Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3450/KH-UBND

Kon Tum, ngày 27 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN VÀ QUẢN LÝ PHƯƠNG TIỆN KINH DOANH VẬN TẢI ĐẢM BẢO PHÙ HỢP VỚI NHU CẦU ĐI LẠI CỦA NGƯỜI DÂN VÀ THỰC TRẠNG KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Triển khai Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; căn cứ nhu cầu đi lại của người dân và thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Phát triển và quản lý phương tiện kinh doanh vận tải đảm bảo phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân và thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục tiêu chung

Phát triển phương tiện kinh doanh vận tải phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển giao thông vận tải và thực trạng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của Nhân dân, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ của đơn vị vận tải; đề ra định hướng về phát triển phương tiện kinh doanh vận tải và các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, số lượng phương tiện, chất lượng dịch vụ vận tải;

- Nâng cao năng lực quản lý điều hành; đề xuất, xây dựng các giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có quy mô phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh;

- Kiểm soát được tình hình hoạt động và sự gia tăng về số lượng phương tiện của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cân đối giữa cung và cầu nhằm hạn chế lãng phí xã hội, đầu tư kém hiệu quả trong hoạt động kinh doanh vận tải;

- Lập kế hoạch phát triển về số lượng doanh nghiệp và số lượng phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh;

- Tạo ra lực lượng vận tải bằng xe ô tô có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân trong tỉnh và ngoài tỉnh, du khách với độ tin cậy cao, chất lượng phục vụ ở mức tốt nhất để có thể thay thế xe mô tô, xe gắn máy và phần lớn các phương tiện vận tải cá nhân khác.

3. Yêu cầu

Dự kiến được số lượng phương tiện đến năm 2030 của các loại hình vận tải hành khách đặc biệt là phương tiện vận tải hành khách bằng xe buýt, taxi. Xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để thực hiện; phân công nhiệm vụ cho các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để tổ chức triển khai thực hiện; kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhằm quản lý tốt và phát triển mạng lưới vận tải, các loại hình dịch vụ vận tải phù hợp, tăng tỷ trọng các loại hình vận tải hành khách công cộng, đảm bảo kết nối đến các khu vực đông dân cư, các khu vực có nhu cầu đi lại và tăng mật độ bao phủ đến các huyện, các trung tâm kinh tế - xã hội. Đồng thời, kết nối thuận tiện với các đầu mối giao thông và các phương thức vận tải để đạt các mục tiêu mà Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã đề ra.

II. HIỆN TRẠNG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬN TẢI VÀ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG

Tỉnh Kon Tum hiện có 02 loại hình vận tải: Giao thông đường bộ và giao thông đường thủy nội địa, không có đường sắt, cảng biển và chưa có cảng hàng không. Trong đó đường bộ là phương thức chủ đạo duy nhất trên địa bàn tỉnh với tỷ lệ đảm nhận gần như 100% về khối lượng vận chuyển hàng hóa và hành khách.

1. Hiện trạng về vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường bộ

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 60 đơn vị vận tải, trong đó có 15 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và 45 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, không có hộ kinh doanh cá thể; với 1.108 phương tiện, trong đó 208 xe chạy tuyến cố định (nội tỉnh, liên tỉnh), 54 xe chuyên hợp đồng, 373 xe tải, 210 xe đầu kéo, 11 xe công ten nơ, 212 xe taxi và 32 xe buýt, 08 xe trung chuyển. Có 05 đơn vị vận tải được Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp Giấy phép liên vận Việt - Lào và 02 đơn vị vận tải được cấp Giấy phép liên vận Việt Nam - Campuchia để thực hiện vận tải xuyên biên giới, vận tải quá cảnh; các doanh nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ, phần lớn khai thác nguồn hàng tại địa phương và hoạt động liên vận Việt - Lào, chưa có doanh nghiệp Logistic.

Các tuyến vận tải hành khách cố định chủ yếu phát triển theo trục đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 24. Vận tải hàng hóa cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển; giá thành vận tải được kiểm soát và phù hợp với mức giá cả chung của thị trường.

