất văn hóa

 

 

 

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

 

-

Tỷ lệ thôn có nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn

%

100

100

 

 

4

Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn

 

 

 

 

 

-

Tỷ lệ xã có chợ hoặc nơi mua bán trao đổi hàng hóa

%

67

100

Sở Công Thương

 

5

Môi trường

 

 

 

 

 

-

Tỷ lệ che phủ rừng

%

≥54,5

≥54,9

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

x

-

Diện tích rừng có chứng chỉ bền vững

ha

9.000

14.000

 

-

Giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính so với phương án phát triển bình thường

 

 

> 43,5

Sở Tài nguyên và Môi trường

x

 

Lĩnh vực nông nghiệp

%

 

> 43

x

 

Lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất

%

 

> 70

x

-

Phát thải khí metan trong trồng trọt

Tấn CO2

< 764.000

< 678.000

x

-

Phát thải khí metan trong chăn nuôi

Tấn CO2

< 388.900

< 509.600

x

-

Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định

%

60

85

x

-

Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi đảm bảo các quy định về vệ sinh thú y, chăn nuôi và bảo vệ môi trường

%

55

60

 

IV

Tổ chức sản xuất

 

 

 

 

 

-

Số hợp tác xã (HTX)

HTX

480

630

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

 

-

Số tổ hợp tác (THT)

THT

430

500

 

-

Tỷ lệ giám đốc được đào tạo trình độ sơ cấp

%

40

80

 

-

Số chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thị sản phẩm

Chuỗi

265

300

 

-

Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết

%

50

60

x

-

Sản phẩm OCOP

Sản phẩm

250

300

 

 

PHỤ LỤC 2:

CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
(Ban hành kèm theo Kế hoạch 3499/KH-UBND ngày 19/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)

TT

Nội dung, nhiệm vụ

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Cơ quan phê duyệt

Sản phẩm

Thời gian thực hiện

I

CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT, CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

 

 

 

 

 

 

Tổ chức nghiên cứu, học tập, phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 19-NQ/TW; Chương trình hành động số 40-CTr/TU

Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh

 

 

 

Hằng năm

 

Xây dựng chương trình chuyên đề, tuyên truyền, phổ biến thông tin, tình hình thực hiện Chương trình trên phương tiện truyền thông

Sở Thông tin và truyền thông

Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh

 

 

Hằng năm

II

XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH/KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA, CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU GIAI ĐOẠN 2021-2030

 

 

 

 

 

1

Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hằng năm

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố

UBND tỉnh

Quyết định

Hằng năm

2

Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hằng năm

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố

UBND tỉnh

Quyết định

Hằng năm

3

Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hằng năm

Ban Dân tộc tỉnh

Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố

UBND tỉnh

Quyết định

Hằng năm

4

Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2023

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính và các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố

UBND tỉnh

Quyết định

Năm 2023

5

Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026-2030

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố

UBND tỉnh

Quyết định

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn

6

Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026-2030

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố

UBND tỉnh

Quyết định

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn

7

Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026-2030

Ban Dân tộc tỉnh

Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố

UBND tỉnh

Quyết định

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn

IV

XÂY DỰNG CÁC ĐỀ ÁN, DỰ ÁN

 

 

 

 

 

1

Đề án đổi mới mô hình tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố

UBND tỉnh

Quyết định

2023

2

Đề án quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biển đối khí hậu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Quyết định

2023

3

Kế hoạch phát triển giống nông nghiệp, lâm nghiệp, vật nuôi, thủy sản tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Quyết định

2023

4

Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn gắn với du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2023-2030

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Quyết định

2023

5

Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực gắn với xây dựng thương hiệu hướng đến thị trường xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2023-2030

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Quyết định

2023

6

Chương trình phát triển thủy sản đặc sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2024-2025

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Quyết định

2023

9

Đề án phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu theo hướng thâm canh, bền vững

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Quyết định

2024

VI

CÁC CHƯƠNG TRÌNH KẾ HOẠCH ĐỀ ÁN ĐÃ ĐƯỢC PHÊ DUYỆT

 

 

 

 

 