Chất lượng phương tiện được quản lý chặt chẽ, phương tiện tham gia vận tải đều đạt tiêu chuẩn và được cấp Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Hằng năm, các đơn vị kinh doanh vận tải cũng đã quan tâm đầu tư bổ sung nhiều phương tiện mới, hiện đại thay thế các phương tiện cũ, lạc hậu về công nghệ, chất lượng và độ an toàn thấp nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và xã hội.

Việc kết nối với các phương thức vận tải đã cơ bản thực hiện tốt, vận tải hành khách tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, xe taxi phù hợp với nhu cầu đi lại của Nhân dân. Chất lượng dịch vụ khách hàng ngày càng được nâng cao, trình độ chuyên môn, trình độ giao tiếp của lái xe, nhân viên phục vụ được tập huấn bồi dưỡng, đào tạo ngày càng chuyên nghiệp, thái độ phục vụ ân cần, chu đáo, niềm nở... Nhìn chung chất lượng phục vụ đối với khách hàng, người dân đã từng bước tạo được hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp, làm hài lòng cho du khách, khách hàng và Nhân dân.

a) Phương tiện vận tải đường bộ

Năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 11.423 xe ô tô (xe con chiếm 45,08%, xe khách 4,29%, xe tải 47,75%, xe chuyên dùng và xe khác 2,87%) và 295.884 xe máy; tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015-2020 đạt 10,34%/năm với xe ô tô và 9,08%/năm với xe máy.

Bảng. Số lượng phương tiện đường bộ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2010-2020

Năm

Xe máy

Xe ô tô

Xe con

Xe khách

Xe tải

Xe chuyên dùng

Xe khác

2010

133.057

4.950

1.396

362

3.009

55

128

2011

145.930

5.720

1.710

422

3.403

61

124

2012

157.569

6.251

1.980

430

3.661

62

118

2013

167.811

6.970

2.413

452

3.919

68

118

2014

203.495

7.530

2.784

441

4.078

157

70

2015

216.360

8.031

3.020

450

4.314

165

82

2016

230.354

8.550

3.265

462

4.559

172

92

2017

246.824

9.031

3.474

471

4.801

179

106

2018

263.665

9.650

3.855

481

5.017

184

113

2019

279.816

10.327

4.367

487

5.162

194

117

2020

295.884

11.423

5.150

490

5.455

204

124

b) Hoạt động vận tải đường bộ

- Vận tải hành khách: Năm 2020, khối lượng vận chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh đạt 4,620 triệu lượt khách; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2019 đạt khoảng 6,11%/năm, riêng năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên sản lượng vận tải giảm khoảng 20% so với năm 2019 và trong 06 tháng đầu năm 2021 sản lượng giảm sâu.

Bảng. Khối lượng vận chuyển hành khách giai đoạn 2015-2020

Chỉ tiêu

Năm

2015

2016

2017

2018

2019

2020

Khối lượng vận chuyển
(1000HK)

4.675

4.827

5.160

5.560

5.750

4.620

Khối lượng luân chuyển (1000HK.Km)

966.512

996.516

1.064.240

1.136.140

1.239.140

820.910

Tốc độ tăng trưởng (%)

9,25%

3,25%

6,90%

7,75%

3,42%

-19,65%

- Vận tải hàng hóa: Năm 2020, khối lượng vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt 6,120 triệu tấn; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2019 đạt khoảng 6,37%/năm, riêng năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên sản lượng vận tải hàng hóa giảm 21,84% so với năm 2019.

Bảng. Khối lượng vận chuyển hàng hóa giai đoạn 2015-2020

Chỉ tiêu

Năm

2015

2016

2017

2018

2019

2020

Khối lượng vận chuyển (1000T)

6.101

6.589

7.162

7.626

7.830

6.120

Khối lượng luân chuyển
(1000T.Km)

402.690

434.905

463.174

492.320

512.260

394.120

Tốc độ tăng trưởng
(%)

5,99%

8,00%

8,70%

6,48%

2,68%

-21,84%

- Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh, liên vận quốc tế:

Hiện nay trên địa bàn tỉnh được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt danh mục 229 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đi và đến từ 30 tỉnh/thành trong cả nước; hiện đang khai thác 84 tuyến, trong đó có 37 tuyến từ bến xe khách Kon Tum, 24 tuyến từ bến xe khách huyện Ngọc Hồi, 10 tuyến từ bến xe khách huyện Đăk Hà và 13 tuyến tại Bến xe khách huyện Kon Plông.

Ngoài ra có 04 tuyến liên vận quốc tế đi sang Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào với 7 lượt xe xuất bến trong ngày, gồm 03 tuyến từ bến xe khách Kon Tum đi các tỉnh Champasak, Attapư, Sê Kông và 01 tuyến từ bến xe huyện Đăk Hà đi tỉnh Attapư (Lào). Từ 2020 đến nay, các tuyến liên vận quốc tế Việt - Lào đang dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

- Vận tải hành khách tuyến nội tỉnh cố định: Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã công bố danh mục có 16 tuyến vận tải hành khách tuyến cố định nội tỉnh; hiện đã khai thác 07 tuyến với 35 lượt xuất bến trong ngày, chủng loại phương tiện từ 16-29 chỗ ngồi (trong đó chủ yếu là xe 16 chỗ ngồi) với 03 hợp tác xã đang khai thác; chiếm khoảng 7,8% tổng khối lượng vận tải hành khách toàn tỉnh.

- Vận tải hành khách công cộng bằng xe taxi: Năm 2020, khối lượng vận chuyển hành khách bằng xe taxi là 766.8 nghìn hành khách, chiếm 18% tống khối lượng vận chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh.

Tính đến tháng 8 năm 2021, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 06 doanh nghiệp vận tải taxi với 212 phương tiện đang khai thác. So với năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên số lượng phương tiện giảm 55 phương tiện.

Bảng. Hiện trạng phương tiện vận tải taxi giai đoạn 2014-2021

Năm

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

2021

Số lượng phương tiện

130

190

233

255

274

257

267

212

- Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 05 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với 32 phương tiện, 02 doanh nghiệp và 01 hợp tác xã đang khai thác; năm 2020 khối lượng vận tải đạt khoảng 0,43 triệu lượt khách, chiếm khoảng 8% tổng khối lượng vận chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh.

Bảng. Hiện trạng các tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt

TT

Tuyến xe buýt

Lộ trình tuyến

Cự Jy tuyến
(Km)

Số phương tiện (xe)

Đơn vị khai thác

Năm khai thác

1

Kon Tum - Gia Lai

Thành phố Kon Tum - đường Hồ Chí Minh - Thành phố Plei Ku

45

9

Công ty TNHH MTV Vận tải Phú Hòa

2007

2

Kon Tum - Ngọc Hồi

Thành phố Kon Tum - đường Hồ Chí Minh - thị trấn Plei Kần

60

9

Công ty TNHH MTV Vận tải Phú Hòa

2007

3

Kon Tum - Kon Plông

Thành phố Kon Tum - đường Hồ Chí Minh - Quốc lộ 24 - thị trấn Măng Đen

75

8

Hợp tác xã Vận tải cơ giới Hàng hóa và Hành khách Tây Nguyên

2015

4

Kon Tum - Sa Thầy

Thành phố Kon Tum - thị trấn Sa Thầy - Km47 300, Tỉnh lộ 675

50

2

Hợp tác xã Vận tải cơ giới Hàng hóa và Hành khách Tây Nguyên

2017

5

Ia H’Drai đi thành phố Plei Ku

Huyện Ia H’Drai - Quốc lộ 14C - thành phố Plei Ku

85

4

Công ty TNHH Vận tải Anh Thạch

2020

 

Tổng

180

32

 

 

2. Hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

a) Chiều dài các tuyến đường bộ

Tính đến tháng 12 năm 2020, tổng chiều dài đường bộ trên địa bàn tỉnh Kon Tum là 6.092 km đường giao thông. Trong đó:

- 06 Quốc lộ dài 497,5Km, chiếm 8,17%.

Đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) dài 156,5Km.

Quốc lộ 14C dài 107Km.

Quốc lộ 24 dài 99Km.

Quốc lộ 40 dài 21,5Km.

Quốc lộ 40B dài 62Km.

Đường Trường Sơn Đông dài 52Km.

- Đường tỉnh (17 tuyến) dài 504,83Km, chiếm 8,29%.

- Đường huyện dài 731Km, chiếm 12%.

- Đường xã, đường giao thông nông thôn khác dài 3.452Km, chiếm 56,67%.