1

Kế hoạch Cơ cấu lại ngành nông nghiệp hướng đến toàn diện, bền vững và hiện đại tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Quyết định số 837/QĐ-UBND ngày 12/5/2022

2021-2025

2

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2030 tầm nhìn đến 2050

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Quyết định 1065/QĐ-UBND ngày 15/6/2022

2022-2030, tầm nhìn 2050

3

Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Quyết định số 2666/QĐ-UBND ngày 20/11/2020

2020-2025

4

Đề án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2019 - 2023

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

theo Quyết định số 1551/QĐ-UBND ngày 18/7/2019

2019-2023

5

Đề án tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, phát triển thị trường xuất khẩu nông sản và chuỗi giá trị toàn cầu tỉnh lâm đồng giai đoạn 2022 - 2025

Sở Công Thương

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Quyết định 177/QĐ-UBND ngày 27/01/2022

2022-2025

6

Chương trình Khuyến nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Quyết định số 780/QĐ-UBND ngày 26/3/2021 của UBND tỉnh

2021-2025

7

Đề án phát triển sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ dược liệu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Quyết định số 2149/QĐ-UBND ngày 15/11/2022

2022-2025

8

Đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2019-2023

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Quyết định số 1371/QĐ-UBND ngày 25/6/2019

2019-2023

9

Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Quyết định số 2363/QĐ-UBND ngày 20/9/2021

2021-2030, tầm nhìn 2045

10

Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh lâm Đồng giai đoạn 2022-2030

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Quyết định số 9878/QĐ-UBND ngày 23/12/2022

2022-2030

11

Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh lâm Đồng giai đoạn 2022-2025

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Quyết định số 1765/QĐ-UBND ngày 30/9/2022

2022-2025

12

Kế hoạch Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Kế hoạch số 9437/KH-UBND ngày 08/12/2022

2022-2025

13

Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Bảo tồn, Phát triển làng nghề tỉnh lâm Đồng giai đoạn 2022-2030

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Quyết định số 1766/QĐ-UBND ngày 30/9/2022

2022-2030

14

Đề án “tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Quyết định số 1836/QĐ-UBND ngày 28/5/2020

2020-2025

15

Kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Kế hoạch số 2209/KH-UBND ngày 12/4/2021

2021-2025

16

Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các đơn vị liên quan

UBND tỉnh

Kế hoạch số 9705/KH-UBND ngày 19/12/2022

2022-2025 định hướng đến 2030

17

Các Chương trình dự án, công trình sử dụng nguồn vốn Ngân sách địa phương, Trung ương, vốn nước ngoài để xây dựng hạ tầng

Sở Kế hoạch và Đầu tư,

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

 

 

18

Kế hoạch thực hiện công tác Cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025 trên địa tỉnh Lâm Đồng

Sở Nội vụ

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Quyết định số 2260/QĐ-UBND ngày 08/9/2021

2021-2025

19

Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Sở Thông tin và Truyền thông

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Kế hoạch 5731/KH-UBND ngày 03/8/2022

 

20

Đề án tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, phát triển thị trường xuất khẩu nông sản và chuỗi giá trị toàn cầu tỉnh lâm đồng giai đoạn 2022 - 2025

Sở Công Thương

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Quyết định 177/QĐ-UBND ngày 27/01/2022

2022-2025

21

Kế hoạch Xúc tiến thương mại tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Quyết định số 82/QĐ-UBND ngày 13/01/2022

2021-2025

22

Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Sở Công Thương

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Kế hoạch số 2772/KH-UBND ngày 25/4/2022

2021-2030

23

Chương trình hành động thực hiện chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Liên minh Hợp tác xã

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Quyết định số 2191/QĐ-UBND ngày 26/8/2021

2021-2030

24

Thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết 112/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 của HĐND tỉnh theo Quyết định số 1710/QĐ-UBND về Danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020-2024 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

 

2020-2024

25

Kế hoạch Phát triển khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030

Sở Khoa học và công nghệ

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Kế hoạch số 7886/KH-UBND ngày 03/12/2019

đến năm 2030

26

Thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ, và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025

Sở Khoa học và Công nghệ

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Kế hoạch số 7173/KH-UBND ngày 22/9/2022