- Đường đô thị dài 443,12 Km, chiếm 7,27%.

- Đường chuyên dùng dài 28,29 Km, chiếm 0,46 %.

- Đường Tuần tra biên giới dài 435Km, chiếm 7,14%.

b) Về mật độ đường:

- Mật độ đường giao thông so với diện tích đất tự nhiên đạt 0,63 km/km2; thấp hơn nhiều so với các tỉnh lân cận (Gia Lai, Quảng Nam, Quảng Ngãi), vùng Tây Nguyên, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.

- Mật độ đường giao thông so với tổng dân số đạt 7,33 km/1000 dân; cao hơn so với các tỉnh lân cận và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Tây Nguyên và cả nước, tuy nhiên đó là do mật độ dân số của tỉnh Kon Tum thấp.

c) Về kết cấu mặt đường: Mặt đường bê tông nhựa chiếm 21,66%; mặt đường bê tông xi măng chiếm 35,20%; mặt đường nhựa chiếm 20,32%; còn lại là đường cấp phối và đường đất chiếm tỷ lệ lớn 22,81%.

d) Về chất lượng đường: Tình trạng khai thác đường còn nhiều hạn chế, tỷ lệ đường tốt chiếm 42,18%; tình trạng đường trung bình chiếm 35,69%; tình trạng đường xấu chiếm khá lớn 22,13%, ảnh hưởng nhiều đến đời sống của Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Với đặc điểm về điều kiện địa hình về cơ bản mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh được phân bố khá đồng đều; tuy nhiên, quy mô kỹ thuật các tuyến đường còn thấp, khả năng kết nối giữa các tuyến đường đối ngoại (quốc lộ) với mạng lưới đường tỉnh, đường huyện, đường xã,.. còn nhiều hạn chế, chưa thuận lợi trong việc vận chuyển hành khách, hàng hóa, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và của khu vực trong thời gian tới.

3. Hiện trạng hệ thống bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ

a) Bến xe khách: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 06 bến xe khách đang khai thác với tổng diện tích 30.903m2 (gồm Bến xe khách Kon Tum, Bến xe khách huyện Đăk Hà, Bến xe khách huyện Ngọc Hồi, Bến xe khách huyện Kon Plông và Bến xe khách huyện Tu Mơ Rông). Ngoài ra có 02 bến xe khách đang được đầu tư xây dựng gồm Bến xe khách huyện Sa Thầy và Bến xe khách huyện Ia H’Drai.

b) Bãi đỗ xe, điểm đỗ xe công cộng: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 01 bãi đỗ xe được tổ chức hoạt động tại khu vực trước bến xe khách Kon Tum với tổng diện tích khoảng 600m2. Ngoài ra còn có các điểm đỗ xe (chủ yếu dành cho xe taxi) được Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố bố trí trên cơ sở tận dụng một phần vỉa hè, lòng đường hoặc các khu vực cơ quan, trường học, công viên...

c) Hệ thống các trạm dừng nghỉ: Theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh có 05 trạm dừng nghỉ; tuy nhiên hiện nay chưa có trạm dừng nghỉ được công bố đưa vào khai thác.

III. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN PHƯƠNG TIỆN KINH DOANH VẬN TẢI ĐẾN NĂM 2030

1. Dự báo về nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách

- Dự báo khối lượng vận tải hàng hóa bằng đường bộ: Dựa trên cơ sở thống kê khối lượng vận chuyển hàng hóa giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân trong 05 năm là 6,37%, năm 2020 đạt khoảng 6,12 triệu tấn; mục tiêu trong giai đoạn tới tiếp tục thúc đẩy phát triển hoạt động vận tải đường bộ, coi đây là loại hình vận tải chủ đạo của tỉnh Kon Tum. Dự báo tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2030 tăng từ 6%- 8%/năm.

- Dự báo khối lượng vận tải hành khách bằng đường bộ: Trên cơ sở thống kê khối lượng vận chuyển hành khách giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân trong 05 năm là 6,11%, năm 2020 đạt khoảng 4,62 triệu lượt người; dự báo trong thời gian tới số lượng phương tiện cá nhân sẽ tăng cao, phương tiện vận chuyển hành khách tăng trưởng chậm hơn so với phương tiện cá nhân, do đó dự báo tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2030 tăng từ 7% - 9%/năm.

Trong thời gian đầu, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại, nhưng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động vận tải sẽ đi vào nề nếp và duy trì mức tăng trưởng ổn định từ 7 - 9% và trung bình khoảng 8%/năm.

2. Định hướng phát triển số lượng phương tiện kinh doanh vận tải và số lượng đơn vị kinh doanh vận tải

Xác định số lượng phương tiện kinh doanh vận tải đảm bảo phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân và thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Đảm bảo tính hợp lý và đầy đủ về cơ cấu phương tiện giữa các loại hình kinh doanh vận tải, thúc đẩy phát triển kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để gắn kết với mạng lưới vận tải hành khách bằng đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không trên toàn quốc đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn;

Kiểm soát chặt chẽ sự phát triển về số lượng đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, khuyến khích các đơn vị đầu tư mở rộng quy mô hoạt động và ưu tiên phát triển thêm các đơn vị có quy mô đầu tư lớn, bài bản và có năng lực thực sự về tài chính, quản lý điều hành; đồng thời thu hẹp và tiến tới xóa bỏ các đơn vị có quy mô nhỏ lẻ, năng lực quản lý, điều hành yếu kém; tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp phương tiện kinh doanh vận tải nhưng chưa được cấp phù hiệu để quản lý nhằm đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội, tạo điều kiện phát triển mạnh ngành du lịch, dịch vụ với chi phí vận tải hợp lý, đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân một cách tốt nhất.

a) Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định:

Số lượng phương tiện cụ thể hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định trên địa bàn tỉnh Kon Tum được xác định dựa trên Danh mục mạng lưới tuyến và công suất các bến xe khách trên địa bàn tỉnh được cơ quan có thẩm quyền công bố, cụ thể:

- Xây dựng hệ thống bến xe khách trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch, đảm bảo tại các huyện đều có bến xe đạt từ loại 4 trở lên để tổ chức tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh từ trung tâm các huyện, thành phố trên toàn tỉnh đi các tỉnh, thành trong cả nước để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân.

- Thực hiện khai thác tuyến theo danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh do Bộ Giao thông vận tải công bố và cập nhật hàng năm(1) và các Văn bản công bố Danh mục chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ Giao thông vận tải.

- Thực hiện khai thác tuyến theo Danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh, mạng lưới tuyến xe buýt nội tỉnh và liền kề được công bố tại Quyết định số 678/QĐ-UBND ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.

- Phấn đấu đến năm 2030: Phát triển số lượng phương tiện xe tuyến cố định từ 208 xe (năm 2021) lên 310 xe (năm 2030), tăng 102 xe.

b) Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt:

- Phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng đảm bảo mật độ bao phủ của mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đạt tỷ lệ khoảng 60% người dân khu vực trung tâm thành phố Kon Tum, khoảng 40% người dân khu vực trung tâm các huyện trên địa bàn tỉnh có thể tiếp cận sử dụng xe buýt; khuyến khích đầu tư các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường.

- Thực hiện khai thác tuyến theo Danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh, mạng lưới tuyến xe buýt nội tỉnh và liền kề được công bố tại Quyết định số 678/QĐ-UBND ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.

- Phấn đấu đến năm 2030: Phát triển số lượng phương tiện xe buýt vận tải hành khách công cộng từ 32 xe (năm 2021) lên 60 xe (năm 2030), tăng 28 xe. Mở rộng mạng lưới tuyến xe buýt kết nối đến tất cả các huyện, các xã trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh liền kề, theo đó sẽ xây dựng tuyến xe buýt nội đô trong thành phố Kon Tum chạy bằng nhiên liệu sạch hoặc năng lượng điện đảm bảo môi trường.

c) Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi:

Căn cứ vào Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, dự báo mức tăng trưởng kinh tế từng vùng, từng địa phương, dự kiến tăng bình quân hàng năm về số lượng xe ô tô kinh doanh vận tải từ năm 2020 đến năm 2030 trên nguyên tắc cung cầu của thị trường gồm 2 giai đoạn như sau:

- Giai đoạn 1 (từ năm 2020 đến hết 2025): Giai đoạn phát triển bình thường, bình quân tăng số đầu phương tiện là 8% - 12%/năm; đến năm 2025, tổng số lượng xe khoảng 350 xe.