2022-2025

27

Chương trình hành động thực hiện Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Sở Kế hoạch và đầu tư

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Chương trình số 8228/CTHĐ-UBND ngày 15/11/2021

2021-2030

28

Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết về phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Sở Công Thương

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Kế hoạch số 5736/KH-UBND ngày 03/8/2022

2021-2030

29

Đề án đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025; định hướng đến năm 2030

Sở Công Thương

Các Sở, ngành, địa phương liên quan

UBND tỉnh

Quyết định số 1748/QĐ-UBND ngày 8/7/2021

2021-2030

 



span', 'dctk > span', 'dctd > span']; var hasChild = selectors.some(function(selector) { return clickedElement.closest(selector).find('span').length > 0; }); if (!hasChild) { var totalSubLevels = 1; } else { function findMatchingParent(element) { var parent = element.parent(); if (parent.length === 0) return null; for (var i = 0; i < selectors.length; i++) { if (parent.is(selectors[i])) { superLevel++; return parent; } } return findMatchingParent(parent); } var parentElement = findMatchingParent(clickedElement); while (parentElement !== null) { level++; parentElement = findMatchingParent(parentElement); } var closestElement = clickedElement.closest(selectors.join(', ')); var nodeName = closestElement.prop('nodeName').toLowerCase(); var className = closestElement.attr('class'); var textContent = closestElement.text().trim(); var address = selectors.find(function(selector) { return closestElement.is(selector); }); var totalSubLevels = closestElement.find('span').length + 1; var parent_id = closestElement.parent().attr('id'); var variableName = 'parent_id_' + level; // Gán giá trị của parent_id cho biến động này window[variableName] = parent_id; } if (totalSubLevels>1) { var dynamicVars = {}; var variableName = 'parent_id_' + level; dynamicVars[variableName] = parent_id; var buble_id = dynamicVars[variableName]; } else { buble_id = 'dc_' + $(this).parent().attr('id'); } if ($this.next('.pointy').length === 0) { $this.after('

'); } var $pointer = $this.next('.pointer'); var $canvas = $this.next('canvas'); var $pointy = $canvas.next('div.pointy'); if ($pointy.is(':visible')) { } if ($pointer.is(':visible')) { } else { if ($('#ajax_tra_cuu').is(':visible')) { $('#ajax_tra_cuu').hide(); } $("#right_info_col").css('height', '1px'); $('#rightdocinfo').hide('slow'); $('#r-toc').hide('slow'); if ($('button#toggleSidebar').length) { if (parseInt($('#customSidebar').css('right'),10) == 0) { $('#customSidebar').animate({ right: '-280px' }, 500); $('#toggleSidebar').html(''); } else { } } if ($pointy.is(':visible')) { var $pointer = $canvas.next('.pointer'); if ($pointer.is(':visible')) { $pointer.hide(); $canvas.hide(); } else { } } else { if ($canvas.length==1) { var $canvas = $this.next('canvas'); var $pointer = $canvas.next('.pointer'); if ($pointer.length>0) { $pointer.show(); $canvas.show(); } $('.pointer').removeClass('pointy-active'); $('.pointer').css({'z-index':1}); $('canvas.pointy').removeClass('pointy-active'); $('canvas.pointy').css({'z-index':1}); $pointer.css({'z-index':9999}); $canvas.css({'z-index':9999}); if (level==0) { if (totalSubLevels==1) { scrollTop_offset = $pointer.offset().top - $(window).height() / 4; } else { scrollTop_offset = $pointer.offset().top - $('#nav-tab-vb').height()-10; } $('html,body').animate({ scrollTop: scrollTop_offset }, 'slow'); } } else { $pointer.show(); if ($pointy.length==0) { var elementOffset = $(this).position().top; var windowHeight = $(window).height()-20 - $('#nav-tab-vb').height(); if (level>0 && e.originalEvent === undefined) { //clicked by js var pointerHeight = Math.max(250, Math.min((windowHeight * 0.8)/(level+1), 450)); var newTop = elementOffset - (pointerHeight / 2); var maxTop = $(document).height() - pointerHeight; newTop = Math.max(0, Math.min(newTop, maxTop)); } else { var pointerHeight = Math.max(250, Math.min((windowHeight * 0.8)/totalSubLevels, 450)); var newTop = elementOffset - (pointerHeight / 2); var maxTop = $(document).height() - pointerHeight; newTop = Math.max(0, Math.min(newTop, maxTop)); } if (level>0 && e.originalEvent === undefined) { newTop = newTop+pointerHeight+10; } var position = $this.position(); $pointer.css({ left: $('#doc-left-col, #noi_dung_dk').width() + 50 + "px", width: $('#doc-right-col').width()-30, height: pointerHeight, 'z-index': 9999, top: newTop + "px" }); $this.pointy({ pointer: $pointer, defaultClass: 'zindex', activeClass: 'pointy-active', arrowWidth: 20 }); var initialTop = $pointer.position().top; $pointer.draggable({ containment: 'document', drag: function() { if (screen.width<1280) { var cap_nhat_pointy_top = setInterval(function(){ if ($this.position().top-$this.parent().height()+10!=$pointer.prev('canvas.pointy').position().top) { $pointer.prev('canvas.pointy').css({'top': $this.position().top-$this.parent().height()+10+'px'}); clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } else { clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } },50); } $this.trigger('pointy-update'); } }); $pointer.on('click', '.close_pointy', function(e) { $pointer.hide(); $pointer.prev('canvas.pointy').hide(); }); var isDragging = false, startX, startY, offsetX, offsetY; var startDragging = function(e) { if (checkIfScrollingContent(e)) return; if ($(e.target).is('.close_pointy')) { return; } isDragging = true; var touch = e.originalEvent.touches[0]; var pos = $pointer.position(); startX = touch.pageX; startY = touch.pageY; offsetX = startX - pos.left; offsetY = startY - pos.top-$pointer.height()-$pointer.height()/1.365; var cap_nhat_pointy_top = setInterval(function(){ if ($this.position().top-$this.parent().height()+10!=$pointer.prev('canvas.pointy').position().top) { $pointer.prev('canvas.pointy').css({'top': $this.position().top-$this.parent().height()+10+'px'}); clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } else { clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } },50); //e.preventDefault(); }; var duringDragging = function(e) { if (checkIfScrollingContent(e)) return; if (isDragging) { var touch = e.originalEvent.touches[0]; var moveX = touch.pageX; var moveY = touch.pageY; if (screen.width<1280) { var newLeft = moveX - offsetX; var newTop = moveY - offsetY-$pointer.height()-$pointer.height()/1.365; if (newLeft < 0) { newLeft = 0; } else if (newLeft + $pointer.outerWidth() > $(window).width()) { newLeft = $(window).width() - $pointer.outerWidth(); } if (newTop < initialTop) { newTop = initialTop; } $pointer.css({ left: newLeft, top: newTop }); } else { var newLeft = moveX - offsetX; var newTop = moveY - offsetY-$pointer.height()-$pointer.height()/1.365; if (newLeft < 0) { newLeft = 0; } else if (newLeft + $pointer.outerWidth() > $(window).width()) { newLeft = $(window).width() - $pointer.outerWidth(); } $pointer.css({ left: newLeft, top: newTop }); } $pointer.prev('canvas.pointy').hide(); //e.preventDefault(); } }; var stopDragging = function(e) { $pointer.prev('canvas.pointy').show(); if (checkIfScrollingContent(e)) return; if (screen.width<1280) { var cap_nhat_pointy_top = setInterval(function(){ if ($this.position().top-$this.parent().height()+10!=$pointer.prev('canvas.pointy').position().top) { $pointer.prev('canvas.pointy').css({'top': $this.position().top-$this.parent().height()+10+'px'}); clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } else { clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } },50); } $this.trigger('pointy-update'); }; function checkIfScrollingContent(e) { if ($(e.target).closest('.list_tds').length > 0) { //e.stopPropagation(); return true; } return false; } $pointer.on('touchstart', startDragging); $pointer.on('touchmove', duringDragging); $pointer.on('touchend', stopDragging); var updatePointerPosition = function() { var offset = $this.position(); var windowHeight = $(window).height() - $('#nav-tab-vb').height()-20; var pointerHeight = Math.max(250, Math.min((windowHeight * 0.8)/totalSubLevels, 450)); var elementOffset = $this.position().top; var newTop = elementOffset - (pointerHeight / 2); var maxTop = $(document).height() - pointerHeight; newTop = Math.max(0, Math.min(newTop, maxTop)); $pointer.css({ left: $('#doc-left-col, #noi_dung_dk').width() + 50 + "px", width: $('#doc-right-col').width() - 30, height: pointerHeight, top: newTop + "px" }); }; $(window).on('resize orientationchange', function() { updatePointerPosition(); var cap_nhat_pointy_top = setInterval(function(){ if ($this.position().top-$this.parent().height()+10!=$pointer.prev('canvas.pointy').position().top) { $pointer.prev('canvas.pointy').css({'top': $this.position().top-$this.parent().height()+10+'px'}); $this.trigger('pointy-update'); clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } else { clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } },50); }); } } } if ($pointer.is(':visible')) { if (level==0) { if (totalSubLevels==1) { scrollTop_offset = $pointer.offset().top - $(window).height() / 4; } else { scrollTop_offset = $pointer.offset().top - $('#nav-tab-vb').height()-10; } $('html,body').animate({ scrollTop: scrollTop_offset }, 'slow'); } } } $pointer.css('opacity', '1'); $('.pointy').click(function(e) { //e.preventDefault(); //e.stopPropagation(); }); var parent = $(this).parent(); var dataCT = parent.attr('data-ct'); var dataDC = parent.attr('data-dc'); var dataTN = parent.attr('data-tn'); var loai_buble = parent.prop('nodeName').toLowerCase(); var text_html = $(this).text(); if (loai_buble=='cttd' || loai_buble=='a') { pointer_html = ''; } else if(loai_buble=='dctd') { if (this.hasAttribute('o-title')) { tieu_de_dan_chieu = $(this).attr('o-title'); } else { tieu_de_dan_chieu = text_html; } pointer_html = ''; } else if(loai_buble=='dctk') { pointer_html = ''; } if ($pointer.find('#chu_thich_buble_'+buble_id).length) { } else { $pointer.html(pointer_html); } if (loai_buble=='cttd' || loai_buble=='a') { var load_cttd = setInterval(function(){ if (!$pointer.find('#noi_dung_buble_'+buble_id + ' .dc_'+buble_id+'_loading').length) { $.ajax({ type: 'POST', url: '/ajax/vanban/chu-thich/', data: { 'ndct': dataCT, 'id_ct': buble_id, 'dc_text': text_html }, success: function(response) { $("#noi_dung_buble_" + buble_id).html(response); if ($(document).width()>=1280){$this.trigger('pointy-update');} clearInterval(load_cttd); } }); $('#noi_dung_buble_'+buble_id + ' .dc_loading').addClass('dc_'+buble_id+'_loading'); } },500); } else if(loai_buble=='dctd') { var load_cttd = setInterval(function(){ if ($pointer.find('#noi_dung_buble_'+buble_id + ' .dc_loading').length){ if (dataDC.length == 32) { $.ajax({ type: 'POST', url: '/ajax/public/dan-chieu/' + dataDC, data: { 'text_dan_chieu': text_html }, success: function(response) { $("#noi_dung_buble_" + buble_id).html(response); if ($(document).width()>=1280){$this.trigger('pointy-update');} clearInterval(load_cttd); } }); } else { $("#noi_dung_buble_" + buble_id).load('/ajax/public/dan-chieu/' + dataDC + '/'); if ($(document).width()>=1280){$this.trigger('pointy-update');} clearInterval(load_cttd); } } else { clearInterval(load_cttd); } },500); } else if(loai_buble=='dctk') { if ($('#noi_dung_buble_'+buble_id + ' .dc_loading').length){ $.ajax({ type: 'POST', url: '/ajax/vanban/chu-thich/', data: { 'ndct': dataCT, 'id_ct': buble_id, 'loai_hd': 'noi_dung_tham_khao', 'dc_text': text_html }, success: function(response) { $("#noi_dung_buble_" + buble_id).html(response); if ($(document).width()>=1280){$this.trigger('pointy-update');} } }); } } $('.pointer').removeClass('pointy-active'); $('.pointer').css({'z-index':1}); $('canvas.pointy').removeClass('pointy-active'); $('canvas.pointy').css({'z-index':1}); $pointer.css({'z-index':9999}); $canvas.css({'z-index':9999}); $('.pointer').on('mouseenter mouseleave click touchstart', function() { // Khi di chuột vào $('.pointer').removeClass('pointy-active'); $('.pointer').css({'z-index':1}); $(this).css({'z-index':9999}); $('canvas.pointy').removeClass('pointy-active'); $('canvas.pointy').css({'z-index':1}); $(this).prev('canvas.pointy').addClass('pointy-active'); $(this).prev('canvas.pointy').css({'z-index':9999}); } ); var list_tds_max_height_interval = setInterval(function(){ if ($pointer.find('.list_tds').length) { var windowHeight = $(window).height()-20 - $('#nav-tab-vb').height(); var pointerHeight = Math.max(250, Math.min((windowHeight * 0.8)/totalSubLevels, 450)); $pointer.find('.list_tds').css('max-height', pointerHeight + 'px'); clearInterval(list_tds_max_height_interval); } },50); $(window).resize(function() { if ($(document).width()<=768) { $pointer.hide(); $pointer.prev('canvas.pointy').hide(); } var cap_nhat_pointy_top = setInterval(function(){ if ($this.position().top-$this.parent().height()+10!=$pointer.prev('canvas.pointy').position().top) { $pointer.prev('canvas.pointy').css({'top': $this.position().top-$this.parent().height()+10+'px'}); clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } else { clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } },50); var list_tds_max_height_interval = setInterval(function(){ if ($pointer.find('.list_tds').length) { var windowHeight = $(window).height()-20 - $('#nav-tab-vb').height(); var pointerHeight = Math.max(250, Math.min((windowHeight * 0.8)/totalSubLevels, 450)); $pointer.find('.list_tds').css('max-height', pointerHeight + 'px'); clearInterval(list_tds_max_height_interval); } },50); }); var parentElement = $(this).parent(); var selectors = 'cttd.chuthichtudong > span, a.chuthichtudong > span, dctk > span, dctd > span'; // Find and click all matching child elements parentElement.find(selectors).each(function() { //$(this).click(); }); var cap_nhat_pointy_top = setInterval(function(){ if ($this.position().top-$this.parent().height()+10!=$pointer.prev('canvas.pointy').position().top) { $pointer.prev('canvas.pointy').css({'top': $this.position().top-$this.parent().height()+10+'px'}); clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } else { clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } },50); }); }); function random_string_id(numstr) { var text = ""; var possible = "abcdefghijklmnopqrstuvwxyz0123456789"; for (var i = 0; i < numstr; i++) text += possible.charAt(Math.floor(Math.random() * possible.length)); return text; } let lastChosen = null; let lastChosentr = null; function scroll_den_hd(ndsh_dich_address) { if (lastChosen) { $(lastChosen).css('background-color', ''); } if (lastChosentr) { $(lastChosentr).css('background-color', ''); } lastChosen = $('[href="javascript:scroll_den_hd(\'' + ndsh_dich_address + '\')"]'); lastChosentr = $('[data-ct="' + ndsh_dich_address + '"]'); $(lastChosen).css('background-color', 'yellow'); $(lastChosentr).css('background-color', 'yellow'); var targetElement = $('[address="' + ndsh_dich_address + '"]'); $('.selected_dchd').removeClass('selected_dchd'); targetElement.addClass('selected_dchd'); targetElement.children('p').children('cttd').click(); targetElement.children('cttd').click(); targetElement.children('p').children('dctk').click(); targetElement.children('dctk').click(); } $(document).ready(function() { $(document).on('click', 'cttd.chuthichtudong span, a.chuthichtudong span, dctk span, dctd span', function() { $('#modal_noi_dung_tra_phi .modal-dialog.zoom').removeAttr('style'); $('.pointer, canvas').css({ 'z-index': '50', 'important': true }); }); });