- Giai đoạn 2 (từ năm 2026 đến 2030): Giai đoạn phát triển gần bão hòa, tăng bình quân 6% - 8%/năm; đến 2030, tổng số lượng xe khoảng 500 xe.

Dự kiến phát triển số lượng đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trong các năm tới như sau: Năm 2020 đang có 06 đơn vị hoạt động, dự kiến đến năm 2030 có 08 - 10 đơn vị hoạt động.

d) Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, xe du lịch:

- Khuyến khích ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, xe du lịch.

- Dự kiến số lượng xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách du lịch và xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) sử dụng hợp đồng điện tử trong thời gian tới như sau:

Giai đoạn từ năm 2020 đến hết năm 2025: Giai đoạn phát triển nhanh, tổng số lượng xe khoảng 150 xe.

Giai đoạn từ 2026 đến 2030: Giai đoạn phát triển bình thường, tổng số lượng xe khoảng 300 xe.

đ) Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa:

Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vận tải đa phương thức kết nối được giữa Khu kinh tế của tỉnh với các cửa khẩu, cảng biển, khu công nghiệp trên toàn quốc; phát triển đa dạng các loại hình và phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa kết nối vùng miền; chú trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng logistics gắn với thương mại điện tử nhằm phát triển dịch vụ logistics phát triển loại hình vận tải logistic.

IV. TỔ CHỨC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬN TẢI

Để Kế hoạch phát triển và quản lý phương tiện kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh Kon Tum được triển khai thực hiện có hiệu quả và đạt yêu cầu đề ra, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các Sở, ban ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện một số nội dung như sau:

1. Sở Giao thông vận tải

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành và các cơ quan đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện việc quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

b) Tham mưu, đề xuất các nội dung liên quan về công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo quy định.

c) Căn cứ vào danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh đã được cơ quan có thẩm quyền công bố, thực hiện thông báo trên Trang thông tin điện tử danh mục chi tiết từng tuyến, gồm các thông tin: Bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến, hành trình; tổng số chuyến xe và giờ xuất bến của từng chuyến xe đã có đơn vị tham gia khai thác, số chuyến xe chưa có đơn vị tham gia khai thác, thời gian giãn cách giữa các chuyến xe liền kề; công suất bến xe khách trên địa bàn (công suất theo giờ và theo ngày).

d) Chịu trách nhiệm chỉ đạo điều hành việc thực hiện kế hoạch, căn cứ vào lộ trình để chủ động giải quyết tăng, giảm số lượng doanh nghiệp, số lượng phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đảm bảo phù hợp với nhu cầu đi lại của Nhân dân và thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh.

đ) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông và các phòng, đơn vị chuyên môn có liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định.

2. Công an tỉnh

a) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an các huyện, thành phố tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các phương tiện tham gia giao thông vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông; trong đó, chú trọng các phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải nhưng không được cấp phù hiệu để quản lý.

b) Phối hợp với Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải xác định vị trí lắp đặt camera giám sát tại các vị trí nút giao thông trên tuyến đường bộ để kiểm soát hoạt động và xử lý vi phạm đối với các phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh.

3. Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh

Chủ trì, phối hợp Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải và các địa phương, cơ quan quản lý đường bộ có liên quan để tham mưu xác định và thực hiện lắp camera giám sát tại các vị trí cố định, tuyến đường để kiểm soát hoạt động và xử lý vi phạm đối với các phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường công tác tuyên truyền về các nội dung tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ; phản ánh các vụ việc liên quan đến công tác quản lý phương tiện kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền rộng rãi cho Nhân dân.

b) Phối hợp các cơ quan liên quan xuất bản các tài liệu tuyên truyền về các nội dung tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ.

5. Sở Y tế

a) Thực hiện, công bố các Cơ sở y tế đủ điều kiện khám sức khỏe lái xe ô tô và mô tô trên địa bàn tỉnh.

b) Chỉ đạo các Cơ sở y tế nâng cao chất lượng việc khám sức khỏe cho người lái xe; xây dựng kế hoạch thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin để khám sức khỏe và cung cấp hồ sơ, giấy khám sức khỏe điện tử cho lái xe (kết quả sức khỏe trên hệ thống điện tử) để phục vụ cho việc triển khai dịch vụ công cấp độ 4 về cấp, đổi giấy phép lái xe trong công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các kế hoạch về kiểm tra, xử lý lái xe liên quan việc lái xe sử dụng chất ma túy, các chất kích thích khác.

6. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí sự nghiệp triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

7. Sở Xây dựng

Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc quy hoạch đô thị đảm bảo quỹ đất dành cho xây dựng hệ thống bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, vị trí đón, trả khách cho xe taxi, xe hợp đồng, xe buýt để tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch này.

8. Cục Thuế tỉnh

a) Hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải triển khai thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử trong giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

b) Phối hợp Sở Giao thông vận tải hướng dẫn các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải, đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện việc cung cấp thông tin về hợp đồng điện tử đảm bảo quản lý chặt chẽ và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.

c) Chủ động phối hợp Sở Giao thông vận tải cập nhật thông tin của các tổ chức, cá nhân phát sinh hoạt động kinh doanh vận tải để thực hiện quản lý thu thuế kịp thời.

d) Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn; thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với các đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm các quy định về Pháp luật thuế.

đ) Phối hợp các Sở, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý thu thuế, thu hồi nợ đọng thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

a) Căn cứ chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa phương phối hợp với Sở Giao thông vận tải triển khai thực hiện Kế hoạch này.

b) Chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc quy hoạch đô thị đảm bảo quỹ đất dành cho xây dựng hệ thống bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, vị trí đón, trả khách cho xe taxi, xe hợp đồng, xe buýt để tổ chức triển khai có hiệu quả.

c) Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để triển khai các nội dung: Xác định, xây dựng và quản lý các vị trí đón, trả khách cho xe taxi; vị trí đón, trả khách cho xe hợp đồng, xe du lịch, xe buýt công cộng trên địa bàn.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các cơ quan đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ (trên cơ sở điều kiện thực tế của địa phương, của ngành nghiên cứu các giải pháp phù hợp) tổ chức, triển khai có hiệu quả Kế hoạch này.

2. Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc triển khai các nhiệm vụ của Kế hoạch này, tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan đơn vị có liên quan triển khai thực hiện kế hoạch. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Giao thông vận tải tổng hợp) để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Giao thông vận tải (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban An toàn giao thông tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Các Sở, ban ngành thuộc tỉnh;
- Cục Thuế tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Hiệp hội vận tải ô tô Kon Tum;
- Văn phòng UBND tỉnh (CVP, các PCVP);
- Lưu: VT, HTKT.HMC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễ
n Hữu Tháp

 



(1) Tại các Văn bản: Quyết định số 2288/QĐ-BGTVT ngày 26 tháng 6 năm 2015, Quyết định số 3848/QĐ-BGTVT ngày 29 tháng 10 năm 2015, Quyết định số 135/QĐ-BGTVT ngày 15 tháng 01 năm 2016, Quyết định số 2548/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 8 năm 2016, Quyết định số 189/QĐ-BGTVT ngày 19 tháng 01 năm 2017, Quyết định số 2318/QĐ-BGTVT ngày 04 tháng 8 năm 2017, Quyết định số 317/QĐ-BGTVT ngày 08 tháng 02 năm 2018, Quyết định số 1888/QĐ-BGTVT ngày 24 tháng 8 năm 2018, Quyết định số 667/QĐ-BGTVT ngày 19 tháng 4 năm 2019, Quyết định số 1725/QĐ-BGTVT ngày 19 tháng 9 năm 2019, Quyết định số 542/QĐ-BGTVT ngày 03 tháng 4 năm 2020, Công văn số 2731/BGTVT-VT ngày 02 tháng 4 năm 2021 và Quyết định số 1215/QĐ-BGTVT ngày 05 tháng 7 năm 2021

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 3450/KH-UBND năm 2021 về phát triển và quản lý phương tiện kinh doanh vận tải đảm bảo phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân và thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

  • Số hiệu: 3450/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 27/09/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Nguyễn Hữu Tháp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản